CHÂN DUNG TRUYỀN THÔNG KITÔ GIÁO
SUY NIỆM TỪ THỨ HAI TUẦN 4
ĐẾN CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY
An Thanh CSsR
Mùa Chay Năm Thánh Giáo
Hội Việt Nam (2009-2011)
CHÚA GIÊSU: NHÀ TRUYỀN THÔNG
(Thứ hai, 15.03.2010)
Chúng ta vừa qua Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay.
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã chia sẻ với nhau nhiều vấn đề và cho rất
nhiều người. Trong tuần này tôi muốn dành một ít thời gian để chúng ta nói
chuyện cho nhau với tư cách là những người làm truyền thông chuẩn bị sám hối,
chuẩn bị tìm một con đường trở về với Thiên Chúa.
Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta một hình ảnh
về người truyền thông, đó là hình ảnh Chúa Giêsu.
Câu chuyện Kinh Thánh mà chúng ta nghe trong
tin mừng Gioan 4, 43-54 kể cho chúng ta một câu chuyện như thế này: một ông
quan cận vệ có một đứa con yêu quý bệnh rất nặng. Ông đã phải chạy thầy chạy
thuốc khắp nơi, nhưng cuối cùng con ông vẫn không hết bệnh. Và ông đã tìm đến
gặp Chúa Giêsu và xin Ngài chữa bệnh. Khi vừa nghe, Chúa Giêsu đã nói liền với
ông: “Ông về đi, con ông sống.”
Câu nói: “Ông về đi, con ông sống.” là câu mà
chính ông quan cận thần này hằng ước ao bởi vì một thời gian dài, ông đã tìm cách
làm sao để con ông sống nhưng con ông vẫn cứ trong tình trạng yếu đuối, bệnh
tật và đang hấp hối. Câu Chúa Giêsu nói “con ông sống” làm thỏa lòng cho người
nghe, cho chính ông quan cận thần đó. Nhưng chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi:
Làm sao ông quan cận thần đó có thể dễ dàng tin như thế? Bởi vì trước khi ông
đến gặp Chúa Giêsu thì con ông đang trong tình trạng hấp hối và cần lắm sự có
mặt của Chúa Giêsu để chữa lành. Ông muốn Chúa Giêsu có ở nhà ông, có với con
ông để chữa lành cho nó kia mà. Như vậy chúng ta thấy ở đây cách nói của Chúa
Giêsu vừa làm thỏa mãn được nhu cầu người nghe nhưng quan trọng hơn là chính
thông điệp Chúa Giêsu nói ra và cách Chúa Giêsu nói làm cho ông quan cận vệ cảm
thấy đó là một lời đáng tin, và thực sự đúng như vậy, nên khi nghe Chúa Giêsu
nói ông về đi con ông sống thì tức khắc ông quay trở về và trên đường ông về
thì ông đã gặp các giai nhân ở nhà đi tìm ông để báo và cho ông biết đúng vào
giờ của ngày hôm trước lúc Chúa Giêsu bảo: “ông về đi, con ống sống” thì cậu nhà
của ông bắt đầu được phục hồi tức là hết bệnh.
Một người truyền thông làm sao có thể chắc chắn
rằng tin của mình đưa ra thực sự làm thỏa lòng người nghe, tin của mình đưa ra
thực sự là một điều đáng tin đến mức độ người ta chỉ cần nghe là đã có thể hành
động theo.
Chúng ta biết, ở phạm vi con người khó có thể
làm được điều đó một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu khi nói điều đó mà làm cho ông
sĩ quan tin ngay, tôi nghĩ rằng có hai tác động. Tác động thứ nhất bởi vì trước
khi đến gặp Chúa Giêsu ông đã từng nghe về Chúa Giêsu và đã có nhiều người tin
Chúa Giêsu. Một cách nào đó niềm tin của ông dựa trên niềm tin của những người
khác, nên ông đã đến tìm Chúa Giêsu. Nhưng yếu tố thứ hai thì quan trọng hơn,
đó là chính nội dung sứ điệp. Chính lời nói “Ông về đi, con ông sống.” là một
sức mạnh đủ, không chỉ làm cho người nhận thông tin thỏa lòng bởi sự hiểu biết
nhưng có tác động làm cho người nhận thông tin đó thay đổi cuộc sống hiện tại.
Ở đây nổi niềm ước ao của ông quan cận vệ là con ông sống đã đạt được.
Liệu với tư cách là một nhà truyền thông, chúng
ta có thể đưa ra được những thông tin đó không? Đây là một thách thức thực sự
đối với chúng ta. Nếu chúng ta thực sự nỗ lực, chúng ta cũng có hy vọng. Nhưng
rõ ràng chúng ta sẽ không bao giờ đạt được trình độ đó. Đó là luôn luôn có thể gởi một sứ điệp đến với mọi
người, để người ta có thể tin chắc chắn luôn luôn như vậy. Nhưng chúng ta
cũng đừng quá bi quan bởi vì Chúa Giêsu không phải là Đấng nói ở bên ngoài
chúng ta mà Đấng đang nói trong chính cuộc đời chúng ta. Ngài cùng là người
truyền thông với chúng ta, nhà truyền thông, nên nếu một lúc nào đó chúng ta
nhận ra thông tin của mình thực sự quan trọng, quan trọng như giá trị cứu độ
thì chúng ta thử đặt câu hỏi này: Thông
tin đó, giá trị cứu độ đó có chỗ đứng của Giêsu không? Nếu thực sự có chỗ đứng
của Giêsu thì thông tin đó sẽ đủ sức để lay chuyển cuộc đời của người nghe.
Chúng ta dừng lại nơi đây để cho những suy tư
của chúng ta trong ngày sống hôm nay đủ làm cho chúng ta suy nghĩ lại giá trị
nội dung truyền thông mà chúng ta vẫn gởi đến mọi người. Xin Chúa Giêsu đến với
chúng ta và làm cho chúng ta có sức mạnh của Ngài trong ngày hôm nay. Amen.
ĐƯA TIN CẦN KÍP ĐẾN CHO
NGƯỜI CẦN THÔNG TIN
(Thứ ba, 16.03.2010)
Hôm nay chúng ta sẽ cùng dựa trên đoạn Lời Chúa
của Tin mừng Gioan 5, 1- 3a và 5-16 để chia sẻ với nhau về nỗ lực đưa thông tin
của người truyền thông đến những người cần thông tin.
Gần đây, ở đất nước chúng ta thông tin đã trở
nên phổ quát hơn, dễ tiếp cận hơn với mọi người, nhưng không phải tất cả mọi
thông tin đều đến với mọi người một cách bình đẳng. Vẫn có những người tham
nhũng về thông tin và có những người bị tước đoạt thông tin, dẫn đến tình trạng
nghèo khổ một cách bất nhân và giàu có một cách bất nhẫn. Chúng ta đưa ra một
ví dụ cụ thể: trước khi tỉnh Hà Tây trở thành Hà Nội một năm, những người nông
dân nghèo khổ quá, phải bán bớt đất của mình đi nhưng họ đã phải bán với giá
đất của một tỉnh lẻ, đất nông nghiệp, nhưng một năm sau thì đất đó đã trở thành
đất thủ đô, những người mua từ phương xa đã hưởng được giá đất lên cao như vàng
ròng. Tại sao những người ở phương xa lại có thể biết thông tin trước về đất Hà
Tây rằng sau một năm đất này sẽ trở thành đất thủ đô để họ đầu tư vốn lớn mà
mua đất, trong khi chính người dân trên vùng đất đó lại không biết thông tin đó
để họ có thể cùng đóng góp ý kiến hoặc ít ra họ có thể quy hoạch đời sống tương
lai của mình. Đây là một tình trạng bất công về thông tin làm cho người nghèo
tiếp tục lầm than và những người trục lợi về thông tin tiếp tục giàu có một
cách bất chính.
Lời Chúa cũng đưa ra cho chúng ta một hình ảnh
gần như vậy: một anh bại liệt 38 năm. Anh có mặt ở bên cạnh bờ hồ Betsatha, nơi
đó tương truyền rằng cứ mỗi khi hồ nước dậy sóng mà ai là người bước xuống hồ
nhanh thì sẽ được chữa lành, nhưng anh một thân một mình sau khi đã đổ hết tiền
vào chữa bệnh mà không khỏi lê lết được đến nơi đó để đợi. Cứ mỗi lần có rung
động trên mặt hồ nước thì những người có thân nhân đã được đưa xuống nước
trước, nên họ đã được chữa lành. Anh đã nằm chờ ở đây suốt 38 năm mà chẳng ai
giúp đỡ. Và đối với anh chỉ có một thông tin duy nhất là chỉ có xuống hồ nước
đó mới được chữa lành trong khi thật ra có những thông tin khác quan trọng hơn
để giúp anh được chữa lành mà có nhiêu người khác biết, nhưng họ đã không báo
cho anh. Những người biết rõ đó là các kinh sư, là những người Pharisiêu và
thậm chí tư tế Do Thái, chúng ta gọi là giới cầm quyền Do Thái. Những người này
biết thông tin nhưng cố tình không nói cho anh biết, và không chỉ cố tình không
nói mà còn cố tình xuyên tạc thông tin sự thật đó, nhất là nổ lực ngăn cản để
không ai dám nói về thông tin đó cho anh bại liệt.
Chúa Giêsu đến, Ngài nhìn rõ và biết rằng anh
này đã bệnh lâu năm nên Ngài hỏi: “Anh có muốn lành không?” Lúc đó anh như có
được cơ hội để trút lòng mình ra. Anh cho biết đã 38 năm qua chẳng ai khiêng
anh xuống. Khi Chúa Giêsu hỏi anh như vậy, có dấu cho thấy Ngài có một thông
tin hữu ích cho anh. Ngài có khả năng làm cho anh lành! Đó là một thông tin
quan trọng! Ngoài việc xuống hồ nước để được chữa lành thì còn cách khác là gặp
Đức Giêsu anh ta có thể được lành bệnh. Nhưng giới cầm quyền Do Thái đã giữ bí
mật thông tin này. Vì họ sợ rằng những người như anh biết được thông tin thì
dân chúng sẽ nổi loạn chống lại họ mà theo Chúa Giêsu.
Biết rõ như vậy nên Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy
chỗi dậy, vác chõng mà về nhà.” Anh liệt đã tin ngay điều đó, vì lời đó là một
lời sức mạnh, một thông tin mà anh ước ao được nghe và đó lại là thông tin
thật. Anh đã đứng dậy, vác chõng về nhà. Anh lành bệnh rồi.
Giới chức Do Thái căm ghét Chúa Giêsu và lấy lý
do rằng Chúa Giêsu đã làm điều đó trong ngày sabát. Thực ra xét về luật sabat,
Chúa Giêsu không hề phạm luật vì Chúa Giêsu không làm việc nặng trong ngày
sabat. Ngài chỉ nói. Ngài không phạm luật. Nhưng người ta ghét Ngài, bởi vì
Ngài đã đưa thông tin đủ sức cứu một người 38 năm bại liệt còn họ thì muốn giữ
những người nghèo trong tình trạng nghèo bệnh tật đó để họ dễ thống trị.
Với tư cách là một nhà
truyền thông, chúng ta có dám đưa đến cho những người nghe những thông tin cần
cho họ
để cứu độ họ, để chữa lành họ, để giải phóng họ không? Trong một tình trạng mà
nhà cầm quyền ngăn cản những thông tin đó, răn đe, cấm cản những thông tin đó.
Chúa Giêsu chấp nhận để bị bắt, Chúa Giêsu chấp nhận để người ta đóng đinh trên
thập giá để loan báo Tin Mừng.
Chúng ta hãy ngẫm nghĩ về sự trả giá của Chúa
Giêsu, thực ra sự trả giá của Chúa Giêsu không vô nghĩa và nếu một ai trong
chúng ta là những nhà truyền thông dám trả giá cho việc loan tin cũng không vô
nghĩa đâu. Chúa sẽ chúc lành cho chúng ta. Chúa sẽ chúc lành cho những người
nghe và những người nghe sẽ ngợi khen Chúa cùng với chúng ta. Amen.
NGƯỜI TRUYỀN THÔNG KHÔNG TỰ NÓI Ý MÌNH
(Thứ tư, 17.03.2010)
Hôm nay là ngày thứ tư, 17/3/2010, chúng ta
tiếp tục cùng nhau suy nghĩ về người truyền thông. Hình ảnh Chúa Giêsu là một
nhà truyền thông tiếp tục thách thức chúng ta trong tư cách là những người
truyền thông. Người truyền thông liệu có phải là truyền đi những điều mình muốn
không?
Chúa Giêsu là một nhà truyền thông không nói
theo ý mình. Ngài khẳng định: Tôi không nói những điều tự tôi nhưng tôi nói
những điều tôi thấy từ nơi Cha. Người truyền thông không sáng tác ra sự kiện,
không sáng tác ra nội dung nhưng là một người quan sát, một người nhận thông tin
rồi trao lại thông tin cho người khác. Tôi thích hình ảnh của Cha Robert, giám
đốc hãng tin Ucanews, dùng. Ngài ví nhà truyền thông như là một ly thủy tinh
trong suốt, người ta đổ nước màu đen vào thì khán thính giả, bạn đọc sẽ nhìn
thấy cái ly đó chứa nước màu đen, người ta đổ nước màu vàng vào thì mọi người
sẽ nhìn thấy cái ly đó chứa nước màu vàng, chứ nhà truyền thông không phải là
một cái ly được tráng kẽm đen thui hoặc bị bọc nhựa đỏ chói hoặc là trắng bạch
để rồi người ta rót nước đen, nước vàng, nước đỏ gì thì ở ngoài đều không thấy
thực chất cái nước đó, mà chỉ thấy màu của cái ly. Chúa Giêsu là nhà truyền
thông đích thực ở chỗ đó, Ngài được sai đến để nói những điều Cha muốn và những
điều mà Ngài thấy nơi Cha. Điều Cha muốn là cứu độ, điều Ngài thấy là ở với Cha
là hạnh phúc và khi Ngài đưa tin, thì Ngài hòa quyện cuộc đời của Ngài với
truyền thông là một, đến mức độ Ngài nói: “Ai nghe lời tôi thì có sự sống đời
đời”. Chính sự sống được Ngài quyện lại đó là bảo chứng cho sứ điệp Ngài gởi
đến chúng ta.
Còn chúng ta nhiều khi đã chính trị hóa thông
tin, đưa thông tin để lợi cho cái này, đưa thông tin để lợi cho cái kia mà quên
rằng trách nhiệm của một nhà truyền thông
là đưa tin lợi nhất cho người nghe, người xem, người đọc chứ không phải vì
lợi ích của nhóm này đảng kia. Đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vai trò của
người truyền thông. Truyền thông không phục vụ cho một công cụ chính trị mà phục vụ cho người đón nhận, để chính họ,
người nghe - người xem - người đọc, có quyền thong dong chọn lựa thông tin và
có quyền thẩm định thông tin đó theo vốn sống, theo đức tin và theo tri thức
của họ có.
Chúng ta xin Chúa Giêsu đánh thức lương tâm của
người truyền thông, để chúng ta không làm như cái máy, để chúng ta không làm
như sự chỉ đạo mà làm như sự thật, làm
như chính thông tin là, làm như chính những gì chúng ta thấy.
Xin Chúa Giêsu Đấng đã làm điều đó để cho chúng
con có được Tin Mừng, ban cho chúng con nghiệm được giá trị cứu độ của sự thật
mà chúng con đón nhận được từ Cha nơi Chúa để chúng con cũng loan báo cho mọi
người. Amen.
NGƯỜI LÀM TRUYỀN THÔNG LÀ NGƯỜI LÀM CHỨNG CHO
SỰ THẬT
(Thứ năm, 18.03.2010)
Ngày hôm qua chúng ta đã bắt đầu nói đến khía
cạnh người thông tin là người nói về sự thật. Ngày hôm nay nhờ Lời Chúa chúng
ta sẽ nói mạnh hơn và sâu hơn điều này, đó là người làm công việc truyền thông
là người làm chứng cho sự kiện.
Trong các cuộc chiến ngày này, các hãng tin lớn
thường gởi phóng viên của mình đến tận mặt trận để có thể đưa những bản tin
trực tiếp giữa khói đạn, để có thể phỏng vấn trực tiếp những nạn nhân cũng như
phỏng vấn trực tiếp những vị tướng chiến thắng hay thất bại, và yếu tố quan sát
trực tiếp đó làm cho người đưa tin không chỉ là một cái loa phát lại những gì
đã được ghi âm, nhưng chính người phóng viên, người đưa tin, người truyền thông là người làm chứng, và
đây mức độ tin cậy cao nhất của người truyền thông, đó là người làm chứng và
một bản tin do người làm chứng đưa ra thì thường có giá trị hơn cả.
Chúa Giêsu là người đưa tin theo kiểu làm chứng
và làm chứng đến mức độ dám lấy mạng sống của mình ra để bảo chứng cho các
thông tin của mình đưa ra là thật. Chúa Giêsu đã loan báo tin gì cho chúng ta?
Thiên Chúa yêu thương và cứu độ nhân loại, những ai dám đón nhận tình yêu đó
thì sẽ được cứu độ , nó vượt lên trên tất cả mọi lề luật. Con người ta được cứu
bởi lòng xót thương của Thiên Chúa và Ngài đã dám lấy sự sống của mình để bảo
chứng. Ngài vẫn trung thành với điều đó cho đến chết trên thập giá. Thánh Kinh
lại làm chứng về Ngài. Chính Chúa Cha cũng làm chứng về Ngài, chính Chúa Thánh
Thần lại làm chứng về Ngài, và ông Môsê trong Cựu ước cũng làm chứng về Ngài,
nên chúng ta có thể nói Chúa Giêsu là một người truyền thông, là một người làm
chứng và làm chứng thật đến mức độ chính Ngài là sự thật.
Chúng ta ai cũng ước ao điều đó nhưng nhân vô
thập toàn, nhiều khi chúng ta đã không có cơ hội tiếp cận đủ sự thật một cách
trực tiếp mà chỉ qua trung gian, nhưng vì mặc cảm tự ti cho hãng tin của mình,
nên trong tư cách phóng viên, chúng ta lại nói dối rằng chúng ta đang đưa bản
tin này, đang tường thuật bản tin này trực tiếp, thậm chí tin đó là tin chúng
ta ăn cắp từ bản tin của một hãng tin khác. Chúng ta lại không để nguồn, chúng
ta lại coi như chính chúng ta là người săn tin và tác tạo ra tin này một cách
trọn vẹn. Chúa Giêsu không làm như vậy, mà chúng ta làm như vậy thì chúng ta đã
đánh mất vai trò làm chứng, tức là đưa tin ở mức độ cao nhất. Trong Mùa Chay
này, chúng ta ước ao xa dần lối làm tin hùa theo người khác, xa dần lối làm tin
không làm chứng, xa dần lối làm tin cứ nói mà bất kể sự thật như thế nào, để
rồi chúng ta hiên ngang bước vào lĩnh vực mà mọi người làm truyền thông trên
thế giới đểu ước ao, đó là người truyền
thông làm chứng cho bản tin mình truyền thông.
Chúng ta hãy can đảm theo gương thầy Giêsu, một
nhà truyền thông vĩ đại, mẫu mực về truyền thông cho chúng ta. Tôi tin chắc
rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, ở với các bạn, ở với tôi. Hãy can đảm lên,
chúng ta có Chúa Giêsu là nhà truyền thông đích thực. Amen.
BẢO VỆ SỰ THẬT, NGƯỜI TRUYỀN THÔNG CHẤP NHẬN BỊ
ÁM HẠI
(Thứ sáu, 19.03.2010)
Khi chúng ta nói người truyền thông là người
đưa sự thật, làm chứng cho sự thật thì một cách nào đó người truyền thông đã
đứng ở vai trò bảo vệ sự thật. Nhưng bảo vệ sự thật trong thế giới ngày nay có
thể nói nó là một thử thách, đòi hỏi chúng ta phải trả giá.
Khi chúng ta nói sự thật mà người ta không ủng
hộ thì người ta có thể gây khó cho chúng ta. Vào dịp tết năm ngoái, báo Du
Lịch, số xuân, có đăng những bài rất hay, rất quan trọng cảnh báo về vấn đề an
ninh biên giới, Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó, phó tổng biên tập phụ trách số báo
xuân đã bị cho về hưu. Đến bây giờ, đầu năm nay một vị có chức trách thật quan
trọng trong chính phủ lại khuyên các cơ quan truyền thông phải nhạy cảm đưa tin
về biên giới. Đó là kinh nghiệm tại Việt Nam của chúng ta. Kinh nghiệm này
không phải ở thời điểm hiện tại mới có, mà cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu cũng
đã gặp và trước Chúa Giêsu 2000 năm trong thời Cựu Ước, các ngôn sứ cũng đã
gặp.
Chúng ta nghe những lời của sách Khôn Ngoan
viết mà những giới chức cầm quyền Do Thái đã tìm cách để đối xử với những người
đã đưa ra những sự thật, đưa ra những điều ngay lẽ chính cho mọi người như thế
này: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính vì nó làm vướng chân ta, nó chống lại
các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật và tố cáo ta không tuân theo lễ giáo.”
(Kn 2, 12).
Thời nào cũng vậy, những thông tin sự thật đụng
chạm đến giới cầm quyền, tức khắc có vấn đề. Có thể những nhà cầm quyền đã quên
rằng họ không phải là thần thánh, họ cũng có sai lầm và sai lầm đó cần được hệ
thống thông tin cảnh báo để điều chỉnh. Sự sai lầm mà được phủ kín lên thì sai
lầm sẽ đẻ ra sai lầm, sai lầm như một men được vùi trong bột, sẽ nở ra to rất
nhanh. Có lẽ trong một thời gian dài vừa qua, những người làm chứng cho sự thật
đã bị bắt bớ, đã bị gây khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên
thế giới nữa, đã làm cho nhiều phóng viên sợ hãi, rụt lui.
Thật đáng tiếc, nhưng cũng may, chúng ta thấy
rằng cũng còn rất nhiều phóng viên cũng can đảm, sẵn sàng mất việc, sẵn sàng bị
xử lý một cách đặc biệt, ví dụ việc đưa thông tin về Irak của hãng tin BBC cách
đây vài năm.
Chúa Giêsu là một người đưa thông tin như thế,
Ngài cảnh báo giới cầm quyền Do Thái ở thời của Ngài, nếu không quay về với
Thiên Chúa một cách đích thực để thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật mà chỉ
bám vào những hình thức râu ria do con người phịa ra thì chắc chắn sẽ tiêu. Một
đất nước mà được xây dựng trên một hệ thống học thuyết nào đó mà đã được minh
chứng là ảo tưởng rồi, là suy đồi rồi, là không còn phù hợp mà vẫn còn đổ sức
dồn theo và ép buộc con dân nước dồn theo như vậy thì báo cho biết rằng những
người đang làm việc đó đang trong tình trạng bế tắc một cách nghiêm trọng về
mặt tư tưởng, bế tắc thực sự về hành động và chỉ còn đang muốn duy trì một tình
trạng sống dở chết dở mà thôi.
Thật ra họ nghĩ rằng khi làm điều đó thì họ mất
mọi sự, nhưng không, họ không mất gì cả, vì trong kinh nghiệm của nhân loại cho
thấy cái đúng cái sai nó phù hợp theo thời khắc, theo hoàn cảnh, không có cái
đúng vĩnh viễn của con người trong nhân loại này. Không có giá trị đời đời do
con người làm ra cho con người trong thế gian này. Nên cái ngày hôm qua đúng
ngày hôm nay có thể sai, mà nếu sai rõ ràng thì sửa và việc làm đó sẽ được công
chúng hoan hô, công chúng vui mừng, công chúng ủng hộ, nhất là không mất gì cả.
Nhưng nếu sợ và dẫn đến tiêu diệt những người dám bảo vệ sự thật đó thì giới
chức cầm quyền đã bị rơi vào một tình trạng bi đát hơn, đó là tiêu diệt nguồn
sự thật. Lịch sử loài người đã chứng minh không ai có thể tiêu diệt được sự
thật.
Trở lại chuyện của nhà truyền thông của chúng
ta, khi bạn là người đang giữ sự thật, bạn có dám công bố sự thật và bảo vệ sự thật đến cùng hay không mới là nội
dung sứ điệp ngày hôm nay mà chúng ta cần suy gẫm. Chúa Giêsu dám rồi đó, các
tông đồ dám rồi đó, các thánh tử đạo Việt Nam dám rồi đó, nhiều nhà báo nổi
tiếng trên thế giới và tại Việt Nam cũng dám rồi đó. Còn tôi và bạn có dám
không? Chúng ta không thách thức nhau nhưng chúng ta cầu chúc cho nhau. Xin
Chúa ban sức mạnh của Ngài cho chúng ta để chúng ta dám bám vào sự thật, tức là dám bám vào chính Chúa Giêsu để dẫu trong
mọi hoàn cảnh chúng ta có sự thật, có Chúa Giêsu giải thoát chúng ta. Amen.
THÁI ĐỘ ĐÓN NHẬN SỰ THẬT CỦA KHÁN THÍNH GIẢ,
ĐỘC GIẢ
(Thứ bảy, 20.03.2010)
Trong 5 ngày vừa qua, chúng ta đã nói với nhau
tư cách và hình tượng của một nhà truyền thông trên qua việc tập trung vào Chúa
Giêsu là Đấng truyền thông. Hôm nay chúng ta nói một chút xíu về bạn đọc, về
khán thính giả, đọc giả, về thái độ đón nhận thông tin của ho.
Thông thường, người ta đón nhận thông tin nhờ
kinh nghiệm sống cá nhân, nhờ vào trí thức họ có để đón nhận thông tin một cách
vui mừng, một cách hạnh phúc hay khước từ thông tin đó hoặc e dè, hồ nghi thông
tin. Với cách đón nhận đó thì thông tin thông thường không được đón nhận một
cách trọn vẹn, bởi vì đã qua quá nhiều màng lọc mà mỗi màng lọc đó cho những
cách đón nhận và đánh giá thông tin khác nhau. Đôi khi chỉ một thông tin được
đón nhận thôi cũng có thể gây nên trong lòng của người tiếp nhận mâu thuẫn, một
ý hướng ủng hộ, một ý hướng chống đối. Chúa Giêsu trong hoàn cảnh này là đặc
biệt.
Chúa Giêsu công bố lời của Ngài, công bố ơn cứu
độ của Thiên Chúa Cha đã gần đến và xuất hiện rồi nhưng người Do Thái lại bảo
rằng: ô hay, ông này là một người ở Galile, mà Galile làm gì có một ngôn sứ nào
và thế là họ không đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu. Họ đã đón nhận sứ điệp của
Chúa Giêsu qua lăng kính của một kinh nghiệm loại trừ, nên cuối cùng Chúa Giêsu
nói gì họ không biết, họ không hiểu, họ không thấu cảm.
Điều này chúng ta không hoàn toàn trách những
người nghe mà một phần chúng ta phải cật vấn lại lương tâm chúng ta về cách đưa
tin. Nhiều khi chúng ta cũng đưa tin một cách không khách quan mà cũng dựa theo
thiên kiến bởi tri thức, bởi kinh nghiệm riêng và hoài bão riêng của chúng ta,
nên một cách nào đó cũng làm cho người đón nhận thông tin dần dần bị ảnh hưởng.
Cách đưa tin đích thực chúng ta đã nói rồi, thấy gì đưa đó và đưa một cách trung thực,
không mang nặng tính định hướng tư tưởng. Còn người nghe để có thể đón nhận
thông tin và giá trị chọn lựa thông tin thì cần phải can đảm vượt qua sự hiểu
biết thông thường của mình. Bạn nghe, bạn được quyền đánh giá nội dung thông
tin, vì chỉ có đánh giá nội dung thông tin được, bạn mới đưa ra được những cơ
hội lựa chọn cho chính mình làm quyết định. Nhưng trước khi đón nhận đầy đủ
thông tin bạn khoan vội đánh giá bằng những tính từ lên án: sai rồi, có vấn đề
rồi, lạ quá, khó chấp nhận quá. Hãy tập cởi mở với những câu hỏi đơn giản:
chuyện gì vậy? có gì mới đây? còn gì nữa không? … Khi bạn đã đón nhận trọn vẹn
sứ điệp rồi, lúc này bạn hãy thẩm định đi. Thẩm định bằng vốn sống của bạn,
bằng tư duy của bạn và bằng cả lương tâm của bạn nữa, để rồi bạn chọn lựa, và
khi chọn lựa rồi, bạn làm quyết định thì bạn sẽ chịu trách nhiệm về quyết định
của mình chứ không phải bởi bản tin nó đã định hướng cho bạn đâu. Chính bạn sẽ
quyết định.
Chúa Giêsu cũng không ép bạn đón nhận ơn cứu độ
khi Ngài nói về ơn cứu độ, nhưng Ngài ước ao bạn có thể đón nhận sứ điệp cứu độ
cách thong dong, đầy đủ để rồi bạn có đầy đủ thông tin phân tích, đánh giá,
chọn lựa và quyết định. Hãy dành một vài phút thực sự đủ cho một sứ điệp. Tôi
tin chắc rằng bạn sẽ gặp được điều tuyệt vời khi đón nhận sứ điệp của Chúa
Giêsu, và ước ao chúng ta sẽ gặp nhau trong sứ điệp Giêsu.
LƯƠNG TÂM NGƯỜI LÀM TRUYỀN
THÔNG LÊN TIẾNG
(Chúa nhật, 21.03.2010)
Hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ V Mùa
Chay. Lời Chúa ngày hôm nay lại cho chúng ta một lời mời gọi đối với những nhà
truyền thông, những người tương tác về thông tin.
Câu chuyện của Lời Chúa là một câu chuyện thú
vị, và tôi biết rằng nhiều bạn đã quen rồi, đó là câu chuyện về một hôm Chúa
Giêsu đang cầu nguyện ở vườn Ôliu, những ngừơi Do Thái đưa đến Chúa Giêsu một
người ngọai tình, để xem Chúa Giêsu xử lý làm sao. Chúa Giêsu chẳng nói gì cả,
Ngài cúi xuống và viết trên đất. Họ cứ hỏi hòai, nên Chúa Giêsu bảo: “Ai trong
các ông sạch tội thì hãy lấy đá ném người phụ nữ này trước đi.” Rồi Ngài lại
cúi xuống, viết trên đất. Cứ từ từ, từ người lớn tuối nhất đến người ít tuổi hơn
rời bỏ cô gái đã ngọai tình và Chúa Giêsu. Chỉ còn một mình Chúa Giêsu và người
ngọai tình. Chúa Giêsu hỏi cô: “Họ đâu cả rồi? Họ không kết án cô sao?” Ngừơi
phụ nữ trả lời rằng không ai kết án cả, họ đi cả rồi. Chúa Giêsu bảo: “Cả tôi
nữa, tôi cũng không kết án chị đâu. Hãy về đi và đừng phạm tội nữa.”
Vấn đề thú vị hôm nay tôi muốn phân tích không
phải Chúa Giêsu là ngừơi truyền thông, nhưng những người Do Thái là những ngừơi
truyền thông, những người mang thông tin đến với Chúa Giêsu rằng người phụ nữ
này ngọai tình, đáng kết án. Khi gặp Chúa Giêsu, khi đối mặt với sự thật, lương
tâm của những người truyền thông Do Thái đó đã được đánh thức. Khi nghe Chúa
Giêsu nói : “Ai sạch tội thì ném đá đi.”. Điều đó đã đánh thức lương tâm truyền
thông của họ.
Chúng ta thấy câu chuyện có vấn đề. Nếu người
phụ nữ này bị bắt ngọai tình quả tang thì rõ ràng người phụ nữ này ngọai tình
với ai? Đã là ngọai tình thì không thể tự mình ngọai tình được. Thế thì người
đàn ông ngọai tình với người phụ nữ này đâu? Bị bắt quả tang thì bắt cả hai chứ
tại sao chỉ có một người phụ nữ này bị bắt? Có vấn đề, có sự gian dối, có sự
bao che. Ai bao che? Ai gian dối? Chính những người đưa người phụ nữ này đến.
Luật Cựu ước có dạy, khi thấy người ta chuẩn bị phạm tội, mà mình biết rõ thì
phải lên tiếng báo động để người ta không phạm tội. Còn ở đây, có vẻ như họ đã
sắp một cái bẫy để họ rình cho đến khi hai người phạm tội thì họ vào bắt công
khai. Việc giăng bẫy đó, tự nó là một hành vi phạm tội.
Nhiều khi chúng ta cũng đưa tin kiểu đó. Chúng
ta là những người phạm tội tạo cho người khác phạm tội rồi lại tố cáo người ta
phạm tội. Cái lối đưa tin đó không phải là lối đưa tin của người truyền
thông.Mùa Chay gần hết rồi, đây là ngày chúng ta phải sám hối thực sự, để chúng
ta nhờ Lời Chúa Giêsu nói: “Ai không phạm tội thì ném đá người phụ nữ này đi.”
đánh thức lương tâm của chúng ta, để rồi từ đây chúng ta không còn làm truyền
thông kiểu vu oan giá họa cho người khác nữa. Chúng ta không làm truyền thông
theo lối dựng chuyện, gài bẫy người khác nữa, chúng ta không làm truyền thông
theo cái kiểu một vài phóng viên theo công an viết phóng sự gọi là đi làm án
nữa. Hãy quay về với sự thật Giêsu để lương tâm chúng ta được đánh thức.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa
đã đánh thức lương tâm chúng con. Xin cho giây phút này đây lương tâm của chúng
con được chữa lành bởi vì Chúa vừa đánh thức đó, nó là một vết thương quá lớn
mà có vẻ như tự sức chúng con không thể làm lành. Xin Chúa cứu con, xin Chúa
cứu các anh chị em công giáo đang làm truyền thông và cứu cả các anh chị em
không công giáo trên đất nước này đang làm truyền thông, để lương tâm của chúng
con thực sự trong sáng, để lương tâm của chúng con thực sự đơn sơ dấn thân
trong lãnh vực truyền thông, để chúng con thực sự là những ngừơi đưa tin chứ
không phải là những ngừơi kết án. Con chúc tụng, ngợi khen Chúa Giêsu vì Chúa
đang chạm đến cứu độ chúng con. Amen.