LÀM NGƯỜI

Giáng Sinh gợi lên một cái gì thơ mộng êm đềm với rất nhiều hương hoa, âm điệu, màu sắc và ánh sáng. Giáng Sinh là nguồn cảm hứng hầu như không cạn cho bao nhiêu nhà nghệ sĩ. Nhưng người rung cảm với Giáng Sinh thì nhiều, mà số người biết nhìn thấy, biết đón nhận cho mình cái thực tế trần trụi, bi đát và có thể nói là tàn bạo nằm bên dưới những nét, những màu, những âm thanh đẹp mắt, vui tai ấy - số người ấy thật là hiếm hoi, ngay cả trong đám người tin Chúa.

Thiên Chúa làm người có nghĩa là gì?

Trước hết, về phía Thiên Chúa, có nghĩa là Người tự giới hạn mình lại. Từ linh thiêng, Người đã trở thành cụ thể, hữu hình. Từ vĩnh cửu Người đã bước vào thời gian trôi chảy. Là vô biên, Người lại mặc lấy một hạn giới. Người đã làm một con người nhất định, trong một gia đình nhất định, trong một dân tộc, một nền văn minh, một giai đoạn lịch sử nhất định. Đối với con người thì những thứ đó và những thứ khác tương tự, là những điều kiện thiết yếu và quý báu vô cùng nhưng dù sao thì cũng là những giới hạn, huống hồ là đối với Thiên Chúa!

Chúa đã là người Do Thái thì không phải là người La Mã hay Hy Lạp chẳng hạn - hai dân tộc ấy có một nền văn minh cao hơn nền văn minh Do Thái thời bấy giờ. Chúa đã chỉ thuyết giáo bằng ngôn ngữ của nước mình, đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực để đi lại hành đạo với những phương tiện thô sơ thông thường của người đương thời… và điều đó có nghĩa là công cuộc lớn lao của Người bị thu hẹp lại. Giả sử Người sinh vào thời đại ta hẳn là Người đã dùng xe cộ, dùng báo chí, truyền thanh, truyền hình và cả Internet nữa để truyền bá Tin Mừng một cách rộng rãi và mau chóng hơn. Nhưng cho đi là Người sống vào năm bạn đang sống đây, trong một nước văn minh tiến bộ nhất, thì Người sẽ vẫn không thể nào làm khác hơn là phải chấp nhận thân phận con người trong giới hạn của một con người, và Người phải làm như thế bởi vì Người đã muốn làm người trọn vẹn, làm người cho đến cùng.

Mầu nhiệm Chúa nhập thể làm người “khó nuốt” ngay cả đối với các Kitô hữu chúng ta, bởi chúng ta thường quan niệm rằng Chúa phải xa cách, phải ngự “trên trời”, phải lánh xa trần tục.

Tựu trung, nó khó nuốt là bởi tại người ta không chấp nhận thân phận làm người của mình. Đấng Tuyệt Đối, Đấng Chí Thánh mà lại cũng sinh ra, lớn lên, cũng ăn, cũng ngủ, cũng khóc, cũng cười, cũng phải đổ mồ hôi… như người phàm chúng ta: đó là điều ta không muốn, không thích nên khó chấp nhận. Nít-sơ (Nietzsche) và Phơ-bách (Feuerbach) hai nhà tư tưởng Đức thế kỷ XIX đã cho rằng con người khao khát uy quyền, giàu sang, toàn hảo, hạnh phúc, nhưng không đạt tới, nên đã tưởng tượng ra một đấng toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ để lấp đầy vực thẳm mơ ước của mình. Như thế “con người nghèo khó làm nên một Thiên Chúa giàu sang”. Đây không phải là nơi bàn cãi về ý kiến của hai triết gia. Nhưng phải nhận là họ có lý khi ngầm quả quyết rằng con người ta không dễ dàng chấp nhận giới hạn của mình. Và theo tôi nghĩ, có lẽ chính vì thế mà khi tin vào một Đấng Tuyệt Đối, họ muốn Đấng ấy không mang dấu vết gì của cái thân phân tục luỵ của chính mình.

Đây hẳn là một nét tâm lý dễ hiểu. Ngay lúc Kitô giáo mới xuất hiện đã có những người tin đạo phủ nhận Đức Giêsu Kitô là người thật. Theo họ thì Người chỉ là Thiên Chúa mang một hình người giả. Tông đồ Gioan, rồi tiếp đến là các giáo phụ đã phải mạnh mẽ chống lại thứ lý thuyết “xét lại” này trong hàng trăm năm. Hình như kể từ cuối thế kỷ thứ V trở đi, lý thuyết ấy không còn tồn tại như một chủ trương nữa, nhưng nó vẫn sống động như một khuynh hướng liên tục cho tới ngày nay.

Nó vẫn sống động khi người Kitô hữu đối lập tự nhiên với siêu nhiên, vật chất với tinh thần, xác với hồn, thời gian với vĩnh cửu, đời này với đời sau, đường phố với nhà thờ…, và cho rằng chỉ bên này là tốt còn bên kia khó mà tốt được. Tác giả sách Gương Phước, một cuốn sách gối đầu của người công giáo trong nhiều thế kỷ, quả quyết rằng mỗi lần ra “ngoài đời” trở về đều cảm thấy không còn là người toàn vẹn như trước. Và phải chăng cũng chính vì nghĩ như thế cho nên người Kitô hữu thường xem đạo như một phương thế dọn mình chết, không dính dáng gì tới việc cải tạo xã hội và làm lịch sử. Do đó đạo lắm khi mang bộ mặt buồn thảm, bi quan, áy náy hay ngờ vực.

Không phải luôn luôn vô cớ mà người ta nói rằng Giáo hội Công giáo thù nghịch với tiến bộ xã hội và tiến bộ khoa học. Chúng ta nhớ lại giáo quyền đã lên án nhà bác học (Công giáo!) Galilê hay đã chống lại cuộc cách mạng dân chủ Pháp 1789. Nếu ít ai trong Kitô giáo đã tuyên bố công khai rằng con người càng tiến bộ thì Thiên Chúa càng lép vế, và muốn dành phần cho trời bao nhiêu thì phải bớt phần của đất bấy nhiêu, song trong thực tế đa số người Kitô hữu thường sống như thể đó là một chân lý căn bản của đạo!

Vì không thật tình chấp nhận thân phận làm người của mình, nên người ta muốn không những là Thiên Chúa mà còn tất cả những gì liên quan xa gần tới mặt “thánh thiêng” cũng phải xa cách, khác thường. Ngày tôi còn là chủng sinh, mỗi lần về nghỉ hè trong gia đình, anh chị em đồng đạo, kể từ trong các thân nhân tôi mà ra, đều tỏ ra khó chịu khi tôi mặc áo lót, quần đùi chạy nhảy, hoặc xắn quần cày cuốc, lao động.

Nhưng Chúa nhập thể làm người đã đảo lộn tất cả những quan niệm như thế. Chúa nhập thể: giàu sang đã đi vào nghèo khó, cao trọng trở thành nhỏ bé, thánh thiện hoá nên bình thường, để từ nay không còn được đối nghịch trời và đất nữa, để từ nay không còn giá trị nào thuộc lãnh vực trần thế và nhân loại là tầm thường hoặc đáng khinh nữa, đó là một an ủi vô song cho tín đồ chúng ta, nhưng cũng bao hàm những đòi hỏi nghê gớm! Người tín hữu chúng ta không còn biết trốn tránh ở đâu cho thoát khỏi Thiên Chúa nữa rồi. Người ở đó, gần kề bên mình, giữa lòng thực tại bé nhỏ nhất, vô nghĩa nhất. Không thể đóng khung Người lại trên trời, hay trong nhà thờ, tu viện, hoặc trong một số công việc mệnh danh là đạo đức. Chúa đã xuống đường, Người đã tự đồng hoá với bất cứ người anh em nào, dù là hèn mọn nhất. Hơn thế nữa, có thể nói Người đã muốn trở nên giống những người anh em “xấu số” ấy một cách đặc bịệt. Và đây là một lý do nữa khiến người Kitô hữu khó nuốt cho trôi mầu nhiệm Nhập Thể.

Mến Chúa và yêu người

Người ta thường nghĩ: yêu mến một Thiên Chúa toàn thiện toàn mỹ thì dễ hơn thương yêu một con người anh em cụ thể với tất cả cái hay cái dở của họ. Đúng là thế, nhưng cũng vì thế mà trong cái thuận lý (logique) của Kitô giáo, người ta phải lấy tình thương yêu anh em để chứng minh tình yêu mến đối với Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã từng viết: “Ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, đó là người nói dối, vì kẻ không yêu người anh em mình trông thấy, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Tôi đã buồn, nhưng không ngạc nhiên lắm khi đọc thấy những dòng sau đây trong một tờ báo ngoại ngữ:

“Những người vênh vang nhiều nhất rằng họ yêu mến Thiên Chúa, thường là những kẻ ít ra tay giúp đỡ tha nhân hơn cả. Đó là kết luận của cuộc điều tra mà nhà xã hội học Giêm Đ. Đavítsơn (James D. Davidson) đã làm trong 4 xứ đạo tại tiểu bang Inđiana. Theo Đavítsơn, thì cuộc điều tra của ông đã chứng minh rằng quan niệm: lòng yêu mến Chúa nhất thiết dẫn tới tình yêu thương đồng loại, như nhiều giáo sĩ chủ trương, là một quan niệm sai lầm”.

Tôi đã không ngạc nhiên lắm bởi vì viện vào tình yêu mến Chúa để thoái thác một tình thương cụ thể đối với anh em là một việc quá dễ dàng và vốn là một cám dỗ rất thông thường. Tông đồ Giacôbê cũng quả quyết: “Ai cho mình là người nhân đức, nhưng chỉ nhân đức trên môi miệng, chứ lòng dạ rỗng tuếch, thì lòng đạo đức của kẻ ấy chẳng có giá trị gì. Tôi nói cho anh em biết thế nào là lòng đạo chính hiệu và tinh truyền trước mặt Thiên Chúa: đó là đi thăm viếng cô nhi quả phụ trong gian truân thử thách, và giữ mình cho khỏi lòng gian tham của người đời” (Gc 1,27).

Nhưng phải nói thêm rằng nhà xã hội học trên đây đã đưa ra một kết luận không khoa học tí nào cả. Bởi vì thứ tình yêu đối với Thiên Chúa mà các nhà giáo sĩ nói rằng nhất thiết sẽ dẫn tới tình thương yêu anh em, đó là thứ tình yêu mến đích thực, chứ không phải là thứ tình yêu bằng môi miệng - (tác giả dùng chữ “vênh vang”) - của những người Kitô hữu mà ông đã điều tra. Ông không khám phá ra cái gì mới hơn điều Thánh Gioan đã viết trước ông gần 20 thế kỷ.

Đavítsơn đã lầm, cũng như Nítsơ và nhiều người khác đã lầm. Họ dựa trên nếp sống của một số người Kitô hữu (đồng ý là không ít) để kết luận rằng mọi người Kitô hữu đều như thế. Hơn nữa, họ lại căn cứ vào cái thực tế méo mó ấy để quả quyết rằng bản chất của Kitô giáo là như thế và chỉ có thể là như thế.

Để chỉ lấy Nítsơ làm thí dụ. Ông ta cho rằng những tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Phật giáo là những tôn giáo của những người bạc nhược, hèn kém, của bọn nô lệ. Ông viết: “Đau khổ và bất lực, đó là nguyên nhân sinh ra đời sau… Chính những kẻ bệnh tật và những người ốm yếu đã khinh chê thân xác và trái đất này… Thực ra, nhiều khi tôi đã phải phì cười khi thấy bọn bệnh tật kia: họ nghĩ họ tốt lành chỉ vì tay chân họ bất toại” Ông quan niệm tự do như sau: “Người tự do là người vô luân, vì người tự do muốn rằng trong tất cả mọi việc, họ chỉ chịu quyền của chính mình mà thôi”. Không ai là tự do, ngoại trừ ông và những người như ông vì họ không lệ thuộc bất cứ chuẩn mực đạo đức khách quan nào.

Đối với Nitsơ, những đức tính mà Kitô giáo chủ trương như: bác ái, quảng đại, hiếu hoà, xã kỷ, khiêm nhu, hiền lành… là những đức tính của bọn người nô lệ, chứ không xứng với con người đích thực. Thực ra, những đức tính ấy hoàn toàn không đồng nghĩa với hèn nhát, nhu nhược. Phải khí khái lắm, dũng mạnh lắm mới mong thực hiện nổi. Đó là một kinh nghiệm mà những người hoàn toàn đứng ngoài như Nit-sơ không thể hiểu thấu được. Đức Kitô đã chẳng dạy rằng chỉ những người hùng mạnh mới chiếm đoạt được Nước Trời đó sao? (Mt 11,12 và Lc 16,16). Hàng triệu người sống và có thể sống một cuộc sống sung mãn về mọi mặt nhân bản, như tài sắc, công danh, sự nghiệp, đồng thời vẫn say sưa theo đuổi Phúc Âm, bởi vì lý tưởng này không thấp kém hơn lý tưởng làm người nhưng kiện toàn lý tưởng làm người. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người nói lên điều đó.

Nền nhân bản Kitô giáo

Nhưng mầu nhiệm này cũng cho thấy một điều khác. Nếu Kitô giáo là một thuyết nhân bản, nghĩa là một chủ thuyết nhằm đề cao con người, phát huy tối đa mọi khả năng tinh thần và thể chất của con người, thì thuyết nhân bản Kitô giáo mang một màu sắc đặc biệt, không giống một thuyết nhân bản nào. Lý do? Là vì Kitô giáo có một quan niệm đặc thù về con người. Theo nó, con người không phải chỉ là con người; định mệnh của con người vượt lên trên giới hạn của mình để liên hệ với một Đấng Tuyệt Đối. Chỉ có hạnh phúc trọn vẹn khi đạt tới Đấng ấy. Thiên Chúa làm người là để giúp con người một cách nào đó trở thành Thiên Chúa! Nhưng không được thụ đông ngồi chờ Thiên Chúa cứu độ mình, bởi Người tôn trọng con người đến độ cũng đành bó tay nếu như họ không tích cực cộng tác với Người. Đàng khác Nước Trời không ở đâu xa xôi mà đã bắt đầu ở trần gian này, và phải xây dựng những gì tốt lành ngay từ bây giờ.

Trong thực tế, nếu nhìn qua bên ngoài, thì nền nhân bản Kitô giáo không khác gì những nền nhân bản khác. Không lạ! Chúng trùng lên nhau, chỉ trừ ra một phần, cái phần mà Kitô giáo nghĩ là bổ túc cho lý tưởng làm người. Dó đó, nền nhân bản Kitô giáo tự coi là nền nhân bản toàn diện (Humanisme intégral), chủ trương phát triển con người trong tất cả mọi chiều kích của nó, như đã nói trên. Cũng vì thế mà theo Công đồng Vatican II, người Kitô hữu phải cộng tác và đối thoại với tất cả mọi người trong công cuộc xây dựng một nhân loại tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn. Người Mácxít chẳng hạn, coi lao động là vinh quang và phải hết sức lao động. Tôi là người tin Chúa, tôi cũng nghĩ, cũng làm như họ. Động lực thúc đẩy họ lao động tốt, cũng thúc đẩy tôi như thế. Nhưng ngoài ra, tôi còn có thêm một động lực mới để lao động tốt, động lực đó là đức tin của tôi cộng vào, (như: để phục vụ đồng bào, anh em và phụng sự Chúa, để làm cho xã hội tốt đẹp hơn và để xây dựng Nước Trời…). Đó là ý nghĩa của đoạn văn trích dẫn sau đây từ Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Công đồng Vatican II: “Thực là sai lầm cho những ai trong chúng ta, khi biết rằng không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang còn phải tìm đến một quê hương hậu lai, lại dựa vào đó mà tưởng rằng mình có thể sao nhãng các bổn phận trần gian. Như thế là không nhận thấy rằng chính đức tin buộc phải chu toàn các phận sự đó cách hoàn hảo hơn” (số 43).

Đây không phải là khám phá gì mới mẻ. Lại càng không phải là xu thời. Đây là giáo lý thuần tuý, cốt thiết của Kitô giáo nhưng đôi khi đã bị lu mờ. Tại sao có tình trạng lu mờ ấy?

Trước hết là vì chủ nghĩa nhị nguyên (dualisme) của triết lý Hy Lạp và tôn giáo Đông phương xưa đã len lỏi vào, tạo ra trong Kitô giáo một khuynh hướng miệt thị thế gian, khinh rẻ con người. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng chính Kitô giáo mang trong mình một sự căng thẳng, một thế quân bình khó khăn đối với con người cụ thể, khiến cho người tín hữu dễ rơi vào chước cám dỗ của chủ nghĩa nhị nguyên. Thậy vậy, Kitô chủ trương: thế gian là tốt vì do Thiên Chúa tạo nên, nhưng đồng thời thế gian cũng từ chối Chúa. Người Kitô hữu ở trong thế gian nhưng lại không thuộc về thế gian. Mọi sự Chúa làm đều tốt đẹp cả, nhưng “bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7,31). Hôn nhân là thánh thiện, nhưng “trên trời không còn chuyện dựng vợ gả chồng” (Mc 12,25)…

Người Kitô hữu đích thực phải vừa tin Chúa vừa tin người, vừa tin Trời vừa tin Đất, tin hết mình, không lựa chọn. Phải nắm vững hai mặt của lòng tin đó.

Điều này không dễ lắm. Nhưng người Kitô hữu phải chấp nhận và phải luôn luôn cố gắng vươn tới, nếu như họ muốn đóng góp một cái gì đó độc đáo, đặc thù cho xã hội trần gian.

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM

 


Mục Lục