BIẾT CON YÊU NGÀI

 

             Sự kiện mộ trống và thân xác Giêsu không còn ở đó nữa dường như ắng lại. Nỗi ám ánh bởi cái chết thê lương của Thầy cũng dần trôi vào kí ức. Cuộc sống là vậy, vui buồn, hạnh phúc hay đau khổ đều sẽ qua đi. Niềm vui lớn lao thế nào rồi cũng hết, nỗi đau có tột cùng rồi cũng qua. Cái gì thực sống thì tất yếu sẽ sống, bằng không chẳng gì có thể níu giữ nó được. Như vậy, kỉ niệm sống hay chết hoàn toàn tuỳ thuộc vào cảm xúc của con người. Ai nhớ lâu, nhớ hoài, kí ức tất mãi mãi tồn tại.

             Nỗi đau mất Thầy phần nào đã vơi đi, các tông đồ lại trở về với thường nhật, miệt mài với công việc chài lưới sinh nhai. Nói theo thói đời, chẳng khác kẻ thất trận trở về. Ít gì, cũng 3 năm dong duổi, đeo đuổi hoài bão với Thầy Giêsu xây sự nghiệp lớn đã khép lại. Viễn tượng thế giới xinh đẹp như Thầy tiên báo kể từ nay như hoàn tan vỡ. Phải trở về với công việc bổn phận và an thân với kiếp người. Hào quang sáng chói của tháng ngày bên Thầy rao giảng cũng đã hết, cuộc sống đôi lúc vẫn nhạt nhoà như vậy đó.

             Thế nhưng, từ trong những thứ tưởng chừng như đã hết, Chúa phục sinh luôn luôn hiện diện để khơi dậy niềm hy vọng, niềm tin mới vào cuộc sống vĩnh cửu. Cái chết đã kết thúc tất cả nhưng không phải khép lại mọi thứ. Sự phục sinh đã bùng dậy khơi nguồn sống bất diệt. Giữa cuộc sống bình lặng yên ả thường nhật, nhiều khi chúng ta lầm tưởng chỉ một mình lầm lũi đối diện với cuộc đời. Nhưng thật ra không đúng vậy, Thiên Chúa luôn hằng ở cạnh bên, kề cận, yêu thương và quan phòng chăm sóc cho tôi. Cái khó không phải là tình yêu Thiên Chúa, cũng chẳng phải tội lỗi chúng ta cản ngăn, nhưng chính là con mắt tâm linh của ta mù tối. Ánh mắt ấy đã bão hoà với cuộc sống để không còn nhạy cảm với tình yêu Thiên Chúa hay thông cảm với đồng loại. Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài giữa những bề bộn khổ đau của đời thường, bên những tha nhân sống quanh ta, đó mới chính là điểm thắt nút quan trọng.

             Như bao người, các tông đồ, một chút gì tổn thương ở trong lòng, khi quay về với thường nhật. Lầm lũi thả lưới bắt cá, làm bạn với sông nước, chim trời, các ông đã chôn vùi ước mơ theo cái chết của Thầy qua lao động. Ước mơ mà chính Thầy Giêsu đã bước vào cuộc đời các tông đồ và khơi nó lớn dậy. Ngài ra đi, đem theo của các ông tất cả, cả tâm hồn, cả cuộc sống. Chẳng còn gì nữa, cũng chẳng còn dám hy vọng, làm sao dám trông mong vào một người đã chết. Làm sao dám tin tưởng và hy vọng vào một người đã không còn tồn tại. Tâm trạng uẩn ức ấy trôi xuôi theo mái chèo trên tay lái. Một chút gì cay đắng bẽ bàng tuôn theo mái lưới chìm sâu vào lòng biển. Sự trống rỗng của cõi lòng rớt vào đại dương yên ả. “Đêm hôm đó, họ chẳng bắt được gì cả” (Ga 21, 3).

             Trong bóng đêm, các ngài đã lạc hướng và mất hết hy vọng. Cũng vậy, nếu chúng ta không bước vào ánh sáng, suốt đời chỉ tự mình loay hoay, mò mẫm trong tăm tối thì thật chẳng nên công cán gì. Trong ánh sáng bình minh, Đức Giêsu đã đến, Ngài đã chiếu giãi ánh phục sinh, niềm vui sự sống vào cuộc đời tăm tối mịt mù của các tông đồ. Lúc này sự thất vọng vẫn còn che khuất cõi lòng các ông khiến họ không sao nhận ra người đang hiện diện trước mặt mình là Chúa. Chỉ đến khi chứng kiến tận mắt phép lạ nhãn tiền của mẻ cá lạ, con mắt hèn kém, mê muội của các ông mới được mở ra, và người môn đệ Chúa yêu đã thốt lên từ trong bí mật của cõi lòng: “Chúa đó” (Ga 21,7)!

             Chỉ có ánh mắt tình yêu mới giúp cho con người nhận ra nhau và tìm thấy nhau. Nhược bằng không thì cho dù Chúa có hiện diện vậy, ban phát vậy hay tỏ quyền năng nữa cũng chả ai biết đến Ngài. Tình yêu, sự nhạy bén của tình yêu đã giúp môn đệ Chúa yêu nhận ra Người ông thương mến. Làm sao chúng ta có thể nhận ra Chúa trong đời giả như ta không yêu Ngài, không có trải nghiệm với Ngài, không từng thương mến Ngài. Vì thế cho nên, cuộc đời ta mãi mãi đắm chìm trong đam mê, tội luỵ là vậy.

             Đứng trước tình yêu toàn năng, tuyệt diệu của Thiên Chúa, Phêrô nhận ra cái bất toàn của mình, để tự trách bản thân sao quá u mê đến độ không nhìn ra Ngài. Ông khoác vội áo vào rồi nhảy xuống lòng biển như muốn chìm sâu trong đó hầu mong vị mặn đắng của nước phần nào tẩy rửa bụi bặm cuộc đời ông.

             Thật, không có tình thương, sự quan phòng nào lớn lao hơn tình thương Thiên Chúa dành cho con người. Sự chăm sóc yêu thương của Ngài còn hơn tình cha mẹ dành cho con cái. Than hồng, cá nướng và cả bánh nữa (x.Ga 21,9), Ngài đã dọn sẵn cho con người, chỉ cần họ biết đến lãnh nhận. Nhưng oái ăm ở chỗ, chẳng mấy ai trân trọng, con người ngàn năm vẫn mãi bàng quang trước muôn vàn ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Hỏi thử trong đời, có ai yêu thương chúng ta hơn, có ai chăm sóc chúng ta hơn Ngài.

             Chẳng phải ngẫu nhiên Đức Giêsu hỏi Phêrô đến 3 lần: “Con có yêu mến Thầy không?” (x. Ga 21, 15-17). Trong tình yêu người ta không chỉ nói yêu nhau một lần là đủ, nhưng lời yêu mãi mãi tồn tại trong tâm lòng, trào trên môi miệng. Đức Giêsu gạn hỏi Phêrô nhiều như vậy, chẳng phải Ngài hồ nghi tình yêu của ông, bởi Ngài thật biết rõ mà, nhưng hỏi nhiều là cho Phêrô, để ông thêm xác tín vào tình yêu mà ông đánh đổi cả cuộc đời vì nó.

             Câu chuyện như một huyền thoại, kể từ nay Phêrô quyết bước theo Thầy Giêsu lên đồi thập tự. Không còn mối tình nào đẹp hơn mối tình Giêsu với ông. Ngài mời gọi Phêrô theo Ngài để cùng chết như Ngài mà tôn vinh Thiên Chúa. Âu đây cũng chính là hệ quả tình yêu của tất cả những ai đặt niềm tin vào sự phục sinh của Thiên Chúa. Nếu nói, tôi tin Chúa đã sống lại mà không dám bước vào cuộc tử nạn của Ngài âu tôi cũng chỉ là kẻ nói dối.

             Thiên Chúa biết tôi, biết tình yêu, biết tấm lòng tôi dành cho Ngài, biết cả những lồi lầm thiếu xót của tôi nữa, biết thân phận tôi yếu đuối mỏng dòn, dễ sa ngã, hay phạm tội, mau hứa, vội thề, chóng thất tín, nhưng Ngài luôn yêu thương, trân trọng tôi, đặt niềm tin tưởng vào tôi. Như Phêrô, Ngài mời gọi tôi bước theo Ngài vào con đường tử nạn để hưởng trọn niềm vui phục sinh cứu độ. Xin Chúa cho tôi biết Ngài yêu tôi thực. Xin Chúa cho tôi biết Ngài thực yêu tôi, mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời. Ở tận cùng kiếp sống xem chừng tẻ nhạt dung dị nhất, Ngài luôn ở đó với tôi, mời gọi tôi sống nhân chứng niềm tin sự sống bất diệt. Xin giúp con luôn biết nhận ra Chúa phục sinh hiện diện trong đời, cho dẫu bất kỳ thử thách đau khổ nào cũng không thể che khuất được ánh mắt tin yêu con đã đặt trọn nơi Ngài.

Maria Clara.

 

 

 


Mục Lục