SỐNG TRONG ÁNH SÁNG
ĐỨC TIN
Suy niệm Mùa Giáng
Sinh
Chúng ta sắp qua năm cũ, để bắt đầu một năm mới. Năm mới có thể gợi ra
cho chúng ta suy nghĩ về một cái gì mới, một dự phóng mới cho tương lai, nhưng
cũng có thể gợi lại cho chúng ta suy nghĩ về những điều căn bản của đời sống
một người kitô hữu, bất kể là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Cái căn bản thì
dường như quá quen, ai nấy đều biết, nhưng thực ra vẫn cần được nhắc lại vào
dịp này, vì, nói cho cùng, mấy ai đã thực hành tốt trong năm cũ.
Cái căn bản này thì có nhiều. Phải lựa chọn lấy một số. Tôi chọn những
gì phù hợp với Mùa Giáng Sinh này, dựa vào hai ngày lễ lớn là Giáng Sinh và
Hiển Linh. Cả hai đều là lễ của ánh sáng. Giáng Sinh là ánh sáng mạc khải. Hiển
Linh là ánh sáng mời gọi. Trước mạc khải và lời mời gọi này, con người đáp ứng,
tìm về ánh sáng, sống theo ánh sáng. Mà chúng ta biết: đề xuất của Thiên Chúa
soi sáng và mời gọi, và đề xuất của con người là đáp lại và đi theo, chính đó
là mầu nhiệm đức tin. Do đó mà có đề tài: Sống trong ánh sáng đức tin, để chúng
ta cùng nhau suy nghĩ.
Đề tài dựa vào câu truyện ba đạo sĩ Đông phương, ai nấy đều biết, được
khai triển theo ba khía cạnh chính: tin là khao khát và tìm kiếm; tin là nhận
biết và thán phục; tin là dâng hiến và chia sẻ.
1. Khát khao và tìm kiếm
* Ngôn sứ Isaia có viết một lời được đọc trong ngày lễ Hiển Linh: “Kìa
bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân” (Is 60,2).
Trong cảnh tối tăm, ánh sáng là cần, là quý. Nhưng khi ánh sáng xuất
hiện, không phải ai cũng nhận ra nó đâu. Nhận ra ở đây không phải bằng con mắt
giác quan, nhưng là bằng con mắt của tâm hồn. Chỉ những ai từng khao khát kiếm
tìm mới thấy nó.
Hãy xem câu truyện ba đạo sĩ Đông phương. Ánh sáng khởi phát từ ngôi
sao lạ, nhưng chỉ có họ biết. Không hẳn vì họ là những nhà thiên văn hay chiêm
tinh mà biết, nhưng vì họ có một tâm hồn tôn giáo, một tâm hồn tìm kiếm chân
lý, muốn ra khỏi bóng tối. Rồi dựa vào quan niệm Đông phương coi ngôi sao lạ là
dấu chỉ của một vị thần, một vị vua được thần hoá, họ đi tìm vua ấy.
Người đời còn sống nhiều trong tăm tối. Tăm tối có thể là đắm chìm
trong tội lỗi. Tăm tối có thể là những bí ẩn liên can đến con người, đến nguồn
gốc, ý nghĩa và vận mệnh của con người. Thời nào cũng có những tâm hồn mò mẫm
tìm ánh sáng giải đáp. Thời nào cũng có những người khám phá ra ánh sáng ấy,
giống như ba đạo sĩ. Cần nhớ rằng các đạo sĩ này không có Sách Thánh, không có
ngôn sứ, không có các truyền thống như người Do Thái, nên việc tìm kiếm của họ
càng có giá trị.
Phần chúng ta, chúng ta đã nhận được ánh sáng đức tin. Chúa Cứu Thế đã
đến với chúng ta, và chúng ta tiếp nhận Ngài. Chúng ta thường xuyên tuyên xưng
đức tin, được hưởng nhiều điều kiện để nuôi dưỡng vun trồng đức tin. Nhưng cũng
phải nói thực, trong đời sống hằng ngày, không phải lúc nào chúng ta cũng sống
trong ánh sáng của Chúa. Có khi không nhận ra ánh sáng. Có khi từ chối ánh
sáng. Từ chối thẳng thừng thì chắc là không dám đâu. Nhưng từ chối cách này
cách khác, lúc này lúc nọ, thì hẳn là có đấy.
Thực ra, ánh sáng của Chúa không bao giờ thiếu cho ta, bởi vì Thiên
Chúa là Epiphania, là tỏ hiện, luôn tỏ mình ra. Thiên Chúa là Tình Yêu. Mà tình
yêu thì không giữ riêng cho mình, nhưng bộc lộ ra bằng lời nói, bằng hành vi cử
chỉ. Ở đây, dấu chỉ Ngài tỏ hiện là ánh sáng của Ngài. Có điều ta không quan
tâm khao khát tìm kiếm mà thôi.
Sở dĩ thế vì tìm kiếm trước hết là phải chấp nhận không được sống trong
tăm tối, không được chỉ nghĩ về ta, không được chỉ biết có ta. Tìm kiếm cũng
đòi phải có ý thức sâu sắc về những giới hạn và bất lực của ta. Tìm kiếm là
phải mở rộng tâm hồn, để có thể thấy một giải đáp ở bên ngoài cho những vấn đề
của ta.
Có thể tóm tắt những điều kiện đầu tiên của việc tìm kiếm đưa đến lòng
tin là: khiêm tốn, mở rộng tâm hồn, trong tư thế sẵn sàng, biết chú ý. Các đạo
sĩ đã có được những điều kiện đó nên họ đã nhận ra ngôi sao. Và Thiên Chúa đã
tỏ mình ra cho họ.
(Nhiều người hẳn đã xem phim BEN HUR, một phim vĩ đại, rất hay, được
nhiều giải Oscar, có cảnh khởi đầu rất bắt mắt là cảnh Giáng Sinh với việc ba
đạo sĩ đi tìm Chúa. Nhưng chắc không mấy người biết tác giả cuốn truyện là ai.
Đó là một đại tướng Mỹ đã hồi hưu và vô thần. Ông bực mình vì thấy nhiều người
tin Giêsu là Chúa. Theo ông, Giêsu bất quá chỉ là một nhân vật lạ lùng của lịch
sử. Ông định bụng viết một cuốn sách nhằm đánh tan ngộ nhận ấy. Thế rồi ông
quyết tìm tài liệu để viết. Nhưng trong khi làm công việc này để viết cuốn Ben
Hur, ông đã biết và nhận ra Đức Giêsu là Đấng nào. Tuy khởi điểm của ông so với
ba đạo sĩ có khác, tức là không có lòng khiêm tốn, rộng mở, sẵn sàng, nhưng nhờ
tìm kiếm mà ông đã được ban ánh sáng đức tin. Ông đã trở thành một kitô hữu.
Chúng ta cũng phải biết tìm, và dĩ nhiên với tâm hồn của ba đạo sĩ).
* Khía cạnh thứ hai của việc tìm kiếm là lên đường, là hành trình. Khi
đã nhận ra ánh sáng thì để cho ánh sáng soi đường dẫn lối và đi theo. Ánh sáng
này không hẳn lúc nào cũng tỏ, nhưng khi tỏ khi mờ. Thực sự lúc nào cũng tỏ
chưa chắc đã tốt. Một mảnh đất mà ánh sáng mặt trời cứ chiếu miết thì dễ trở
thành đất hoang.
Phải lên đường với tất cả tấm lòng quảng đại, quả cảm, dầu còn mờ tối
bao quanh, thậm chí có lúc mất cả ánh sáng, lúc mà, trong đời sống thiêng
liêng, gọi là đêm tối giác quan. Đó là điều đã xẩy ra với ba đạo sĩ. Các ông đã
hành trình vất vả qua sa mạc. Đến Giêrusalem thì ngôi sao lạ lại mất tăm. Mặc
kệ, các ông không thất vọng, đi tìm hỏi nhà chức trách và những người lầu thông
kinh sử. Sau đó, ngôi sao lại hiện ra, đưa các ông tới đích.
Chúng ta có thể thấy những điều kiện tiếp theo của việc tìm kiếm này,
đó là: dứt bỏ những gì quen thuộc, can đảm, nhẫn nại, thăm dò, làm việc. Nói
chung, điều này đòi hỏi một sự lao nhọc cả thể xác lẫn tinh thần. Và phải kiên
trì để lướt thắng.
Cuộc đời chúng ta thường được ví như một cuộc hành trình qua sa mạc.
Kiểu ví này bắt nguồn từ Kinh Thánh, theo hình ảnh dân Chúa xưa băng qua sa mạc
về Đất Hứa. Để tìm kiếm Chúa là mục đích tối hậu, phải chấp nhận đi, không dừng
chân an vị. Đi là đưa cuộc sống của ta vươn lên mỗi ngày, tiến tới mỗi ngày,
ngày một lên cao hơn. Phải có một ý hướng như các người leo núi, “chồn chân mỏi
gối vẫn còn ham” (Hồ Xuân Hương). Leo một núi nhỏ như Lang Biang chả thấm gì so
với người leo Mont Blanc ở bên Tây chẳng hạn. Nhưng chinh phục được Mont Blanc
thì lại muốn chinh phục Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới.
Đương nhiên, làm chuyện này không phải là điều dễ. Trước hết, nó đòi
chúng ta phải có một quyết định dứt khoát, bởi vì một nếp sống quá quen với
những gì vẫn có, dễ làm ta cảm thấy ngại khi phải vươn lên, khi phải đưa đời
sống tới một tầm mức cao hơn. Chúng ta có Thánh lễ hằng ngày, có lời Chúa nghe
đọc hằng ngày, được thường xuyên khuyên nhủ sống đạo đức thánh thiện. Hẳn cũng
đã thực hành ít nhiều. Nhưng nếu là tình trạng nhì nhằng thì chưa được coi là
đủ đâu. “Khi bạn nói đủ rồi tức là bạn đã chết” (Augustinô).
Chúng ta có thể giống như những kinh sư Do thái ở Giêrusalem: lầu thông
sử sách, biết vanh vách Đấng Cứu Thế sinh ra ở đâu. Với vai trò và khả năng của
họ, lẽ ra họ dẫn đường cho người khác tìm Ngài mới phải. Đàng này thì không, vì
họ không muốn cất công đi tìm. Tập quán, thói quen, tâm hồn chai đá, thiếu lòng
tin… tất cả đã khiến họ dậm chân tại chỗ. Không cẩn thận, chúng ta cũng đi vào
vết xe ấy. Vậy phải có ý hướng mỗi ngày một tiến tới, đổi mới không ngừng.
Thế nhưng dầu đã quyết định như thế, những khó khăn không vì vậy mà đã
hết. Có khó khăn chủ quan ở chính sự yếu đuối của ta. “Đường đi không khó vì
ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học). Có
khó khăn khách quan, do hoàn cảnh sống gây ra và những thử thách Chúa gửi đến.
Những lúc này tương tự như lúc ánh sáng của Chúa đã mờ nhạt hoặc mất hút. Thiên
Chúa như xa xôi. Đường đi đã khó lại khó thêm. Cho nên, chúng ta phải can đảm,
kiên nhẫn, tìm sự trợ lực của ơn Chúa, tiếp thu những chỉ dẫn khôn ngoan của
người khác.
Những lúc đời sống sa sút, muốn khựng lại, thì một lời thúc giục nhắc
nhở của lời Chúa, của người trên hay bạn bè chẳng hạn, thật quý hoá, đáng cho
ta quan tâm, và biết dựa vào đó mà chỗi dậy. Té ngã tuy đau nhưng chưa phải là
nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn, là cứ nằm lỳ đấy, không chịu chỗi dậy.
Hành trình còn dài, gian khổ còn lắm. Nhưng Thiên Chúa vẫn đang hiện
diện để mời gọi, bằng những dấu chỉ như ngôi sao ngày xưa. Ai tìm thì sẽ thấy
Ngài, như lời Đức Giêsu quả quyết: xin thì được, tìm thì thấy, gõ cửa thì mở
cho.
2. Nhận biết và thán phục
* Tìm thì gặp. Nhưng gặp rồi lại phải biết nhận ra đấy đích thực là
Chúa. Các đạo sĩ được ngôi sao dẫn tới Belem, tới hang đá. Nhìn thấy Hài Nhi
Giêsu, họ đã nhận ra đó là vua. Ánh sáng đức tin cũng đưa ta tới Đức Kitô. Và
rồi chúng ta cũng phải nhận ra Ngài là Chúa chúng ta. Đức tin cho phép ta nhận
ra Ngài.
Nhưng gặp gỡ và nhận ra Chúa ở đâu? Ở trong Đức Kitô toàn thể. Nghĩa là
gì? Là gặp gỡ Đức Kitô lịch sử, Đấng đã đến thế gian 2000 năm trước, mà cuộc
đời và Tin Mừng của Ngài được ghi lại trong Sách Thánh. Cũng là gặp gỡ Đức Kitô
Phục Sinh, hằng sống cách mầu nhiệm trong các phần tử của Ngài, trong Hội
Thánh, trong lịch sử nhân loại, trong mọi sinh hoạt của đời thường, nơi con
người ngày hôm nay.
Chúng ta phải nhận biết Ngài qua các dấu chỉ, như các đạo sĩ đã nhận ra
Chúa qua dấu chỉ ngôi sao lạ. Những dấu chỉ này được chính Chúa và Giáo Hội nói
cho chúng ta, để qua đó, chúng ta biết Chúa hiện diện. Tin là khám phá ra dấu
vết của Chúa, lối Ngài đi qua, nhận biết và gặp gỡ Ngài.
Trước hết, nhận biết và gặp gỡ Đức Kitô qua việc đọc và suy niệm Kinh
Thánh, nhất là Tân ước. Đây là điều tối cần. Nhờ đó, chúng ta hiểu được con
người và sứ mệnh của Chúa, thấm nhuần Tin Mừng của Ngài. Ngài là Con Đường, Sự
Thật và Sự Sống sẽ hướng dẫn ta, và mỗi ngày ta được uốn nắn theo Ngài, trở nên
giống Ngài hơn, rập theo tinh thần của Ngài hơn. Bởi vậy, chúng ta cần kiểm
điểm lại về lòng yêu mến của ta đối với lời Chúa, với Kinh Thánh. Có năng đọc
và suy niệm lời Chúa, lòng trí ta mới dần dần biết Chúa một cách trung thực
hơn.
Chúng ta cũng nhận biết và gặp gỡ Chúa qua các dấu chỉ trong Giáo Hội,
nhất là qua phụng vụ và các bí tích. Ở đó, Chúa hiện diện nơi cộng đoàn, nơi
thừa tác viên, nơi lời Chúa được công bố, nơi bánh rượu được hiến tế. Đây là
những mầu nhiệm đức tin, nên phải lấy đức tin mà nhìn. Gặp gỡ Chúa trong các bí
tích, nhất là trong Thánh lễ, sẽ giúp đức tin của ta được tăng tiến.
Nhưng gặp gỡ Đức Kitô như vậy mới chỉ là một phần. Hài lòng về chuyện
đó thì quả còn thiếu sót. Đó là cắt xẻo Đức Kitô, làm què quặt Đức Kitô
(“mutiler le Christ”, theo kiểu nói của một tác giả Pháp). Nhiều người ngoài
kitô giáo trách người kitô hữu chỉ biết Chúa ở nhà thờ hoặc trong kinh kệ. Đạo
mà như vậy thì xa rời cuộc sống, chỉ ở bên cạnh cuộc sống, chỉ là một phần
trang trí của đời sống, giống như một thứ văn hoá. Nó có thể làm cho đời sống
thiêng liêng mất cân bằng nghiêm trọng.
Nó có thể làm cho chứng từ của ta trở thành vô ích.
Đức Kitô Phục Sinh đã trở thành Đức Kitô toàn thể, bao gồm các phần tử
của Ngài. Không thể yêu Chúa mà không yêu các anh chị em của Chúa. Không thể
hiệp thông với Chúa mà không tham dự vào mọi khía cạnh của mầu nhiệm của Ngài.
Rabindranah Tagore, thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ và của thế giới, đã nói thế này:
“Phần đông các người kitô hữu chỉ hiểu có một nửa kitô giáo. Họ hiểu Thiên Chúa
và Đức Kitô là một, nhưng lại không hiểu rằng Đức Kitô và mỗi người cũng chính
là một, vì Đức Kitô đã làm người và vẫn còn làm người. Ngài là tất cả con
người”. Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ Đức Kitô sống động trong các người anh chị em,
trong mọi biến cố của đời sống ta và của thế giới.
Có lẽ điều cần nhấn mạnh là suy xét về thái độ của ta đối với các anh
chị em của Chúa, đặc biệt đối với những người nghèo. Người nghèo chung quanh
ta, có thể thấy nhan nhản. Nghèo phải hiểu cả về vật chất lẫn tinh thần. Không
đủ cơm ăn áo mặc và các điều kiện vật chất tối thiểu, là nghèo. Không được học
hành, dạy dỗ, không có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, là nghèo.
Chúng ta quá rõ thái độ của Chúa đối với những người này như thế nào,
và Ngài dạy chúng ta phải cư xử ra sao. Nghèo khó lại là một trong những chủ đề
quan trọng của mùa Giáng Sinh này: Chúa sinh ra trong cảnh nghèo hèn; những
người đầu tiên được loan báo Tin Mừng cũng là những người nghèo. Trong lời
giảng dạy sau này, Chúa còn đồng hoá mình với người nghèo: Ta đói, các ngươi đã
cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống… Khi các ngươi làm như thế cho các người
anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi làm cho chính Ta…
(Rimbaud, thi sĩ người Pháp, có viết câu này: “Je est un autre”. Không
rõ nhà thơ muốn diễn tả chính xác cái gì. Nói chung, hiểu được ngôn từ thi
tứ và tâm hồn thi sĩ cũng khó đấy.
Ngoại đạo về thơ phú như phần đông chúng ta, có đi hia bẩy dặm cũng không đuổi
kịp họ đâu. Nhưng thử áp dụng vào câu Chúa nói trên xem sao: Ta (tức là Chúa)
chính là một người khác. Các ngươi không thấy Ta, nhưng có thể thấy Ta nơi
người khác, nơi người anh em Ta, nhất là nơi người nghèo).
Trong thực tế, có lẽ chúng ta thường khó nhận ra Chúa nơi những con
người ấy, nơi một người nghèo đói, rách rưới, tứ cố vô thân, đến nhà ta ăn xin
chẳng hạn. Thái độ của ta, cách cư xử của ta, tuy có thể không phải là xua
đuổi, nhưng chưa phải là thái độ và cách cư xử dành cho những người là anh chị
em của Chúa. Đôi khi giúp đỡ cũng chỉ để khỏi bị quấy rầy, như ông quan toà
trong một dụ ngôn Tin Mừng, hoặc để lấy tiếng, chứ chưa chắc là do lòng trắc
ẩn. Lòng bác ái của ta còn hạn chế rất nhiều. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, ở đâu
có bác ái là ở đấy có Chúa, thì chắc rằng hành vi của ta chưa làm cho Chúa hiện
diện được.
* Tiếp theo nhận biết là thán phục. Trở lại với câu truyện ba đạo sĩ.
Khi đã bắt gặp Vua Cứu Thế, Đấng họ mong chờ và tìm kiếm, họ bày tỏ tâm tình
đầu tiên là vui mừng, niềm vui của người ngoại tìm được sự cứu rỗi nơi Đức
Kitô. Họ thán phục, tôn thờ và ca ngợi. Tin Mừng viết: “Họ sấp mình bái lạy
Người” (Mt 2,11). Đó là cử chỉ dành cho Đức Vua.
Đức tin của ta cũng theo tiến trình đó. Một khi bắt gặp được Chúa rồi
thì cảm thấy vui mừng và thán phục, từ đó bày tỏ tâm tình ca ngợi, cảm tạ và
thờ lạy. Những người lớn mới vào đạo, với tất cả ý thức, tự do và xác tín (chứ
không phải theo đạo vì gạo hay vì vợ!) có kinh nghiệm sâu sắc về điều này hơn
ai hết. Cho nên kinh nguyện kitô giáo khởi thủy chủ yếu là một lời ca ngợi chúc
tụng vì những việc lạ lùng Thiên Chúa đã làm. Và ở đây, việc lạ lùng ấy là
Thiên Chúa đã cho người ta nhận biết Ngài, gặp gỡ Ngài và được cứu độ nhờ Đức
Kitô. Ca ngợi, cảm tạ, tôn thờ là những hành vi đầu tiên của người có tâm tình
tôn giáo, vì những ân huệ mình nhận được.
Có thể thấy điều này ngay từ thời Cựu ước. Sách Sáng thế có kể truyện gia nhân của Abraham trở về quê
cha đất tổ ở vùng Lưỡng Hà Địa, để hỏi vợ cho Isaac, con trai của chủ. Khi gặp
được Rêbecca bên bờ giếng và được cô giúp, ông hiểu rằng đây chính là cô gái
mình muốn tìm. Đức Chúa đã cho ông gặp may. Một cách bộc phát, ông đã phục
xuống thờ lạy Người và nói: “Đức Chúa là Thiên Chúa của ông Abraham chủ tôi, đã
tỏ tình thương và lòng thành tín của Người đối với chủ tôi. Còn tôi, Đức Chúa
đã dẫn dắt tôi trên đường tới nhà anh em họ hàng của chủ tôi” (St 24,27).
Phụng vụ do thái giáo đầy những lời kinh ca ngợi chúc tụng vì những
việc kỳ diệu Thiên Chúa làm cho dân. Các Thánh thi Tân ước cũng nói lên tâm
tình ấy. Giáo Hội cũng dạy chúng ta tiên vàn phải có tâm tình ấy trong kinh nguyện
của Giáo Hội. Kinh nguyện Thánh Thể đọc mỗi ngày trong Thánh lễ cho thấy diều
này cách rõ nét nhất.
Trong thực hành, có thể thấy một hiện tượng khá phổ biến nơi người tín
hữu. Đó là: khi cầu nguyện riêng thì hay để ý cầu xin hơn là ca ngợi. Nghĩa là
nghĩ đến con người, nhất là nghĩ đến mình, hơn là nghĩ đến Chúa. Nhưng cứ xem
Kinh Lạy Cha chúng ta đọc hàng ngày mà coi. Những ý đầu là hướng về Chúa trước
đã. Những ý sau mới hướng về mình. Đành rằng cầu xin cũng là điều cần thiết,
cũng là điều Chúa dạy, nhưng nếu không để ý, chúng ta dễ biến kinh nguyện thành
một cái gì đó mang mầu sắc vị kỷ, làm méo mó kinh nguyện kitô giáo.
Có thể vì thấy việc cầu xin đáp ứng với những yêu cầu cấp bách cụ thể,
mà tự ta không làm gì được, không giải quyết nổi. Có thể vì không còn nhận ra
những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã và còn đang làm cho con người và cho ta,
nên không biết bày tỏ tâm tình thán phục cảm tạ. Cũng có thể gần Chúa nên đâm
quen, coi việc ca ngợi là giả tạo, nhàm chán… Thực khác xa với thái độ của các đạo
sĩ Đông phương. Thực khác xa với thái độ của một trong số 10 người phong cùi
được Chúa chữa lành. Mà người này lại là người Samari, một người “ngoại đạo”
trước mắt người Do Thái, nhưng biết quay trở lại để tôn vinh Thiên Chúa (Lc
17,15-16). Và cũng một người ngoại khác trong Cựu ước là Gietrô, nhạc phụ của
Môsê, khi nghe con rể thuật lại hành động của Thiên Chúa đưa dân ra khỏi Ai
Cập, đã biết nói lên lời chúc tụng Thiên Chúa (Xh 18,10).
Thiết tưởng cầu xin thì cứ cầu xin và phải cầu xin nữa, nhưng cần nhấn
mạnh lại lời chúc tụng cảm tạ, hướng lên Chúa và công việc của Ngài. Như vậy,
kinh nguyện của ta mới đi đúng tiến trình, và sẽ bớt tính chất vụ lợi, vị kỷ.
3. Dâng hiến và chia sẻ
* Sau khi đã tìm, đã gặp, đã thán phục ca ngợi, thì hành vi kế tiếp của
tiến trình đức tin là dâng hiến và chia sẻ cho người khác những gì mình đã lãnh
nhận. Ân huệ càng lớn, càng quý, sự dâng hiến và chia sẻ càng lớn, càng nhiều.
Sau khi đã sấp mình bái lạy Hài Nhi Giêsu, các đạo sĩ đã mở hành trang,
dâng cho Hài Nhi những lễ vật quý giá, xứng hợp nhất đối với một Đức Vua. Đó là
vàng, nhũ hương và mộc dược (Mt 2,11). Tuy nhiên, lễ vật quý nhất không ở những
cái bên ngoài, cái vật chất, mà chính là tấm lòng. Lễ vật chỉ là hình thức biểu
hiện bên ngoài của tấm lòng.
Tin là dâng hiến chính con người chúng ta cho Chúa, cả trí khôn lẫn tâm
hồn, mọi tư tưởng, lời nói, việc làm, tất cả những gì ta sở hữu, để mặc lấy
những tư tưởng và đường lối của Chúa, để hiệp thông vào cùng một sự sống, cùng
một tình yêu.
Để cụ thể hoá hành vi dâng hiến này, tôi dựa vào ý nghĩa của ba lễ vật
mà các đạo sĩ dâng cho Chúa, ý nghĩa mà nhiều Giáo phụ quen hiểu.
Vàng là lòng mến. Cũng như vàng quý nhất trong các kim loại, theo cách
đánh giá của người xưa, lòng mến cũng trọng hơn các nhân đức khác. Vậy lễ vật
đầu tiên phải dâng lên Chúa là lòng mến của ta.
Về việc mến Chúa yêu người, chúng ta đã thường xuyên được nghe nhắc
nhở. Chỉ lưu ý một khía cạnh: yêu thương những kẻ thù nghịch với ta. Trên thực
tế, dù ta có sống tốt thế nào đi nữa, vẫn có những người ít nhiều thù nghịch
với ta. Chúa còn có kẻ thù, huống hồ là ta. Hoặc có thể chính ta tỏ ra thù
nghịch với người này người nọ. Nguyên tắc thì người nào sống Tin Mừng, tưởng
như không còn coi ai như kẻ thù. Thực sự, coi vậy mà vẫn có thể có những lúc ta
coi người khác như kẻ thù, nếu không công khai thì cũng trong ý nghĩ hay trong
câu chuyện riêng tư với nhau.
Hai chữ “kẻ thù” có vẻ nặng. Thật ra, thù nghịch có nhiều cấp độ. Ở cấp
thấp nhất là những người không thích ta hoặc ta không thích họ. Có cái gì đó
nơi họ không dung hợp với ta. Dù ta cố gắng thế nào đi nữa, hầu như không thể
hoà hợp với cung cách sống và hành xử của họ. Với những người như vậy, tự nhiên
chúng ta muốn xa tránh. Tuy xa tránh đôi khi cần thiết, nhưng đâu có thể tránh
mãi, nhất là giữa những người sống trong một cộng thể nhỏ, ra vào thấy nhau
luôn, tránh nhau sao được? Hơn nữa, Tin Mừng đòi chúng ta phải thể hiện một
tình yêu có thể có.
(Trong “Một tâm hồn”, Têrêxa Hài Đồng Giêsu thuật lại rằng có một chị
trong tu viện nói gì hay làm gì cũng đều khiến cho Têrêxa cảm thấy khó chịu, vì
chướng tai gai mắt. Đôi khi chịu không nổi, cô phải đánh bài chuồn, để tránh
điều không hay có thể xẩy ra. Nhưng chẳng lẽ cứ chuồn mãi, bèn tập thân thiện,
hy sinh mà tập chứ không phải giả hình. Tập cái gì? Tập mỉm cười mỗi khi gặp
chị đó. Lâu dần, nụ cười ấy đã trở thành tự nhiên, gặp đâu là mỉm cười đó. Đến
nỗi có lần chị kia lấy làm lạ mà hỏi: “Em có gì hấp dẫn sao, mà hễ gặp em, chị
lại mỉm cười như vậy?” Phải chúng ta thì hẳn là có ý nghĩ trong lòng: hấp dẫn mẹ
gì đâu, chẳng qua phải tập gần chết mới được thế! Còn Têrêxa thì trả lời: “Điều
hấp dẫn em, đó là Chúa Giêsu đang ở tận thâm sâu linh hồn chị”. Thế đấy! Và
Têrêxa kết luận: “Chúa là Đấng biến cái cay đắng nhất thành cái ngọt ngào”.
Chúng ta cũng hãy tập nhìn người hay làm ta khó chịu bằng cái nhìn đức tin ấy.
Mẹ Têrêxa Calcutta cũng nói: “Hãy mỉm cười với nhau… Điều này sẽ giúp bạn lớn
lên trong tình yêu của nhau”).
Lên cấp cao hơn, là những người thực sự thù nghịch với ta, đối kháng
với ta, về quyền, về lợi, về ý kiến quan điểm… Ở đây, lệnh truyền của Chúa phải
yêu thương kẻ thù đòi hỏi nơi ta nhiều nỗ lực khác nhau: cố gắng làm chủ mình,
có tinh thần siêu thoát. Tuy vậy, vẫn phải bảo vệ những gì chính đáng thuộc
phận vụ của ta, những gì thuộc lệnh truyền của Chúa, những gì thuộc sự thật Tin
Mừng. Không lấy cớ để tránh bất hoà với người khác mà từ bỏ những cái đó. Rồi
phải cố gắng đừng có một cái nhìn phiến diện lệch lạc về người khác. Nhất là
đừng bao giờ quên rằng người nghịch với ta vẫn là người anh em ta.
Ở cấp cao nhất, là những người làm khổ ta, bách hại ta, vụng trộm hay
công khai, vì lý do này hay lý do khác. Ngay cả với những người này, lệnh
truyền của Chúa vẫn rõ: Không lấy ác báo ác, chúc lành chứ đừng nguyền rủa, cầu
nguyện cho họ.
Chúng ta tập yêu thương kẻ thù bằng một tình yêu phát xuất trước hết từ
sự kính trọng con người. Chính đó là Tin Mừng, bởi người nào cũng là hình ảnh
của Thiên Chúa, người nào cũng được Chúa cứu độ và, do đó, phẩm giá của họ thật
cao quý. Chúa không đòi ta tiên vàn phải có tình cảm êm ái với kẻ thù, nhưng
dạy ta không được khinh bỉ họ. Có lẽ một trong những tội nặng trước mặt Chúa là
khinh bỉ người khác, không còn kính trọng con người, gọi người khác theo kiểu
“những tên đó”, như người biệt phái đối với người thu thuế.
Rồi cũng tập yêu thương kẻ thù bằng một tình yêu phát xuất từ sự nhiệt
thành vì Nước Trời. Sự nhiệt thành này giúp chúng ta hiểu rằng, trong Nước
Trời, rồi ra mọi người sẽ nhận biết mình là con cái của một Cha trên trời, được
cùng một Máu thánh Đức Kitô cứu chuộc. Sự nhiệt thành này còn giúp chúng ta
hiểu rằng có một khả năng hoà giải vô hạn trong nhân loại kể từ ngày có Thập
giá của Chúa.
Cứ nhìn vào cuộc tử đạo của Têphanô, vị thánh mà chúng ta mới mừng lễ.
Têphanô đã tha thứ cho những người bách hại mình. Ngài đã thấy Đức Kitô vinh
quang. Vào lúc đó, ngài không chỉ thấy phần thưởng dành cho mình, không chỉ
thấy chân lý đức tin của mình, mà còn thấy một điều mà ngài hy vọng mọi người
sẽ thấy. Điều đó chính là lòng thương xót vô biên của Chúa. Điều đó chính là
lời mời gọi trở nên một nhân loại mới, sống trong sự thật và không còn hận thù.
Điều Têphanô hy vọng và thấy trước, đã có ngay kết quả: sự trở lại của Phaolô,
người đã tham gia vào cuộc ném đá Têphanô.
Chúng ta dâng lên Chúa lòng mến của ta, đặc biệt đối với những kẻ thù.
Đó là lễ vật đầu tiên. Lễ vật thứ hai chúng ta dâng là nhũ hương, tức lời cầu
nguyện, thường được coi như hương thơm toả bay lên trước tôn nhan Chúa (Kh
5,8). Về việc cầu nguyện, nhiều người thời nay, nhất là những người trẻ, xem ra
không mặn mà lắm. Đối với họ, cầu nguyện được chăng hay chớ. Làm xuân thu nhị
kỳ thì được, chứ coi là việc thực hành hàng ngày thì e rằng khó. Thậm chí có
người còn coi là vô ích, không cần thiết, hoặc coi cầu nguyện là một hình thức
ỷ lại, không dám lãnh trách nhiệm… Chúng ta thì khác. Hẳn ai nấy đều cho cầu
nguyện là cần, dù trong thực tế chúng ta còn lơ là do yếu đuối, lười biếng.
Đường lối tu đức nào cũng dạy tiên vàn phải có một tinh thần cầu
nguyện, tập cho biết luôn kết hợp mật thiết với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô và
trong Chúa Thánh Thần. Sự kết hợp này cho phép ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc
nào, trong bất cứ công việc nào. Tuy vậy, phải có những điểm hẹn riêng cho
Chúa. Phải có những lúc cầu nguyện minh nhiên, đích danh, theo một khung nào
đó, hoặc kinh nguyện của Giáo Hội, hoặc những việc đạo đức mà mỗi người phải
làm. Những việc đạo đức này rất được cổ võ, góp phần quan trọng vào việc xây
dựng, củng cố đời sống đức tin của ta.
Lễ vật thứ ba là mộc dược, một thứ nhựa thơm ướp xác. Khi táng xác
Chúa, ông Nicôđêmô đã sử dụng nó (Ga 19,39). Người ta coi nó là hình ảnh của sự
hãm mình, chay tịnh, khổ chế, để bảo vệ con người xác thịt của ta, giữ cho nó
khỏi ô uế trước mặt Chúa. Chúng ta sẽ được nghe nhiều về những việc làm này
trong Mùa Chay.
* Cùng với việc dâng lễ vật cho Chúa là việc chuyển đạt ân huệ cho
người khác, chia sẻ cho người khác những ân huệ mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa.
Trong câu truyện các đạo sĩ, thánh sử Matthêu chỉ ghi rằng họ qua đường
khác mà trở về xứ mình (Mt 2,12). Tác giả không cho biết hành vi tiếp theo của
họ, nhưng ta có thể khẳng định: họ sẽ kể lại cho người khác những gì tai nghe
mắt thấy và đã lãnh nhận từ cuộc đản sinh của Chúa. Cũng dễ hiểu thôi, tự nhiên
thôi. Được hưởng một điều tốt thì cũng muốn chia sẻ để người khác được hưởng
phần nào.
Chuyện chia sẻ này không được nói rõ nơi ba đạo sĩ, lại có thể thấy rõ
nơi các mục đồng. Luca cho biết: sau khi chứng kiến sự việc và trở về, không
những họ tung hô ca ngợi Thiên Chúa, mà còn thuật lại sự việc ấy, đúng như đã
được nói cho họ (Lc 2,20). Chúng ta cũng thấy những hành vi tương tự trong các
phép lạ chữa bệnh sau này của Chúa. Những ai được Ngài chữa lành, đều muốn cao
rao điều tốt Thiên Chúa làm cho mình. Các Tông đồ, các vị tử đạo, mặc cho quan
quân doạ nạt, tra tấn, đã khẳng khái nói: Chúng tôi không thể không nói, không
thể không làm chứng.
Vậy tin là chuyển đạt, là loan báo, là chia sẻ.
Trong những ngày của mùa Giáng Sinh này, chúng ta đã nhận được ánh sáng
, sự sống và ơn cứu độ của Chúa. Phải thấm nhuần thế nào để, qua chúng ta, ánh
sáng đức tin có thể soi chiếu mọi người, sự sống và ơn cứu độ của Chúa có thể
lan tỏa đến mọi người. Đó chính là làm chứng về Chúa.
Thời nào chứng tá cũng quan trọng, cũng là một trong những nhiệm vụ
hàng đầu của người kitô hữu. Thời đại hôm nay, nó càng quan trọng hơn, nhưng
cũng khó khăn hơn, trước một thế giới dường như mỗi ngày xa rời Thiên Chúa. Nếu
chúng ta chưa có hay ít có điều kiện hoặc khả năng nói về Chúa, rao giảng về
Chúa, thì làm chứng bằng đời sống là việc ai nấy đều có thể và phải làm. Mà đời
sống của một người đã lãnh nhận ánh sáng đức tin, đã được cứu độ, đã được hưởng
tình yêu của Chúa, thì phải luôn vui, biết ca ngợi cảm tạ, biết yêu thương
người khác, không còn tiếp tục sống trong bóng tối tội lỗi.
*Những điều gợi ra trên đây, mới nghe tưởng là vụn vặt, nhưng thực sự
là những điều cơ bản, là nền của tất cả sinh hoạt đạo đức của chúng ta, vì nằm
trong tiến trình đức tin, tức là: khao khát tìm kiếm Chúa, nhận diện Chúa giữa
những thực tại đời thường, bày tỏ tâm tình ca ngợi, cảm tạ, yêu thương, dâng
hiến, sống những hồng ân chúng ta nhận được, và chia sẻ những hồng ân đó cho
các anh chị em mình.
Vào đầu năm mới, chúng ta càng được thúc đẩy để suy nghĩ và thực hiện
những điều cơ bản ấy. Đây là nhiệm vụ với những đòi hỏi đi kèm, mà cũng là vinh
dự và hạnh phúc của mỗi người chúng ta.
Lm Micae Trần Đình Quảng
Giáng Sinh 2003