Suy Tôn Thánh Giá:
Thánh Giá, Khoa Học Của Các Thánh
(dongten.net)
Trường học sự thánh thiện
Chúa Giêsu, con đường duy nhất đến cùng Chúa Cha (x. Ga 14,6). Thập giá, con đường duy nhất dẫn đến
Chúa Giêsu. Không ai có thể đến với Chúa Giêsu mà không vác Thánh Giá
(Mt 16,24).
1) Ở Trung tâm mọi linh đạo: Thánh Giá
“Mọi linh đạo đều gặp nhau dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô. Có nhiều con đường được mở ra trong dòng lịch sử để dẫn đưa con
người đến sự kết hợp thâm sâu nhất có thể với Thiên Chúa. Người này đi theo con
đường do thánh Gioan Thánh Giá và thánh Teresa Avila vạch ra
; người khác thích đi theo thánh Đaminh ; người khác nữa theo thánh
Phanxicô Assisi; hoặc thánh Inhaxiô; hoặc thánh Phanxicô de Sales; hoặc thánh
Charles de Foucauld. Nhưng cũng có những con đường không dẫn đến đâu cả và mất
hút trong vùng ảo tưởng. Có điều đích thực nhưng cũng có sự
sai lầm. Tiêu chuẩn chắc chắn, người ta có thể nói,
tiêu chuẩn duy nhất chắc chắn của linh đạo đích thực là Thánh Giá. Mọi điều gì dẫn đến Thánh Giá là Kitô môt cách nghiêm túc.
Mọi điều gì loại trừ Thánh Giá, hay đi vòng quanh Thánh Giá, thuộc loại hàng
giả, giả hiệu và giả mạo”(Francois Varillon, joie de
croire, joie de vire, in: Theo, 734)
Con đường tìm Chúa mà thánh Inhaxiô đề nghị trong Linh Thao, mang
tên Giêsu. Nhưng Đức Giêsu trong Linh Thao là Đức Giêsu vác
Thập Giá. Linh Thao là một trường học có tham vọng đào luyện và hướng
dẫn một người thành người môn đệ bước theo Chúa Giêsu
vác Thập Giá. Xét cho cùng Thánh Inhaxiô không khởi xướng
điều gì mới lạ. Ngài đã gặp lại kinh nghiệm của thánh
Phaolô và của tất cả các vị thánh khác. Những người có
kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô cách sâu xa, đều biết rằng Kitô giáo đích thực
mang dấu ấn Thánh Giá. Nhưng Linh Thao nhấn mạnh đến
khía cạnh đồng hóa với Chúa Giêsu khó nghèo và chịu sỉ nhục. Ngay từ bài
suy niệm thứ nhất của Tuần hai, thánh Inhaxiô đã mời thao viên dâng hiến chính
mình bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, với lời kết: “Con mong muốn và ước ao,
và sau khi suy xét, con quyết tâm noi gương Chúa chịu mọi sự sỉ nhục và khinh
chê, mọi hình thức nghèo khó, thực sự cũng như trong lòng, miễn là điều ấy giúp
phụng sự và làm vinh danh Chúa hơn” (LT 98). Xem thêm: Hai cờ hiệu (LT 146). Khiêm nhường bậc ba (LT 167).
Người ta có thể nói, đối với thánh Inhaxiô, chấp nhận vác
thánh giá và chịu sỉ nhục với Chúa Giêsu là bản trắc nghiệm của người môn đệ
đích thực.
2. Suy niệm: Ba giáo huấn căn bản về Thánh Giá
Trong Sách kinh (Địa phận
“Hãy xem đó thì thấy phép công thẳng Chúa là dường nào.
Hãy xem đó thì biết
tội nặng nề gớm ghiếc là ngần nào!
Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa rất thương yêu là dường nào.”
(sách
Nhựt Khoá, Tân định-
1) “Phép công thẳng” là một thuật ngữ “nhà đạo” để diễn tả sự công
chính của Thiên Chúa. Sự công chính hay công bình, thánh thiện của Thiên Chúa
không chấp nhận ô nhơ, tỳ vết trước nhan thánnh Người. Thiên
Chúa xét xử công bình, thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ.
Sự công bình của Chúa thật đáng sợ, nếu Chúa không đối xử nhân hậu
với chúng ta là tội nhân trước mặt Người:
“Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng?”(Tv
130(129),3)
“Anh em đừng có lầm tưởng: Thiên Chúa không để cho người ta
nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt
giống ấy” (Gl 6,7).
“Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với
các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ
làm” (Mt 16,27).
Vì loài người phạm tội mà không chịu đền tội hay đền tội không cân
xứng, nên Thiên Chúa đã đặt Đức Kitô làm lễ hy sinh để đền thay cho kẻ có tội.
“Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng
họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu
chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. Thiên Chúa đã đặt Người
làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước
kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua
các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy
rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giê-su được nên
công chính.”(Rm 3,23-26).
Chúa Giêsu chết để ban sự sống cho chúng ta. Nói theo
thánh Phaolô thì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nên công chính nhờ cái chết cứu
độ của Chúa Giêsu.
“Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công
Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được
phục sinh” (1Pr 3,18).
“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà
đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời
công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà
anh em đã được chữa lành”(1Pr 2,24).
“Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không
những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,2).
2) Tội, sự dữ khủng khiếp nhất trên hết mọi sự dữ. Chỉ khi nào hiểu được sự đau khổ tột cùng mà Con Thiên Chúa gánh
chịu trong giờ Khổ nạn, thì con người mới đánh giá đúng mức ác tính của tội.
Tội làm mất sự sống và ân sủng làm con cái Thiên Chúa
và đưa đến hình phạt đời đời. Việc chiêm ngắm Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá
phải giúp mỗi người quyết tâm: thà chết chớ không bao giờ phạm tội, như lời
Chúa dạy.
“Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống,
thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy
gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26)
“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì
đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống,
nhưng ít người tìm được lối ấy. (Mt 7,13-14)
“Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà
ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai
chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ
cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn
hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục” (Mt 18,8-9).
3) Nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh Giá phải giúp chúng ta nghiệm
thấy tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu vô biên và cá vị, như lời thánh Phaolô:
“Chúa Giêsu vì yêu thương tôi, nên đã hiến mình vì tôi” (Gl 2,20).
Tình yêu Thiên Chúa ban cho loài người được sống và luôn tha thứ mọi lỗi lầm. nghĩa là Chúa yêu thương tôi không phải vì tôi tốt, nhưng vì
tôi là kẻ đáng thương.
“Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta
được sống” (1Ga 4,9).
Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa của tình yêu. Người đến với nhân loại dưới dung nhan tình yêu để cứu vớt, chớ
không dưới dạng thức lãnh chúa, biểu dương uy quyền. Nếu không bị thương tổn
trong tim, tức là có trái tim tan nát trước sự đau khổ
của người mình yêu thì tình yêu chỉ là ngôn từ hoa mỹ. Trước sự dữ trên thế
gian và tội lỗi trong đời sống con người, trái tim Thiên Chúa rạn nứt như bị
lưỡi giáo xuyên thấu (x. Ga 19,34). Trên Thập Giá,
Thiên Chúa trong thân phận làm người, đã gánh lấy mọi đau khổ bất hạnh của nhân
loại, từ người đầu tiên đến người cuối cùng. Người đã mang lấy thân phận của
Người Tôi Tớ Đau Khổ (Is 53,10) để chữa lành các
thương tích của con người. Tộii lỗi con người đã làm cho dung nhan Thiên Chúa
bị biến dạng. Mọi người phải kinh hãi trước sự cùng khốn của
Người (Is 52, 14-15).
Điều gì làm cho người đẹp nhất giữa con cái loài người (TV 45(44),4), không còn hình dáng con người (Is 52,14)? “Người mang
lấy sự đau khổ của chúng ta và và gánh lấy những cực nhọc của chúng ta” (Is 53,4). Người biến thành hiện thân của đau
khổ để biến đỗi nó tận cội rễ. Sự đau khổ của Con Thiên Chúa giải thoát
con người khỏi cơn hấp hối của tâm hồn khép kín, không làm cho con người trở
nên cay đắng và nhiễm độc những tương quan nhân loại. Tất cả sự mới mẻ mà Thiên
Chúa tình yêu mang đến cho nhân loại và đặc biệt cho những tín hữu Chúa Kitô cô
đọng trong điểm này: sự đau khổ khi được gánh vác bởi tình yêu sẽ biến thành
niềm vui và con đường dẫn tới hạnh phúc bất diệt. Hãy noi gương Chúa Giêsu trên
con đường tử nạn: hiền hòa, yêu thương, tha thứ, quên mình cho đến giây phút
cuối cùng. Đó là sự thắng trận của Thiên Chúa trên sự dữ.
Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại.
Thập giá và sự đau khổ.
Chúa Giêsu đau khổ bên cạnh chúng ta, để dạy chúng ta bài học về
đau khổ
Nếu có ai suy nghĩ sâu xa về cuộc sống con người trên trần gian,
chắc sẽ kinh hãi vì sự dữ lan tràn, kéo theo đau khổ,
cùng khốn. Nhìn nơi đâu cũng thấy dấu vết của đau khổ trong kiếp con người. Mỗi
ngày báo chí, truyền hình đưa tin: chiến tranh, loạn lạc, tật bệnh, đói khát,
chết chóc, những thiên tai và những cuộc tàn sát… Đau đớn, tật bệnh trên thân xác và đau khổ, sầu thương trong tâm
hồn, rộng lớn như một tấm màn dày đặc bao trùm lên nhân loại.
Và nếu có cơ hội đi vào chiều sâu của mỗi tâm hồn xuyên qua
cái vỏ bọc xã giao, người ta sẽ bàng hoàng vì dấu vết của bất hạnh thật đậm
nét, làm tiêu hao sinh lực và giết chết niềm vui. Không được hạnh phúc từ nơi sâu thẳm, con người, -cả khi không ý
thức,- gieo rắc mầm giống bất hạnh vào trong không
khí, trong môi trường sống, trong các tương giao nhân loại. Nếu
có tranh chấp, ngờ vực, ghen tương, đố kỵ giữa con người thì, suy cho cùng,
nguyên nhân chính yếu là sự thiếu vắng hạnh phúc trong đời sống của mỗi cá thể.
Hơn thế nữa, vì sự đau khổ đã giết chết hay hủy hoại niềm vui trong con người
tôi, nên tôi đâm ra hằn học, ích kỷ, đóng kín lại trên những buồn phiền khốn
cực của mình. Và hơn thế nữa tôi đâm ra cay đắng, -nếu không
nói là độc ác- với những điều được coi như hạnh phúc của kẻ khác. Vì tôi bất hạnh, người khác không có quyền hạnh phúc. Vì tôi đau yếu, người khác không có quyền lành mạnh. Vì tôi khóc lóc, người khác không có quyền cười vui. Hay vì hạnh phúc quá mỏng manh, tôi phải lẩn tránh không dám thấy
sự đau khổ nơi kẻ khác. Tiếp xúc với đau khổ của kẻ
khác làm cho hạnh phúc của tôi bị đe dọa.
Nỗi đau khổ của con người là thế! Như một vực thẳm khôn lường!
Trước sự thống khổ lớn lao của loài người,
cuộc tử nạn và sự thương khó của Con TC mang đến một ý nghĩa nào? Tại sao TC
quyền năng không phán một lời để cho tai ương khốn khó
biến thành hoan lạc triền miên?
Mầu nhiệm sự dữ thật lớn lao để có thể giải
quyết cách đơn giản như vậy.
1) Để hiểu mầu nhiệm đau khổ, cần xét đến tính cách độc đáo của
Kitô giáo, vốn bao gồm đời sống hiện thế và đời sống mai hậu: đời này và đời
sau, đời sống tạm bợ và đời sống vĩnh cửu. Không nên giải
quyết vấn đề đời sau bằng những giải pháp của đời này.
“Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ
mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.18 Vì thế, chúng
ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô
hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ
tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2Cr 4,17-18) .
“Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh
quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18).
“Chúa Giêsu chọn cho mỗi người chúng ta thứ đau khổ mà người
thấy hữu ích cho sự thánh hóa chúng ta, và thường thì chúng ta khước từ thánh
giá mà người đặt cho chúng ta, trong khi chấp nhận các thứ khác. Thánh giá Người trao cho chúng ta là thánh giá
ít được hiểu nhất, thánh gía dẫn đưa đến đồng cỏ đắng đót, nhưng Người biết
thich hợp cho chúng ta, đàn chiên đáng thương đui mù.” (Cha Charles de
Foucauld).
2) Thiên Chúa quyền năng có thể biến đổi sự dữ thành sự lành.
“Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến
Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28).
Dựa trên giáo lý Kinh thánh, thánh Augstinô giải thích mầu nhiệm sự
dữ cách tuyệt vời: “Trong vũ trụ,
cả điều bị coi như sự dữ, khi nó được điều chỉnh và đặt đúng chỗ, càng làm chúng
ta thêm thán phục điều thiện; vì chúng ta trân trọng sự thiện nhiều hơn khi so
sánh nó với điều ác. Vì Thiên Chúa toàn năng, như chính người ngoại đạo cũng
thừa nhận, có toàn quyền trên mọi sự, bởi chính Người là vô cùng tốt lành, sẽ
không bao giờ cho phép điều xấu được hiện hữu giữa công trình của Người, nếu
Người không quyền năng và tốt lành đến độ có thể lấy sự thiện từ chính điều
ác.”(Thánh Augustinô, Khảo luận Tin, Cậy, Mến, c. 11).
Không có gì làm chứng điều này hơn sự Phục sinh vinh hiển của
Chúa Giêsu, sau thảm kịch đen tối, kinh hoàng của Thứ Sáu thánh.
“Lạy Chúa, mắt con nhìn đến dung nhan hấp hối của Chúa và linh hồn
con hôn kính các vết thương rỉ máu của Chúa. Lạy Chúa, có người đặt tin tưởng
vào sự trong sạch của đời sống họ. Người khác trong sự thực
hành khổ chế của họ. Người ở điều này. Người ở
đều kia. Nhưng tất cả sự tin tưởng
của con dựa trên sự đau khổ của Chúa, lạy Chúa, trên sự đền tội và công nghiệp
của Chúa” (Chân phước Henri Suso).
(Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ)