Bảy di ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu (tt): “Lạy Cha, xin tha cho họ”
(dongten.net)
Lời đầu tiên trên Thánh
Giá Chúa Giê-su nói, nằm trong bài thương khó của Phúc Âm thánh Lu-ca (Lc 22,1
– 23,56). Trong Phụng Vụ, bài thương khó này được đọc vào Chúa Nhật lễ Lá – năm
C. Lời đầu tiên này ở trong bối cảnh quân lính dẫn Chúa Giê-su tới Đồi Sọ, và
chúng đóng đinh Ngài vào thập giá. Với Ngài cũng có hai tên gian phi cùng bị
đóng đinh, một tên bên trái và một tên bên phải (Lc 23, 33-34). Sự kiện này được
cả bốn Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, chỉ có Lu-ca nhắc đến câu nói của Chúa Giê-su Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ
đang làm.
Đồi Sọ gợi lên một đồi trọc, không cây cối. Nơi hành hình được định
vị ngoài thành thánh. Vùng đất thánh được bao bọc chung quanh, là một khu vực
thánh không được xác nạn nhân làm ô uế. Nhưng nơi hành hình này gần cửa thành
Giê-ru-sa-lem, vì chính quyền muốn những khách bộ hành trông thấy những nạn
nhân hấp hối để răn đe.
Như thế, chúng ta có trước mắt một khung cảnh là Đồi Sọ, tại đó
Chúa Giê-su chẳng có tội tình gì, lại bị đóng đinh giữa hai tên gian phi, hai tội
nhân bị kết án tử. Điều này diễn tả về sự nhục nhã hết sức mà Chúa Giê-su phải
chịu, nhưng đó là số phận của người tôi trung”đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội
nhân” (Is 53,12). Nếu
chúng ta lắng nghe cả bài thương khó của Lu-ca, sẽ thấy Chúa đã nhắc lại sấm
ngôn này cho các môn đệ, khi ở trên đường từ Bữa Tiệc Ly đến vườn Ô-liu: ”Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm
nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật
vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất”. (Lc 22,37)
Chúa Giê-su bị liệt vào hàng phạm pháp. Nhưng Ngài đã phạm tội
gì? Không ai tìm thấy tội tình gì nơi Ngài để kết án được. Chính Phi-la-tô đã
lên tiếng tất cả ba lần về sự vô tội của Chúa Giê-su trong phúc âm thánh Lu-ca.
Lần thứ nhất: ”Ta xét
thấy người này không có tội gì”. (Lc
23,4). Lần thứ hai: ”Các
ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung
ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố
cáo”. (Lc 23,14). Và lần thứ ba: ”Nhưng
ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy
ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”. (Lc
23, 22). Dân chúng có đồng ý với Phi-la-tô để thả Chúa Giê-su không? Tin Mừng
đã cho chúng ta thấy lòng hiểm độc của dân chúng, đến nỗi cuối cùng Phi-la-tô
phải lên tiếng: ”Ta vô
can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27, 24). Sau đó thì sao? ”Toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng
tôi và con cháu chúng tôi! “ (Mt
27,25).
Thật là dã man và bất nhân biết bao. Thay vì thả Chúa, một người
vô tội và là một Ráp-bi tốt lành, thì dân chúng lại tha thứ cho một kẻ giết người
– Ba-ra-ba: ”Giết nó
đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” (Lc
23, 17). Tiếng la hét đầy bạo lực và đượm màu bất nhân, tiếng la hét của lòng
người ác độc đẩy Đấng Cứu Thế tới thập giá chỉ giành cho kẻ phạm pháp. Tiếng la
hét của thế giới đang bị thần dữ chế ngự và làm chủ. Tiếng la hét của một thế
giới từ chối Chúa Giê-su – vị Vua đích thực, để theo một vị vua trần thế: ”Ông Phi-la-tô nói với họ: ‘Chẳng lẽ ta lại đóng
đinh vua các người sao?’ Các thượng tế đáp: ‘Chúng tôi không có vua nào cả,
ngoài Xê-da.’” (Ga
19,15). Là nạn nhân của sự thù hằn của những người có thế lực trong xã hội và
tôn giáo thời đó, Chúa đã bị đẩy vào mảnh đất đầy sỉ nhục và phải đón nhận án tử
từ đám đông dân chúng, với sự hậu thuẫn và xúi giục của nhóm người có thế lực.
Một mạng lưới bất nhân đã được dệt lên, để bắt cho được kẻ thù không đội trời
chung, dù kẻ thù đó là một người vô tội, tốt lành và theo lẽ thường cần được
trân trọng và yêu quý. Trước mạng lưới đầy bất nhân này, cả người nắm chính quyền
thời đó, dù không thấy tội gì để kết án Chúa, cũng phải chào thua: ”Bấy giờ ông Phi-la-tô trao
Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá”.(Ga 19, 16).
Thập giá trên đồi sọ, Chúa Giê-su bị đóng đinh treo lơ lửng trên
đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay từ ngày đầu tiên khi chào đời đã ở
trong cảnh nghèo nàn của nhân loại, và khi chết đi cũng ở trong cảnh thê lương
của nhân loại. Karl Rahner, khi suy niệm lời này của Chúa Giê-su, đã diễn tả thật
sống động hình ảnh đau thương của Chúa Giê-su: “Chúa bị treo trên Thánh Giá. Họ
đã đóng đinh Chúa. Chúa không thể chạy trốn khỏi cây cao nối đất với trời này.
Các vết thương đang cháy bừng trong cơ thể Chúa. Mão gai đang tra tấn thân thể
Chúa. Trong đôi mắt của Chúa máu không ngừng chảy. Ôi các vết thương trên đôi
tay và đôi chân Chúa – chân tay Chúa như bị một cây sắt nóng rực đâm xuyên suốt
qua. Và tâm hồn của Chúa như là biển cả tràn đầy buồn bã, khổ đau và vô vọng”.[i]
Thật vậy, Chúa Giê-su đã sẵn sàng đón nhận tất cả, dù đó là khổ
đau tận cùng của bất nhân và ác độc. Ngài đã đón nhận với tình yêu và lời xin
vâng trọn vẹn. Vâng theo ý Cha một cách triệt để, đến nỗi bằng lòng chết đi và
chết trên cây thập tự. Cái chết trên cây thập tự là một cái chết nhục nhã, chỉ
giành cho những kẻ gây ra tội ác. Cái chết đó không ai muốn chọn cả. Còn Chúa,
dù biết là đau đớn, nhục nhã và bất công, nhưng Chúa vẫn không chạy trốn thập
giá trên đồi cao kia. Chân tay Ngài sẵn sàng dang ra, để con người đóng đinh
Ngài trên thập giá. Phải chăng Ánh Sáng là Ngài đã thực sự bị bóng đêm thổi tắt?
Phải chăng bóng đêm của tội lỗi và của thần dữ đã cướp đi mất Ánh Sáng vĩnh cửu
kia? Thập giá đứng sừng sững trên đồi cao. Trong cơn đau đớn tột cùng của thân
xác và của tâm hồn, đối diện với những đám lính vừa đóng đinh Ngài, và trong sự
hiện diện của đám đông đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giê-su vẫn lên
tiếng cầu nguyện với Cha trên trời: Lạy Cha,
xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm.
Chúa Giê-su là người say mê cầu nguyện.
Đó là lời cầu nguyện của Chúa với Cha trên trời. Thánh Lu-ca
luôn diễn tả nét đặc biệt nơi Chúa Giê-su. Đó là: Chúa Giê-su là người say mê cầu
nguyện. Trước và sau những biến cố đặc biệt, Chúa Giê-su đều cầu nguyện. Như biến
cố Chúa chịu phép rửa ở sông Gio-đan, Lu-ca đã thuật lại như sau: ”Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu
phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống
trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là
Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. (Lc 3, 21-22). Hay biến cố trong vườn
Cây Dầu, Chúa đã chìm mình trong cầu nguyện, và Ngài đã nhắc nhớ các môn đệ: ”Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. (Lc 22, 40). Trước đó, Chúa đã nhắc nhớ
mọi người: ”Vậy anh
em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến
và đứng vững trước mặt Con Người”. (Lc 21, 36). Sự cầu nguyện cần thiết
biết bao cho cuộc sống tâm linh. Cầu nguyện là giây phút gặp gỡ Cha trên trời
cách gần gũi và thân mật nhất. Trong cuộc gặp gỡ đó, người ta có thể đưa theo tất
cả mọi thực tế của cuộc đời, niềm vui và nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc, nụ cười
và nước mắt, ngọt ngào và đắng cay. Cha trên trời là nguồn mạch của cuộc sống,
là nguồn an ủi và nguồn tình yêu. Cuộc sống khởi đi nơi Ngài và kết thúc nơi
Ngài. Mọi sự tốt xấu, sáng đen đều phải chấm hết nơi Cha trên trời. Vì thế, nơi
Cha trên trời, mọi người đều được phép giãi bày tất cả, đều có thể tuôn tràn tất
cả mọi sự. Chính Chúa Giê-su đã sống tinh thần này. Trong tương quan tình yêu với
Cha trên trời, Chúa Giê-su đã chia sẻ tất cả mọi sự. Trước đó Ngài đã tâm tình
với Cha: ”Lạy Cha,
nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm
theo ý Cha” (Lc 22,
42), thì giờ đây Ngài lại xin cùng Cha Lạy Cha,
xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm.Thật tuyệt
vời mối tình Cha Con. Tuyệt vời hơn, khi chúng ta suy niệm kỹ lưỡng từng từ một
trong lời cầu nguyện ngắn ngủi này, để khám phá sự khôn ngoan của Thiên Chúa
trong lô-gíc tình yêu mà Ngài giành cho nhân loại.
Lô-gíc của tình yêu Thiên Chúa chất
chứa ơn thứ tha.
Đọc lại lần nữa lời cầu nguyện đầu tiên này, chúng ta ngạc nhiên
thấy rằng, Chúa Giê-su đã không cầu nguyện để xin Cha ra tay công bằng xử phạt
những kẻ bất nhân hãm hại Ngài, mà Ngài cầu nguyện với Cha, để xin Cha tha thứ
cho họ. Đó chính là lô-gíc của tình yêu Thiên Chúa. Lô-gíc này ngược hẳn với tất
cả mọi lô-gíc của cuộc đời. Đúng thật, sự khôn ngoan của con người không phải
là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ý nghĩ của Thiên Chúa không phải là ý nghĩ của
loài người. May thay!
Pagila đã suy niệm về tình yêu Thiên Chúa qua lời tha thứ của Chúa
Giê-su như sau: “Trong lời đầu tiên của Chúa Giê-su nói trên Thánh Giá đã được
tóm tắt nội dung của sứ điệp tình yêu của Chúa. Đó là tinh thần của Tin Mừng
hay nói đúng hơn là bản chất của Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã định nghĩa rằng:
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa thì vĩnh cửu và vô biên. Tình
yêu này đã thúc đẩy Thiên Chúa rời bỏ trời cao để xuống trên đất thấp và đã sống
là một người giữa muôn người. Tình yêu này của Thiên Chúa vượt trên mọi ngăn
cách, mọi biên giới của các dân tộc, và vượt trên mọi loại hàng rào, ngay cả
hàng rào mà chúng ta có quyền và được phép tạo nên. Thật vậy, tình yêu của Chúa
vươn dài tới điều, Ngài tha thứ cho kẻ thù và cho những người bắt bớ Ngài. Đó
chính là sứ điệp mà Chúa Giê-su đã loan báo trong những giây phút đầu tiên trên
hành trình sứ vụ của Ngài, và sứ điệp này của Chúa có giá trị vĩnh viễn và cho
tới muôn đời”.[ii]
Thật vậy Chúa tha thứ cho kẻ thù mà Chúa gọi là họ. Vậy họ là ai? Họ chính
là những tên lính La Mã, những người làm theo lệnh của Phi-la-tô đóng đinh Chúa
Giê-su cho đến chết. Họ chỉ làm theo mệnh lệnh, nhưng những lời chế nhạo, những
đòn roi đã thể hiện sự tàn bạo, sự hung tợn trong chính họ. Họ còn
là những đám đông dân chúng bị lầm lạc, bị mê hoặc, những kẻ ấy đã bắt Chúa
Giê-su phải chết và ép buộc Phi-la-tô giết Ngài. Bọn người ấy chỉ vài ngày trước
đã tung hô Chúa Giê-su là Vua (Mc 15,6-14, Mc 11,8-10), còn giờ thì dã tâm giết
Chúa trên thập giá. Thật tàn bạo, thật khủng khiếp và thật bất công!
Karl Rahner đã suy niệm về nhóm người đứng dưới chân thập giá của
Chúa như sau: “Tất cả những người đã dàn xếp mọi chuyện này, đang đứng dưới thập
giá. Họ không bỏ đi, để ít nhất cho Chúa trút hơi thở cách bình lặng. Họ ở lại.
Họ cười nhạo. Họ nghĩ rằng, họ có quyền để chỉ ra rằng, hoàn cảnh của Chúa lúc
này chính là chứng minh hùng hồn rõ rệt nhất cho việc: những gì họ đã làm với
Chúa là thực hiện trọn vẹn công lý thánh thiện nhất, một hy lễ thánh mà họ đã
làm và họ kiêu hãnh về điều đó. Vì thế, họ cười, họ chế nhạo, họ báng bổ Chúa.
Họ đánh đập Chúa. Những điều này thật dễ sợ hơn mọi nỗi đau của thân xác cộng lại.
Có thể có những người có khả năng làm những điều đê tiện như vậy chăng? Giữa
Chúa và những người này còn có bất cứ điều gì chung nữa không? Một người có thể
được phép hành hạ người khác đến chết như vậy chăng? Với dối trá, với thô bạo,
với bội phản, với vờ vĩnh, với mưu mô xảo quyệt họ đã hành hạ Chúa cho đến chết,
tệ hơn nữa họ còn tự cho mình có quyền làm điều đó với tư cách là những người
trong sạch, những người như các quan toà cầm cân nảy mực”.[iii]
Nhưng tất cả mọi sự xấu xa đó không cản bước chân của Đấng Cứu Độ,
không làm cho bản chất của Đấng Cứu Độ bị thay đổi. Bản chất đó là tình yêu
tràn đầy lòng thương xót và tha thứ, mà Chúa Giê-su đã loan báo. Đối với thần học
gia Ratzinger, Đức Thánh Cha Benedicto XVI, thì: “điều mà Chúa đã rao giảng
trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã thực hiện cách trọn vẹn. Chúa không biết ghen
ghét là gì. Ngài không bao giờ hận thù cả. Ngài đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh
Ngài”.[iv]
Và “lời cầu nguyện đầu tiên của Chúa Giê-su với Chúa Cha là lời
cầu bầu, xin tha thứ cho những lý hình của Người. Với lời này, Chúa Giê-su thực
hiện điều mà chính Người đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi khi Người nói ‘Nhưng Thầy bảo các con là những người đang nghe Thầy
đây, hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét các con’ (Lc 6,27), và Người cũng đã hứa với những
người có thể tha thứ rằng ‘Phần thưởng
của các con sẽ thật lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao’ (c. 35). Bây giờ, từ trên Thánh Giá,
Người không những chỉ tha thứ cho những kẻ hành quyết Người, mà còn trực tiếp
thưa với Chúa Cha để cầu bầu cho họ”.[v]
Chúa Giê-su và tinh thần tha thứ.
Lắng nghe lại lời Chúa giảng dạy chúng ta tha thứ trong Kinh Lạy
Cha, chúng ta thấy thật sống động, vì lời này được Chúa Giê-su thực hiện cách mỹ
mãn trong cuộc đời Ngài, và đặc biệt trên Thánh Giá Chúa. Những lời giảng dạy của
Chúa đã tìm thấy ý nghĩa và giá trị trọn hảo trong chính hành động Chúa làm.
Hơn nữa, nếu chúng ta lật lại các trang Tin Mừng, sẽ nhận ra được lòng nhân từ
và tha thứ của Chúa Giê-ru rất rõ nét, cụ thể trong những cuộc gặp gỡ của Ngài
với những người tội lỗi. Hình ảnh của người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong
thành mà Lu-ca nhắc đến là một điển hình (x. Lc 7, 36-50). Một cuộc gặp gỡ thật
đặc biệt giữa lòng nhân từ hay thứ của Chúa với thân phận tội lỗi, nhưng chất
chứa lòng ăn năn sâu thẳm của người phụ nữ. Một cuộc gặp gỡ khác giữa Đức Ki-tô
và người phụ nữ bị kết án vì tội lỗi. Bối cảnh và tình tiết của câu chuyện được
Gioan diễn tả thật đặc sắc (Ga 8, 2-11). Đó là người ta đưa chị bị bắt phạm tội
ngoại tình đến với Chúa, để gài bẫy Ngài, bằng cách bắt Ngài phải kết án tử chị
ta. Phần tiếp của câu chuyện các Kit-tô hữu đều biết. Có một nét thật đặc sắc
là: Người lớn tuổi nhất phải bỏ đi sớm nhất, khi Chúa nói với họ: ”Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà
ném trước đi”. Cuối
cùng, câu chuyện có một lời kết rất tuyệt vời của Chúa Giê-su với người phụ nữ
tội lỗi: ”Tôi cũng
vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Với lòng nhân từ, Chúa Giê-su đã không
kết án mà Ngài nói lời tha thứ và đem lại sức sống mới cho một phận người tội lỗi.
Một sức sống mới cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, một sức sống mới tràn đầy tự
do, niềm vui và hạnh phúc.[vi]
Điều này Chúa cũng làm với những người đóng đinh Chúa. Trước hết,
Chúa chẳng kết án họ, và trước bản án bất nhân của họ giành cho Chúa, Chúa cũng
chẳng cần biện minh, Lời Chúa nói là tha thứ. Thật tuyệt vời biết bao nhiêu,
khi nhận ra điều này. ĐHY Fulton đã chia sẻ như sau: “Câu trả lời nằm sẵn ở chữ
đầu tiên trên thập giá: Tha Thứ. Nếu như có ai đầy đủ quyền lực để chống lại bất
công thì phải là Chúa Giê-su, Đấng là công lý thần linh. Nếu có ai đầy đủ lý do
để khiển trách kẻ hành hạ mình, đóng đinh chân tay mình vào cây gỗ, thì đó là
Chúa chúng ta. Nhưng không. Vào đúng lúc cây cối chống lại Ngài, và trở thành
thập tự; sắt thép chống lại Ngài và trở thành đinh nhọn; dây hoa hồng chống lại
Ngài và trở thành mạo gai; con người chống lại Ngài và trở thành lý hình, thì
Ngài buông lời Tha Thứ, lời cầu đầu tiên trong lịch sử xin tha tội cho kẻ thù
hành hạ mình: ‘Lạy Cha,
xin tha cho chúng, vì chúng chẳng biết việc mình làm’. (Lc 23,34)”.[vii]
Để có thể hiểu sâu hơn tinh thần tha thứ của Chúa Giê-su qua lời
Ngài nói trên Thánh Giá, chúng ta cũng nên suy niệm về những gì Chúa không nói
lúc đó. ĐHY Fulton đã chú ý đến điểm này và chia sẻ rất sâu sắc: “Xin dừng lại
khoảnh khắc để suy niệm những gì Ngài không nói: Ngài không nói: Tôi vô tội.
Nhưng trên thế gian này ai vô tội hơn Ngài? Từ trước khi có Thứ sáu Tuần thánh
và về sau, khi người ta bị treo lên thập giá, hoặc máy chém hoặc giàn xiết cổ,
hỏa thiêu biết bao tội nhân vô tội nhưng thử hỏi đã có người nào không kêu gào
mình vô tội? Chúa Giê-su không hề mở miệng phản đối lý hình. Bởi vì làm như vậy,
Ngài mặc nhiên công nhận quyền xét xử của loài người, kẻ phàm nhân xử án Thiên
Chúa! Vậy Đấng vô tội không khẳng định mình trong trắng, thì chúng ta là kẻ tội
lỗi đầy mình lại dám tự nhận như vậy? Muôn đời xin đừng la lớn mình vô tội, kẻo
lừa dối thiên hạ. Bởi làm như vậy chúng ta ngộ nhận rằng con người chứ không phải
Thiên Chúa là quan án nhân loại. Thực ra, linh hồn mọi người sẽ được xét xử
không phải trước toà án loài người, mà trước tôn nhan Đấng tối cao, Thiên Chúa
của tình yêu, và ‘Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ thưởng công cho anh em trong bí ẩn’.
Ơn cứu độ muôn đời của chúng ta không lệ thuộc vào thế gian xét xử, mà vào
Thiên Chúa đoán xét…
Một điều khác Chúa Giê-su không nói trên thập giá cho các đại diện
vua Caesar và của quyền bính đền thờ, là Ngài chẳng bảo họ ‘quí vị bất công’.
Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài mọi quyền xét xử, nhưng Ngài không sử dụng nó để
nói: ‘Quí vị sẽ chịu khốn nạn vì việc này’. Với tư thế vừa là Thiên Chúa vừa là
người, Ngài thấu rõ nếu còn sự sống thì còn hy vọng. Cho nên lúc này các đau khổ
kiên trì của Ngài còn khả năng cứu chuộc nhiều linh hồn đang lên án Ngài…Như vậy,
nếu Chúa Giê-su không xét đoán các lý hình của mình trước kỳ hạn phán xét của họ,
thì tại sao chúng ta thường làm như vậy? Nhất là khi chúng ta không có kiến thức
đầy đủ về họ lại đoán họ xúc phạm đến mình? Lúc còn đang sống có thể nhờ việc
kìm hãm xét đoán của chúng ta, mà họ ăn năn trở lại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào
quyền năng xét đoán chưa ban cho chúng ta, và thế giới có thể sẽ biết ơn Thiên
Chúa về việc này. Bởi lẽ Ngài là quan tòa chính xác và nhân từ hơn người ta:
‘Các ngươi đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét’ (Mt, 7,1)”.[viii]
Không xét đoán, không biện minh, dù Chúa có quyền và có thể làm
điều đó. Ngay trong khổ đau nhất và chìm giữa bất công nhất, Chúa lên tiếng:
Tha thứ. Đó là một sứ điệp cao quý của Đấng Cứu Độ. “Tha thứ. Tha thứ cho các
Philatô của bạn, họ không đủ can đảm để bênh vực công lý. Tha thứ cho các
Hêrôđê của bạn, họ sống quá bê tha, không còn khả năng hiểu được tinh thần. Tha
thứ các Giuđa của bạn, họ nghĩ chỉ tiền bạc là tất cả: ‘Tha thứ cho họ, vì
không biết việc mình làm’. Trong câu nói này gói ghém Tình Yêu của Chúa Cha và
Chúa Con. Nhờ câu nói này, tình yêu thánh thiện của Thiên Chúa gặp gỡ tội lỗi
nhân loại, nhưng vẫn y nguyên tinh tuyền. Câu nói đầu tiên của Chúa Giê-su: Tha
thứ, là bằng chứng hùng hồn nhất tính vô tội tuyệt đối của Ngài. Còn toàn thể
chúng ta đến giờ chết sẽ được xem thấy hằng hà sa số các tội lụy diễn ra trước
mắt, đến nỗi chúng ta quá khiếp sợ để ra trước tôn nhan Thiên Chúa, mà không cầu
xin Ngài tha thứ. Chúa Giê-su, ngược lại, không cần ơn tha thứ khi gục đầu chết,
bởi Ngài không hề có tội lỗi nào. Lời Ngài xin tha thứ là cho những kẻ tố cáo
Ngài, và lý lẽ Ngài đưa ra là: Họ không biết việc họ làm”.[ix]
Vì họ không biết việc họ làm.
Đó là vế thứ hai của lời cầu nguyện đầu tiên. Nhưng làm sao Chúa
Giê-su lại có thể nói họ không
biết việc họ làm? Theo một góc độ nào đó thì họ phải biết việc họ
đang làm, nhưng họ không nhận ra điều đó là tội ác tày trời. Đó chính là giết
chết Con Một của Thiên Chúa.
Nếu suy niệm kỹ lời này, chúng ta thấy, trong lời cầu xin Chúa
Cha tha thứ tội lỗi cho những kẻ quay lưng lại với Ngài, những kẻ thi hành án tử
hình, Chúa Giê-su đã thực sự biện hộ cho họ, và đó cũng là một cách minh chứng
hùng hồn nhất rằng, điều Ngài đã dạy là hoàn toàn có thể: ”Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược
đãi anh em” (Mt
5,44). Biết bao nỗi tủi nhục và đau đớn mà bọn La Mã đã gây ra cho Ngài, Ngài vẫn
tha thứ cho họ. Ngài thậm chí còn tha thứ cho những kẻ quay lưng lại với Ngài.
Karl Rahner đã suy niệm về điều này: “Chúa ơi, Chúa lại nói: Lạy Cha, xin tha
cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Không thể hiểu Ngài được, Chúa Giê-su ơi.
Trong một tâm hồn tan nát và tràn đầy khổ đau, Chúa lại có thể kiếm được ở đâu
một chỗ, để có thể thốt lên những lời đó? Không thể hiểu Ngài được, Chúa Giê-su
ơi. Chúa yêu thương kẻ thù của Chúa. Chúa phó thác kẻ thù vào cho Cha trên trời.
Chúa cầu nguyện cho họ. Ôi, Chúa ơi, con có ngớ ngẩn để nói rằng: Chúa xin lỗi
dùm cho họ, bởi vì họ không biết việc họ đã làm. Thất cả bọn họ đã biết, chỉ là
họ không muốn biết đến điều họ đã làm thôi. Thật vậy, nếu người ta không muốn
biết, thì người ta lại biết rõ hơn hết trong sâu thẳm tăm tối của căn hầm tâm hồn.
Nhưng người ta đã ghét bỏ điều đó, vì thế họ không muốn để cho điều đó tỏ lộ ra
bên ngoài trong ý thức. Và Chúa nói rằng, họ không biết việc họ làm. Một điều
chắc chắn họ đã thực sự không biết: Tình yêu của Chúa dành cho họ. Vì tình yêu
này người ta chỉ có thể nhận ra, khi người ta yêu mến Chúa. Vì chỉ có người yêu
thương mới nhận ra được tình yêu đã được ban cho.
Xin Chúa hãy nói lời tha thứ của tình yêu không thể dò thấu được
với tội lỗi của con. Xin hãy cầu bầu với Cha trên trời cho con: Xin tha thứ cho
nó, vì nó không biết việc nó làm. Dù rằng con đã biết mọi sự. Chỉ có một điều
con chưa biết. Đó là tình yêu Chúa.
Xin cũng giúp con biết suy đi nghĩ lại, khi con cầu nguyện và
xác quyết với lời Kinh Lạy Cha cách vô cẩn: Như con cũng tha cho những người có
lỗi với con. Ôi lạy Chúa trên Thánh Giá của tình yêu: Con cũng không biết có ai
thực sự lầm lỗi với con, để con tha thứ cho họ. Nhưng sức mạnh của Chúa cần thiết
biết bao, để thật sự từ trái tim, con có thể tha thứ cho những người mà con cho
rằng đó là kẻ thù của con”.[x] Qua
lời suy niệm này, nhà thần học lỗi lạc Karl Rahner đã thú nhận không thể hiểu
được tình yêu của Thiên Chúa mà Đức Ki-tô diễn tả và sống động.
Xin tha cho họ, vì họ không biết việc
họ làm. “Đúng vậy, ngay trong đống tro bụi của sự dữ, một chút than hồng
của Thiên Chúa vẫn luôn tiếp tục âm ỉ cháy trong trái tim của chúng ta. Sự tha
thứ sẽ thổi bay đi những tro bụi kia, và sự tha thứ thổi cho tia lửa tình yêu gần
tàn kia bùng lên, để ngọn lửa bùng cháy với sức mạnh mới”.[xi]
Đức Thánh Cha Benedicto XVI cũng đã suy niệm lời họ không biết việc họ làm như sau: “Thực ra, theo lời Người, thì
những kẻ đóng đinh Người ‘không biết việc chúng làm’ (Lc 23,34). Người đặt sự
thiếu hiểu biết, sự ‘vô minh’ của họ như động lực của việc Người xin Chúa Cha
tha thứ, bởi vì sự thiếu hiểu biết này mở đường cho việc hoán cải, như trường hợp
những lời mà viên đại đội trưởng sẽ công bố về cái chết của Chúa Giê-su: ‘Người
này thật sự là người công chính!’ (câu 47). Người này là Con Thiên Chúa. Vẫn là
một sự an ủi cho mọi thời đại và cho mọi người rằng trong trường hợp những kẻ
không thực sự biết Người, những lý hình của Người, và trong trường hợp những kẻ
biết, những kẻ kết án Người, Chúa dùng sự thiếu hiểu biết như lý do để xin tha
thứ cho họ: Người coi nó như một cánh cửa có thể mở lòng chúng ta ra mà hoán cải”.[xii]
Ngoài ra, lời này của Chúa Giê-su cũng nhắc chúng ta nhớ lại lời
rao giảng của Thánh Phê-rô, sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, và sau sự
kiện Thánh Phê-rô chữa người què ở Đền Thờ. Trước hết, Thánh Phê-rô nói cùng
đám đông dân chúng đang tụ họp ở đó: ”Anh em
đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát
nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người
trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng”. (CVTĐ 3, 14-15). Sau sự nhắc nhớ
nhức nhối này, Thánh Phê-rô tiếp tục: ”Thưa anh
em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ
lãnh của anh em”. (CVTĐ
3, 17).
Sự thiếu hiểu biết cũng được Thánh Phao-lô nhắc đến trong sự
liên hệ đến chính tiểu sử và ơn gọi của ngài: ”Trước
kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người
thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin”.(1Tm
1,13). Khi thú nhận như thế, thánh Phao-lô rất can đảm, vì ngày xưa trong tư
cách là một người luôn sống ý thức về mọi việc mình làm, và luôn tuân thủ lề luật,
nên ngài mới đi bắt bớ các người Ki-tô hữu. Khi ngài được Chúa kêu gọi trở lại,
ngài đã thành thật nhận ra sự thiếu hiểu biết của mình, sự nông cạn của ngài
khi chưa có niềm tin. Theo Đức Thánh Cha Benedicto XVI,[xiii] ngay
tại điểm thiếu hiểu biết này, mà thánh Phao-lô đã được cứu, được biến đổi và đến
với Chúa, và nhận được sự tha thứ của Chúa. Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn nêu bật
sự song đôi của hai điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ: một bên là sự hiểu biết
qua việc học hỏi, bên kia là sự thiếu hiểu biết. Ở đây, có thể xảy ra vấn đề của
sự hiểu biết. Đó là người hiểu biết đứng trước một sự nguy hiểm tự kiêu, khi tự
nâng cao mình lên, tự vinh danh mình, tự cho mình là biết tất cả mọi sự, đến nỗi
không còn nhìn ra chân lý và đạt được chân lý có sức biến đổi cuộc sống của con
người. Một lần nữa, trong một cách thức khác, vấn đề hiểu biết và không hiểu biết
được lộ rõ, khi chúng ta lật lại những trang đầu tiên của Tin Mừng về việc
Giáng Sinh của Chúa. Các Thượng Tế và Kinh Sư biết rõ ràng nơi Đấng Cứu Thế sẽ
sinh ra, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Những người hiểu biết đã bị mù tối.
(x. Mt 2, 4-6).
Một cách rõ ràng, sự song đôi của sự hiểu biết và sự thiếu hiểu
biết trong ý nghĩa này luôn tồn tại trong mọi thời đại. Vì thế, Đức Thánh Cha
BenedictoXVI mời gọi chúng ta chúng ta luôn tự hỏi bản thân: Chúng ta đang là
những con người hiểu biết nhưng thực sự là mù tối? Chúng ta đang sống trong
tình trạng hiểu biết, nhưng lại không có khả năng để nhận ra chân lý và sự thật
có thể biến đổi chúng ta?
Viết những dòng suy niệm này trong bối cảnh Giáo Hội vừa có vị
chủ chăn mới, kế vị Đức Benedicto XVI. Đó là Đức Thánh Cha Phanxico, vị Giáo
Hoàng thứ 266 của Giáo Hội. Trong bài giảng đầu tiên trên tư cách là đấng kế vị
Thánh Phê-rô, Ngài đã nói rằng: “Tin Mừng này tiếp tục với một hoàn cảnh đặc biệt.
Thánh Phê-rô, người đã tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng
Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh
Giá! Điều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với
các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh
Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức
Ki-tô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta
thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng
không phải là môn đệ của Chúa”.[xiv]
Như thế, trong đời sống của người Ki-tô hữu, dù ở trong cương vị
nào đi nữa, và dù có thông hiểu nhiều đến đâu, theo Chúa sát đến mấy, xả thân
hoạt động và xây dựng hết cỡ, cũng như mở hết volume để tuyên xưng Chúa, mà lại không có
Thánh Giá Chúa, không có Chúa trong tâm hồn, không có Chân Lý là chính Chúa ngự
trị, thì thật nguy hiểm biết bao, vì như thế chúng ta thuộc về thế gian, chúng
ta không phải là môn đệ của Chúa. Như vậy, sự hiểu biết của những nhà thông
thái, kinh sư, thượng đế ở kế bên Thánh Giá Chúa chỉ là sự khôn ngoan của con
người, sự khôn ngoan của họ thiếu bóng dáng của Thánh Giá Chúa. Khoa học Thánh
Giá họ chưa hiểu được, thì làm sao họ có thể hiểu được Chân Lý là gì. Hơn nữa,
cái hiểu đâu phải là tất cả cuộc sống của con người. Cái hiểu đó cần phải đi
vào trái tim, thấm nhuần toàn thể con người, để cả cuộc đời con người gắn liền
với Chân Lý, với Thiên Chúa, với Thánh Giá của Đức Ki-tô. Xin Chúa cho chúng
ta, trong đời sống đức tin theo Chúa, đứng gần Thánh Giá Chúa, nhưng không bao
giờ mù tối đến nỗi không hiểu Thánh Giá Chúa là gì, ngược lại thấu hiểu, cảm nhận
và giang đôi tay, mở rộng tâm hồn đón nhận Thánh Giá Chúa vào đời mình, vì
Thánh Giá Chúa chính là Chân Lý, là khoa học của tình yêu mà Đấng Cứu Thế đã
ban tặng cho nhân loại.
Tóm lại, sự thiếu hiểu biết và nông cạn về niềm tin mà Thánh
Phê-rô nhắc đến, và thánh Phao-lô thú nhận nơi ngài, có thể làm cho tội lỗi
chúng ta được nhẹ hơn, và có thể mở ra một con đường hoán cải trở về. Trở về để
xin Chúa mở mắt tâm hồn, xin Chúa ban cho chúng ta ánh sáng của Ngài, để có thể
nhìn ra Thánh Giá Chúa là khoa học của tình yêu, là Chân Lý mà chúng ta cần mở
lòng và giang đôi tay đón nhận, và luôn sống với Chúa trên đường Thánh Giá trên
từng nẻo đường chúng ta đi. Có như thế, Chân Lý sẽ nở hoa và sinh trái trên đời
sống của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta cũng cảm tạ Chúa về lòng nhân từ bao dung
của Chúa giành cho chúng ta, những người thiếu hiểu biết. Đó là một sự an ủi lớn
lao. Cũng xin Chúa giúp chúng ta, khi đã hiểu được tinh thần tha thứ của Chúa,
thì cố gắng sống theo Ngài, như Thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo đầu tiên, đã theo
gương và thực hiện.
(còn tiếp)
Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[i] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.51.
[ii] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, Echter
Verlag, Wuerzburg 2011, t.20-21.
[iii] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.51-52.
[iv] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, Herder Verlag,
Freiburg 2011, t.230.
[v] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện, ban hành ngày Thứ Tư mùng 15
tháng 2 năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong
<http://www.giaoly.org>
[vi] X. NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, NXB. Phương Đông
2012, t. 134-136.
[vii] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, Chuyển
ngữ: Fr. Tôma Trần Ngọc Tuý, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.
[viii] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần
số 11 – Đau khổ và ủi an.
[ix] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số
11 – Đau khổ và ủi an.
[x] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.53-54.
[xi] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.24.
[xii] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.
[xiii] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t. 230-232.
[xiv] ĐTC Phanxico, Bài Huấn
Từ đầu tiên trong Thánh Lễ với các Hồng Y, tại Nguyện Đường Sistine hôm thứ
năm 14 tháng 3, 2013. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong
<http://www.giaoly.org>