BÀI
THƯƠNG KHÓ (18,1–19,42 - Thứ Sáu tuần thánh)
Kính
mời quý độc giả suy ngẫm về Bài Thương Khó ngày thứ Sáu Thánh.
I.- Bốn Tin Mừng nói
chung
Cả bốn tác giả Tin Mừng đều dùng hai chương
để mô tả cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Cả bốn vị đều mô tả những biến cố bi
thương, nhưng không giống nhau. Một số sự cố mà các TMNL không biết hoặc
chỉ nhắc qua lại được Ga mô tả rộng rãi. Nếu muốn làm một bản đối chiếu
cho bốn bản văn này, chúng ta sẽ gặp những chi tiết mâu thuẫn nhau. Lý do là
các tác giả không muốn viết một quyển ký sự chi tiết; mục tiêu của các bản văn
này là tăng cường sức sống đức tin cho các môn đệ và giải thích cho họ biết ý
nghĩa của những gì đã xảy ra [1] .
Cái chết không hợp lý, thậm chí phi lý, của Đức
Giêsu đã làm cho môn đệ chưng hửng và khơi lên biết bao câu hỏi. Làm thế nào có
thể tín nhiệm một người đã bị chính bạn bè phản bội và bỏ rơi? Các nhà chức
trách tôn giáo đương thời đã bảo rằng Người là một tên nói phạm thượng, tổng
trấn Rôma đã kết án Người phải chết nhục nhã nhất: chúng ta có thể lấy người
này như điển hình sao? Người rất có thể là một con người ngay thẳng, là nạn
nhân của một cuộc bách hại bất công, nhưng thế thì tại sao Thiên Chúa lại không
can thiệp để bảo vệ Người?
Trước khi bàn tới các điểm thần học của bản văn Ga,
chúng ta thử tìm một câu trả lời cho một câu hỏi rất thường được đặt ra: tại
sao Đức Giêsu bị xử tử?
Nếu đối với chúng ta, Đức Giêsu dịu dàng, đạo đức
và hiền lành, chúng ta khó mà hiểu được tại sao Người lại bị giết. Làm thế nào
mà một người chữa lành các bệnh nhân, đón tiếp các trẻ em, yêu thương người
nghèo, bảo vệ những kẻ cô thế cô thân lại có thể có kẻ thù?
Nhìn từ quan điểm này, cái chết của Đức Giêsu
không thể giải thích được, nên phải gán cho ý muốn nhiệm mầu của Chúa Cha: để
tha thứ tội lỗi cho nhân loại, Ngài cần đổ máu của một người công chính. Nhưng
thật khó mà chấp nhận cách giải thích này!
Thế thì tại sao Đức Giêsu phải chết? Nói rằng
Người hiến mạng sống cho chúng ta có nghĩa gì? Người đã giải thoát chúng ta
khỏi thứ nô lệ nào, khi chấp nhận chịu đóng đinh vào thập giá?
Chúng ta tìm ra lý do của thái độ thù nghịch đối
với Người ngay tại những lời đầu tiên của TM Ga: Đức Giêsu đã là ánh
sáng. “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được
ánh sáng” (Ga 1,5). Người là “ánh sáng thật ... chiếu soi mọi người”
(1,9), “nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều
xấu xa” (3,19).
Có một số tia sáng đặc biệt mạnh, đã đánh tan bóng
tối của thế gian. Các tia sáng này đã thâm nhập vào trong tim của những người
đơn sơ chất phác, làm cho lòng họ chan hòa niềm vui và hy vọng. Nhưng ánh sáng
quá mạnh của những tia sáng này cũng làm cho mắt những kẻ gian tà ra mù lòa
hoặc bị xốn xang khó chịu. Đây là bốn tia sáng ấy.
1.- Đức Giêsu làm rạng sáng trên chúng ta dung mạo
mới của Thiên Chúa
Quan trọng hơn cả niềm tin của chúng ta vào Thiên
Chúa, đó là biết chúng ta đang tin vào loại Thiên Chúa nào. Ngay cả khi không
chủ ý, rất có thể chúng ta khám phá ra mình đang tôn thờ một thần tượng, một vì
chúa không những không giải thoát được chúng ta mà còn biến chúng ta thành nô
lệ và làm cho chúng ta phải đau khổ.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo và các vị hướng dẫn tinh
thần của Israel thời Đức Giêsu đã bỏ qua một bên vì Thiên Chúa mà các ngôn sứ
giới thiệu, và dạy cho dân chúng về một vị Thiên Chúa như là Nhà lập pháp và
Thẩm phán nghiêm khắc, luôn sẵn sàng can thiệp và trừng phạt kẻ ác, một vì
Thiên Chúa thân ái với những người công chính, nhưng khinh bỉ những người tội
lỗi.
Niềm tin vào một vị thần sai lạc không thể đưa tới
niềm vui; nó chỉ tạo ra sự buồn rầu và khắc khoải lo âu. Tình trạng này giống
như một tiệc cưới thiếu rượu (x. Ga 2). Vì dân chúng, chúng ta phải đánh
đổ thứ “niềm tin” áp bức và làm cho tình yêu trở nên cứng ngắc.
Đây là tia sáng đầu tiên và mạnh nhất: tia sáng
này xuyên thấu bóng tối thế gian hầu giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi Thiên
Chúa.
Đức Giêsu dạy rằng chúng ta phải sợ sự xấu, tội,
nhưng chúng ta không được sợ Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Cha chúng ta, Ngài chỉ
có thể tốt lành mà thôi. Chúng ta phải thưa chuyện với Ngài với sự đơn sơ và
tin tưởng của một em bé, bởi vì Ngài yêu thương cả người tốt lẫn người xấu với
cùng một tình âu yếm dịu dàng như nhau (Mt 5,45), Ngài nuôi chim trời và
mặc đẹp cho các bông huệ ngoài đồng (Mt 6,25-31), Ngài đếm tóc trên đầu
chúng ta và biết các nhu cầu của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nói ra với
Ngài (Mt 6,8tt). Không một ai, kể cả người tội lỗi nặng nề nhất, lại
phải sợ Ngài. Ngài “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con
của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ
Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
Không có điều gì nghe mà gai người đối với các
kinh sư và người Pharisêu cho bằng chân lý trên đây, vì họ đã uốn nắn ra một vị
thần minh theo hình ảnh của họ và giống như họ, một vị thần minh loại trừ và
khinh bỉ những người thu thuế và những người tội lỗi. Họ bảo rằng Đức Giêsu
điên rồi, Người là một người Samari (Ga 8,48), một tên nói phạm thượng
cần phải ném đá (Ga 8,59; 10,31.39), một cá nhân nguy hiểm cần phải loại
trừ càng sớm càng tốt, bởi vì Người bẻ quẹo niềm tin và làm cho những kẻ đơn sơ
phải lạc đường.
2.- Đức Giêsu rọi một ánh sáng mới trên tôn giáo
Có một thứ tôn giáo đưa đến sự thanh thản, nhưng
cũng có một loại tôn giáo đưa lại sự mệt nhọc và đè nén y như một cái ách nặng
nề vậy (x. Mt 11,28-30): tôn giáo dựa trên việc tuân giữ kỹ càng và chi
ly các luật lệ, các lời khuyên và việc thực hành bên ngoài. Một tôn giáo như
thế chỉ có thể trở thành một việc thờ cúng, một thứ hình thức bên ngoài giả
hình, một kiểu thực hành chính xác các nghi thức và các lễ nghi long trọng.
Trước tiên, thứ tôn giáo này lừa dối với những niềm hy vọng giả trá, rồi đè nén
và biến người ta thành nô lệ. Đức Giêsu từ chối tìm cách điều chỉnh loại tôn
giáo này, Người không chỉ tố giác các lạm dụng của nó, Người còn loại trừ nó và
tuyên bố rằng chúng ta phải ưng thuận với Thiên Chúa với trọn con tim. Người
thường xuyên trích một bản văn từ sách Isaia: “Chúng có thờ phượng Ta
thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc
7,7). Người tôn trọng ngày sa-bát, nhưng nói rằng con người có ưu tiên hơn ngày
sa-bát, ở trên ngày sa-bát.
Người chứng tỏ rõ ràng việc loại trừ này khi “kiếm
chuyện” với những người đổi tiền và buôn bán tại Đền Thờ. Tác giả Ga đưa
sự cố này ra đầu TM của ngài (Ga 2,13-22) để cho thấy ngay từ đầu
là Người loại bỏ các thực hành nghi thức không phát xuất từ con tim và không
diễn tả tình yêu, và đề nghị thay thế bằng một nền phụng tự duy nhất được Thiên
Chúa chấp nhận, nền phụng tự thực hiện “trong thần khí và sự thật”.
Tia sáng
thứ hai này dĩ nhiên quấy rầy những ai cứ muốn ở lại trong bóng tối. Lúc đầu,
họ loại trừ Người, rồi họ trở thành kẻ thù của Người và cuối cùng họ quyết định
loại trừ Người bởi vì Người phá rối việc giữ các nghi thức tôn giáo: “Thà một
người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”, Caipha, là thượng tế
năm ấy, đã tuyên bố như vậy (Ga 11,50).
3.- Một ánh sáng mới
Điều gì làm cho một người nên vĩ đại, đáng trân
trọng? Trong xã hội chúng ta, đó là người thành công trên đường danh vọng, tên
tuổi thường được các báo chí nhắc tới hoặc thường xuyên xuất hiện trên truyền
hình.
Vào thời Đức Giêsu, những “ông lớn” là các thành
viên của Thượng hội đồng, các tư tế Đền Thờ, các kinh sư “ưa dạo quanh, xúng
xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ
ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc” (Mc
12,38-39). Theo Đức Giêsu, chỉ nguyên nhắm đến thành công loại đó đã là một
thất bại: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ
Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5,44).
Ngay Đức Giêsu cũng chờ đợi được Chúa Cha “tôn
vinh”. Người cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin
ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga
17,5). Nhưng “vinh quang” mà Người chờ đợi không phải là việc đi vào thành
thánh Giêrusalem trên lưng một con lừa giữa tiếng hoan hô của dân chúng; khoảnh
khắc Người được tôn vinh xảy ra trên Đồi Sọ. Tại đó, chính khi được giương cao
trên thập giá mà Người mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha cho nhân loại.
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi,
thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời
này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).
Các giá trị
của thế gian này bị lật ngược cả. Đức Giêsu đang bảo chúng ta rằng người ta
thành công không phải là khi họ chiến thắng, nhưng là khi họ thua cuộc; không
phải là người nắm quyền bính, nhưng là người phục vụ; không phải là kẻ làm việc
để thu hoạch lợi nhuận cho mình, nhưng là người chịu đau khổ vì kẻ khác.
Cả tia sáng thứ ba này cũng không thể chấp nhận
đối với những người mà Đức Giêsu mô tả như là “chuộng vinh quang của người phàm
hơn là vinh quang của Thiên Chúa” (Ga 12,43).
4.- Một xã hội mới
Chúng ta đang sống trong một xã hội cạnh tranh.
Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy là chúng ta không thể thực sự tiến xa
trong cuộc đời trừ phi chúng ta xinh đẹp, thông minh, giàu có, thân thiện, có
sức mạnh và có sức khỏe. Đức Giêsu rọi phóng trên loại xã hội này thứ ánh sáng
nào?
Một hôm, Người ngồi xuống, đặt mot em bé vào giữa
Nhóm Mười Hai và bảo: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp
đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là
tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,36-37). Vào thời Đức Giêsu, trẻ em
tượng trưng cho những người không quan trọng, vô giá trị, hoàn toàn lệ thuộc kẻ
khác, không thể tự mình tạo ra điều gì và lại cần mọi sự.
Nhưng trong thế giới mới Đức Giêsu giới thiệu,
những người bị loại trừ và những kẻ vô gia cư lại chuyển đi từ bờ biên vào ngay
trung tâm của xã hội. Họ được dành cho chỗ danh dự. Cộng đoàn của Đức Giêsu đón
nhận những người nghèo, các “trẻ em” cần được giúp đỡ, những kẻ ăn nói thiếu
khôn ngoan, đứng trên đường của người lớn và phá rối đời sống trật tự của họ.
Người đón nhận không có nghĩa là Người chấp nhận những ý thích thất thường và
sự ươn ái của chúng; Người đón nhận có nghĩa là Người giúp chúng lớn lên và trở
thành những người trưởng thành biết tự lo liệu cho mình.
5.- Phải chăng Đức Giêsu không thể tránh được cái
chết?
Thật ra, tất cả những gì Người phải làm chỉ là ẩn
mình đi, như Người đã làm nhiều lần rồi (x. Ga 11,54; 7,1; Mt
12,15-16). Con đường đi từ vườn Ghếtsêmani lên núi Ôliu chỉ cần vài phút: tối
hôm ấy, Đức Giêsu có thể dễ dàng trốn đi an toàn. Tại sao Người không làm như
thế?
Đức Giêsu không tìm cái chết trên thập giá, nhưng
để tránh cái chết này, Người chỉ việc im lặng và sống như một công dân “thông
thường”, Người chỉ việc chấp nhận thái độ của những người chung quanh Người,
chứng kiến chiến thắng của ác thần, để mặc nhân loại trong tay “ông hoàng của
thế gian này”. Người chỉ việc trở về Nadarét mà đóng bàn ghế và đẽo mấy cái cày
gỗ. Hẳn là họ đã để Người được yên. Hẳn là Người không những tránh được thập
giá, nhưng còn nhận được vinh dự và lời khen ngợi nữa! Người đã có thể thành
công trong công việc và hẳn đã nhận được “vương quốc thế gian” mà Satan đã hứa
cho Người ngay đầu sứ vụ công khai. Nhưng nếu như thế, sứ mạng của Người hẳn đã
là một thất bại hoàn toàn.
II.- Các đề tài chỉ được
tác giả Gioan đặc biệt nhắc đến
Những gì vừa được nói ở trên về các lý do đã đưa
Đức Giêsu bị kết án tử hình, sẽ giúp chúng ta hiểu các điểm thần học tiêu biểu
của bài tường thuật cuộc Thương Khó trong TM IV.
1.- Một nhân vật chính gây ngạc nhiên (18,1-11)
Những ai đã quen với các bài tường thuật cuộc
Thương Khó trong Mc, Mt và Lc sẽ phải ngạc nhiên với Đức
Giêsu như tác giả Ga mô tả.
Các TMNL cho thấy Đức Giêsu con người trong
bụi đất, “buồn rầu xao xuyến” (Mt 26,37), “hãi hùng xao xuyến” (Mc
14,33), “tâm hồn buồn đến chết được” (Mt 26,38; Mc 14,34), “xao
xuyến bồi hồi” (Lc 22,44), nên đã xin các môn đệ ở kề bên Người, canh
thức và cầu nguyện với Người (Mt 26,41; Mc 14,38; Lc
22,40.46). Tác giả Ga không hề nhắc đến bất cứ chi tiết nào như thế.
Ngài không mô tả bất cứ cuộc hấp hối nào, cũng chẳng nói đến một cuộc tâm chiến
nào, hoặc lời Người cầu nguyện với Chúa Cha để tránh khỏi “chén đắng”. Ngài mô
tả một vị Tôn sư can đảm, ý thức sắc bén những gì đang xảy và sẵn sàng đương
đầu. Không phải là lính tráng đã bắt Người, Người là Đấng đã nói hai lần “Chính
là tôi”. Người có vẻ thấy trước mọi sự và làm chủ tình hình. Không ai lấy được
sự sống khỏi Người, Người là Đấng hoàn toàn thanh thản hiến mạng sống (Ga
10,17-18).
Phải đương đầu với Đức Giêsu là ánh sáng, các nhân
viên của tà thần – làm việc trong bóng tối của đêm đen, do đó họ phải mang đèn
đuốc – “quay lại và ngã xuống đất” (c. 6). Chi tiết này phải được cứu xét trong
bối cảnh thần học. Nó quy chiếu về các Thánh vịnh: “Ngài xuất hiện, địch
thù con tháo lui, chúng té nhào mà chết” (Tv 9,4). “Khi ác nhân xông
vào, định nuốt sống thân tôi, ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào” (Tv 27,2).
Tác giả Ga mô tả cuộc đương đầu giữa ánh sáng và
bóng tối. Giới chức đạo đời đã huy động một lực lượng quá đông để đi bắt Đức Giêsu,
mà lại đi trong đêm tối và không nhận ra Người; đến khi nhận ra Người thì ngã
lăn ra. Tác giả cho thấy: muốn tìm gặp và nhận biết Đức Giêsu thật, phải dùng
con đường khác, chứ không phải là con đường vũ lực. Ngài cũng bảo các môn đệ:
không được để các sức mạnh của tà thần làm anh em sợ hãi. Đức Kitô đã đương đầu
với chúng và đã đánh bại chúng. Anh em cứ xem đó, chúng đã bị tan rã, sự thất
bại của chúng – như các Tv đã loan báo – đã được quyết định rồi.
Đức Giêsu tiến đến cái chết với sự tự do trọn vẹn,
Người điều khiển từng chi tiết nhỏ, vì đây là “chén mà Chúa Cha đã trao cho
Thầy” (18,11). Đây là cuộc Thương Khó nhưng nhìn dưới ánh sáng của vinh quang
Phục Sinh.
2.- Cuộc thẩm vấn trước tòa Khanan (Ga 18,12-27)
Các TMNL bảo rằng, ngay sau khi bị bắt, Đức
Giêsu đã được điệu đến dinh thượng tế Caipha, tại đó các trưởng lão và kinh sư
đã gặp nhau để chuẩn bị các lời kết án hầu trình lên tổng trấn Rôma là Philatô.
Tác giả Ga đã cung cấp một bản tường thuật
các biến cố hơi khác một chút. Ngài nói rằng Đức Giêsu bị thẩm vấn trước tòa
Khanan. Tại sao vị thượng tế này, bây giờ là một cụ già không còn nắm quyền
hành gì nữa, lại được đưa ra trước như thế?
Khanan đã làm thượng tế 11 năm, và bốn trong số
các con ông đã kế vị ông trong địa vị danh dự này. Ông là người lớn tuổi nhất
trong dòng họ, là tổ phụ kiểm soát tất cả những gì xảy ra trong Đền Thờ. Ông để
ý đến các lễ phẩm của khách hành hương, kiểm soát phần lợi nhuận của những
người đổi bạc, cũng như việc buôn bán thú vật, chim câu, bò chiên, cần thiết
cho các lễ hy sinh. Ông cũng có nhận đút lót hối lộ của giới doanh nghiệp để
được ghi tên vào các giao kèo, hợp đồng... Khi những người bán hàng bị Đức
Giêsu đuổi khỏi Đền Thờ, đối với ông, chuyện này không phải là một chuyện khiêu
khích phạm thượng cho bằng là can thiệp vào toan tính kiểm soát những mối lợi
kinh tế kếch sù của dòng họ ông. Làm sao ông có thể chịu được chuyện một anh
thợ mộc xứ Galilê tố giác ông là đã biến Đền Thờ thành một “hang ổ trộm cướp”?
Khanan là một dung mạo phản diện nhất trong toàn
cuộc xử Đức Giêsu. Ông là người đã lên kế hoạch ấy và là người đã giỏi giật dây
để vụ án này đi đúng hướng ông muốn. Tác giả biết các điều này rất rõ, và như
thế ngài đã giới thiệu ông như là chính biểu tượng của tà thần, hiện thân của
những kẻ thích làm việc trong bóng tối và không thích ánh sáng, hiện thân của
những kẻ từ chối ra khỏi lối sống bất chính hoặc sẵn sàng phạm tội ác để bám
lấy quyền lực.
Đức Giêsu không sợ ông, Người đối thoại thẳng thắn
với ông: “Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe
tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì” (c. 21). Tuy niên, vào lúc Đức Giêsu cần một
chứng từ, Phêrô lại chối Người, còn người môn đệ kia, cùng đi với Phêrô, thì
không nói vì về Người. Ở đây lẽ ra các môn đệ phải nêu bật được lý tưởng đời
môn đệ là lắng nghe Lời và nói sự thật, nhưng điều ấy đã không có!
Kẻ gây bất công không mấy khi trực tiếp làm công
việc bẩn thỉu, hắn ra lệnh cho các nô lệ làm việc đó. Một người tôi tớ của
Khanan đã tát Đức Giêsu. Người phản ứng, bình thản nhưng cương quyết: “Nếu tôi
nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại
đánh tôi?” (c. 23). Đối với tác giả Ga, tên đầy tớ này là một biểu
tượng: nó tượng trưng cho những người, vì ngu dốt hoặc đần độn, hoặc vì
không có sự tha thiết tìm sự thật, đã đứng về phía người mạnh và có quyền lực.
Họ bị chế ngự bởi nhân cách của các ông chủ, họ bị khuất phục bởi thành công
của các ông ấy, và họ sẽ làm bất cứ điều gì để làm cho ông chủ vui lòng. Họ
không thấy được rằng họ chỉ là khí cụ trong tay các chủ nhân mà thôi.
3.- Trước tòa tổng trấn Philatô (18,28–19,16)
Tác giả Ga mô tả khá dài phần này (dài gấp
đôi Mc). Bài tường thuật nhắc lại và triển khai nhiều đề tài trung tâm
của TM IV.
Khi đọc bản văn này, chúng ta bị đánh động bởi
việc quan Philatô di chuyển liên tục, hầu như là không ngơi nghỉ. Chúng ta có
thể gán việc đi đi lại lại này là do lý do tôn giáo: người Do-thái không thể
vào trong nhà ông vì họ muốn tránh bị nhiễm uế. Nhưng tác giả Ga gợi ý
nhiều điều hơn thế.
Các học giả đã chia cắt bản văn theo những lần đi
ra đi vào của vị tổng trấn Rôma, và đã khám phá ra rằng bản văn gồm có bảy
cảnh được cấu trúc rất khéo (Ga 18,28-32; 18,33-38a; 18,38b-40;
19,1-3; 19,4-8; 19,9-11; 19,12-16). Chúng ta ghi nhận một số chi tiết:
* Người Do-thái ở ngoài, Đức Giêsu ở trong,
còn ở giữa là Philatô, ông này không sao tìm ra được một cách thức nào
để thoát ra khỏi vấn đề ông đang bị dính líu vào dù không muốn. Tác giả cho
thấy Đức Giêsu hoàn toàn làm chủ tình hình và vụ việc khi cho thấy Người gợi ý
cho Philatô đặt câu hỏi: Philatô hỏi câu thứ hai, thì Người trả lời câu thứ
nhất; Philatô hỏi câu thứ ba thì Người trả lời câu thứ hai; Philatô hỏi lại câu
thứ nhất thì Người nói về các việc Người làm; Philatô hỏi câu cuối cùng thì
Người không trả lời (Ga 18,33-38). Cách Đức Giêsu nói rất là điềm đạm,
như trong một cuộc đối thoại, một buổi giảng huấn.
* Có hai ghi nhận quan trọng về thời gian.
Ở câu đầu, chúng ta đọc được là “Lúc đó trời vừa sáng”. Như vậy, đây là một
ngày mới. Đã qua rồi đêm đã bắt đầu với việc Giuđa rời phòng tiệc (Ga
13,27-30). Bóng tối đã từng chứng kiến sự phản bội, việc Đức Giêsu bị bắt và bị
kết án, và việc Phêrô chối Thầy, nay đã tan biến cả. Đêm tối ấy được ghi dấu
bởi sự hiện diện gian tà của Khanan – dụng cụ cố cựu và gian ác của “ông hoàng
bóng tối” (x. 12,31.35-36). Bây giờ ánh sáng đang đánh tan bóng tối. Đến trưa
(19,4), khi mặt trời ở độ cao tối đa, Philatô tuyên bố: “Đây là người!”, cũng
có thể hiểu là “vua các ngươi”, bởi vì lúc đó Đức Giêsu “đầu đội vương miện
bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ” (19,5), sau khi đã bị toán lính chế nhạo:
“Kính chào Vua dân Do-thái!” (19,3). Dân chúng không hiểu. Họ thấy Đức Giêsu
hoàn toàn thất bại; trong thực tế, chính là qua sự thất bại này mà bóng tối bị
đánh tan và ánh sáng chiến thắng trên bóng tối.
* Chủ đề mà các cảnh xoay quanh là vương quyền.
Tác giả Ga đã nhắc đến rồi (Ga 1,49; 6,15; 12,13.15), và bây giờ
trong các chương 18 và 19, từ ngữ “Vua” được dùng 12 lần. Chủ đề này lên tới
đỉnh cao ở hai cảnh: cảnh trung tâm (19,1-3) và cảnh cuối cùng (19,12-16).
a) Cảnh đầu tiên (19,1-3) là một vở hài kịch về
vương quyền. Lính tráng chơi đùa với việc tuyên bố Đức Giêsu là vua. Tác
giả ở đây không nhắc đến những chi tiết sỉ nhục nhất như đánh trên đầu và bị
khạc nhổ, ngài chỉ nhắc đến việc đánh đòn và vả vào mặt. Tuy nhiên, ngài nhấn
mạnh đến tất cả những yếu tố được dùng vào lúc tôn vương một hoàng đế: vương
miện (bằng vòng gai), áo choàng đỏ, những lời tung hô.
Đã phản ứng khi bị tên đầy tớ của Khanan tát, nay
Đức Giêsu lại chịu cho họ đóng tuồng chế nhạo. Người chấp nhận, bởi vì vở tuồng
này đánh đổ hình ảnh về Đấng Mêsia được dân chúng chấp nhận – mạnh mẽ, chiến
thắng kẻ thù, và cai trị. Vở hài kịch này chế nhạo những tham vọng, sự oai
hùng, khao khát quyền lực, săn tìm những danh hiệu rất kêu và tìm những chỗ
nhất... Vị vua chân thật đang ở đây, mọi người đều thấy Người, con người hành
động theo các chuẩn mực của Thiên Chúa: con người hy sinh mạng sống vì yêu
thương.
Ở đây có một nét hài hước: Dân ngoại nhìn nhận Đức
Giêsu là vua, trong khi người Do-thái thì không.
b) Cảnh cuối cùng (19,12-16) được trình
diễn rất long trọng. Philatô dẫn Đức Giêsu ra ngoài, đặt Người ngồi trên một
tòa đá cao rồi tuyên bố: “Đây là vua các người (basileus hymœn)!” (Ga
19,14). Đây là cuộc tôn vương.
Người Do-thái thấy chuyện này là quái gở. Họ coi
đó là một sự thách thức. Họ phản ứng điên cuồng, họ hết sức giận dữ, và họ dứt
khoát loại trừ Người. Họ không muốn có thứ ông vua này, Người là một lời sỉ
nhục đến cảm thức dân tộc của họ.
Nhưng Đức Giêsu vẫn còn đang ở đó, ở giữa họ,
thinh lặng, Người không nói thêm một lời nào cả, Người đã giải thích mọi sự
rồi. Người đang chờ mỗi người dấn thân bằng cách góp phần của họ. Người ta có
thể nhận thứ “vương quyền” của thế gian này hoặc người ta có thể đi theo Người
và hy sinh mạng sống vì yêu thương. Đó cũng là chọn lựa sẽ đưa chúng ta đến
thành công hay thất bại.
Bản văn Ga cho thấy quan Philatô đã không
“kết án” Đức Giêsu, mà chỉ “trao (paredœken) Đức Giêsu cho họ đóng đinh
vào thập giá” (19,16). Nếu Đức Giêsu không bị kết án, thì (những) ai bị kết án?
Nếu quan Philatô không thi hành được quyền phán quyết của tòa án, thì trong vụ
xử này, ai là chánh án? Cách viết rất tinh tế mà cũng không thiếu chất khôi hài
và châm biếm của tác giả Ga cho hiểu là chính Đức Giêsu mới là chánh án,
còn Philatô và người Do-thái đều là những kẻ bị kết án (x. 19,11).
4.- Đức Giêsu bị đóng đinh và chết (Ga 19,16b-37)
Bản mô tả
của Ga về con đường thập giá rất ngắn. Chỉ một vài lời: “Vậy họ điệu Đức
Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ” (Ga
19,16b-17). Không có gì khác, không có người đàn ông đến từ Kyrênê, không có
những phụ nữ than khóc. Người đi thẳng tới nơi mà tất cả “vinh quang” của Người
sẽ được biểu lộ.
Trong phần mô tả cuộc đóng đinh, tác giả đưa vào
một vài cảnh và chi tiết quan trọng đối với sứ điệp thần học ngài ưa chuộng. So
sánh với các TMNL, chúng ta thấy:
* Các TMNL chỉ nhắc qua một tấm bảng
trên thập giá để giải thích cho người qua đường biết lý do khiến Người bị
kết án tử hình. Trong khi đó, tác giả Ga lại gán một tầm quan trọng lớn
lao cho tấm bảng này (cc. 19-22). Đối với ngài, đây là lời xác nhận long trọng
và chính thức về vương vị của Đức Giêsu. Philatô, đại diện cho quyền lực thế
gian, giới thiệu một cách thức mới làm vua.
Tấm bảng được viết bằng tiếng Híp-ri (ngôn ngữ
linh thánh của Israel), La-tinh (ngôn ngữ của quyền lực thế gian đương thời) và
Hy-lạp (ngôn ngữ nói trong toàn đế quốc Rôma). Tác giả muốn cả thế giới thấy
tấm bảng và hiểu được. Đây là một chủ trương phổ quát: Đức Giêsu chết trong tư
cách vua dân Do-thái, nhưng chết cho tất cả mọi người. Người Do-thái đã loại bỏ
tấm bảng này, nhưng tấm bảng vẫn cứ ở đó, một thách thức cho tất cả mọi người
thấy cho đến tận thế. Tấm bảng này sẽ không bao giờ được rút lại, nó có giá trị
vĩnh viễn và sẽ không bao giờ bị thay đổi. Vô tình Philatô đã trở thành một
ngôn sứ.
Điều cũng quan trọng cần nhấn mạnh là, không giống
như các tác giả TM khác, tác giả Ga không nhắc đến những lời sỉ
nhục Đức Giêsu tại chân thập giá. Vị tân vương đã được đặt an tọa trên ngai của
Người. Người là một “cớ vấp phạm” cho người Do-thái, một “tảng đá vấp” và “sự
điên rồ” đối với dân ngoại (x. 1 Cr 1,23), nhưng Người được mặc vinh
quang dưới mắt Thiên Chúa. Người có thể được đón nhận hay bị loại trừ, nhưng
cho tới tận thế, không một ai lại sỉ nhục hay chế nhạo Người.
* Việc chia nhau áo Đức Giêsu (cc. 23-24) cũng
được các TMNL nhắc đến, nhưng chỉ có Ga mới nói đến việc bắt
thăm để lấy chiếc áo dài vì chiếc áo này liền từ trên xuống, và trích Thánh
vịnh. Rồi ngài ghi nhận rằng các áo xống kia thì được toán lính đóng đinh
Đức Giêsu chia làm bốn phần. Tại sao chi tiết này lại quan trọng?
Vào thời
cổ, tấm áo được coi như là chính con người mặc và con số 4 tượng trưng cho bốn
phương, tức là toàn thể thế giới. Vậy, sứ điệp thần học của điểm này đã rõ: hy
sinh của Đức Giêsu có một giá trị phổ quát, nó cứu chuộc mọi người.
* Cảnh thứ ba (cc. 25-27): thân mẫu Người dưới
chân thập giá, được ký thác cho môn đệ Đức Giêsu thương mến. Khó mà có thể
cho rằng tác giả Ga chỉ muốn nói với chúng ta về mối lo lắng của Đức
Giêsu đối với thân mẫu, nên đã giao phó Mẹ cho người môn đệ yếu dấu. Cũng khó
mà nói rằng các thân bằng quyến thuộc và bằng hữu cũng như các phụ nữ đang có
mặt tại cuộc đóng đinh, dù là xa xa – như các TMNL đã kể – lại để cho
Đức Maria đến gần thập giá.
Cũng có vẻ lạ là Đức Giêsu, sắp chết trong cơn hấp
hối khủng khiếp, lại bình thản ngỏ lời với thân mẫu như là “bà/phụ nữ”, như tại
Cana (Ga 2,24).
Thật sự không có gì phải nghi ngờ nữa: ở đây chúng
ta có một bản văn thần học, lấy mẫu là một biến cố thật sự đã xảy ra: sự hiện
diện trên Đồi Sọ của những người thân nhất của Đức Giêsu.
Đối với tác giả, Đức Maria là biểu tượng của dân
tộc Israel còn trung thành với Thiên Chúa của họ. Trong tiếng Híp-ri, từ
ngữ Israel ở nữ tính, như thế trong Kinh Thánh, Dân giao ước luôn luôn
được hình dung bằng một người phụ nữ, một trinh nữ, một nàng dâu, một người mẹ.
Dân mới của thời thiên sai đã được đưa vào hiện hữu nơi người “phụ nữ” này,
Israel-là-mẹ.
Đức Giêsu mời người phụ nữ này nhận lấy mọi môn đệ
đã có can đảm bước theo Thầy tới tận thập giá như là con của Mẹ, và như thế trở
thành thừa kế các lời hứa thiên sai. Người cũng mời cộng đoàn vừa xuất hiện tự
coi mình là con gái của Dân Israel từ đó Đức Giêsu đã sinh ra.
* Cái chết của Đức Giêsu (cc. 28-30), thể
theo TMGa, xảy ra cách thanh thản. Không có tiếng la hét, không có động
đất, không có mặt trời tối đen lại. Từ trên cao thập giá Người là vua, đã được
tôn vương, đang làm chủ quyền tối thượng của Người.
Người đã
hoàn tất sứ mạng Chúa Cha giao cho Người: chiếc màn đã từng ngăn cản loài người
thấy gương mặt của Thiên Chúa nay đã được cất đi. Bây giờ chúng ta biết Thiên
Chúa là ai: tất cả những gì chúng ta cần, đó là nhìn lên Đức Giêsu trên thập
giá, nghèo hèn, yếu đuối và trần truồng. Thiên Chúa không phải là nhà lãnh đạo
mọi người phải quỳ gối và cúi mình khi đến trước Ngài, Ngài không phải là nhà
lập pháp đòi hỏi người ta phải quy phục hoàn toàn ý muốn của Ngài, Ngài là
người bạn không giữ lại gì cho chính mình. Ngài trao ban trọn vẹn chính mình.
Còn thiếu một mảnh nhỏ nơi bức tranh khảm. Để ứng
nghiệm lời Kinh Thánh, Đức Giêsu nói: “Tôi khát!” (c. 28). Lời Đức Giêsu
đã nói đó, chỉ duy mình tác giả Ga tường thuật lại, vì ngài nghĩ là quan
trọng; ngài nhấn mạnh là như thế là để ứng nghiệm Kinh Thánh. Người quy
chiếu về Thánh vịnh nào vậy? Rất có thể là Tv 42,3: “Linh hồn con
khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống”. Tác giả Thánh vịnh diễn tả
lòng ngài khao khát được gặp Đức Chúa.
Tác giả Ga giải thích theo cách biểu tượng
cơn khát đích thật của Đức Giêsu, lúc này đang mất máu dần cho đến chết. Cơn
khát chính là lòng ao ước cháy bỏng của Đức Giêsu là được tuôn đổ trên nhân
loại nước hằng sống Người đã nói với người phụ nữ Samari. Tại giếng Giacóp, và
chỉ tại đó, Người mới cảm thấy khát và đã xin nước uống.
Ao ước của
Người sắp được hoàn tất. Sau khi đã nhắp chút giấm, Người kêu lên: “Thế là đã
hoàn tất”. “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (c. 30). Đây chính là thứ
nước giải khát cho nhân loại, thứ nước từ đó sự sống đích thật trào dâng, thứ
nước được tuôn đổ trên tất cả những ai đến gần Đấng Chịu Đóng Đinh. Dừng lại
với câu tuyên bố “Thế là đã hoàn tất (tetelestai)”, chúng ta thấy rõ là
công việc mạc khải của Người Con, nghĩa là cuộc tỏ bày vinh quang của Thiên
Chúa, đạt tới đỉnh cao vào lúc Người Con chết. Sự kết thúc chính là sự hoàn
tất. Chỉ có thập giá mới cho ý nghĩa của cuộc nhập thể được nở ra trọn vẹn.
Chúng ta cũng ghi nhận là Đức Giêsu đã chủ động
cho đến giây phút cuối cùng: xin uống; tuyên bố hoàn tất; chuyển trao Thần Khí;
và cả việc trao ban nước và máu nữa.
* Cái chết của Đức Giêsu kết thúc mọi sự. Người đã
dâng trao Thần Khí của Người. Tác giả muốn đào sâu đề tài này. Ngài muốn làm
sáng tỏ quan hệ giữa Thần Khí và việc ban tặng nước hằng sống, thường
được Đức Giêsu hứa ban (x. Ga 4). Tại quảng trường Đền Thờ, trong khi cử
hành Lễ Lều, Đức Giêsu đã hô to: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy
đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng
nước hằng sống”. Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ
lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được
tôn vinh” (Ga 7,37-39; x. 4,14).
Tác giả dùng một sự cố thể lý (máu và nước chảy ra
từ thân thể Đức Giêsu) để giúp các môn đệ hiểu rằng Thánh Thần là một quà tặng
của Đức Giêsu “được tôn vinh” trên thập giá.
Ngài quy chiếu về hai bản văn Kinh Thánh.
Bản văn đầu tiên, Xh 12,46, nói về con chiên Vượt Qua phải được giết sao
cho không một cái xương nào của nó bị gãy.
Cũng vào lúc đó, các tư tế tại Đền Thờ giết các
con chiên Vượt Qua, cẩn thận để không làm gãy cái xương nào, thì Đức Giêsu, con
chiên Vượt Qua chân thật, dâng hiến máu mình, để giải thoát dân chúng khỏi cái
chết.
Bản văn thứ hai là Dcr 12,10: một lời sấm
huyền bí nói về một người vô tội bị “đâm thâu”. Ngôn sứ Dacaria nói, tuy
vậy Chúa sẽ làm cho dân chúng cảm thấy họ có tội vì điều dữ họ đã làm. Họ sẽ
trở lại và nhìn xem người mà họ đã đâm thâu. Họ sẽ khóc lóc, như cha mẹ khóc
lóc vì mất đứa con một, họ sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu
lòng.
Con người đó là ai, và vì sao người ấy lại bị
giết? Dacaria sống vào khoảng hai hoặc ba trăm năm trước Đức Kitô, chắc
chắn ngài đang có trong trí một biến cố khủng khiếp nào đó vừa xảy ra. Chúng ta
không biết được gì thêm. Điều quan trọng đối với chúng ta, đó là tác giả TM
IV coi con người huyền bí ấy là một hình ảnh của Đức Giêsu. Bây giờ mọi dân
tộc đều nhỉn lên Đức Kitô, Đấng đã bị giết và bị đâm thâu trên thập giá, và họ
nhìn lên Người như là Đấng Cứu độ họ. Bất cứ ai nhìn lên Đức Kitô chịu đóng
đinh như là ngọn hải đăng lớn của đời họ, sẽ được cứu độ.
Chúa Phục Sinh sẽ khiến người ta chú ý đến vết
thương bên sườn Người ba lần (Ga 20,20.25.27). Vết thương này trở thành
dấu hiệu để người ta nhận biết Người.
Tác giả nhấn mạnh trên những gì ngài đã thấy và
trên chứng tá chân thật của ngài về những điều ấy khiến chúng ta nhận ra tầm
quan trọng của biến cố này và ý nghĩa thần học sâu xa của biến cố.
5.- Mai táng (19,38-42)
Nội dung mô
tả cuộc mai táng của Đức Giêsu nói chung giống như bản văn của các TMNL.
Tuy nhiên, có một ít chi tiết cung cấp những điểm thần học chuyên biệt.
Thể theo tác giả Ga, cùng với Giôxếp người
Arimathê, có Nicôđêmô, “trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm”. Ông này đến,
“mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” (Ga 19,39).
Hai ông nhận lấy thi hài Đức Giêsu và lấy khăn liệm tẩm thuốc thơm mà mặc cho
Người (cc. 39-40).
Các chi tiết này đáng ngạc nhiên. Khối rất lớn dầu
thơm được dùng rất lạ: khoảng 32 lít tinh dầu rất đắt. Đúng là một khối dầu
lớn, vì chỉ cần một phần ngàn đã đủ để tẩm liệm một thi hài.
Các loại hương liệu được dùng cũng lạ thường:
thường các loại này không được dùng để tẩm liệm thi hài, nhưng được dùng cho
các lễ cưới! Chúng được dùng để thêm hương thơm vào các thứ y phục (x. Tv
45,9: “Quế trầm mộc dược, hương toả long bào”) và giường tân hôn: người phụ nữ
của Sách Châm ngôn (7,17) đã reo lên: “Chỗ em nằm, em rảy dầu thơm chế
từ mộc dược, lô hội và nhục quế”.
Tác giả Ga
không mô tả một cuộc mai táng (chúng ta ghi nhận, ngài chẳng hề nói đến tảng đá
ngoài mộ!), nhưng đúng hơn, là công việc chuẩn bị giường tân hôn cho chàng rể
nằm. Các ngôn sứ Cựu Ước thường dùng hình ảnh lễ cưới để diễn tả tình
yêu của Thiên Chúa đối với Israel (là một cô dâu rất thường thất trung). Trong Tin
Mừng, chàng rể là Đức Giêsu. Là Con Thiên Chúa, Người đã từ trời xuống để
tìm hiền thê thất trung của Người. TM IV nói về Đức Giêsu như chàng rể
ngay từ đầu Tin Mừng của ngài (Ga 3,29-30; phải nói là hiểu ngầm
ngay trong Ga 2,1-12, “Tiệc cưới Cana”).
Tình yêu vô
biên của Người chỉ có thể được mô tả bằng những lời lẽ của sách Diễm ca:
“Tình yêu mãnh liệt như tử thần, ... Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng
cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,6-7). Đức Giêsu đã cống hiến bằng chứng
lớn lao nhất về tình yêu hôn ước của Người trên thập giá, cũng như chính Người
đã nói vào một dịp khác: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của
người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Nay Người
đang chờ vòng tay của nàng dâu, là Dân mới, được tượng trưng bởi các môn đệ
Người đang đứng dưới chân thập giá (Ở Ga 2,12, Dân mới được tượng trưng
bằng “thân mẫu, anh em và các môn đệ”). Cộng đoàn mới này làm một cử chỉ biểu
tượng: họ đổ trên các băng vải và khăn liệm – sẽ mặc cho thân thể của chàng rể
– tất cả khối dầu thơm và hương liệu họ có, nhằm chứng tỏ rằng họ biết họ được
Người yêu thương đến độ nào.
Lời nhắc
đến khu vườn ám chỉ nơi ngày xưa ghi dấu sự thất bại của con người, nay mang
chiến tích oai hùng của cuộc thắng trận, cũng gợi lại việc mai táng các vua
Giuđa (x. 2 V 21,18.26). Trong khi bị xử, Người đã được công bố là
vua, Người đã được đội vương miện, được mặc áo choàng đỏ và được tôn trên ngai
thập giá. Bây giờ Người được mai táng như một chàng rể, nhưng cũng như
một vị vua.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng Đức Giêsu đã chết cô
đơn, không nhận được bất cứ một dấu hiệu an ủi nào, nhưng không ai có thể nói
là có chút ý hướng trả thù từ phía Người hoặc từ phía bất cứ ai. Người đã chết
và đã trao ban tất cả, và Hội Thánh đã chào đời dưới chân thập giá. Cùng với
nước và máu, Thánh Thần đã đến. Chỉ khi đã ý thức về tính phức tạp của mầu niệm
chết và sống lại của Đức Kitô, ta nới có thể đọc lại Tin Mừng này từ đầu
và hiểu bài Tiền ngôn (Ga 1,1-18) cũng như tất cả Tin Mừng IV.
Lm FX Vũ Phan
Long, ofm (trích
trong Các bài Tin Mừng Gioan dùng trong Phụng Vụ)
--------------------------------
[1] Có thể đọc Lê Minh Thông, “18,28–19,16a: Đức Giê-su và
Phi-la-tô”, Phân tích thuật chuyện và phân tích cấu trúc áp dụng vào Tin
Mừng thứ tư (2008) 180-212, để ghi nhận cách áp dụng phương pháp phân tích
thuật chuyện và cấu trúc vào bản văn.
Trang Web cuả UBKT thuộc HĐGMVN