Cuộc Thứ 6 Tuần
Thánh: Thương Khó Của Đức Giêsu Kitô
(daminhvn.net) ngày 18
Tháng tư 2014
23 Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống
của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần ; họ
lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền
từ trên xuống dưới. 24 Vậy họ nói với nhau : “Đừng xé
áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh
: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm. 25 Đứng gần thập
giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông
Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình
thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng :
“Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ :
“Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. 28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng
nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát !” 29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển
có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. 30
Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !”
Suy niệm
Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu Kitô đều được tác giả bốn
Tin Mừng dùng tới hai chương để mô tả. Các thánh sử đều mô tả những biến cố đau thương nhưng không giống
nhau. Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy cái chết
của Đức Giêsu không hợp lý, thậm chí phi lý. Nhiều câu
hỏi được đặt ra xung quanh cái chết của Đức Giê-su. Chúng ta có tin vào
một Đức Giêsu đã bị các môn đệ phản bội và bỏ rơi? Nếu Đức Giê-su vô tội mà bị
kết án tử tại sao Thiên Chúa không ra tay cứu giúp?
Đức Giê-su, nhân vật gây nhiều sự thu hút
Sự thu hút thứ nhất đến từ sự uy quyền của
Đức Giê-su. So với các Tin Mừng Nhất lãm, thánh sử Gioan không mô tả bất cứ
cuộc hấp hối nào, cũng chẳng nói đến một cuộc tâm lý chiến trong tâm hồn Đức
Giêsu, hoặc lời cầu nguyện xin Chúa Cha cất chén đắng. Trái lại, thánh sử Gioan
mô tả Đức Giê-su như vị Tôn sư có đầy uy quyền, can đảm và ý thức sắc bén những
gì đang xảy ra và sẵn sàng đương đầu mọi sự, như trình thuật Tin Mừng cho thấy
chính Người đã nói “Chính tôi đây, thì họ (lính tráng) lùi lại và ngã xuống đất”.
Người tự nguyện hiến mạng sống của mình chứ không ai có thể
lấy mạng sống của Người. Nói khác đi, những người đi
tìm bắt Đức Giê-su lại trở thành những kẻ sợ hãi khi đối diện với Người.
Như vậy, sức mạnh của tà thần mà đại diện là những kẻ tìm bắt Đức Giê-su phải
khuất phục trước sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh của Sự Thật. Đức Giê-su đã
đương đầu với sức mạnh của tà thần và đã chiến thắng chúng, nhờ đó các môn đệ
của người cũng sẽ phải đương đầu và chiến thắng tà thần nếu biết noi gương thầy
mình là Đức Giêsu.
Sự thu hút thứ hai đến từ cuộc thẩm vấn
trước tòa Khanan. Thánh sử Gioan kể lại một chi tiết khá thú vị là, ngay sau
khi bị bắt Đức Giê-su bị điệu đến nhà ông Khanan, là nhạc phụ của Thượng tế Caipha,
và ở đó Đức Giê-su đã bị xét xử. Như vậy, Khanan là hình ảnh phản diện trong
cuộc xử án của Đức Giê-su. Thật vậy, ông Khanan là
người đã lên kế hoạch bắt bớ và cũng là người giật dây để vụ án
này đi đúng hướng ông muốn. Tác giả cho thấy rõ điều này khi cho thấy ông
Khanan chỉ dám tra hỏi Đức Giê-su vào ban đêm và tra hỏi lén lút (trong dinh
của ông). Như thế, ông Khanan là biểu tượng của tà thần, hiện
thân của những kẻ thích làm việc trong bóng tối và không thích ánh sáng, hiện
thân của những kẻ từ chối ra khỏi lối sống bất chính hoặc sẵn sàng phạm tội ác
để bám lấy quyền lực. Nhưng đứng trước thế đen tối,
Đức Giêsu vẫn hiên ngang, và như thế từ vị trí kẻ bị thẩm vấn Người lại trở
thành người thẩm vấn.
Trước tòa tổng trấn Philatô
Cuộc xử án trước tòa tổng trấn Philatô
chúng ta thấy: người Do thái ở ngoài, Đức Giê-su ở trong còn Philatô ở giữa. Dường như Philatô tìm mọi cách để khỏi bị dính líu vào vấn đề mà
ông không muốn. Qua bài Tin Mừng, chúng ta cũng thấy Đức Giê-su đang
hoàn toàn làm chủ tình hình, hay nói cách khác Đức Giê-su dường như là người xử
án chứ không phải là Philatô. Bởi vì chính Đức Giê-su
gợi ý cho Philatô đặt câu hỏi: Philatô hỏi câu thứ hai thì Đức Giêsu trả lời
câu thứ nhất, hỏi câu thứ ba thì Đức Giê-su trả lời câu thứ hai. Cách thức Đức Giê-su trả lời bình tĩnh và điểm đạm như vị quan tòa
đang xét hỏi phạm nhận.
Trong cuộc xử án này có sự kiện lính tráng chế nhạo và tuyên bố Đức
Giêsu là vua, điều này thể hiện qua những yếu tố được dùng vào lúc phong vương
một hoàng đế: vương miện (vòng gai), áo choàng đỏ, và những lời tung hô. Dù cho đang bị quân lính chế nhạo
nhưng Đức Giê-su vẫn đón nhận không kêu than. Hình ảnh Đức Giê-su lúc
này đã đánh đổ hình ảnh Đấng Mêsia mà dân chúng hình dung – mạnh mẽ, chiến
thắng kẻ thù và cai trị muôn dân. Nhưng hình ảnh Đức
Giê su lúc này là hình ảnh chân thật nhất của Đấng Mêsia – Đấng yêu thương con
người đến nỗi sẵn sàng chịu nhục hình và hiến dâng mạng sống cách nhưng không.
Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su làm rạng sáng khuôn mặt của Thiên
Chúa
Khi bắt và đem Đức Giê su đi xét xử, các nhà lãnh đạo Do thái và
các vị hướng dẫn tinh thần lúc bấy giờ đã bỏ qua một Thiên Chúa mà các ngôn sứ
giới thiệu, và dạy cho dân chúng về một vị Thiên Chúa như là nhà lập pháp và
thẩm phán nghiêm ngặt, luôn sẵn sàng can thiệp và trừng phạt kẻ ác, một vì
Thiên Chúa thân ái với những người công chính nhưng khinh bỉ những người tội
lỗi. Niềm tin vào vị thần sai lạc như thế không thể đưa đến niềm vui, nó chỉ
tạo ra sự buồn rầu và khắc khoải lo âu. Đức Giê-su đến để đánh đổ và phá tan
niềm tin sai lạc này. Đức Giê-su đến để chiếu vào đó sự sáng của Thiên Chúa, sự
sáng này đem lại niềm vui và sự sống.
Theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, cái chết của Đức
Giê-su tuy nhẹ nhàng thanh thản nhưng hiệu quả lớn vô hạn vì nhờ cái chết này
loài người thoát khỏi ách nô lệ và bước vào đời sống mới. Khi Đức Giê-su gục đầu xuống và trao Thần Khí là
Người đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao cho Người. Từ
đây, chiếc màn đã từng ngăn cản loài người thấy gương mặt của Thiên Chúa nay đã
được cất đi. Bây giờ chúng ta biết Thiên Chúa là ai: tất cả những gì
chúng ta cần, đó là nhìn lên Đức Giê-su trên thập giá, nghèo hèn, yếu đuối và
trần truồng. Thiên Chúa không phải là một lãnh chúa mà mọi
người phải quỳ lạy tôn thờ vì sợ hãi, Người cũng không phải là nhà lập pháp mà
mọi người phải hoàn toàn quy phục dù điều luật đó trái luân thường đạo lý.
Thiên Chúa là người bạn của tất cả mọi người không phân biệt
ai, người bạn này không giữ lại gì cho mình mà trao ban trọn vẹn chính mình.
Noi gương Thầy Giê-su, đoàn viên cần dấn thân trong việc phục
vụ anh chị em.