NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

 

I. NHỮNG HÌNH ẢNH ĐẸP TRONG NGÀY CHÚA KHẢI HOÀN VINH THẮNG

1. Mừng vui lên

Tôi đã nhiều lần dự đêm canh thức Vọng Phục Sinh, trong khung cảnh một thánh đường nguy nga hay trong một lán trại dùng tạm để thờ phượng, lần nào tôi cũng chìm ngập trong cảm thức linh thiêng với muôn vàn ánh nến lung linh. Đặc biệt trong bài công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet), dù là một linh mục, phó tế hoặc một độc viên, tôi vẫn cảm nhận bầu khí đầm ấm giữa đêm đen. Tiếng hát được vang lên với ca từ hân hoan:

Mừng vui lên hỡi chư thần chư thánh,

Kèn hãy trổi vang lên niềm vui cứu độ.

Mừng vui lên hỡi Hội Thánh mẹ hiền,

Thánh đường này rộn rã vang lên.

Thật cảm động khi người công bố Tin Mừng Phục Sinh lại là phó tế với lời khẩn nài xin cộng đoàn cầu nguyện cho mình được tiến chức.

Xin hãy cùng tôi khẩn cầu Thiên Chúa toàn năng đầy nhân hậu,

Người đã thương dùng tôi là kẻ phục vụ,

Thì xin Người chiếu tỏa ánh sáng,

Và hoàn tất việc ca tụng nến Phục Sinh này.

Cha Timothy Radcliffe, OP kể lại cảm nghiệm trong một lần cử hành lễ phục sinh tại một đan viện trên đồi Caracas (Venuezuela). Nhà thờ đông đảo những người trẻ, chúng tôi thắp sáng cây nến phục sinh đặt trên giá. Bên ngọn lửa mới, chị đan sĩ trẻ với cây đàn guitar đã hát vang lên với lời tán tụng hồng ân:

Ôi! Đêm thật diễm phúc

Đêm sáng tỏ như ban ngày,

Đêm duy nhất biết thời giờ,

Đức Kitô từ cõi chết phục sinh,

Xin Chúa cho cây nến này,

Chúng con đã thắp lên để tôn vinh.

Ước chi ngọn lửa này còn cháy mãi,

Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu muôn dân.

Thú thật tôi đã hoàn toàn sửng sốt trước hình ảnh một nữ đan sĩ trẻ trong đêm tối hát lên bài tình ca tặng cho ngọn lửa mới.

2. Hát lên người ơi. Halleluia.

Trong bối cảnh mấy ngày Tuần Thánh với vẻ u trầm, sám hối giữa đêm đen tội lỗi… đến đêm Canh Thức Vọng Phục Sinh, tâm hồn chúng ta bừng sáng với niềm vui vỡ òa, với ca từ rộn ràng:

Chúa yêu trần thế. Halleluia.

Đã chết và đã sống lại. Halleluia.

Hát lên người ơi.

Trong niềm vui của ngày Chúa khải hoàn phục sinh, lễ ban ngày, chúng ta thường được nghe bài ca tiếp liên với tiết điệu vui tươi nhẹ nhàng và nhí nhảnh. Nội dùng của bài hát là lời hỏi bà Maria Macdala, người diễm phúc được Đấng Phục Sinh hiện ra đầu tiên và được Chúa trao cho sứ điệp loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì, trên đường bà thấy những gì.

Xin kể cho chúng tôi nghe. Tính tang tang tình tình tang, tang ố tang (2 lần).

Tôi là tôi đã thấy, nấm mồ của Đức Kitô.

Người đã sống lại, và đã ra khỏi mồ.

Người đang sống vinh quang, sống vinh quang.

(Hùng Lân)

II. MARIA MACDALA, CHỨNG NHÂN TUYỂN CHỌN

1. Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh rất khó đón nhận

a. Chính Chúa phải năn nỉ thuyết phục và soi lòng mở trí cho các ông

Trước khi tìm hiểu Maria Macdala là ai, thiết tưởng cũng cần hiểu bối cảnh và tâm trạng của các tông đồ trước mầu nhiệm Phục Sinh.

Đối với Đức Giêsu Người đã chuẩn bị cho giờ của Người rất kỹ. Nếu tại tiệc cưới Cana Người đã xác nhận giờ của con chưa tới (Ga 2,4), thì nhiều lần dường như Chúa chờ đợi và chuẩn bị cho giờ đó. Trong cuộc rao giảng công khai, đã ba lần Chúa thông báo cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Người.

Cuộc thông báo lần thứ nhất tại Xêda Philip, chính Phêrô đã can dán (Mt 16,21; Mc 8,21; Lc 9,22); lần thứ hai tại Galilê (Mt 17,22; Mc 9,30-32; Lc 9,43b-45); lần thứ ba lúc sắp lên Giêrusalem (Mt 20,17-19; Mc 10,32-34; Lc 18,31-34). Tin Mừng Mátthêu và Máccô cho chúng ta thấy khi Chúa vừa công bố sự kiện quan trọng này của đời Người thì ba mẹ con nhà Dêbêđê lại đến xin Người cho một người ngồi bên tả bên hữu (đúng là trống đánh xuôi kèn thổi ngược) (Mt 20,20-23; Mc 10,35-40) và các ông tranh cãi nhau ai là người làm lớn trong anh em (Mt 20,24-28; Mc 10,40-45).

Đó là chưa kể các ông đã được chứng kiến các phép lạ cho người chết sống lại: con trai chị góa thành Nain (Lc 7,11-17), con gái ông thủ từ Giaia (Mc 5,21-43) và cho anh Ladarô chết sống lại (Ga 11,1-44). Riêng Phêrô, Gioan và Giacôbê đã được Chúa cho chứng kiến phép lạ con gái ông thủ từ Giaia (Mc 5,21-43) và được chứng kiến Chúa biến hình tại núi Tabor (Mt 17,1-9).

Các tông đồ là những người đã sống với Chúa, hằng ngày được chứng kiến các phép lạ của Chúa, trước việc loan báo sự Phục Sinh của Chúa, nhưng xem ra các ông không hiểu nổi. Thế nên không phải chỉ một mình tông đồ Tôma là cứng tin mà cả 10 tông đồ kia cũng vậy. Theo Tin Mừng Máccô ghi lại, khi nghe các chị em về loan báo Chúa đã sống lại, các ông vẫn không tin (Mc 16,11) và hai môn đệ đi là Emmau về tường thuật cho các ông nghe, các ông cũng không tin. Khi gặp gỡ các ông, Người đã quở trách các ông kém lòng tin.

Theo Tin Mừng Luca, khi các chị em về loan báo cho các ông hay Chúa đã sống lại, các ông cho là chuyện vớ vẩn không tin (Lc 24,11), hai môn đệ đi Emmau về tường thuật những gì mình đã gặp Chúa trên đường và tại nhà quán, các ông cũng không tin. Khi Chúa hiện ra với các ông, Người đã giơ tay và cạnh sườn cho các ông thấy, Người đã phải trấn an ma đâu có xương thịt… chúng con có gì ăn không, họ đưa cho Người mẩu cá, Người ăn trước mặt các ông. Chính Người phải mở lòng mở trí cho các ông (Lc 24,45), giải thích Kinh Thánh cho họ (Lc 24,26-27).

b. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính đã biến đổi các ông

Sau này, thánh Phêrô cũng như thánh Gioan đã xác nhận Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các chứng nhân được tuyển chọn. “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy dỗ anh em nhiều điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy nói với anh em” (Ga 14,26). Chính trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô trong chị giảng đầu tiên đã làm chứng Đức Kitô đã phục sinh và hôm đó đã có 3000 người theo đạo (Cv 2,14-41).

c. Chị Maria Macdala là chứng nhân do Chúa tuyển chọn

Đọc Tin Mừng thánh Gioan, có lẽ tác giả Phúc Âm thứ tư coi việc Chúa Giêsu hiện ra với chị Maria Macdala là không quan trọng. Sau khi tường thuật về các lần Chúa tỏ mình ra với các môn đệ tại Giêrusalem, tại Tibêria, thánh Gioan ghi lại: Đó là lần thứ ba Đức Kitô từ cõi chết sống lại đã hiện ra với các tông đồ (x. Ga 24,14).

Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô cũng liệt kê tất cả những lần Chúa hiện ra: với Simon, với Giacôbê, với nhóm Mười Hai, với 500 người và sau cùng với tôi, tông đồ sinh non (x. 1Cr 15,1-8), không thấy nói gì về cuộc hiện ra với Maria Macdala. 

2. Sơ lược về chị Maria Macdala

Ba người có tên là Maria: Maria Macdala; Maria ở Bêtania (em của Mátta và chị của Ladarô), và người đàn bà tội lỗi đã đột nhập vào nhà ông Biệt Phái Simon, xức dầu chân Chúa Giêsu (Lc 7,36-38) đôi khi được hiểu là cùng một người. Do đó, căn cứ vào việc Đức Giêsu đã đuổi bảy quỷ ra khỏi Maria Macdala (Lc 8,2), đã có truyền thống cho rằng Maria Macdala đã là gái điếm trước khi chị gặp Đức Giêsu. Nhưng thực tế, chúng ta không biết gì về tội lỗi hoặc khiếm khuyết của chị. Có thể chúng chỉ là một bệnh tật thể lý không giải thích được, một căn bệnh tâm thần hoặc điều gì đó làm cho chị thiếu sót nơi tâm hồn và thể xác.

Maria Macdala được các Tin Mừng đề cập đến như một trong các chị đi theo Đức Giêsu và các môn đệ của ngài và, tuỳ theo mỗi Tin Mừng, chị hiện diện lúc đóng đinh và khi chôn cất, đã đến mộ vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh để xức dầu xác ngài.

Đức Giêsu sống trong xã hội phụ quyền. Đàn chị là tài sản, trước hết là của cha mẹ rồi đến chồng họ; họ không có quyền lên tiếng cũng không được học luật Torah. Trong bầu khí cấm đoán này, Đức Giêsu đã hành động không e dè, chấp nhận phụ nữ, mời họ cộng tác trong công cuộc truyền giáo, tôn trọng họ và trân trọng tình bằng hữu với họ. Người đi đường cùng họ, đụng chạm và chữa lành họ, yêu thương họ và họ yêu thương ngài. Trên đường khổ giá có mấy phụ nữ Israel vừa đấm ngực và than khóc, Chúa Giêsu đã ân cần và nhắc nhở họ. Thái độ của Chúa Giêsu đã rất tế nhị với thiếu phụ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4,7-25) và ngay với người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang Người cũng dè dặt và an ủi (Ga 8,1-11).

Trong các Tin Mừng đọc mùa Phục Sinh, một lần nữa vào buổi sáng sớm chúng ta thấy được nỗi buồn khi Maria Macdala đã khóc ròng nơi ngôi mộ của người bạn Giêsu. Chúng ta lại nghe qua mẫu đối thoại của họ: “Này chị, sao chị khóc? Chị đang tìm ai?”. “… Thưa ông, nếu ông đã đem xác ngài đi thì hãy nói cho tôi biết ông đã để xác ngài ở đâu, tôi sẽ đến lấy”. Đức Giêsu gọi: “Maria!”. Chị quay lại và nói bằng tiếng Hebreu, “Rabboni!”…. “Đừng chạm vào ta vì ta chưa lên cùng Cha; Nhưng hãy đi báo tin các anh em rằng ta về cùng Cha cũng là Cha của anh em, về cùng Chúa ta cũng là Chúa của anh em”. Maria Macdala đi báo tin cho các môn đệ, “Tôi đã gặp được Chúa” (Ga 20,15-18).

Vì thông điệp và nhiệm vụ này nên Maria Macdala xứng đáng được gọi “Apostola Apostolorum” (Tông đồ cho các tông đồ) vào thời giáo hội sơ khai bởi vì chị là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Phục Sinh và đã loan báo sự Phục Sinh của ngài cho các tông đồ khác.

3. Tại sao chị Maria Macdala được diễm phúc này?

Trong cuộc họp mặt mừng Chúa Phục Sinh, có một bạn nêu lên với cộng đoàn hai thắc mắc có liên quan đến trình thuật Phục Sinh trong Tin Mừng của thánh Gioan (Ga 20,1-18). Anh hỏi đại khái như thế này:

Tại sao Chúa Giêsu Phục Sinh lại không hiện ra với Phêrô, Giacôbê và Gioan, những môn đệ đã từng chứng kiến Người biến đổi hình dạng trên núi Tabor (Mt 17,1-8) mà lại hiện ra với chị Maria Macdala trước?

Tại sao Chúa Giêsu lại giao cho chị Macdala nhiệm vụ đem TIN MỪNG PHỤC SINH đến cho các tông đồ: “Đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, chị Maria Macdala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Chị liền chạy về [báo cáo với] ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến [rằng]: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ...” Ông Phê-rô và môn đệ kia liền chạy ra mộ. … Sau [khi đã vào trong mộ xem xét thì] các môn đệ trở về nhà.  Chị Maria Macdala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc… Thiên thần hỏi chị: "Này chị, sao chị khóc?" Chị thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu … nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Ga 20,1-15). 

Dựa trên đoạn Tin Mừng Ga 20,11-18, có ba điểm rất đáng chú ý:

Thứ nhất: Macdala là người đã thao thức suốt đêm, có lẽ chị đã không chợp mắt được chút nào vì thương nhớ Chúa Giêsu cho nên mới sáng tinh mơ lúc trời còn tối chị đã chạy vội ra nghĩa địa, không sợ lạnh, không sợ ma, không sợ gì cả, chị chỉ muốn được thăm viếng xác của Thầy mình mà thôi. Can đảm!

Thứ hai: Khi Macdala thấy tảng đá bị đẩy ra một bên, chị đã không tự ý vào xem, không phải là vì chị sợ nhưng là vì chị biết tôn ti trật tự, biết kính trên nhường dưới cho nên chị liền chạy về báo cáo với ông Phêrô là vị thủ lãnh của các tông đồ. Vâng phục!

Thứ ba: Khi các môn đệ bỏ đi về nhà, Macdala không bỏ cuộc, không nản chí, chị là người duy nhất còn nán lại đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc, chị đau khổ vì xác của Thầy bị mất tích.  Và chị đã cố gắng kiếm lại xác của Thầy cho bằng được: “Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về. Kiên nhẫn!

Vì Macdala đã Can đảm - Vâng phục - Kiên nhẫn cho nên Chúa Giêsu mới gọi đích danh của chị: “Maria!” và mới tỏ hiện ra cho chị thấy vinh quang Phục Sinh của Ngài trước tiên!

Vì Macdala có lòng Can đảm - Vâng phục - Kiên nhẫn cho nên Chúa Giêsu mới trao phó cho chị cái vinh dự “đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20:17-18)!

Tôi thì tin chắc rằng vì những đức tính Can đảm - Vâng phục - Kiên nhẫn cho nên Chúa mới ban thưởng cho chị hai ân huệ cao quý: gặp Ngài trước tiên và đem tin vui phục sinh truyền báo cho các tông đồ. 

III. HÀNH TRÌNH TÌM CHÚA CỦA MARIA MACDALA CŨNG LÀ HÀNH TRÌNH ƠN GỌI CỦA MỖI CHÚNG TA

1. Khởi đầu của ơn gọi: Chị tìm ai?

Khi Chúa Giêsu gặp chị Maria Macdala, Người hỏi: Chị tìm ai? (Ga 20,15). Đó cũng là câu hỏi Chúa đặt ra với các môn đệ đầu tiên. Khi Chúa bắt đầu cuộc đời công khai, thấy có hai môn đệ Gioan đi theo, Người quay lại và nói: Các anh đi tìm gì thế? Họ đáp: Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? (Ga 1,38).

Thường trong lễ nghi thâu nhận, khấn dòng, bao giờ vị chủ sự cũng hỏi: Anh (chị) xin gì? Đó cũng là câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ ở phần đầu Tin Mừng.

Động lực chúng ta đến với dòng:

Khao khát nên trọn lành, muốn được dâng hiến đời mình để phụng sự Chúa,

-  Mong được phục vụ người nghèo, trẻ em mồ côi bất hạnh,

-  Mong được chăm sóc và điều trị các bệnh nhân và các người đau khổ,

-  Được chứng kiến ảnh hưởng đạo đức và văn hóa nơi các trường dòng. Mong được giúp dạy học văn hóa cho các trẻ em trong tư cách tu sĩ – nhà giáo,

Tuy nhiên cũng có thể do một động lực khác:

- Thích bộ tu phục đẹp, khi nhìn ngắm các cha, các thầy, các soeurs thấy có gì đó thanh thoát, toát ra vẻ thánh thiện.

Thích được đá banh, tham gia đội văn nghệ của dòng.

- Vào dòng có điều kiện thăng tiến bản thân hơn và có vị thế xã hội cao hơn.

Đôi khi mình cũng có cảm giác như Giêrêmia là mình bị dụ dỗ: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn và đã thắng con. Suốt ngày con đã nên trò cười để họ nhạo báng con” (Gr 20,7).

Tôn sư Eckhart: Chúa đã dùng lưỡi câu tình yêu để nhử con. Khi bị lưỡi câu móc vào miệng thì càng giẫy con càng bị dính.

2. Khủng hoảng ơn gọi

“Thưa ông, nếu ông đã mang Chúa ra khỏi mồ, xin làm ơn cho tôi để tôi mang Người về” (Ga 20,15).

Niềm vui của cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh này là trung tâm đời sống dâng hiến. Đây là hạnh phúc mà ta cùng nhau thi hành sứ vụ. Đây là hạnh phúc sống cộng đoàn huynh đệ, hòa hợp, tâm đầu ý hợp:

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

Anh em được sống vui vầy bên nhau. (Tv 133,1)

Thế nhưng, cuộc sống cũng lắm chữ “nhưng”, bất trắc xảy đến. Chúng ta chỉ lớn lên khi chúng ta trải qua những khoảnh khắc mất Chúa. Hưng phấn bị tụt, nồng độ nhiệt tâm tông đồ sút giảm, không còn thấy sốt sắng khi cầu nguyện. Khi cuộc sống bị rơi vào tình trạng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, có rạn nứt, có sự phân hóa trong cộng đoàn.

Rồi tình trạng sức khỏe do làm việc quá tải, vì quá ham công việc, coi nhẹ việc trau dồi đời sống nội tâm, bỏ kinh lễ, bỏ các buổi sinh hoạt cộng đoàn dẫn đến tình trạng chán nản buồn phiền, giữa đường đứt gánh.

Đời ta qua cửa thần phù,

Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm. 

Chúa Giêsu gọi chị Maria: Maria. Chị quay lại và thưa lên bằng tiếng Hípri: Rápbôni – thưa Thầy.

Khi tưởng người ta lấy mất thi hài Chúa, Maria vẫn không bỏ cuộc mà ra đi. Khi Chúa Giêsu biến mất, ông Phêrô cũng như bao người khác trở về với công việc hằng ngày. Trở về với cuộc sống cũ có thể là một cám dỗ. Chị Maria không bỏ cuộc, nhưng tiếp tục đi tìm một thi hài. Chúng ta phải mất Chúa, nếu chúng ta muốn tìm thấy Người một lần nữa, vừa sống động, vừa gần gũi hơn trước. Nếu chúng ta kiên trì, chúng ta sẽ được đền bù.

Cần có thời gian hồi tâm, cần can đảm bỏ ra những ngày vào sa mạc để lắng nghe tiếng Chúa trong lời của Người, trong các biến cố đời sống, qua linh đạo của dòng, cũng như giáo huấn của Giáo Hội.

3. Tôi đã thấy Chúa

Chị Maria Macdala chạy đến với các anh em và nói: Tôi đã thấy Chúa (Ga 20,18). Chị là người đầu tiên rao giảng về biến cố phục sinh. Chị là nhà giảng thuyết có khả năng nghe tiếng Chúa khi Người gọi chị và chị chia sẻ Tin Mừng Chúa đã chiến thắng sự chết.

Tôi đã thấy Chúa. Đây không phải là lời công bố một sự kiện, nhưng là chia sẻ một điều khám phá. Chị chia sẻ sự mất mát, nỗi lo lắng và phiền muộn của mình và bây giờ chị chia sẻ với họ cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Chị chia sẻ Tin Mừng với họ vì đó cũng là Tin Mừng cho chị.

Khi chia sẻ Lời Chúa cho người khác là chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Lời, những băn khoăn trăn trở, và cả những khi phải vật lộn với Lời trong những lần gặp gỡ nhau thân tình, chúng ta đã chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin về hiện tình bản thân và vì những gì chúng ta đang sống.

Một trong những món quà quý giá mà chúng ta đem đến cho cộng đoàn tu cũng như cộng đoàn dân Chúa là chính cuộc sống và thất bại trong giờ phút đen tối.

Trong hành trình theo Chúa, chúng ta được đào tạo trở thành người tu sĩ, nhưng có khi hình ảnh người tu sĩ lý tưởng vẫn chưa hiện hình trong cuộc đời ta, mà có khi cả đời vẫn chưa đạt được.

Lm Đa minh Đinh Viết Tiên, OP (daminhvn.net)

 

 

Mục Lục