Thông Điệp Mùa Chay 2001

của Đức Thánh Cha Gioan Phalô II

Đức Mến thì không oán giận (1 Cor 13:5)


1. "Này đây, chúng ta đi lên Giêrusalem", (Mk 10:33). Với những lời này, Chúa mời các môn đệ cùng đi với Người trên con đường từ Galilê đến nơi mà ngài sẽ hoàn tất sứ mạng cứu độ của Ngài. Con đường lên Giêrusalem, mà các nhà chú giải Thánh Kinh mô tả như đỉnh cao của cuộc hành trình tại thế của Chúa Giêsu, là gương mẫu cho người tín hữu quyết tâm theo Thầy trên con đường Thánh Giá. Con người ngày nay cũng được mời gọi bởi Đức Kitô để "đi lên Giêrusalem". Ngài lập đi lập lại về điều này, đặc biệt trong Mùa Chay, thời điểm thích hợp cho sự hoán cải chính mình và cho việc tìm kiếm sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài, qua sự tham gia mật thiết trong mầu nhiệm của sự chết và sự phục sinh của Ngài.

 

Mùa Chay, do đó, đem đến cho các tín hữu cơ hội thuận tiện cho một cuộc tự vấn đời sống sâu sắc. Trong thế giới đương đại, bên cạnh những chứng tá đẹp đẽ của Tin Mừng, cũng có những người đã chịu phép rửa tội nhưng khi đối diện với lời kêu mời "đi lên Giêrusalem" đã phản ứng cách thờ ơ hay đôi khi còn thậm chí công khai chống lại. Có những trường hợp mà đời sống cầu nguyện chỉ hời hợt bề ngoài, trong một cách thế mà Lời Chúa không thể nào thâm nhập được vào đời sống. Nhiều người xem bí tích Giải Tội không có nghĩa lý gì và việc cử hành Phụng Vụ Chúa Nhật chỉ là một bổn phận phải chu toàn.
Làm cách nào để đáp lại lời mời gọi hoán cải mà Chúa Giêsu cũng đưa ra cho chúng ta trong Mùa Chay này? Làm cách nào để nhận thức một sự thay đổi nghiêm túc đời sống? Trước hết, ta phải mở lòng ta cho những sứ điệp đánh động tâm linh của phụng vụ. Thời kỳ dẫn đến Mùa Phục Sinh đem lại cho ta một món qùa quý giá của Chúa và một cơ hội hiếm có để đưa ta lại gần Ngài, thay đổi nội tâm và lắng nghe tiếng Ngài từ trong ta.

 

2. Nhiều người Kitô hữu nghĩ rằng họ có thể sống mà không cần đến những cố gắng tâm linh liên tục, ấy là vì họ không để ý đến sự cấp thiết phải đối diện với sự thật của Tin Mừng. Vì vậy, không những là không màng đến việc quấy động cuộc sống của họ, họ còn cố gắng vất bỏ và vô hiệu hóa những lời như "Hãy yêu thương kẻ thù của mình, làm điều tốt cho kẻ ghét mình" (Lk 6:27). Với những người này, những lời như vậy nghe sao khó chấp nhận và khó chuyển dịch thành những nguyên tắc rành mạch hướng dẫn đời sống. Thực ra, đó là những lời, nếu đón nhận cách nghiêm chỉnh, đòi hỏi một cuộc hoán cải sâu sắc. Nếu không, khi một người cảm thấy bị thương tổn, người đó sẽ bị cám dỗ đầu hàng cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù, bất chấp lời mời gọi của Chúa Giêsu là hãy yêu thương kẻ thù của mình. Dù sao đi nữa, những biến cố trong cuộc sống hàng ngày chứng tỏ rõ ràng rằng sự tha thứ và hòa giải cần thiết biết bao cho sự canh tân cá nhân và xã hội. Điều này không chỉ đúng trong quan hệ giữa cá nhân với nhau mà còn trong phạm vi các cộng đồng và các dân tộc.

 

3. Con số lớn lao và bi đát những cuộc xung đột xâu xé nhân loại, đôi khi còn gây ra bởi sự hiểu lầm những động cơ tôn giáo, đã để lại những vết sẹo hận thù và bạo lực giữa các dân tộc. Thỉnh thoảng, điều này còn diễn ra ở giữa các nhóm và các phe phái trong cùng một quốc gia. Thực vậy, đôi khi chúng ta đau buồn vì bất lực không giúp gì được trước sự trở lại của các cuộc chiến mà chúng ta đã tin là hoàn toàn giải quyết xong. Điều này dẫn đến cảm nhận rằng có những người dính líu vào một vòng xoáy trôn ốc của bạo lực không dừng lại được với sự liên tục máu kêu trả máu mà không thấy được một giải pháp cụ thể cho vấn đề. Thành ra, chỉ lòng ao ước nhìn thấy hòa bình đang dậy lên lên trên mọi miền của thế giới thôi thì chưa đủ: sự dấn thân cần thiết để đi đến những hiệp định không giải quyết tận gốc vấn đề.

 

Đối diện với tình cảnh cấp thiết này, người Kitô hữu không thể giữ sự thờ ơ. Chính vì lý do này, mà trong Năm Thánh vừa bế mạc, tôi đã kêu cầu sự tha thứ của Thiên Chúa cho Giáo Hội và cho tội lỗi của con cái Giáo Hội. Chúng ta đều biết rằng tội lỗi của các Kitô hữu đã nhuộm đen khuôn mặt không tì vết. Tuy nhiên, cậy trông vào lòng thương xót Chúa, không nhớ đến tội của hối nhân, chúng ta sẽ có thể quay lại chính đạo với lòng tự tin. Lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả cao nhất ngay chính khi con người, tội lỗi và vô ơn, được mang trở lại trong sự hiệp thông với Ngài. Trong khía cạnh đó, việc "thanh tẩy ký ức" trên tất cả là lập lại sự nhìn nhận lòng thương xót Thánh, một sự nhìn nhận mà Giáo Hội, ở các cấp, được mời gọi luôn để tuyên xưng với lòng chân thành được canh tân.

 

4. Con đường duy nhất dẫn đến hòa bình là sự tha thứ. Tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người và người, ngăn chặn vòng xoáy trôn ốc của thù hận và trả thù, trả oán, và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau. Đối với các nước đang tìm kiếm sự hòa giải và đối với những ai hy vọng có sự chung sống hòa bình giữa các cá nhân và các dân tộc, không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha. Phong phú biết bao lợïi ích từ những giáo huấn vang vọng lời Chúa "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương." (Mt 5: 44-45). Để yêu kẻ làm phật ý ta, hãy giải giới sự đánh trả và biến chiến trường thành nơi đồng tâm hợp tác.

 

Đây là một thách đố không những cho các cá nhân mà còn cho các cộng đồng, các dân tộc và toàn nhân loại. Các gia đình phải quan tâm điều này một cách đặc biệt hơn. Không dễ gì hoán cải mình thành người biết thứ tha và hòa giải đâu. Hòa giải cho dù mình có lỗi đã là khó. Hòa giải ngay cả khi người ta lỗi đến mình xem ra là điều nhục nhã vô lý. Để làm được điều này, cần trải qua việc hoán cải nội tâm, lòng can đảm khiêm nhường vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu là cần thiết. Lời Ngài rất rõ ràng: không chỉ kẻ sinh sự mà cả người bị sinh sự cũng phải tìm sự hòa giải (lấy ý Mt 5:23-24). Ngườiø Kitô hữu cần tạo ra hòa bình ngay cả khi cảm thấy mình là nạn nhân của người sinh sự vô lý. Chúa đã hành xử như thế. Ngài chờ đợi các môn đệ của Ngài theo Ngài, cùng hợp tác trong cách thức này trong sự giải thoát lẫn nhau.

 

Trong thời đại chúng ta, sự tha thứ dường như ngày càng trở nên một chiều kích cần thiết cho sự canh tân xã hội thật sự và cho sự củng cố nền hòa bình thế giới. Giáo Hội, trong khi loan báo sự tha thứ và yêu thương kẻ thù, ý thức được phải linh hứng trong gia sản của nhân loại một cách thế mới trong quan hệ với nhau, một cách thế có thể là khó khăn nhưng đầy hy vọng. Trong chiều hướng này, Giáo Hội biết phải cậy nhờ vào sự trợ giúp của Chúa, Đấng không bao giờ ngoảnh mặt đi khỏi kẻ đang tìm đến Ngài trong lúc khó khăn.

 

5. Đức Mến thì không oán giận (1 Cor 13:5) . Trong câu đầu tiên này của thư Thứ Nhất gởi giáo đoàn Côrintô, thánh Tông Đồ Phaolô nhắc lại rằng tha thứ là dạng cao nhất của việc thực hành đức bác ái. Mùa Chay là mùa thuận lợi để đào sâu ý nghĩa của nhân đức này. Qua bí tích Hòa Giải, Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta qua Đức Kitô sự tha thứ của Người và điều này khích lệ chúng ta sống trong yêu thương, coi kẻ khác không phải là kẻ thù nhưng là anh em.

 

Cầu mong cho thời điểm của thống hối và hòa giải này khích lệ các tín hữu nghĩ và hành động trong dấu chỉ của lòng bác ái thực sự, mở rộng ra đến chiều kích toàn nhân loại. Thái độ nội tâm này sẽ dẫn đưa họ đến, với một tâm tình mới, việc trao ban hoa trái của Thần Khí và những trợ giúp vật chất cho những ai đang cần đến.

Một tâm tình hòa giải với Thiên Chúa và người xung quanh là một tâm tình quảng đại. Trong những ngày thánh thiện của Mùa Chay, việc "trao ban" đòi hỏi một ý nghĩa sâu xa hơn, vì không phải chỉ là cho đi những thứ thừa thải hầu ru ngủ những đòi hỏi của lương tâm, nhưng phải là sự chân thành đón nhận những đau khổ đang có mặt trên thế giới này. Việc nhìn ngắm khuôn mặt chịu đựng và điều kiện sống lầm than của nhiều anh chị em chúng ta buộc chúng ta phải chia sẻ một phần những gì chúng ta có với những ai đang khó khăn. Việc bố thí Mùa Chay sẽ mang lại sự phong phú về ý nghĩa hơn nếu việc bố thí ấy được giải thoát khỏi lòng thù hận và sự thờ ơ lãnh đạm là những cản trở ngăn ta không hiệp thông với Thiên Chúa và anh chị em mình.
Thế giới trông đợi một chứng tá nhất quán về sự hiệp thông và tình liên đới. Trong bối cảnh đó, lời của Thánh Tông Đồ Gioan ngời sáng lên "Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?" (1 Jn 3:17).

 

Anh chị em thân mến! Thánh Gioan Chrysostom, khi bàn về lời dạy của Chúa chúng ta trên đường lên Giêrusalem, nhắc lại rằng Chúa Kitô không để các môn đệ không hay biết gì về những trận chiến và những hy sinh đang đợi họ. Ngài nhấn mạnh rằng việc từ bỏ "cái tôi" là khó khăn. Tuy nhiên, không có gì là không thể khi ta có thể tín thác vào sự trợ giúp của Thiên Chúa ban cho ta "qua sự hiệp thông với con người của Đức Kitô". (PG 58, 619 s).

Đó là lý do tại sao trong Mùa Chay này, tôi muốn mời gọi tất cả các tín hữu đến với việc cầu nguyện thiết tha và tin tưởng vào Thiên Chúa. Điều này cho phép chúng ta nhận thấy sự thương xót mới mẻ của Ngài. Chỉ có món quà này mới giúp ta chào đón và sống tình yêu của Chúa Kitô trong cách thức vui mừng và quảng đại hơn bao giờ, một tình yêu "không vênh vang tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật." (1 Cor 13:5-6).

 

Với những tình cảm này, tôi kêu cầu sự che chở của Đức Mẹ Đầy Lòng Từ Ái trong hành trình Mùa Chay của toàn thể cộng đồng tín hữu và tôi ban Bình An Tông Truyền chân thành cho mỗi người trong anh chị em.

 

Đức Gioan Phaolô II


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà