SUY NIỆM CÁC NGÀY SAU LỄ HIỂN LINH
THỨ 2
“HÃY
SÁM HỐI”
(Mt
4, 12 - 17. 23 – 25)
Jos.
Vinc. Ngọc Biển
Có
một người đàn ông trong vùng nổi tiếng về chuyện nhiều vợ, ông lại là người
chuyên uống rượu và hay la lối mọi người. Tuy nhiên, một hôm, ông ta quyết tâm
từ bỏ con đường tội lỗi, ăn năn trở về với Chúa qua việc xưng tội và rước lễ.
Thấy vậy, nhiều người sầm xì, bàn tán... trong nhóm có một bà được cho là đạo
đức, đã nói lớn tiếng để mọi người nghe thấy, bà nói: “Người tội lỗi như thế thì làm sao được Chúa tha? Xưng tội và rước lễ
như vậy, chẳng qua là hình thức, qua mắt thiên hạ!!!” Ôi thật xót xa thay!
Bà này đâu có hiểu được rằng: người tội lỗi luôn là trọng tâm sứ vụ của Đức
Giêsu và họ là đối tượng số một của Tin Mừng! Bởi vì, một người tội lỗi biết hối
cải thì được tha thứ dễ dàng hơn một kẻ tự cho mình đạo đức nhưng sống trong kiêu
hãnh!; hay một người tội lỗi trở lại thì cả triều thần thiên quốc vui mừng!
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: "Hãy
sám hối vì Nước Trời đã gần bên".
Sám
hối theo nghĩa thông thường là ý thức mình tội lỗi, hối hận, cần phải quay trở
về đường ngay nẻo chính sau khi đã quyết tâm chừa bỏ con đường cũ. Tuy nhiên,
sám hối theo Kitô giáo còn mang chiều kích siêu nhiên, đó là trở về cùng
Thiên Chúa, để nhận ra tình yêu thương vô biên của Ngài. Mặt khác, sám hối còn
là để biết yêu thương, cảm thông, chia sẻ, quảng đại và tha thứ.
Không
chỉ dừng lại ở đó, điều quan trọng nữa là: khi sám hối, chúng ta biết khiêm tốn
để soi chiếu cuộc đời của mình với tình thương, lòng nhân hậu của Thiên Chúa,
rồi định hướng cho mọi hành vi, lựa chọn của mình trong tương lai để được ơn cứu
độ.
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn sám
hối trong cuộc sống thường ngày, bởi vì, đã là con người thì không ai có quyền
nói mình vô tội. Vì thế, chúng ta hãy biết chạy đến với Thiên Chúa trong sự sám
hối để được ơn tha thứ. Amen.
THỨ 3
YÊU
THƯƠNG THẬT LÒNG
(Mc
6,34-44)
“Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là
người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết!”. Đây
chính là câu nói của triết gia Thomas Carlyle khi ông được một vị linh mục
trong xứ đến hỏi về điều cần làm cho giáo xứ của ngài lúc này.
Thật
vậy, con người ngày nay, ai ai cũng biết là có Thiên Chúa, nhưng tin trên lý
thuyết đã chiếm đa số, kể cả những người Công Giáo, còn tin trong sự cảm nghiệm
thì không biết được bao nhiêu %, có lẽ không đáng kể!
Hôm
nay, Tin Mừng thuật lại một hình ảnh đẹp của chính nhà giảng thuyết lẫn thính
giả:
Nếu
Đức Giêsu chạnh lòng thương và dạy dỗ họ nhiều điều, thì một đám đông say mê
nghe lời giảng của Đức Giêsu đến quên cả ăn.
Nếu
Đức Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đám đông “như bầy chiên không người chăn dắt”, thì đám đông vui mừng vì gặp
được chủ chiên của họ cách đích thực, không phải trên lý thuyết!
Thật
vậy, thấy đám đông dân chúng, phản ứng đầu tiên của Ngài chính là chạnh lòng
thương!
Vì
chạnh lòng thương, Đức Giêsu đã trao ban lương thực cả phần hồn lẫn phần xác
cho dân chúng.
Phần
hồn, Ngài dạy dỗ họ nhiều điều; phần xác, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân
chúng.
Trong
xã hội hôm nay, điều làm cho chúng ta không khỏi suy nghĩ, đó là của cải trên
thế giới lại nằm trong tay một số hay một vài nhóm người, khi họ nắm tài nguyên
của thế giới! Trong khi đó, nhiều nước vẫn trong tình trạng báo động về nghèo
đói, nhiều người vẫn đang quằn quại đối chọi với cái đói, cái khát, rồi nạn
thất nghiệp, chiến tranh, khủng bố ngày càng lan rộng.
Nguyên
nhân dẫn đến vấn nạn trên, chúng ta thấy mấu chốt của vấn đề: đó chính là thiếu
lòng bao dung, tình thương.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cảm thông, liên đới và trách
nhiệm với anh chị em mình. Hãy biết chạnh lòng thương như Thiên Chúa đã thương
yêu ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con
biết quên mình để lo cho anh chị em xung quanh như Chúa. Xin cũng ban cho chúng
con luôn biết tìm đến Chúa để được hạnh phúc đời đời. Amen.
THỨ 4
CÓ
CHÚA LÀ CÓ BÌNH AN
(Mc
6,45-52)
Nếu
ai đã từng đi biển hay sống trên những hòn đảo giữa khơi thì thấy rõ sự nguy
hiểm mỗi khi cuồng phong nổi lên! Thật kinh hoàng khi chập trùng giữa đại dương
mà sóng cồn gào thét như muốn vùi dập con tàu của thuyền nhân! Những lúc như
thế, hẳn ai ai cũng hoảng sợ, họ chỉ còn biết cậy dựa vào ơn lạ tình thương của
Thượng Đế mà thôi, bởi lẽ, sức tự nhiên kể như là cát bụi, không xá gì với
những tai ương mà con người đang phải đối chọi.
Hôm
nay, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, họ đã muốn tôn Đức
Giêsu lên làm vua, nhưng điều này đã đi ngược lại với sứ vụ của Đấng Thiên Sai,
nên Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ phải đi sang bờ bên kia, trong lúc ấy, Đức
Giêsu đi cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa Cha.
Nhưng
trong đêm tối, thuyền các ông đã xa bờ và gặp phải cơn cuồng phong dữ dội,
khiến các ông vất vả, loay hoay chống chọi vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Đức
Giêsu đã hiện đến đi trước họ, khiến họ hốt hoảng và la hét vì ngỡ là ma! Đức
Giêsu đã trấn an các ông khi nói: “Cứ yên
tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, rồi sau đó, Ngài đã vào thuyền cùng các ông,
lập tức sóng yên biển lặng, khiến các tông đồ không khỏi ngạc nhiên!
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học:
Thứ
nhất, hình ảnh con thuyền gặp sóng to gió lớn là hình ảnh con thuyền của Giáo Hội
trên đại dương mênh mông của cuộc đời. Con thuyền ấy đang bị kẻ thù tấn công tứ
phía. Nhưng dù có khó khăn, thử thách, dù kẻ thù có tìm cách tấn công tư bề, thì
con thuyền ấy nếu có Chúa, chắc chắn mọi sự hiểm nguy phải lắng xuống và nhường
chỗ cho sự bình an ngự trị.
Thứ
hai, nhắc cho chúng ta rằng: cuộc đời tâm linh của chúng ta nhiều khi cũng gặp
phải thử thách, cám dỗ của Ma Quỷ, nhưng những lúc đau khổ, thất bại và chơi
vơi nhất, nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa, thì Ngài luôn có mặt để nâng đỡ,
giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi hiểm nguy.
Lạy Chúa Giêsu, biển đời của chúng con
luôn gặp phải những thử thách, hiểm nguy tư bề, xin Chúa ban cho chúng con biết
cậy dựa vào quyền năng của Chúa và luôn bám vào tình thương của Ngài. Xin cho
chúng con được bình an và vững tin. Amen.
THỨ 5
TẤT
CẢ CHO NGƯỜI NGHÈO
(Lc
4,14-22a)
Có
một câu chuyện thật ấn tượng kể về một linh mục dòng Phanxicô khó khăn như sau:
ngày cha mới lãnh tác vụ linh mục, một người giàu có muốn tài chợ cho cha mới
tất cả kinh phí trong thánh lễ tạ ơn đầu đời linh mục của ngài. Tuy nhiên, khi
được tin như vậy, tân linh mục này đã ngỏ ý muốn xin số tiền ấy không phải để
mở tiệc ăn mừng, mà là dùng nó vào việc xây dựng nhà cửa, mua thuốc men... cho
bà con bị bệnh phong tại Biên Hòa – Đồng Nai mà ngài vô tình khám phá ra họ ở
trong rừng sâu và không có nhà cửa cũng như không có ai giúp đỡ... Một tấm lòng
tuyệt vời, khi không nghĩ cho riêng mình, mà là cho người nghèo, người bệnh,
người bị xã hội bỏ rơi!
Hôm
nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu trở về quê hương và Ngài vào các
hội đường mà giảng dạy. Khi đọc đoạn Kinh Thánh của Isaia, nói về sứ mạng của
vị Thiên Sai là đến với người nghèo, để nâng đỡ, an ủi, cứu giúp; xây dựng bình
an, giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ... Đọc xong, Ngài tuyên
bố, đoạn sách ấy hôm nay đã ứng nghiệm!
Khi
nói như thế, Đức Giêsu công khai đứng về phía người nghèo, bỏ rơi và bị áp bức.
Đây là lựa chọn và sứ vụ của Ngài khi đến trần gian mà hôm nay đã ứng nghiệm.
Ngày
chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mỗi người được trao cho trách
nhiệm trở nên ngôn sứ và chứng nhân cho Tin Mừng.
Tuy
nhiên, chúng ta có trở nên chứng nhân của Chúa đích thực khi quan tâm đến người
nghèo, người thấp cổ bé họng, người không có tiếng nói, người bị bỏ rơi không...?
Hay chúng ta đã phản chứng khi khước từ những người cần đến sự giúp của chúng
ta, coi khinh và bỏ rơi những người tội lỗi, đồng thời dồn anh chị em mình vào
ngõ cụt đường cùng?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng
con biết sống tình liên đới, cảm thông và chia sẻ, để trở nên sứ giả của Tin Mừng
tình thương trong gia đình, lối xóm và cuộc sống của chúng con hôm nay. Amen.
THỨ 6
CÁI
KHỔ CỦA NGƯỜI BỊ BỆNH
(Lc 5, 12-16)
"Khi còn
có thể làm việc được thì người mắc bệnh vẫn còn được chung sống với gia đình.
Nhưng đến khi thân tàn ma dại không làm được chi nữa, nhất là khi các vết ung
thối bắt đầu phá miệng lở loét ra, máu mủ vấy đầy, khiến những người chung quang
nhờm gớm, kinh tởm không chịu được, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ
một túp lều tranh để người cùi ở lại đó một mình sống chết ra sao mặc kệ!
Khi yếu liệt,
cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi đói khổ mà chết dần chết mòn một cách
thảm khốc, ấy là không kể trường hợp có thể bị cọp đói tha đi, vì có lời đồn
đại rằng cọp rất hám thịt người cùi.
Nói tóm một
điều: người cùi là một bệnh nhân biết rõ mình đang chết và với đôi mắt tỉnh táo
còn chứng kiến được rành rành giữa thanh thiên bạch nhật những sình thối rục rã
của chốn mồ sâu...!"
Câu chuyện trên đây chính là nhận định của Đức Cha
Cassaigne, thừa sai sống giữa anh chị em người cùi.
Trong cuộc sống,
cái gây nên đau khổ nhất cho con người chính là: bệnh tật và sự cô đơn.
Bệnh tật thì làm cho con người ta thất vọng và
nghĩ mình vô dụng; bệnh tật còn làm cho con người đau đớn thể xác... Còn sự cô
đơn thì làm cho con người trở nên dư thừa, họ bị cô lập không được tiếp xúc với
ai và cũng không ai thèm tiếp xúc với họ. Đau khổ nhất chính là bị đẩy ra một
nơi xa cộng đồng, không được ở với cha mẹ, anh chị em và bà con xóm làng.
Tất cả những tâm trạng đó, nơi người bị bệnh phong,
họ phải hứng chịu tất cả.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết
yêu thương ngay cả đến người không đáng yêu, tha thứ kẻ không đáng tha thứ. Đức
Giêsu đã làm thế và chúng ta cũng phải làm như vậy, nếu chúng ta là môn đệ đích
thực của Chúa.
Mong sao mỗi người chúng ta sẵn sàng chia
sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau. Thập giá mà mỗi người chúng ta phải
vác, sẽ nhẹ đi biết bao, khi chúng ta biết bắt chước Đức Giêsu, giơ tay ra chạm
đến người phong cùi.
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta được trở
nên dấu chỉ tình thương của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.
THỨ 7
LỚN
LÊN VÀ NHỎ LẠI NHƯ THẾ NÀO?
(Ga
3,22-30)
Đoạn
kết Tin Mừng hôm nay được khép lại với câu nói có hậu của Gioan Tiền Hô: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ
lại”. Nói là kết, nhưng nó lại mở ra cho một tương lai và hy vọng mới.
“Người
phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”, đã trở thành một phương
châm sống cho vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế.
Giữa
lúc uy tín của Gioan lên như diều, mọi người từ khắp nơi ai ai nghe thấy tên
của ông cũng đều nghiêng mình kính cẩn, đến nỗi nhiều người muốn tôn ông là
ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, ông đã đứng đúng vị trí của mình là
tiền hô, kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì vậy, ông đã thẳng thắn tuyên bố: tôi
không phải là Đấng Kitô, Đấng ấy đến sau tôi, tôi không đáng cởi giây dép cho
Người! Khi Đấng ấy đến, Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần... và “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ
lại” vì "Tôi là tiếng kêu trong
sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối người đi" (x. Mt 3,3).
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở thành tiền hô cho Chúa trong xã
hội hôm nay. Đồng thời sống đúng tư cách của người tiền hô, để “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ
lại”.
Để
cho Chúa lớn lên, ấy là khi chúng ta biết sống quảng đại, mưu cầu hạnh phúc cho
người khác. Biết cảm thông, yêu thương và tha thứ, bao dung và nhân hậu. Sẵn
sàng sống cho người khác.
Tôi
phải nhỏ lại, tức là nhỏ lại cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, khoe khoang...
Tuy
nhiên, trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó những tiền hô không đứng đúng vị trí
của mình! Họ đã đứng lên vị trí của Đấng Cứu Thế, còn Đấng Cứu Thế thì lại bị
đẩy ra bên lề. Vì vậy, thay vì dọn đường thì lại hưởng lợi, thay vì làm vinh
danh Chúa thì họ lại tìm vinh danh mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết
noi theo gương sáng của Gioan Tiền Hô khi xưa, luôn sống theo tinh thần đến để
phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ, để Chúa được lướn lên, còn
chúng con thì nhỏ lại. Amen.