ĐÔI NÉT VỀ MÙA GIÁNG SINH

Tại nhiều nước Tây phương, các công sở, trường học và xí nghiệp tiếp tục nghỉ trọn một tuần sau Lễ Giáng Sinh, cho đến Tết Dương Lịch. Tuy nhiên, xét trong khung cảnh gia đình thì đa số các truyền thống tôn giáo cũng như thế tục liên quan đến Lễ Giáng Sinh đều chấm dứt ngay sau ngày 25 tháng 12. Những sắc màu trang trí Nô-en có thể vẫn còn bịn rịn thêm một ít lâu, nhưng phần lớn các sinh hoạt đều nhanh chóng trở về nhịp sống bình thường.

Trong phụng vụ của Giáo Hội thì không thế. Những bài thánh ca giáng sinh vẫn còn tiếp tục cho đến Lễ Hiển Linh, ngày 6 tháng giêng. Hiện nay Lễ Hiển Linh được Giáo Hội cử hành vào ngày Chúa Nhật giữa ngày 2 và ngày 8 tháng giêng. Còn Lễ Thánh Gia sẽ rơi vào Chúa Nhật giữa Lễ Giáng Sinh và ngày đầu năm dương lịch, 1 tháng giêng. Ngày 26 tháng 12 được dành để kính nhớ vị thánh tử đạo đầu tiên: Thánh Stê-pha-nô. Ngày hôm sau, 27 tháng 12, kính nhớ Thánh Gio-an Tông Đồ, tác giả Sách Tin Mừng. Ngày 28 là Lễ Các Thánh Anh Hài, ôn lại câu chuyện trong Phúc Âm về những biến cố xảy ra xung quanh cuộc chào đời của Chúa Giê-su. Ngày 1 tháng giêng, đầu năm mới, là cuối Tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Cuối cùng, mùa Giáng Sinh được khép lại bằng Lễ Hiển Linh. Hang Đá và các loại trang trí khác được thu dọn. .. Hẹn mùa đông năm sau!

những ngày lễ các thánh tử đạo 

Ngày nay chúng ta thật khó hình dung trong nhịp sống một năm của mình lại thiếu mất ngày Lễ Giáng Sinh – và thiếu mất bầu khí Giáng Sinh trong phụng tự cũng như ngoài đời sống xã hội. Thế nhưng, đã có một thời như thế. Truyền thống cử hành các ngày lễ mừng kính các thánh tử đạo đã tồn tại trước khi có ngày Lễ Giáng Sinh đầu tiên trong phụng vụ. Ngày nay, ba trong số những ngày lễ ấy được đặt vào liền sau Lễ Giáng Sinh.

Các vị tử đạo được mừng trong mùa Giáng Sinh này tiêu biểu cho ba hình thức tuẫn giáo vốn thường được ghi nhận trong những thế kỷ bị bách hại: Có những người vui lòng chịu chết (như Thánh Stê-pha-nô); có những người khác cũng vui lòng chịu chết, nhưng không bị xử tử (như Thánh Gio-an); và có những người khác nữa bị xử tử không phải do mình chọn lựa (như các Thánh Anh Hài).

Theo truyền thống, Thánh Stê-pha-nô (lễ ngày 26.12) được xem là người môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su chịu đổ máu đào để làm chứng cho đức tin. Tân Ước mô tả ngài là một trong những phó tế tiên khởi, phục vụ cho các nhu cầu của các Kitôhữu Do Thái nói tiếng Hi Lạp ở Giê-ru-sa-lem. Ngài bị bắt bởi Hội Đường trong một cuộc tranh luận giữa các Kitôhữu và những người Do Thái – và sau khi nêu chứng tá với đầy Thần Khí, ngài bị họ ném đá cho đến chết (cf. Cv 6 – 7).

Thánh Gio-an Tác Giả Sách Tin Mừng (lễ ngày 27.12) được truyền thống tưởng nhớ như là “người được Đức Giêsu yêu mến” và là người đã viết Sách Phúc Âm cuối cùng và Sách Khải Huyền. Ngài là một tông đồ ở Ê-phê-sô cho đến khi bị đày sang đảo Patmos. Tại một số vùng trên thế giới, vẫn còn tồn tại một truyền thống độc đáo gắn liền với lễ này: người ta làm phép và phân phát rượu của Thánh Gio-an. Dường như truyền thống này bắt nguồn từ một huyền thọai kể rằng Thánh Gio-an đã có lần uống phải rượu bị bỏ thuốc độc – nhưng ngài vẫn không hề hấn gì!

Việc chọn ngày 28 tháng 12 để kính nhớ Các Thánh Anh Hài là một hệ quả trực tiếp liên quan đến việc cử hành Lễ Giáng Sinh. Trong câu chuyện Chúa Giê-su giáng sinh theo Tin Mừng Mat-thêu (2, 13 – 19) có kể lại cuộc tàn sát các bé trai từ hai tuổi trở xuống – theo lệnh của vua Hê-rô-đê. Câu chuyện kết thúc với cuộc chạy trốn của Thánh Gia sang Ai-cập. Những chi tiết này trong sách Tin Mừng phản ảnh tính cách bạo ngược của vua Hê-rô-đê như được lịch sử ghi nhận: một vị vua sẵn sàng thanh trừng bất cứ ai mà ông coi là mối đe dọa cho quyền lực của mình, dù kẻ đó là người trong gia đình ông. Kể chuyện này, có lẽ Mat-thêu muốn đặt biến cố chào đời của Đức Giêsu trong một viễn cảnh thần học rộng lớn hơn: cũng như dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn đã ra khỏi Ai-cập để hình thành nên dân It-ra-en, thì Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn, Đấng Mê-si-a, cũng sẽ ra khỏi Ai-cập để thiết lập It-ra-en mới – là Giáo Hội.

thánh gia

Lễ Thánh Gia chỉ mới được mừng bởi Giáo Hội toàn cầu kể từ năm 1920. Nguyên thủy lễ này được đặt vào Chúa Nhật thứ ba sau Lễ Hiển Linh, nay được dời lui về Chúa Nhật giữa Lễ Giáng Sinh và ngày 1 tháng giêng. Lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Gia vốn đã phổ biến hồi sau thế kỷ 16. Ngày nay, với những thách đố đặt ra cho đời sống gia đình hiện đại, chủ đề gia đình – là tiêu điểm của lễ này – càng có tầm quan trọng đặc biệt. Nhiều giáo xứ vận dụng vào phụng vụ những sáng kiến nhằm giúp các gia đình làm mới lại tình yêu của mình.

ngày 1 tháng giêng

Việc cử hành ngày Tết Dương Lịch, 1 tháng giêng, với một chủ đề đặc biệt không phải là một truyền thống phổ quát toàn cầu. Các dân tộc khác nhau có những ngày tết khác nhau. Trước đây, nhiều dân tộc – chẳng hạn người Anh – chọn ngày xuân phân (25 tháng 3). Trong Đế Quốc Frankish, cho tới thế kỷ 8, ngày Tết được mừng vào ngày 1 tháng 3. Ở Pháp, trước thế kỷ 15, người ta mừng Tết vào ngày Lễ Phục Sinh. Ở Scandinavia và ở Đức, ngày Lễ Giáng Sinh được chọn làm ngày Tết cho đến thế kỷ 16. Còn ngày 1 tháng giêng vốn đã được Julius Caesar thiết định làm ngày Tết cho Đế Quốc Rô-ma vào năm 45 trước công nguyên – cùng với sự khai sinh của lịch Julian. Năm 1852, Giáo Hoàng Gregory XIII thúc đẩy một cuộc cải cách lịch Julian. Cuộc cải cách này đem lại một phương pháp tính toán và phân chia thời gian vẫn còn hiệu lực cho tới hôm nay. Lịch Gregorian vẫn duy trì ngày 1 tháng giêng làm ngày Tết. Các nước Tin Lành bác bỏ lịch này và, do đó, bác bỏ cả việc mừng Tết vào ngày 1 tháng giêng – đây là trường hợp ở nước Đức cho đến năm 1700, ở Anh và ở các vùng thuộc địa bên Mỹ cho đến năm 1752, và ở Thụy Điển cho đến năm 1753.

Trong lịch sử Kitô giáo cho đến nay, ngày 1 tháng giêng mang trong mình nó khá nhiều chủ đề tôn giáo. Nhưng không có chủ đề nào trong đó có liên hệ với ý nghĩa ‘Tết’ đậm sắc thái thế tục như cảm nhận thông thường trong xã hội chúng ta ngày nay. Đầu tiên, ngày này được mừng một cách đặc biệt bởi vì đây là ngày cuối cùng của Tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Giáo Hội nhấn mạnh chiều kích thống hối và chay tịnh – để đẩy lùi ảnh hưởng của ngoại giáo trong ngày này (tức việc mừng Tết một cách náo động quá trớn). Năm 567, Công Đồng Tours thứ hai đã lập ra ba ngày giữ chay tương ứng với những ngày đầu tiên của năm mới.

Nhưng, dù nhấn mạnh đến chiều kích thống hối bao nhiêu đi nữa, Giáo Hội vẫn chưa bao giờ thành công trong việc đẩy lùi những tập tục mừng giao thừa năm mới một cách cuồng nhiệt của dân chúng. Vì thế, các chủ đề tôn giáo khác đã lần lượt được vận dụng cho ngày này. Đầu tiên, đó là chủ đề về Đức Maria – bởi vì ngày hôm nay giáo hoàng cử hành phụng vụ tại thánh đường cổ xưa nhất dâng kính Đức Maria. Ban đầu, Giáo Hội dùng ngày này để mừng sinh nhật Đức Mẹ, Đấng đã sinh hạ Chúa Giêsu – như vậy, chủ đề hôm nay vẫn liên quan chặt chẽ với Lễ Giáng Sinh. Về sau, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ được dời sang ngày 8 tháng 9.

Ở Tây Ban Nha và ở Gaul, trong thế kỷ 6, Giáo Hội bắt đầu dâng ngày 1 tháng giêng để kính nhớ mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu cắt bì. Điều này phù hợp với trình thuật Thánh Kinh: biến cố này xảy ra tám ngày sau khi Đức Giêsu chào đời (Lc 2, 21). Cho đến thế kỷ 13 thì chủ đề này mới lan tới Rôma, và được bổ sung vào với hai chủ đề có sẵn: kết thúc Tuần Bát Nhật Giáng Sinh và Lễ kính Đức Mẹ.

Ngày nay, ngày 1 tháng giêng tiếp tục là một ngày có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng. Nó kết hợp nhiều chủ đề khác nhau: kết thúc Bát Nhật Giáng Sinh, mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa; và gần đây hơn, chủ đề về hòa bình thế giới cũng được gán cho ngày đầu năm mới này. Chủ đề về Đức Giêsu chịu cắt bì đã bị loại bỏ kể từ năm 1969. Dĩ nhiên, những âm thanh và sắc màu của Giáng Sinh vẫn còn đó, rất rõ, trong ngày này.

tết dương lịch

Chủ đề Tết Dương Lịch chưa bao giờ chính thức len vào trong cử hành phụng vụ 1 tháng giêng của Giáo Hội – dù người ta có thể nghe về chủ đề này khá nhiều trong các bài giảng. Đa số các truyền thống có liên quan đến chủ đề Tết Dương Lịch đều thuộc về bình diện thế tục hơn là bình diện tôn giáo. Truyền thống uống rượu giao thừa, chẳng hạn, vốn đã tồn tại từ xa xưa và có nguồn gốc từ các nghi thức tôn giáo của ngoại giáo. Một số nghi thức ngoại giáo cổ thời trong đêm giao thừa có bao gồm việc đốt lửa mới đầu năm, hiệp thông với người quá cố, thổi kèn, đánh trống, reo hò inh ỏi để xua đuổi tà ma năm cũ…, và chúng ta còn nghe được nhiều dư âm của những nghi thức ấy trong Lễ Halloween – (người Celt trước đây mừng Tết vào cuối tháng 10, tiền thân của Lễ Halloween ngày nay).

lễ hiển linh

Lễ Hiển Linh (Epiphany) vốn chính thức rơi vào ngày 6 tháng giêng, nhưng vì được dời vào Chúa Nhật nên bây giờ dao động giữa ngày 2 và 8 tháng giêng. Lễ này đánh dấu kết thúc Mùa Giáng Sinh. ‘Epiphany’ có gốc ở từ Hi lạp epiphanein – hàm nghĩa một sự tỏ hiện, xuất hiện, vén mở ra. Từ ngữ này vốn được dùng để mô tả những sự kiện thần khải hoặc những cuộc viếng thăm của các bậc vị vọng. Một cách tự nhiên, các Giáo Hội nói tiếng Hi lạp ở Đông Phương đã áp dụng từ ngữ này để mô tả sự kiện Thiên Chúa xuất hiện trong thân phận phàm nhân. Xuất phát từ ý nghĩa đó, một số Giáo Hội ở Đông Phương đã cử hành lễ ngày 6 tháng giêng để tưởng nhớ việc Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Gio-đan và việc Người làm phép lạ đầu tiên tại Cana. Một số Giáo Hội khác cử hành ngày này để tưởng nhớ cuộc giáng sinh của Chúa. Cuối cùng, cả hai được kết hợp lại.

Nhiều chứng cứ cho thấy rằng việc mừng Lễ Sinh Nhật Chúa ở Ai-cập và ở các Giáo Hội Cận Đông đã có từ rất xa xưa, có lẽ từ trước thế kỷ 3. Tại sao các Giáo Hội Đông Phương chọn ngày 6 tháng giêng làm ngày mừng Sinh Nhật Chúa? Những giả thuyết người ta đưa ra để trả lời câu hỏi này cũng song song với những lập luận giải thích tại sao bên Tây Phương đã chọn ngày 25 tháng 12. Một cách giải thích khá phổ biến – nhưng vẫn đang bị chất vấn – cho rằng ngày đông chí xảy ra vào ngày 6 tháng giêng, theo lịch được sử dụng tại vùng này thuở ấy. Vào thời ấy, những người ngoại giáo cử hành cuộc epiphanein (hiển linh) của thần Aion giữa dân chúng bằng một lễ mừng thấm đẫm ruợu, nước và ánh sáng. Aion là vị thần của thời gian và vĩnh cửu. Các Kitôhữu có lẽ đã vận dụng ngày này để mừng mầu nhiệm Nhập Thể; họ sáp nhập vào phụng vụ những câu chuyện Phúc Âm về những cuộc epiphanein của Chúa Giê-su: biến cố chào đời, biến cố các đạo sĩ viếng thăm, biến cố chịu phép rửa ở sông Gio-đan, biến cố làm phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana. Chủ đề hỗn hợp này rất có ý nghĩa đối với các tín hữu Đông Phương thời xưa, bởi vì dân chúng đã không được Đức Giêsu tỏ hiện mãi cho đến ngày Người xuất hiện trên bờ sông Gio-đan, xin Gio-an làm phép rửa.

Một giả thuyết gần đây hơn giải thích lai lịch của ngày 6 tháng giêng (đối chiếu với ngày 25 tháng 12 bên Tây Phương) căn cứ vào tiêu điểm mầu nhiệm Vượt Qua trong đời sống dân chúng. Cái chết và cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu có lẽ đã xảy ra vào ngày 6 tháng tư ở bên Đông, tương đương với ngày 14 tháng Nisan (là 25 tháng ba của Tây Phương, tính theo lịch Julian).

Lễ Hiển Linh được giới thiệu vào Gaul hồi giữa thế kỷ 4, bởi vì các Giáo Hội ở khu vực này của Châu Âu có mối gắn bó chặt chẽ với Đông Phương. Tại Gaul, các chủ đề của Lễ Hiển Linh như : cuộc viếng thăm của các đạo sĩ, biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa, phép lạ ở Cana, và biến cố hiển dung của Người… đã được phát triển.

Đến cuối thế kỷ 4, các Giáo Hội Đông và Tây Phương hội nhập các ngày lễ mừng Sinh Nhật Chúa của nhau. Từ đó, Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh được cử hành ở cả hai bên. Cuộc hội nhập này đã dẫn đến việc tách chủ đề riêng ra cho mỗi ngày lễ. Ngày 6 tháng giêng, Giáo Hội Đông Phương vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến các biến cố hiển linh của Chúa theo các câu chuyện Tin Mừng kể trên. Còn ở Giáo Hội Tây Phương, Lễ Hiển Linh được dành để đặc biệt nhấn mạnh cuộc viếng thăm của các nhà đạo sĩ (Mt 2, 1 – 12): Chúa Giê-su hiển linh với dân ngoại!

các nhà đạo sĩ

Câu chuyện về các nhà đạo sĩ trong Sách Phúc Âm – gắn bó mật thiết với Lễ Hiển Linh – không nhằm gửi đến cho người đọc một biến cố lịch sử. Đúng hơn, đó là phản ảnh về một chiều kích quan trọng của mầu nhiệm Nhập Thể: Đấng Mê-si-a đã đến với mọi dân tộc chứ không chỉ riêng cho dân Do Thái mà thôi, một chủ điểm vốn rất được nhấn mạnh trong Tin Mừng Mat-thêu. Từ Hi lạp ‘magi’ qui chiếu đến một tầng lớp học thức ở Ba-by-lon, có lẽ nhằm chỉ các nhà chiêm tinh. Từ ngữ này phù hợp với tính biểu tượng của những sự kiện phi thường đã dẫn đưa các đại biểu của các dân ngoại đến với Đấng Mê-si-a. Những trích dẫn các sấm ngôn Cựu Ước (chẳng hạn, Is 60, 1 – 6) được tác giả Sách Tin Mừng sử dụng để nhấn mạnh rằng cuộc giáng sinh của Đức Giêsu có một mục tiêu phổ quát. Theo Thánh Vịnh 72 (câu 10 tt.), Vua Giu-đa, một tước hiệu của Đấng Mê-si-a, được hứa sẽ nhận được những tặng phẩm. Vàng, nhũ hương và mộc dược – ba món quà được đề cập trong Sách Tin Mừng – theo truyền thống Đông Phương, là những biểu tượng của sự thần phục. Cũng theo truyền thống, những tặng phẩm này nói lên định mệnh của Đức Giêsu: vàng tượng trưng cho vương quyền của Người, nhũ hương là biểu tượng của thiên tính Người, và mộc dược là dấu chỉ về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa.

Trải qua bao thế kỷ, câu chuyện Tin Mừng này về cuộc viếng thăm của các nhà đạo sĩ đã được bồi đắp thêm nhiều chi tiết. Con số các nhà đạo sĩ là 3 – đó là điều được thiết định bởi Origen (chết năm 254), vì căn cứ vào 3 tặng phẩm được nhắc đến trong câu chuyện Tin Mừng. Vào thế kỷ 6, các nhà đạo sĩ được chuyển thành các vua (tức Ba Vua) – để khớp với những tham chiếu Cựu Ước (cf. Tv 72, 10; Is 60, 3tt.). Việc mô tả các nhà đạo sĩ như là ba vị vua – với những dáng vẻ riêng của mỗi vị – xuất phát từ những giai thoại được truyền tụng trong thế kỷ 9. Ba vị vua này được mô tả như là tiêu biểu cho ba chủng tộc chính, với danh tánh lần lượt như sau: Melchoir, một ông già da trắng với chòm râu dài bạc phơ, mang vàng làm lễ phẩm; Caspar, trẻ hơn và da màu sẫm hơn, mang nhũ hương; Balthasar, một người da đen, tiến dâng mộc dược.

lễ truyền tin

Một lễ khác có liên quan chặt chẽ với mầu nhiệm Nhập Thể và, do đó, cũng liên quan với Lễ Giáng Sinh – đó là Lễ Truyền Tin. Lễ này được mừng vào ngày 25 tháng 3 trong Giáo Hội Tây Phương kể từ trước giữa thế kỷ 7. Chủ đề của lễ này nhắc nhớ đến quyết định của Thiên Chúa, quyết định được thông đạt cho Đức Maria thông qua thiên sứ Ga-bri-en rằng Trinh Nữ Maria sẽ là mẹ của một đứa con đặc biệt: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1, 32). Việc chọn ngày 25 tháng 3 từ những thế kỷ đầu tiên có quan hệ mật thiết với việc chọn ngày 25 tháng 12 cho Lễ Giáng Sinh. Có lẽ vì ngày 25 tháng 3, ngày chết của Đức Giêsu và cũng là ngày lễ Vượt Qua cuối cùng, được các Kitôhữu sơ khai xem là ngày sáng tạo và cũng là khoảnh khắc đầu tiên Người đầu thai. Nếu người ta đã tưởng niệm Sinh Nhật Đức Giêsu hằng năm vào ngày 25 tháng 12, thì cũng là tự nhiên việc người ta tưởng niệm khoảnh khắc đầu tiên Người nhập thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria chín tháng trước đó, ngày 25 tháng 3!

Lm. Lê Công Đức tổng hợp, theo Catholic Customs & Traditions của Greg Dues, do Twenty-Third Publications xuất bản.