THỨ NĂM TUẦN THÁNH, năm B

Ga 13, 1-15

 

Chiều hôm nay chúng ta sống lại biến cố Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ và cho cả nhân trần cách đây hơn hai nghìn năm. Chúa rửa chân cho các môn đệ và ban thịt máu mình cho nhân loại. Trong bữa ăn vượt qua chiều hôm nay, Tin Mừng nhất lãm không đề cập gì tới việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, nhưng thánh Gioan thì tường thuật lại việc này một cách rất tỉ mỉ, chi tiết. Thánh Gioan đã đưa nhân loại vào khung cảnh, vào câu chuyện:” Trước lễ vượt qua, Chúa Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài ra khỏi thế gian này…Ngài đã yêu mến họ đến cùng. Giờ ở đây có nghĩa là giờ chết, giờ định mệnh của đời Ngài nhưng Ngài đã can đảm đi vào giờ ấy với tất cả lòng quả cảm của mình vì Ngài biết đây là giờ cứu độ. Cái chết của Chúa Giêsu sẽ là sự hoàn thành những lời hứa cho cha ông và đặc biệt là tình yêu đối với các môn đệ. Để diễn tả tình yêu của Ngài, Đức Giêsu đã chỗi dậy, bỏ áo xuống và lấy khăn thắt lưng mình…rửa chân cho các môn đệ, rồi lấy khăn thắt lưng mà lau.Chúa Giêsu cho thấy cái tương phản giữa sự cao cả của Ngài và sự yếu hèn tầm thường của các môn đệ. Và việc rửa chân đã xẩy ra giữa bữa ăn chứ không phải ngay từ đầu bữa ăn. Do đó, nó cho thấy tính cách ngôn sứ của Ngài. Đức Giêsu đã chỗi dậy ra khỏi bàn ăn. Ở đây nói lên sự vượt qua của Ngài khác nào dân Do Thái khi xưa đi qua biển đỏ. Vượt qua đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là trở về cùng Chúa cha nhưng còn có nghĩa trao ban thịt máu, là thí mạng vì đoàn chiên. Chính vì thế, Gioan đã tả lại hành vi của Đức Giêsu: Chúa Giêsu chỗi dậy, cởi áo ra. Đây là hành vi lột bỏ tất cả, trở thành nô lệ để phục vụ như người nô lệ. Hành vi rửa chân của Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh Ngài sẽ hư vô hóa đời Ngài trên thập giá. Việc Ngài cầm chậu quỳ gối rửa chân cho các môn đệ cho thấy sự tự hủy của Ngài như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Philip:”…Người đã lĩnh lấy thân phận tôi đòi”…Chúa Giêsu cũng trở nên nghèo khó để làm cho người khác nên giầu có. Việc rửa chân của Chúa Giêsu còn diễn tả”tình yêu cho đến cùng của Chúa Giêsu”. Chúa là Thầy và là Chúa mà đã nêu gương và dậy các môn đệ và chúng ta cũng làm như vậy. Điều đáng lưu ý trong việc rửa chân cho các môn đệ là thái độ của Chúa Giêsu trước Giuđa Iscariốt kẻ phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã tỏ ra nhân đạo và tự chủ hết mình trước kẻ phản bội. Ở đây chúng ta nhận ra một điểm sâu xa khác là Ngài hạ mình ngay cả trước kẻ sẽ phản bội Ngài. Cử chỉ này của Đức Giêsu đã tỏ rõ nét Chúa yêu thương môn đệ cho đến cùng.

Hiểu được việc rửa chân của Chúa Giêsu cho các môn đệ chiều nay, chúng ta mới hiểu rõ hơn việc Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong khung cảnh Ngài tự hủy mình.Chúa Giêsu đã chọn khung cảnh lễ vượt qua của người Do Thái để thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu. Trong lễ vượt qua của người Do Thái, người ta ăn bánh không men,rau diếp đắng, nhưng còn sát tế chiên con, lấy máu bôi trên cửa để Chúa không giết các con đầu lòng của người Do Thái, con chiên được người ta nướng mà ăn. Con chiên người Do Thái ăn lễ vượt qua chính là hình bóng của Đức Giêsu chiên vượt qua của chúng ta. Là chiên vượt qua Chúa Giêsu đã trở nên của ăn của uống cho ta và gánh tội cho ta. Ngài đã thực hiện điều đó trong đêm Ngài bị nộp.

Chúa Giêsu là bánh khi Ngài trở nên nghiền nát, chịu treo trên thập giá để gánh tội cho con người. Chúa Giêsu là rượu là máu giao ước. Rượu là chính máu Người đổ ra để tẩy xóa nhân loại và để cho nhân loại được sống trong giao ước vĩnh viễn.

Chiều nay khi nghe đọc các bài sách thánh tự nhiên chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thật sâu xa của Chúa Giêsu. Đức Giêsu đã sống tự hạ để nêu gương khiêm nhu và

mời gọi chúng ta sống khiêm tốn, phục vụ mọi người. Chúa là Thầy và là Chúa mà đã trở nên tôi tớ để nêu gương phục vụ tối cao cho mọi người. Khi lập Bí Tích Thánh Thể Chúa đã chết đi để cho con người được sống và sống dồi dào.

Vâng đã hơn hai nghìn năm, Chúa Giêsu đã không để lại cho nhân loại kho tàng châu báu ngọc ngà, nhưng Ngài đã để lại cho nhân loại, cho con người những điều thật quí báu, thật giá trị: Bí Tích Thánh Thể, Chức linh mục thừa tác và tình huynh đệ anh em.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu rõ những hành vi, cử chỉ của Chúa vì Chúa đang thực hiện nơi ta những điều thật kỳ diệu. Mẹ Têrêsa Calcutta nói:” Đừng thỏa mãn với việc cho đi tiền bạc. Tiền bạc mà thôi chưa đủ, còn cần tấm lòng yêu thương nữa”.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà