SỨ ĐIỆP
TÌNH YÊU
LỄ LÁ
Tuần lễ này, tôi đọc say mê cuốn sách “Cuộc khổ
nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm
Cuốn sách viết thật hấp dẫn, tái dựng lại cuộc khổ
nạn dựa trên Tấm khăn liệm Turin và Tin Mừng, đưa người đọc từng bước đi vào
cuộc thương khó của Chúa Giêsu với những thống khổ và cực hình về thể lý. Sự
tàn ác của tội lỗi và sự đố kỵ của sự dữ trước một Tình Yêu quảng đại và bao dung.
Sự yếu đuối của thể chất trước một tinh thần bình an và vượt thoát. Giá trị của
vinh quang và tủi nhục, tha thứ và hận thù, sự sống và sự chết. Những cảm nhận
đó đưa độc giả vươn tới giá trị siêu nhiên trong Chúa Kitô Phục Sinh.
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong cái nhìn nhân
loại như một bi kịch của sự tàn bạo, bất công và hủy diệt. Chúa Giêsu bị phản
bội, bị hiểu lầm, bị ghen ghét, chịu kết án bất công. Cuộc thương khó làm cho
chúng ta kinh khiếp vì sự tàn ác và độc dữ của con người. Nó làm cho chúng ta
xót xa và thương cảm một con người là nạn nhân của lòng hận thù và đố kỵ.
Thế nhưng, cái chết trong đau thương nhục nhã
của Chúa Giêsu chính là nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại. Người chết để đền tội,
để chuộc tội, để gánh tội hầu cứu độ con người. Cái chết của Đấng Cứu Độ nhưng
lại bi thương vô cùng.
Tin Mừng về cuộc thương khó kể lại từng chặng đường
khổ nạn của Đấng Cứu Thế.
1. Chúa
Giêsu chết trong cô đơn
Những giờ phút sau cùng của Chúa là những khoảng
khắc cô đơn kinh hoàng.Trong Vườn Cây Dầu, ba môn đệ thân tín đi với Chúa, họ
ngủ say để Chúa một mình. Giuđa phản bội bán Thầy 30 đồng bạc là giá một nô lệ
bằng một nụ hôn giả dối. Phêrô chối Thầy 3 lần, ông thề là không quen biết Chúa
Giêsu trước một đầy tớ gái. Các môn đệ sợ hãi chạy trốn, có một môn đệ chạy
trốn bỏ lại cả áo, chạy mình trần. Một đám đông cuồng nộ: Đóng đinh nó đi. Họ coi Chúa Giêsu còn thua Baraba là một tên phiến
loạn giết người.
Các môn đệ ở đâu ? Những người được Chúa Giêsu làm
phép lạ nuôi ăn giờ ở đâu? Những người mới tung hô vạn tuế Con Vua Đavit giờ ở
đâu?
Chúa Giêsu đi đến tột cùng của sự cô đơn khi thổn
thức với Cha: Lạy Thiên Chúa tôi, sao
Ngài nỡ bỏ tôi?
2.Chúa
Giêsu chết trong đau khổ
Đau khổ Chúa Giêsu chịu trong giờ sau hết thật ghê
rợn.
a. Đau khổ
về thân xác
b. Người ta khạc
nhổ, đánh đập, vả tát vào mặt, dùng roi quất vào Người. Đôi bàn tay bầm tím
xuyên thâu những mũi đinh nhọn. Đôi bàn chân bị đinh đóng xuyên qua cây gỗ. Đầu
đội mão gai nhọn. Lưỡi đòng đâm cạnh sườn, máu và nước chảy ra. Một người bị
lột bỏ trần trụi. Hai tay bị giang thẳng trói xiết chặt vào thanh gỗ ngang. Hai
chân bị trói vào thanh gỗ dọc phơi ngoài trời nắng gắt cho đến chết. Chết vì
nghẹt thở do các cơ vòng ngực, cơ bắp tay không còn sức trương ra, co vào để thu
nhận và tống không khí.
c. Tử tội bị
đóng đinh nơi cổ tay, nơi bàn chân càng thê thảm bội phần vì đau đớn nhức nhối,
sức người rướn lên để thở, mau kiệt sức và chóng chết.
d.
e. Đau khổ về tinh thần
f.
Bị sỉ nhục. Bị cười nhạo
báng. Bị khinh khi.
g.
Kẻ qua người lại đều nhục
mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: mi là kẻ
phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu
mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !. Các thượng tế kinh
sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói:
Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng
cứu nổi mình. Hắn là vua
3.Chúa
Giêsu chết trong sự vâng phục
Cái chết cô đơn, cái chết đau khổ đến với Chúa Giêsu
như một chén đắng mà Chúa Cha trao phó. Chúa Giêsu xin vâng ý Cha, nhưng không
vì thế mà bớt sự đau đớn. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu than thở: Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con.
Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha. (Mt 26,39).
Theo thánh ý Chúa Cha, “Chúa Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên
cây Thập giá”( Pl 2,8).
4. Lời
Thánh Kinh ứng nghiệm
Cái chết cô đơn, đau khổ của Chúa Giêsu ứng nghiệm
hình ảnh Người Tôi Trung của Ngôn sứ Isaia. Những nổi khổ đau, mọi sự sĩ nhục
và cực hình Người Tôi Trung phải chịu : bị đánh vào lưng, bị giật râu, bị mắng
nhiếc phỉ nhổ. Mặc dầu vậy, Người Tôi Trung vẫn vững lòng tin tưởng có Thiên Chúa
phù trợ.
Chúa Giêsu tự đồng hoá mình với Người Tôi Trung
một lần (Lc 22,37; Is 53,12) nhưng truyền thống không ngừng đồng hoá khuôn mặt của
Người Tôi Trung với Đức Kitô ( Mt 8,16;Is 53,4; Mc 1,1;Is 52,1; Mt 12,18-21;Is
42,1-3; Mc 9,31;Is 53.6.12; Ga 12,38;Is 53,1). Đề tài Người Tôi Trung chịu đau
khổ là đề tài khai triển một cách rõ rệt nhất quan niệm một Đấng Cứu Thế phải
trải qua đau khổ và sự chết thì mới hoàn thành được sứ mệnh (Cv 3,13-26; Is
4,25-30; Is 53,5.6.9.12; Mc 10,41; Is 53,5; 1Cor 11,24).
Hình ảnh Người Tôi Trung đau khổ cho thấy rõ Đức
Giêsu đảm nhận thân phận làm người cho tới cùng. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa tự
mạc khải là Thiên Chúa “vì mọi người và
cho mọi người” chứ không phải như một Thiên Chúa tuyệt đối và toàn năng của
triết lý và huyền thoại. Nhân tính của Đức Giêsu mạc khải dưới một siêu việt
tính đích thực, nhìn dưới một dạng thức hoàn toàn mới mẻ. Đó là sự siêu việt
của một tình yêu vượt qua cái tôi ích kỷ, vượt qua được sự chết để trở nên sự
sống cho mọi người.
Bài Thánh ca của Thánh Phaolô gợi lên hình ảnh Người
Tôi Trung đau khổ (câu 8; Is 53,7.10.12), nhưng ở đây, Người Tôi Trung được đối
chiếu với hình ảnh Đức Chúa vinh quang. Sự tự hạ thẳm sâu và chiến thắng vinh
quang là bài ca ca ngợi Chúa Giêsu Kitô đã hạ mình chịu chết và được siêu tôn. Chính
sự vâng phục theo thánh ý Chúa Cha đã làm nên giá trị của Chúa Giêsu trên mọi
thụ tạo.
5. Sứ điệp
tình yêu
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy
những chiều kích khác lạ của tình yêu. Tình yêu không đơn thuần chỉ là sự trao
ban thuần túy để làm hài lòng người mình yêu thương, nhưng sâu thẳm hơn, nó là
sự hiến dâng chính bản thân để chịu đau khổ.
Tình Yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua con
đường thập giá thật đẹp và tinh tuyền như ánh trăng lấp lánh trên dòng sông tình
ái. Thấp thoáng trong bóng tối đau khổ, sợ hãi, cô đơn và sự chết là lung linh
ánh sáng khoan dung, tha thứ, bình an và vượt thoát. Trong màn đêm của bạo lực
và bất công, bầu trời vẫn lấp lánh ánh sao của dâng hiến và yêu thương. Ngước
lên và ngắm nhìn, chúng ta có thể nhận ra từng nét chân dung huyền ảo của Tình
Yêu và trái tim của chúng ta sẽ nhận ra được dung mạo của Chúa Giêsu yêu thương
đến cùng.
Trong hình hài đầy thương tích của Đấng Chịu Đóng
Đinh, bóng tối của sự thịnh nộ và thù hận đã nhường chỗ cho ánh sáng của nhân
ái và thứ tha. Làm sao chúng ta có thể nhận ra “Con Người” đẹp nhất trần gian,
nếu chúng ta không nhìn qua lăng kính của Tình Yêu! Cuộc khổ nạn của Chúa cho
chúng ta một cái nhìn thật thâm trầm và sâu sắc về sự nguyên tuyền của Tình Yêu:
đứng trên sự cuồng nộ là thinh lặng, đứng trên hành vi bạo lực là một tinh thần
bình an, đứng trên lòng thù hận là tha thứ, đối lại thô bạo là bao dung. Tình
Yêu làm chúng ta bỡ ngỡ và sửng sốt. Chúng ta thích ngắm nhìn hình ảnh của một
tình yêu siêu thoát và bay bổng, nhưng nơi Chúa Giêsu, tình yêu trở nên bình dị
và gần gũi. Chúng ta mong muốn một tình yêu được nhận lãnh và chiếm hữu, nhưng
nơi Chúa Giêsu, tình yêu lại trở thành trao ban và từ bỏ. Tình yêu là nét đẹp
của sự tự hạ và quên mình, là dâng hiến bằng chính trái tim và trọn vẹn cuộc
đời. Tình yêu không là ngôn từ để kết án, không là vũ khí của bạo lực đa đoan.
Tình yêu là âm thanh gợi cảm của trái tim, là nét vẽ thanh thoát của vũ hoàn và
là dòng suối của hoa trái tha thứ và bao dung. Chúa Giêsu đã làm tan chảy mọi ô
nhơ và đố kỵ, khi Người đặt tất cả trong ánh sáng của tình yêu. Nguồn suối ân
sủng từ tình yêu Chúa Giêsu làm cho mảnh đất khô cằn của sự chết trở nên hồi
sinh và đầy tràn sức sống.(x.sđd, trang 232-269).
Trước tình yêu vô biên của Đấng Cứu Độ, con người
sao có thể đáp đền cân xứng?. Làm thế nào so sánh một giọt nước nhỏ nhoi với cả
đại dương mênh mông vô tận!?
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều hướng về một sứ
điệp. Đó là sứ điệp tình yêu. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha đến độ vâng lời đón nhận
cái chết thập giá và yêu thương con người nên đã đón nhận mọi khổ đau của nhân
loại mà đưa lên cây thập gía hầu ban ơn cứu độ.
Chính tình yêu, chứ không phải đau khổ, đã biến
thập giá tủi nhục thành Thánh Giá vinh quang. Chính tình yêu của Chúa Giêsu, chứ
không phải cuộc khổ nạn mà chúng ta được Cứu Độ (Ga 3,17), được giải thoát mọi
xích xiềng tội lỗi. Như vậy, cuộc thương khó của Chúa Giêsu là một hành trình
của tình yêu tiến tới sự sống và hạnh phúc cho muôn người.
Khi chấp nhận mang lấy những khổ đau, những nhục
nhã của cái chết Thập giá, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa phải mục nát đi để
cho sự sống mới phát sinh. Nhờ sự chết của Người mà sự sống đời đời xuất hiện
cho nhân loại. Đó là định luật nối kết sự chết và sự sống. Chấp nhận đau khổ và
sự chết vì tình yêu thì nó trở thành con đường dẫn đến sự sống muôn đời.
Trong cuộc sống thường ngày, có những lúc chúng
ta gặp đau khổ, gặp thất bại, gặp nghịch cảnh. Nhiều lúc mình than trách Chúa, nghi
ngờ tình yêu của Chúa. Có người bị lung lay đức tin. Có người đã đánh mất đức
tin. Hãy chiêm ngắm đau khổ Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn để vững vàng vượt qua
thử thách, băng qua gian truân. Qua Thập giá mới đạt tới vinh quang Phục Sinh.
Hãy xin được như Thánh Gioan kiên vững dưới chân Thập giá để trung thành với một
tình yêu sắt son cùng Thầy Giêsu. Hãy xin được như Đức Maria can đảm dưới chân
Thập giá cùng chịu đau thương nhục nhã với người con yêu.
Con Thiên Chúa đã gánh chịu mọi khổ đau của thân
phận con người, nhưng Người không oán than, không kêu trách, không rên xiết;
trái lại, Người đón nhận khổ đau với một tình yêu sâu đậm: Yêu Chúa Cha và yêu
nhân loại. Chính tình yêu này đã biến khổ đau của Người nên nguồn ơn cứu rỗi.
Tình yêu cứu độ của Chúa đưa nhân loại đi tới bến bờ hạnh phúc. Chúng ta hãy
tin yêu Chúa Giêsu và bước đi theo Người để có sự sống dồi dào và niềm vui an
hoà.
Lm Giuse Nguyễn
Hữu An