SUY NIỆM CÁC NGÀY SAU TUẦN BÁT NHẬT
GIÁNG SINH
Ngày 01 tháng 01
LỄ MẸ THIÊN CHÚA
(CÓ PHẦN RIÊNG)
Jos.
Vinc. Ngọc Biển
Tước
hiệu Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã trở thành quen thuộc và cốt lõi của niềm tin
Kitô Giáo. Tuy nhiên, qua tước hiệu này, nhiều người cho rằng đây là một điều
ngược ngạo, phạm thượng, lộng ngôn, bởi vì dựa trên suy tư của con người, một
thụ tạo thì không thể trở thành mẹ của Đấng tạo thành được! Hơn nữa, xét theo
góc độ tự nhiên, Mẹ chỉ sinh ra Đức Giêsu về mặt nhân tính, còn thiên tính thì
Đức Giêsu là Ngôi Lời, có từ đời đời. Mặt khác, Mẹ cũng không sinh ra Thiên
Chúa Ba Ngôi!
Vậy
khi người Công Giáo tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, liệu có phải là điều
trái khuấy và thái quá không? Đâu là nguyên lý khi Giáo Hội tuyên tín và mời
gọi con cái của mình tôn kính Mẹ Maria như vậy?
Trước
tiên, chúng ta cần khởi đi từ góc độ tự nhiên: đã là con người, ai cũng phải
được sinh ra bởi người phụ nữ. Vì thế, không ai hiện hữu trên trần gian này mà
lại không có một người mẹ. Đây là quy luật mà Thiên Chúa đã an bài quan phòng.
Dù bạn là vua chúa hay bậc thứ dân; dù là giàu hay nghèo... tắt một lời, bạn có
là ai đi chăng nữa thì vẫn không thể khác đi được!
Ai là
người sinh thành ra ta, người đó là mẹ ta. Mặc dù mẹ chỉ sinh ra chúng ta về
mặt thể xác, nhưng trên phương diện toàn thể, mẹ là mẹ của “nhân linh ư vạn vật”, tức là mẹ theo nghĩa cả xác và hồn.
Theo cách
hiểu trên, chúng ta sẽ đi thêm một bước nữa để thấy việc Đức Maria là Mẹ Thiên
Chúa như thế nào?
Khi
Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của mình cho nhân loại, thì
Người cũng muốn để con của mình được sinh ra bởi một người phụ nữ. Vì thế, Thiên
Chúa đã tuyển chọn Đức Maria và trang bị cho Mẹ ân sủng kỳ diệu, để Mẹ trở nên
Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng như nhiều
ân huệ khác nữa...
Tất
cả đều chuẩn bị cho Mẹ xứng đáng đảm nhận hồng ân cao quý là trở thành người
cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Thế làm người. Đặc ân kỳ diệu này đã được thánh
Bonaventura ca tụng: “Chức làm Mẹ Thiên
Chúa là to lớn phi thường nhất Thiên Chúa có thể ban cho một loài thụ tạo”; và
được bà Isave thốt lên: “Bởi đâu tôi được
ơn trọng này là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi” (Lc 1,43).
Tuy
Mẹ Maria chỉ sinh ra Đức Giêsu về mặt tự nhiên, thể lý, tức là nhân tính, Mẹ
không phải là người tác sinh Thiên Tính nơi Đức Giêsu, nhưng Mẹ lại được gọi là
Mẹ Thiên Chúa, bởi vì nơi Ngôi Vị Đức Giêsu, về mặt Thiên Tính, thì từ đời đời
Ngài đã là Ngôi Lời Thiên Chúa, nay nhờ sự kết hợp của Mẹ Maria, bản tính tự
nhiên kết hợp với bản tính siêu nhiên, trở thành Ngôi Vị cực thánh là Thiên
Chúa Ngôi Hai làm người.
Vì
thế, dù Mẹ là Mẹ theo bản tính nhân loại, nhưng cũng là Mẹ Thiên Chúa, bởi lẽ
Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Là người thật, Ngài giống
chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; là Thiên Chúa thật, Ngài có từ đời đời,
Ngài là Đấng Tự Hữu, cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Như
vậy, những gì thuộc về nhân tính nơi Đức Giêsu thì cũng thuộc về Thiên Tính nơi
Ngôi Lời Thiên Chúa. Mẹ Maria sinh ra Đức Giêsu thì cũng sinh ra “Đấng Thiên Chúa làm người”.
Đây
là đặc ân cao trọng vượt trên hết mọi loài thụ tạo. Thánh Tôma Aquynô đã nói về
vai trò cao trọng của Mẹ như sau: “Tước
vị Mẹ Thiên Chúa cao trọng hầu như vô cùng, vì Thiên Chúa không thể không cất
nhắc Đức Mẹ lên bậc tốt lành và cao sang hơn được nữa” (St. Th q.25,a. 6ad
4). Vì thế, Mẹ xứng đáng muôn đời ca tụng là: “Đấng đầy ơn phúc”; vì “có
Chúa ở cùng” cách đặc biệt.
Với
tư cách là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ trở thành Nữ Hoàng Thiên Quốc. Nếu Đức Giêsu là
vua trên khắp cõi trần gian và Thiên Quốc, thì Mẹ Maria cũng có uy quyền phổ
quát trong tương quan là Nữ Tỳ của Thiên Chúa Cha, thân mẫu Đấng Cứu Thế và bạn
nghĩa thiết của Chúa Thánh Thần. Vì thế, uy quyền và uy lực của Mẹ trước tòa Chúa
thật lớn lao, không ai trên trần gian và Thiên Quốc ngoài Thiên Chúa có thể
sánh bằng! Bởi lẽ Vương Quyền của Đức Giêsu lớn lao vô hạn, tồn tại qua muôn
ngàn thế hệ, thì chức vị làm Mẹ của Thiên Chúa cũng tùy vào đó và trải dài cũng
vô tận.
Nhờ
tước vị cao sang quyền thế đó, Mẹ Maria đã trở thành Evà mới, phát sinh Đấng
Cứu Thế là nguồn sự sống, thay cho Evà cũ đã đưa nhân loại đến chỗ diệt vong.
Mặt
khác, Mẹ trở thành người chuyển cầu hữu hiệu cho nhân loại mỗi khi chúng ta
chạy đến với Mẹ.
Mặc
dù vai trò và tước vị của Mẹ Maria rất cao trọng, nhưng Mẹ luôn luôn khiêm tốn
trong thân phận của một Nữ Tỳ Thiên Chúa. Mẫu gương này của Mẹ mời gọi chúng ta
hãy biết khiêm nhường, bởi vì chúng ta có là gì thì cũng đều do tình thương của
Thiên Chúa chứ không phải do tài đức hay công khó của mình.
Mừng
lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta còn được mời gọi cùng nhau xây
dựng hòa bình, bởi vì Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Hoàng Tử
Hòa Bình, là Chúa của bình an. Lời hát của các thiên thần trong đêm giáng sinh
đã mặc khải cho chúng ta biết sứ vụ của Đức Giêsu: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Vì thế, chúng ta là con cái của Mẹ trong nhiệm thể Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy
cùng nhau đẩy lùi chiến tranh, xây dựng tình huynh đệ, sống liên đới và trách
nhiệm với con người cũng như xã hội hôm nay; cùng nắm tay nhau để xây dựng một
nền văn minh tình thương và sự sống.
Hôm
nay cũng là ngày đầu năm Dương Lịch, chúng ta hãy xin Chúa qua lời chuyển cầu
của Mẹ Maria, ban cho mỗi người chúng ta được an vui hạnh phúc, mạnh khỏe xác
hồn, nhất là luôn có lòng mến Chúa và yêu tha nhân như Mẹ, để năm mới này tràn
đầy tình thương và lòng nhân ái nơi môi trường và cuộc sống của chúng ta. Amen.
Ngày
02 tháng 01
KHIÊM
TỐN KHI LÀM CHỨNG NHÂN CHO CHÚA
(Ga
1,19-28)
Có
một linh mục đã cao niên nổi tiếng là đạo đức. Trong một dịp nọ, ngài bị một bà
nói xấu, bôi nhọ đến danh thơm tiếng tốt của ngài. Bà ta vu khống những chuyện
xấu xa mà trong cuộc đời của ngài chưa hề có! Khi chuyện đến tai ngài, ngài chỉ
nhắm mắt lại và âm thầm trong lời cầu nguyện, đồng thời ngài vẫn tỏ vẻ vui tươi
và hăng say trong mọi công việc. Đến một hôm, chính người nói xấu đến để xin
lỗi ngài, ngài chỉ tươi cười và nói: “Tôi
không biết bà là người nói những điều đó cho tôi, nhưng kể từ khi tôi biết
chuyện đến giờ, tôi không bao giờ quên cầu nguyện cho người đã nói những điều
đó và tôi hy vọng người đó được bình an. Hôm nay, lời cầu nguyện của tôi được
thành hiện thực, tôi rất vui mừng và tạ ơn Chúa, xin Chúa tiếp tục chúc lành
cho bà”. Sau cuộc gặp gỡ đó, người phụ nữ đã một thời buông ra những lời
độc địa không thương tiếc đến người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình trong đời
sống đức tin, nay nhờ tấm lòng bao dung, đại lượng, nhân hậu của ngài, bà ta đã
sám hối và thay đổi đời sống, siêng năng cầu nguyện và hy sinh hơn trước nhiều.
Hôm
nay, Lời Chúa đề cập đến cuộc đối thoại giữa Gioan Tẩy Giả và một số Tư tế và
thầy Lêvi, họ đặt ra cho Gioan những câu hỏi liên quan đến thân thế và sứ vụ
của ông. Họ nói: ông có phải là Đấng Kitô, hay Êlia, hoặc có phải là tiên tri
nào đó không? Cả ba câu hỏi đều bị Gioan phủ nhận. Ông chỉ nhận mình là người
dọn đường cho Đức Chúa, khi Ngài đến, ông không đáng cởi giây dép cho Ngài. Như
vậy, Gioan đã làm chứng cho Đấng Cứu Thế trong sự khiêm tốn, ngài không nghĩ
đến thân thế và uy tín của mình để tìm cách nổi nang, nhưng khiêm tốn nhận mình
là tôi tớ, đến để phục vụ cho con người và sứ vụ của Đấng Thiên Sai.
Trong
cuộc sống hiện nay, nhiều người nghĩ rằng: truyền giáo là phải làm những chuyện
lớn lao vĩ đại, hay đưa ra những kế hoạch kếch xù, vĩ mô, những khái niệm trìu
tượng mang tính xuyên thời đại... Nhưng chúng ta quên mất một điều, những thứ
đó nhiều khi làm cho con người ngày hôm nay: “Kính nhi viễn chi”. Nhưng sự khiêm tốn, hiền hậu, nhân từ sẽ làm
lay động lòng người và có sức cải hóa, biến đổi con người hôm nay cách dễ dàng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho hình ảnh, lời nói
và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả được hiện tại hóa trong đời sống đạo của
chúng con và trong công cuộc loan báo Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.
Ngày
03 tháng 01
TẤT
CẢ ĐỂ VINH DANH CHÚA HƠN
(Ga
1, 29-34)
Có
một câu chuyện kể về bản di chúc của một người sắp quá cố, trong đó có đoạn
viết: “Khi tôi chết, xin đừng ghi tên
tuổi, chức nghiệp của tôi qua tấm bia nơi phần mộ, nhưng hãy ghi rằng: ‘Những
gì tôi đang có, xin trả lại cho đời. Những gì thuộc về tôi nay không còn nữa.
Những gì tôi cho đi, từ nay thuộc về tôi’”. Thật tuyệt vời khi không nghĩ
gì cho mình, mà chỉ còn nghĩ đến người khác, ngay cả lúc chết!
Hôm
nay, thánh Gioan Tẩy Giả sau khi đã trả lời cho các Tư tế và thầy Lêvi về thân
thế, vai trò của mình, ông đã lợi dụng cơ hội này để giới thiệu cho họ biết về
Đấng Kitô mà muôn dân đang mong đợi.
Thật
vậy, Gioan Tẩy Giả đã không ham hố quyền lợi, uy tín, công danh, vì thế, khi
ông thấy Đức Giêsu tiến về phía mình thì đã hô lên và chỉ cho mọi người biết về
con người và sứ vụ của Đức Giêsu, ông nói: “Đây
là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian”.
Khi
nói như thế, Gioan đã thực sự khiêm nhường khi nhận mình chỉ là người dọn đường
cho Đấng Cứu Thế, nay Đấng ấy đến, ông không ngần ngại reo lên để mọi người
biết và tin theo Ngài! Đồng thời ông cũng trao lại cho Đức Giêsu tất cả mọi sự
từ uy tín, đến sứ vụ...
Chính
sự khiêm tốn đó, Gioan đã để lại cho muôn thế hệ tấm gương sáng ngời về sự
khiêm tốn.
Noi
gương thánh Gioan, mỗi người chúng ta hãy sống chân thành, khiêm tốn, không quá
coi trọng những lời khen ngợi, không nên tự mãn lúc thành công khi được người
đời ca tụng, lại càng loại trừ thói kiêu ngạo, tính bề trên kẻ cả ra khỏi đời
sống đạo của mình.
Mặt
khác, hãy biết trả lại cho anh chị em chúng ta những nét đẹp mà họ đang có,
tránh sự hiềm khích mà trù dập uy tín, danh dự của họ.
Nhưng
có lẽ, điều quan trọng nhất chính là quy chiếu về Thiên Chúa mọi sự thành công
của chúng ta và không ngừng tri ân, cảm tạ Ngài.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, sự khiêm nhường,
đơn sơ của Chúa mời gọi chúng con thay đổi nếp sống cũ là nếp sống kiêu ngạo,
khoe khoang, để thay vào đó là một nếp sống Tin Mừng mà chính thánh Gioan là
người đã sống và loan báo.
Ước gì Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng
con hạnh phúc khi mỗi người luôn tìm vinh danh Chúa trong mọi sự. Amen.
Ngày
04 thang 01
TRUYỀN
GIÁO BẰNG ĐỜI SỐNG
(Ga
1, 35 – 42)
Có
một hôm, cha bề trên của một hội dòng muốn cho các đệ tử của mình sống đức khó
nghèo! Tuy nhiên, thao thức của ngài, ngài không chỉ nói, mà hôm ấy, ngài đã
dẫn một nhóm đi đến thăm một cha xứ tại một họ đạo ngay tại trung tâm thành
phố. Khi đến nơi, nhóm đệ tử không khỏi ngạc nhiên về lối sống giản dị, nghèo
khó của cha xứ ấy! Phòng của ngài chỉ vỏn vẹn có khoảng 6 mét vuông, trong đó,
sách vở và những vật dụng cần thiết khác đã chiếm hết chỗ ngủ của ngài. Trong
phòng chỉ còn có một lối đi nhỏ bé chừng 40cm. Đêm về, ngài thường gọn sách vở
lại và ngủ ngay trên lối đi.
Sau
cuộc gặp gỡ đó, khi trở về, các đệ tử đã không dám đòi hỏi điều gì nữa, ngược
lại, sẵn sàng vui vẻ sống khó nghèo, bởi vì những gì đang có thì đã hơn hẳn cha
xứ của một họ đạo rồi!
Tin
Mừng hôm nay thuật lại: sau khi nghe Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần
gian”, ngay lập tức đã có hai môn
đệ đến gặp Đức Giêsu, khi thấy họ, Ngài đã hỏi họ đi đâu và tìm ai? Họ đã thưa
với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”;
Đức Giêsu đã mời họ đến và xem chỗ của Ngài, họ đã đi và ở lại ngày hôm ấy, sau
đó một trong hai người là Anrê đã đi theo Đức Giêsu.
“Hãy đến mà xem”, ấy
là lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho hai môn đệ của ông Gioan. Khi nói: “Hãy đến mà xem”, Ngài muốn các ông phải
có kinh nghiệm thực sự về Ngài, chứ không phải chỉ có nghe Gioan nói rồi đi
theo... Vì khi đến và xem, các ông sẽ thấy tận mắt đời sống và việc làm của Đức
Giêsu. Như thế, lựa chọn đi theo Chúa hay không là tùy thuộc vào quyết định của
các ông sau khi đã cảm nghiệm.
“Hãy đến mà xem”, Đức
Giêsu không muốn họ chỉ tin rằng “có”
Ngài, mà khi đến và xem, Đức Giêsu muốn các ông tin “vào” Ngài. Bởi tin “vào”
Đức Giêsu không có nghĩa thuần túy là chấp nhận một giáo điều nào đó, mà là
chấp nhận chính Ngài cũng như sứ vụ của Ngài.
Nói
khác đi, tin “vào” Đức Giêsu chính là
có một kinh nghiệm sống động, gần gũi đến riêng tư về Ngài. Khi tin “vào” Ngài như thế, Đức Giêsu muốn các môn
đệ đặt Ngài làm trung tâm cuộc đời và sứ vụ của họ. Nếu không có một kinh
nghiệm thì trong khi thi hành sứ vụ, các ông sẽ tìm cách làm theo ý riêng và
quy chiếu mọi sự về phía các ông thay về Chúa.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy
đến mà xem” để có kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa. Bởi nếu có đến tận nơi
và xem cho kỹ thì mới có những lời chứng hùng hồn về Thiên Chúa trong cuộc đời
và sứ vụ của mình được! Nếu không, lời chứng của chúng ta có khi chỉ dừng lại
trên giấy tờ, những khái niệm trừu tượng, không ăn nhập gì với con người và
cuộc sống hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho tinh
thần của hai môn đệ Gioan khi xưa được trở nên lựa chọn của chính chúng con
ngày hôm nay khi chúng con sẵn sàng “đến và xem” rồi ở lại với Chúa để được
hạnh phúc đời đời. Amen.
Ngày
05 thang 01
VƯỢT
QUA THÀNH KIẾN ĐỂ TIN THEO CHÚA
(Ga
1,43-51)
Có
một bạn trẻ Công Giáo dủ một người bạn bên đạo Phật đi lễ của người Công Giáo.
Bạn bên đạo Phật nói rằng: “Mình có theo
đạo Công Giáo đâu mà đi lễ?”; bạn bên Công Giáo trả lời: “Thì đi với tớ một hôm cho vui!”, nể quá
nên bạn trẻ bên đạo Phật đã đi lễ cùng.
Đến
nơi, thánh lễ chuẩn bị bắt đầu, hai bạn đi vào nhà thờ cách cung kính, nghiêm
trang. Trong phần giảng lễ hôm đó, vị linh mục đã quảng diễn về Lòng Thương Xót
của Thiên Chúa cách hùng hồn và đầy hấp dẫn qua dụ ngôn: “Người Cha nhân hậu”! Không ngờ, bài giảng ấy đã đánh động mạnh nơi
lương tâm người bạn kia, bởi bạn đó thấy được một Đức Giêsu dễ thương, gần gũi
và nhất là không hề chấp nhất tội lỗi của con người. Ngài luôn tìm mọi dịp
thuận tiện để tha thứ. Sau đó, bạn đó đã tình nguyện xin đi học giáo lý và gia
nhập đạo Công Giáo.
Bài
Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại việc sau khi Đức Giêsu gọi ông Philiphê, ông đã
giới thiệu ông Nathanaen đến với Ngài. Tuy nhiên, Nathanaen đã hồ nghi và thốt
lên: “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay
được?”. Nhưng khi ông đến và gặp Đức Giêsu, Ngài đã nói về ông như sau: “Đây đích thực là một người Ítraen, lòng
dạ không có gì gian dối”. Ngay sau đó, Ngài đã cho ông biết về đời sống của
ông cách nhiệm mầu, vì thế, ông đã sẵn sàng từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu.
Nathanaen
đã thoát được thành kiến cá nhân và sẵn sàng đi theo Đức Giêsu, phải chăng một
phần lớn là do bởi cách giới thiệu đầy khéo léo của Philiphê!
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Philiphê, hãy trở nên trung
gian để giới thiệu Chúa cho anh chị em mình, sẵn sàng khiêm tốn để cho Chúa
được lớn lên trong anh chị em chúng ta. Đồng thời cũng mời gọi chúng ta không
nên có những thành kiến cá nhân để rồi nhìn nhận vấn đề cách lệch lạc và đánh
đồng tất cả.
Tuy
nhiên, sự thay đổi của Nathanaen khi ông đã gặp được Đức Giêsu và đi theo Ngài
cũng là một lời mời gọi cho mỗi chúng ta, đó là: khi đã hiểu được vấn đề, thì
những thành kiến trước đó sẽ không còn ngự trị trong con người và lối suy nghĩ
của chúng ta trong hiện tại.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết
giới thiệu Chúa cho anh chị em mình như Philiphê và sẵn sàng bỏ qua thành kiến
để sống hài hòa với anh chị em mình như Nathanaen khi xưa. Amen.