Các nhân vật trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu
(conggiao.info)4/8/2014 7:55:00 PM – Kính gửi quý độc giả ba bài tĩnh tâm Mùa Chay của Lm
FX Vũ Phan Long, OFM, theo chủ đề “Các nhân vật trong cuộc Thương Khó của Đức
Giêsu theo Tin Mừng thánh Luca”.
Bài 1
“Đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô một lần nữa”:
Phêrô chối Đức Giêsu (Luca 22,54-62)
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, trong phần
Mở đầu (s. 3), đã mời gọi: “Tôi mời gọi hết thảy mọi Kitô hữu, dù ở bất cứ nơi
nào, ngay vào lúc này, hãy đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô một lần nữa, hay ít
ra, mở rộng lòng mình để cho Người gặp gỡ mình... Xin đừng ai nghĩ rằng lời mời
gọi này không có ý nghĩa gì đối với mình, bởi vì “không ai bị loại ra khỏi niềm
vui Chúa mang đến”. Chúa không để cho ai mạnh dạn đến với Người mà phải thất
vọng cả, hễ khi nào chúng ta bước một bước đến Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra
rằng Người luôn luôn ở đó rồi, mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Đây là giây
phút để thân thưa với Đức Giêsu Kitô: “Lạy Chúa, con đã để cho mình bị lừa dối;
bằng muôn ngàn cách con đã lảng tránh tình yêu Chúa, nhưng con ở đây một lần
nữa để làm mới lại giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần
nữa, Lạy Chúa, xin đón nhận con một lần nữa trong vòng tay cứu độ của Chúa”.
Trong ngày đầu tiên hôm nay, chuùng ta sẽ tìm cách đáp trả lời mời gọi
của Đức Thánh Cha, dựa vào kinh nghiệm của thánh Phêrô trong cuộc Thương Khó
của Đức Giêsu, mà thánh Luca kể lại (Lc 22,54-62).
1.- Tại bữa ăn tối và tại núi Ôliu
Trong bữa ăn tối, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho
anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy”
(Lc 22,34). Lời tuyên bố này gây sốc mạnh cho Phêrô. Bởi vì Phêrô vẫn chỉ có
một lòng một dạ với Thầy, ông chỉ bận tâm đến niềm an vui của Thầy. Do đó, ông
cảm thấy rất đau khi nghe một lời tiên báo như thế.
Dù sao ông cũng có mặt trong số những người nghe Đức Giêsu dặn dò
sau đó (22,35-38). Rồi ông vẫn có mặt trong nhóm các môn đệ đi theo Đức Giêsu
ra núi Ôliu (22,39). Ông cũng có mặt giữa tất cả các môn đệ khác “đang ngủ vì
buồn phiền” (22,45) khi Đức Giêsu đi cầu nguyện, vì ở trong TM Lc, Đức Giêsu
không chọn riêng ba môn đệ thân tín mà đưa đi cầu nguyện (Phêrô, Giacôbê và
Gioan).
Thế rồi đám đông đến bắt Đức Giêsu. Tin Mừng Mc và Mt bảo rằng khi
Đức Giêsu bị bắt, “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mc 15,40; x. Mt 26,56),
còn trong TM Lc, không hề có việc các môn đệ chạy trốn. Trái lại, sau khi Đức
Giêsu tắt thở, tác giả ghi là “đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết
Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến
những việc ấy” (23,49). “Tất cả những người quen biết”: hẳn là có các môn đệ,
và như thế các ông đã không bỏ Đức Giêsu, cũng đã không chạy trốn. Đến đây
chúng ta chỉ còn gặp Phêrô thôi. Từ Lc 22,54 đến 23,49, nghĩa là từ khi Đức
Giêsu bị đưa ra tòa cho đến khi Người tắt thở, tác giả chỉ nói đến Phêrô mà
thôi.
Phêrô “theo Đức Giêsu xa xa” (22,54). Cho dù có “theo xa xa”, ông
vẫn đang tỏ ra là môn đệ, và như thế ông đã ông chân thành khi thưa với Đức
Giêsu tại bữa ăn tối: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi
nữa, con cũng sẵn sàng” (22,33). Khi theo Đức Giêsu xa xa, Phêrô vẫn duy trì
mối dây liên kết ông chặt chẽ với Đức Giêsu từ Galilê.
2.- Tại sân dinh Thượng Tế
“Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô
đến ngồi giữa họ” (22,55). Thế là Phêrô đã đổi trại, đổi phe! Bây giờ không còn
di chuyển nữa, Phêrô đã ngưng đi theo Đức Giêsu. Trong khi ở tại núi Ôliu, ông
ở giữa các môn đệ, bây giờ ở tại sân dinh Thượng Tế, ông ở giữa “những kẻ đã đi
bắt” Người (22,52). Thế là thử thách bắt đầu.
“Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và
nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy (syn autô) đấy !”“ (22,56). Là người đứng
đầu danh sách mười hai tông đồ (6,14), Phêrô đã ở “với Người” (8,1) hơn bất cứ
môn đệ nào khác. Cùng với Giacôbê và Gioan, ông đã ở trong nhóm được Đức Giêsu
cho đi vào nhà ông Gia-ia “với Người” (8,5). Vào bữa ăn cuối cùng, Phêrô và các
tông đồ khác đã vào bàn “với Người” (22,14). Thế mà bây giờ Phêrô “liền chối
(arneomai): “Này cô, tôi không biết ông ấy!”“ (22,57). Một lời chối thẳng thắn.
Trong khi Đức Giêsu đi đường tiến về nhà ông Gia-ia, và khi Người hỏi:
“Ai là người đã sờ vào tôi?” (8,45), “mọi người đều chối” (8,45), nhưng “ông
Phêrô nói: “Lạy Thầy, đám đông dân chúng xô đẩy, chen lấn Thầy đấy!”“ (8,45).
Như vậy, khác với các bạn đồng hành, Phêrô không chối. Nhưng trong khi người
phụ nữ được chữa lành chứng băng huyết “kể lại trước mặt toàn dân lý do tại sao
bà đã sờ vào Đức Giêsu, và bà đã được khỏi bệnh tức khắc như thế nào” (8,47),
Phêrô lại không thể làm chứng gì cả, bởi vì không như Đức Giêsu và người phụ nữ
lành bệnh, ông không cảm nhận được một sức mạnh xuất phát từ Đức Giêsu (x.
8,46). Sau này, trong sách Cv, sau khi chữa lành người què tại Cửa Đẹp Đền Thờ,
toàn dân nhìn chằm chằm vào Phêrô và Gioan giống như người tớ gái đã nhìn Phêrô
khi ông ngồi sưởi: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, [...] sao lại nhìn chúng tôi chằm
chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng
hay lòng đạo đức của chúng tôi? [...] Chính danh Người đã làm cho kẻ anh em
nhìn và biết đây trở nên cứng cáp” (Cv 3,12.16).
Nhưng vào giờ của quyền lực bóng tối (Lc 22,53), Phêrô không thể
nêu ra một chứng từ như thế. Chính vì thế ông chối là không biết Đức Giêsu. Như
vậy, ông đã cởi bỏ dây liên kết ông với Đức Giêsu. Khi chối là không biết
Người, Phêrô đã loại bỏ lệnh Người truyền ở 12,4-5: “Anh em đừng sợ những kẻ
giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa [...]. Hãy sợ Đấng đã giết
rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục”. Ông cũng không nhớ đến lời cảnh bảo của
Đức Giêsu: “Ai chối bỏ Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các
thiên sứ của Thiên Chúa” (12,9). Cuối cùng, ông xác nhận cho lời tiên báo của
Đức Giêsu: “Hôm nay gà chưa gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (22,34).
Khái niệm arneomai, “chối”, thường quy chiếu về một con người, hơn là về một sự
vật. Và hành vi “chối” giả thiết có một quan hệ có trước về vâng phục và trung
thành; hành vi “chối” chỉ xảy ra sau khi đã có việc nhận biết người kia và dấn
thân theo người ấy.
Cách diễn tả lời chối thứ hai khác với cách diễn tả lời chối đầu. “Một
lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc nhóm
họ!” Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải đâu!”“ (22,58). Khi nói như
thế, ông chỉ trực tiếp chối “nhóm họ”, tức các môn đệ, nhưng cũng là gián tiếp
chối Đức Giêsu. Ở 9,23, Đức Giêsu đã bảo: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ (chối)
chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Khi di vào sân dinh Thượng
tế, Phêrô đã ngồi xuống, ông đã thôi bước theo Đức Giêsu. Thay vì chối chính
mình, ông chối là không biết Đức Giêsu. Nhưng khi làm như vậy, ông cũng chối tư
cách môn đệ của mình. Khi từ chối vác thập giá mà bước theo Đức Giêsu “dầu có
phải vào tù hay phải chết” (22,33), ông chối một phần quan trọng của chân tính
của ông. “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng
sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (9,24).
Lần chối thứ ba và là lần cuối cùng xảy ra “chừng một giờ sau” (22,59).
Khi đó, “có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì
bác ta cũng là người Galilê” (22,59). Mỉa mai thay, lời này nhắc lại lời Phêrô
tuyên bố ở 22,33: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa,
con cũng sẵn sàng”. Trong khi người thứ hai nói với Phêrô ở ngôi thứ hai, người
thứ ba cũng như người tớ gái đã khiến Phêrô phải chối lần đầu, đều nói về Phêrô
chứ không nói với Phêrô: họ nói ở ngôi thứ ba. Và cũng như trong trường hợp thứ
nhất, vấn đề là dây liên hệ riêng tư với Đức Giêsu, chứ không phải như trong
trường hợp thứ hai với vấn đề là dây liên hệ của ông với các môn đệ của Đức Giêsu.
Cuối cùng, thì câu trả lời của Phêrô ở đây cũng giống như trong trường hợp thứ
nhất. Ông đã nói với người tớ gái: “Này cô, tôi không biết ông ấy” (22,57). Bây
giờ ông nói với người kia, tuy bằng là một cách “đánh trống lảng”: “Này anh,
tôi không biết anh muốn nói gì!” (22,60), nhưng cũng gián tiếp chối là không
biết Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã tiên báo là Phêrô sẽ chối ba lần là không biết Người
(22,34). Như thế, Người đã không lầm về số lần chối. Nhưng Phêrô chỉ chối có
một lần rõ ràng là “không biết Đức Giêsu” (22,57). Còn hai lần cuối dường như
không nặng nề như lần đầu; như thế, mức trầm trọng giảm nhẹ dần. Khi Phêrô trả
lời người thứ ba, “ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy” (22,60). Đức Giêsu
cũng nói đúng về thời gian chối ba lần: “Hôm nay gà chưa gáy, thì đã ba lần anh
chối [...]” (22,34).
Vào lúc gà gáy, “Chúa quay lại nhìn ông Phêrô” (22,61). Cũng như ở
12,42, tác giả gọi Đức Giêsu bằng “Chúa”. Nhưng trong khi ở 12,42-48, Chúa đáp
lại một câu hỏi của Phêrô, ở đây Người chỉ nhìn ông trong thinh lặng. Đây không
phải là lần đầu tiên Đức Giêsu nhìn Phêrô. Ở 5,2, trong truyện dành một chỗ
quan trọng cho lời của Đức Giêsu, Đức Giêsu đã nhìn thấy “những người đánh cá
(có Phêrô...) đang giặt lưới”. Vào dịp đó, “thấy mẻ cá vừa bắt được” (5,9),
“Simôn Phêrô phủ phục dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con,
vì con là kẻ tội lỗi”“ (5,8). Ở 22,61, không có đối thoại giữa Đức Giêsu và
Phêrô, nhưng sau khi cái nhìn của một nữ tỳ (22,56: “thấy ông”) và của một ông
thứ hai (22,58: “có người khác thấy ông”) đã đưa tới hai lần chối đầu tiên của
Phêrô, thì cái nhìn của Chúa làm ông nhớ lại: “Chúa quay lại nhìn ông Phêrô,
ông Phêrô sực nhớ lời Chúa đã nói với mình: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh
đã chối Thầy đến ba lần” (22,61). Nhớ lại lời Chúa, Phêrô ý thức cách đau đớn
về tội của mình.
Kể từ 22,53, với lời tuyên bố “Đây là giờ của các ông, là thời của
quyền lực tăm tối”, Đức Giêsu không hành động như một nhân vật nữa. Các đèn pha
rọi thẳng vào Phêrô. Nhờ lời nhắc về cái nhìn của Chúa và lời trích lại những
gì Người đã nói, Đức Giêsu lại có những dánh dấp của một ngôn sứ và lại trở
thành nhân vật chính của câu truyện này. Thật ra, những kẻ từ hồi đêm đã bắt
Đức Giêsu vẫn đang hành hạ Người và thách thức Người như là ngôn sứ (22,63-65).
Vậy, cái nhìn của Chúa đã thức tỉnh ký ức của Phêrô. “Ông sực nhớ
lời Chúa đã nói với mình” (22,61), “ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (22,62).
Một khoảng cách đã được thiết lập giữa Đức Giêsu và Phêrô: Phêrô thì
ở ngoài, còn Đức Giêsu một mình ở bên trong sân dinh thầy Thượng Tế.
3.- Ra khỏi sân dinh Thượng Tế
Việc Phêrô đi ra ngoài có hai vai trò:
1) Một đàng, việc Phêrô đi ra ngoài đánh dấu bước đầu ông trở lại như
Đức Giêsu đã tiên báo ở 22,32. Nói là “bước đầu” bởi vì các giọt nước mắt cay
đắng của Phêrô không phải là dấu chỉ cho thấy là ông đã hoàn toàn thoát khỏi cú
sàng của Satan. Quả thật, ký ức của Phêrô đã thức tỉnh nhưng chưa trọn vẹn. Cho
lúc này, dường như ông mới chỉ có thể nhớ lại những gì Chúa đã báo trước cho
ông trong bữa tối cuối cùng mà thôi.
2) Đàng khác, việc Phêrô đi ra ngoài giúp ông tránh khỏi đồng lõa với
những người sẽ chế nhạo Đức Giêsu và xét xử Người. Chúng ta đã thấy việc Phêrô
đi vào sân dinh Thượng Tế là như một việc chuyển sang bên đối phương. Khi ngồi
quanh bếp lửa với những người khác, ông đã ngưng bước theo Đức Giêsu và có thể
nói đã kết nghĩa với “các kẻ đã đến bắt Người, là các thượng tế, lãnh binh Đền
Thờ và kỳ mục” (22,52). Như vậy, khi đi ra khỏi sân như thế, Phêrô đã thực hiện
một di chuyển tích cực. Ngược lại với các tác giả Tin Mừng khác, Lc kể ba lần
Phêrô chối Đức Giêsu (22,56-62) trước khi xảy ra việc người ta chế nhạo Người (22,63-65)
và trước khi người ta xử Người (22,66-71). Như thế, khi đi ra khỏi sân dinh
Thượng Tế, Phêrô đã giữ khoảng cách với Đức Giêsu, đúng vậy, nhưng cũng giữ
khoảng cách với định chế Do Thái khi họ sắp đưa Thầy ông đến chỗ chết.
Theo cách kết cấu của Lc, ba lần Phêrô chối Đức Giêsu đóng một vai
trò tích cực. Nếu Phêrô đã mất lòng tin nơi Thầy ông, cái nhìn của Chúa trên
ông chẳng sinh hiệu quả gì. Nhưng chuyện không phải là như thế, bởi vì việc
chối Thầy đã phát động một tiến trình hoán cải nơi Phêrô. Và khởi đầu của tiến
trình này tránh cho Phêrô khỏi giống như Giuđa trở thành đồng lõa với các kẻ
giết Thầy. Tất cả chuyện này có được là nhờ lời cầu nguyện của Đức Giêsu.
4.- Kết luận
Hôm nay Đức Giêsu cũng đang nhìn chúng ta. Chúng ta cần phải nhận
ra là chúng ta đang ngồi ở đâu: một cách bố trí cuộc sống giống như một bếp lửa
sưởi ấm, những người bạn dễ dãi thoải mái, những người đồng lõa trong điều xấu
..., những yếu tố đó đã làm cho ta quên bước đi theo sự hướng dẫn của Đức
Giêsu. Người đang nhìn chúng ta. Chúng ta phải ra khỏi cảnh sống đó để bắt đầu
kiến thiết lại đời môn đệ. Phải trở lại sống dưới mắt Đức Giêsu. Phải nhớ lại
niềm vui của thiên đàng, của Thiên Chúa, khi đón nhận lại một người tội lỗi sám
hối.
Đức Thánh Cha Phanxicô dạy: “Thật tốt đẹp
biết bao được trở lại với Chúa mỗi khi chúng ta lầm đường lạc lối! Tôi xin nhắc
lại một lần nữa: Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta mà không hề biết chán, chính
chúng ta mới cảm thấy chán khi cầu xin lòng thương xót của Người. Đấng bảo
chúng ta hãy tha thứ cho nhau đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) chính Người nêu
gương cho chúng ta: Chúa tha thứ bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác,
Người vác chúng ta trên đôi vai êm ái của Người. Không ai có thể lấy đi khỏi
chúng ta phẩm giá mà tình yêu vô hạn và bền vững này ban cho chúng ta. Với một
tấm lòng trìu mến không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng nhưng luôn luôn hoàn
lại niềm vui cho chúng ta, Người cho phép chúng ta ngẩng cao đầu và bắt đầu lại.
Chúng ta đừng chạy trốn sự Sống Lại của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ bỏ
cuộc, điều gì đến rồi sẽ đến. Không có gì khơi nguồn cảm hứng ngoài sự sống
Lm FX Vũ Phan Long, OFM,