Một năm
mới.
Một năm mới đang về. Năm mới sẽ đem về gì đây? Tôi không có ý nói đến một
viễn tượng nào đó cho thế giới, cho tình hình chính trị, hay cho Giáo Hội. Tôi
muốn nghĩ đến viễn tượng của chính mình – của tôi. Dấu hỏi này và nỗi ưu tư này
không hề vu vơ. Vì rồi sẽ tới lúc tôi ra đi, sẽ tới lúc tôi không còn có mặt
trên trần đời này nữa. Và chính đức tin – chứ không phải những tưởng tượng lẩn
quẩn về mình – cho tôi biết rằng dù ra đi nhưng mình sẽ vẫn tồn tại thực sự, và
tồn tại trong tất cả sự thực mà mình đã trở thành ở đây và bây giờ, rằng toàn
bộ thời gian đang trôi chảy đây được thâu họp vào thực tại mệnh danh là “vĩnh
cửu” – vĩnh cửu của tôi, vĩnh cửu của bạn, vĩnh cửu độc nhất, không thể chuyển
và không thể đổi.
Vì thế tôi có lý do để băn khoăn rằng năm mới
này sẽ đem lại gì cho tôi. Mà nói cho cùng, tất cả lịch sử rốt cục cũng chỉ
quan trọng ở chỗ nó đem lại gì cho mỗi con người, cho bạn và cho tôi, trong
vĩnh cữu ấy (dù có thể nhiều người nông cạn không nhìn ra tầm quan trọng này).
Vì mọi cái khác đều trôi qua, chúng không quan trọng lắm bởi chúng nay còn mai
mất. Rõ ràng ta có thể nói rằng cái thực tại chóng qua này đây – nếu được hiểu
đúng – chính là vĩnh cữu trong tiến trình
đang trở thành; thực thể vĩnh hằng là thực thể phàm trần đã được mang đến mức
viên mãn, chứ không phải là một cái gì sẽ đến sau này theo cách
hiểu thông thường – vì nếu thực thể vĩnh hằng chỉ là cái sẽ đến sau, thì rồi
cũng sẽ tới lượt nó trôi đi mất, tiêu vong!
Đó là lý do tại sao tôi quan tâm tới vấn đề
năm mới này sẽ đem lại gì cho mình. Với tất cả niềm trân trọng đối với vĩnh
cửu, tôi muốn đặt câu hỏi này ra. Vì những gì đang đến sẽ không tan biến mất.
Nó đến để ở lại. Nó có mặt để lưu tồn chứ không phải để tiêu vong. Nó cắm vào
trong khoảng trống của thời gian để lấp đầy thời gian. Nó là huyền nhiệm của
vĩnh cửu trong thời gian. Năm mới này sẽ đem lại gì đây – vấn đề này tôi trân
trọng mấy cũng không vừa. Vì bao lâu tôi còn đi qua dòng chảy của thời gian
trong thân phận con người mình, tôi vẫn luôn nghĩ rằng thời gian không chứa
đựng gì ngoại trừ chính nó. Tôi phải thường xuyên tự cảnh tỉnh mình. Vĩnh cửu
đang diễn ra nơi tôi bây giờ, một lần và cho tất cả, vĩnh cửu đang có mặt bây
giờ dẫu tôi tưởng rằng những gì đang trôi qua đây chẳng có mấy tầm quan trọng.
Không phải mọi khoảnh khắc đời tôi đều có đầy
giá trị lưu dấu vĩnh cửu như nhau. Vậy, khi nào thì một khoảnh khắc của đời tôi
được “viên mãn” (theo nghĩa: khi thời gian đến hồi “viên mãn”, Ngôi Lời Thiên Chúa đã
nhập thể và đi vào trần gian)? Rõ ràng khoảnh khắc ấy sẽ xảy đến khi mà – với
tất cả ý thức, can đảm và quyết tâm – tôi huy động trọn vẹn con người mình và
với tự do của mình tôi trao phó trọn vẹn con người tôi cho Thiên Chúa, một cách
hoàn toàn không nhuốm màu vị kỷ, một cách khôn tả vì đó chính là nhờ tình yêu
khôn tả của Thiên Chúa, Đấng mà tôi chỉ thực sự biết khi nào tôi đạt đến cuộc
dâng hiến khôn tả nầy. Và người ta đạt đến điều này không phải bằng con đường
thông thuộc đầy dấu vết của cảm tính và giảo hoạt, nhưng là bằng thái độ nghiêm
túc triệt để và bền bỉ trung thành, vì Thiên Chúa là Đấng ta không thể hiểu
thấu. Như vậy, tôi chỉ có một cách để làm chủ chính mình: làm chủ qua hành vi
thí bỏ và trao hiến trọn vẹn con người tôi!
Và rõ ràng, đó là tất cả ý nghĩa của
hành vi Kitôhữu. Vì, dù người ta có ý thức hay không, trong trật tự của cuộc
sống hiện tại, một hành vi như thế không thể được thực hiện ngoài đức tin và ân
sủng. Sở dĩ ta có thể bước tới được với Thiên Chúa, đấy là bởi vì chính Ngài –
Đấng vô cùng – đã đến gần gũi với ta nơi Đức Giêsu Kitô (dù người ta có biết điều
này hay không).
Thật là đúng đắn, đáng khen, và rất có ý nghĩa
khi nói (miễn là ta biết dè dặt đúng mức chứ không lạm dụng bừa bãi) rằng chúng
ta suy tưởng về Chúa, chúng ta có thiện chí, chúng ta giữ các giới răn của Ngài
thì (ta nghĩ) sẽ chẳng có sự cố gì có thể xảy đến cho mình, chắc hẳn Ngài phải
tỏ ra ưu ái ta, thưởng công cho ta (như nhiều người Công Giáo nghĩ) hay ít nhất
Ngài cũng phải tha thứ tội lỗi cho ta (như nhiều người khác nghĩ).
Dĩ nhiên cách nghĩ ấy có thể đúng. Hay phải
nói rằng quả thực cách nghĩ ấy đúng. Song đó không phải là tất cả sự thực mà
tôi đang quan tâm ở đây. Nói cho cùng, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa với hết
lòng, hết sức lực, với trọn linh hồn mình. Và đàng khác, chúng ta phải yêu như
vậy ngay khi mình còn trong thân phận lữ khách hành hương cách xa Chúa vời vợi,
ngay khi mình vẫn không nhìn thấy Ngài mặt đối mặt. Vì phúc ân mà ta được hứa
nằm ở trong sự hoàn thành trọn vẹn cuối cùng và vĩnh viễn của thời gian, của
tình yêu trong thời gian.
Vì thế chúng ta phải tận hiến chính mình cho
Ngài trước đã, bằng chính sự tự do trong hiện tại này, để có thể hoàn toàn đón
nhận được Ngài. Đó phải là một hiến dâng trọn vẹn, không thể có một cắt xén
nào, một châm chước nào. Tất cả các phúc ân mà Ngài ban cho ta cũng cốt ở chỗ
giúp ta thực hiện hành vi dâng hiến này. Tuy nhiên duy chỉ việc Chúa ban ơn cho
ta cũng không đủ để làm ra hành vi dâng hiến đó; nó phải là một việc làm của ta
nữa (một việc làm trong thời gian mang ý nghĩa vĩnh cửu). Ngay cả người kẻ trộm
bị đóng đinh thảm hại kia cũng được nhận lời khi – vào giây phút cuối cùng –
anh ta bắt đầu tin yêu với trọn tấm lòng, trọn năng lực và trọn linh hồn anh.
Nhưng khi nào thì điều này xảy đến cho tôi? Và
ở đâu ơn Chúa sẽ hoàn toàn chiến thắng và hoàn toàn khuất phục sự tự do của tôi
– để con người nhát đảm và khiếp sợ của tôi (vốn không dễ gì chịu bỏ mình) có
thể tìm ra được đủ can đảm để dám thực sự hoàn toàn quên mình vì Chúa? Ở đâu và
khi nào tôi sẽ đạt đến điều đó? Chắc hẳn là tôi đã được điều đó rồi, tôi có thể
tự nhủ mình một cách đầy an ủi như thế. Vì, dĩ nhiên, tôi xác tín rằng mình
đang sống trong ân sủng Chúa, tôi xác tín rằng mình đã gặp thấy lòng khoan nhân
của Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài – là chính tình yêu của Thiên Chúa – vẫn
được đổ tràn vào lòng ta. Và do đó, (có thể nói) tình hình không có gì là quá
bi đát hay quá mờ mịt cho tôi, vì tình yêu của Thiên Chúa tràn trào; nếu không
nhận được tình yêu ấy thì chẳng một ai có thể gặp thấy được Thiên Chúa của
mình.
Câu hỏi có thể đặt ra: Phải chăng chúng ta có
thể nói rằng ta phải yêu mến Thiên Chúa từ nơi sâu thẳm nhất của con người
mình, yêu một cách đích thực và chân thành – nhưng ta không cần phải thu tóm
trọn cả cuộc sống mình vào trong tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa “ngay lúc
này”, lúc mà chúng ta đang xao xuyến đặt câu hỏi này ra? Khi tự hỏi như vậy là
chúng ta cho thấy rằng mình vẫn còn đang bước đi trong cuộc hành trình dang dở,
vẫn đang còn ở trong giòng lịch sử phận người…. Không được phép cố tình giậm
chân tại chỗ, chết cứng. Chúng ta phải hăng hái tiến lên và trưởng thành trong
tình yêu này.
Và nếu chúng ta làm thế, thì rõ ràng là mọi sự
sẽ trở thành tốt đẹp ngay trong hiện tại này – nghĩa là ngay khi mà chúng ta
còn chưa có được một tình yêu có sức làm cho mình biến đổi hoàn toàn, ngay khi
chúng ta còn tham lam và ích kỷ – dù vẫn có niềm tin và thiện chí. Chúng ta có tấm lòng và tấm lòng đó sẽ triển nở nếu
ta không cố tình phung phí những cơ hội do cuộc sống và ơn Chúa ban cho.
Tất cả những điều ấy quả xác thực và sự xác
thực này rất có tính khích lệ cho ta. Song như vậy không có nghĩa là có thể
hoàn toàn thỏa mãn, vì dù sao chăng nữa một lúc nào đó trong cuộc đời ta cái
khoảnh khắc “thời gian viên mãn” vẫn cần phải xảy ra. Cái khoảnh khắc linh
thánh, tuyệt vời, trọn vẹn ấy phải xảy ra. Cái khoảnh khắc tĩnh lặng như đêm
Chúa ra đời, trong đó với trọn lòng mình con người dâng hiến trọn vẹn chính
mình trong bàn tay của Đấng mà mình không thể thấu hiểu (thật là khủng khiếp
một sự phó thác như thế) – và cuộc dâng hiến ấy trọn vẹn đến nỗi món quà hiến
dâng không bao giờ bị lén lút rút lại, như thực tế vốn thường xảy ra.
Ta có thể dám hy vọng không, hy vọng rằng một
ngày nào đó mình cỏ đủ tấm lòng để thực hiện được hành vi dâng hiến ấy? Có phải
thực ra ta đã hy vọng rồi – vì rất có thể ta đã bắt đầu hy vọng rồi, và vì ta
nghĩ mình vốn vẫn yêu mến một mức nào đó hoặc vốn vẫn khao khát một tình yêu
như thế? Có phải đó là một dấu chứng đầy đủ cho niềm hy vọng – vừa rất dũng cảm
vừa vô cùng thiết yếu – rằng rồi sẽ đến lúc ta có thể thực sự biết yêu bằng
trọn vẹn con người mình? Duờng như tuổi tác càng chất chồng thì tấm lòng người
ta càng khó sẵn sàng để hiến dâng. Nó trở nên mỏi mệt, héo hắt, lạnh lẽo và
chán chường. Người ta tự hỏi phải chăng mình tiếp tục bước tới bởi vì mình
không thể làm bất cứ gì khác, mình đã hóa khô cứng do trải qua sự khổ luyện
hằng ngày, hoặc phải chăng mình như bất lực không còn có thể làm gì khác bởi vì
chính sự bất lực này là phần thưởng ân phúc của sự tự do đích thực? Có phải
nhân đức đã xuống cấp trở thành chuyện thông thường, sự nỗ lực phấn đấu đã trở
thành chuyện náo động vu vơ, và lòng trung tín chỉ còn là tập quán?
Sự viên mãn của thời gian trong đời tôi ở đâu,
đâu là giờ phút quyết định trong đó toàn bộ thực tại con người tôi được huy
động? Phải có một giờ phút như vậy. Bởi
vì rõ ràng là con người ta không xây đắp cuộc đời mình bằng cách thu gom những
việc lành của mình, từng việc từng việc lẻ tẻ, và dồn chúng lại. Đúng
hơn, mỗi việc lành ấy đều có tiềm năng chứa đựng cái toàn thể, có tiềm năng
hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Nếu chẳng vậy, làm sao một hành vi riêng lẻ
nào đó có thể quyết định cả cuộc sống con người. Thế mà mọi hành vi, hiểu theo
nghĩa đầy đủ, đều có sức quyết định như thế. Tội “trọng” là cái có thực, và
việc lành “trọng” cũng có thực. Một việc lành “trọng” tự yếu tính nó phải khác
với một việc lành “nhẹ” – cũng như tội trọng khác với tội nhẹ. Nhưng đâu là
những lúc mà tôi đã thực hiện những hành vi có tầm quan trọng như thế, những
hành vi có trọng lượng bằng cả con người tôi – bởi vì chúng đặt cả con người
tôi lên bàn cân của Thiên Chúa?
Người ta thường nói đến những phút giờ trọng
đại nhất, những khoảnh khắc tuyệt vời và linh thánh nhất của đời người – và cứ
dựa theo những biến cố đang được mừng thì đó là: dịp rước lễ lần đầu, ngày
thành hôn, …, dịp lãnh chức thánh, vv… Có phải những biến cố ấy là những bước
quặt của cuộc đời mà chúng ta đang tìm kiếm? Có phải những biến cố ấy chính là
sự tròn đầy của vĩnh cửu đi vào trong một khoảnh khắc của thời gian? Chúng ta
được phép nghĩ thế. Vì còn gì trọng đại hơn và quyết liệt hơn cái khoảnh khắc
mà – chẳng hạn – người ta thực sự ăn tấm bánh vĩnh cửu là chính Thân Mình Chúa,
Đấng đã tự hiến đến chết vì chúng ta?
Tuy nhiên ai cũng rõ rằng người ta không những
có thể đón nhận tấm bánh vĩnh cửu ấy một cách bất xứng và vì thế tự chuốc lấy
án vĩnh viễn cho mình – chúng ta còn biết rằng dù bí tích có giá trị trọn vẹn nhưng không phải bao giờ ta cũng lãnh
nhận trọn vẹn thực tại mà bí tích hàm chứa, tức trọn vẹn ân sủng – dẫu là ta
không đang lãnh nhận bí tích một cách bất xứng đi nữa. Không phải
mỗi lần lãnh nhận sự viên mãn của thời gian là mỗi lần tôi nhận được sự viên
mãn của đời mình. Người ta có thể sống trong khoảnh khắc của Đức Kitô mà cuộc
sống của chính mình vẫn trôi qua một cách khô cằn trống rỗng – hay khá hơn thì
cũng rất rời rạc vá víu. Sẽ tuyệt diệu biết bao nếu trong mô thức bí tích ấy
người ta có thể tìm thấy được sự viên mãn của cuộc sống mình. Tuyệt diệu biết
bao nếu sự viên mãn của thời gian có thể có mặt trong chính giòng đời tôi, ở
đây và bây giờ. Lúc ấy sẽ không còn phải thiếu thốn gì nữa. Sự sung mãn vĩnh
cửu của Thiên Chúa sẽ hiện diện – và sự hiện diện thâm sâu này sẽ hiện thực một
cách khả giác trong chính biểu lộ của nó vừa ở chiều kích cá nhân vừa ở chiều
kích Giáo Hội, vừa hết sức cụ thể vừa đượm tính phụng vụ. Sự sung mãn ấy sẽ
được hiện thực tròn đầy trong dấu chỉ, trong biểu hiệu của bữa đại tiệc vĩnh
hằng, bữa đại tiệc của sự hoàn thành đầy đủ. Người ta sẽ uống cạn chén rượu đời
mình – và chén rượu ấy được cảm nhận đã tan hòa thành một trong chén của Đức
Kitô.
Điều đó là có thể và là cần thiết. Song quả là
ta không thể quyết chắc rằng Thiên Chúa đã đặt định sẵn cho mọi người để phút
giờ quyết định ấy của mỗi người đều xảy ra đúng khi dấu chỉ của bí tích (diễn
tả sự hoàn thành của thế giới và của từng người bằng ân phúc và thứ tha) được
thực hiện trong cuộc đời họ. Xem ra chỉ một phần bé nhỏ của ân sủng ấy được đón
nhận, xem ra trong cõi lòng người ta chỉ thực sự có chỗ để đón nhận chỉ một
phần của ân sủng ấy – nếu như cõi lòng ấy không nhút nhát và hẹp hòi quá mức.
Nghĩa là, phút giờ trọng đại ấy, phút giờ sung
mãn ấy rất có thể cũng xảy ra khi dấu chỉ của bí tích (theo nghĩa rộng) nghèo
nàn hơn, mù mờ hơn và không phải là một opus
operatum gì cả. Người ta có thể uống cạn chén rượu đời mình với
trọn sự sống và sự chết của mình trong một phút giờ nào đó không phải là phút
giờ của bàn tiệc Thánh Thể – dù vậy họ vẫn sống phút giờ ấy của mình trong sự
kết hợp mật thiết với phút giờ của Đức Kitô. Vì Đức Kitô đã kết hợp phút giờ
của mọi người vào trong phút giờ của Ngài – phút giờ trở thành hiện thực trong
hy lễ tiến dâng và trong bàn tiệc Thánh Thể.
Người ta có thể bất chợt đột phá qua mọi rào
chắn vốn vẫn giam hãm bản ngã đầy xao xuyến của mình và hòa nhập vào khung trời
bao la của Thiên Chúa xuyên qua một sự từ bỏ rất âm thầm lặng lẽ, một hy sinh
xem ra hết sức nhỏ nhặt tầm thường của họ. Có lẽ chính người ấy cũng không chú
ý mấy đến điều đang diễn ra nơi mình, có lẽ chẳng có cảm nghĩ nào được người ấy
xem là đáng đặc biệt ghi nhớ. Chỉ có điều là người ấy bỗng dưng trở nên thật
quảng đại cởi mở. Bỗng dưng tồn tại một cái gì đó mà mình không thể gọi tên,
một cái gì đó rất kỳ diệu, vô hình và không thể nào tả được.
Nhưng mọi sự khác hẳn. Thực tại đang có mặt ấy
không thể được xếp bên cạnh những thứ khác lấp đầy đời sống như kiểu những món
đồ đạc cũ kỹ được chất ngổn ngang đầy kín trong nhà kho. Thực tại ấy không thể
được so sánh với bất cứ gì khác và không thể được gán cho là cùng loại hay khác
loại với cái này hoặc cái kia. Con người ấy đã từ bỏ, đã ra đi, đã đoạn tuyệt.
Bây giờ, thật bất ngờ, con người ấy lại có mặt khắp mọi nơi và nắm giữ tất cả,
cái tưởng như “không là gì” ấy hóa ra chính là tất cả. Con người ấy không cần
một chỗ tựa nào nữa, vì bây giờ chính bản thân mình đã trở thành một “toàn-thể-tính”
ổn định, tự nâng đỡ mình (trong toàn-thể-tính của Thiên Chúa) đứng vững không
té ngã – vì trong cô đơn này và trong sự từ bỏ này, không có gì mà con người ấy
có thể té ngã vào được nữa.
Có thể có người đâm ra kinh sợ cái vô hạn rất
trầm lặng đang mở ra cho mình này – không phải mở ra bằng những ý tưởng trừu
tượng, nhưng là mở ra nơi cảm nghiệm về năng lực thực có của hữu thể mình, tức
là tinh thần. Người ấy như hoảng sợ thoái lui, quay trở lại với những gì quen
thuộc trong cuộc sống mình, quay trở lại với những gì khả giác, với những bổn
phận có giới hạn, với những nguyên tắc được công thức hóa rõ ràng. Và như vậy
người ấy không nhận ra đúng đắn rằng trong khi những điều ấy quả cần thiết (cần
thiết theo lý chứ không phải theo tình cảm cuồng nhiệt) – thì người ta vẫn đâu
phải cần đến chúng để trốn thoát khỏi những thứ khác.
Những điều ấy là phương tiện để cho
người ta đạt đến sự chấp nhận đích thực đối với cái vô hạn vốn phải thực sự
được tìm thấy trong chúng – và là cái không chỉ được đặt ra trước mặt người ta
như một phần thưởng cho những việc tốt lành hữu hạn mà họ thực hiện. Dĩ nhiên
trong những việc tốt lành này có sự hiện diện của ân sủng (nếu đây là những
việc lành đúng nghĩa như đã đề cập). Và ân sủng này, cuối cùng, là chính Thiên
Chúa – là ‘ơn phi tạo’ – là Thánh Thần Tình Yêu vĩnh cửu. Thiên Chúa hiện diện
đích thân trong những công việc tốt lành đó. Ngài không chỉ là phần thưởng hứa
ban cho những kẻ làm việc lành, bởi chính Ngài – trong chân tính của Ngài – là
Đấng trao ban những công việc ấy không nhằm mục đích nào khác hơn là để cho
chúng trở thành điều mà chúng nên thành và phải thành (thì mới có thể được gọi
là những việc có giá trị đúng nghĩa – tức giá trị cứu độ): đó là chúng trở
thành những lối mở dẫn vào sự vô hạn bỏ ngỏ của Thiên Chúa.
Những công việc và những tình cảm ngay lành
xét theo tự nhiên (nếu chúng tồn tại một cách tinh thuần đúng nghĩa) sẽ là
những thực tại mà tự thân chúng đáng được tưởng thưởng bằng một phần thưởng nào
đó của Thiên Chúa – chứ không phải là chính Thiên Chúa. Còn những “việc lành”
của các Kitôhữu (dù công khai hay âm thầm) thì chứa đựng sự vô hạn của chính
bản thân Thiên Chúa – Đấng vừa là điều kiện quyết định sự hiện hữu của khả tính
của chúng (bởi vậy nên gọi là ân sủng) vừa chính là phần thưởng của chúng (gọi
là sự sống đời đời). Và bởi vì Thiên Chúa đã không muốn chọn một thế giới nào
khác ngoài cái thế giới mà Ngài đã trao ban chính bản thân Ngài (chính bản thân
Ngài, chứ không duy chỉ trao ban những thành quả do Ngài làm ra) cho nên rõ
ràng là tất cả những gì hữu hạn chỉ có ý nghĩa trong tư cách là một lối mở dẫn
vào cái vô hạn không thể hiểu thấu, trầm lặng và khôn lường.
Như vậy, chỉ cần một hay hai củ hành ném qua
bờ giậu cho người nghèo khó cũng có thể là một bước quặt có tính quyết định –
một chút lòng tốt mà trong đó thực sự không hề nhắm kiếm tìm sự biết ơn, thứ
tha mà không hề chú ý đến sự kiện rằng mình đang tha thứ, một giọt máu chảy ra
từ trái tim và rơi vào đâu đó – thực không thể biết là nơi nào – mà không hề
xót xa, thái độ âm thầm chịu nỗi đớn đau cùng cực mà không hề hiểu vì sao –
cũng không biết được liệu mình có sẽ còn khả năng chịu đựng. Hay một kẻ cô đơn
cùng cực mà không trốn chạy khỏi nỗi cô đơn của mình, cũng không phóng chiếu
mình trong nỗi cô đơn đó. Hoặc một người sống đàng hoàng tử tế trong cuộc sống
bình thường và do đó bị khinh chê là khờ dại, song vẫn không phẫn nộ phản kháng
lại cái điên rồ của một thế giới trong đó con người ngay thẳng bị xem là dại
khờ.
Con người đó cũng không tự vỗ về an ủi mình
(để bù trừ cho sự thiếu vắng lời khen ngợi của kẻ khác) bằng cách tự biểu dương
và khâm phục tính cách tử tế của mình. Người ấy không âm thầm thu gom những cái
tốt của mình lại – để sau này trình làng và gặt hái vinh dự, cũng không kể công
với bạn hữu hay vợ/chồng mình nhân khi mình lên tiếng phiền trách vì bị xử tệ.
Người ấy chỉ muốn tử tế, đơn giản vậy thôi! Kỳ diệu biết bao một sự tử tế hoàn
toàn vô tư, vô cầu. Đó là sự tử tế hoàn toàn hồn nhiên như trẻ thơ. Đó là tình
yêu thuần khiết của Thiên Chúa trong thế giới đời thường. Thử hình dung một
người chuyên chăm làm bổn phận mình, người ấy không ngoại tình – trong hành vi
và cả trong tâm tưởng – mặc dù bổn phận chung thủy này cơ hồ như đòi người ấy
phải chết đi chính mình, cơ hồ như đòi người ấy phải khước từ chính bản ngã. Một
hình dung khác, một người cầu nguyện bỗng đột nhiên quên mất rằng mình đang cầu
nguyện, đột nhiên quên mất rằng mình đang cần một sự gì đó (và dĩ nhiên là cũng
quên mất rằng mình đang cố gắng tranh thủ cái mình cần), người ấy quên cả rằng
mình đang lên lời.
Chỉ còn có Thiên Chúa ở đó thôi – rất trầm
lặng, rất âm thầm nhưng cũng rất thực. Không thể thấu hiểu, không thể diễn tả,
không thể so sánh, không thể bập bẹ được gì về Ngài – nhưng chính là Ngài đó,
rất thực. Ngài ở đó dường như bởi vì ta không còn ở đó. Ta có được Ngài bởi vì
ta đã bỏ mình và ra khỏi mình. Ngài ở đó, vì ta – rốt cục – không còn đồn trú
trong vành đai bản ngã mình nữa. Nói cho cùng, không thể nào diễn tả xa hơn về
cuộc siêu thoát này; vì một khi ta cố diễn nó thành lời trong chính cái khoảnh
khắc mà mình đã để bản ngã lại đằng sau, thì lập tức ta đã quay trở về bên
trong những lằn mức giới hạn rõ rệt của tình trạng và thực tại mình. Nếu ta có
phát biểu về nó (đôi khi đây là điều ta phải làm), thì ta cũng không nhằm làm
cho sự phát biểu của mình đóng vai trò phô diễn cái hành động chứa đựng trong
lời phát biểu ấy.
Thực có những giờ phút quyết định như thế.
những giờ phút ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng ta không đạt được những giờ
phút ấy duy chỉ bằng việc bàn luận về chúng. Bởi chỉ cần có một chút khả năng,
người ta có thể ăn nói trơn tru về chúng duy chỉ nhờ nghe người khác kể lại
hoặc nhờ ở việc phát hiện ra dấu vết rõ ràng của Thần Khí và ân sủng (dấu vết
này thậm chí có thể được tìm thấy nơi những việc làm và những kinh nghiệm phàm
tục và tầm thường nhất của đương sự). Vì nếu chúng ta không có một chút kinh
nghiệm gì về cái mà ta chỉ đạt được trọn vẹn trong những giờ phút quyết định
ấy, thì ta đâu còn thần tính nữa và đâu còn được ân sủng thu hút nữa – trong
khi thực sự ta luôn còn thần tính (cho dẫu ta đang dã man vung dao giết người)
và luôn luôn được thu hút về phía ân sủng. Nhưng không phải mọi kinh nghiệm đều
được ta đón nhận và nắm giữ với tất cả năng lực của lòng mình. Ta không có được
sự viên mãn của thời gian và vĩnh cửu trong lòng mình bởi vì ta tự hài lòng với
chỉ một thoáng hương vị của nó và mê mải triết lý về chút hương vị bé nhỏ đó
thôi.
Và như vậy câu hỏi vẫn còn: Phải chăng một giờ
phút quyết định như thế – giờ phút mà thời gian của đời tôi đạt đến sự viên mãn
– đã từng xảy ra? Một câu hỏi điên khùng! Người ta không thể thực sự đặt câu
hỏi kiểu đó. Bởi vì chẳng ích gì cho tôi việc tôi có thể kể lại một khoảnh khắc
như thế đã từng xảy ra trước đây trong đời mình. Có lẽ tôi có thể tuyên bố như
thế. Có lẽ tôi có thể quyết đoán rằng khoảnh khắc ấy đã từng xảy ra hồi tôi còn
bé, lúc rước lễ lần đầu, khi tôi mời Chúa ngự vào lòng tôi – một tấm lòng bé
nhỏ nhưng chứa chan tình mến Ngài.
Nhưng khi đặt câu hỏi như vậy, chẳng khác nào
tôi cho rằng những gì đã xảy ra vẫn còn có nghĩa lý với tôi bây giờ. Và điều đó
hoàn toàn sai. Vì sự viên mãn của thời gian trong đời tôi chỉ thực sự đáng kể
khi đó là cái chưa trôi qua. Vấn đề quan trọng là bây giờ hay ngày mai đây, một
phút giờ mang tầm vĩnh cửu như thế có xảy đến với tôi hay không. Vì bao lâu con người còn trong thân phận khách hành
hương, bao lâu thời gian vẫn còn là thời gian, thì mỗi khoảnh khắc vẫn tựa như
người chạy tiếp sức với bó đuốc trong tay – người ấy không chỉ giữ ngọn lửa rực
cháy ấy cho riêng mình mà còn phải trao nó cho người kế tiếp. Chỉ khi người sau
nhận bó đuốc và mang nó chạy tiếp thì cuộc chạy của kẻ trước mới khả dĩ có được
ý nghĩa và giá trị gì.
Đời sống quả thực không phải là một tổng hợp
của những phần rời rạc riêng biệt (ở đây đang nói đến đời sống tinh thần chứ
không phải sự sống thể chất); nhưng toàn thể đời sống xét như một thực thể
thống nhất không tách chia được – vận hành qua thời gian và trong một tiến
trình trở thành xuyên qua mọi sự. Vì vậy, duy chỉ sự
kiện tôi đã được cái gì trước đây sẽ không hề có nghĩa rằng hiện giờ tôi đang
có cái đó, song trong quá trình lâu dài này tôi có thể trở thành – một lần nữa
trong hiện tại – như mình đã trở thành trước đây. Cái đã qua luôn luôn chỉ có
nghĩa một tiếng gọi thúc giục ta hiện thực hóa điều vốn đã từng hiện thực, và
đó cũng còn là một lời hứa đảm bảo rằng điều đã từng thành công trong quá khứ
cũng sẽ thành công trong hiện tại này. Như vậy chỉ vì sự hiếu kỳ vu vơ hoặc vì
nỗi day dứt ăn năn muốn biến quá khứ thành tương lai mà người ta mới quay trở
lại với quá khứ của mình – để lục tìm những phút giờ cao cả của vĩnh cửu đã
từng xảy ra trong đó.
Do đó, đừng nên hỏi rằng đã từng có một phút
giờ quyết định như thế hay không trong đời mình – một cuộc đời nghèo nàn trống
rỗng, một cuộc đời đầy những ảo ảnh ngay cả trong những điều gọi là tốt lành mà
ta đã làm. Thay vào đó, tốt hơn nên hỏi một phút giờ như vậy sẽ xảy đến với tôi
từ đâu trong quãng đường trước mặt mình. Tôi phải tìm ra nó ở trước mặt chứ
không phải ở sau lưng. Và cũng chính ở phía trước mặt tôi là nơi tôi phải gặp
thấy lại những phút giờ xưa cũ ấy. Vì những phút giờ mà Thiên Chúa từ nhân tuôn
đổ ơn sủng của Ngài trên tôi chỉ có thể còn lại với tôi ở trên đường tôi đang
đi tới mà thôi. Kho tàng của quá khứ là sự mở ngỏ của tương lai.
Vì rõ ràng chúng ta đã hành động là nhằm để có
khả năng hành động, đã yêu thương là nhằm để có khả năng yêu thương. Thật ra
toàn thể quá khứ của tôi có thể đến lại với tôi, bởi nó cần được bảo toàn hay
được cứu độ. Vì một người tìm gặp được Thiên Chúa thì không thể đánh mất gì, và
vì một khi chúng ta vẫn còn có thể có một trái tim và khả năng yêu mến Thiên
Chúa với trọn tấm lòng mình thì chúng ta chẳng bị hụt mất gì cả.
Tuy nhiên, cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa ập
xuống trên những ai không hết lòng tin vào sứ điệp hồng phúc của ân sủng đó của
Ngài, ân sủng mà Ngài không hề tiếc rẻ, ân sủng quyết định tất cả sự sống của
ta. Có một thứ tinh thần thực dụng trong đó người ta chỉ biết đến những gì nơi
chính mình và nơi con người mà thôi, và thường quên chính điều thực tiễn đệ
nhất là Thiên Chúa – là tương lai vĩnh cửu và là ân sủng nhờ đó mình có thể làm
cho tương lai vĩnh cửu ấy thành tương lai của chính mình. Sự hoàn thành của tất
cả khả năng này không phải ở đâu và lúc nào cũng nhất thiết phải xảy ra kèm
theo với cảm xúc và với những giọt nước mắt vui mừng – như chúng ta thường muốn
thế.
Cơ hội hồng phúc này chủ yếu được hứa cho
những người mỏi mệt và nặng trĩu trong lòng, những người bị thiêu đốt bởi ngọn
lửa vô hình của khổ đau và thất vọng: Phúc cho những ai than khóc, phúc cho
những ai đói khát.
Một năm mới đang về. Một năm như bao năm khác.
Một năm của rối ren và thất vọng với chính bản thân tôi và với bao người. Khi
Thiên Chúa xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta, Ngài dựng giàn giáo tốt để
triển khai công trình. Giàn giáo ấy tốt đến nỗi chúng ta muốn được sống luôn
trong đo!. Chỉ có điều trớ trêu là giàn giáo ấy lại bị hạ xuống. Thế rồi chúng
ta gọi sự tan rã này là tính mong manh vô thường bi đát của đời sống chúng ta.
Chúng ta xót xa và sầu thảm nếu trong viễn tượng của một năm mới chúng ta nghĩ
mình không thể gặp thấy gì ngoài sự sụp đổ của tòa nhà cuộc sống mình – cuộc
sống mà thực ra đang được xây dựng âm thầm cho vĩnh cửu đàng sau giàn giáo được
dựng lên và lại được hạ xuống.
Không, năm mới đang đến đây không phải là một
năm thất vọng hay một năm của những ảo tưởng ru ngủ người ta. Đó là năm của
Thiên Chúa, là năm mà trong đó những phút giờ quyết định đang đến gần tôi một
cách âm thầm và êm ái, và sự viên mãn của thời gian đang đến để đi vào đời tôi.
Tôi có sẽ nhận ra những phút giờ ấy không? Hay những phút giờ ấy vẫn trống rỗng
chứ không có gì lạ? Vì đối với tôi chúng xem ra quá bé nhỏ, quá khiêm tốn và
tầm thường?
Dĩ nhiên xét mặt ngoài thì những phút giờ ấy
sẽ không trông có vẻ khác biệt gì so với những khoảnh khắc tốt lành thường ngày
của bất cứ ai. Vì thế, tôi có thể dễ dàng bỏ nhỡ không nhận ra những phút giờ
ấy: một chút nhẫn nhục làm cho cuộc sống dễ chịu hơn một chút cho những người
xung quanh tôi; sự bỏ qua một lỗi lầm của người khác; việc dám liều để xây dựng
niềm tin thực sự vào một người mà mình có xu hướng không tin tưởng bởi vì mình
nghĩ mình đã có những kinh nghiệm không tốt về người đó trước đây; sự chân
thành chấp nhận rằng người khác có cơ sở đúng đắn để phê phán mình; sự bao dung
đón nhận những vết thương người khác gây cho mình và để nó chết hẳn trong lòng
mình chứ không kéo dài nó bằng sự than phiền, sân si, xót xa và báo oán; sự
trung thành trong đời cầu nguyện dù không cảm nhận được những “niềm ủi an” hay
những “cảm nghiệm sùng ngưỡng sốt mến”; sự cố gắng để yêu thương những người
khiến mình bực bội (dù là sự sai quấy hiển nhiên thuộc về họ), và không duy chỉ
là cố gắng thuận thảo với họ bằng cách nuốt giận vì thấy như vậy có lợi cho
mình; sự cố gắng để nhìn thấy nơi sự “điên dại” của người khác một loại thông
minh khác với sự khôn ngoan của mình nhưng đó không hẳn là ngu dại; sự nhẫn
nhịn để không đáp lại sự bất bao dung của người khác theo kiểu ăn miếng trả
miếng; sự cố gắng để không lấy nhân đức của mình biện minh cho những lầm lỗi
của mình; một ý chí cải thiện chính mình khi nhìn thấy tội lỗi nơi người khác
và chân tình muốn giúp họ đổi mới; sự xác tín vững vàng rằng mình rất sẵn lòng
và rất dễ dàng tự gạt mình và lấp liếm nhiều lỗi lầm và gian ác mà mình vốn
nhận thấy nơi bất cứ ai khác; không chì chiết kẻ khác cũng không tự đề cao
mình, và nhiều điều khác nữa vốn chỉ thực sự là tốt khi được chuyên cần thực
hành.
Chúng ta chỉ cần cố gắng làm nghiêm túc những
bổn phận bình thường ấy trong đời sống hằng ngày. Và tất cả sẽ trở thành lớn
lao. Song nếu vì quá phấn khích mà không lượng sức mình, sự việc sẽ hóa ra nguy
hại. Vì để sống được như vậy, chúng ta phải là người chịu thiệt, chúng ta sẽ
cảm thấy như mình cho đi nhiều mà không nhận lại bao nhiêu. Chẳng có mối lợi
nào được thu vén cả – không được gì trước mắt người đời, cũng không được gì bên
trong lòng mình (chẳng hạn, một lương tâm tốt lành hay một cảm thức rằng mình
đã đắc thủ được nhiều nhân đức!); vì thậm chí những mối lợi ấy cũng không còn
sức hấp dẫn nào đối với mình.
Rồi, một khi đã biết làm những việc nhỏ nhặt
ấy với một thái độ thích đáng (tự căn bản đây chính là thái độ Kitô giáo, dù ta
không ý thức như vậy) – sẽ đến lúc mà những nguyên tắc ứng xử hằng ngày thực sự
trở thành chuẩn mực đạo đức và luân lý, trở thành cửa ngõ dẫn ta vào vĩnh cửu
bất diệt. Sẽ đến lúc ta không được tưởng thưởng gì thêm – nghĩa là, ta không
nhận được bất cứ gì đặc biệt dù bên ngoài hay ở trong lòng mình, vì Thiên Chúa
đích thực hiện diện trong chính cái “không gì cả” ấy, và đánh mất hữu hạn lại
chính là bắt được vô hạn. Hơn nữa, chính xuyên qua việc đánh mất những cái hữu
hạn mà ta nhận thức được rằng mình đang đạt được cái vô hạn. Cuộc sống của ta
là một cuộc trả giá chính bản thân mình để lấy cái vô hạn. Để được Thiên Chúa,
ta không thể trả giá nào rẻ hơn.
Ta cần nhận hiểu chiều kích thần nhiệm ấy của
cuôc sống thường ngày. Chỉ khi nhận hiểu như vậy, ta mới có thể tự nguyện nỗ
lực – trong tinh thần con cái Thiên Chúa – để chu toàn lề luật vì lòng kính
trọng đối với quyền cai quản tối cao trên vũ trụ (việc này ta không bao giờ có
thể làm xong trọn vẹn; vì đây là việc khó chịu, làm ta ấm ức như một kẻ lao
động khổ sai). Chiều kích thần nhiệm ấy của cuộc sống thường ngày chính là ân
sủng. Hoàn toàn là ân sủng. Nhưng dĩ nhiên điều đó không có nghĩa rằng ta không
cần phải làm gì cả ngoại trừ cố chấp đợi chờ cho đến khi ân sủng của Thiên Chúa
cưỡng bức ta đấu tranh chống lại ý muốn của ta. Sự cưỡng bức của ân sủng, nếu
có thể gọi như thế, chính là ở chỗ ta được trao ban ý chí hướng thiện – và ý
chí hướng thiện, đành rằng tiên vàn do Chúa ban, song đó cũng là thành quả do
công phu đắc thủ của con người. Thái độ thích đáng của ta là tập cảm nếm vĩnh
cửu trong thời gian qua việc sống chiều kích thần nhiệm của cuộc sống thường
ngày.
Sống chiều kích thần nhiệm ấy, tức là ta đang
sẵn sàng để cảm nhận những khả năng tột đỉnh của cuộc sống, đó là những khoảnh
khắc hy sinh anh hùng, những thử thách khủng khiếp, sự điên rồ thánh thiện và
cuối cùng là nỗi chết của chính mình – ta chết trong cái chết của Đức Kitô! Làm
sao ta có thể đón nhận những khoảnh khắc ấy nếu ta không tỉnh thức sẵn sàng và
– trong khả năng hết sức có thể của mình – tự chuẩn bị cho mình những phút giờ
tột đỉnh ấy, những phút giờ mà ta không thể nắm trước được, những phút giờ xảy
đến ngoài mọi tiên lượng của ta?
Bất cứ ai chưa từng cảm nếm vĩnh cửu trong
thời gian sẽ kinh hoàng và lẩn trốn những phút giờ ấy. Họ khiếp sợ; họ cảm thấy
mình bị đòi hỏi quá sức chịu đựng của mình. Thậm chí họ không nhận ra rằng ân
sủng lớn lao của đời sống đang ở ngay trước mặt, trong tầm tay họ. Họ phớt lờ,
họ cho rằng mình không thể “như thế” được. Và rõ ràng, họ không thể “như thế”
được bởi vì họ quá nhu nhược và tự ti trong đánh giá chính bản thân mình.
Cần phải tập sống chiều kích thần nhiệm của
cuộc sống thường ngày. Nó khác hẳn với một thái độ “trung thành với bổn phận”
nào đó của những người quá tủn mủn chi li, họ “đạo đức” một cách cứng nhắc và
không ước ao gì khác hơn ngoài việc tiếp tục mãi mãi làm một “viên chức hạng
quèn” của Thiên Chúa, miễn là họ luôn luôn nhận được “tiền lương” ngay trong
cuộc sống hiện tại này. Dĩ nhiên là những công việc nhỏ nhặt thường ngày vẫn
còn đó và chúng ta không thể thoát ra được. Thánh nhân cũng phải ngáp, cũng
phải cạo râu … như bất cứ ai. Không có gì chắc chắn rằng những phút giờ sẽ được
ban cho chúng ta trong những ngày tháng sắp tới đây sẽ là những phút giờ vĩ đại
và đặc biệt quan trọng – ngay cả dù xét theo quan điểm của chính chúng ta. Vậy
thì chắc chắn phải có một vĩnh cửu trong cuộc sống thường ngày. Vì chúng ta
biết rằng mọi con người mà chúng ta gặp thấy xung quanh cuộc sống mình – có vẻ
như quá đỗi bình thường thôi – song họ đều có đủ giá trị để trở thành một vĩnh
cửu, và trở thành vĩnh cửu ngay trên mặt đất này, dù cho tất cả những gì họ làm
dường như chỉ là nhọc nhằn lo toan sinh kế, cưới vợ lấy chồng, bình luận chính
trị hoặc xem bóng đá hay tán gẫu về nghệ thuật Picasso …
Có lẽ chính vì lý do này mà những phút giờ
quyết định ấy chỉ đến với chúng ta giữa chính nhịp sống thường ngày. Nhiều
khoảnh khắc của nhịp sống thường ngày sẽ chẳng hề có ý nghĩa bước quặt quyết
định gì cả. Dĩ nhiên chúng ta không thể dốc toàn lực mình mọi nơi mọi lúc. Và
để có được sự tự do lớn nhất thì ta phải từ bỏ nhiều nhất, bởi vì thực tại
thiết cốt nhất được đặt nền móng trên khả năng thâm sâu nhất và đây là một món
quà được ban tặng cho chúng ta. Khả năng dốc được toàn lực mình trong sự tự do
hoàn toàn chính là món quà tặng vĩ đại nhất. Khả năng ấy không được ban cho
chúng ta trong hết mọi phút giây. Tuy nhiên, khả năng ấy hoàn toàn có thể được
ban cho chúng ta trong một tình huống rất bình thường của cuộc sống thường
ngày. Ai có thể nói trước được khi nào thì phút giờ ấy xảy đến? Chúng ta luôn
luôn phải bước vào một tương lai bất quyết, với những rủi ro và những cơ hội mà
tương lai bất quyết ấy bao hàm. Bất chợt, trong khi chúng ta chỉ cảm nhận được
rất mù mờ về cái bất quyết ấy khi chấp nhận nó thì sự hoàn thành lớn lao sẽ
được ban cho chúng ta. Dù sao đi nữa, sự hoàn thành ấy là của chúng ta vì chúng
ta đã chấp nhận nó trong đức tin (dù không biết nó).
Một năm với những khả năng như thế đang đến
với chúng ta. Chúng ta phải mừng năm mới với đức tin cao độ hơn bao giờ – Hãy
bứt ra khỏi sự yếu nhược, sự chán chường và bất tín cố hữu của mình. Tương lai
đang đến. Những kẻ điên rồ nghĩ rằng tương lai đến để tìm kiếm quá khứ như thể
một ám ảnh khổ lụy và chết chóc. Kỳ thực nó đến vì nó muốn trở thành vĩnh cửu.
Nơi những con người chiếm hữu được Thiên Chúa thì cái quá khứ này luôn hiện
diện vô giới hạn. Tương lai vĩnh tồn ấy đang đến với chúng ta – trong sự viên
mãn của thời gian đời tôi, xuyên qua những phút giờ quyết định của sự tự do đầy
năng lực tin, cậy, mến.
Năm mới này sẽ đem lại gì cho tôi? Còn gì khác
nữa ngoài Thiên Chúa – trong sự viên mãn của thời gian đời tôi. Mà này, rất có
thể rằng chính cái khoảnh khắc ngắn ngủi lúc này đây sẽ không còn chuyển giao
ngọn đuốc của sự sống vĩnh cửu cho một khoảnh khắc nào khác, thay vào đó ngọn
đuốc bây giờ sẽ tự nó sáng soi như ánh sáng bất diệt. Biết đâu đó, như Thánh
Tông Đồ Phaolô nói, tôi lao về phía trước, tôi không ngoái lại đằng sau. Tôi
không nghĩ rằng mình đã đến đích, nhưng tôi lao về phía trước nhằm để đến đích.
Đứng trước thềm năm mới này, chúng ta cũng có thể thốt lên lời cầu “Maranatha!”
– Lạy Chúa, xin hãy đến! Vì quả Chúa đang đến – đang đến trong năm mới của đời
tôi. Năm mới này sẽ đem lại gì cho tôi? Còn gì nữa nếu không phải là Đức Giê-su
Kitô chịu đóng đanh và Phục Sinh! Còn gì nữa nếu không phải là mầu nhiệm sự
chết và sự sống của Ngài trong sự sống và sự chết của tôi! Còn gì khác nữa nếu
không phải là ánh sáng chói lọi của Ngài trong đức tin nhọc nhằn của tôi, lời
hứa của Ngài trong đức cậy truân chuyên của tôi, tình yêu của Ngài dành cho tôi
trong nỗ lực không ngừng tìm kiếm Ngài trên con đường yêu mến và chia sẻ định
mệnh của Ngài.
Một năm mới lại về, năm của Chúa!
Karl Rahner,
S.J. (Lm. Lê Công Đức dịch)