VÀO SA MẠC ĐỂ TÌM LẠI
CHÍNH MÌNH
“Hãy lấy cái xà ra khỏi
mắt ngươi trước…” (Lc 6,42)
Ngay từ phần mở đầu của
thông điệp Fides et Ratio (Đức
tin và Lý trí), Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến câu châm ngôn
được khắc trên cửa đền thờ ở Delphi: “Hãy nhận biết chính mình”, và xem đó là
chân lý căn bản trong cuộc sống làm người, những hữu thể vượt trên mọi loài vật
khác ở chỗ “biết mình”.
Rất lạ lùng, người ta
gặp được khẳng định tương tự trong Tin Mừng theo thánh Tôma, khi Chúa Giêsu
dạy: “Kẻ biết hết mọi sự khác mà không biết chính mình, coi như chẳng biết gì
cả”. Dù sách Tin Mừng này không được Hội Thánh nhìn nhận chăng nữa, thì khẳng định
đó tự nó đã thật đáng giá.
Hầu như tất cả các nhà
thần bí, các tác giả linh đạo, các triết gia, tâm lý gia, nhà tư vấn, đều nhìn
nhận tầm quan trọng nền tảng của việc biết mình. Neville Symington, một nhà tâm
lý có tiếng, coi đó là “đá nền của sức khỏe tâm thần”. Thánh Têrêxa Avila nói
rằng, “Một ngày sống trong sự khiêm tốn biết mình thì tốt hơn cả ngàn ngày cầu
nguyện”. Còn Meister Eckhart khẳng định, “Không ai có thể biết Thiên Chúa mà
trước hết không biết bản thân mình”.
Chính vì việc biết mình
có tầm quan trọng đặc biệt như thế nên thứ tội mà Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ và
thường xuyên nhất là tội giả hình: “Sao anh thấy thấy cái rác trong mắt của
người anh em, mà cái xà trong mắt mình thì lại không thấy? Sao anh có thể nói
với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra’, đang khi
cái xà trong mắt mình thì không thấy? Đồ giả hình! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt
ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong mắt anh em ngươi” (Lc
6,41-42).
Giả hình là sống không
đúng với con người thật của mình, giới thiệu hình ảnh giả tạo về bản thân. Sống
giả hình là sống trong dối trá, mâu thuẫn, lừa gạt. Dối trá vì thái độ bên
ngoài không phù hợp với tâm tình bên trong. Mâu thuẫn vì nói một đàng, làm một
nẻo. Lừa gạt vì làm cho người khác bị sai lạc. Điều đáng nói là những chuyện
này không chỉ diễn ra trong đời sống xã hội mà cả trong sinh hoạt tôn giáo.
Chúa Giêsu chẳng cảnh giác chúng ta về việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí mà chỉ
nhắm mục đích cho người ta khen hay sao (x. Mt 6,1-18)?
Vậy, làm thế nào để có
thể khám phá và nhìn nhận sự thật về bản thân cách chân thành?
1. Cái tôi ích kỷ
Cái rác trong mắt mỗi
người chính là cái tôi ích kỷ của mình. Cái tôi ấy ngăn cản tầm nhìn, khiến ta
không thấy rõ sự thật về mình và về tha nhân. Vì thế, bước đầu tiên của hành
trình biết mình là phải ý thức về cái tôi ích kỷ đó.
Có những phương pháp
tâm lý giúp nhận diện bản thân, chẳng hạn phương pháp Cửu Loại (enneagram). Phương pháp này
trình bày chín loại hình nhân cách cơ bản, ở mỗi loại hình đều có những điểm
mạnh và điểm yếu, làm nên nhân cách đặc thù của mỗi phạm trù. Mỗi người có thể
dựa vào những phân tích này để khám phá bản thân, dù vẫn có những giới hạn, do
mỗi con người là một nhân vị độc đáo và không thể thay thế hoặc xếp loại như
những đồ vật.
Dù có những phương pháp
tâm lý trợ giúp, điều quan trọng vẫn là nội tâm hóa; nếu không, sẽ có nguy cơ
vận dụng những phương pháp này để giúp đỡ người khác, đang khi chính mình không
hề áp dụng. Nói cách khác, cần phát huy khả năng phản tỉnh vốn là nét đặc thù
của con người “biết mình”. Với khả năng này, con người không chỉ nhìn thấy
những cái diễn ra bên ngoài nhưng còn nhìn thấy chính nội tâm của mình. Con
người vừa là chủ thể nhìn vừa là đối tượng được nhìn, được quan sát. Càng quan
sát khách quan và tỉ mỉ bao nhiêu, càng thấy rõ con người thật của mình bấy
nhiêu.
Bằng khả năng phản
tỉnh, chúng ta khám phá những mặc cảm nằm ở chiều sâu cuộc sống, trở thành
những ám ảnh vô hình mà rất thật, âm thầm chi phối và điều hướng cách ứng xử và
tiếp cận của chúng ta với tha nhân cũng như những vấn đề phải đối diện trong
cuộc sống.
Bằng khả năng phản
tỉnh, chúng ta cũng khám phá những động lực thúc đẩy hành động của mình. Có
những hoạt động bên ngoài rất tốt, được mọi người đề cao và trân trọng, nhưng
động lực sâu xa bên trong không hẳn là tốt lành. Cũng có khi động lực đó xen
lẫn cả hai mặt tốt xấu, vì thế càng không dễ nhận diện.
2. Cái tôi xác thịt
Theo Albert Nolan, cái
tôi ích kỷ chính là điều thánh Phaolô gọi là “xác thịt” (sarx). Từ “xác thịt” dễ làm liên tưởng đến
những tội về điều răn thứ sáu, nhưng không hẳn là thế. Khi nói đến những việc
do tính xác thịt, thánh Phaolô liệt kê: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy,
phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè
phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gal
5,19-21). Đối nghịch với những việc do tính xác thịt, thánh Phaolô liệt kê
những hoa quả của Thần Khí: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ
tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gal 5, 22-23).
Như thế đã rõ, việc làm
do tính xác thịt ở đây không chỉ là những tội phạm điều răn thứ sáu nhưng là
những việc làm của cái tôi ích kỷ, chỉ tập trung vào bản thân mình, tìm cách
thỏa mãn những dục vọng ích kỷ. Còn cái tôi đích thực là cái tôi của tự chủ và
yêu thương.
Cũng chính ở đây, cần
nhìn lại những ước muốn (desires) bằng một cặp mắt mới. Ở tự nó, ước
muốn chẳng có gì là sai trái; hơn nữa, nó còn có giá trị tích cực vì làm cho
đời sống thêm phong phú. Sẽ buồn bã biết chừng nào cho một đời sống không có
ước muốn và khát vọng. Cái xấu và cái ác chỉ xuất hiện khi những ước muốn này
quy về mục đích ích kỷ nhằm thỏa mãn bản thân mà thôi, không quan tâm gì đến
tha nhân cả. Chẳng hạn những ước muốn về tình yêu, tình dục, ăn uống, tiện
nghi, bình an… tất cả đều không có gì là xấu, nhưng có nguy cơ bị biến chất do
cái tôi xác thịt và ích kỷ. Chính vì thế, nội tại nơi mỗi người là cuộc đấu
tranh liên lỉ mà thánh Phaolô diễn tả: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, điều
tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Do đó, đời sống thiêng liêng đích thực
không hệ tại ở chỗ dồn nén và hủy diệt những tình cảm và ước muốn (không chừng
bị dồn nén ở đây, nó lại xì ra chỗ khác!), nhưng là làm chủ bản thân để những
ước muốn đó không quy về mục đích ích kỷ, đồng thời điều hướng nó đến những mục
đích cao cả đích thực.
3. Cái tôi đích thực
Theo ngôn ngữ hình
tượng của Chúa Giêsu, cái tôi đích thực chính là cặp mắt sáng: “Con mắt là đèn
soi của thân thể. Nếu cặp mắt của anh em lành mạnh, thì toàn thân anh em được
sáng. Nếu mắt của anh em không lành mạnh, thì toàn thân bị tăm tối” (Lc 11,34).
Sở dĩ cặp mắt chúng ta không lành mạnh và nhìn không rõ là vì có cái rác vướng
trong mắt, nghĩa là cái tôi ích kỷ và nặng xác thịt đã ngăn cản tầm nhìn của ta
về chính bản thân cũng như về tha nhân, cả về Thiên Chúa. Khi cái rác đó được
lấy đi, khi ta thấy được những hình ảnh giả tạo về bản thân và vượt lên nó, thì
lúc ấy, cặp mắt sẽ sáng, cái tôi đích thực dần dần xuất hiện rõ nét.
Khám phá và nhìn nhận
những hình ảnh giả tạo về bản thân mình là một nỗi đau lớn. Fulton Sheen diễn
tả hành trình này giống như việc bóc một củ hành. Như củ hành có nhiều lớp, cái
tôi đích thực của mỗi người cũng ẩn sâu dưới nhiều lớp vỏ. Cần phải bóc từng
lớp, mới thấy được cái lõi. Và khi bóc từng lớp như thế, hơi cay bốc lên làm ta
chảy nước mắt. Khi việc biết mình không chỉ đơn thuần là nhìn nhận trên bình
diện lý trí, nhưng được nội tâm hóa để thật sự khám phá và nhìn nhận cái tôi
đích thực của mình, công việc ấy làm ta chảy nước mắt, nước mắt của đau đớn và
xấu hổ, nước mắt của từ bỏ và thập giá.
Về mặt tâm lý, một nguy
cơ khác có thể xuất hiện ở đây là mặc cảm tội lỗi. Khi nhận ra những động lực
thầm kín và chẳng đẹp đẽ gì ẩn đằng sau những việc làm có vẻ lớn lao và thánh
thiện của mình, việc nhìn nhận ấy có thể làm chúng ta thất vọng về bản thân:
Không ngờ tôi tồi tệ đến thế! Người khác sẽ thất vọng về tôi biết bao nhiêu!
Phải chăng không bao giờ tôi có thể vươn tới lối sống vị tha và cao đẹp hơn?
Không ít người để cho những mặc cảm tội lỗi ám ảnh mình suốt đời, làm tê liệt
sự phát triển đích thực trong đời sống tâm lý và tâm linh.
Vì thế, cần phân biệt
giữa mặc cảm tội lỗi và cảm thức về tội. Giuđa đã để cho mặc cảm tội lỗi hủy
hoại đời mình. Một đàng, ông biết mình đã làm sai, “Tôi đã phạm tội nộp người
vô tội, khiến Ngài phải chết oan” (Mt 27,4); đàng khác, ông tự chôn mình trong
tuyệt vọng, “Giuđa ném số bạc vào Đền thờ và ra đi thắt cổ” (Mt 27,5). Trường
hợp thánh Phêrô lại khác. Ông biết mình làm sai nên “ra ngoài, khóc lóc thảm
thiết” (Mt 26,75). Nhưng ông không giam mình trong tuyệt vọng mà mở lòng ra
trong khiêm tốn và cậy trông: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con
yêu mến Thầy” (Ga 21,17). Vẻ đẹp của bí tích Giải Tội là ở đây. Việc cử hành bí
tích không chỉ ngưng lại ở chỗ xét mình, cũng không chỉ là xưng thú tội lỗi,
nhưng đỉnh điểm là lời tha thứ và giao hòa: “Cha tha tội cho con. Về đi và đừng
phạm tội nữa”. Đó là lời giải thoát khỏi những mặc cảm tội lỗi và mở ra cánh
cửa hi vọng cho một tương lai mới.
Chắc chắn hành trình
biết mình không phải là dễ dàng, do đó là “con đường không mấy ai đi” (xin mượn
lại tên tác phẩm của Scott Peck, The
Road Less Traveled). Hành trình ấy chỉ có thể thực hiện tốt đẹp trong tĩnh
lặng và cô tịch, bởi lẽ chỉ trong thinh lặng của tâm hồn, chúng ta mới có thể
tập trung để thấy rõ những lớp vỏ bọc của cái tôi ích kỷ, nghe được tiếng lòng
thầm kín nhất của chính bản thân, và có can đảm sống thật với chính mình, với
Thiên Chúa, với tha nhân.
Thiên Triệu