VÀI SUY TƯ CHO NGƯỜI
HỌC TRÒ NHÂN LỄ CÁC THÁNH
Anh Ðiệp thân mến,
Vào lúc Anh cùng với mọi
người mừng lễ Các Thánh, tôi đang lơ lửng trên trời Á Ðông, vì máy bay tôi đi
đã rời San Francisco từ 12g đêm 31.10. Không biết anh thế nào, riêng tôi, mỗi
lần lên máy bay,đều nghĩ đến những chuyến bay không bao giờ đáp xuống nơi muốn
tới như trường hợp gia đình con trai Tổng Thống Kennedy, hay gần đây là Thống
Ðốc tiểu bang Missouri. Và tôi nghiêm túc tự hỏi "Tôi đi về đâu"?
Những lúc ấy, qủa thực tôi không còn nghĩ đến hành trang, thậm chí cả cái điếu
cầy mà tôi luôn kè bên mình suốt hành trình trên đất Mỹ dường như cũng trở
thành qúa nặng nề, cần phải quăng đi.
Lời Chúa trong sách Khải
Huyền, thư Gioan và cả bài Tin Mừng dường như muốn chúng ta đặt vấn đề theo
chiều ngược lại : không phải là "đi về đâu", nhưng "từ đâu mà
đến". Như vậy xem ra Kinh Thánh còn mang tính nhân bản hơn chính chúng ta
đấy chứ? Kinh Thánh muốn nhìn vào cuộc sống hiện sinh của mỗi người, lôi họ ra
khỏi những mộng mơ.
Theo cách nhìn đó, người
ta thật dễ dàng thấy cuối cùng, dù ngay trên đất Mỹ phồn hoa, hai chân họ vẫn
còn đứng giữa những con người nghèo : dân nhập cư, hay là con cháu của thời nô
lệ, mà dân số không nhỏ, trên 30%. Con người ở đây vẫn đang trải qua những thảm
kịch của bạo động, thậm chí mạng sống của trẻ em, ngay cả thai nhi cũng thật
mong manh trước sự lạnh lùng của lòng người. Trên đất nước của những thành phố
vui chơi lộng lẫy muôn mầu sắc, nhưng cũng không thiếu những cái chết bất đắc
kỳ tử. con người chính tại chỗ đứng của mình được mời gọi làm cho cảnh vực nhân
sinh trở nên tốt đẹp hơn. Cái khốn cùng của con người chính là tự mãn với ý
nghĩ có thể tự tạo ra thiên đàng trần gian. Bao cố gắng, bao thành qủa.giống
như hệ thống xa lộ, thật tuyệt vời, nhưng cũng càng ngày càng trở nên chật
chội, và thiếu hụt.
Quan điểm của Lời Chúa
muốn chúng ta nhìn vào nơi từ đó các Thánh đã đến, nơi mà các Ngài đã dày công
xây dựng thành lộ trình tiến vào hạnh phúc : nơi ấy có thể dùng vài nét chấm
phá của Tin Mừng để phác thảo nên : đó là lộ trình nghèo khó, hiền lành, thương
xót, trong sạch. một nơi mà các Thánh xây dựng bằng máu hòa trong Máu Chiên
Con.
Tuy nhiên, Ðiệp thân mến,
Thánh Gioan nói thế gian không biết đến những con người trên lộ trình ấy. Chúng
ta có dám chấp nhận một sự cô độc như vậy trong cuộc sống hay không. Những vị
Thánh mà hôm nay nhân loại tôn vinh là những con người đã khai mở cho thế hệ
các Ngài một cảnh vực nhân sinh tốt đẹp nhất, thì phần đa số các Ngài đều lãnh
nhận những khổ hình bởi chính anh em mình, như chính Ðức Kitô trên Thánh Giá.
Những tháng ngày lang
thang trên đất Mỹ, tôi gặp rất nhiều anh chị em của tôi. Phần đa số đã cảm thấy
bằng lòng với trời mới, đất mới, có những người hội nhập thật nhanh với lối
sống ở đây, và ngó tôi như một cụ già nhà quê lên tỉnh. Thậm chí họ cho rằng
nơi họ đang sống mới thực sự có một nền đạo đức nhân bản trong đó cái tự do cá
nhân được kính trọng đúng mức. Nhưng Ðiệp thấy không, Lời Chúa nhìn hạnh phúc
của mỗi cá nhân trong cái tương quan hữu cơ với CON THIÊN CHÚA, với NƯỚC THIÊN
CHÚA, với DÂN RIÊNG NGƯỜI, trong sự hiệp thông của Cộng Ðoàn các Thánh. Ðất nước
này, con người vẫn còn một tương quan với nhau, tôi không phủ nhận điều ấy, mà
còn thấy là một tương quan vô cùng chặt chẽ nữa : Nhưng đó chỉ là tương quan do
pháp luật thiết định. Ðiệp thân mến, đã có một thời trong Dân Chúa thời Cựu
Ước, cũng như thời Tân Ước, người ta cũng sống như thế. Thánh Phaolô bằng cái
nhìn xuyên suốt Mạc Khải đã khẳng định : chữ viết thì giết chết đấy. Con người
không thể đạt tới tầm vóc là người trong khuôn khổ luật định. Con người chỉ có
thể làm cho cảnh vực nhân sinh mang tính nhân bản khi họ chấp nhận và sống
TƯƠNG QUAN HỮU CƠ mà Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay.
Thân ái.
LM. Giuse