Suy Tôn Thánh Giá

(dongten.net) 11/09/2014

Truyền Thông Dòng Tên kính gửi đến quí độc giả loạt bài suy niệm về Mầu Nhiệm Thánh Giá Chúa Giêsu của linh mục Antôn Ngô Văn Vững, SJ. Chúng tôi hi vọng rằng, những chia sẻ này sẽ góp phần giúp quí vị chuẩn bị và mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá (14.9) sắp tới thêm phần sốt sắng và đạt được nhiều ích lợi thiêng liêng nhờ ơn thánh Chúa ban. Nguyện xin Chúa Giêsu ban nhiều ơn lành hồn xác trên quí vị và gia đình.

Vào cuối thế kỷ XX, trong một miền đất chủ trương vô thần, khi thấy nhiều người hôn chân Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá, vào thứ sáu Tuần Thánh, một cán bộ hỏi một phụ nữ:

-“Tại sao các bà không hôn chân lãnh tụ chúng ta?”

-“Tôi sẽ làm thế, người phụ nữ đáp, nếu ông ấy chết vì tôi”.

Câu trả lời vắn gọn nhưng thật chí lý! Hôn chân một người là cách bày tỏ lòng tri ân, kính trọng cao nhất đối với người ấy. Lòng tri ân thì vô biên, nhưng cách diễn tả thì thật khiêm tốn, khi hôn chân một người đã hiến thân chịu chết thay cho mình. Còn nói gì nữa, khi người chết thay cho mình là chính Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể?

Mặc dù do bản tính Thiên Chúa, Ngôi Hai không có thể chết, nhưng vì tình yêu không bờ bến đối với con cái loài người, Người đã mặc lấy xác phàm để chịu chết hầu chuộc tội trần gian. Và bởi vì Người là Thiên Chúa, sau khi chịu chết và chịu táng ba ngày ở trong mồ, Người đã sống lại.

Trong bối cảnh đức tin vào Chúa Phục Sinh, lý do sâu xa thúc đẩy người tín hữu hôn chân Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá, không chỉ là tâm tình tri ân cảm tạ đối với một con người đã hiến thân chịu chết thay cho nhân loại, nhưng còn là sự thần phục suy tôn đối với một ngôi vị Thiên Chúa. Ý tưởng này được Hội Thánh gợi lên trong Phụng Vụ Mùa Chay, và cách đặc biệt trong suốt thời gian Tuần Thánh. Đan xen giữa những bài suy niệm chặng đàng Thánh Giá chẳng hạn, người tín hữu quỳ lạy Chúa, tuyên xưng lòng tin yêu cảm mến của mình qua một điệp khúc hùng tráng, với tâm tình tạ ơn: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Giêsu Kitô, vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.”

Thật cảm động khi thấy đông đảo người tín hữu Việt Nam tham dự “Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Khổ nạn Chúa Giêsu” vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, mặc dù không phải là một ngày nghỉ việc. Và điểm đặc biệt đáng ghi nhớ là tất cả mọi người tham dự nghi thức thánh đều xếp hàng hôn chân Chúa, cả khi điều đó đòi hỏi phải mất nhiều thời gian.

Vấn đề là khi hôn chân Chúa, chúng ta có những tâm tình nào? Chúng ta có nhận thức ý nghĩa sâu xa của cử chỉ tôn thờ đối với Chúa Cứu Thế, hay chỉ hành động vì cảm tính hoặc chỉ làm vì thói quen, dầu là thói quen tốt? Theo truyền thống lâu đời, nghi thức tưởng niệm cuộc Khổ Nạn,- vào Thứ Sáu Tuần Thánh,- quy định người tín hữu, trước khi quỳ hôn chân Chúa, phải phủ phục ba lần. Cử chỉ phủ phục thờ lạy cho thấy Kitô hữu không chỉ hôn chân một con người, nhưng biểu lộ sự tôn thờ cao nhất đối với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết trên Thánh Giá, để đem lại ơn cứu độ cho con người. Tuy nhiên, nếu tín hữu chỉ cảm tạ Chúa vì nhờ cái chết của Người mà nhân loại -cách chung- được ơn cứu độ thì chưa đủ, vì một khái niệm tổng quát không chữa lành và cứu độ một ai! Mỗi tín hữu khi hôn chân Chúa, còn phải xác tín là Chúa Giêsu, vì thương yêu tôi, nên đã phó mình chịu chết vì tôi, như lời tuyên bố hùng hồn của thánh Phaolô: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Khi việc hôn chân mang ý nghĩa lời tuyên xưng đức tin, đến từ trải nghiệm cá nhân của một tội nhân được Chúa yêu thương tha thứ, thì lúc đó chúng ta trở thành người tín hữu đích thực, người môn đệ trung tín, theo gương Phaolô và các tông đồ.

(Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ)

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung