Dựa Vào Đâu Để Tin
Đức Ki-Tô Đã Sống Lại Thật?
Hiện nay, số người tin rằng có một người thật sự đã
chết và đã sống lại - tức Đức Giê-su Ki-tô - lên tới gần 2 tỷ người, tức một
phần ba dân số thế giới. Tại sao một chuyện dường như không thể tin
được, lại được nhiều người tin như thế, nhất là trong thời đại văn minh và khoa
học tân tiến như ngày nay.
Thật vậy, người chết mà sống lại là một điều hết
sức khó tin, vì hoàn toàn trái ngược với kinh nghiệm thường tình và hầu như
tuyệt đối của tất cả mọi người. Người chết sống lại là điều mà người ta chỉ
nghe nói trong những huyền thoại, trong các chuyện cổ tích đầy tính tưởng
tượng, chứ chưa từng thấy có một trường hợp nào được con người chứng nghiệm
thật sự ngoài trường hợp của Đức Giê-su Ki-tô, xảy ra cách đây gần 2.000 năm.
Điều khiến cho vô số người trên thế giới tin Ngài đã sống lại, chính là những
người từng chứng kiến tận mắt cái chết và sự sống lại ấy đã dám làm chứng kinh
nghiệm ấy của họ bất chấp khổ đau và sự chết đến với họ vì chứng từ phi thường
ấy.
Đức Kitô chết, nhưng đã sống lại. Đó là niềm tin
căn bản của người Kitô hữu. Vì nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và
lời rao giảng của chúng ta là vô ích (1 Cr 15, 14). Nói cách khác, cho dù
Đức Kitô có hiện hữu, có xuống trần gian, nhưng nếu Ngài không sống lại, thì sẽ
không có Kitô giáo, vì người ta không có một bằng chứng cụ thể và chắc chắn nào
để tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa.
Nhưng nếu đích thực Ngài đã sống lại từ trong kẻ
chết đúng như Ngài đã tuyên báo nhiều lần, thì chúng ta phải kết luận rằng
những điều Ngài nói về thần tính của Ngài là xác thật. Vì nếu Ngài chỉ là
thường nhân, và những điều Ngài xác nhận về thần tính của Ngài chỉ là bịp bợm,
thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không bao giờ cho Ngài sống lại, vì Thiên Chúa
không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của
người thì Người nhậm lời kẻ ấy (Ga 9, 31).
Vậy, vấn đề mấu chốt là: Ngài có thật sự sống lại
hay không? và chúng ta có những bằng chứng nào chắc chắn để xác quyết rằng Ngài
đã sống lại? Người Ki-tô hữu cần phải nắm vững những chứng cứ để củng cố niềm
tin căn bản của mình.
1. Chứng tá của các tông đồ
Các tông đồ là những người đã sống đồng thời với
Đức Kitô, bên cạnh Đức Kitô. Các ông đã làm chứng suốt cuộc đời rằng
Đức Kitô đã chết, nhưng 3 ngày sau đã sống lại và đã hiện ra với các ông. Các
ông đã saün sàng chịu đau khổ và chịu chết vì lời chứng đó.
Nếu Đức Ki-tô không sống lại, thì lý do gì thúc đẩy
các tông đồ saün sàng chịu đau khổ và chịu chết để làm chứng rằng Ngài đã sống
lại? Tất cả những người có lý trí bình thường đều phải chấp nhận rằng không ai
ngu dại đến nỗi saün sàng hy sinh cả đời mình để rao giảng và
nhất là lại saün sàng lấy đau khổ và cái chết của mình ra để làm chứng cho một
người nói dối hay nói sai: vì trước cuộc tử nạn khá lâu, Đức Kitô đã tiên báo
rằng Ngài sẽ chết nhưng sẽ sống lại sau đó ba ngày.
Nếu Ngài thật sự không sống lại như Ngài đã nói
trước, thì không thể nào nghĩ được rằng những kẻ vốn nhát đảm như
các tông đồ lại có thể can đảm mạnh dạn rao giảng về Ngài và coi
việc chết vì Ngài như một vinh dự. Hãy nghĩ lại sự hèn nhát của các tông
đồ ngay khi Đức Kitô bị bắt: các ông sợ hãi đến nỗi trốn sạch, thậm chí thủ
lãnh của họ là Phê-rô đã chối Thầy, mặc dù trước đó ông đã thề thốt nặng lời
rằng sẽ không bao giờ bỏ Thầy (). Sự hèn nhát đó có nguyên nhân của nó. Các ông
đã thấy nhiều dấu chỉ và chứng cớ khá rõ rệt - giáo huấn cao siêu và những phép
lạ kỳ diệu của Ngài - chứng tỏ Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, nên
các ông đã tin. Nhưng các ông chỉ tin theo kiểu bán tín bán nghi, chứ chưa xác
tín, vì chưa có chứng cớ nào đủ mạnh để tin. Vì thế, chỉ có sự sống
lại đích thật của Đức Giê-su mới có thể giải thích việc các ông trở nên
can đảm một cách nhanh chóng, trong một thời gian quá ngắn ngủi như thế. Sự can
đảm còn kéo dài đến suốt cuộc đời các ông tất phải là kết quả của sự xác tín vì
đã nhìn thấy tận mắt Đấng sống lại.
2. Các tông đồ có thể ngụy tạo việc Chúa sống
lại chăng?
Cho rằng các tông đồ ngụy tạo ra việc Đức Ki-tô
sống lại quả là khó chấp nhận. Các ông đều là những ngư dân dốt nát, nhát
đảm, bằng chứng là khi Đức Ki-tô bị bắt đã trốn hết (Mt 26,56), và ngày
đầu tuần sau đó, các ông tụ tập lại nhưng phải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái
(xem Ga 20,19). Mất mật mất hồn như vậy, lẽ nào các ông lại có khả năng qua mặt
được các kinh sư, luật sĩ, là những người trí thức và khôn ngoan vốn đã đề
phòng chuyện ngụy tạo ấy. Một huyền thoại hết sức khó tin nhưng lại được hàng
tỉ người tin như thế, và cho tới thời đại khoa học như ngày nay, người ta vẫn
chưa thể chứng minh huyền thoại ấy là phi lý, thì tạo ra một huyền thoại phi
thường như thế quả không phải chuyện đơn giản mà những người dốt
nát như các tông đồ có thể làm được. Vả lại, nếu đó là huyền thoại thì việc tạo
ra huyền thoại này đã hoàn tất trong một thời gian kỷ lục: chưa đầy 10 năm ().
Việc những con người đơn sơ chất phác tạo
ra một huyền thoại một cách hết sức thông minh, để rồi saün
sàng chết vì huyền thoại ấy, là điều hết sức khó chấp nhận.
3. Lính canh mồ
Vì việc Đức Kitô tuyên bố Ngài sẽ sống lại tới tai
những kẻ chủ mưu giết Ngài, nên họ đã đề phòng các môn đệ Ngài đến đánh cắp xác
của Ngài. Vì thế, họ đã xin Philatô cho lính đến mộ để canh gác (xem Mt
27,62-66). Và sau khi Đức Giêsu sống lại, các thượng tế đã bảo họ: Các anh
hãy nói thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy
trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp
với quan và lo cho các anh được vô sự (Mt 28, 13-15).
Chuyện phao tin là các tông đồ đến đánh cắp xác Đức
Giêsu thật phi lý. Khi Ngài bị bắt mà các ông đã sợ hãi trốn mất, thậm chí khi
nghe các phụ nữ báo tin Ngài đã sống lại, các ông vẫn còn sợ hãi đến độ vào
buổi chiều ở trong nhà mà phải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái (xem Ga 20,
18-19). Nhát như thế thì có gan đâu mà dám ăn trộm xác Ngài khi có lính
canh với độ cảnh giác rất cao (vì đã được báo trước để đề phòng). Vả
lại, kỷ luật của quân đội đế quốc Rôma rất nghiêm khắc, canh
phòng không kỹ lưỡng hoặc ăn hối lộ để sổng mất người phải canh giữ thì chỉ có
nước bị tử hình ().
4. Mồ trống và khăn liệm để lại
Sự kiện mồ trống chứng tỏ xác Đức Kitô không còn ở
đó. Có thể xảy ra một trong ba trường hợp sau: một là do Ngài đã thật sự sống
lại, hai là do có người đem đi, và ba là do một trận động đất nào đó nuốt xác
Ngài như có nhiều người giả thiết ra để bác bỏ sự kiện sống lại. Nhưng sự kiện khăn
liệm Ngài còn để lại đã bác bỏ hai giả thuyết sau (). Nếu có ai đó đem
xác Ngài đi thì chắc chắn trong hoàn cảnh lén lút và gấp rút, người ấy sẽ phải
đem cả khăn liệm Ngài đi. Quả thật không thể nào hiểu được trong hoàn
cảnh như thế mà người ta lại thay khăn liệm, hay cởi bỏ khăn liệm để đem thân
xác trần trụi của Ngài đi, và nhất là có đủ thì giờ để cuốn lại, xếp lại và để
riêng khăn che đầu ra khỏi các băng vải (xem Ga 20,3-8). Còn nếu có trận động
đất thì quả không thể hiểu nổi chuyện đất nuốt thân xác của Ngài mà lại chừa
không nuốt khăn che đầu và băng vải quấn chung quanh.
5. Việc hiện ra của Đức Giê-su phải chăng là ảo ảnh?
Câu chuyện thánh Tô-ma cứng lòng tin bác bỏ lập
luận trên. Ông đòi rằng: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi
không xỏ ngón tay vào lỗ đinh Người , và không đặt bàn tay vào cạnh sường
Người, thì tôi không tin (Ga 20,25). Và ông đã tin vì đã đích thực được
thỏa mãn những đòi hỏi ấy khi Đức Giê-su hiện ra với ông sau đó.
Nếu chỉ là ảo ảnh, thì ấn tượng ấy không thể nào đủ
sức mạnh để thúc đẩy tất cả 11 tông đồ saün sàng làm chứng Ngài đã sống lại
bằng chính cái chết của mình, trừ khi các ông điên. Mà nếu các ông điên, thì
làm sao người điên lại có thể làm cho số người tin vào lời chứng của họ nhiều
đến thế?
6. Sự thành thật và kín đáo của các nhân chứng
Sự ngay thật của những người viết Tin Mừng bộc lộ
qua sự kín đáo khi nói về sự sống lại và các cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh.
Mátthêu dành ra 2,4% Phúc Âm của mình, Luca 3,6%, Máccô 4,5%, và Gioan 6,1%.
Việc Đức Kitô sống lại là cốt lõi của Tin Mừng mà các tông đồ
muốn loan báo, thế mà số trang dành cho biến cố này quá ít ỏi.
Chính vì khi ngay thật, người ta không thêm thắt vẽ vời!
Các thánh sử không đả động gì đến thời điểm Đức
Kitô sống lại và cách Ngài ra khỏi mồ, đơn giản chỉ vì các ông không được chứng
kiến. Các bài tường thuật hết sức đơn giản, không mở đầu bằng một tuyên bố ầm ỹ
về biến cố xảy ra. Nếu là ngụy tạo, không ai lại để cho người làm chứng đầu
tiên là một phụ nữ đã từng là gái điếm như Maria Mađalêna. Thời đó, chứng từ
của một phụ nữ dường như không có giá trị, đến nỗi phụ nữ không được gọi ra làm
chứng trước tòa án. Và nếu là ngụy tạo, có lẽ số lần Đức Giêsu hiện ra với các
tông đồ sẽ được nhân lên thành nhiều hơn để gây niềm tin. Nhưng các thánh sử
chỉ thuật lại 5 lần Ngài hiện ra trong một thời gian dài tới 40 ngày từ lúc
sống lại tới ngày lên trời.
Kết luận: Ðây là
niềm tin có cơ sở sự thật
Như vậy, niềm tin của người Ki-tô hữu về việc Đức
Giê-su sống lại không phải là phi lý hay thiếu cơ sở. Nếu phi lý hay thiếu cơ
sở thì số người tin vào Đức Ki-tô - mặc nhiên ngầm hiểu rằng họ tin vào sự sống
lại của Ngài - không thể nào lên tới gần 2 tỷ người, tức một phần ba dân
số thế giới () trong một thời đại mà tinh thần khoa học đã lên đến tột
đỉnh như hiện nay. Nhất là trong số những người tin ấy có những nhà khoa học
hoặc triết gia nổi danh - là những người không phải là dễ tin - không kể những
người đã là Ki-tô hữu từ nhỏ như Pasteur, Descartes, Pascal, Kant, Képler,
Copernics, Galilée, v.v. còn có những người nổi tiếng khác đã từ vô thần hoặc
từ các tôn giáo khác trở lại Ki-tô giáo như: Claudel, Huysmans, Maritain,
Pierre Van der Meer de Valcheren, Papini, De Foucauld, Alexis Carrel, Bergson,
Daniel Rops, Louis Bertrans, Lecomte de Noũy, Gabriel Marcel, v.v. ()
Từ lý chứng vững chắc khó có thể bác bẻ, đến niềm
tin vững vàng những người rất nổi tiếng về mặt lý trí vào việc sống lại của Đức
Giê-su Ki-tô, chúng ta có thể xác quyết rằng niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh
là một niềm tin có cơ sở thật sự. Ước mong mọi người Ki-tô hữu suy nghĩ về
những cơ sở vững chắc ấy để củng cố niềm tin của mình ngày càng mạnh mẽ hơn vào
Đức Ki-tô Phục Sinh.
Nguyễn Chính Kết