TẠI SAO NGƯỜI ĐẾN?
Phố phường Sài Thành đã
rộn rã những ánh điện nhấp nháy, không khí giáng sinh theo gió đông ùa về khắp
phố phường, như quấn quyện đất với trời. Giáng sinh bắt đầu trở lại, không khí
hanh lạnh nhưng ấm áp, yêu thương, rịn réo người với người và với vạn vật.
Lễ hội giáng sinh,
không biết từ bao giờ đã trở thành lễ hội lớn của nhân loại. Người ta trao nhau
những lời chúc chân thành, gửi đến những tấm thiệp với lời chúc tốt đẹp, hạnh
phúc. Cảm ơn giáng sinh, mà thế giới biết quan tâm đến nhau. Những quyên góp,
chia sẻ quà giáng sinh ngày càng được lưu tâm, chăm chút. Nếu cứ biết sống sẻ
chia, trao cho nhau niềm vui, tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc thì có
lẽ cuộc đời đã vơi nhiều giọt nước mắt nhọc nhằn, đắng cay, đau khổ.
Cảm ơn Thiên Chúa, cảm
ơn Hài nhi Giêsu bé nhỏ. Sự cho đi, tận hiến và sẻ chia của Ngài cao lớn quá.
Nhân loại đến với nhau, nhưng không ai cho đi tất cả, hình như đó là bản năng
tự nhiên của nhân loại, cái bản năng thiên phú - bảo tồn sự sống. Vì vậy, hiếm
ai dám cho đi đến tận diệt, cho vô điều kiện. Trong cái cho của nhân loại luôn
luôn bao hàm cái muốn được nhận lại. Cho dù việc nhận lại phụ thuộc vào ý muốn
mỗi cá vị nhưng chúng đều có một điểm chung, là mong muốn có được một cái gì.
Người làm phúc thì muốn được trời chúc lành, kẻ làm phúc thì muốn được ghi
ơn... chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới có khả năng yêu kẻ không hề yêu mình.
Càng nghĩ, càng thấy
Thiên Chúa đáng thương, vì có ai thiệt thòi đến tận cùng như Ngài? Sự thật,
Thiên Chúa không bao giờ đáng thương mà chỉ có con người mới đáng thương. Nhân
loại đáng thương vì họ không có khả năng yêu thương vô tận, và càng thiếu thốn,
họ càng cuống cuồng níu kéo đi tìm cho kỳ được tình yêu thương đó. Thực tế,
trong nhân loại, ai có khả năng yêu vô tận bằng Thiên Chúa, có chăng họ đang
cùng nhau tập sống yêu thương để trở nên giống Thiên Chúa.
Tạo dựng con người, hài
lòng, hạnh phúc trong tác phẩm của mình bao nhiêu thì Thiên Chúa càng “đau khổ”
bấy nhiêu khi phải chứng kiến con người lầm than, khốn khổ. Động lòng trước cái
đáng thương của nhân loại, Thiên Chúa đã hy sinh ước mơ, cuộc sống của mình để
sống cuộc sống nhân loại. Ngài đón nhận mọi bất trắc đến với mình, mang lấy cả
tội lỗi, bệnh tật của họ, không phải để họ không còn đau khổ mà đúng hơn là để
dạy cho họ tập biết sống đón nhận và yêu thương. Ngài dư khả năng để xóa bỏ,
giải cứu mọi nỗi thống khổ bất công, tiếng kêu gào thống thiết của nhân loại,
nhưng Ngài không làm điều ấy, mà muốn nhân loại cùng với Ngài bước vào con
đường thập giá, con đường tận diệt hầu tìm ra chân lý hạnh phúc.
Nếu chỉ thắp lên một
ngọn nến để mà ước, có lẽ ai trên thế giới này cũng có thể làm được. Nhưng nếu
chỉ ước là có ngay điều muốn ước, thì ước muốn ấy cũng tẻ nhạt và chóng tàn.
Nhưng nếu tự mình biết thắp lên ước mơ, cái ước mơ ấy mới đáng trân trọng. Cùng
với Thiên Chúa bước đi trên con đường thập giá, cùng trải nghiệm đớn đau, mất
mát, khổ cực sẽ khiến cho con người dày dạn, trưởng thành và biết trân trọng
những điều bình dị nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Thật ra, không có gì là
không quan trọng, từ những bước đi, cử chỉ đơn thường nhất trong cuộc sống, ăn,
uống, ngủ, nghỉ, vui, buồn… trong cái nhìn thần học, tất cả đều mang giá trị
tích cực. Chỉ vì con người chạy theo xu hướng thực dụng, xem thường những điều
nhỏ nhặt, đề cao những cái cốt yếu, quan trọng theo quan niệm bản thân để rồi
bỏ qua biết bao cơ hội. Không vì vậy mà dân gian vẫn thường dạy bảo nhau: “Hạnh
phúc ngay trong tầm tay, vụt mất rồi mới hay, để mà hối hận thì đã muộn”. Cơ
hội chỉ có thể đến một lần, không chờ đợi con người bao giờ. Nó luôn đi qua và
không bao giờ dừng lại, chỉ những ai biết nắm bắt cơ hội mới vẽ nên ước mơ thật
sự của đời mình.
Thiên Chúa trọn vẹn
hạnh phúc, không phải chỉ vì Ngài được nhân loại yêu thương, nhưng chính là
Ngài biết sống yêu thương cho hạnh phúc của nhân loại. Hạnh phúc đích thực,
hạnh phúc cao cả nhất, hạnh phúc đúng nghĩa chính là dám sống cho người mình
yêu thương mà không cần đáp trả, vô điều kiện!
Khác với nhân loại, con
người trao cho nhau hạnh phúc, nhưng sự trao đi luôn luôn đính kèm điều kiện.
Ngài có thể yêu và tha thứ cho người không hề yêu mình, thậm chí còn phản bội,
quay lưng lại với Ngài nữa. Tại sao vậy, tại vì Ngài luôn có, luôn dư dật và
luôn muốn trao đi, ban phát. Nhân loại vì sao trong cái cho luôn tiềm ẩn cái
muốn nhận lại, chính vì bản thân họ là kẻ giới hạn, biết cho sẽ mất và sẽ hết,
cho nên cái khao khát, thèm muốn được nhận lại luôn giằng xéo tâm hồn họ. Nhìn
sự thiếu thốn, bất toàn đáng thương của nhân loại, Thiên Chúa đã đến để cho họ
được sung mãn.
Thiên Chúa giàu có và hạnh phúc quá, con luôn là kẻ bất
hạnh vì bao giờ con cũng thiếu thốn. Thiếu tình yêu, thiếu niềm tin. Dẫu biết
mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng Ngài đã đặt con vào trong thế giới luôn
luôn biến động, bất ổn khiến niềm tin con chao đảo, bất an. Ở tận đáy lòng, con
luôn cảm ơn Thiên Chúa, ghi ơn tình thương cao cả của Ngài, chỉ vì con quá yếu
đuối mỏng dòn, không có khả năng nắm giữ ân huệ Thiên Chúa, hết lần này đến lần
khác, con đã buông bỏ biết bao đặc ân của Ngài. Xin tha thứ cho con, lạy Thiên
Chúa. Cúi xin Ngài tha thứ cho con, cho con được sống trong lòng thương xót và
ơn cứu độ. Chỉ cần con biết phụng thờ và tôn kính Ngài. Yêu thương, phục vụ tha
nhân, cùng với tha nhân đi hết con đường Thiên Chúa muốn, với con là hạnh phúc.
Chính tình yêu thương đã cho nhân loại những con đường để họ đến với nhau. Trên
chính con đường này, Ngài đã đến với nhân loại, thì con không thể đi trên đường
khác mà về với Thiên Chúa được. Ngài muốn con đến thế gian, hiện diện với nhân
loại vì muốn con hạnh phúc. Con bất toàn không thể tận diệt cho Thiên Chúa,
nhưng có thể tận diệt cho người mình yêu thương trong Thiên Chúa. Xin giúp con
tin vững như vậy, để từ nay không còn mãi gạn hỏi: tại sao Người đến?
M. Hoàng Thị Thùy Trang.