MARANATHA!
Mùa Vọng Và Giới Trẻ


Lm. Phaolô Phạm Công Phương

Thưa các bạn trẻ, các bạn mong ước điều gì nhất cho mình và cho những người thân yêu nhất?

Tiền tài, sức khoẻ, danh thơm ư ?

Chúng cần thiết nhưng không phải là tất cả ! Khi chết, tôi cũng như các bạn, chúng mình chẳng đem theo chúng xuống mộ phần làm gì ! Vậy các bạn khát mong điều gì nhất cho mình, cho ba má các bạn nếu không phải là mong ước cho các ngài được hạnh phúc ? Và hạnh phúc, xét cho cùng là được cứu độ.

Trong tâm tình mùa Vọng, mùa trông đợi Chúa đến, chúng ta cùng xác định cho mình một đáp án cứu độ hầu thoả mãn khát vọng cơ bản ấy. Căn cứ vào mạc khải chúng ta xác tín Ðức Giêsu Kitô, Ðấng chúng ta mong đợi, là Ðấng Cứu Thế duy nhất có thể lấp đầy mọi khát vọng của nhân loại chúng ta hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

I. KHÁT VỌNG MUÔN THUỞ CỦA CON NGƯỜI :

Thưa các bạn, ai trong các bạn sống mà không khao khát, không hy vọng một điều gì đó?

Tôi nghĩ, làm người không ai mà không mơ ước, và ngay cả những người tự tử cũng nuôi hoài bão, cũng hy vọng đấy, các bạn ạ ! Ðúng là họ thất vọng, và có thể nói là tuyệt vọng nữa, nhưng qua cái chết họ cũng hy vọng gặp lại điều họ đã chờ đợi và khao khát mà may ra chỉ có cái chết mới có thể chứng minh được điều đó. Chỉ tiếc rằng họ đã ước mơ sai nên dẫn đến hành động sai.

Ước mơ và hiện thực

Ước mơ cũng thật kỳ diệu, phải không các bạn ? Bạn có thể không thực hiện được điều mà bạn mơ ước nhưng có thể nói bất cứ điều gì bạn thực hiện được thì trước đó bạn đã phải cưu mang nó trong mơ ước. Thực vậy, tất cả ước mơ của Jules Verne về một thế giới tương lai được nhà văn trình bày trong các chuyện khoa học giả tưởng đến bây giờ đã thành hiện thực. Thời đại của tác giả đâu có máy bay tầu ngầm, không vô tuyến, không truyền hình. thế mà ngày nay khoa học kỹ thuật đã vượt xa những mơ ước của ông với sự bùng nổ về kỹ thuật thông tin, về công nghệ điện tử, công nghệ sinh học..

Thế nhưng, phải chăng khi nền văn minh đạt tới sự diệu kỳ cũng là lúc con người tìm cách thỏa mãn mọi dục vọng thất thường của mình ? Giữa thời buổi kinh tế thị trường phát triển này thì lợi nhuận và hưởng thụ là hai tiêu chuẩn giá trị chiếm lĩnh mọi thị trường tiêu thụ. Thử hỏi điều đó lại không tạo nên một lo âu khắc khoải khi các giá trị cao qúi khác, đặc biệt về luân lí, bị hạ thấp hay sao ?

Như vậy, không có một lý tưởng nào mà không được cưu mang từ trong mơ ước, và ngay cả tôi lỗi cũng được thai nghén từ những ý nghĩ mơ ước thầm kín bất chính.

Còn các bạn, hiện nay các bạn mơ ước điều gì, hy vọng điều gì sẽ đến trong tương lai?

Tôi nghĩ đa số bận tâm của các bạn trẻ hôm nay là công ăn việc làm để kiếm một chỗ đứng nào đó trong xã hội. Mọi đầu tư sách vở, kiến thức, ngoại ngữ, vi tính. vất vả thật đấy, nhưng nó mở ra một chân trời hy vọng cho đời sống tương lai của các bạn trẻ, nhất là sinh viên học sinh. Hôm nay bạn lao động, giầm mưa giãi nắng, bòn góp từng đồng cũng là để xây dựng gia đình sau này thêm khá giả, có của ăn của để. Và dĩ nhiên, không thể bỏ qua ước mơ tình yêu và hạnh phúc , tìm người ý hợp tâm đầu để xây dệt tổ ấm yêu thương.

Chúng ta cứ tìm hoài, tìm mãi vì cuộc sống không xuôi chảy như dự định! Khổ đau, thất bại và cả hạnh phúc nữa cứ nối tiếp nên cứ khao khát sống mãi để kiếm tìm một hạnh phúc chân thật.

Số phận con người rồi sẽ đi về đâu ?

Thực tế, con người lại phải bó tay trước sự chết ! Vì thế con người có khuynh hướng tận dụng thời gian để bành trướng cái tôi của mình, muốn phóng đại cuộc sống hiện tại của mình qua quyền lực và danh vọng.

Phải chăng đời sống con người chỉ gói gọn trong cuộc sống tại thế này hay sao ? Nếu thế, ngày sinh nhật, khởi đầu đời sống con người, càng hoan hỉ bao nhiêu thì ngày từ trần , kết thúc đời sống ấy, lại càng buồn bã bấy nhiêu ! Và như thế thì thật phi lý !

Nhưng không, là những người có đức tin, chúng ta không giới hạn tầm nhìn chỉ ở không gian và thời gian này. Thánh lễ an táng mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn tham dự dù có vương màu tang tóc nhưng vẫn bật lên tia hy vọng vì niềm tin của chúng ta vào sự sống lại, vào ơn cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.

Chúng ta thử nhìn vào đời sống của côn trùng thôi thì đã thấy sự thay đời đổi kiếp của chúng rồi. Nếu các bạn nghe được tiếng nói của côn trùng, các bạn thử hỏi con sâu kia, con tằm, con nhộng kia xem chúng mong mỏi điều gì nhất ? Có lẽ nó sẽ không ngần ngại trả lời: "Tôi mơ ước sẽ là một con sâu thật to bự để làm hoàng hậu, làm nữ chúa thống trị các loài sâu bọ !" Thế thì nó đã lầm to, các bạn ạ ! Con tằm, con sâu kia hiện hữu là để trở thành con bướm. Con lăng quăng mò mẫm dưới nước kia sẽ trở thành con muỗi vo ve trên không. Ðó mới là ơn gọi đích thực của chúng.

Còn chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng theo họa ảnh của Người, chẳng lẽ hình ảnh ấy lại tan rã theo bùn đất hay sao ? Có thể con sâu kia lầm lẫn vì nó không nhìn thấy tương lai của mình nên chỉ muốn phóng đại đời sống hiện tại, chỉ biết cái mình đang sống mà không biết cái mình sẽ trở thành, đúng hơn là đang trở thành. Con người còn cao hơn con vật, vậy thì duyên kiếp nhân sinh sẽ đặt để ở đâu nếu không phải là chính nơi Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng con người theo hình ảnh của Người ?

Ðúng vậy, con người là hình ảnh của Thiên Chúa nhưng không hẳn con người là con cái Thiên Chúa. Thực ra, tôi và các bạn, chúng ta đang trở nên con cái Thiên Chúa vì tự bản chất con người không phải là con Thiên Chúa nhưng được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Như thế cuộc sống hiện tại này đang là điều kiện để chúng ta tăng trưởngvà biến đổi thành đời sống những người con của Thiên Chúa. Phải xác tín như thánh Phaolô rằng chúng ta sẽ được biến đổi vì "cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Ðấng từ trời mà đến" (1Cr 15,49). Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã là con cái Thiên Chúa nhưng điều ấy chỉ toàn hảo khi Ðấng chúng ta mong đợi sẽ lại đến phục sinh thân xác tro bụi của chúng ta. Không đương nhiên cứ phải là vĩ nhân mới được tham dự vào bản tính thần linh song tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi nên một với Thiên Chúa, và đó mới là ơn gọi đích thực của chúng ta.

Ai sẽ là người thoả mãn mọi khát vọng sâu xa của con người, ai sẽ biến đổi chúng ta từ thân xác hèn mọn đến thân xác vinh quang, từ một xác thể khí huyết đến một thân xác thần thiêng, từ thân phận đơn thuần là con người tro bụi bước vào tình trạng vinh quang được tham dự sự sống của Thiên Chúa, như lời khẳng định của thánh Phaolô: "Cái thân phải hư nát sẽ mặc lấy sự bất diệt, va cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử" (1Cr 15,42-44.53

II. ÐỨC GIÊSU KITÔ THỎA MÃN MỌI KHÁT VỌNG :

Nếu bạn ra bến xe, phi trường hay sân ga để đón một người thì ít nhiều bạn cũng đã biết qua về người ấy, hay ít là qua một vài dấu hiệu nào đó. Không ai lại đi đón một người không hề quen biết, không được nói đến bao giớ! Mùa Vọng là muà trông chờ Chúa đến mà chúng ta không tập nhận diện Người qua những dấu chỉ nào đó thì thật là hoài công mong đợi. Chỉ có Ðức Giêsu Kitô và Thánh Thần của Người mới mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai và chúng ta là ai.

Thiên Chúa là ai ?

Qua giáo huấn và đời sống của Ðức Giêsu chúng ta biết "Thiên Chúa là TÌNH YÊU", như lời khẳng định của thư thánh Gioan (1Ga 4,1). Tôi dám đoan chắc ai trong các bạn cũng biết câu định nghĩa ấy, "Thiên Chúa là Tình Yêu", nhưng thử hỏi, tôi cũng như các bạn, chúng ta đã nghiền ngẫm và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa hay chưa?

Tình yêu là một thực tại quá gần gũi với chúng ta, đặc biệt các bạn trẻ phải không ? Chắc các bạn cũng cảm được khuynh hướng sâu xa của tình yêu là muốn gần gũi người mình yêu, không những thế mà còn muốn trở nên một với người mình yêu. Trong tình yêu hôn nhân có sự kết hợp mật thiết nhưng không phải là đã dễ dàng trở nên một: Ta với mình tuy hai mà một, tuy một nhưng vẫn cứ là hai. Theo các nhà phân tâm thì ngay đối với một cặp vợ chồng hạnh phúc nhất thì tình yêu vẫn để lại một sự thích thú chưa hoàn thành vì người yêu của họ có lý tưởng đến mấy đi nữa vẫn không thể lấp đầy hết mọi khát vọng yêu thương của con người. Ðiều ấy cho thấy tình yêu khai mở về Ðấng Vô Biên, Ðấng duy nhất có thể thoả mãn mọi khát vọng yêu thương của con người.

Ðại lễ Giáng Sinh sắp đến, phụng vụ của Hội Thánh cho thấy Thiên Chúa không chỉ kết hiệp với con người mà Người còn trở nên một người trong chúng ta, "giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi", qua mầu nhiệm Nhập Thể.

Vậy con người là gì ?

Cha Francois Varillon không ngần ngại trả lời: "Con người là người được thần hóa" (l'homme est du divinisable) [Joie de croire - joie de vivre, Centurion, Paris 1981, trang 22]. Tại sao như vậy ? Thưa bởi vì có một người là Thiên Chúa. Và nếu đã có một phần tử nhân loại là Thiên Chúa thì trong tất cả chúng ta đây, mỗi người đều có khả thể trở thành Thiên Chúa. Ứơc muốn trở thành Thiên Chúa của Adam và Eva ngày xưa là muốn tồn tại đời đời trong chính mình, nhờ mình mà không cậy dựa vào Thiên Chúa, và như vậy là mong ước nộp mình cho sự chết mà thôi ! Khác với nguyên tổ, chúng ta trở thành Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng vừa là người vừa là Thiên Chúa. Chúng ta không tự mình tồn tại vì chúng ta phải đi ngang qua cái chết, nhưng chúng ta tồn tại trong Thiên Chúa nhờ sự Phục Sinh của Ðấng đã chiến thắng tử thần.

Vậy nếu chúng ta được thần hóa thì chúng ta có còn là người nữa không ?

Chúng ta càng trở thành Thiên Chúa thì chúng ta càng là người, càng là người thì càng trở nên giống Thiên Chúa. Ðể trở thành con bướm, con sâu kia không thể đốt giai đoạn , nó phải tăng trưởng dần dần từ một trứng tằm nở thành con sâu rồi làm kén trở thành con nhộng rồi mới lột xác thành con bướm. Con người cũng phải được tăng trưởng rồi mới được biến đổi . Thế nên phải nói: càng được nhân hóa, chúng ta càng được thần hóa. Nếu Ðức Giêsu Kitô chỉ là Thiên Chúa mà không phải là người thật, hoặc bây giờ đã hết là người thì loài người chúng ta có cố gắng mấy thì cùng lắm cũng chỉ trở thành những vĩ nhân, những con người vĩ đại về khoa học, chính trị, văn hoá. mà không bao giờ được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa.

Tương quan tình yêu giữa con người và Thiên Chúa

Chúng ta đã hiểu phần nào về Thiên Chúa và về con người, nhưng tại sao con người lại được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa ?

Thật đơn giản nhưng cũng thật sâu xa, bởi vì Thiên Chúa yêu thương con người và Người không muốn chúng ta phải chết,phải hư nát nhưng được trở nên một với Người. Các bạn cứ thử nghiệm xét lại mình coi, khi bạn thực tâm nói với người yêu của mình: "Anh yêu em", hay ngược lại, là hiểu ngầm bạn muốn nói: "Em sẽ không bao giờ chết" vì tình yêu không bao giờ muốn sự chia lìa. Tôi nói là phải thực tâm,nếu không,lới nói "Anh yêu em" chỉ là môi miệng thì chẳng cảm nghiệm được khát vọng bất tử ấy. Các bạn không dại dột gì mà nói "Anh yêu em cho đến khi chết (mới thôi !)" vì như vậy là đã giới hạn tình yêu rồi. Nhưng khi các bạn nói: "Anh yêu em đến chết được !", nghĩa là các bạn muốn kéo dài tình yêu, muốn tình yêu được vĩnh viễn, không bao giờ muốn chia lìa, kể cả cái chết. Mặc dù nói như vậy nhưng tình yêu của con người chúng ta vẫn bị cản ngăn bởi cái chết. Khi phải đối đầu với caí chết của người thân yêu, mặc dù bạn đau đớn nhưng cũng phải nói lời xin vâng vì bạn có phản kháng cũng vô ích, nhưng tự trong thâm tâm, bạn vẫn cảm thấy khó chấp nhận vì sự chết làm chia lìa tình yêu. Sự vắng mặt thể xác cộng với thời gian sẽ có nguy cơ sói mòn tình yêu.

Thế nhưng Ðức Kitô muốn nói với chúng ta: "Anh em sẽ không chết" bởi vì Người đã nói: "Thầy yêu anh em". Chỉ có Ðức Kitô Phục Sinh mới có thể yêu một cách trọn vẹn và đúng nghĩa nhất vì chỉ có Người mới cho chúng ta sống mãi, sống đời đời trong sự sống của Thiên Chúa. Và cũng chỉ có Kitô giáo mới dám đặt để thân xác con người trong chiều sâu của huyền nhiệm Thiên Chúa (Guardini). Bởi lẽ cách đây 2000 năm đã có một người ở giữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, có một người ngang bằng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người đó là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã đi về cùng Chúa Cha để dọn chỗ cho loài người chúng ta (Ga 14,2). Giữa lòng Thiên Chúa có một trái tim nhân loại đang lúc lắc như muốn nối kết con người với Thiên Chúa, như muốn dành để cho con người chỗ đứng thâm sâu nhất là Tình Yêu, là Sự Sống của Thiên Chúa.

Như vậy, Ðức Giêsu Kitô là đáp án cứu độ của nhân loại vì duy chỉ có Ngài mới có thể thoả mãn mọi khát vọng sâu xa của con người. Ðấng ấy đã đến và sẽ lại đến, chúng ta có thể gặp Ngài trong cuộc sống nhưng vẫn chưa "diện đối diện" cách tỏ tường nên chúng ta vẫn khao khát. Vậy lòng khát mong ấy thúc đẩy chúng ta phải làm gì trong khi chờ đợi Ngài lại đến ?

III. LẠY CHÚA GIÊSU, XIN HÃY ÐẾN !

Cuộc sống hôm nay có rất nhiều cái bất ngờ, phải không các bạn ? Bất ngờ gặp tai nạn, bất ngờ tìm được việc, được quà, bất ngờ bị phát giác, bị phản bội, rồi trúng số cũng là một bất ngờ. (chuyện Dao Kim bất ngờ bị chửi mắng rồi lại được trả tiền).

Thưa các bạn, cuộc sống chúng ta còn có nhiều cái bất ngờ còn tinh vi hơn nữa ! Nó đã được chuẩn bị từ xa nhưng chúng ta khó nhận ra hoặc quá coi thường để rồi khi sự việc xảy ra thì đã muộn. Có những điều rất nhỏ mọn len lỏi vào cung cách sống của chúng ta, để rồi làm nên những bất ngờ, bất ngờ sa ngã, và không ngờ lại đau đớn đến như vậy!

Vậy phải tỉnh thức và cầu nguyện

Kinh Thánh còn để lại cho chúng ta nhiều mẫu gương tỉnh thức và cầu nguyện như người đầy tớ chờ đợi chủ về, người lính gác mong trời hừng đông hoặc như những cô phụ dâu chờ đợi chàng rể đến. Ðặc biệt trong Cựu Ước , sách Diệu Ca đã diễn tả sự mong mỏi đầy ắp tình yêu của đôi bạn đang yêu, thân xác ngủ mà trái tim vẫn thức: "Tôi đang ngủ nhưng hồn sực tỉnh. Nghe kìa: người yêu tôi. Chàng đó! Chàng đang đến, nhảy qua núi, băng qua đồi." (Dc 2,8).

Có thể các bạn cảm thấy gần gũi với sách Diệu Ca vì nó bộc lộ tâm tình tự nhiên của các bạn. Thế nhưng tôi lại thích tâm tình của thánh Phaolô vì nó diễn tả thái độ và tâm tình tỉnh thức rất sâu xa: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal 2,20). Ðây đúng là một người vừa mòn mỏi đợi trông, vừa tỉnh thức không làm điều gì mất lòng người yêu và luôn khẩn cầu, tâm sự với người mình mong đợi, như thể người mình yêu đang hiện diện, đang hành động qua con người của mình. Ðây quả là tâm tình và cung cách của người tương tư, yêu đến độ si mê, lúc nào cũng nghĩ tưởng đến người mình yêu, phải không các bạn ?

Sở dĩ phải tỉnh thức là vì, các bạn cũng như tôi, nhiều lúc chúng ta không ngờ được những bộ mặt trá hình của tội lỗi. Có những cung cách sống không đúng đắn, thoạt đầu xem ra không ảnh hưởng gì nhưng ngày càng quen dần đến chỗ chai lì, mất cả ý thức về tội lỗi. Lúc khám phá ra thì đã muộn, nhưng vẫn không muộn đâu, thưa các bạn, nếu chúng ta bừng tỉnh và thật tâm mong mỏi ơn cứu độ.

Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc hằng ngày nhắc nhở chúng mình chỉ có một bận tâm lớn nhất, đó là ơn cứu độ được hoàn tất, mọi người được cứu độ và đồng thời phải khẩn cầu để khỏi phải rơi vào chước cám dỗ.

Khát mong cho mọi người được cứu độ

Chắc chắn tôi sẽ chẳng thấy vui vẻ và hấp dẫn nếu trên thiên đường chỉ có mình tôi. Mọi người phải được cứu độ, bận tâm ấy vượt ra ngoài tính cách cá nhân và mang chiều kích hoàn vũ bao gồm toàn thể nhân loại ở mọi thời và mọi nơi.

Không những chúng ta mong Chúa đến cứu chúng ta mà còn trông mong ơn cứu độ được thể hiện trên toàn cõi đất cho nhiều người nhận biết Ðức Giêsu Kitô. Ðó chính là sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh và cũng là sứ mệnh của mỗi người chúng ta.

Thử hỏi chúng ta đã làm gì để có nhiều người được nhận lãnh ơn cứu độ ? Tôi thiết nghĩ chúng mình phải có một ước vọng cứu độ thật lớn, một bận tâm truyền giáo thật mãnh liệt đến độ những tâm tình ấy sẽ chi phối và điều chỉnh đời sống của chúng ta thành những chứng từ có sức thu phục nhân tâm.

Các bạn có thể đặt vấn đề ước vọng thì chưa đú! Ðúng vậy, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là chúng mình sẽ tìm ra cách sống phù hợp với Tin Mừng khi bận tâm truyền giáo trong chúng ta thật khát khao thật mãnh liệt. Bằng chứng là đời sống chứng nhân Tin Mừng của chị Thánh Têrêxa HÐ được xây dệt từ những ước mơ truyền giáo. Có thể nói Têrêxa đã thắp sáng đời mình bằng những ước mơ. Năm 1896, nhà dòng đã phải nghĩ đến chuyện đưa Têrêxa đến sống ở một nước truyền giáo, cụ thể là nước Việt Nam chúng ta.Tiếc rằng cơn bệnh đã đến giai đoạn cuối không cho phép Têrêxa sang ở Hà Nội hay Sài Gòn (Têrêxa qua đời năm 1897 lúc 24 tuổi). Cho dù có sang Việt nam thì Têrêxa vẫn sống trong bốn bức tường của nhà dòng, đâu có lặn lội như các nhà truyền giáo, thế mà chị thánh lại được tôn phong ngang hàng thánh Phanxicô Xaviê.

Tôi xin kể một chứng từ nữa, cũng mới đây thôi. Cô Jacqueline de Decker, người nước Bỉ, tốt nghiệp đại học chuyên về xã hội, muốn phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ nhưng mới được thời gian ngắn đã phải trở về Bỉ để chữa bệnh. Cô bị chấn thương ở cột sống (hồi 15 tuổi) và phải chịu 34 lần giải phẫu. Chung quanh cổ chị là một cái vòng chỉnh hình, toàn thân bị bó chặt trong một chiếc áo nẹp bằng kim loại và chỉ bước đi chập choạng nhờ đôi nạng. Trong nỗi tuyệt vọng, chị chỉ muốn kết liễu đời mình nhưng đã được cứu thoát vì nghĩ rằng mình vẫn còn một chỗ trong thế giới này để giúp đỡ người khác. Năm 1952, chị nhận được lá thư của mẹ Têrêxa Calcuta như sau: "Bạn ước muốn làm một thừa sai. Tại sao bạn không lliên kết với cộng đoàn chúng tôi mà bạn rất qúi mến? Khi chúng tôi làm việc trong nhưng căn nhà ổ chuột thì bạn, bằng kinh nguyện và nhưng đau khổ của mình, bạn sẽ dự phần vào công trạng, lời cầu nguyện và hoạt động của chúng tôi." Lá thư này đã giúp chị hiểu rằng mình chẳng hề bị Thiên Chúa loại bỏ, mà còn được ban cho một vai trò đặc biệt là hỗ trợ công việc của mẹ Têrêxa bằng việc vui vẻ hiến dâng cuộc đời đau khổ của mình.Phương cách của chị là: "Mỉm cười thật tươi mà đón nhận những gì Thiên Chúa ban cho và dâng hiến những gì Người lấy lại". Và chị đã làm được điều đó nhờ liên kết với những đau khổ của Chúa Kitô.

Thế nên, muốn làm cho mọi người nhận biết Ðức Kitô thì trước hết bản thân chúng ta cũng phải gặp gỡ được Ngài.

Tiếp cận bí tích Thánh Thể

Chúng ta có thể sống niềm khao khát gặp gỡ Ðấng Cứu Ðộ qua việc kết hiệp Thánh Thể trong phụng vụ của Hội Thánh.

Trong bí tích Thánh Thể, bánh và rượu là hai thực thể vật chất nhưng đã được trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, nghĩa là chúng được tham dự trước vào vinh quang của con người được thần hóa mà lẽ ra chúng chỉ được chia sẻ vinh quang ấy sau khi loài người Phục Sinh (Rm 8,26). Như vậy khi tham dự Thánh Lễ, kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể là một cách đáp ứng khát mong ơn cứu độ, là gặp được Ðấng Cứu Ðộ, là hưởng nếm trước sự thần hoá sẽ trọn vẹn vào ngày cánh chung.

Trong Bí tích Thánh Thể chúng ta đã được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa nhưng vẫn chưa trọn vẹn. Vì thế cùng với Hội Thánh, chúng ta có thể reo lên"Maranatha, Chúa đã đến rồí !" nhưng vẫn còn phải khẩn cầu: "Maranatha, Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến !"

Mùa Vọng đang trở về với chúng ta như một bóng dáng thân quen, một thoáng lạnh mùa Ðông như đang ẩn nấp đâu đây dưới những lớp áo lạnh thật duyên dáng. Phải chăng quen quá lại hoá nhàm, chúng ta không còn đủ nhạy cảm để nhận diện Ðấng mình mong đợi ?

Chuyện kể một thương gia được thần linh mách bảo về bí mật của một viên đá quý. Ông bỏ công ra bờ biển nhặt từng viên đá, xem xét từng dấu hiệu như đã được mách bảo, nếu không phải ông lại quăng xuống biển. Ngày này qua tháng nọ,ông đã quen tay, không cần nhìn kỹ cũng biết là không phải và luôn tay vứt xuống biển. Cho đến một hôm, ông đã cầm được viên đá nóng trong tay đúng như lời thần linh mách bảo nhưng vì quen tay ông lại quăng xuống biển. Tiếc thay cho cả cuộc đời mong mỏi kiếm tìm của ông, thói quen đã làm ông chai lì không đủ nhạy cảm nhận ra điều mình hằng mong đợi nên chỉ hoài công vô ích.

Còn tôi và các bạn, chúng mình ít nhiều đã biết mình mong mỏi Ai, chờ đợi điều gì nơi Người ấy, nhưng có gặp được hay không là còn tuỳ thuộc vào sự tỉnh thức và hoán cải không ngừng để đạt tới tầm mức vẹn toàn trong ngày gặp gỡ 'diện đối diện' với Thiên Chúa.

Trong tâm tình mong đợi Chúa đến, xin mời các bạn cùng hát lên: MARANATHA !


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà