Suy Tôn Thánh Giá: Thập Giá Vinh Quang
(dongten.net)
Thập Giá, sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa
Trên
đường Damas, Phaolô gặp Đức Kitô Phục Sinh. Cuộc
gặp gỡ đổi đời. Quay 180 độ. Đối với Phaolô,
một người Do thái thuộc giới trí thức, trung thành với Luật Môsê, thì Đấng
Thiên Sai, Con TC, không thể chết treo trên Thập Giá. Dưới
con mắt của người Pharisêu và người thông Luật Do thái, chỉ có tội nhân mới
chết treo trên thập giá. Kẻ chết treo trên thập giá là người bị nguyền
rủa, bị khai trừ: “Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (Gl 3,13). Vì lý do này, Phaolô nhiệt thành bách hại những môn đệ
của Đức Giêsu, quyết tâm xoá bỏ danh hiệu Giêsu khỏi lịch sử loài người. Nhưng
rồi, Phaolô đã gặp Đức Kitô Phục Sinh trong một hoàn cảnh bi đát: “Sa-un,
Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp:
“Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,4-5).
Trong lần gặp gỡ hồng
phúc này, Phaolô được mạc khải về căn tính đich thực của Chúa Giêsu: Đấng Phục
Sinh chính là Đấng đã chịu đóng đinh. Người đã sống lại vì là
Con Thiên Chúa và Người hiện vẫn sống trong Hội Thánh, Nhiệm Thể của Người.
Tất cả lịch sử cứu độ liên quan đến Đấng Thiên Sai đã được ghi chép trong Kinh
Thánh, nhưng vì cuồng tín, khép kín trong sự công chính tự phong của Pharisêu,
Phaolô và người Do thái phải mù lòa. Đọc mà không hiểu.
Cho đến khi gặp Chúa Giêsu và được Người chữa lành khỏi mù lòa, theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Phaolô được ban cho sự hiểu
biết mầu nhiệm Đức Kitô Giêsu (Ep 3,8-9), mầu nhiệm
được giữ kín từ muôn thuở nay được mạc khải cho Phaolô, để ông loan báo Tin
Mừng cứu độ cho dân ngoại. Mầu nhiệm đó là Đức Chúa Cha đã ủy
phái Con Một người xuống trần gian để cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Thánh
của Thiên Chúa. Chắc hẳn, Đấng Thánh của Thiên Chúa
không thể phạm tội. Sự kiện Người chịu đóng đinh trên thập giá không
phải để đền tội cho chính bản thân, nhưng do ý định của Thiên Chúa, Người là
Đấng vô tội, phải mang lấy tội của toàn thể nhân loại và chịu chết để cứu nhân
loại, như Kinh Thánh đã chép từ ngàn xưa: “Sự thật, chính người đã mang lấy
những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng
ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê
chề” (Is 53,4).
Đọc Kinh Thánh từ gốc
độ Phục sinh, Phaolô giải thích mầu nhiệm Thánh Giá như kế hoạch cứu độ nhiệm
mầu của Thiên Chúa: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người
thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính
trong Người.” (2Cr 5,21).
Chúa Giêsu hoàn toàn
vâng phục thánh ý Chúa Cha, nên đã tự hiến làm của lễ đền tội thay cho tội
nhân: “Để cứu chúng ta thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại, Đức Giê-su Ki-tô đã
tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên
Chúa là Cha chúng ta. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn thuở
muôn đời. A-men.”(Gl 1,4-5)
Đức Kitô chịu mọi cực
hình và khổ nhục vì tội lỗi loài người và thay cho loài người: “Đức Ki-tô đã
chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người
trở nên đồ bị nguyền rủa” (Gl 3,13).
Khi nhìn lại toàn thể
nhiệm cục cứu độ dưới nhãn quan Kitô, Phaolô giải thích mầu nhiệm Phục sinh
cách vắn gọn và khúc chiết, không theo lập trường cá nhân của mình, nhưng theo
Kinh Thánh: “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh,
rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh
Thánh” (1Cr 15,3-4).
Mầu nhiệm Vượt Qua
Lễ Vượt Qua của Do thái
tưởng niệm việc Thiên sứ đi qua nhà người Do thái mà không sát phạt, khởi đầu
cho cuộc hành trình Vượt qua từ nô lệ Ai cập đến miền đất tự do Thiên Chúa hứa
ban. Lồng trong bối cảnh lễ Vượt Qua Do thái, Chúa Giêsu cử hành mầu nhiệm Vượt
Qua của chính mình Người, đi từ cuộc Khổ nạn hồng phúc đến Phục sinh vinh hiển.
Lễ Vượt Qua này là hình ảnh Kinh Thánh để chỉ điều mà Thần học gọi là Mầu nhiệm
Phục sinh.
Mầu nhiệm Phục sinh ở
đây không giới hạn vào sự kiện Phục sinh đơn thuần, tức là việc Chúa sống lại
từ cõi chết, nhưng bao gồm hai biến cố bất khả phân
ly: Khổ nạn và Phục sinh. Nếu chỉ có Khổ nạn, mà không có
Phục sinh thì không phải là Kitô giáo. Nếu chỉ có Phục
sinh mà không có Khổ nạn, thì cũng là lạc giáo nốt. Mầu nhiệm Phục sinh
là một thực tại duy nhất, một biến cố cứu độ gồm hai giai đoạn bất khả phân ly:
cái chết trên Thập Giá và sự Phục sinh vinh hiển.
Trong
lịch sử Giáo hội, có lúc người ta nhấn mạnh đến Khổ nạn, đến độ giảm nhẹ yếu tố
Phục sinh, như nhóm Jansenius vào thế kỷ XVII. Và
hiện nay có xu hướng chỉ sống Phục sinh, mà không có Khổ nạn, như trong các
giáo phái thuộc nhóm “Thời đại mới” (New Age).
Không ai đã hiểu và
giải thích rõ ràng hơn Phaolô về ý nghĩa Vượt Qua trong Kitô giáo, bởi lẽ
Phaolô đã bước theo Chúa Giêsu trong tiến trình Vượt
Qua. Biết quyền năng của Đấng Phục Sinh, nhờ thông phần vào cuộc Khổ nạn của
Người: “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế
nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên
đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày
cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3,10-11)
Trong một thánh thi
hùng tráng, long trọng, Phaolô giải thích chương trình cứu độ trong Kitô giáo,
như một mầu nhiệm tự hạ hay sự hư vô hóa (kenosis) của Con Thiên Chúa để được
tôn vinh: “Đức Giê-su Ki-tô vốn
dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên
giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên
Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh
hiệu” (Pl 2,6-9).
Quy
luật Vưọt Qua bao trùm đời sống Kitô hữu. Vị thủ lãnh của chúng
ta đã vượt qua sự chết, sự gian khổ để đi vào trong vinh quang của Cha. Người đã mở đường cho chúng ta vào. Giờ đây đến lượt chúng
ta, hãy can đảm vác lấy khổ giá đời mình để cùng với Người mà tiến lên, đi vào
miền ánh sáng. Đau khổ sẽ qua đi, nhưng ai chịu đau khổ với
Chúa và vì Chúa, sẽ được hạnh phúc miên trường.
“Tôi nghĩ rằng: những
đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc
khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).
“Thật
vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một
khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không
chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả
vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn
tại vĩnh viễn (2 Cr 4,17-8).
Chúa
Kitô chịu đóng đinh và chịu chết trên Thập giá. Bởi
thế, đối với Kitô hữu, cách tự nhiên và hợp lý, Thập giá là đối tượng của lòng
kính trọng và tôn thờ. Tuy nhiên, nếu Chúa Giêsu không
sống lại, thì thập giá sẽ mãi là khí cụ hành quyết đáng ghê tởm. Nhưng Chúa Giêsu đã sống lại. Lúc đó diện
mạo của thập giá được biến đổi, từ sự chết biến thành sự sống, từ hình ảnh ô
nhục đi đến dấu vinh quang. Và lúc đó người Kitô hữu được mời gọi, chẳng
những để tôn thờ Thánh Giá mà còn vác Thánh Giá theo
chân Chúa, như Thánh Phaolô viết: “Đây là lời đáng tin cậy: “Nếu ta cùng chết
với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng đau khổ, ta sẽ
cùng hiển trị với Người” (2Tm, 2,11-12).
(Antôn Ngô Văn Vững, SJ)