VƯỢT THOÁT LŨ ĐỜI
Và rồi cuộc xét xử đau
thương cũng đã đến, như lời các tiên tri loan báo, Con Thiên Chúa hy sinh chết
cho nhân loại được sống. Nói gì đi nữa, thì Thiên Chúa cũng đã chết rồi, đó là
sự thật. Thời gian qua đi cũng không thể phủ nhận, lịch sử nhân loại đã đóng
ấn, kí ức ấy mãi mãi tồn tại. Thế nhưng, nhớ lại không phải để than thân trách
phận hay kể tội người này, lên án kẻ khác. Thực ra, không ai trong nhân loại vô
can trước cái chết của Con Thiên Chúa, khác ở cách thức mà thôi. Những người có
mặt trong cuộc khổ nạn đẫm máu là những kẻ ném đá mà không giấu tay, số còn lại
không dám thú nhận mình là thủ phạm thì che giấu nụ hôn bán Chúa. Cho nên, có
những mặt nạ mà lại là mặt thật, có những mặt thật lại là lạ, có khi khóc là
cười, có khi cười là khóc!
Tuy nhiên, việc phân
định ai dùng nụ hôn bán Chúa, ai chối bỏ, ai đóng đinh Ngài không quan trọng,
bởi chưng Thiên Chúa cứu chuộc toàn thể nhân loại mà, có cho riêng một ai hay
loại trừ kẻ nào. Thế gian ai cũng có tội, ai cũng là người được tha tội, vậy
thì việc truy xét kẻ nào đẩy Ngài đến con đường chết thật sự không cần thiết.
Ngài tự nguyện chọn lấy cái chết để chia sẻ cho đến tận cùng kiếp người, Ngài
đã làm người trọn vẹn, yêu thương đến tận cùng. Chính vì thế, điều cần hơn
cả là sự ý thức chính mình được Thiên
Chúa yêu thương. Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu, tôn vinh cái chết
của Ngài không phải chỉ đấm ngực ăn năn hay than van khóc lóc cho qua, mà cần
thiết hơn đó chính là sự cảm nhận Ngài đã chết cho tôi và sống lại vì tôi. Chỉ khi
nào ý thức tận tường nguyên nhân lựa chọn cái chết khổ giá của Thiên Chúa, mới
hòng mong nhân loại tin yêu Ngài.
Nói gì đi nữa, thì
Thiên Chúa cũng đã chết, không gì có thể thay đổi. Nhưng điều cần phải đổi thay
chính là niềm tin Thiên Chúa sống lại cho nhân loại. Nếu chỉ nhìn đến cái chết
thảm khốc trên đỉnh đồi Canve sẽ khiến con người thêm bi lụy, bế tắc. Làm người
để làm gì, rồi cũng sẽ chết?! Nhưng làm người là để được sống, sống hạnh phúc
kìa! Trần gian có gì khiến con người hạnh phúc, tiền tài, danh vọng, sự nghiệp,
tình yêu…? Không có gì cả nếu như không tin rằng mình được Thiên Chúa yêu
thương. Tình yêu sẽ làm cho con người sống, một tình yêu đích thực, nguyên vẹn,
tinh tuyền. Tình yêu với đúng bản chất của nó: trao ban và hy sinh. Chính tình
yêu ấy cho con người niềm vui sống.
Sự thật, không ai phủ
nhận tiếng khóc khổ giá không của riêng ai, đã làm người, ắt phải giương vai đỡ
lấy thập giá chính mình. Nhưng điều khác biệt ở đây chính là Thiên Chúa tự
nguyện vác lấy khổ giá nhân loại để minh chứng tình yêu bất diệt. Tự bản thân,
Thiên Chúa không có thập giá, Ngài làm người, vác lấy thập giá để dạy con người
cách đón nhận đau khổ, biến khổ đau thành vinh quang phục sinh. Ngài đi tiên
phong, mở đường cho thế giới theo đó mà về trời, tìm lại nơi mình phát xuất ra.
Nếu đường trần gian chỉ là khổ giá thì không ai muốn sống để làm gì, để mà đón
nhận toàn nước mắt, cay đắng thôi sao. Nhưng đường khổ giá chính là lối dẫn đến
vinh quang. Có như thế thì cuộc sống mới có ý nghĩa và làm người mới đáng sống!
Trớ trêu cũng chính từ
đó, có lẽ vì quá nhiều nước mắt cho nên thế giới khó nhìn thấy ánh hào quang
phía sau vườn địa đàng. Chỉ biết rằng hạnh phúc thiên đường thuở đầu tạo dựng
đã bị đánh cắp, cái hạnh phúc nguyên tuyền đã bị tổ tông phá hủy, hậu duệ phải đón
nhận hậu quả của tội lỗi và sự dữ là cái chết. Dường như niềm tin vào sự phục
sinh toàn thắng yếu hơn nỗi kinh hoàng khổ giá, cho nên biết bao nhiêu thập kỉ
qua rồi, người ta vẫn còn khóc, những giọt nước mắt đói nghèo, bệnh tật, chiến
tranh, loạn lạc… vẫn thi nhau rớt xuống. Chiếc gai trên đường thập tự hẳn nhiên
không thể thiếu, nước mắt không thể vắng bóng trong cuộc đời, thế nhưng làm thế
nào để thế giới can đảm đón nhận đổ máu hy sinh cho hoa thập tự đơm bông phục
sinh là cả một vấn đề.
Không cần bàn luận,
nhân loại không ai không thừa nhận làm người là phải chấp nhận đau khổ, đau khổ
cần thiết trên hành trình rèn luyện con người nên hoàn hảo. Thế nhưng, hành
trình ấy không phải là một sự đương nhiên khiến cho nhân loại nhụt chí, buông
xuôi, bỏ mặc lũ đời cuốn trôi mà chính là sự ý thức cùng với niềm tin kiên vững
vào sự toàn thắng của Thiên Chúa.
Nếu nhân loại không tin
vào sự phục sinh, thì cái chết của Đức Giêsu cũng trở nên vô ích. Chết để mà
chết, chết là hết, là chấm hết, là kết thúc. Nhưng không, chết có phải là hết
đâu mà chính là sử khởi đầu, bắt đầu một cuộc sống mới, nơi ấy mọi người sẽ
không bao giờ phải khóc, cũng chẳng còn ham muốn, tham vọng bởi đã có Thiên
Chúa là hạnh phúc viên mãn rồi!
Tin vào sự phục sinh
toàn thắng của Thiên Chúa chính là mối lo ngại lớn nhất của Giáo hội đương đại.
Nếu chỉ nhìn vào khổ giá, có lẽ chẳng ai muốn làm người, chả ai còn muốn sống. Chẳng
phải Đức Giêsu kết thúc đường trần gian của mình bằng khổ giá hay sao? Nhưng
khổ giá đã trổ hoa phục sinh bất diệt nhờ sức mạnh của tình yêu công chính. Cho
nên việc tin vào sự phục sinh của Thiên Chúa chính là chìa khóa mở toang cánh
mồ thập giá!
Buồn vì tội lỗi đã dẫn
đến cái chết của Con Thiên Chúa là dấu hiệu đáng mừng cho thấy một lương tâm
lành mạnh còn biết phân biệt phải trái, thế nhưng chỉ nhiêu đó thôi chưa đủ.
Hơn bao giờ hết, Thiên Chúa cần bạn tin rằng Ngài đã sống lại cho bạn, vì bạn.
Chỉ cần tin như thế, chắc chắn hạnh phúc sẽ gõ cửa trên thánh giá đời.
Lạy Chúa, khóc mỗi khi tưởng niệm cuộc thương khó của Ngài,
đó là điều hằng năm con đã, nhưng khóc để mà nói thì chưa đủ, nhưng cần phải gạt
nước mắt mà ngước nhìn lên. Thiên Chúa phục sinh đang đợi phía trước, Ngài đã
vượt qua dòng nước mắt nhân loại về đến bến bờ vinh quang. Không hiểu tại sao,
con cứ mải bơi trong bể nước mắt đời mình, mãi vẫn không tìm ra được bến bờ hạnh phúc. Xin gọi tên con, lau khô
giọt lệ còn dang dở, cho con niềm vui bất diệt vì sự chiến thắng khải hoàn. Tự
bản thân, con cứ mãi đánh mất sự sống phục sinh, hỏi sao đủ sức gánh đỡ thập
giá. Tha thứ cho con, niềm tin mong manh dễ vỡ. Cho con bình an phục sinh đích
thực, mỉm cười trước lũ đời trái ngang…
M. Hoàng Thị Thùy
Trang.