CON… KHÁT

 

Nhân loại có nhiều thứ để khát, không chỉ khát nước mà còn khát tiền tài danh vọng, địa vị, tình yêu… Trong muôn vàn cái khát, hiếm thấy khát chân lý, tình thương. Có lẽ vì khát mãi mà không thấy, không gặp, không thỏa mãn cho nên nhân loại buông xuôi.

          Văn minh ngày càng phát triển, nhu cầu khao khát của con người hầu như đáp ứng đầy đủ. Chỉ cần có tiền, người ta có thể mua được tất cả. Thế nhưng, điểm mấu chốt là thế giới khát mãi không ngừng. Có tiền mà mua cho hết khát cũng tạm đi, nhưng trớ trêu, khát vọng con người vô đáy, không bao giờ đủ, không bao giờ dừng lại. Cứ vậy, thế giới ngày càng trượt dài trong bánh xe tham vọng, khát vọng này nối tiếp khát vọng kia đến vô tận.

          Có một thứ nước làm cho người ta không còn khát nữa, đó là dòng nước trường sinh, dòng nước cứu độ, nó lấp đầy mọi hố sâu tham vọng. Càng khát nhân loại càng cuống cuồng đi tìm, lôi kéo, chiếm hữu. Họ không chỉ xin cho được cơm ăn áo mặc mà mọi tiện nghi nhanh gọn hiệu quả đều được thế giới quan tâm đẩy mạnh. Càng uống tham vọng vật chất, nhân loại càng thêm khát. Chỉ những ai biết uống nguồn lương thực bất diệt mới no thỏa được thôi.

          Đối diện với văn minh tiến bộ, con người đặt ra muôn vàn câu hỏi thỏa đáp nhu cầu bảo tồn cuộc sống. Nhưng thử hỏi giàu có bạc tiền cũng có mấy ai dừng lại với những gì mình có. Tại sao vậy, tại sao cơn khát của nhân loại lại vô tận? Phải chăng thực tại trần thế không thể thỏa đáp khát vọng của họ? Có lẽ khi cơn lốc tham vọng dậm chân tại chỗ, thế giới sẽ có hòa bình, yêu thương.

          Quả vậy, cũng chỉ vì tham vọng mà con người vẫn hoài lây lất trong tranh chấp và nước mắt chia ly. Mãi vẫn không thấy hòa bình thịnh vượng, trong khi con người ai cũng muốn được thịnh vượng hòa bình. Nhân loại khát tham vọng, Đức Giêsu lại khát tình yêu. Ngài khao khát cho con người nhận biết, yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa để được sống. Ngài thao thức mong mỏi con người tin vào dòng nước trường sinh bất tử chỉ vì muốn họ no thỏa không thôi, và không còn phải khát nữa.

          Cứ hỏi tại sao nhân loại mãi khóc, vì chưa no thỏa nên phải khóc. Người nghèo khóc cái ăn cái mặc, kẻ giàu khóc sao cho được giàu có thêm. Cứ bấu víu vào thế lực vật chất thì làm sao no thỏa được? Có gì trong vũ trụ thỏa đáp khát vọng nhân loại đâu. Thế giới sống như không cần Thiên Chúa, việc tôn thờ thần linh trở thành dịch vụ thỏa đáp tham vọng con người. Cầu khấn để cho được quyền lực vật chất chứ không để tôn thờ. Thiên Chúa không phải là Đấng ngồi trong đền thánh chờ đợi con người đến tôn sùng khấn vái nhưng Ngài hiện diện trong chính tâm lòng họ, khi nhân loại biết tin yêu và phụng thờ với cả lòng thành.

          Phải chăng hoạt động của Thiên Chúa chìm sâu trong thinh lặng nên nhân loại khó tin. Hay chỉ vì cái nhu cầu về cơm ăn áo mặc lớn hơn khát vọng chân lý để mà nhân loại bao đời vẫn chìm trong lầm than đói khổ. Tìm được lý tưởng sống là điều không dễ. Người ta khó khăn thế nào mới tìm được nghiệp, sẽ càng khó hơn để mà tìm lẽ giữa đời.

          Đến trần gian là để thế giới hiểu rằng chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy khát vọng sâu thẳm của nhân loại, nhưng con người đã phủ nhận điều đó, chỉ vì tin thờ Thiên Chúa là đi trên bánh xe trần thế, tự bảo mình phải vượt thoát khỏi tham vọng ở đời. Sống siêu thoát đâu phải là việc dễ dàng. Càng bám vào con người, nhân loại càng khát nhưng đi theo Thiên Chúa càng phải từ bỏ mình. Cuộc sống luôn đòi hỏi chọn lựa. Thế nào là chọn lựa khôn ngoan để được sống mãi, là dấu hỏi ngàn đời nhân loại phải giải mã.

          Niềm tin vào thế giới thần linh ngày nay đã trở thành một thứ dịch vụ “xin – cho”. Họ tung tiền cầu khấn để xin được như ý. Họ cúng vái, làm phước đức đền này thành nọ để được ban ơn, mà quên đi cái đền thờ Thiên Chúa ở ngay trong chính tâm hồn. Đền thờ nhất thiết phải biết trân trọng tôn kính chính là bản thân mình, vì đã được Thiên Chúa cứu chuộc bằng chính giá máu Ngài. Thiên Chúa đâu phải ở đền đài cao sang hay trên núi cao mà Ngài hiện diện trong mỗi cá vị kìa. Người ta có biết coi trọng Thiên Chúa là ai, ở đâu, cho nên không cảm thấy ngần ngại khi tổn thương, xúc phạm tha nhân cách vô tâm, không cần biết đến Thiên Chúa của họ.

          Trình thuật Đức Giêsu với người phụ nữ Samiaria hôm nay cũng chính là thao thức của Giáo hội, làm thế nào để có thể giới thiệu hình ảnh Đấng cứu độ duy nhất cho nhân loại. Con người càng uống sự cậy dựa vào của cải vật chất họ càng thêm khát, phải làm sao cho thế giới tin nhận Ngài là Đấng giải thoát họ khỏi mọi khát vọng. Có Thiên Chúa là có tất cả, chiếm hữu được Ngài nhân loại sẽ không còn thèm khát bất cứ điều gì. Thế nhưng, thế giới chả mấy người muốn được Thiên Chúa chiếm hữu. Ai cũng biết vạn vật rồi sẽ qua đi, không thọ tạo nào có thể khiến con người no thỏa, ngoài Thiên Chúa, nhưng vẫn không thiếu kẻ điềm nhiên chối từ, kẻ thì ngại bỏ mình, người ngại hy sinh… tựu trung cũng là ích kỉ hưởng thụ cá nhân lôi kéo.

          Lạy Chúa, diễm phúc hơn trong nhân loại, con sớm được mời, được chọn, được tách riêng để uống dòng nước cứu độ. Tìm được lẽ sống đời mình, thay vì ngủ yên trong ân sủng, để được lấp đầy mọi khát vọng, con lại từ khước, bước lại đường mòn trần gian tìm đến nguồn trường sinh bất diệt. Trần gian có khi nào khiến con người no thỏa, nhân loại có ai không khát, sao có thể giúp người bớt khát? Con xin lỗi vì không tìm được sự no thỏa nơi Ngài trên con đường ân thánh, phải chăng con chỉ là thụ tạo, muốn được trở về sự thật đời mình? Cảm ơn Thiên Chúa, tình yêu Ngài cho con niềm tin, sức mạnh. Con không khát danh vọng, bạc tiền nhưng khát yêu thương. Được sinh ra từ tình yêu, con không thể sống trong bầu khí quyển gian dối. Tha thứ cho con, không phải vì ham muốn bất chính mà chỉ vì con khát…Chúa ơi!

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

         

 


Mục Lục