Ai Vác Thập Giá, Thập Giá Của Ai (Bài 1)
(dongten.net)
Ông Si-mong vác thánh giá…
Đàng thánh giá: “nơi thứ năm: ông Si-mong vác thánh giá đỡ Đức Chúa Giê-su…”
Hôm nay Thứ sáu Tuần Thánh, những đường phố trong cổ
thành Giêrusalem mà các Kitô hữu “đi Đàng Thánh Giá” theo truyền thống từ thế kỷ 12, khi
liên quân các nước Âu Châu hiệp nhau (gọi là Đạo Binh Thánh Giá) đánh chiếm lại
Thánh Địa và đặc biệt Giê-ru-sa-lem.
Thành phố Giêrusalem thời Chúa Giê-su đã bị quân đội Rôma
phá bình địa khi dẹp cuộc nổi dậy của dân Do Thái vào năm 70. Sáu chục năm sau,
Hòang đế Rôma Adriano cho xây lại theo đúng sơ đồ quen thuộc của một thành phố
Rôma. Mặt bằng của hồ Chiên (nơi Chúa Giê-su chữa người bất toại đã nằm chờ 38
năm) nay đã đào thấy, sâu 20 mét dưới mặt bằng hiện tại của thành phố. Cũng
chẳng ai biết đích xác dinh Philatô nằm ở góc nào, dựa trên một vài chi tiết
trong Phúc Âm, người ta nghĩ là Philatô lên Jerusalem dịp lễ lớn này thì đóng
tại pháo đài ở góc phía bắc của khuôn viên Đền Thờ, nơi ngày nay là một trường
học của con em người Hồi Giáo, đối diện với tu viện của các cha Dòng Phanxicô.
Các tín hữu từ thời Binh Thánh Giá chọn địa điểm đó làm nơi bắt đầu đàng Thánh
Giá (Nơi thứ nhất: quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu)
và phân chia con đường vòng vo theo các đường phố, hiện nay toàn là những phố
buôn bán, đông nguời qua lại, để lên giốc cho tới Đền Thờ Mộ Thánh (người Hy
Lạp gọi là Đền Thờ Chúa Phục Sinh), do bà thánh Helena (thế kỷ thứ tư) đã cho
xây dựng trên nơi mà các tín hữu thời xưa vẫn tôn kính như nơi Chúa chịu đóng
đinh và táng xác. Thời Chúa Giê-su thì nơi này ở bên ngoài thành, khi Jerusalem
được xây lại sáu chục năm sau thì nơi này vào trong tường thành, và người Rôma
xây đền thờ thần của họ trên đó, có vẻ như để xóa dấu vết “nơi thánh” của các
Kitô hữu. Bà thánh Helena đã cho phá đền thờ của người Rôma, san lại mặt bằng
và xây Đền Thờ Mộ Thánh trên đó. Nơi thứ ba, thứ bốn và thứ năm ở giữa hai góc
đường, đoạn đường giữa nơi thứ ba và nơi thứ năm, nay là trục chính con đường
người Hồi Giáo đi vào nhà thờ của họ (nơi thánh thứ ba của họ, sau Međina và
Mecca), nên hôm nay cả đại đội cảnh sát và quân đội của Israel vào đây giữ an
ninh, trật tự. Họ kéo rào sắt ngăn đôi lòng đường vốn chẳng rộng rãi gì cho
lắm. Giờ tín hữu đi đàng thánh giá trưa thứ sáu Tuần Thánh cũng là giờ hàng
tuần người Hồi Giáo kéo nhau vào cầu nguyện buổi trưa và nghe giảng tại nơi
thánh của họ .
Có lẽ ngày Chúa Giê-su vác thánh giá năm xưa, chưa có
người Hồi Giáo, nhưng người Do Thái thập phương về dự lễ Vượt Qua chen chúc
nhau trên đường, thì cũng chẳng khác cảnh hôm nay (tối nay trăng 14, cũng là tối
người Do Thái mừng lễ Vượt Qua theo lịch của họ, nhưng không có Đền Thờ nên không
có nghi thức sát tế chiên Vượt Qua).
Các tín hữu khắp nơi hành hương về Giêrusalem cử hành Tam
Nhật Thánh và sáng thứ bảy, ngày mai, cử hành nghi lễ Vọng Phục Sinh. Trong Đền
Thờ Mộ Thánh thì giờ giấc và nghi thức không được thay đổi, kể từ năm 1860, do
quyết định của ông vua Thổ Nhĩ Kỳ, họ chiếm giữ Đất Thánh hơn 800 năm cho tới
1917, để tránh va chạm giữa các giáo hội phương đông và giáo hội Rôma ở bên
trong Đền Thờ (Hai gia đình Hồi Giáo được vua trao cho, vẫn giữ hai chìa khóa
Đền Thờ này từ mấy trăm năm nay, phải có cả hai chìa mới mở hay đóng được).
Nhân dịp này thử đọc kỹ lại trong các sách Tin Mừng xem
vai trò của ông Si-mong người Kyrênê. Có nhiều điều sâu sắc hơn là một câu
xướng của “nơi thứ năm” trong kinh “đàng thánh giá” quen thuộc gợi cho chúng ta. Có thể
đặt câu hỏi ngớ ngẩn như thế này: trong trình thuật cuộc Thương Khó theo các sách Tin Mừng, ai vác
thập giá? Thậyp giá của ai? [tôi thay đổi bản dịch một chút
cho sát, để giúp hiểu rõ hơn vài khía cạnh]
Mt 27: Chế giễu
chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người
đi đóng đinh vào thập giá.32 Đang đi ra, thì chúng gặp một
người Ky-rê-nê, tên là Si-mon; chúng bắt ông [làm tạp dịch] vác thập giá
của Người.
Mc 15 : Chế
giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó,
chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.21 Lúc ấy, có một
người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-mong, gốc Ky-rê-nê. Ông là
thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông [làm tạp dịch] để
vác thập giá của Người.22Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa
là Đồi Sọ.
Lc 23 26 Khi
điệu Đức Giê-su đi, họ túm lấy một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc
Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông
vác đi đàng sau Đức Giê-su.
Ga 19: 16 Bấy
giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Người tự mình vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha;18 tại đó, họ đóng
đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người
một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa.
Đọc kỹ và so sánh 4 bản văn này, điều thứ nhất nổi lên trước mắt chúng ta là chỉ có
ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt-Mc-Lc) nói đến nhân vật Si-mong này, còn Tin Mừng
Gio-an không nói đến, lại còn nhấn mạnh việc Chúa Giê-su tự mình vác lấy thập
giá đi ra, đến nơi…
Ba sách Tin mừng Nhât Lãm lại dùng ba cách nói khác nhau;
Mt: Chúng bắt ông
vác thập giá của người, cùng một động từ bắt như
trong Mt 5, 41 “nếu có người bắt anh
đi một dặm”, trong bản văn tiếng Hy Lạp, đây là một từ chuyên
môn, mượn từ tiếng Ba Tư, hàm nghiã là bị một kẻ có quyền bắt làm tạp dịch
(tiếng Việt thời trước có từ “bắt xâu” để diễn tả việc này). Bọn lính trong
trường hợp này có quyền túm bất cứ người nào gặp ngang đường để bắt làm việc
này. Chúng gặp ông Si-mong đi ngang liền túm lấy ông và bắt ông vác thập giá
cho tử tù. Tất nhiên là chẳng phải vì chúng tử tế gì đâu, chỉ là vì sau khi
đánh Chúa đã tay bằng roi tua có móc sắt, xé da xé thịt, máu me bê bết cùng
mình từ đầu đến chân, chúng thấy Chúa Giê-su không còn đủ sức vác thập giá đi
tới nơi cho chúng kịp đóng đinh, nên bắt ông Si-mong vác giúp thôi!
Mc xem ra biết rõ ông Si-mong,
biết cả hai con của ông, có lẽ vì họ là thành viên của cộng đoàn tín hữu được
Mac-cô phục vụ. Mc dùng cùng một cách nói như Mt: bắt.
Mc diễn tả rõ hơn: “Chúng bắt [xâu] ông, để vác
thập giá của Người”.
Lc dùng một từ
khác, có thể dịch là chúng túm lấy ông và đặt thập giá lên vai cho ông vác [đi] đàng
sau Đức Giê-su. Cách diễn tả hành động của bọn lính có vẻ
thô bạo hơn.
Mt và Mc nói
rõ thập giá của Người, còn Lc không
nói thập giá của ai, nhưng nói rõ ông vác [đi] đàng
sau Đức Giêsu.
Cách diễn tả của Lc thoáng
làm ta nghĩ tới cách Lc diễn tả điều kiện để làm môn đệ của Chúa ở
chương 9, 23: “ai muốn đi theo đàng sau tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá
của mình hàng ngày mà đi theo“; và 14, 27: “Ai không
vác thập giá của mình mà đi theo đàng sau tôi, thì không thể làm môn đệ tôi
được”.
Các môn đệ từng theo Chúa từ thuở ban đầu tới nay, khi
thấy Chúa bị bắt thì mạnh ai nấy chạy để thoát thân, chứ đâu đã chịu “từ bỏ
chinh minh”, nói chi đến vác thập giá của mình. Lần đầu Chúa nói đến thập giá
là các ông đã giãy nảy lên. Trong phòng tiệc ly thì đua nhau cam kết sẵn sàng
chết với Chúa chứ không bỏ, không chối… Bây giờ thấy thập giá ló mặt ra là chạy
tán loạn hết rồi. Trong tình huống này Lc chụp
ngay hình ảnh ông Si-mong để khắc họa nên hình mẫu của người môn đệ đích
thực: vác thập giá của mình mà đi theo đàng sau Chúa. Lính
đặt thập giá lên vai cho ông vác thì nó là thập giá của ông chứ của ai nữa! Ông
vác thập giá của ông, nhưng Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên đó chứ không phải
ông! Thập giá của ông hay của ai thì tự nó chỉ là sự nguyền rủa, nhưng vì Chúa
đã chịu đóng đinh trên đó nên nó trở thành cây sự sống, cây phúc lành: “Đức Ki-tô
đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật khi vì chúng ta chính Người
trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng bị nguyền rủa thay mọi kẻ bị
treo trên cây gỗ!” (x. Đnl 21, 23; Gl 3, 13).
Ai ngu gì mà chọn thập giá! Thập giá là cái mình bị người
ta đặt lên vai như ông Si-mong đã bị. Thập giá của mình hàng
ngày cũng chẳng phải là cây thập giá mình chọn, nhưng là
cái mình bị đặt lên vai, làm cho mình phải từ bỏ chính mình. Từ bỏ chính mình
là kiểu nói trừu tượng, vác thập giá của mình hàng ngày là nói bằng hình
ảnh. Người tử tù đã vác thập giá lên vai thì chẳng còn gì thuộc về mình, kể cả
thân xác minh, vì người ta đang bắt mình “vác xác” đi cho người ta đóng đinh
vào thập giá!
Cái gì tôi chọn thì vẫn còn
tôi trong đó. Cái nghịch lý ở đó, tự ý giữ thì mất, tự ý
cho thì còn. Nếu tôi chọn “từ bỏ chính mình”, thì tôi được lại chính mình. “Ai không
vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai
giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng
sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,
38-39; x. Lc 14, 26-27). Chuyện thời sự nóng bỏng, viên sĩ
quan cảnh sát người Pháp, Arnaud Beltrame, đã tự ý đánh đổi chính mình để giải
thoát cho một người phụ nữ bị kẻ khủng bố gữ làm con tin, ông đã mất mạng. Ông
được phong ngay là anh hùng dân tộc. Ông là một người công giáo rất nhiệt thành
và tích cực. Gương của ông đã được Hội Đồng Giám Mục Pháp nêu cao cho các tín
hữu. Sự hy sinh mạng sống của ông để cứu mạng người khác minh họa lời Tin Mừng
kể trên.
Tôi chọn thập giá vì Chúa đã chọn và đã gọi tôi làm theo
: “mắt
hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính
Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng
nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.3 Anh em
hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như
thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.4 Quả thật, trong cuộc
chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.” (Hr 12,
2). Tôi chọn là chọn Chúa và chọn đi theo con đường Chúa đi, như người mù ở
Giê-ri-khô khi đã được thấy Chúa thì bỏ cả áo choàng mà “đi theo
Chúa trên con đường Chúa đi” (Mc 10, 50-52 x. Xh 22, 25-26: áo choàng gắn với mạng sống của
người nghèo). Tôi chọn là tôi đánh đổi: mất tất cả, cả đến mạng sống tôi, để
được Chúa. Thập giá là cái khôn của Thiên Chúa mà thế gian coi là cái ngu. Tôi
chọn cái ngu này vì Chúa đã chọn nó. Ai khôn hơn Chúa được!
“Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên
Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa
đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin.22 Trong
khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm
lẽ khôn ngoan,23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị
đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân
ngoại cho là điên rồ.24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa
kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự
khôn ngoan của Thiên Chúa.25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn
hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái
mạnh mẽ của loài người.
26 Thưa anh em, anh em thử
nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn
ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.27 Song
những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ
khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ
nhục những kẻ hùng mạnh;28 những gì thế gian cho là hèn mạt
không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện
có,29hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.30 Phần
anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su,
Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên
Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh
em,31 hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong
Chúa. (1Cr 1, 21-25)
Những cái khốn khổ vất vả cay đắng sỉ nhục đến với tôi
hàng ngày, đưa tôi vào tình huống giống như ông Si-mong đang đi đường, bị lính
túm lấy và đặt thập giá lên vai cho ông vác đi đàng sau một người tử tù vốn
chẳng quan hệ gì với ông. Quả là ách giữa đàng… Những gian khổ tôi tự chọn, như
người cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chấp nhận tập luyện vất vả hàng ngày, như
cô con gái nên nhịn ăn nhịn uống để giữ eo … thì vẫn là tôi, vẫn làm cho tôi
thỏa mãn, hãnh diện. Những cay đắng khốn khổ “không mời mà đến” mới tước đoạt
tôi của chính tôi. Tự ý chấp nhận những thứ đó mới là từ bỏ chính mình vậy.
Tin Mừng Gio-an nói: Người tự mình vác lấy thập giá
đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha;18 tại đó, họ đóng
đinh Người vào thập giá. Cả bốn sách Tin Mừng đều nhiều lần
nói cho biết Chúa Giê-su đã chấp nhận trước và tự ý đi tới thập giá, cách riêng
trong lời cầu nguyện ở Núi Cây Dầu của ba sách Nhất Lãm, và lới
cầu nguyện tương đương ở Gio-an (12, 27-28).
Nhưng chuyện Gio-an nói Chúa “tự ý vác lấy thập giá đi ra,
đến nơi…” tức là không có ông Si-mong nào vác đỡ dọc đường, lại mời
chúng ta phải tìm hiểu thêm tại sao như vậy.
Hồi sau sẽ rõ… Hôm nay Chúa Nhật, Mừng lễ Chúa chiến
thắng khải hoàn, hát Halleluiah, ăn ngon, ngủ bù đi đã.
Tạ ơn Chúa, Halleluiah.
Nguyễn công Đoan S.J.