Vĩnh
biệt
Nghe từ “vĩnh biệt” tự nhiên
lòng chúng ta chùng xuống. Sao mà thấy xa vời và não lòng quá. Lời vĩnh biệt
làm cho lòng xôn sao rụng rời. Một bước hẫng mất mát. Sự hiện diện bị cắt đứt.
Không còn gặp nhau nữa. Ra đi mãi mãi ngàn thu. Không phải một Thu mà ngàn Thu.
Mỗi độ Thu về, lá cây đổi màu vàng úa và rụng xuống. Cảnh Thu thật buồn. Từng
chiếc, từng chiếc lá khô héo và rụng bay theo chiều gió. Lá Thu rơi vĩnh biệt.
Từ những lá già đến những lá non mới trổ đều lần lượt ra đi để cành cây trơ
trụi. Không có lúc khởi đầu thì cũng chẳng có kết thúc. Không có sinh thì không
có tử. Không có lúc chào đời thì không có lúc lìa đời. Không có mối liên hệ thì
cũng chẳng có giây phút vĩnh biệt. Liên hệ càng sâu đậm, sự chia ly càng buồn
đau. Sự vĩnh biệt chia cách nào mà con tim không rướm máu.
Sinh ra là sự khởi đầu. Chết là
đến cùng đích. Sống là cuộc lữ hành. Lữ hành trần thế làm cho chúng ta đi từ
trạng thái này đến trạng thái khác. Từ non nớt đến trưởng thành. Từ dại khờ đến
sự hiểu biết. Từ yếu đuối đến mạnh sức. Từ sự cô đơn đến tình yêu nồng ấm. Từ
vui mừng đến lòng biết ơn. Từ khổ đau đến sự cảm thương và từ sợ hãi đến niềm
tin. Niềm tin vào Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Chúa Kitô sống lại là niềm
xác tín và là hy vọng của chúng ta.
Chúng ta đang sống nhưng chúng
ta không hiểu về mầu nhiệm của sự sống. Hết sống là đi vào cõi chết. Sách Giảng
Viên nói rằng có sự ấn định thời gian cho mọi sự: Một thời để chào đời, một
thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết
chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời
để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy
(Gv 3,2-4). Trong cuộc lữ hành dưới thế, mọi người đều trải qua những phát
triển căn bản như nhau. Rồi từng người cũng từ từ tách ra khỏi cuộc đồng hành.
Giống như khi chúng ta bước lên chuyến tàu và mỗi người xuống một trạm khác
nhau. Ai cũng phải xuống trạm. Trạm cuộc đời cũng thế, không ai có thể bỏ cái
trạm sau cùng là sự chết.
Có biết bao người khắc khoải đi
tìm ý nghĩa của sự chết. Nhiều người không biết rằng sau khi chết, số mệnh mỗi
người sẽ ra sao? Chết có phải là hết không? Nếu không, chúng ta sẽ đi về đâu?
Trải dài suy tư mọi thời để tìm giải đáp, con người vẫn còn bị bế tắc trước mầu
nhiệm của sự chết. Văn minh khoa học giúp con người nghiên cứu học hỏi về sự
sống để giúp giữ gìn sức khoẻ và chữa lành những bệnh tật, nhưng khi đã tắt thở
thì con người đành bó tay. Khoa học chỉ có thể trả lời cho vấn đề sự sống, sự
chết về khía cạnh thực nghiệm và thể chất. Mầu nhiệm của sự chết vẫn là một
điều bí ẩn của niềm tin.
Ai trong chúng ta cũng có một
chút kinh nghiệm về sự chết mòn. Sự chết của một tế bào, của một sợi tóc rụng
xuống và sự chết dần chết mòn của trí khôn quên xót và xác thân hao gầy, đuối
sức mỗi ngày. Nhưng không một ai có thể chia sẻ kinh nghiệm của cái chết hoàn
toàn khi đã tắt thở lìa đời. Một khắc giây cách biệt muôn đời giữa sự sống và
sự chết. Hai thế giới sống chết tách biệt ngàn trùng. Không có chiếc cầu nối
liên hệ. Chết là chấm dứt và là vĩnh biệt. Đứng trước cái chết của người thân,
chúng ta mới thực sự cảm thấy sự mất mát, đau lòng, tiếc nuối và thương nhớ là
dường nào.
Hy vọng là nguồn sống của mỗi
người chúng ta. Những người thân thuộc trong gia đình, anh chị em bạn bè và ân
nhân tạo thành mỗi liên hệ gần. Càng gần thì càng thân. Thân thuộc thì không
muốn chia lìa xa cách. Chúng ta chỉ muốn nói lời tạm biệt, hẹn gặp lại và mong
có dịp lại cùng xum họp. Đâu ai muốn cắt bỏ đoạn tuyệt và nhất là nói lời vĩnh
biệt. Vĩnh biệt như một bước hẫng. Thôi, người thân đã ra đi và ra đi mãi mãi.
Kể từ nay chúng ta không gặp nhau, thấy nhau hay truyện trò với nhau được nữa.
Chấm hết rồi.
Biết rằng không sớm thì muộn, ai
ai cũng phải ra đi. Có những người ra đi để lại muôn ngàn nhớ thương. Có những
người ra đi đã gây sự sầu héo, đơn côi giá lạnh và héo hon cho mảnh hồn còn
lại. Sự ra đi đơn côi làm cho nhiều người lo lắng sợ hãi. Trong niềm tin của
Kitô hữu, chúng ta tin tưởng rằng chết không phải là hết. Chết chỉ là qua đời.
Chết là ra đi vào một thế giới khác. Chết là quy tiên. Chết là tạ thế. Chết là
sự tách biệt giữa linh hồn và thể xác. Mỗi người bước vào đời một mình và cũng
sẽ ra đi một mình. Cuộc ra đi rất xa không ngày trở lại. Chết là ra đi về nhà
Cha. Muốn hưởng hạnh phúc vĩnh cửu phải bước qua cửa ngõ của sự chết. Nói
chung, ai cũng sợ phải chết. Cho dù chúng ta tin rằng có chết đi mới được lên
thiên đàng nhưng chẳng ai muốn chết sớm. Yêu mến thiên đàng nhưng chúng ta vẫn
muốn sống.
Mỗi lần đi cầu nguyện viếng xác,
nhìn xác không hồn nằm đó lạnh lẽo. Của cải trần gian trở thành vô nghĩa. Tình
đời bon chen xuôi ngược, giờ đây chỉ có hai bàn tay trắng lạnh cóng. Sau ít
ngày, thân xác sẽ tiêu tan và trở về cát bụi. Người ra đi là đi vào giấc ngủ
ngàn thu. Họ không còn vấn vương bụi trần. Họ vào đời với hay bàn tay trắng và
cũng ra đi thanh thản chẳng mang theo chi. Người chết ra đi vĩnh biệt nhưng
người sống vẫn tiếp tục cuộc sống với bao thăng trầm. Chúng ta biết rằng cho dù
có mặt của chúng ta hay không, tàu vẫn chạy chuyến đi chuyến về mỗi ngày. Mặt
trời vẫn vươn lên mỗi buổi sáng và lặn xuống khi chiều về. Xã hội và môi trường
chung quanh cứ tiếp tục vận hành.
Trong niềm tin Kitô giáo, chúng
ta được ngụp lặn trong tình yêu của Thiên Chúa. Dù sống hay chết, chúng ta đều
thuộc về Chúa. Chúa tạo dựng con người có hồn có xác giống hình ảnh của Chúa.
Thiên Chúa ban cho con người có tình yêu liên đới để con người được sống trong
tình yêu và chết trong tình yêu. Chính Đấng làm chủ sự sống đã hiến mình trên
thập giá để diệt trừ sự chết. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa như hạt
lúa mì bị chôn vùi và hư nát rồi mới sinh bông hạt. Thật, Thầy bảo thật anh
em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một
mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24). Chúa
Kitô chịu chết để đem lại sự sống cho con người. Chúa Giêsu phán: “Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ
được sống” (Ga 11,25).
Như vậy, đối diện với sự chết
chúng ta không còn phải quá sợ hãi. Sự chết là cửa dẫn chúng ta vào sự sống đời
đời. Chúng ta đã có Chúa Giêsu dẫn đường về quê trời. Chính Chúa Giêsu đã hứa: Trong
nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi
dọn chỗ cho anh em (Ga 14,2). Tin lời Chúa hứa, chúng ta vững bước trong
mọi hoàn cảnh dù sống dù chết. Sau khi lìa cõi trần, chúng ta sẽ được diện kiến
với chính là Đấng mà chúng ta tôn thờ. Ngài sẽ đón nhận chúng ta vào nhà Cha
trên trời.
Nhớ rằng hành trang về nhà Cha
không phải là vàng bạc châu báu ở đời, cũng không là danh vọng trần thế mà là
bảo chứng của tình yêu. Bao nhiêu yêu thương chúng ta đã chia sẻ; bao nhiêu
việc lành và phúc đức đã thực hiện; khi trở về cõi phúc, chúng ta phải chuẩn bị
món quá quý báu dâng Chúa; Chúa không nhận của cải vật chất nhưng Chúa sẽ đón
nhận một tâm hồn khắc khoải yêu thương. Chúa sẽ lấp đầy tình yêu trong trái tim
rộng mở. Vui sướng biết bao khi được Chúa lại đến đón chúng ta về: Nếu Thầy
đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở
đâu, anh em cũng ở đó (Ga 14,3).
Tháng Các Linh Hồn là thời gian
giúp chúng ta suy nghĩ về chính cuộc đời của mình. Cầu nguyện cho các linh hồn
là chúng ta đang cầu nguyện cho chính chúng ta. Rồi một ngày nào đó chúng ta
cũng sẽ tới đích cùng của cuộc đời. Ngày đó đến bất chợt như chớp sáng loè từ
chân trời này đến chân trời kia. Chúng ta không biết chính xác ngày giờ. Cách
tốt nhất là chúng ta luôn trong tư thế chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng. Ngày đó chắc
chắn sẽ đến và sẽ là ngày vui mừng xum họp. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh là
nguồn hy vọng duy nhất của cuộc lữ hành trần thế này. Chúa Kitô là Chúa của sự
sống. Nước của Chúa là nước của kẻ sống. Chúng ta sẽ gặp nhau lại trong Nước
của Chúa, nơi đó sẽ không còn khóc lóc, than van, sợ hãi, đau khổ và chia ly.
Nước Chúa là nơi xum họp trong an vui hạnh phúc. Nơi đó không có từ ngữ Vĩnh
Biệt mà là yêu thương hợp nhất.
Lạy Chúa, con suy tư về sự chết
nhưng con vẫn sợ chết. Con muốn được tham dự bàn tiệc Nước Trời nhưng con không
muốn dứt tiệc tùng nơi trần thế. Con muốn lên thiên đàng nhưng con lại cứ bám
víu của cải trần gian. Con muốn làm điều tốt nhưng con lại cứ sa vào dịp tội.
Cuộc lữ hành trần thế còn nhiều chông gai và thử thách. Chúng con vẫn tiếp tục
được sống. Sự sống là quà tặng Chúa ban. Thiên Chúa có quyền quyết định số phận
của mỗi người. Sự sống dài hay ngắn hoàn toàn nằm trong sự quan phòng của Thiên
Chúa. Chúng con xin vâng ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chúng con
chỉ biết dâng lời cảm tạ và ngợi khen Chúa đã cho chúng con sống ngày hôm nay
trọn vẹn trong tình yêu của Chúa.
(emty.org Cập nhật: 12/11/2011 -
23:02:18)