SỐNG TUẦN THÁNH

Bài Suy Niệm Của Chiara Lubich, Phong Trào Focolare

 

Mừng thứ Năm Tuần Thánh! Trong tháng Tư này cuộc nói chuyện của chúng ta trùng với ngày thật quan trọng đối với các Kitô hữu. Và vì linh đạo của chúng ta nẩy sinh từ đặc sủng Chúa Thánh thần đã ban, chúng ta cảm thấy ngày này rất đặc biệt, ta không thể không ngừng lại đôi chút để suy niệm, chiêm ngắm, tìm cách sống lại những mầu nhiệm mà ngày này tỏ bày cùng với những mầu nhiệm ngày thứ sáu và thứ bẩy tuần thánh và chủ nhật Phục sinh.

        Chúng ta có thể gọi mỗi ngày trong những ngày này bằng một tên mà từ hơn 50 năm nay trong Phong trào vẫn dùng, tôi muốn kêu lớn lên lý tưởng của chúng ta: đó là Tình thương ngày Thứ năm tuần thánh, Chúa Giêsu bị bỏ rơi thứ sáu tuần thánh; Đức Maria thứ bẩy tuần thánh; Đấng sống lại, chủ nhật Phục sinh.

        Như vậy hôm nay là ngày Tình thương. Thứ năm Tuần thánh, ngày mà trong nhiều năm chúng ta đã thường nghiệm được sự êm dịu, vìï sự gần gũi đặc biệt với Thiên Chúa, nhắc nhớ cho ta tình thương tràn đầy mà Chúa đã đổ tràn xuống đất.

·      Thực vậy Tình thương là Thánh thể ban cho ta trong ngày này.

·      Tình thương là chức linh mục, công cuộc phục vụ của tình thương, và trong nhiều điều, chức vụ ấy đem lại cho ta Thánh thể.

·      Tình thương là Hiệp nhất, hậu quả của tình thương mà Chúa Giêsu đã nài xin Chúa Cha: "Xin cho tất cả nên một như con với Cha" (Ga 17:21).

·      Tình thương là điều răn mới Người đã mạc khải cho ta trong ngày này trước khi chết: "Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy thương yêu nhau như vậy. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13:34-35). Điều răn cho phép ta, ngay ở trên trần gian, có được một cuộc sống theo mẫu gương của Chúa Ba ngôi rất thánh.

Ngày mai thứ sáu tuần thánh. Chỉ có một tên gọi: đó là Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Tôi đã viết một cuốn sách về Người trong những ngày này tựa đề là "Tiếng kêu". Tôi viết cuốn sách này về Người, có ý là viết nhân danh anh chị em, nhân danh toàn thể Công trình Đức Maria. Sau đây là lời đề tặng "Như một lá thư tình gởi đến Chúa Giêsu bị bỏ rơi". Sách đó nói về Người, Đấng mà trong cuộc sống duy nhất Chúa ban cho ta, vào một ngày nhất định đối với mỗi cá nhân, Ngưới đã kêu gọi ta theo Người, kêu gọi ta hiến thân cho Người. Và rõ ràng, như tất cả những gì tôi muốn nói trong những trang này, đó không thể là một đề tài, cho dầu điều đó rất quen thuộc, thân tình, nhận thức rõ ràng; nhưng sách đó muốn là một lời ca, bài vui ca, và nhất là bài ca biết ơn Người.

Người đã cho đi tất cả: cuộc sống bên cạnh Đức Maria trong những khó khăn và trong vâng phục. Ba năm giảng dạy, ba giờ trên thập giá, nơi Người tha thứ cho những kẻ giết mình, mở cửa Thiên đàng cho kẻ trộm, ban Mẹ Người cho ta (...) Người chỉ còn lại thiên tính. Sự hiệp nhất giữa Người với Chúa Cha, niềm hiệp nhất êm đềm cùng không thể diễn tả nổi với Cha, niềm hiệp nhất đã làm cho Người có quyền năng trên trần gian, vì là Con Thiên Chúa, và rất vương giả trên thập giá; cảm thức ấy về sự hiện diện của Thiên Chúa phải đi xuống đến tận cùng tâm hồn Người, đến độ Người không còn cảm nhận thấy sự hiệp nhất ấy nữa, một cách nào đó nó chia rẽ Người khỏi Đấng mà Người vẫn nói là hiệp nhất với Ngài "và Người kêu lớn: "Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con?" (Mt 27:46).

Sau ngày mai là Thứ bẩy tuần thánh: Đức Meï một mình. Người một mình với người con-Thiên Chúa đã chết. Đó không phải là một vực thẳm buồn đau không thể lấp đầy, một cơn hấp hối vô cùng sao? Phải, nhưng Đức Mẹ đứng thẳng, Người trở thành mẫu gương cao cả, một đài các nhân đức. Người hy vọng, tin tưởng: những lời của Chúa Giêsu mà khi còn sống đã oan báo cái chết cũa Người, nhưng cũng loan báo sự sống lại của Người; nếu những người khác đã quên thì Đức Mẹ đã không hề quên: Người giữ những lời này, cùng với tất cả những lời khác, trong tâm hồn và suy niệm (Xem Lc 2:51). Vì thế Đức Mẹ không ngã gục vì đau đớn mà Người chờ đợi.

Cuối cùng là Chúa nhật Phục sinh. Đây là cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu sống lại, Đấng chúng ta biết và sống lại cuộc đời của Người trong cuộc sống nhỏ mọn riêng của ta; sau khi đã chấp nhận Đấng bị bỏ rơi, hay khi thực sự hiệp nhất nhân danh Người, chúng ta cảm nhận được những hiệu quả sự sống của Người, những hoa quả của Thần linh Người.

Đấng sống lại phải luôn hiện diện cùng sống đông nơi ta trong năm 2000 này, năm mà thế giới không chỉ chờ đợi những người tin tưởng cùng mến yêu Người một cách nào đó, mà chờ đợi những chứng nhân đích thực, những người có thể nói cho mọi người trong sự thật, như bà Ma-đa-lê-na đã nói với các tông đồ sau khi gặp Người gần mộ, những lời chúng ta đều biết, nhưng vẫn mới mẻ: "Chúng tôi đã thấy Người, phải, cho dầu chỉ bằng những giác quan của tâm hồn; chúng tôi đã khám phá ra Người trong ánh sáng mà Người đã soi sáng chúng tôi; chúng tôi đã động đến Người trong niềm an bình Người đổ vào lòng chúng tôi; chúng tôi đã cảm nhận thấy Người trong tiếng nói của Người ở tận đáy lòng; chúng tôi đã nếm được niềm vui không thể lầm lẫn của Người."

        Vậy trong những ngày này chúng ta ghi nhớ bốn lời nói ở trên: tình thương, Chúa Giêsu bị bỏ rơi, Đức Maria, Đấng sống lại. Và ngõ hầu những lời ấy trở nên sự sống, không gì hơn là hãy tiếp tục sống như vậy: "Điều làm tôi đau đớn là của tôi", đối với những người anh em (bằng cách yêu thương họ); đối với những đau khổ bản thân, bằng cách đón nhận Chúa Giêsu bị bỏ rơi; trong những cơn thử thách nơi mình ta phải vượt qua, những thử thách của Công trình, sự hiện diện mầu nhiệm của Đức Maria trong Giáo hội và trên thế giới; trong nỗ lực hầu không bao giờ để vắng bóng Người nơi ta và giữa chúng ta: Đấng sống lại.

        "Điều làm tôi đau đớn là của tôi!" Đó là tất cả.

 

Chiara Lubich

Collegamento 20 tháng Tu, 2000

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà