Bài 2
“Chứng từ của các cộng đoàn huynh đệ và hòa giải”
Những con người
có mặt trên Đồi Sọ (Lc 23,35-54)
Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô dạy:
“Những người bị tổn thương vì những chia rẽ cổ xưa thấy rất khó chấp nhận việc
chúng ta kêu gọi họ tha thứ và hòa giải, bởi vì họ nghĩ rằng chúng ta coi
thường những đau khổ của họ hoặc giả vờ như mất trí nhớ về những lý tưởng của
họ. Nhưng nếu họ nhìn thấy những chứng từ của các cộng đoàn huynh đệ và hòa
giải thật sự, điều này luôn luôn là một ánh sáng hấp dẫn. Vì vậy, tôi cảm thấy
rất đau lòng khi khám phá ra rằng làm sao trong một số cộng đoàn Kitô hữu và
thậm chí giữa những người được thánh hiến, còn có chỗ cho các hình thức khác
nhau của hận thù, chia rẽ, vu khống, nói xấu, trả thù, ghen ghét, mong muốn áp
đặt ý tưởng của mình với bất cứ giá nào, để đàn áp tương tự như một cuộc tróc
nã phù thủy không thương xót. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai với những
hành vi như thế?” (số 100)
“Coi trọng và yêu thương người khác”, một điều dường như đơn giản và
dễ dàng quá? Nhưng chúng ta thử nhìn lên quang cảnh Đồi Sọ hôm Đức Giêsu bị đóng
đinh xem chuyện “coi trọng và yêu thương người khác” có thật sự dễ dàng không,
nêu ra chứng từ về đời sống cộng đoàn huynh đệ và hòa giải có đơn giản chăng.
1.- Các “bóng tối” trên Đồi Sọ
Tin Mừng Luca viết: “Vào khoảng mười hai giờ trưa, thế mà bóng tối bao
phủ khắp mặt đất” (23,44). Bóng tối như một hiện tượng thiên nhiên ấy không là
gì so với bóng tối trong lòng những con người.
Chỉ có một tia sáng mờ đục: “Dân chúng đứng nhìn”. Họ không cười
nhạo hay chế giễu Đức Giêsu. Đấy là một tia sáng mờ đục. Còn toàn là bóng tối.
Bóng tối thứ nhất. Cho dù là kẻ có tội tày trời, cho dù đó là kẻ
thù không đội trời chung, nhưng bị đóng đinh tức là chịu một kiểu hành hình tàn
bạo nhất, đau đớn nhất và nhục nhã nhất, và người đó đang hấp hối, thế mà các
thủ lãnh Do Thái giáo vẫn cười nhạo miệt thị: họ khoan khoái vì đã khử trừ được
một cái gai, một thứ “kỳ đà cản mũi”, họ đang say sưa men chiến thắng. Câu nói
chế nhạo sau đây trở đi trở lại như một điệp khúc: “Nếu mi là Đấng Kitô thì hãy
chứng tỏ sức mạnh của mình đi!” Lương tâm họ thế nào mà không cảm thấy xót xa
cho một kẻ chết thê thảm như thế? Ít ra cũng buông được tiếng thở dài thương
cảm chứ? Họ thích chí khi thấy đối thủ “ngã ngựa”. Những thủ lãnh tôn giáo,
những người suốt ngày đọc Kinh Thánh, những người suốt ngày tiếp cận với sự
linh thánh, với thế giới Thiên Chúa, họ đang giới thiệu được gì về Thiên Chúa? Hẳn
là họ nhớ các quy định của luật chứ? Xh 23,1-2 dạy: “Ngươi không được phao tin
đồn nhảm. Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu. Ngươi không được hùa theo
số đông để làm điều trái; trong một vụ kiện, ngươi không được ngả theo số đông
mà làm chứng, khiến công lý bị sai lệch”. Đối với kẻ thù, Xh 23,4-5: “Nếu gặp
bò hay lừa của kẻ thù đi lạc, ngươi phải dẫn nó về cho người ấy. Nếu thấy lừa
của kẻ ghét ngươi quỵ ngã vì chở nặng, ngươi không được để mặc người ấy; ngươi
phải giúp người ấy đỡ lừa dậy”. Con bò con lừa của kẻ thù mà còn phải giúp đỡ,
còn chính kẻ thù thì gí cho đến chết! Các thủ lãnh tôn giáo này có thật sự sống
dưới con mắt Chúa không? Thật ra họ cũng chỉ là đại diện của vô vàn kẻ có quyền
thế, tưởng là phục vụ hạnh phúc của người khác, nhưng chỉ củng cố đia vị của
mình bằng mọi giá. “Chúa của họ” thật ra là “cái tôi” của họ.
Bóng tối thứ hai. Lính tráng cũng chế giễu Đức Giêsu. Đức Giêsu với
họ chẳng có xung đột gì cả, nhưng họ đã quá quen làm những chuyện xử tử như thế
này rồi. Trong lòng họ, không còn chỗ cho sự thương cảm. Đây chỉ là công việc
thôi mà! Đưa một con người sang thế giới bên kia bằng phương tiện tàn khốc
nhất, mà chỉ là công việc sao? Trong tập truyện Vang bóng một thời, năm 1939,
Nguyễn Tuân có đăng một tiểu truyện nhan đề “Chém treo ngành”: Vào cái thời tử
tội còn bị chém đầu bằng đao, có một đao phủ chém đầu rất giỏi, ông trân trọng
kẻ tử tội nên chém làm sao đề còn một miếng da cổ giữ cho thủ cấp họ khỏi rơi xuống
đất! Đàng này toán lính Rôma chế giễu kẻ đang hấp hối: “Nếu mi là vua dân Do
Thái thì cứu lấy mình đi!” (23,37). Họ nói thế vì họ nắm bản án: “Đây là vua người
Do Thái” (23,38). Họ còn đóng kịch như dâng rượu lên đức vua, để chế nhạo
Người. Thật ra ngay cả tấm biển ghi bản án, “Đây là vua dân Do Thái”, thật ra
là một cái danh hiệu đầy mỉa mai do quan Philatô tạo ra (x. Ga 19,15.19.22).
Bóng tối thứ ba. Còn hai kẻ tử tội bị đóng đinh hai bên Đức Giêsu
thì sao? Có lẽ chưa bao giờ con người lại gần Thiên Chúa như hai anh ấy. Anh
nào cũng chỉ cần nghiêng sang một chút, nghiêng sang bên phải hoặc bên trái, là
cũng thấy Đức Giêsu đội vòng gai, bình thản chịu đau đớn và chấp nhận mọi sỉ
nhục của đám đông. Nhưng trong lòng người mà chúng ta gọi là “anh trộm dữ”,
dường như chỉ có mỉa mai và tính toán vị kỷ. “Ông không phải là Đấng Kitô sao?”:
đấy là mỉa mai thâm độc. “Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc
23,39): đây là tính toán vị kỷ. Anh ta dùng lại các lời chế nhạo của các thủ
lãnh theo hướng có lợi cho anh. Một con người đã bị đóng cứng trên thập giá và
sắp chết thì còn có thể giúp đỡ ai?
Loài người sống không dưới con mắt Chúa! Đúng ra, loài người đang xử
Thiên Chúa đấy! Mà họ xử thiếu công tâm, họ xử theo lòng dạ họ, theo sự tính
toán của họ, theo quyền lợi của họ. Trước tất cả những lời sỉ nhục và thách
thức đó, Đức Giêsu không trả lời một tiếng nào. Thật ra Người đã nói trước rồi,
một câu nói bao trùm tất cả vụ xử án quái dị và khôi hài này: “Lạy Cha, xin tha
cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trước mắt Thiên Chúa, chắc
chắn những tiếng cười mỉa nhạo báng của các thủ lãnh là đáng kinh tởm, lời chế
giễu của toán lính là không thể chấp nhận, lời mỉa mai pha trộn tính toán vị kỷ
của tên gian phi là quái gở. Nhưng dưới mắt Đức Giêsu, tất cả đều lầm: Nếu họ
biết con người trên thập giá kia thực sự là ai, hẳn họ không dám tỏ ra như thế
đâu. Do đo, con không chấp những lời họ thách thức; xin Cha cũng đừng chấp
những lời họ thách thức. Trong Vương quốc Thiên Chúa, nổi bật những quy luật
khác; mọi giá trị đều bị đảo ngược. Quyền năng Thiên Chúa không được tỏ bày ra
bằng cách làm những gì loài người yêu cầu, hay thậm chí thách thức. Không bao
giờ Đức Giêsu lại đầy quyền lực cho bằng khi Người bị đóng đinh trên thập giá
và để cho cơn say chiến thắng của các đối thủ đổ ào trên mình.
Đã qua rồi thời gian Người tranh luận với các người Pharisêu và
chiến thắng họ bằng những lập luận sắc bén, khiến thính giả hứng thú cười rộ. Đã
qua rồi những khoảnh khắc các thủ lãnh tôn giáo phải bẽ mặt khi Đức Giêsu làm
các phép lạ để chứng minh lời Người nói. Vào lúc này, chẳng có chuyện gì xảy ra
cả, chẳng có một phép lạ nào cả. Giờ của loài người đã đến, giờ của loài người
mà không có Thiên Chúa thì là “thời của quyền lực tối tăm” (22,53). Mọi bản
năng thấp hèn của con người được tháo xiềng. Các đối thủ của Người chiến thắng
trên mọi mặt trận. Nhưng đây lại chính là đỉnh cao của quyền lực Thiên Chúa,
quyền lực tỏ bày trong sự bất lực. Những bàn tay uy quyền vẫn nắm thế giới trong
tay như cầm một hạt đậu phộng, nay bị đóng cứng vào cây gỗ. Những bàn chân có
“trái đất là bệ kê”, nay bị đóng chặt vào thân cây khổ giá. Tiếng nói của Đấng
Tạo Hóa đã từng làm cho mọi sự từ không nên có, nay chỉ còn là những tiếng rên
siết vì đau đớn. Tuy nhiên, sự bất lực này là quyền năng lớn lao nhất, bởi vì
đây là sự bất lực được chấp nhận vì yêu thương loài người, để cứu lấy loài
người.
“Nếu hắn là Đấng Kitô của Thiên
Chúa, ... Nếu mi là vua dân Do Thái... thì cứu lấy mình đi!”. Hãy chứng tỏ quyền
lực của mày! Hãy cho thấy mày có thể làm gì đi!... Ngày xưa cũng như hôm nay, quyền
lực vẫn thống trị. Chỉ quyền lực mới mang lại cho lời nói sức mạnh cần thiết. Con
người không sống dưới con mắt Chúa, không tin rằng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi
Lời” (Ga 1,1). Con người hôm nay sống dưới mắt nhau nên vẫn muốn có sự kiện,
muốn thấy dấu chỉ rõ ràng về quyền lực. Ngay các Tông Đồ cũng không thoát khỏi
não trạng đó, vì khi một làng không đón tiếp nhóm, họ đã hỏi Thầy Giêsu: “Thưa
Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
(Lc 9,54). Nói chung, các phản ứng như thế chứng tỏ các ông chưa biết Thiên
Chúa. Họ đúc ra cho mình một vị Thiên Chúa theo suy tưởng của loài người. Thế nhưng
Thiên Chúa hoàn toàn là Thần Khí. Không thể lấy khuôn khổ của lý trí con người
mà áp dụng cho Thiên Chúa. Người ta không thể đạt tới Thiên Chúa bằng tưởng
tượng và mơ mộng. Các quy luật trần thế về cạnh tranh sẽ thất bại trước mặt
Thiên Chúa. Bởi vì Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thì lương thực Người dùng chính
là “thi hành ý muốn” của Đấng đã sai phái Người (x. Ga 4,34), cho đến chết trên
thập giá; giây phút Người chết trên thập giá cũng chính là giây phút khởi đầu
vương quyền của Người. Chính khi Người đạt tới đỉnh cao nhất trong sự vâng phục
vào giờ Khổ Nạn là lúc Người bắt đầu hiển trị trong quyền năng. “Thiên Chúa
hiển trị trên đỉnh cao thập giá”! Khi tự ý chấp nhận những ràng buộc, những đau
khổ, mà không phản kháng, khi tự ý từ khước sự toàn năng, Đức Kitô đã mạc khải
trọn vẹn quyền năng Thiên Chúa ra.
Điều khủng khiếp là chính khi Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho
toàn thể nhân loại, cho chính họ, thì họ ra sức chửi rủa Con Thiên Chúa. Chuyện
này vẫn đang xảy ra hôm nay khi mà người ta dùng trí tuệ và khả năng làm việc
do Thiên Chúa ban mà chống lại Thiên Chúa. Chuyện này vẫn đang xảy ra hôm nay
khi trong nhà thờ thì có thánh lễ là mầu nhiệm cứu độ thế giới được tái diễn,
mà ngay bên cạnh hay đối diện nhà thờ, người thanh niên công giáo ngồi uống
nước, hát karaoke và nói những chuyện ô nhục. Chuyện này cũng đang xảy ra hôm
nay khi mà có những kẻ vô công rỗi nghề bình phẩm cay độc những người đang hy
sinh thì giờ, tiền bạc và sức lực mà xoa dịu những nỗi đau trên thân xác hay
trong tâm hồn người khác.
2.- Các “ánh sáng” trên Đồi Sọ
Thật may mắn. Trong bóng tối dày đặc của trời đất và của lòng người
đó, vẫn có những ánh sáng lóe lên.
Ánh sáng đầu tiên xuất hiện ngay bên cạnh Đức Giêsu: người gian phi
sám hối, “anh trộm lành”. Chẳng phải vì anh này ở bên phải Đức Giêsu mà anh sám
hối; cũng chẳng phải vì ở bên trái Đức Giêsu mà anh kia không sám hối. Tin Mừng
không nói bên nào cả. Cái đẹp là trong khi anh kia chỉ thấy Đức Giêsu là một kẻ
đáng chửi rủa, thì anh này nhận biết sự thánh thiện của Đức Giêsu, tức là “Đấng
Kitô của Thiên Chúa”, điều mà bạn anh và các thủ lãnh tôn giáo không chấp nhận.
Anh cũng nhận biết Người là vua khi nói “Giêsu ơi, khi anh vào Nước của anh,
xin nhớ đến tôi! (Lc 23,42), điều mà toán lính đưa ra chế giễu.
Ánh sáng kế tiếp là lời viên đại đội trưởng, tức viên chỉ huy toán lính
và là chứng nhân cuộc xử tử, tôn vinh Thiên Chúa: “Người này đích thực là người
công chính!” “Công chính” đây vừa được hiểu theo nghĩa là “vô tội”, tức là quan
điểm của Philatô (23,4.14-15.22), Hêrôđê (23,11) và anh gian phi sám hối
(23,41), vừa theo nghĩa là “Đấng được Thiên Chúa tôn vinh”, tức là ông phủ nhận
hoàn toàn thái độ “vô đạo” của toán lính dưới quyền.
Ánh sáng thứ ba lúc đầu chỉ mờ đục, đã rạng lên với toàn thể dân chúng:
họ không giữ khoảng cách, họ không trung lập, tránh né, vì “khi thấy sự việc đã
xảy ra, họ đều đấm ngực trở về” (23,48). Cùng với dân chúng là “các phụ nữ đã
đi theo Người từ Galilê” (23.49). Có lẽ các môn đệ và Tông Đồ của Đức Giêsu
cũng có đó nhưng họ không được nói đến; họ phải nương vào tư thế của các phụ nữ
này thôi: các bà đã và đang “đi theo” Đức Giêsu, các bà công khai trung thành
với đời môn đệ của Đức Giêsu, cho đến tận mộ đá.
Ánh sáng cuối cùng đến từ chính giới thủ lãnh: trong khi các thủ lãnh
say sưa với cái chết của Đức Giêsu, ông Giôxếp Arimathê, “thành viên của Thượng
Hội Đồng, đã không tán thành quyết định và hành động của họ” (23,50-51), ông đi
xin thi hài, hạ xác xuống liệm và đưa đi an táng. Một ông Giôxếp này cũng đủ;
còn nếu muốn, thì chúng ta có thêm ông Nicôđêmô của Tin Mừng Gioan (Ga 19,39).
3.- Kết
Sống dưới con mắt Chúa, hay sống mà mắt lúc nào cũng nhìn Chúa, sống
mà không quên rằng mình là Kitô hữu, là như thế: “Coi trọng và yêu thương người
khác”, để rồi nhận ra được sứ điệp về Thiên Chúa từ người khác, nhận ra được
chính Thiên Chúa nơi người khác. Làm sao có thể gọi là “coi trọng và yêu thương
người khác”, khi chỉ thấy người khác là đối thủ phải loại trừ bằng mọi giá? Làm
sao có thể gọi là “coi trọng và yêu thương người khác”, khi chỉ thấy người khác
là “công việc” phải giải quyết? Làm sao có thể gọi là “coi trọng và yêu thương
người khác”, khi chỉ thấy người khác là kẻ phải phục vụ ta? Thật ra làm sao có
thể “coi trọng và yêu thương người khác”, khi mà chính Thiên Chúa người ta còn
chẳng kính trọng và yêu thương?
Trên Đồi Sọ hôm ấy, nếu Hoàng đế Rôma được đại diện bởi toán lính vô
tâm, các thủ lãnh man rợ, tên gian phi mù quáng, thì Đức Vua Giêsu lại được đại
diện bởi anh gian phi biết nhìn thấy, viên sĩ quan có công tâm, dân chúng sám
hối, các phụ nữ–môn đệ, và cả Giôxếp Arimathê, thành viên Thượng Hội Đồng biết
“mong chờ Nước Thiên Chúa” (23,51) nữa. Chắc chắn là chúng ta ở về phía này
chứ? Khi ấy, các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta thật là những cộng đoàn huynh đệ
và có sức hòa giải. Khi ấy, dù bóng tối của thế gian có mịt mù, chúng ta vẫn
bước vững vàng, vì Đức Giêsu là Ánh sáng đang dẫn đường đưa chúng ta về Thiên
Đàng (x. 23,43).
Lm FX Vũ Phan Long, OFM,