MÙA CHAY
_________________________________________
Hãy sám hối (Mc
1,15)
Chúng ta bước vào Mùa Chay thánh. Đây là thời
gian mà thánh Phaolô gọi là thời gian thuận tiện, ngày cứu độ (2 Cr 6,2b). Mùa
chay là thời gian thuận lợi để chúng ta rà xét lại con người của chúng ta để
biết chúng ta đang như thế nào, có đi đúng con đường Chúa đã chỉ cho không, mà
nếu chúng ta đã đi lệch khỏi con đường Chúa chỉ dạy thì phải ăn năn sám hối trở
về con đường lành. Sám hối là trở về
với Chúa.
I. SÁM HỐI THEO THÁNH KINH.
Ngay từ đầu, con người đã phạm tội, nhưng
Thiên Chúa luôn kêu mời họ. Lời đáp trả tiếng mời gọi của Thiên Chúa sẽ đòi họ
phải biến cải, rồi trong suốt cuộc sống phải có thái độ sám hối. Do đó, hoán
cải và sám hối chiếm một địa vị đáng kể trong mạc khải Thánh kinh.
Từ ngữ thông dụng nhất là động từ sub diễn
đạt ý thưởng thay đổi hướng đi, trở về. Trên bình diện tôn giáo, nó biểu thị
việc người ta từ bỏ những gì xấu và quay về Thiên Chúa. Ngày nay người ta hay
dùng danh từ metanoia chỉ sự thống hối, ăn năn, trở về với Chúa.
1. Trong Cựu ước.
a) Thực hành trong cuộc sống.
Người dân hiểu rằng mình đã ký giao ước với
Thiên Chúa và giao ước đã bị vi phạm do tội lỗi của dân, cần phải nối lại giao
ước ấy. Để nối lại giao ước ấy người ta đã khẩn nài Thiên Chúa tha thứ bằng
cách thực hành những việc khổ chế và những phụng vụ sám hối : chay tịnh (Tl
20,26 ; 1V 21,8tt), xé áo mình ra và mặc áo nhặm (1V 20,31t ; Is 22,12 ; x. Ga
3,5-8), nằm trên tro (Is 58,5 ; Sm 12,16). Trong các buổi cử hành phụng vụ, người
ta rên siết và than khóc như trong đám tang (Tl 2,4 ; Gl 1,13).
b) Sứ điệp hoán cải của các ngôn
sứ.
Các ngôn sứ đã tuyên sấm lời Chúa cho
dân giúp họ nhận ra sự phản bội của
mình mà sám hối, quay trở về với Thiên Chúa.
Trước tiên, ngôn sứ Nathan đã được sai đến
cùng vua Đavít cảnh cáo về tội ngoại tình. Đavít đã được hướng dẫn thú nhận tội
lỗi mình (2 Sm 12,13), đoạn đền tội theo qui luật và sau cùng chịu Thiên Chúa
sửa phạt (Sm 12, 13-23).
Tuy nhiên sứ điệp sám hối của các ngôn sứ,
nhất là từ thế kỷ thứ 8 nhắm tới toàn thể dân chúng, Israel đã vi phạm giao
ước, “đã bỏ Giavê và khinh rẻ Đấng thánh của Israel” (Is 1,4). Giavê có quyền
bỏ họ nếu họ không hoán cải. Thế nên, việc kêu gọi sám hối sẽ là một khía cạnh
cốt yếu trong cuộc rao giảng của các ngôn sứ.
Amos, ngôn sứ của sự công chính, không chỉ
hài lòng với việc tố cáo tội lỗi của người đương thời mà còn phải sự lành chứ
không phải sự dữ, phải “chê ghét sự dữ
và yêu mến sự lành” (Am 5,14 t). Điều đó bao hàm việc chỉnh đốn hạnh kiểm và
thực thi nghiêm chỉnh sự công chính, chỉ có sự quay đổi như vậy mới có thể được
Thiên Chúa dủ lòng thương xót “nhóm còn lại của Giuse” (Am 5,15t)
Cũng thế, Osée đòi buộc phải thực sự dứt bỏ
tội lỗi và đặc biệt là dứt bỏ sự sùng bái ngẫu tượng. Ông loan báo : Thiên Chúa
sẽ ban lại ân huệ của Ngài và sẽ nguôi giận (Os 14,2-9)
Isaia tố cáo mọi tội lỗi nơi dân Giuđa : vi
phạm công bình, làm sai lạc phụng tự, bám víu vào chính trị loài người vv...
Chỉ có việc hoán cải chân thực mới mang lại sự cứu rỗi, vì nơi nào không qui
phục thánh ý của Thiên Chúa, thì phụng tự chẳng có giá trị gì cả (Is 1,11-15 ;
x. Am 5,21-25). Isaia bị phản đối,
nhưng ông cũng có thể xác quyết một điều là :”Nhóm còn lại sẽ trở về... với
Thiên Chúa hùng mạnh” (Is 10,21). Dân tộc sau cũng được hưởng ơn cứu rỗi sẽ
toàn những người hối cải mà thôi.
Việc nhấn mạnh đến những tâm tình bên trong phải dâng tiến Thiên Chúa đã chóng trở
thành một đề tài thông dụng trong giáo huấn của các ngôn sứ.
Mika rao giảng công chính, hiền từ và khiêm
nhường (Mk 6,8).
Xophonia lặp lại khiêm nhường và thành thật
(Xp 2,3 ; 3,12t).
Nhưng Giêrêmia theo đường hướng tư tưởng của
Osée, đã quảng diễn rộng rãi chủ đề hoán cải. Sở dĩ ngôn sứ loan báo các tai
họa đe dọa Giuđa, chính vì để mỗi người từ bỏ con đường bất chính trở về và để
Giavê có thể tha thứ họ (Gr 36,3).
Ezechiel, trung thành với truyền thống ngôn
sứ, đặt trọng tâm sứ điệp của ông vào việc cần phải hoán cải trong lúc thực
hiện những lời đe dọa của Thiên Chúa, “Hãy vứt xa tội lỗi của các ngươi đã vấp
phạm, hãy tạo cho mình một quả tim mới và một tinh thần mới. Hỡi nhà Israel,
tại sao các ngươi phải chết ? Ta có muốn cho ai phải chết đâu ! Hãy hoán cải và
các ngươi sẽ được sống” (Ed 18, 31t).
Vậy từ Amos đến Ezechiel, giáo thuyết về hoán
cải vẫn được nghiên cứu sâu xa, song song với mức độ hiểu biết về tội lỗi. Vào cuối thời lưu đầy, sứ điệp an ủi ghi
nhận Israel đã hoán cải hữu hiệu, được cứu độ.
Và sau Israel, đến lượt chư dân cũng sẽ hoán cải : từ bỏ các ngẫu tượng,
họ đều quay về với Thiên Chúa hằng sống (Ed 45,14t; Gr 16,19tt).
2. Trong Tân ước.
a) Gioan Tẩy giả.
Đây là ngôn sứ bản lề giữa Cựu ước và Tân
ước. Sứ điệp hoán cải của các ngôn sứ hội tụ lại với tất cả vẻ tinh tuyền của
nó trong lời giáo huấn ông, vị ngôn sứ cuối cùng. Luca đã tóm lược sứ mệnh người như sau : “Người sẽ dẫn dắt nhiều
con cái Israel về với Chúa, Thiên Chúa họ” (Lc 1,16t). Sứ điệp của người được
đúc kết trong câu :”Hãy hoán cải vì Nước Trời đã gần kề” (Mt 3,2)
Gioan khuyên mọi người phải tự nhận là kẻ có
tội, phải sinh hoa trái xứng với lòng thống hối (Mt 3,8), chấp nhận một nếp
sống mới thích hợp với tình trạng mình (Lc 3,10-14). Để đánh dấu cuộc hoán cải này, Gioan trao ban một phép rửa bằng
nước để chuẩn bị các hối nhân nhận lãnh phép rửa bằng lửa và bằng Thánh Thần mà
Đấng Messia sẽ ban (Mt 3,11tt).
b) Đức Giêsu.
Ngài cũng là một đại ngôn sứ trong Tân ước.
Mở đầu việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài cũng dùng lời mời gọi hoán
cải mà ông Gioan Tẩy giảđã rao giảng trước :”Hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc
âm” (Mc 1,15 ; Mt 4,17), Ngài đã đến chính là để kêu gọi tội nhân hoán cải (Lc
5, 32) Đó chính là một khía cạnh cốt yếu của Tin Mừng Nước Trời.
Nhưng sứ điệp hoán cải gặp nhiều chống đối từ
việc dính bén của cải (Mc 10,21-25) cho tới tính kiêu căng của Pharisêu (Lc
18,9). Quả thật, tính ngoan cố hiện tại
của Israel là dấu chỉ sự cứng lòng (Mt 13,15tt ; x. Is 6,10). Nếu không thay
đổi nếp sống, thì các kẻ nghe lời Đức Giêsu mà vẫn còn cố chấp trong tội lỗi sẽ
bị hủy diệt (Lc 13, 1-5).
Khi đòi hỏi hoán cải, Đức Giêsu không có ý nhằm tới phụng vụ sám
hối với hình thức bên ngoài, mà chính là sự thay đổi con tim khiến ta lại trở
nên như trẻ nhỏ (Mt 18,3tt), tìm kiếm Nước Thiên Chúa (Mt 6,33) nghĩa là chỉnh
đốn lại cuộc sống của mình theo Luật mới.
c) Các Tông đồ.
Lúc sinh thời, Đức Giêsu đã sai các sứ đồ đi
rao giảng sám hối và loan truyền Tin Mừng Nước Thiên Chúa (Mc 6,12). Sau khi sống lại, Ngài đã nhắc lại cho họ sứ
mệnh ấy : Nhân danh Người, các ngài sẽ đi rao giảng sự thống hối cho chư dân để họ được tha tội (Lc 24,47), vì tội
lỗi sẽ được tha thứ cho những ai được các ngài tha thứ (Ga 20,23). Sách Công vụ
tông đồ và các thư cho ta thấy mệnh lệnh này được chu toàn thế nào. Tuy nhiên, tùy trường hợp là Do thái hay
lương dân, mà việc hoán cải này mặc hình thái khác biệt nhau.
d) Hội thánh Công giáo.
Hành vi hoán cải mà phép rửa niêm ấn được
hoàn tất cách dứt khoát một lần mà thôi.
Không thể lặp lại ơn sủng ấy lần nào nữa (Dt 6,6). Thế nhưng những người
đã chịu phép rửa vẫn có thể sa ngã phạm tội : cộng đoàn sơ khai ngay từ lúc đầu
đã có kinh nghiệm về điều đó. Trong trường hợp
này, dù sao chăng nữa sự ăn năn cũng vẫn cần thiết nếu người ta muốn
tham dự vào ơn cứu rỗi, ví dụ Phêrô đã kêu gọi nhà ma thuật Simon hoán cải
(cvtđ 8,22), Giacôbê hối thúc các Kitô hữu nhiệt thành lo dẫn đưa những người
tội lỗi ra khỏi sự lầm lạc của họ (Gc 5,19t). Phaolô vui mừng vì các tín hữu
Corintô đã ăn năn (2 Cr 7,9t). Sau cùng, trong sứ điệp gửi bảy Giáo hội mà sách
Khải huyền nói tới, thấy hiện rõ những lời mời gọi ăn năn, những lời mời gọi
cho thấy đã có những người sa ngã không còn sốt mến như xưa (Kh 2,5 ; 16,21t).
3. Sám hối là điều cần thiết.
Trong Cựu ước và Tân ước, chúng ta thấy Thiên
Chúa luôn luôn kêu gọi con người hãy bỏ con đường tội lỗi mà trở về với Ngài.
Lòng sám hối được biểu lộ ra qua những dòng nước mắt ăn năn. Điếu này rất tốt đẹp, hữu ích và làm đẹp
lòng Thiên Chúa.
Truyện : nước mắt sám hối.
Người Hồi giáo thường kể rằng : Ngày kia Đức
Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để
mang về trời.
Sứ thần đáp ngay xuống một chiến trường máu
của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho
Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài
lòng mấy .
Ngài bảo : “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều qúi giá,
nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”.
Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giầu
có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc
lóc vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị đại ân nhân. Sứ
thần liền thu nhặt hương thơm và mang về trời.
Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài
nói :”Dĩ nhiên lòn g biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới
trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn”.
Lại một lần nữa, sứ thần đành phải vâng lệnh.
Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ
đường Ngài bỗng thấy một người đàn ông đang khóc sướt mướt. Trước câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần,
người đàn ông giải thích :”Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây
nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”.
Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt
còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước
mắt rồi mỉm cười nói :”Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật, dưới
trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi
mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu”.
(D. Wahrheit, Món quà Giáng sinh,
tr 304)
II. NHU CẦU PHẢI SÁM HỐI.
Ta hãy đọc một đoạn Phúc âm theo thánh Luca
nói về dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15,44-7). Trong bài Phúc âm này, ta thấy Đức
Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về con chiên lạc. Con chiên bị thất lạc hoặc tự ý
riêng mà bị thất lạc hoặc người khác làm cho bị lạc, cả hai cần được tìm về
trong đàn,. Nếu con chiên lạc mà được tìm thấy thì chủ vui mừng biết bao !
Người chủ phải tổ chức tiệc ăn mừng. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cũng kêu gọi
những người đã lạc đường hãy ăn năn trở lại ; và Thiên Chúa vui mừng biết bao
khi có người tội lỗi ăn năn trở lại (Lc 15,4-7).
Trong mùa Chay, ta hay nghe cái từ ngữ Sám
hối. Sám hối có nghĩa là trở về, trở về nơi mình đã xuất phát. Nói trở về là nói mình đang ở xa. Xa nhà,
nay tôi trở về. Khoảng cách không gian cho ta cảm tưởng rõ ràng một sự cách
biệt.
Khi định nghĩa trở về trong ý nghĩa thiêng
liêng, ta thấy khó hơn. Thí dụ, nói tôi trở về với Chúa. Cái khoảng cách giữa
tôi và Chúa không biết ngắn hay dài. Lấy gì để mà đo. Nếu xét rằng tôi không
phạm tội nặng, tôi vẫn đi lễ, thì dường như tôi không xa Chúa. Tôi không cần
đặt vấn đề trở về.
Đọc dụ ngôn con chiên lạc, ta thấy ngay là
con chiên đó xa đàn. Hình ảnh Chúa đi
tìm làm ta thấy con chiên này cần trở về.
So sánh mình với người khác, ta thấy có người bỏ nhà thờ, có người có
đời sống tội lỗi công khai. Như thế, họ cần trở về hơn mình. Tuy nhiên, đọc kỹ
đoạn Phúc âm trên, ta thấy sự trở về có thể là cần thiết cho những con chiên
không bỏ đàn đi, không bỏ nhà thờ, vẫn ở trong nhà thờ.
Do đó, chúng ta đừng nghĩ rằng : chỉ những
người không tin Chúa hay đã bỏ Chúa mới cần trở về ; còn chúng ta là những Kitô
hữu đích danh, hằng ngày vẫn đi lễ, xưng tội, rước lễ, làm các việc lành phúc
đức thì chẳng cần phải trở về vì chúng ta đang ở trong đạo, trong Giáo hội mà !
Nhưng rất có thể chúng ta đã trở nên vô đạo
hoặc tệ hơn nữa là vô thần lúc nào không biết ; tuy mang danh là Kitô hữu mà
đời sống còn tệ hơn người vô đạo. Người
ngoại đạo tuy ở ngoài đạo, ngoài Giáo hội mà lòng họ vẫn liên kết với đạo, vẫn
có lòng tin, vẫn muốn sống vươn lên trong tâm tình ước muốn :
Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên cao.
Cũng như bây giờ, có ngườiở trong nhà thờ mà
lòng trí họ đang ở ngoài nhà thờ, trong khi đó có nhiều người đang ở ngoài nhà
thờ mà lòng trí họ đang ở trong nhà thờ.
Vì vậy trong mùa Chay này ta thử xét lại, tuy
mình là Kitô hữu đấy mà có thực sự gắn bó và ở trong Giáo hội không. Tuy là con cái Chúa đấy mà có sống trong ân
tình của Chúa không hay là ta đã xa Chúa ?
Nếu thành thực xét mình thì không ai dám nói mình là người sống thánh
thiện, sống khăng khít với Chúa, chỉ có những người Pharisêu và Luật sĩ thì mới
dám nói như vậy (x. Lc 16,15). Vì thế, chúng ta phải rà xét lại cuộc sống của
chúng ta xem như thế nào, sống xa Chúa bao nhiêu và quyết tâm trở về. Sự trở về
đòi ta phải thành thực và can đảm nhìn nhận những lỗi lẫm của mình để xin Chúa
ban ơn tha thứ.
Truyện : ông Mahatma Gandhi.
Mahatma Gandhi có kể về cuộc đời ông như sau
: Hồi tôi 15 tuổi, tôi mắc một tật rất xấu, là tội ăn trộm. Khi đó tôi mắc nợ người bạn một số tiền khá
lớn, thế rồi tôi đã về lấy của cha tôi một vòng đeo tay bằng vàng để bán lấy số
tiền trả nợ.
Nhưng sau đó, tôi luôn luôn bị lương tâm cắt
rứt, không cho tôi được giây phút bình an. Tôi khônt thể sống trong tình trạng
này nữa. Tôi nhất quyết phải đến thú tội với ba tôi càng sớm càng tốt. Nhưng
khi đến trước người, vì xấu hổ và sợ hãi nên tôi không thể thốt ra lời. Sau đó tôi liền nghĩ ra một cách thú tội
bằng giấy mực. Tôi đã cầm tờ giấy đó
đến trước mặt cha tôi, toàn thân tôi run rẩy và trao tờ giấy đó cho cha
tôi. Ông đã đọc tờ thú lỗi của tôi, sau
đó ông nhắm mắt lại trong giây lát và đã xé tờ giấy thành nhiều mảnh, rồi nói
với tôi :”Biết mình là điều rất tốt”, và đến ôm chầm lấy tôi trong vòng tay
tràn đầy yêu thương, tha thứ của người.
Từ giây phút đó tôi hiểu và thương mến cha tôi hơn.
Muốn sám hối, điều kiện cần là phải biết
mình, có biết mình có tội, có biết mình mắc lỗi lầm thì mới có thể sám hối được ; nếu không có tội
thì làm gì phải thống hối ? Những người Luật sĩ và Pharisêu là những người
không biết mình, họ luôn tự hào là những người đạo đức thánh thiện thì làm gì
phải sám hối, làm gì phải quay trở lại ? Những lời kêu mời của Chúa Giêsu chẳng
có tác dụng gì đối với họ, trái lại càng làm cho họ thêm thù ghét.
Truyện : thủ tướng Bốphốp nhận lỗi.
Theo một bản tin của hãng thông tấn Amsa
truyền đi , thì vị thủ tướng của nước Úc là Bốphốp đã bị cảnh sát công lộ phạt
100 Úc kim vì đi xe hơi mà không đeo giây an toàn. Sự kiện xẩy ra sau khi đài
truyền hình số 9 của Úc trình chiếu cảnh thủ tướng đang ngồi trong chiếc công xa
chở ông đến thành phố Besthen mà không thắt dây an toàn. Theo dõi hình ảnh ấy, nhiều khán thính giả
đã gọi dây nói đến sở cảnh sát của tiểu bang Besthen để phản đối việc thủ tướng
của họ không giữ luật giao thông. Cũng
ngày hôm đó, giám đốc sở cảnh sát bang Uyheslen đã nhận được một cú điện thoại
của thủ tướng Hốp, người được xem là có quyền lực cao nhất tại Úc, đã nhìn nhận lỗi lầm vì không giữ đúng luật
giao thông, và ông đã xin được xử lý
như tất cả mọi người công dân khác. Kết quả là sở cảnh sát của tiểu bang đã
phạt ông 100 Úc kim.
(Hạt giống âm thầm (bản
ronéo), tr 320)
III. THIÊN CHÚA GIẦU LÒNG THA THỨ.
1.
Trong Cựu ước.
Lịch sử dân Israel xưa là lịch sử của một dân
phản bội và của lòng thương yêu tha thứ của Thiên Chúa. Dân Chúa luôn phản bội
giao ước nhưng Thiên Chúa không thất vọng, Người luôn kêu mời họ trở lại để
sống trong ân tình của Người. Chúng ta
hãy nhìn qua cách cư xử của dân.
a) Trong sa mạc.
Sau phép lạ lớn lao làm cho dân vượt qua Biển
Đỏ khô chân, dân Chúa tiếp tục cuộc hành trình đi về đất hứa. Trong sa
mạc, dân Chúa luôn càm ràm và phản đối
ông Moisen như trường hợp ở Meriba và ở Massa. Có lần Thiên Chúa đã cho rắn lửa
bò ra cắn chết niều người. Dân chúng hồi tâm, nhờ ông Moisemn can thiệp với
Chúa. Chúa nhận lời và bảo ông Moisen đúc con rắn bằng đồng treo trên cây sào
để ai bị rắn cắn, nhìn lên con rắn sẽ được khỏi.
b)
Nơi đất hứa.
Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài khỏi ách nô
lệ của Ai cập, đem họ vào đất hứa chảy sữa cùng mật, phân phát cho dân Ngài
phần đất của dân ngoại làm cơ nghiệp. Thiên Chúa chỉ đòi buộc dân Ngài phải
trung thành, không được thờ các thần của dân ngoại. Nhưng dân Chúa đã bất trung
với giao ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa, nên Ngài để cho dân ngoại
đến giầy xéo đất nước và bắt họ đi lưu đầy. Vua Nabuchodonosor bắt họ đi lưu
đầy ở Babylon từ năm 721 đến năm 538 họ mới được trở về với chỉ dụ của vua Cyrô
(2 V 17,6), cuộc lưu đầy kéo dài 83 năm.
c) Cảnh cáo và khuyên răn.
Khi dân Chúa đã trở về quê hương sau thời
gian lưu đầy, trùng tu lại đền thờ Giêrusalem, dân vui mừng vì được giải phóng,
lo việc thờ phượng Chúa. Nhưng chứng
nào tật ấy, dân lại bất trung, đi vào vết xe cũ, Thiên Chúa sai nhiều tiên tri
đến cảnh cáo và khuyên răn như thời còn bị lưu đầy :
“Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội phản nghịch
của các ngươi, không còn được chướng ngại nào làm các ngươi phạm tội nữa. Hãy
quẳng khỏi cácngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một
trái tim mới và một thần khí mới” (Ed 18, 30b-31).
c) Thiên Chúa tha thứ.
Tuy con người phản bội, Thiên Chúa vẫn luôn
tha thứ. Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh điều đó :
Thiên Chúa xúi ngôn sứ Osée đi kiếm một con
điếm về làm vợ. Lẽ thường thì không ai làm như vậy. Thanh niên họ có chơi thì
chơi với gái điếm, còn khi lấy vợ thì phải tìm đến con gái nhà lành chứ ! Đàng này ông Osée nghe lời Chúa đi lấy một
cô gái điếm về làm vợ. Hai người thương
yêu nhau thắm thiết. Bà ta sinh ra cho ông được ba đứa con và đặt cho mỗi đứa
một tên kỳ quặc, nếu dịch ra tiếng Việt thì có nghĩa như là “Nguyễn-văn-Chúa-không-thương-mày-nữa”.
Ngày tháng trôi qua, nhớ lại cảnh sống xưa,
bà ta bỏ ông để đi theo cái nghề cũ.
Chúng ta thử xem ông ta có đủ can đảm mà tha thứ và còn đi rước bà ta
về, lại còn yêu thương như trước không ? Khó quá !
Thiên Chúa lại xúi ông Osée đem tiền đem bạc
đi để chuộc bà ta về. Ông ta đã làm như vậy. Khi đã trở về, ông ta lại tiếp tục
yêu thương vợ như cũ.
Đây là câu chuyện có thật trong Thánh kinh và
cũng là hình ảnh nói lên Thiên Chúa yêu thương và tha thứ cho chúng ta mặc dầu
chúng ta phản bội Ngài. Xin lỗi ông bà anh chị em, tôi có thể nói rằng : trước
mặt Thiên Chúa chúng ta đều là gái điếm cả, vì gái điếm thì theo hết người này
tới người khác, còn chúng ta thì theo hết thần này đến thần khác : thần tình ái,
thần sắc dục, thần tiền của, thần danh vọng, thần cờ bạc, và không biết bao
nhiêu thần khác nữa.
2. Trong Tân ước.
Chúng ta là dân Israel mới, tiếp nối dân
Israel cũ, chúng ta lại đi vào con đường cũ : bất trung, phản bội. Chúa Giêsu đã chịu chết chuộc tội cho chúng
ta và đã lấy máu đổ ra trên thập giá để ký kết giao ước vĩnh cửa với loài
người. Chúa luôn trung thành với lời hứa, nhưng con người lại phản bội. Tuy
thế, Ngài vẫn thương yêu và tha thứ, kêu gọi con cái hãy trở về trong tình
thương của Ngài.
Thánh Luca đã kể ra ba dụ ngôn ; con chiên
lạc, đồng tiền đánh mất và nhất là câu chuyện đứa con phung phá (Lc 15, 11-32)
đã chứng tỏ : tuy người con đã từ bỏ cha mà đi hoang nhưng người cha vẫn nóng
lòng chờ đợi con trở về :
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Nhớ ai hết đứng lại ngồi không yên
(ca dao)
Khi người con hối hận trở về, người cha vội
sai gia nhân mặc áo mới cho cậu, xỏ giầy vào chân, xỏ nhẫn vào tay, giết con bò
đã vỗ béo ăn mừng. Tại sao lại có sẵn
áo mới, giầy mới và bê đã vỗ béo ? Điều
đó chứng tỏ người cha hy vọng cậu con trai sẽ trở về nên đã chuẩn bị sẵn sàng
những thứ đó. Người cha không thất vọng
về người con. Cũng thế, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng
ta, Ngài vẫn luôn giang cánh tay ra chờ đón.
3.
Chúa Giêsu, nguồn ơn tha thứ.
Thiên Chúa là người Cha giầu lòng thương
xót sẵn sàng tha thứ cho những sự bội
bạc của con cái như trong dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lc 15). Ta hãy đặt mình
vào tình trạng của đứa con trong bước đường cùng và hãy tự nhủ mình :”Thôi, ta
đứng lên, đi về cùng Cha và thưa với Ngài : Thưa cha, con thật đắc tội với Trời
và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như người làm công
cho cha vậy” (Lc 15, 18-19).
Đức hồng y F.X. Nguyễn văn Thuận trong bài
giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô 2 và giáo triều Roma đã trình bầy
đề tài “các khuyết điểm của Chúa Giêsu” để nói lên lòng thương yêu tha thứ của
Ngài.
a). Đức Giêsu không có trí nhớ
tốt.
Trên thập giá, trong lúc hấp hối. Đức Giêsu
nghe tên trộm bên phải nói :”Thưa ông Giêsu, xin nhớ đến tôi, khi ông vào nước
của ông” (Lc 23,42). Giả sử đó là tôi,
thì có lẽ tôi đã trả lời :”Tôi sẽ không quên anh nhưng anh phải đền bù các tội
ác của mình ít là khoảng 20 năm trong luyện ngục”. Trái lại, Chúa trả lời anh
ta :”Ngày hôm nay, ngươi sẽ được ở cùng Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Điều tương tự cũng xẩy ra với người đàn bà
tội lỗi đã xức dầu thơm cho chân Chúa : Chúa Giêsu chẳng hỏi gì về quá khứ xấu
xa của bà nhưng chỉ nói :”...tội của con tuy nhiều, nhưng chúng đều được tha
hết vì con đã yêu nhiều” (Lc 7,47).
Cũng tương tự như đứa con hoang đàng (Lc 15)
Chúa Giêsu không có một trí nhớ như trí nhớ
của tôi, không những Ngài tha thứ, và tha thứ cho mỗi người, nhưng Ngài còn
quên là Ngài đã tha thứ.
b) Chúa Giêsu đi thi toán chắc
rớt.
Giả sử Chúa Giêsu đi thi toán, chắc Ngài bị
đánh rớt. Dụ ngôn người mục tử nhân lành chứng tỏ điều đó. Một người mục tử có một trăm con chiên.Một
con chiên bị lạc và không chần chờ gì, ông ta đi tìm chiên ấy, bỏ 99 con chiên
khác nơi hoang địa. Khi tìm được chiên lạc, ông vác lên vai (x. Lc 15,4-7)
Đối với Chúa Giêsu, 1 có giá trị bằng 99...
và có lẽ còn hơn thế nữa ! Có ai chấp
nhận được điều đó không ? Nhưng lòng
thương xót của Ngài trải rộng từ đới này sang đời khác...
c) Chúa Giêsu chả biết gì về Triết
học.
Ngài không hiểu gì về Luận lý học khi đưa ra
dụ ngôn : một người đàn bà có 10 đồng bạc, rủi rớt mất một đồng, bèn thắp
đèn mà tìm. Khi bà tìm được thì hớn hở
gọi hàng xóm láng giềng :”Bà con ơi, hãy chia vui với tôi vì tôi đã tìm thấy
đồng bạc bị mất” (Lc 15, 8-10)
Thật chẳng hợp lý tí nào khi mời hàng xóm như
vậy vì bà phải chi phí còn hơn đồng bạc tìm được. Nhưng, đó lại là chính cách
Chúa đã dùng để chỉ sự vui mừng của Thiên Chúa khi một người ăn năn trở lại.
Ở đây chúng ta có thể nói như Blaise Pascal
:”Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết được”.
d). Chúa Giêsu không biết tài
chính và kinh tế.
Ngài chả có ý tưởng gì về kinh tế và tài
chính. Trong dụ ngôn những kẻ làm vườn
nho, ông chủ trả cùng một số tiền cho những kẻ làm đầu tắt mặt tối từ sáng tinh
mơ cho đến chiều tối, và những kẻ gần chiều mới bắt tay vào việc. Không biết Ngài có tính toán sai không ?
Không ! Ngài chú ý làm như vậy vì Ngài không thương chúng ta vì công trạng của chúng
ta. Tình yêu của Ngài là hoàn toàn miễn
phí vàvượt xa trí hiểu của chúng ta. Ngài đã có những “khuyết điểm” vì Ngài yêu
thương chúng ta. Tình yêu thực sự không có tính toán so đo, không biên giới,
không điều kiện, không ngăn cách và không nhớ những sai phạm (x. Mt 20, 1-16)
e). Chúa Giêsu là một người phiêu
lưu.
Chúa Giêsu là người mua lấy rủi ro về phần
mình. Người ta muốn chiêu dụ nhiều người theo mình thì hứa cho thật nhiều những
điều tốt lành, trong khi Ngài lại hứa những gian lao thử thách, bắt bớ và giam
cầm cho những kẻ theo Ngài. Trong 2000 năm qua, chúng ta đã chứng kiến bao rủi
ro, thiệt thòi cho những kẻ muốn theo Ngài, nhưng số người theo Ngài càng đông,
họ dám hy sinh cả mạng sống choNgài (x. Mt 820; Lc 9-23)
Để kết luận chúng ta tự hỏi : tại sao Chúa
Giêsu có những khuyết điểm như thế ?
- Vì Ngài là Tình yêu (cf 1Ga 4,16). Tình yêu
đích thực không lý luận, không đo lường, không dựng lên những hàng rào, không
so đo tính toán, không đặt điều kiện.
(x. Hồng y F.X. Nguyễn văn Thuận,
Chứng nhân hy vọng, tr 39-44)
IV. THỰC HÀNH SÁM HỐI.
1. Hãy can đảm trở về.
Lời Chúa trong đầu Mùa Chay cũng nhắc nhở cho
mọi người chúng ta, là những con cái yêu thương của Ngài :”Anh em hãy sám hối
và tin vào Phúc âm” (Mc 4,15). Sám hối
ở đây theo ngôn sứ Giêrêmia là thay đổi hướng đi, thực tình quay về với Thiên
Chúa của Giao ước và dấn bước vào một cuộc sống mới.
Trong sứ điệp gửi giới trẻ thế giới mùa Chay
năm 2001, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã lấy đề tài :”Ai muốn theo Ta, hãy từ
bỏ mình vác thập gía hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Theo ý ngài, Chúa Giêsu đã
chọn con đường thập giá để tới vinh quang. Ngài đã vạch cho chúng ta con đường
phải đi theo. Chỉ có một con đường duy nhất do Chúa đã đi, người môn đệ phải
theo con đường đó mà không được vạch ra một con đường nào khác. Nếu chẳng may
đã đi trệch đường thì phải có can đảm trở lại, không ngại khó khăn.
Nhà chí sĩ Phan bội Châu đã nói :”Đường đi
khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e
sông”. Đôi khi chúng ta thấy chưa có
kết quả sau bao cố gắng, nhưng không sao, hãy bắt đầu lại, Chúa không đòi chúng
ta phải thu được kết quả trước mắt, Ngài chỉ đòi chúng ta cố gắng, cốâ gắng
không ngừng. Theo tôi nghĩ : cố gắng là đã thành công rồi, vì không cố gắng là
lùi. Bao lâu còn cố gắng là còn tiến.
Chúng ta nghĩ thế nào về câu nói của một danh
nhân ? Mới nghe thì có vẻ không đúng,
nhưng suy cho kỹ thì nó nói cho chúng ta biết rằng : không một cố gắng nào mà
vô ích, mỗi cố gắng tuy ít ỏi nhưng đều
góp vào thành công chung :
“Một ngàn việc tiến,
Chín trăm chín mươi chín việc lùi :
Đó là TIẾN BỘ”.
(Henri Frédéric Amiel)
Truyện : phải biết bắt đầu lại.
Một thanh niên thấy cuộc sống mình bê bối,
muốn sám hối ăn năn, đến gặp một vị Linh mục và nói :
- Thưa cha, hôm nay con đến xin cha giúp con,
con bê bối lắm nhưng con không biết bắt đầu từ đâu cả : Mười điều răn Đức Chúa
Trời, sáu điều răn Hội thánh, bảy mối tội đầu con đều phạm hết. Con nản quá ! Bạn bè khuyên con, con trả lời rằng : Thôi đã lỡ phạm tội thì
phạm cho hết mọi tội, xuống lót đáy hỏa ngục luôn. Nằm dưới đáy có lẽ đỡ nóng,
hơn là nằm hơ hơ trên ngọn lửa, nóng lắm ! Nói thì nói thế cho vui, chớ con
không yên tâm chút nào.
Vị Linh mục cười và nói :
- Cha lại thích mấy con cá bự, cá nhỏ ăn hoài
chán rồi.
Cả hai cha con cười xòa.
Vị Linh mục nói tiếp :
- Cha kể cho con một câu chuyện nhé : Một
người con trai kia thất nghiệp, trở về nhà buồn bã. Nguời cha an ủi : Thôi con
ạ, nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông thì nhì sĩ ; con trở lại với
miếng ruộng của gia đình đi. Sáng mai con ra làm cỏ năm sào ruộng để mùa tới
chúng ta sẽ xạ lúa. Người con nghe lời,
sơm mai vác cuốc ra đồng. Nhưng khi nhìn thấy đám ruộng mênh mông chỉ có cỏ với
cỏ, anh ngán ngẩm, tìm một gốc cây nằm ngủ.
Người cha biết sự việc, không la rầy, ôn tồn
nói với con :
- Mỗi ngày con làm cho cha 20 mét vuông thôi, con làm được không ?
- Dạ, ít vậy thì được.
Và cứ như thế, chẳng bao lâu đám ruộng đã
sạch cỏ.
Tâm hồn con bây giờ cũng như đám ruộng kia, đầy
cỏ dại, nhưng con hãy bắt đầu đi rồi con sẽ thấy kết quả. Rồi đây con sẽ còn sa ngã, nhưng cái quan
trọng là luôn biết bắt đầu lại. Tội con Chúa đã tha rồi, Chúa chỉ đòi hỏi con
cố gắng mà thôi.
Mười năm sau đó, vào một buổi sáng đẹp trời,
một tu sĩ bước vào nhà xứ và cúi đầu chào Linh mục, rồi nói :
- Cha còn nhớ con nữa không ? Con là
người cha đã chỉ cho cách làm cỏ cách
đây khoảng mười năm.
Câu chuyện trên đây nhắc cho chúng ta : biết
mình lạc đường cần trờ về, đó là điều tốt nhưng thực hiện cuộc trở về thì khó,
vì chúng ta bị cám dỗ tháo lui. Chính
Đức Giêsu cũng bị cám dỗ để đi xa con đường sứ mạng cứu thế của Ngài như ta đã
suy niệm trong bài Tin mừng Chúa nhật thứ nhất Mùa chay (x. Lc 4,1-13).
Cám dỗ cũng cần thiết vì nó có lợi cho ta, nhờ
đó mới biết lòng trung thành của ta đối với Chúa và làm cho chúng ta càng thêm
công trạng như lời Sách Thánh nói :”Lửa thử vàng, gian nan thử người nhân đức”
(Hc 2,5).
2. Đừng bao giờ trì hoãn.
Có những người chi biết sống với quá khứ để
luyến tiếc, có những người chỉ biết hướng về tương lai để hành động, nhưng
nhiều người lại quên hiện tại. Hiện tại là hậu quả của quá khứ và nguyên nhân
của tương lai. Tương lai nằm trong hiện tại. Muốn có một tương lai sáng sủa thì
phải được chuẩn bị trong hiện tại.
Một lỗi lầm thông tường của tuổi trẻ là hay xem thường NGÀY NAY. Người bạn trẻ
hay nghĩ rằng những công việc to lớn, những cái gì đáng làm đều thuộc ở NGÀY
MAI. Còn NGÀY NAY là tầm thường, là
không đáng kể nên họ không muốn bắt tay làm gì cả.
Thực tế hơn, nhà văn hào Anh J. Ruskin cho
khắc vào phiến đá hai chữ :”TO DAY” (Ngày nay) và đặt nó trên bàn viết để mỗi
ngày ông ta có việc chiêm nghiệm về bổn phận của mình là làm xong những công
việc của NGÀY NAY. Một thi nhân Hy lạp
thời xưa cũng đã viết “CARPE DIEM” để khuyên chúng ta hãy biết dùng một cách
đầy đủ ngày hôm nay.
(Phạm cao Tùng, Tôi có thể nói thẳng với anh, in lần 3,
tr 106)
Kinh nghiệm cho hay : chúng ta có những
chương trình qui mô, những dự tính tốt đẹp cần thực hiện, nhưng chúng ta lại
rùi rắng, không muốn bắttay vào việc ngay. Người ta thường nói : những gì có
thể làm được hôm nay thì đừng để đến ngày mai theo phương châm “carpe diem”.
Muốn sửa đổi con người của mình, muốn làm thánh thì hãy bắt tay vào
việc, chớ bao giờ trì hoãn kẻo bỏ lỡ cơ hội.
Truyện : kế hoạch trì hoãn.
Ngày kia Satan hỏi các đồ đệ :
- Làm thế nào để chiếm đoạt được các linh hồn
?
Quỉ thứ nhất nói :
- Tôi sẽ rỉ tai : không có Chúa đâu.
Satan bảo :
- Họ đâu có tin, nhìn vào vũ trụ, không thể
nào chối là không có Thiên Chúa được.
Qủi nhỏ thứ hai bảo :
- Tôi sẽ rỉ tai : chết là hết, chết là hết.
Sa tan bảo :
- Không được, vì sự sống đời đời đã được khắc
ghi vào chính giữa trái tim con người.
Thế là cả bọn cùng trầm ngâm suy nghĩ.
Bỗng một con qủa đen đủi đứng lên nói :
- Tôi có cách : tôi sẽ nhắc đi nhắc lại cho
mọi người biết : Chúa có thật và chết chưa phải là hết. Tôi bảo họ phải sám hối
ăn năn và trở về với Chúa. Nhưng tôi sẽ rỉ tai họ : gấp gì, còn chán thì giờ !
Để gần chết rồi lại ăn năn, thế là được hưởng cả đời này lẫn đời sau, phải
không nào ?
Qủi
vương đập bàn cười ha hả :
- Tuyệt, thật tuyệt, theo kế hoạch này, chúng
ta sẽ thành công.
KẾT LUẬN
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay thánh, thời
gian thuận tiện, thời gian cứu độ, Chúa luôn yêu thương chúng ta, luôn kêu gọi
chúng ta trở về, sẵn sàng tha thư mọi lỗi lầm. Đừng ai hồ nghi về tình yêu tha
thứùù của Thiên Chúa, hãy đứng dậy trở về cùng Chúa, đừng sợ quá muộn vì trơ về
trong tình yêu thì không bao giờ quá muộn.
Truyện : trở về trong tình yêu.
Trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm sống, một
phụ nữ đã kể lại như sau :
Tôi nhớ ngày tôi còn là một thiếu nữ, một lần
kia cha mẹ tôi dắt tôi đi xem cuốn phim tựa đề là “Ảo ảnh cuộc đời”. Phim đó kể
lại chuyện một cô gái không những đã bội bạc mà còn khinh khi làm khổ người mẹ
đang hết lòng yêu thương và hy sinh cho cô. Qua nhiều biến cố thăng trầm, cuối
cùng, người mẹ đau khổ đó chết, cô gái trở về thống hối tiếc thương.
Về nhà, hôm ấy gia đình tôi bàn tán về ý
nghĩa của câu chuỵện trong phim. Tôi nhớ rõ là tôi đã bực bội phê bình to tiếng
:”Bấy giờ mới trở về ăn năn thống hối làm gì nữa, vì mẹ đã chết rồi”.
Tôi thấy mẹ tôi định trả lời, nhưng cha tôi
dùng ánh mắt ngăn mẹ tôi lại và nói :”Không có sự trở về nào là trễ trong tình
thương con ạ” .
Ngày đó, thú thật tôi không hiểu gì nhiều về
câu trả lời của cha tôi. Nhưng bây giờ đã là mẹ, tôi mới thấm ý nghĩa của lời
đó. Chính câu nói ấy đã giúp tôi luôn luôn sẵn sàng thương yêu tha thứ cho con
cái tôi.
(Thiên Phúc, Tình yêu mạnh hơn sự
chết. tr11-12)
Tình yêu thương cao cả vô vị lợi đó, chính là
hình ảnh lu mờ của Thiên Chúa dành cho con người. Khi chúng ta sống ngay lành,
thánh thiện, chúng ta không giúp ích gì hay tăng thêm một chút gì cho Chúa,
nhưng khi chúng ta lầm lỗi, chính lúc chúng ta làm phiền lòng Người chỉ vì Chúa
yêu thương chúng ta, những lúc đó Chúa luôn mong mỏi chúng ta trở về.
Vậy trong cuộc đời làm con Chúa, đừng bao giờ
ngã lòng thất vọng, vì với tình thương
thì không bao giờ quá muộn, chỉ cần chúng ta mở rộng cõi lòng để yêu
thương, để hoán cải và ước ao nên trọn lành.
Để kết thúc, chúng ta hãy suy niệm lời ngôn
sứ Ezechiel :”Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội phản nghịch của các ngươi, không
còn được chướng ngại nào làm các ngươi phạm tội nữa. Hãy quẳng khỏi các ngươi
mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một
thần khí mới. Hỡi nhà Israel, tại sao
các ngươi lại muốn chết ? Quả thật. Ta không thích gì về cái chết của kẻ phải
chết – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa thượng. Vậy, hãy TRỞ LẠI và hãy sống” (Ed
18,30b-32).
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Mùa chay 2004