Suy Tôn Thánh Giá: Chiêm Ngưỡng Chúa Giêsu Trên Thập Giá
(dongten.net)
“Thánh giá là quyển
sách thông thái nhất mà một con người có thể đọc” (Cha sở họ Ars)
“Chiêm ngưỡng Đức Kitô
chịu đóng đinh là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi ơn gọi; nhờ ân sủng căn bản của
Thánh Thần, việc Chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là khởi điểm của mọi ân
huệ, đặc biệt nhất là ơn sống đời thánh hiến” (Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Vita
Consecrata, 23)
Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cớ vấp phạm, dấu chống đối (1Cr 1,23)
Vì nhiều lý do, có những người ngoài Kitô bày tỏ ác cảm với việc trưng
bày Thánh Giá Chúa Giêsu nơi công cộng. Nhiều người khác, xem
ra dị ứng với hình ảnh đau thương phơi bày trên thập giá. Với thiện chí, họ đề nghị Kitô hữu tìm một biểu tượng khác, hiền
hòa hơn, tươi cười hơn. Thực ra, không phải bây giờ,
nhưng đã từ lâu, Thánh Giá Chúa Giêsu là cớ vấp phạm, là dấu chống đối cho
nhiều người.
Theo thánh Phaolô,
Thánh giá phân chia loài người làm hai nhóm:
1) Đối với những người
trên đà hư mất, đó là một sự điên rồ;
2) Đối với những người
được cứu độ, đó là sức mạnh của TC.
“Thật thế, lời rao
giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng
đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên
Chúa” (1Cr 1,18).
Thánh
Phaolô còn nêu đích danh hai nhóm người có thái độ tiêu cực trước mầu nhiệm
Thập giá, để kết luận về sức mạnh siêu phàm của Thiên Chúa được bày tỏ trong
Thánh Giá Chúa Giêsu. Người Do thái coi đó là một sự ô nhục;
dân ngoại (Hy lạp) cho là một sự điên rồ. Nhưng đối
với những người được chọn, thì đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
“Trong khi người Do-thái
đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,23
thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái
coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay
Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu
đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,22-25).
Cách chính xác, thánh
Phaolô không nói Thánh Giá Chúa Giêsu phân chia nhân loại thành hai nhóm: Kitô
hữu và người ngoài Kitô, kẻ tin và người không tin. Bởi lẽ, theo lời của thánh
Phaolô, có những Kitô hữu sống như thù địch của Thập Giá Chúa Giêsu, khiến ngài
phải đau lòng, rơi lệ nhắc lại: “như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây
giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức
Ki-tô”(Pl 3,18).
Tóm lại, trước Thánh
giá Chúa Giêsu, có thể thấy ba thái độ:
1/ thái độ chống đối,
khước từ, phỉ báng của con người vô đạo;
2/
thái độ thỏa hiệp nước đôi của một số tín hữu. Vừa theo
Chúa, vừa theo ý riêng (ma quỷ, thế gian, xác thịt). Sắp đặt thánh giá cho
chính mình;
3/ thái độ hoàn toàn
dâng hiến, để trở nên giống Chúa Giêsu.“Tôi cùng chịu đóng
đinh với Đức Ki-tô vào thập giá” (Gal 2:19).
Đưc Tin Kitô không chỉ
là thâu nhận toàn thể các chân lý mạc khải hay tiếp nhận Tin Mừng, cũng không
phải là đơn thuần gắn bó với con người Giêsu trên lý thuyết, mà là gắn bó mỗi
ngày cách liên tục với Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Thập Giá, dấu vinh quang
Đối
với thánh Phaolô, Thánh Giá là dấu vinh quang, vì nơi Thánh Giá Chúa Giêsu, có
ơn cứu độ, sự sống và sự sống lại.
Không
ai có xác tín mạnh mẽ hơn thánh Phaolô về quyền năng cứu độ của Thập giá Chúa
Giêsu. Ngài tuyên bố dứt khoác cho tín hữu ở Côrintô, cũng như ở các giáo
đoàn khác là chỉ muốn biết một điều: “Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu chịu đóng đinh
vào Thánh Giá”. “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su
Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Biết Chúa Giêsu không chỉ là vấn đề kiến thức, dầu là
thần học hay tu đức, mà là đồng hóa với Chúa: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức
Ki-tô vào thập giá”(Gl 2,19).
Lòng yêu mến thiết tha
đối với Chúa Giêsu và lòng tin mãnh liệt vào quyền năng cứu độ của Thập giá,
thúc đẩy Phaolô đi rao giảng Tin Mừng về Con Thiên Chúa. Để bày tỏ sức mạnh của
Thánh giá, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, khi rao giảng Tin Mừng, Phaolô khước
từ mọi mưu đồ xảo kế, mọi thứ khôn ngoan của thế gian, không tìm cách chạy theo
thị hiếu của người đời: “Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai
tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để
thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu”(1Cr 1,17).
Lời tuyên bố của Phaolô
cho thấy tình yêu cao độ của ngài đối với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đồng thời
xác nhận đối tượng trung tâm của việc loan báo Tin Mừng là Chúa Giêsu chịu đóng
đinh. Trong việc Tin Mừng hóa hiện nay, người ta có thể sử dụng nhiều phương tiện
kỹ thuật tiên tiến và nhiều điều hỗ trợ khác, nhưng nếu không rao giảng đủ về
Chúa Giêsu, và dành chỗ trung tâm cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thì có thể gia
tăng số lượng bên ngoài nhưng mất đi quyền năng cứu độ siêu nhiên. Nếu có lúc
nào Hội Thánh cần canh tân việc loan báo Tin Mừng, thì trước tiên thừa tác viên
Lời Chúa phải trở về với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Biết Chúa
Giêsu chịu đóng đinh, đồng hóa với Người chịu đóng đinh vào Thánh Giá, trước
khi loan báo Chúa Giêsu cho người khác. Đó là điều kiện tiên quyết để có
được việc Tin Mừng hóa phong nhiêu, dồi dào ân sủng.
Trong mọi thời, nhất là
trong thời đại chúng ta, khi có nhiều người sống đối nghịch với Thập giá, thì
Hội Thánh cần có những Kitô hữu hãnh diện về Thập giá, chịu đóng đinh vào Thập
giá, để có lập trường dứt khoát trước thế gian, chớ không phải bị lây nhiễm bởi
tinh thần thế tục.
“Ước
chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng
ta!
Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi
đối với thế gian” (Gl 6,14)
Phải đau khổ nhiều mới vào được Nước Thiên Chúa
Sở dĩ
thánh Phaolô có những giáo huấn tuyệt vời và phong nhiêu về thập giá là bởi vì
ngài đã được chiêm ngưỡng vinh quang Đấng Phục Sinh. Đối với ngài, ánh sáng
Phục sinh giải thích tất cả mầu nhiệm Kitô giáo, cách đặc biệt mầu nhiệm Thánh
Giá. “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống
rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”(1Cr
15,14).Theo ngài, để biết được quyền năng của Đấng Phục sinh thì phải thông
phần vào cuộc Khổ nạn của Đấng chịu đóng đinh (x. Pl 3,17). Nói
cách khác, thánh Phaolô không bao giờ tách rời cuộc Khổ nạn với sự Phục sinh
của Chúa Kitô. Hai khía cạnh của cùng một thực tại duy
nhất. Cũng vì lẽ đó mà Hội Thánh không ngần ngại trưng
bày hình ảnh chúa Giêsu chết trên Thánh Giá. Khi một
người vô đạo nhìn thập giá thì chỉ thấy một hình khổ ô nhục, trong khi người
tín hữu nhìn thấy Đấng Kitô Phục sinh.
Tuy nhiên trong Phúc Âm
có hai cách trình bày giáo lý về mầu nhiệm Vượt Qua:
1) Thập Giá đưa đến
Vinh quang:
Thánh Luca, cùng với
Thánh Phaolô, trình bày biến cố Phục Sinh như điểm đển của cuộc Khổ Nạn. Hay
đúng hơn, theo lời Kinh Thánh, Chúa Giêsu phải chịu đau khổ mới được vinh
quang. Từ “phải” ở đây có nghĩa là do quyết định của Thiên Chúa. Và quyết định này được ghi chép trong Kinh Thánh.
“Đấng
Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của
Người sao?”(Lc 24,26; 24,46; Cv 3,18).
Như đã diễn giải ở phần
trên, thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm Vượt qua gồm hai giai đoạn: Con Thiên
Chúa tự hạ và được Chúa Cha đưa lên cao. Tiến trình “siêu thăng” là hậu quả của
sự “tự hạ” (x. Pl 6,9)
2) Thập Giá, dấu Vinh
quang
Theo Thánh Gioan, giờ
Khổ nạn của Chúa Kitô là đỉnh cao trong cuộc đời dương thế của Người. Đó là giờ
Vinh quang, vì Con Người được tôn vinh: “Khi các ông giương cao Con Người lên,
bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ
điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy”(Ga 8,28).
Cuộc
Khổ nạn là giờ Vinh quang vì quyền uy tối thượng của Thiên Chúa được tỏ bày. Chúa Giêssu xuất hiện
như Đấng ban Thánh Thần (Ga 7,89; 19,3o). Chúa Giêsu
làm theo ý Cha, thực hiện chương trình cứu độ nhân
loại. Nhờ tình yêu và sự vâng phục ý Cha, Chúa Giêsu làm cho
danh Cha được vinh hiển. Và Cha tôn vinh Con bằng cách cho thế gian nhận
thấy căn tính đich thực của Con từ thuở đời đời.
“Giờ
đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được
tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và
Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.”(Ga 13,31-32)
Ý tưởng Vinh quang và
tôn vinh bàng bạc trong lời nói và trong kinh nguyện tư tế của Chúa Giêsu: “Lạy
Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh
Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người
ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và
chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. Phần con,
con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con
làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin
ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga
17, 1-5).
Cuộc Khổ nạn là vinh
quang, vì nơi đó Chúa Giêsu mạc khải Cha là Dấng yêu thương trần gian, nên đã
phái gửi Con duy nhất vào thế gian, để cứu độ trần gian. Tình yêu thắng hận
thù, vâng phục thay thế phản loạn, và sự sống vượt trên cái chết: “Phần tôi,
một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”(Ga
12,22).
Đối với Gioan, sự
chuyển đổi từ lễ Vượt Qua cũ sang lễ Vượt Qua mới được thực hiện trên Núi Sọ.
Thập giá là thời điểm chuyển biến từ Giao Ước cũ sang Giao ước mới. Sau trưa
ngày 14 tháng Nisan, người ta bắt đầu sát tế Chiên Vượt Qua trong đền thờ
Giêrusalem (x.Ga 19,36; Xh 12,46). Theo Gioan, đó là
lúc Chiên Thiên Chúa tự hiến tế trên Núi Sọ.
Phục
Sinh được Gioan phác họa như đã hiện diện tiềm tàng và đang hoạt động trong Giờ
Tử Nạn của Chúa Kitô. Phục sinh ở đây được thấu hiểu trong căn nguyên của nó, đó
là sự vâng phục trong tình yêu của Chúa Con, vâng phục đến chết, cùng với lời
hứa của Chúa Cha, tôn vinh Con. [Một chi tiết có ý nghĩa: Gioan thiết lập Hội
Thánh tại Tiểu Á, nơi đây cử hành lễ Phục Sinh vào ngày 14 tháng Nisan, chớ
không phải vào ngày Chúa Nhật.]
“Chúng tôi được chiêm
ngắm Vinh quang của Người”(Ga 1,14). Vinh quang chính là Thập Giá. Sự khôn ngoan của lời hay khôn
ngoan thế gian được diễn tả bằng lời nói. Thập giá (Verbum
crucis) được diễn tả bằng thinh lặng. Trước Thánh Giá,
chúng ta thinh lặng để học được sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
(Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ)