Sứ điệp không thể lãng quên: Bảy di ngôn cuối cùng của Chúa Giê-su
trên Thánh Giá (2).
(dongten.net) 22/02/2015
Sứ điệp từ Thánh Giá không thể quên lãng.
1. Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì
chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34).
2. Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay
anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc 23,43).
3. Thưa Bà, đó là con Bà – Đó là
Mẹ của con (Ga
19,26-27).
4. Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa
tôi, sao Người đã bỏ con? (Mt 27,46; Mc
15,34).
5. Ta khát (Ga 19,28).
6. Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30).
7. Cha ơi, Con phó tâm hồn của con
trong tay Cha (Lc
23,46).
Đọc bảy lời này, chúng ta thấy rằng các Tin Mừng trình bày cho
chúng ta cái chết của Đấng Cứu Độ, khi thì như một tổng thể đầy đủ, khi lại như
một tổng thể gồm những phần tách biệt nhau. Thánh Phao-lô Tông Đồ nói về Thánh
Giá như một tổng thể đầy đủ không bị phân chia ra, khi ngài nói trong thư gửi
tín hữu Philipphê (Pl 2,8) rằng: Chúa Giê-su Ki-tô “đã trở nên vâng phục cho đến
chết và chết trên Thánh Giá”. Ngược lại, các Tin Mừng trình bày chi tiết những
thời khắc và những cảnh tượng Thánh Giá. Và qua 4 Tin Mừng, chúng ta có được bảy
lời cuối cùng như là sứ điệp của Chúa Giê-su để lại.
Số 7 – con số ngẫu nhiên?
Con số 7 ở đây, theo một số nhà thiêng liêng học, không phải là
một con số ngẫu nhiên. Số 7 mang một ý nghĩa biểu tượng trong Kinh Thánh. Đó là
con số hoàn hào và con số mang tính cách biến đổi. Mỗi tuần có 7 ngày. Chúng ta
cũng biết đến 7 Bí Tích, 7 ơn Thánh của Chúa Thánh Thần, và khi nhắc đến sự tha
thứ, Phê-rô cũng hỏi Chúa có phải tha đến 7 lần không, Chúa Giê-su đã trả lời
Phê-rô: “Không phải
chỉ tha 7 lần nhưng là 70 lần 7” (x.
Mt 18, 22). Hơn nữa, Radcliffe còn coi 7 lời cuối cùng của Chúa như là phương
thuốc trị liệu cho 7 mối tội đầu.[i] Như thế, con số 7 của trần thế đã được
Thần Khí của Chúa làm cho đầy tràn và biến đổi trở thành con số hoàn hảo, con số
Thánh[ii] được gắn với Đức Ki-tô. Qua đó, con số
bảy đó muốn diễn tả chân dung của Đức Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi, Đấng hoàn hảo trong
suốt cuộc đời của Ngài, trong Lời Giảng, trong những sứ mạng Ngài đã thực thi
theo thánh ý Chúa Cha và để cứu rỗi loài người. 7 Lời đó được Ngài nói trong
khoảng thời gian Ngài bị treo trên Thánh Giá.
Mốc thời gian của sứ điệp từ Thánh
Giá.
Qua bốn Tin Mừng, có thể nhận ra được thứ tự thời gian của 7 lời
cuối cùng của Chúa Giê-su. Cụ thể 7 lời này có thể được chia ra làm 3 phần nhỏ: trước,
trong và sau 3 giờ chiều.
Trước 3 giờ chiều là lời thứ nhất đến
lời thứ ba:
Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang
làm (Lc 23,34).
Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong
thiên đàng (Lc 23,43).
Thưa Bà, đó là con Bà – Đó là Mẹ của con (Ga 19,26-27).
Trong thời gian 3 giờ chiều, Chúa
Giê-su nói lời thứ Tư:
Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người đã bỏ con? (Mt
27,46; Mc 15,34).
Sau 3 giờ chiều, Chúa Giê-su nói ba lời
cuối:
Ta khát (Ga 19,28).
Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30).
Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha (Lc 23,46).
Đó là mốc thời gian của 7 lời này. Ngoài ra, chúng ta có thể tìm
thấy cấu trúc của bảy di ngôn.
Vài nét đặc sắc của sứ điệp từ Thánh
Giá.
Trước hết là sự tương quan gần gũi của Chúa Giê-su với Cha trên
trời. Chúa Giê-su đã kêu lên Cha, đã cầu nguyện với Cha, trong những giây phút
đầu tiên khi Ngài vừa bị đóng đinh trên Thánh Giá, cũng như Ngài kêu lên Cha,
khi Ngài cảm thấy nỗi cô đơn tột cùng như bị Thiên Chúa bỏ rơi hoàn toàn, và cuối
cùng khi Ngài trút hơn thờ cuối cùng, Ngài phó thác linh hồn của Ngài trong tay
Cha. Mối tương quan gần gũi và gắn bó với Cha trên trời là một trong những nét
rất đặc biệt trong đời sống của Chúa Giê-su. Nếu chúng ta trở về lại khung cảnh
của vườn Giêt-si-ma-ni, sẽ thấy thật rõ ràng tâm tình của Chúa Giê-su với cha
mình:“Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm
theo ý con, mà làm theo ý Cha”. (Lc
22,42).
Điểm đặc sắc thứ hai nằm trong hai lời đầu tiên diễn tả lòng
nhân từ của Chúa Giê-su. Lòng nhân từ đó đầu tiên được Chúa giành cho những người
đóng đinh Chúa vào Thánh Giá. Lạy Cha,
xin tha cho chúng. Sau đó Ngài còn gián tiếp xin lỗi Cha trên trời
thay cho những kẻ đó, khi Ngài nói vì chúng
không biết việc chúng đang làm (x.
Lc 23,34). Lời của Chúa Giê-su giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa của bài giảng của
Thánh Phê-rô trong sách Tông Đồ Công Vụ. Bài giảng này Thánh Phê-rô giảng tại đền
thờ Giê-su-sa-lem cho dân chúng đang tụ họp ở đó. Ngài diễn tả sống động về Tôi
Trung của Thiên Chúa, là Chúa Giê-su Ki-tô, “Đấng mà
chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải
tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một
tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm
cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng”. (TĐCV 3, 14-15). Sau khi nói với đám
đông như thế, Phê-rô lên tiếng tiếp: “Thưa anh
em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ
lãnh của anh em”. (TĐCV
3, 17). Như thế, Chúa Giê-su cảm thông cho sự không biết hay không hiểu biết của
những kẻ hại Ngài, để tha thứ cho họ. Qua đó, Chúa Giê-su phân biệt rõ rệt sự
ác (thần dữ) và con người. Đặc biệt Ngài yêu thương những con người bị sự ác và
thần dữ chế ngự và điều khiển, dù họ có hãm hại Ngài, Ngài vẫn đồng cảm và hiểu
họ, thông cảm và tha thứ cho họ. Thật vậy, tất cả những gì Chúa Giê-su giảng về
tinh thần tha thứ, Ngài đều sống và thực thi cách trọn vẹn. Cũng diễn tả lòng
nhân từ cách sống động, khi Chúa Giê-su đã nói với một kẻ trộm cùng chịu đóng
đinh với Ngài: “Hôm nay
anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng”. (Lc 23,43).
Nét đặc sắc khác là lời Ngài nói với Mẹ mình và nói với môn đệ
yêu dấu: “Thưa Bà,
đó là con Bà – Đó là Mẹ của con” (Ga 19,26-27). Một lời thân thương với
Mẹ mình, người Mẹ đã sinh con trong hang lừa Bê-lem nghèo nàn và ấp ủ con trong
lòng, để dưỡng nuôi và chở che cũng là người Mẹ ôm xác con vào lòng, một cái
xác với biết bao thương tích và dính đầy vết máu của khổ đau, của bất nhân. Người
Mẹ đó được Con phó thác cho người môn đệ yêu dấu trông nom, và Ngài cũng trao
chính người môn đệ cho Mẹ trông coi, đó chính là gia đình mới của Mẹ, và là
chính mỗi người trong Giáo Hội, trong Cộng Đoàn Dân Chúa.
Hai lời kế tiếp của Chúa Giê-su diễn tả sự đau khổ. Lời đầu tiên
nói về sự đau khổ tâm hồn, sự đau khổ bị bỏ rơi: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người
đã bỏ con?” (Mt
27,46; Mc 15,34). Lời này được lấy từ Thánh Vịnh 22, diễn tả lời kêu cầu của
người lành thánh gặp hoạn nạn, và kêu cầu Thiên Chúa. Sự đau khổ thứ hai thuộc
về thân xác: “Ta khát” (Ga 19,28). Một thân xác khô cằn, một thân xác cần nước
cũng là một thân xác khao khát biết bao tâm hồn.
“Mọi sự đã được hoàn tất” (Ga 19,30). Đó là lời thứ sáu của
Chúa Giê-su. Ngài đã thực hiện trọn vẹn sứ mạng được Cha trên trời tin tưởng
giao phó. Sự trọn vẹn đó được biểu lộ qua sự hiến dâng toàn bộ con người của
Ngài cho Cha, và cho nhân loại. Tất cả những gì được viết trong các Cựu Ước giờ
đây tìm thấy dấu chấm hoàn hảo nơi Thánh Giá của Chúa Giê-su.
Và cuối cùng Chúa Giê-su thốt lên: “Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trong niềm tin tưởng tuyệt
đối, Chúa Giê-su đã phó thác hồn mình trong bàn tay dấu ái của Cha. Tâm tình
này diễn tả sống động Thánh Vịnh 16, 1.10-11:
“Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi
âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát
trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn
trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!”.
Đó là vài nét đặc sắc của bảy lời cuối cùng của Chúa Giê-su trên
Thánh Giá. Ngoài ra, cũng có thể nói về cấu trúc của bảy lời này.
Thử đi tìm cấu trúc của bảy di ngôn.
Khi đọc kỹ bảy lời cuối cùng của Chúa Giê-su, có thể nhận ra rằng,
trong bảy lời này, thì 3 lời đầu tiên: (1) Lạy
Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34), (2)
Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc
23,43), (3) Thưa Bà, đó là con Bà – Đó là Mẹ của con (Ga 19,26-27),
cho thấy ân sủng tuôn trào cho cuộc sống nhân loại từ cái chết của Đấng Cứu Độ:
Sự tha thứ các người xúc phạm, việc được vào thiên đàng, những mối tương quan của
tình yêu của đời sống Ki-tô hữu. Đó là phần thứ nhất.
Phần thứ hai gồm bốn lời cuối cùng: (4) Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người
đã bỏ con? (Mt 27,46; Mc 15,34). (5) Ta khát (Ga 19,28). (6) Mọi sự đã được
hoàn tất (Ga 19,30). (7) Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha (Lc
23,46). Bốn lời này
mô tả bản chất và những đặc tính của đời sống Ki-tô hữu: Đau khổ tuyệt đối, như
trong trường hợp của Chúa Giê-su bị Thiên Chúa bỏ rơi trong ba giờ hấp hối; cơn
khát; công việc hoàn tất; sự lệ thuộc với Chúa Cha trên trời cho đến giờ cuối
cùng trên thế gian. [iii]
Cuối cùng, chúng ta cùng suy niệm bảy di ngôn này với 3 dấu đinh
của Chúa trên Thánh Giá, như là biểu tượng cho ba tâm tình:
Dấu đinh thứ nhất: Với tất cả tấm lòng yêu thương Chúa, hướng
nhìn lên Thánh Giá Chúa, như Mẹ Maria và các phụ nữ cùng Thánh Gioan ngày xưa.
Dấu đinh thứ hai: Dang tay hướng về trời cao, như Đấng Đấng Chịu
Đóng Đinh, để cùng Ngài, chúng ta trở thành con người thờ phượng Thiên Chúa
trên hết mọi sự. Ngài là Thiên Chúa duy nhất không còn Chúa nào khác. Ngài là
trung tâm điểm duy nhất, không có trung tâm điểm nào khác.
Dấu đinh thứ ba: Đôi tay dang ra như Chúa trên Thánh Giá, để ôm ấp
Chúa và anh chị em đồng loại. Đó là cử chỉ của tình huynh đệ tròn đầy, trọn vẹn.
Chúng ta tín thác những giờ phút suy niệm về sứ điệp từ Thánh
Giá Chúa, sứ điệp không thể quên lãng, cho Mẹ Maria, Nữ Vương Bình An, và cho
các Thánh Tử Đạo nước Việt Nam, những vị thánh theo chân Chúa Giê-su đã chọn
Thánh Giá là báu vật của tình yêu dâng hiến, là nền tảng của niềm tin sắt đá.
(Còn tiếp)
Lm. Nguyễn Ngọc Thế SJ
[i] x. RADCLIFFE T., Les Sept dernières paroles du Christ,
t.9-10.
[ii] x. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, Kreuz
Verlag, Freiburg 2010, E-book, phầnEinleitung.
[iii] x. REGARD P., Bảy Lời Trên Thánh Giá – BTGH chuyển ngữ, nguồn
http://www.simonhoadalat.com/