Lời nguyện Thánh
Vịnh và cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô
(dongten.net)
Phần I
: Lời nguyện Thánh Vịnh và cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô
Ở giữa những kẻ thù ghét
Các Thánh Vịnh dành một
chỗ rất rộng cho thử thách và nhất là làm nỗi bật lên những thời điểm mà những
hành động lớn lao của Thiên Chúa, những « kì công » của Ngài đã xa
rồi trong quá khứ. Như thế, lời nguyện Thánh Vịnh thật gũi
với chúng ta. Nỗi đau mà lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả, vì đặc điểm tận cùng và
tận căn, gặp gỡ những thách đố lớn trong đời sống của chúng ta ở tận gốc rễ ; nỗi đau này mang những đường nét, có khả năng diễn
tả nỗi đau của những người cùng khổ nhất. Thật vậy, trong tập
lời nguyện Thánh Vịnh, tất cả đều là « vấn đề sống hay chết ».
Đức Giêsu-Kitô đã mặc
lấy lời nguyện Thánh Vịnh, và chúng ta cũng được mời gọi làm như thế, khi chúng
ta hát các Thánh Vịnh. Con đường để vâng phục ý muốn của Chúa Cha, đối với
Ngài, chính là hoàn tất Kinh Thánh, và nhất là các Thánh Vịnh. Do đó, Đức Kitô
đã gặp gỡ tất cả mọi người hôm qua và hôm nay, bởi lẽ các Thánh Vịnh phác họa,
bằng kinh nghiệm sống đầy thách đố và đau khổ, hành
trình cuộc sống của con người. Đức Giêsu hoàn tất Kinh Thánh :
xác tín này được các tác giả Tin Mừng truyền đạt lại cho chúng ta như là âm
vang của một kinh nghiệm vốn đã làm cho các vị kinh ngạc. Đó là kinh nghiệm về
một tương hợp bất chợt, nơi đó Đấng Duy Nhất, được Thiên Chúa sai đến, mang
lấy, như là khuôn mẫu, hình ảnh của con người, những con người vốn đã chịu thách
đố trước Ngài.
Vì thế, lời nguyện
Thánh Vịnh sẽ soi sáng mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su và ngược lại, cuộc
Thương Khó của Đức Giê-su sẽ làm cho lời nguyện Thánh Vịnh rực sáng.
I. Thánh Vịnh và cuộc Thương Khó của Đức Kitô
Ánh sáng của các Thánh Vịnh
hội tụ nơi cuộc Thương Khó của Đức Kitô và đây là ánh sáng mang đặc tính ngôn
sứ, như các chứng nhân của Tân Ước đã nhận ra. Tuy nhiên, cần phải lưu ý ngay
rằng mặc khải mà luồng sáng Thánh Vịnh mang lại không giản lược vào một mặt.
Thật vậy, lời ngôn sứ của Cựu Ước được phân chia một cách quân bình giữa lời
loan báo đau khổ và lời loan báo vinh quang, giữa Thương Khó và Phục Sinh : « Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta,
theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy,
theo lời Kinh Thánh » (1Cr 15, 3-4). Sự quân bình này cũng có ở trong thư
thứ nhất của thánh Phêrô :
Các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm
về ân sủng dành cho anh em. Thần Khí Đức Kitô ở nơi
các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Đức Kitô, và vinh quang đến sau
những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó
xẩy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào.
(1Pr 1, 10-11)
Các
ngôn sứ và lời nguyện của các Thánh Vịnh đã thực sự loan báo nước mắt và niềm vui,
kết thúc đắng cay và khởi đầu mới mẻ, như hai mặt của cùng một trang giấy. Vì
thế, không được ưu tiên cho chỉ một trong hai mặt. Nhưng,
chúng ta không thể nói cùng một lúc hết mọi điều và phải bắt đầu bằng một trong
hai mặt. Vì thế, trong phần này, chúng ta sẽ cho thấy
các Thánh Vịnh là một giải thích về cuộc Thương Khó. Chúng
ta thường cho rằng mình đã biết hết và hiểu hết cuộc Thương Khó của Đức Kitô.
Nhưng, trong thực tế, chúng ta đã không chú ý đến một điều, mà lại là điều rất
rõ trong các Tin Mừng ; các Thánh Vịnh sẽ làm nổi
bật điều này lên cho chúng ta.
Với cách nhìn của nền
Kitô học truyền thống, nghĩa là Kitô học « từ trên xuống »,[1] chúng ta thường khó nhận thức được một cách cụ thể tính thụ động mà
từ ngữ « thương khó » (passion) muốn diễn tả. Thực
vậy, trong cuộc Thương Khó, chúng ta cần nhận ra rằng Đức Giê-su bị dẫn tới
thập giá bởi nhiều ý muốn của con người. Nhưng vì tầm vóc của Đức Kitô đối với
chúng ta quá lớn đến độ chúng ta nhìn ngắm Ngài như tự mình quyết định đi tới
cái chết một mình[2]. Nhưng, cuộc
« Thương Khó » (Passion) của ngài lại chính là « hành động » (action) của
nhiều người khác, xẩy ra ở ngay giữa một cơn lốc. Cuộc Thương Khó của
Đức Giêsu và hành động của con người kết nối với nhau trong một tương quan, ở
đó mọi sự trở nên sáng tỏ, với điều kiện chúng ta phải chịu khó nhìn ngắm.
Chẳng phải Đức Kitô đến để làm cho cái ẩn dấu trở nên hữu hình, và để hạ mình
nhằm đặt mầu nhiệm cứu độ ở tầm mức của chúng ta hay sao ?
Ai muốn được soi sáng
bởi Đức Giêsu-Kitô, cần ưu tiên nhìn vào điều hữu hình nhất và đơn giản nhất.
Điều hữu hình nhất và đơn giản nhất, chính là, trong cái chết của Ngài, Đức
Giêsu là nạn nhân của sự bất chính. Khi các Thánh Vịnh đặt chúng ta vào trong
đám đông nổi loạn, vào giữa những đối kháng, bạo lực, tiếng la inh ỏi của thù
địch, thì chính lúc đó, các Thánh Vịnh dẫn chúng ta vào nơi mà Đức Giêu đã muốn
đặt mình vào đó, ngay lần đầu tiên Ngài xuất hiện trước công chúng (x. Mc 3,
6).
Người ta có thể tự hỏi
trong truyền thống Kitô giáo hay trong các tôn giáo khác, có những cuốn sách
cao vời hơn, thanh thản hơn sách Thánh Vịnh, trong đó người ta đọc được những
lời nguyện thật cao siêu và thanh thoát ? Chắc chắn là có và không khó để
tìm thấy trong các thư viện. Thậm
chí, ngày nay cũng có nhiều người có tài viết những cuốn sách chứa các lời
nguyện như thế. Tuy nhiên, vấn đề không phải là ở chỗ
đó. Sách Thánh Vịnh hẳn
không thiếu những điều cao vời và thanh thản. Nhưng,
chúng ta sẽ không gặp được Đức Kitô trong các cuộc thi tài nhằm khẳng định mình
và để được xác định đẳng cấp. Thực vậy, thiên tính của Ngài không chỉ
cao vời hơn chúng ta, nhưng cũng hoàn toàn khác chúng ta nữa ;
và sự khác biệt thần linh được mặc khải cho chúng ta ngang qua những nẻo đường
thông thường nhất của chúng ta. Tương tự như các dụ ngôn của Đức Giê-su : khởi đi từ kinh nghiệm đời thường, nhưng các dụ
ngôn lại nói cho chúng ta cách tuyệt vời về Nước của Thiên Chúa và về chính
Thiên Chúa. Thế mà, Đức Giê-su chính là một « Dụ Ngôn
sống động » nói cho chúng ta về Thiên Chúa Cha.
II. Những kẻ thù ghét
1. « Giông tố bão
bùng »
Các Thánh Vịnh cầu
nguyện khởi đi từ tro bụi, không chỉ là tro và bụi mà người sống đời khổ hạnh
tự nguyện cúi gập mình xuống để trán của mình chạm vào, nhưng còn là tro và bụi
của đường xá, của đám đông, của các cuộc nổi dậy không thể tránh được:
Con tự nhủ : “Phải chi được đôi cánh bồ
câu
để bay bổng tìm nơi an nghỉ !
Tôi sẽ lánh đi mãi
tận chốn xa vời, vào ở trong sa mạc.
Tôi sẽ vội tìm nơi
ẩn trú, tránh khỏi cơn giông tố bão bùng.”
Đó là ước nguyện, nhưng
thực tế thì lại hoàn toàn khác:
Lạy Chúa, xin Ngài gây xáo trộn
và làm cho ngôn ngữ chúng bất
đồng,
vì trong thành, con chỉ thấy bạo
hành và tranh tụng
rảo quanh trên tường luỹ suốt ngày
đêm.
Khắp nội thành, toàn
bất công bạo tàn xảo kế,
nơi phố phường, chẳng hề vắng chước
độc mưu thâm.
(Tv 55, 7-12)
Trong Kinh Thánh, sự
thiện thường bị đặt đối đầu với sự dữ và sự dữ thì có mặt ở khắp nơi. Bởi vì,
chẳng bao giờ có người ngay mà lại không có kẻ dữ, như sách Huấn Ca nói: “Có người đạo hạnh thì cũng có kẻ tội lỗi” (Hc 33, 14)[3]. Và khi hai bên gặp nhau, bụi sẽ bay mù trời! Thánh
Phaolô gợi lại thời của sách Sáng Thế và nói: “Nhưng cũng như thuở ấy, đứa con sinh ra theo
luật tự nhiên đã ngược đãi đứa con sinh ra theo thần khí, thì bây giờ cũng vậy” (Gl 4, 29). Các trình thuật Kinh Thánh luôn đặt các nhân vật của mình dưới sự
chi phối của qui luật này. Sách Thánh Vịnh cũng làm như thế : trong
các Thánh Vịnh được gán cho Đavít trong phần đề tựa, nhiều Thánh Vịnh được nối
kết bởi chính các tựa đề này với những cuộc chiến đấu của Saul, của người
Philitinh, của Absalon chống lại Đavít (Tv 7; 18; 34; 52; 54; 56; 57; 59; 63;
142).
2. Chúng đông và mạnh
Từ ngữ “áp bức” ngày
nay đã trở thành quá quen thuộc và nhiều khi trống rỗng, nhưng từ này trở nên
hiện thực với tất cả ý nghĩa thể lý của nó khi được áp dụng cho tác giả Thánh
Vịnh vốn phải đối đầu với những kẻ thù ghét vừa đông vừa mạnh:
Xin Chúa thấy cho : thù địch con đông vô
kể,
chúng ghét thân này, ghét
cay ghét đắng.
(Tv 25, 19)
Kẻ vô cớ thù con đều mạnh thế,
người vô lý ghét con thật
quá nhiều !
Con làm ơn thì chúng
trả oán,
con theo đuổi điều lành, chúng lại
tố cáo con.
(Tv 38, 20)
Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người ?
Hắn đã như bức tường
xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.
(Tv 62, 4)
Đó
chính là tình cảnh của người đã hơi tàn sức cạn. Nhưng, trước khi bị
đánh đập, nạn nhân đã khổ sở bởi ý muốn làm điều dữ, bởi những tiếng ồn ào, la
ó: “Sao chư dân lại ồn ào náo động” (Tv 2, 1 ; 46, 7). Rồi với khoảng cách gần hơn, đó là những
lời nói trao đổi trong đường phố, những lời « thì thầm » (Tv 41,
7-8), những tiếng “gầm gừ” hay “tru trếu” của loài chó (Tv 59, 15-16), tiếng hò
la chiến thắng (Tv 70, 4):
Chúng chế giễu, buông lời thâm độc,
lại kiêu căng bàn chuyện ức hiếp
người ;
miệng chẳng từ xúc phạm
trời cao,
lưỡi tự do tung hoành
cõi đất.
(73, 8-9)
Điều thật hiển nhiên là
những kẻ dữ thì mạnh hơn người lành:
Cứu tôi thoát đối phương tàn bạo
và kẻ thù mạnh thế hơn tôi.
(Tv 18, 18)
Xin Ngài để ý nghe tiếng con kêu, vì con thật cùng khốn.
Xin cứu con khỏi những
người bách hại,
bởi chúng mạnh hơn con.
(142, 7)
Sức
mạnh này là thể lý; nhưng nó còn là tâm lý nữa và nó có tài làm cho người ta
sợ.
Sức mạnh này còn là khả năng tạo ra các lý do để hà hiếp và lên kế hoạch bách
hại. Đó là những hành vi xấu được chuẩn bị trong bí
mật (Tv 36, 5; 52, 4), những mưu phản (Tv 2, 2), chỗ mai phục của kẻ săn lùng
(Tv 10, 8-9), những mưu toan (Tv 31, 14.21), những kế hoạch và mưu đồ (Tv 33,
10). Và sự vận hành hiệu quả của cả bộ máy như thế làm lung lạc tinh thần người
lành trước khi ra tay lấy mạng người này. Và người có
lòng tin cũng phải lung lạc, khi chứng kiến diễn tiến không thể cưỡng lại được
của cơ cấu sự dữ:
Ác nhân như vậy đó,
chúng vẫn cứ an nhàn, thu
tích thêm của cải.
Lạy Chúa, như thế là
con đã uổng công
giữ lòng trong trắng, giữ tay thanh
sạch !
(Tv 73, 12-13)
Người người đã xa rời chính lộ,
chỉ biết theo nhau làm chuyện suy
đồi
chẳng có một ai làm điều
thiện,
dẫu một người cũng không.
(Tv 53, 4)
Điều kỳ dị nhất, đó là
cả cơ cấu hùng mạnh của sự dữ coi việc người lành biến đi là điều quan trọng ; và cái chết làm tròn đầy ý muốn của kẻ dữ[4] :
Con đã gây thắc mắc cho bao người.
(Tv 71, 7)
Xương con đếm được vắn dài ;
chúng đưa cặp mắt cứ hoài
ngó xem.
(Tv 22, 18)
Thế mà khi tôi vừa vấp ngã,
chúng vui mừng tụ hội với
nhau.
Người lạ mặt cũng
xúm vào đập đánh
và cấu xé không ngừng.
(Tv 35, 15-16)
Khoác vào mình tấm áo vải thô,
thì lại nên trò cười cho thiên hạ.
(Tv 69, 12)
Vì thù địch nặng lời chống đối,
quân rình hại mạng con
đã nhất trí bày mưu,
bảo nhau rằng : “Thiên Chúa bỏ hắn
rồi, cứ truy nã,
bắt hắn đi, chẳng có ai cứu hắn đâu
mà !”
(Tv 71, 10-11)
Ngoài ra, chúng ta còn
có thể tự mình tìm ra nhiều trích dẫn khác nữa trong sách Thánh Vịnh. Tuy
nhiên, các trích dẫn nêu ra ở đây đã khá nhiều, đủ để chúng ta nhận ra rằng đây
là tình cảnh phổ biến, chứ không phải là những trường hợp thật cá biệt, lẻ loi[5].
III. Đức Kitô và những kẻ thù ghét
Sách
Thánh Vịnh vẽ ra một bức phác họa về thảm cảnh mà người công chính đã trải qua,
về thử thách và ơn cứu độ của người này. Cái nhìn này của các
Thánh Vịnh rất thường được coi như một dự báo đột ngột, được ban cho một tác
giả Thánh Vịnh riêng biệt, về những gì Đức Giêsu-Kitô sẽ phải trải qua.
Tuy nhiên, với những gì vừa đuợc trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận ra
rằng: thảm cảnh này đã không chỉ là một mặc khải dành cho chỉ một người về
tương lai của một người khác, nhưng nó đã được sống trong hiện tại của nhiều
người và chính ngay trong thực tại đã được sống này mà Đức Kitô đã đi vào, để
dẫn nó đi đến cùng và như thế, mặc khải tất cả ý nghĩa của nó. Cuộc Thương khó đặt Đức Kitô trong cuộc chiến đấu quyết định giữa
sự thiện và sự dữ.
Sự dữ được các Thánh
Vịnh gọi là “gian dối và bạo lực”:
Phường khát máu và chuyên lường gạt.
(Tv 55, 24)
Miệng độc dữ điêu ngoa, những buông lời nguyền rủa,
lưỡi nói toàn chuyện
gian ác bất công.
(Tv 10, 7)
Thánh Gioan trung thành
cách lạ lùng với cách diễn tả như thế này của các Thánh Vịnh khi mô tả Satan
như là kẻ sát nhân ngay từ khởi nguyên và là cha của sự gian dối (Ga 8, 44). Có thể nói cách chung rằng, các tác giả Tin Mừng lấy ở
các Thánh Vịnh những từ ngữ mình cần để mô tả kế hoạch của sự dữ cố làm cho
người ngay lành phải chết.
Những rào bẫy và âm mưu
mà tác giả Thánh Vịnh bị rơi vào như con mồi, đã làm cho tác giả trở thành
khuôn mặt của Đức Giêsu bị vây hãm bởi mưu mô của những kẻ giả hình:
Lạy Chúa, suốt ngày chúng phá rối việc con làm,
và chỉ nghĩ đến chuyện hại con.
Chúng tụ tập, rình
mò, theo dõi con từng bước
để tìm hại mạng con.
(Tv 56, 6-7)
Những câu này của Thánh
Vịnh tóm lược được nhiều câu khác; và thánh Luca đã lấy những lời này làm của
mình để mô tả điều đe dọa Đức Giêsu: “Họ rình rập và sai
một số người giả bộ công chính đến dò la, mong bắt quả tang Đức Giêsu lỡ lời” (Lc 20, 20; x. 11, 54).
Thánh Matthêu (x. 22, 15) và Thánh Gioan (x. 11, 56-57) đã sử
dụng cùng một khung cảnh. Và sự công chính của Đức Giêsu buộc sự dữ phải
lộ diện: “Chúng ghét con vô cớ” (Ga 15, 25 trích Tv
35, 19; 69, 5).
* * *
Lòng
ghen ghét vô cớ bộc lộ bản chất của tội và buộc nó phải ra khỏi chỗ trú ẩn,
khỏi chỗ ẩn náu vững chắc mà từ đó nó hủy diệt con người (x. Tv 10). Con người tội lỗi, bị
đặt trước mặt Đấng Công Chính hoàn hảo, sẽ bị thúc đẩy bởi lòng ghen ghét để
thực hiện những hành vi mà chính người này tuyên bố bằng lời là đáng lên án.
Như thế, vụ án sẽ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, chung
quanh thân thể của Đức Giêsu bị lên án chết. Các Thánh Vịnh, qua việc dành chỗ
cho những con người đau khổ, giúp chúng ta hiểu thảm cảnh này.
Phần II
: Lời nguyện Thánh Vịnh và cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô
Đức Ki-tô bị kết án và thân thể nát tan
Trong lời nguyện Thánh
Vịnh, có một dữ kiện kỳ lạ, đó là những tai họa như có
khuynh hướng hội tụ lại: người bị kết tội phải ra tòa gần như luôn là người
bệnh (thân thể tiều tụy, nát tan); và người bệnh gần như luôn là người bị kết
tội. Và dữ kiện này loan báo và được làm sáng tỏ bởi cuộc Thương Khó của Đức
Ki-tô ; bởi lẽ, mọi tai họa, tội lỗi và sự chết,
đều hội tụ nơi ĐKT chịu đóng đinh.
I. Bệnh nhân và nạn nhân
Người
bệnh kêu lên trong lời nguyện Thánh Vịnh thường đồng thời là nạn nhân của những
người khác. Người này không chỉ đau khổ vì thân thể của mình bị thương tổn,
nhưng còn vì bị người khác bỏ rơi; và không chỉ bị bỏ rơi, nhưng còn bị ruồng
bỏ; và còn hơn cả bị ruồng bỏ, người này còn bị săn đuổi và thậm chí bị tố cáo,
bị lên án, bị thù ghét.
Trong Tv 6, người thốt lên lời nguyện: “Lạy Đức Chúa, xin chữa lành con” (v. 3), đã cầu nguyện như là một bệnh
nhân; thế mà, cũng chính người này đã mơ ước có ngày, khi Đức Chúa nhận lời, kẻ
thù của mình sẽ thối lui:
Ước gì hết mọi kẻ thù tôi
phải nhục nhã, rụng rời
kinh khiếp,
vội tháo lui, nhục nhã ê chề.
(Tv 6, 11)
Người
kêu cầu bị đau ở mắt, ở cổ họng, trong nội tạng, nơi xương cốt … khiến cho sức
lực và sự sống của mình bị hao mòn. Thế mà, bè bạn lại lẫn tránh, và hơn thế nữa,
lại thêm kẻ thù đang tìm cách hãm hại :
Con đã nên trò cười cho thù địch
và cho cả hàng xóm láng giềng.
Bạn bè thân thích
đều kinh hãi,
thấy con ngoài đường, ai
cũng tránh xa.
Bị lãng quên, như kẻ
chết không người tưởng nhớ,
con hoá thành đồ hư vất bỏ.
Con nghe thấy những
lời độc địa của bao người,
nhìn chung quanh : toàn
những điều khủng khiếp.
Chúng toa rập chống
con, và mưu toan lấy mạng.
(Tv 31, 12-14)
Chúng ta có thể tự hỏi:
âm mưu hại người như thế để làm gì, khi mà người đó đang bị bệnh nặng? Trong Tv
38, sau khi mô tả rất chi tiết về bệnh tật của mình, người đau khổ còn nói mình
bị bạn bè bỏ rơi, và bị tố cáo bởi kẻ xấu :
Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần,
bà con ruột thịt cũng
đứng xa.
Kẻ tìm giết con bủa giăng cạm bẫy,
đứa mưu hại con buông lời
độc địa,
suốt ngày chúng nghĩ kế
phỉnh gạt con.
(Tv 38, 12-13)
Con làm ơn thì chúng
trả oán,
con theo đuổi điều lành,
chúng lại tố cáo con.
(Tv 38, 21)
Người bị bệnh “liệt giường liệt chiếu” (Tv 41, 4) kêu lên: « Lạy CHÚA, xin thương xót và chữa lành con » (v. 5), không
chỉ bị kẻ thù lên án mà còn bị bạn bè phản bội :
Lũ địch thù buông câu nguyền rủa
bao giờ nó mới chết, cho tên tuổi
xoá nhoà ?
(Tv 41, 6)
Cả người bạn thân con hằng tin cậy,
đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
mà nay cũng giơ gót đạp con !
(Tv 41, 10)
Người bệnh vốn ngày
không ăn, đêm không ngủ, đến độ chỉ còn da bọc xương, nhưng còn bị kẻ thù
nguyền rủa nữa :
Quân thù địch cả ngày phỉ báng,
giận điên lên, chúng
nguyền rủa thân này.
(Tv 102, 9)
Chúng ta vừa nêu ra
những dữ kiện đến từ chính bản văn Thánh Vịnh. Những dữ kiện này đã làm cho mọi
người kinh ngạc. Để giải thích, người ta thường dừng lại ở
bình diện khách quan, và cố đi tìm những dữ kiện tương tự có ở mọi thời và mọi
nơi, dựa vào sự khôn ngoan của các dân tộc và kinh nghiệm cá nhân.
II. Tương quan giữa bệnh tật và tội lỗi
Chúng ta sẽ đúc kết
những giải thích theo những hướng khác nhau, và sau
đó, sẽ tìm cách dẫn những giải thích này tới điểm chính yếu liên quan đến mầu
nhiệm cứu độ.
1. Bị buộc tội nên bị
bệnh
Ở bình diện khách quan,
chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong các nhà tù, những người vừa bị kết án và vừa bị bệnh. Trường hợp nghiêm trọng nhất, đó là người
bị kết án chết: người này sẽ bị đưa đến chỗ vừa mất
mọi tương quan thân hữu và vừa mất sự sống của mình. Đó chính là hoàn cảnh của
người kêu cầu trong Tv 22: “Tại sao Ngài đã bỏ
rơi con?” Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói rằng
người kêu cầu bị bệnh vì có kẻ thù.
Ngoài
ra, ở nơi các dân tộc xa xưa, và đôi khi ngày nay vẫn còn tồn tại, kẻ thù của
người kêu cầu có thể làm cho người này bị bệnh bằng cách « bỏ bùa ». Trong Kinh Thánh, có
một số câu có lẽ có dính líu đến chuyện bỏ bùa (x. Tv 38, 13; 69, 24 ; và 2 Sm 3, 29) !
Tuy nhiên, tương quan
giữa bệnh tật và bị kết tội còn có thể mang nhiều sắc thái khác nữa: kẻ buộc
tội do thù ghét chưa cần làm gì cả, nạn nhân chỉ cần nhận ra sự thù ghét thôi,
điều đó cũng đủ làm cho mình ngã bệnh. Khi tìm cách hiểu
những người bị bách hại, chúng ta đôi khi quên đi sự lợi hại khủng khiếp này
của lòng thù ghét. Do đó, chẳng cần gì đến các câu bùa chú để cho lòng
ghen ghét gây tác hại (x. Tv 55, 3b-6). Các Thánh Vịnh minh
họa điều này nhất là trong trường hợp bệnh tật đi đôi với sự sợ hãi cái chết,
với tác động từ xa mà cái chết ngay bây giờ đã gây ra rồi.
2. Bị bệnh nên bị buộc
tội
Có những người khác đã
xoay ngược cách giải thích ở trên: có người buộc tội mình vì mình bị bệnh! Cách giải thích này có thể kiểm chứng được ở bình diện dân tộc học,
khi có một dân tộc tin rằng bệnh tật xẩy đến như một hình phạt đối với một tội
kín ẩn. Thực vậy, người Do thái đã giải thích một cách
tự phát bệnh tật là do tội lỗi (x. Ga 9, 2). Nhưng các dân tộc khác cũng
hiểu như thế ! Chẳng hạn, các cư dân ở Malta, là
những người ngoại giáo, đã chứng kiến con rắn độc cuốn vào tay thánh Phaolô,
vốn vừa mới thoát khỏi vụ đắm tàu, và họ kết luận: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết
dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống” (Cv 28, 4). Trở lại
với dân tộc Israel, sách Ông Gióp cho thấy những người
bạn của người bệnh, lúc đầu đã đến để an ủi, nhưng sau đó trở thành kẻ thù và
quay ra tố cáo người bệnh. Ông Gióp chính là kiểu mẫu hoàn
chỉnh của người vừa bị bệnh vừa bị kết tội; vì thế, ông đã lên tiếng giống như
các tác giả Thánh Vịnh đã lên tiếng. Ông Gióp bị phong hủi đầy mình đã
không ngần ngại kêu lên: “Thiên Chúa đã trao tôi cho bọn
điên khùng, quẳng tôi vào tay phường gian ác” (Gi 11, 14 ;
16, 11-20). Quả thực, những người bạn của Gióp, người bệnh phong ngay lành, đã
tố cáo thẳng thừng: “Anh hãy ném xa điều gian ác trong tay, và không để cho bất
công cư ngụ trong lều ! (Gi 11, 14)
Và ông Gióp đã đối đáp
lại trong một cuộc tranh đấu nẩy lửa: “Thật vậy, các anh
nói: làm sao săn đuổi nó, để có lý mà cáo tội nó đây? Bấy giờ các anh hãy sợ
lưỡi gươm kề cổ mình, vì cơn giận của các anh đáng tội chết” (19, 28); nghĩa là
theo ông Gióp, khi kết tội người bệnh phong ngay lành, những người này sẽ chuốc
lấy lưỡi gươm phán xét của Thiên Chúa[6]. Chúng ta sẽ phải vượt qua cách giải thích ở bình diện dân tộc học
vốn chỉ dựa trên những thái độ đặc thù. Thật vậy, như
chúng ta sẽ thấy, ông Gióp không phải là nạn nhân của một tình cảnh thật đặc
thù; thảm cảnh của ông diễn ra ở bình diện toàn nhân loại ở mọi nơi và mọi
thời.
III. “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh
hoạn của ta”
(Mt
8, 11; x. Is 53, 4)
Chúng ta hãy khởi đi từ
chính kinh nghiệm sống của mọi người thuộc mọi nơi mọi thời, theo
đó một điều khốn khó thường chẳng bao giờ xẩy ra một cách riêng lẻ. Những điều
khốn khó thường xẩy ra dồn dập và kéo theo nhau ;
chúng thường qui tụ lại từ đâu đâu trên cùng một điểm. Bệnh
tật, nghèo đói, cô đơn hay bị ruồng bỏ có khuynh hướng qui tụ lại với nhau.
Mỗi người chúng ta đều đã có kinh nghiệm về một hay nhiều giai đoạn “xui xẻo”,
với những hoạn nạn đủ loại.
Nhưng
đó chưa phải là điều gây ngạc nhiên. Điều gây ngặc nhiên, chính là trung tâm qui
tụ, điểm đầy ứ những khốn khó, lại là nơi mà ở đó luôn luôn tái hình thành các
khuôn mặt mới và trung tâm của Kinh Thánh: chúng ta tìm thấy ở đó khuôn mặt của
người kêu cầu trong các Thánh Vịnh, chúng ta tìm thấy khuôn mặt của ông Gióp và
đặc biệt, khuôn mặt của người mà những lời ngôn sứ của Sách Isaia loan báo. Người này bị đau đớn ở trong thân xác như ông Gióp, vì vẻ
bề ngoài khiến chúng ta nghĩ đến một người bệnh phong:
Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm
mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy
cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.
(Is 53, 3)
Và đồng thời, người này
cũng là nạn nhân của một vụ án bất công: Người đã bị
ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu (Is 53, 8). Những lời ngôn
sứ trên phác họa ra khuôn mặt của người đau khổ, như là đã đuợc sống bởi biết
bao người. Kinh Thánh đã cho chúng ta một cuộc hẹn ở « trục
lộ » này; và, chúng ta được mời gọi hiểu lời ngôn sứ này như một sự chờ
đợi, cứ được làm mới lại từ đời này sang đời kia, rằng một người sẽ đến và
tương hợp trọn vẹn với điểm hẹn này, một người sẽ đến từ Thiên Chúa để lấp đầy
điểm hẹn này.
Điểm gặp gỡ giữa sự dữ
thể lý (bệnh tật) và sự dữ luân lí (con người hãm hại, kết án
nhau) lôi kéo sự chú ý của loài người chúng ta, chính là vì tương quan của
chúng giúp giải đáp một câu hỏi “bí ẩn”: tại sao lại có bệnh tật, tai họa, đau
khổ và sự chết? Con người bị « hút hồn » bởi mối tương quan này và
tìm cách giải thích. Và sự thu hút này không phải là
một điều cổ xưa; bởi vì, không chỉ con người thuộc thời cổ đại mới liên kết tội
lỗi với tai họa, nhưng mọi người đều nhìn thấy, ít nhất ở mức độ vô thức, tội
lỗi trong mọi thất bại, mọi tai họa, và mọi bất lực. Con người, nhất là nạn
nhân, không phân biệt được ở mức độ vô thức, mình là nạn nhân gánh chịu tai họa, hay mình là nguyên nhân gây ra tai họa.
Hẳn là ý thức sáng suốt
của chúng ta vẫn cố cho rằng chẳng có bí ẩn gì cả trong những chuyện như thế. Vô thức đã sai lầm cũng như chính ý thức cũng vẫn sai lầm đấy thôi.
Vì thế, mọi người và cả chính chúng ta nữa mạnh mẽ cho rằng
chẳng có tương quan gì hết giữa sự dữ thể lý và tội lỗi. Nhưng không ai
có thể thay đổi được những chiều sâu của hữu thể vô thức nơi chính mình với
những tuyên bố hợp lý ! Nhưng dầu sao cũng có một
tương quan giữa chúng bởi sự kiện mọi sự dữ thể lý đều kéo theo, một cách tất
yếu như là sự truyền động bằng bánh răng cưa, một tiến trình buộc tội và mặc
cảm tội lỗi thuộc bình diện luân lý: buộc tội mình, buộc tội người khác, buộc
tội Thiên Chúa ; thậm chí, còn kết án, vì thái độ
này không chờ đợi và cũng chẳng tìm kiếm một lời biện hộ nào của người bị buộc
tội. Đó chính điều mà Ông Gióp, những người công
chính bị bách hại lên tiếng trong các Thánh Vịnh và Người Tôi Tớ Đau Khổ muốn
soi sáng cho chúng ta, và qua đó loan báo ơn giải thoát của mầu nhiệm Thập Giá.
(1) Những người công
chính chịu đau khổ, cho thấy đó không phải vì tội của họ mà bị Thiên Chúa đánh
phạt. Và điều này đúng một cách tuyệt đối nơi Đức Ki-tô trong
cuộc Thương Khó. Như thế, chúng ta được chữa lành, được giải thoát khỏi
cảm thức bị đánh phạt vì tội lỗi, khi gặp đau khổ, bệnh tật tai
họa.
(2) Trong đau khổ và
thử thách, người công chính đau khổ tín thác nơi Tình Yêu và sự Công Chính của
Thiên Chúa, và không để mình rơi vào vòng xoáy của hành động buộc tội. Thực vậy, ông Gióp đã không để mình rơi vào vòng xoáy buộc tội.
Ông không tuyên bố mình có tội, và cũng không cho rằng Thiên Chúa đã thi hành
sự công bình một cách chung cục. Khi ông Gióp
« trách » Chúa (x. Tv 22 ; 88), thì đó không phải là để nói lời
sau cùng, nhưng ngược lại, chính là để Thiên Chúa lên tiếng, cậy dựa vào lòng
tin cháy bỏng của ông (x. Gi 38).
(3) Chính lòng tín thác
nơi Thiên Chúa của người công chính đau khổ mặc khải hành vi
buộc tội là sự dữ, nhưng không phải để kết án, nhưng để chữa lành. Thực vậy, sự
dữ thể lý của ông Gióp mặc khải sự dữ luân lý nơi những người bạn xấu của ông,
họ vốn đã thuận theo vòng xoáy buộc tội. Nhưng mặc
khải này mang lại điều gì tốt lành, nếu chỉ là để những người bạn xấu kia bị kết án? Chúng ta thấy rằng sự thể xoay theo một chiều hướng khác: ông Gióp là câu chuyện điển hình
của người bệnh bị lên án. Nhưng khi vụ án kết thúc,
chính những người bạn xấu, vốn là những người buộc tội ông Gióp, lại được tha
thứ! Đó là vì Sự tín thác sống động
của nạn nhân nơi sự công chính của Thiên Chúa dập tắt mọi lời buộc tội.
Ông Gióp, vì đã thành tâm trong thử thách và đã không sợ lên tiếng trước mặt
Thiên Chúa, đã làm cho những người bạn trở nên lành mạnh, vốn là những người
chẳng có vẻ bệnh tật gì ! Đó không phải là vì ông đã chịu đau khổ dùm cho họ[7], như người ta vẫn thường nói, nhưng chính là vì ông
cho họ thấy bản chất thật sự của họ, điều này không kết án họ, nhưng chữa lành
họ.
Đức Ki-tô, Đấng mà sách
ngôn sứ Isaia loan báo, cũng sẽ đem lại cùng một điều như thế, nghĩa là mặc
khải sự dữ và ơn chữa lành, cho những người đã nói :
Còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục
nhã ê chề.
(Is 53, 4)
Một ánh sáng không đến
từ chính họ, cho họ thấy trong lời buộc tội này, khuôn mặt thật của họ, và đó
chính là điều sẽ cứu thoát họ, nếu họ muốn nhìn.
* * *
Thập
Giá mời gọi chúng ta không kết tội Chúa, cho dù người ta và Sự Dữ ngang qua
người ta kết tội Chúa, vì Chúa vô tội. Và chúng ta cũng không kết tội mình và
người khác, và cả kết tội Chúa, khi gặp mình gặp tai
họa, hay người khác, nhất là những người thân yêu gặp tai họa. Bởi vì :
a. Kết tội tự nó là
điều dữ (Sự Dữ kết tội Đức Ki-tô bị lộ nguyên hình, trong mức độ, cho thấy kết
tội là điều dữ ; tội ở nơi người kết tội, chứ
không phải nơi người kết tội.
b. Và cho dù mình và
người khác đáng bị kết tội, thì Chúa đã trao ban sự công chính của Người cho
chúng ta rồi, để chúng ta đừng kết tội nhau :
Trong Đức Ki-tô, không còn lên án nữa.
(Rm 8, 1)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.
[1] Kitô học “từ trên
xuống” khởi đi từ tín điều “Ngôi Lời nhập thể”, vốn là điểm tới của cả một quá
trình suy tư về đức tin trong 3 thế kỉ đầu tiên của Giáo Hội. Chúng ta thường
được dạy về nội dung các tín điều, chứ không về quá trình, bối cảnh và lí do
tại sao Giáo Hội lại tuyên tín như thế. Trong khi, hành trình
đức tin của các chứng nhân đầu tiên và của Truyền Thống mới là khuôn mẫu cho
niềm tin của các tín hữu mọi thời.
[2] Đối với chúng ta, Đức Kitô trở nên như các
thánh mà các nhà viết tiểu sử chỉ biết ca tụng những nhân đức mà không chịu mô
tả bối cảnh của những nhân đức này.
[3] Chẳng hạn tình cảnh của bà Susana đuợc kể
lại trong sách Đaniel (Đn 13).
[4] Khởi đi các câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở
đây, chúng ta nên mở sách Thánh Vịnh ra đọc, và không chỉ
đọc các câu trích, nhưng đọc cả Thánh Vịnh hay ít nhất những câu chung quanh..
[5] Có thể đọc thêm Kn 2, 12-20.
[6] Còn chúng ta, chúng ta được nên công chính
nhờ Máu của ĐKT, vì thế, chúng ta còn còn sợ ai buộc tội nữa, và cũng không
buộc tội mình nữa; vì “trong ĐKT, chúng ta không còn bị lên án
nữa” (Rm 8, 1).
[7] Và như chúng ta vẫn thường hiểu như thế về
cuộc thương khó của Đức Giêsu.