CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI - MÔN ĐỆ CHÚA LÊN ĐƯỜNG
L.M.Nguyễn công Đoan S.J.
Ngày 27 tháng 5 năm 2019
Mùa Phục Sinh kết thúc
với Lễ Chúa Giê-su Lên Trời và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nhưng toàn thể
màu nhiệm Vượt Qua, gồm cuộc khổ nạn và tôn vinh của Chúa Giê-su, là mở đầu cho
một kỷ nguyên mới ; cũng như lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm bước khai
nguyên cho sự hiện hữu của Dân Thiên Chúa trong Giao Ước Xi-nai. “Con cái
Ít-ra-en nhổ trại rời Ram-sét đi Xúc-cốt… cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với
họ” (Xh 12,37-38). “Tháng thứ ba kể từ khi con cái Ít-ra-en
ra khỏi Ai-cập…” (Xh 19,1). Họ rời A-cập sau khi an thịt
chiên Vượt Qua, tức là đêm 15 tháng thứ nhất, đầu tháng thứ ba là ngày thứ
47. Đức Chúa phán với ông Mô-sê : “Hãy đến với dân và bào
họ : hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế… và đến ngày kia
[ngày mốt] phải sẵn sàng, vì ngày kia Đức Chúa sẽ ngự xuống trên núi Xi-nai
trước mắt toàn dân…” (Xh 19, 10-11).
Như vậy ngày thứ 49
Thiên Chúa ngự xuống trên núi Xi-nai, tuyên bố nhận đám dân đã ra khỏi Ai-Cập
dưới sự lãnh đạo của Mô-sê làm dân của Thiên Chúa, và Thiên Chúa làm Chúa của
họ, và ban Lề Luật để họ sống làm dân của Thiên Chúa. Đó là Giao Ước Xi-nai.
Lịch phụng vụ Cựu Ước
đã biến hai ngày lễ hội nông nghiệp thành lễ tôn giáo, lễ Vượt Qua và lễ Ngũ
Tuần (x. Lv 23,5-8.15-16) để kỷ niệm hai biến cố liên hệ mật
thiết với nhau như hai thì của một biến cố : Thiên Chúa giải thoát họ khỏi
ách nô lệ để họ được trở thành dân của Thiên Chúa và có Luật để biết sống làm
dân của Thiên Chúa.
Lịch phụng vụ của Hội
Thánh đã sớm thêm cho hai ngày lễ này một ý nghĩa mới : Lễ Phục Sinh [Vượt
Qua] kỷ niệm Chúa Giê-su đã chết và phục sinh để đem cho chúng ta ơn tha tội là
giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và cái chết, để làm con cái của Thiên Chúa,
dân của Thiên Chúa trong Giao Ước Mới, là Giao Ước lập bằng Máu của “Con
Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”.
Tin Mừng Lu-ca và
sách Công Vụ là bộ sách hai cuốn của cùng một tác giả,
theo như lời mở đầu của mỗi cuốn :
1 Thưa
ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản
tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. 2 Họ viết
theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời
Chúa truyền lại cho chúng ta. 3Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra
cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng
ngài, 4 mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi
thật là vững chắc. (Lc 1,
1-4)
1 Thưa ngài
Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc
Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2 cho tới
ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ
mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3 Người lại còn dùng
nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ
hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các
ông về Nước Thiên Chúa.
4 Một hôm, đang
khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời
khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa,
“điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là :
ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày
nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.
6 Bấy giờ những
người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc
Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” 7 Người
đáp : “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn
quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh
Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của
Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và
cho đến tận cùng trái đất.”
9 Nói xong, Người
được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người,
khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn
đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo
trắng đứng bên cạnh 11 và nói : “Hỡi những người Ga-li-lê,
sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được
rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1,1-11)
Ở cuối cuốn thứ nhất,
đã thấy kể lời căn dặn cuối cùng và việc Chúa lên trời :
Bấy giờ Người mở trí
cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép
rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi
chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân,
bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính
anh em là chứng nhân về những điều này.
49 “Phần Thầy,
Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành,
cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”
50 Sau đó, Người
dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và
đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy
giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan
hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 24,45-53)
Cũng nên nhớ là Lc 9,51 đã
chuẩn bị người đọc chờ đợi phần kết cuốn thứ nhất : “Khi đã tới
ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi
lên Giê-ru-sa-lem.”
Như vậy có thể nói hai
cuốn sách của Lu-ca cho chúng ta thấy phụng vụ của Hội Thánh,
cộng đoàn Dân Mới tiếp tục những lễ tôn giáo của Cựu Ước liên quan tới bước
khai nguyên của Dân Thiên Chúa trong Cựu Ước và trong Tân Ước. Tân Ước không
phải một sao băng từ ngoài rơi xuống đất, nhưng là sự phát triển liên tục với
Cựu Ước. Những gì liên quan tới Chúa Giê-su không phải là những gì “đã xảy
ra” nhưng là những gì “đã được thực hiện giữa chúng ta” (Lc 1,1).
Những gì “đã xảy ra” thì là “tình cờ”, nhưng “đã được thực hiện”,
tức là theo một kế hoạch. Khi Chúa phục sinh “mở trí” cho các môn đệ
hiểu Sách Thánh thì Người đã tóm tắt hai điểm : “Đấng Ki-tô phải chịu
khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại – Phải nhân danh Người mà rao
giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha
tội. Chính anh em là chứng nhân về các điều ấy.” Rồi Chúa hứa và căn
dặn “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh
em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban
xuống.”
Chúa Giê-su đã hoàn
tất những gì Sách Thánh nói về Đấng Ki-tô, Người đã thực hiện ơn cứu độ. Bây
giờ đến phiên môn đệ, với tư cách chứng nhân, phải đi rao giảng ơn cứu độ cho
muôn dân. Nhưng Đức Giê-su Ki-tô còn làm tiếp phần của Người là, từ trong vinh
quang Chúa Cha, Người sẽ gởi điều Chúa Cha đã hứa, là quyền năng từ trời cao.
Chúa lên trời không
phải là chấm dứt, nhưng là sang một giai đoạn mới : “Khi còn ở với anh
em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn
Sứ và các Thánh Vịnh đẽ chép về Thầy phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44).
Chúa “chọn nhóm Mười Hai để họ ở với Người và để Người sai họ đi” (Mc 3,13). Lu-ca chỉ
kể rằng “Người thức thâu đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa, đến sáng Người
gọi các môn đệ lại, chọn lấy mười hai người và gọi là Tông Đồ”
(6,12-13). Lu-ca mở rộng “quy chế” về những người được sai đi,
ngoài nhóm Mười Hai, gọi là Tông Đồ, Người còn sai đi và căn dặn bảy mươi hai
người nữa : “Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai đi từng
hai người một” (Lc10,1). Sau khi họ đã ở với Chúa để xem và nghe
Chúa giảng dạy, Chúa sai họ đi thực tập với những lời căn dặn kỹ lưỡng
(x. Lc 9,1-6 ; 10,1-11).
Bây giờ Chúa đã “ngự
giá xe mây” (Tv 104/103,3) lên trong vinh quang của Thiên Chúa,
sự phân công trở nên rõ ràng : Chúa ngự trong vinh quang gởi quyền năng từ
trời cao, các môn đệ còn ở lại phải lãnh nhận quyền năng từ trên cao và đi rao
giảng với tư cách chứng nhân.
Thời gian sứ mạng kéo
dài cho tới khi “Người sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”.
Các ông đã thấy Người lên trên đám mây, thì NGƯỜI CŨNG SẼ ĐẾN TRÊN ĐÁM MÂY,
(cf. Mc 15,62 //Mt 26,64). Nhưng từ nay tới đó thì
“đám mây đã quyện lấy Người, khiến các ông không thấy Người nữa” (Cv 1,9),
đăm đăm nhìn lên cũng chỉ thấy đám mây. Phải nhìn xuống đất như Người đã nhìn,
Người đã thấy những gì và đã làm những gì từ khi Người nhận được quyền năng
Thánh Thần ở bờ sông Gio-đan.
Ê-li-a lên trời thì
thả rơi cái áo choàng cho Ê-li-sa lượm và “trắc nghiệm” rẽ nước sông Gio-đan
cho thấy “thần khí của ông Ê-li-a đã ngự xuống trên ông Ê-li-sa” (2 V 2,8-18)
để tiếp tục sứ mạng. Nay các môn đệ của Chúa (chứ không phải một người thôi) sẽ
nhận được quyền năng Thánh Thần để tiếp tục thấy và làm công việc của Người
trên trần gian.
Hai người áo trắng đã
đàm đạo với Chúa Giê-su khi Người tỏ vinh quang trên núi (Lc 9,30-31),
đã báo tin cho các phụ nữ ra viếng mộ biết là “Người là Đấng đang Sống”
(Lc 24,5) nay đến báo cho các ông biết là “Người sẽ đến y như
Người đã lên”.
Các ông “trở về
Giê-ru-sa-lem, lên lầu trên là nơi các ông trú ngụ… Tất cả các ông đều đồng tâm
nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với các người phụ nữ, với bà Maria thân
mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.” (Cv 1,12-14).
Chúa Giê-su cũng đã cầu nguyện sau khi chịu phép rửa và Thánh Thần xuống
đậu lại trên Người (Lc 3,21-22). Chúa Giê-su mở rộng hiệu quả của
cầu nguyện cho mọi con cái của Thiên Chúa : “Vậy nếu anh em vốn là
những kẻ xấu mà còn biết cho con cái minh của tốt lành, phương chi Cha trên
trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?” (Lc 11,13).
Quả nhiên, năm ấy, “khi
đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra một
tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện
những hình lưỡi như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều
được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả
năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2,2-4)
Và từ hôm ấy, họ đứng
ra rao giảng. Ông Phê-rô, mới đêm nào bị một “con hầu” điểm mặt đã khẳng khái
chối “không biết người ấy”, dù người ấy là người thân nhất đời của ông và ông
vừa mới thề “sống chết có nhau, vào tù hay chết cũng có nhau”. Hôm nay thì khác,
đứng trước đám đông từ khắp nơi kéo đến, ông dõng dạc làm chứng : “Chính
Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều này, tất cả chúng tôi
xin làm chứng.” (Cv 2,32).
Kể từ hôm ấy, các môn
đệ lên đường, không còn sợ ai, cũng chẳng sợ gì nữa. Lúc nào cũng có quyền năng
Thánh Thần là sức mạnh và là ánh sáng dẫn đi trên mọi nẻo đường mới lạ để đi
tới tận cùng thế giới. Từng đoàn người, từng dân tộc, từng màu da, tiếng nói sẽ
nhập đoàn với họ để làm môn đệ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã phục sinh và lên trời,
rồi sẽ đến trong vinh quang xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô mời gọi cả Hội Thánh tiếp tục đi tới mọi biên cương, chính là mời
gọi chúng ta tiếp tục để cho Thánh Thần đưa đi mãi, đừng tìm an toàn ở một nơi
nào, trong một tình trạng nào. Những người chống đối ĐTC chính là những người
muốn an toàn trong cái vỏ ốc đã nhận làm nhà, không muốn dấn thân vào con đường
của Thánh Thần là Đấng đổi mới mọi sự : “Thần khí Ngài Ngài gởi đến, là
chúng được tạ thành, và Ngài đổi mới mặt địa cầu” (Tv 104/103,30).
“Nếu chúng tasống nhờ Thánh Thần thì cũng hãy nhờ Thánh
Thần mà tiến bước” (Gl 5,25).
Chúng ta có còn tin
vào Chúa Phục Sinh và Quyền Năng Thánh Thần để dám dấn thân vào những nẻo đường
mới, những vùng biển lạ hay không ? Cứ nhìn lại lịch sử trong khoảng thời
gian cuộc đời của thế hệ tín hữu di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, rồi thế hệ di
tản và thuyền nhân Viêt Nam 1975-1990, và so với hiện nay, Hội Thánh tại Việt
Nam đã tiến bước như thế nào, để thấy Quyền Năng của Chúa Phục Sinh và của Thánh
Thần mà tin tưởng đi tới. “Thầy đây, đừng sợ !” (Ga6,20).
Lời Thiên Chúa hứa với Áp-ra-ham : “dòng dõi ngươi sẽ chinh phục quyền lực
(cửa) của kẻ thù” (St 22,17), thì Chúa Giê-su đã thực hiện khi
chiến thắng cái chết và Chúa hứa khi tuyên bố xây Hội Thánh trên tảng đá
Phê-rô : “Các cửa [quyền lực] của hỏa ngục không làm gì được” (Mt 16,18)
Các sách Tin Mừng khác
không trình bày rõ ràng thành hai ngày khác nhau như Lu-ca nhưng
cũng cho chúng ta thấy là không phải trong cùng một ngày.
Tin Mừng Gio-an (sách Tin mừng xuất bản sau cùng) kể rằng sau khi Đức
Giê-su đã chết và được mai táng ngày thứ sáu, ngày thứ nhất trong tuần, ban
sáng, Chúa đã cho bà Maria Mác-đa-la gặp, và sai bà đi báo tin : “Hãy
đi gặp anh em Thầy và bảo họ : “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha
của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Bà
Maria Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và kể lại
những điều Người đã nói với Bà.” (Ga 20,17-18).
Nhưng chiều ngày ấy
vẫn chưa có gì biến đổi nơi các môn đệ :
“Vào chiều ngày ấy,
ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ
người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình
an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh
sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói
với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và
bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội
cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm
giữ.” (20,19-23)
Chúa Phục Sinh đích
thân đến ban bình an và cho các ông bằng chứng là chính “Thầy của các ông” đã
chết trên thập giá, bị đâm thủng cạnh sườn và được mai táng trong mộ, bây giờ
đang đứng trước mặt và nói với các ông. Trong bữa Tiệc Ly, Người đã ban điều
răn mới, tức là Giao Ước Mới, đã hứa sẽ đến cho các ông bình an và niềm vui
không ai lấy mất được, và đã trao sứ mạng cho các ông để ra đi (x. Ga 13-16).
Hôm nay Người đã sai bà Maria Mác-đa-la báo tin là Giao Ước Mới đã thành tựu,
bây giờ Người đến cho các ông bình an, niềm vui và Thánh Thần để các ông đưa
người ta vào trong Giao Ước Mới nhờ ơn tha tội.
Ông Tô-ma không có mặt
tối hôm đó, về nghe nói, nhất định đòi phải được thấy tận mắt, bắt tận tay mới
tin. Tám ngày sau, vẫn cử đóng then cài.
“Một người
trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở
với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với
ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp :
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh
và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám
ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả
ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín.
Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh
em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và
hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng
nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy
Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo :
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (20,24-29).
Điều mới mẻ trong cuộc
gặp mặt dành riêng cho Tô-ma hôm nay, là Tô-ma tuyên xưng đón nhận Giao
Ước : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Và Chúa Giê-su
công bố mối phúc cho mọi người từ đó về sau : “Phúc thay những người
không thấy mà tin”.
Sau đó Gio-an lại
kể việc các ông trở lại nghề chài lưới ở Biện Hồ Ga-li-lê và Chúa đến… Câu chuyện
lần này dành cho ông Phê-rô tuyên xưng lòng mến, Chúa trao cho ông làm mục tử
giống như Thiên Chúa khi đưa dân lưu đầy trở về (x. Is 40,11) và
như chính Chúa Giê-su, Mục Tử Đẹp, gương mẫu, thí mạng vì đoàn chiên. (Ga 21).
Ôn lại bấy nhiêu để thấy Tin Mừng Gio-an cũng cho thấy là có
một khoảng thời gian giữa ngày Chúa phục sinh với ngày môn đệ bắt đầu thi hành
sứ mạng. Nhưng không kể thêm về ngày các ông bắt đầu thi hành.
Tin Mừng Mác-cô (sách Tin Mừng đầu tiên xuất bản), kể vắn gọn, nhưng tinh vi, hóm
hỉnh và thâm thúy hơn. Mc kể nội dung “tin nhắn” thiên thần
ngồi trong “ngôi mộ trống” trao cho các bà đem về cho các môn đệ, là hãy về
Ga-li-lê, các ông sẽ được gặp Đấng Phục Sinh ở đó. Nhưng “Vừa ra khỏi mộ,
các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với
ai, vì sợ hãi.” (Mc 16,8).
Sau đó phần kết như
chúng ta đọc hiện nay có vẻ tóm tắt những gì Tin Mừng Lu-ca kể.
Tuy nhiên, vẫn có nét riêng của Mác-cô là chân dung các môn đệ
không thay đổi, “không tin và cứng lòng”. Bà Maria Mác-đa-la đi tìm các
ông để chuyển tin nhắn, thì thấy các ông đang buồn bã khóc lóc. Mchài
hước và dí dỏm, hí họa một thế giới đảo lộn : các bà thì không nói, các
ông thì ngồi khóc tỉ tê ! Bà kể gì các ông cũng chẳng tin.
Hai môn đệ từ Em-mau
trở về báo tin, các ông vẫn “vững như kiềng ba chân”.
Cuối cùng Chúa Giê-su
đích thân đến :
Sau cùng, Người tỏ
mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người
khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những
kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các
ông : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi
loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn
ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo
những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được
những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc
độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những
người này sẽ được mạnh khoẻ.”
19 Nói xong,
Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn
các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông,
và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. (Mc 16,14-20)
Chúa Phục Sinh chẳng
an ủi, nhưng quở trách các ông “không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không
chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”. Vang
vọng lời quở trách ở chương thứ tám trước khi ông Phê-rô tuyên xưng :
“Sao anh em lại bàn
tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu
sao ? Lòng anh em ngu muội thế ! 18 Anh
em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ? Anh em
không nhớsao : 19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn
người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh ?” Các ông
đáp : “Thưa được mười hai.” 20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh
cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu
bánh ?” Các ông nói : “Thưa được bảy.” 21 Người bảo các
ông : “Anh em chưa hiểu ư ?”
Lc và Ga cho thấy Chúa an ủi, dỗ dành, vực dậy
lòng tin của các ông. Mc không hề kể một lời hay cử chỉ an ủi
vỗ về nào. Theo sau lời quở trách là lệnh lê đường quyết liệt : “Hãy
đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi thụ tạo”.
Đáng chú ý là
theo Mc thì phải “loan báo Tin Mừng cho mọi loài
thọ tạo” chứ không chỉ cho mọi dân mọi nước. Người dịch hay người giải
thích, thường giảm ý nghĩa của từ thọ tạo ở đây. Nhưng nếu chú
ý thì sẽ thấy, ngay trong 13 câu đầu sách, Mc đã gợi nhớ
chuyện tổ tông phạm tội trong Vườn Địa Đàng, kết quả là làm cho mọi loài thọ
tạo phải lụy : đất sẽ sinh ra gai góc. Còn Chúa Giê-su chiến thắng thì
biến hoang địa trở lại thành vườn, như I-sai-a loan báo
(x. Is 42,15-16 ; 43,18-21 ; 51,3 ;Mc 1,1-13 ; St 3,17-19)
Đáng ngạc nhiên
là Mc nói Chúa hứa cho “những dấu lạ đi theo những ai có
lòng tin”. Họ tin rồi thì họ đâu cần dấu lạ nữa ! Dấu lạ tác dụng trên
ai, với mục đích gì ? Hẳn là tác dụng trên những ai không có lòng tin, để
xác nhận rằng họ tin là phải, là đúng. Những người có lòng tin này không hề
được “thấy” như các môn đệ, và chính các ông cũng không chịu tin những người đã
thấy Chúa sau phục sinh.
Vậy thì chính các môn
đệ vốn không chịu tin, phải ngỡ ngàng trước những dấu lạ đi theo những người đã
tin lời họ rao giảng. Họ phải nhận ra là họ đã sai khi không tin lời những
người đã thấy. Chúa chữa lòng cứng tin của các môn đệ bằng cách cho thấy lời họ
rao giảng có sức để tự mọc lên như nhạt giống, chứ không phải nhờ họ (x. Mc 4,26-29).
Mc giải thích điều này khi kể thêm :
19 Nói xong,
Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn
các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với
các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Chúng ta gặp lại lời
thánh Phao-lô đã viết cho dân Cô-rin-tô vốn “hay cãi, hay co…”
5 Vậy A-pô-lô là
gì ? Phao-lô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em
có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. 6 Tôi trồng,
anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. 7 Vì
thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm
cho lớn lên, mới đáng kể. 8 Kẻ trồng người tưới đều như nhau,
nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. 9 Thật vậy,
chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa,
là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên. (1 Cr 3,5-9).
Tin Mừng Mát-thêu lại có một cách trình bày khác. Sau khi các phụ nữ đi viếng mộ
được thiên thần báo tin và nhờ các bà đi báo tin cho các môn đệ, thì chính Chúc
Phục Sinh đến gặp các bà trên đường :
Bỗng
Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em t !”
Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ,
Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về
báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ
được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,9-10).
Sau khi kể chuyện lừa
bịp do các thượng tế và kỳ mục dựng đứng cách vụng về, Mt kể
tiếp :
Mười một môn
đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã
truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy,
nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần,
nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy
anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân
danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ
mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày
cho đến tận thế.” (28,16-20)
Chúa Phục Sinh đích
thân sai các bà đi báo tin cho “anh em của Thầy”. Như vậy là Chúa Phục
Sinh đã nâng cấp cho các môn đệ thành “anh em của Chúa” rồi. Nhóm Mười
Hai lúc này chỉ còn Mười Một. Mt không kể việc Mát-thi-a được
chọn thế chỗ Giu-đa.
Thấy Người thì các
ông bái lạy, Mt như ngầm cho thấy là Chúa đến trong vinh
quang. Lúc Chúa sinh ra thì các hiền sĩ từ phương Đông đã đến bái lạy. Hôm nay
thì chính nhóm Mười Một đã từng ở với Chúa bái lạy. Tuy nhiên, điều khó hiểu là
“có mấy ông lại hoài nghi”. Mt không nói rõ hoài nghi điều
gì, hoài nghi về Chúa phục sinh hay vì không tin nổi mắt mình ?
Chúa Giê-su “lại
gần các ông”, có vẻ như để xóa nỗi hoài nghi, và long trọng tuyên bố vương
quyền Người đã nhận từ Thiên Chúa, bao trùm trời đất. Và nhân danh quyền ấy
Chúa sai nhóm Mười Một đi làm cho muôn dân thành môn đệ. Môn
đệ đã thành anh em của Chúa, vậy thì sứ mạng trao cho nhóm Mười Một là “làm cho
muôn dân thành anh em của Chúa !”
Mát-thêu đã mở đầu
sách Tin Mừng bằng gia phả của Chúa Giê-su, với hai vị tổ phụ được nêu làm cột
mốc : Đa-vít và Áp-ra-ham. Hai vị này đã nhận những lời Thiên Chúa hứa
liên quan tời dòng dõi. Đa-vít được lời hứa là dòng dõi sẽ đời đời làm vua
(x. 2 Sm 7) còn Áp-ra-ham thì được lời hứa dòng dõi đông như
“sao trời, cát biển” và “phúc lành cho muôn dân” (x. St 22,15-18)
Nơi Chúa Giê-su, Con
vua Đa-vít đã phục sinh và nhận mọi quyền trên trời dưới đất, thì lời hứa cho
Đa-vít đã thực hiện cách tuyệt vời. Mt đã trích dẫn lời hứa về
Em-ma-nu-en (Is 7,14) để nói về nguồn gốc Chúa Giê-su, thì bây giờ
Đức Giê-su Phục Sinh đã được tôn phong làm Chúa và ở cùng chúng ta mọi ngày cho
đến tận thế. “Em-ma-nu-en, Chúa-ở-cùng-chúng-ta”đây
rồi.
Chính Người làm cho
lời hứa cho Áp-ra-ham dòng dõi đông đúc, và phúc lành cho muôn dân thành hiện
thực. Nhưng Người dùng Nhóm Mười Một và những người kế tiếp để làm công việc
này.
Ta thắc mắc sao Mát-thêu lại
dừng ở con số Mười Một ? Mười Hai chi tộc Ít-ra-en, thì Lê-vi được dành để
phụng sự Thiên Chúa, không có phần đất riêng. Chúa Giê-su là dòng dõi Giu-đa,
nhưng đã trở thành Thượng Tế muôn đời : “Đức Chúa đã một lần thề ước,
Người sẽ chẳng rút lời, rằng : “muôn thuở con sẽ là Thượng Tế, theo phẩm
trật Men-ki-xe-đê” (Tv 110/109,4).
Thư Híp-ri quảng
diễn điều này, đặc biệt từ chương 7 dến 10. Chúa Giê-su vừa là Vua vừa là
Thượng Tế muôn đời, nên không cần đến việc tế tự mà Cựu Ước trao cho dòng họ
Lê-vi nữa.
Giê-ru-sa-lem, ngày 27 tháng 5, 2019
L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.