ĐƯỜNG LÊN TRỜI
Bệnh tật, cái chết luôn
là mối đe dọa lớn nhất giáng trên nỗi sợ hãi của con người. Nếu nói vạn vật đều
được sinh ra trên cõi đời này thì không thể phủ nhận bất kỳ tạo vật nào cũng
muốn trường sinh, do đó nhu cầu bảo tồn sự sống được coi là nhu cầu lớn nhất
của vũ trụ. Chả vậy mà mọi loài cứ hoài xâu xé nhau, tranh giành sự sống. Nhìn
lại lịch sử nhân loại, con người vất vả bao nhiêu để đi tìm cho bằng được
phương thuốc trường sinh bất tử, thế nhưng ngoài Thiên Chúa, thế giới có thể
làm được gì để muôn loài bất diệt? Quả thật, danh vọng, giàu sang, tiền tài,
địa vị, quyền lực… có lớn lao thế nào đi nữa thì cũng phải đối diện với cái
chết. Tội lỗi giết chết linh hồn con người, sự chết cướp đi thân xác họ. Hai
cái chết trong một thực thể, cái chết nào cũng quan trọng. Chẳng vậy mà dân
gian thường khuyên bảo hay khuyến cáo nhau: hãy chết trước khi chết hay những
kẻ chết… ngay khi còn đang sống.
Buồn
là như vậy đó, hình như ý thức sự chết thế nào rồi cũng sẽ đến, không buông tha
cho bất kỳ ai, nên số đông nhân loại chạy theo lối sống hưởng thụ, sống cuồng,
sống vội kẻo sự chết đến vào lúc ta không ngờ vào giờ ta không biết, chưa thỏa
mãn hưởng thụ có phải là uổng phí một đời. Chưa bao giờ chủ nghĩa thực dụng
chiếm hữu con người nhiều như hiện tại. Thế giới càng văn minh, nhu cầu hưởng
thụ càng lớn. Cái tâm thức đáng chết ấy ngày càng lún sâu vào não trạng nhân
loại, người ta đua nhau làm những chuyện phi đồi hầu đạt được thõa mãn dục
vọng.
Số
đông còn lại sống theo thái độ bàng quan, mặc thế thời xoay chuyển, định luật
xoay vần, họ chỉ sống và muốn sống thu tích cho đầy hố tham vọng, mặc ngày sau
ra sao thì ra, không quan tâm, chằng màng biết đến. Cái thái độ sống như thể
chẳng bao giờ phải chết ngày càng nhân rộng. Cứ thế, họ cèn cựa, tranh giành
hơn thiệt từng chút từng ly, tiền của, danh vọng là tất cả, bất chấp nhân phẩm,
tính mạng. Nực cười, những con người với thái độ sống đáng sợ như thế lại tự
cho đúng đắn, hợp thời, văn minh vì chạy kịp đà tiến nhân loại.
Như
vậy, con người đâu có sợ chết, đúng hơn họ không sợ hậu vận. Tưởng rằng chết là
hết, nếu chết là hết thì tại sao những ngày ngắn ngủi nay còn mai mất trên trần
gian không lo hưởng thụ cho thỏa thích, sợ chết phải làm ma đói. Mặc dầu biết
chết là hết, vẫn nghiễm nhiên hưởng thụ, ganh đua, kẻo thiệt với đời. Có thể
nói, con người thời đại không sợ chết, coi thường cái chết, bất chấp sự chết…
cái chết của một lương tâm trong sáng. Lương tâm nhân loại đã bị bào mòn, chai
cứng, tha hóa bởi môi trường, hoàn cảnh sống. Cuộc sống ngày càng văn minh, tất
nhiên cái khó khăn làm nên cuộc sống càng lớn, không biết có phải vì vậy mà
nhân loại buông xuôi theo làn xoáy thời đại, lơi lỏng chuẩn mực xã hội, sống vô
độ, tự mình đi vào ngõ cụt dẫn đến diệt vong.
Như
vậy, song song với những cái chết thể lý, sự ra đi tất yếu của con người, thì cái
chết tâm linh đang trên đà báo động. Người ta chết ngay khi còn đang sống là
như vậy đó, chết vì tham danh vọng bạc tiền mà bán rẻ lương tri, nhân phẩm.
Hiếm thấy ai biết sống như thể ngày mai không còn sống nữa, để có một cuộc sống
đẹp.
Thật
ra, nhân loại tham sống bất tử không phải vì muốn được hạnh phúc trong niềm vui
bình an công chính, mà cũng chỉ vì tham sống sợ chết, lo mất đi cái thế giới
vật chất đầy lôi cuốn, hấp dẫn nên họ cuống cuồng lao vào vòng xoáy tham vọng.
Để
có được sự sống bất diệt, nhất thiết phải sống với thái độ siêu thoát, không nô
lệ bạc tiền, danh vọng, càng bám vào nó, càng bị tiêu diệt. Người ta sống công
chính, thì cho dù cái chết thể xác có mang họ ra khỏi thế giới này, họ cũng sẽ
sống mãi, không bao giờ chết. Có những cái chết trường sinh, nghĩa là sống mãi
không bao giờ chết trong lòng người vậy. Nếu từ thuở tạo dựng, con người đã khao
khát sống trường sinh, vì không muốn đối diện với cái chết thì lẽ ra phải biết
sống tốt để được sống mãi chứ. Ngược lại, nhu cầu muốn được sống mãi càng cao
thì nhu cầu bám víu vật chất càng lớn. Tin vào Thượng Đế để được sống bấ diệt
mà phải đánh mất tự do, hưởng thụ khiến con người chao đảo, buông xuôi, bỏ
cuộc. Nếu việc đón nhận cái chết là nỗi đe dọa khinh hoàng đối với nhân loại
thì việc giết chết lương tri nhân phẩm lại là một hồi chuông cảnh báo ghê sợ. Văn
minh khoa học ngày càng tiến bộ, thỏa đáp nhu cầu bảo tồn sự sống nhưng càng
cứu sống con người trên phương diện thể xác bao nhiêu thì càng giết lần giết
mòn lương tri bấy nhiêu. Chỉ vỉ lợi nhuận, người ta đã phát minh ra không biết
bao nhiêu là phương tiện bo đắp thân xác, bỏ qua giá trị nhân văn, giữ gìn
thuần phong mĩ tục.
Ladarô,
như bao người, cũng đến lúc anh phải bỏ lại người thân để ra đi, trả lại thân
xác vào lòng đất - nơi nó được phát xuất ra, còn linh hồn trở về với Đấng Tạo
Thành. Dù muốn dù không, đã là tạo vật, không ai tránh khỏi điều đáng sợ ấy.
Nhưng sự thật, đó không hoàn toàn là điều dữ, mà đúng hơn là một sự kết thúc
tốt lành, để được về với sự thật đời mình. Con người thật ra đâu phải thuộc thế
gian này, mà thuộc về nơi không còn đau khổ, mất mát, tội lỗi hay sự chết. Nếu
trần gian không cho con người hạnh phúc, thì tại sao nhân loại cứ bám mãi vào
đó như một loài tầm gửi, không thể tự mình vươn lên tìm đến lẽ sống. Nếu ra đi,
là để được hạnh phúc trường sinh, thì tại sao con người sợ chết. Nếu nói ai chả
muốn sống mãi, thì tại sao việc về trời để được sống viên mãn trong tình yêu
cứu độ lại khiến con người hoảng sợ, luyến tiếc? Hình như cái sống vật chất chiếm
hữu tâm tưởng con người hơn nhiều so với cái sống tâm linh. Có lẽ nó thuộc về
một thế giới mơ hồ, trừu tượng. Do vậy, càng bám vào trần thế, con người càng chìm
sâu trong cái chết bất tận.
Chết
mà được trường sinh, đó là cái chết bất tử, cái chết để được sống mãi. Sống mà
bán rẻ lương tri, là chết trước thời hạn, chết ngay khi còn đang sống. Sống hay
chết không thuộc quyền tự do chọn lựa của con người mà thuộc về Đấng làm chủ
nó. Có ai chọn cho mình ngày sinh ra cũng như lúc mất đi, nhưng làm cho mình
sống hay chết lại hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định từng cá vị.
Lạy Chúa, ngay từ hồi bé xíu, con đã ý thức
về cái chết. Có nhiều thứ trên đời khiến con lo sợ nhưng vẫn không sợ gì hơn sự
chết. Sự chết cướp đi của con tất cả: cuộc sống, người con yêu thương. Thế
nhưng, khi ý thức rõ rệt về cội nguồn, nhất là khi đối diện với bất toàn cuộc
sống, con chỉ muốn được sống mãi ở nơi không còn sự dữ, khổ đau, mất mát. Bao
lần chứng kiến người thân ra đi, con đã khóc đến cạn kiệt lòng, nào phải luyến
tiếc sự sống mà là như mất đi chính thân thể mình vậy. Con cũng chẳng hiều nổi,
những điều con lo sợ, nhút nhát, trốn tránh trước đây, thì bây giờ chính con
chọn lựa lại. Có lẽ con đã sai, con lầm tưởng lối lên trời duy nhất, để rồi bỏ
qua con đường từ đất. Con quên mất Ngài cũng đã bỏ trời xuống đất vì con. Có ai
lên trời mà không từ đất bao giờ, nơi họ được sinh ra và phải mất đi. Xin cho
con niềm tin, lòng can đảm cùng người con yêu thương với Chúa bước hết đoạn
đường nối đất với trời, dẫu có phải mất đi tất cả cũng cam…
M. Hoàng Thị Thùy Trang.