Cha Cantalamessa - Bài Giảng Tĩnh Tâm Tuần I Mùa Chay 2018

 

Cha Raniero Cantalamessa, Vị Giảng Thuyết Phủ Giáo Hoàng (CNS photo/Paul Haring)

(masimpress.com) 28 February 2018 

“ĐỪNG RẬP THEO ĐỜI NÀY” (Rm 12:2)

“Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2).

Trong một xã hội mà mọi người cảm thấy được mời gọi hãy làm biến đổi thế giới hay Giáo Hội, thì câu Lời Chúa này lại phá vỡ khi mời gọi mọi người hãy tự biến đổi chính mình: “Đừng rập theo đời này”. Sau những lời này có lẽ chúng ta mong đợi nghe, “nhưng hãy biến đổi thế giới!”. Thay vào đó, lời này nói với chúng ta, “Hãy biến đổi chính bản thân anh em!” Biến đổi thế giới, đúng, nhưng là biến đổi thế giới ở trong các bạn trước khi các bạn có thể biến đổi thế giới ở bên ngoài mình.

Câu Lời Chúa này, được trích từ Thư Gửi Tín Hữu Rôma, giới thiệu cho chúng ta tinh thần của Mùa Chay năm nay. Theo thông lệ trong vài năm trở lại đây, giờ đây chúng ta sẽ dành bài suy niệm thứ nhất này cho việc dẫn nhập chung về Mùa Chay mà không đi vào một chủ đề đặc biệt cho năm nay, vì sự thiếu vắng một phần của sự hiện diện theo thường lệ là những vị đang dấn thân ở nơi khác cho Kỳ Linh Thao.

1. Người Kitô Hữu và Thế Gian

Trước hết chúng ta hãy nhìn vào lý tưởng tách ra khỏi đời này được hiểu và sống thế nào từ khởi đầu cho đến ngày nay. Vẫn luôn thật hữu ích để xét đến những kinh nghiệm trong quá khứ nếu chúng ta muốn hiểu những đòi hỏi của hiện tại.

Trong Tin Mừng Nhất Lãm thì từ “thế gian” (Kosmos) thì hầu như luôn được hiểu theo một nghĩa trung lập về luân lý. Theo nghĩa không gian của từ này, thì “thế gian” nói đến trái đất và vũ trụ (“Hãy đi khắp thế gian”). Theo nghĩa thời gian của nó, thì từ này nói về thời gian hiện tại hay “thời đại” (aion). Đây là từ mà với Phaolô, và thậm chí hơn thế nữa với Gioan, thì từ “thế gian” mặc lấy một chiều kích luân lý và quá thường là nói về thế gian như nó trở thành sau khi phạm tội và rơi vào sự thống trị của Satan, “ác thần của đời này” (2 Cr 4:4). Đây là ý nghĩa của từ “đời này” trong giáo huấn của Phaolô mà chúng ta bắt đầu suy niệm vá trong một giáo huấn hầu như mang tính đặc trưng của Gioan trong Thư Thứ Nhất của Ngài:

“Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian”. (1 Ga 2:15-16)

Người Kitô Hữu không bao giờ đánh mất tầm nhìn về sự thật là thế gian trong tự thân nó, bất chấp mọi sự, thì chỉ là và vẫn là một công trình tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa, một công trình tạo dựng mà Ngài yêu mến và đến để cứu chứ không phải để lên án: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

Thái độ đối với thế gian mà Chúa Giêsu đặt ra với các môn đệ của Ngài được chứa đựng trong hai luận đề: ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. “Con không còn ở trong thế gian nữa”, Ngài nói, khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, “nhưng họ, họ ở trong thế gian... Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17:11, 16).

Trong ba thế kỷ đầu tiên, các môn đệ khá ý thức về vị thế độc nhất của mình. “Thư Gửi Diognetus”, một lá thư khuyết danh vào cuối thế kỷ thứ 2, mô tả cách nhận thức mà các Kitô Hữu có về chính mình trong thế gian:

Các Kitô Hữu không thể phân biệt được so với những người khác về mặt quốc tịch, ngôn ngữ hay các tập tục. Họ không sống ở các thành phố riêng biệt của riêng mình, hay nói một thứ thổ ngữ lạ nào, hay đi theo một lối sống kỳ dị nào...Họ tuân thủ các tập tục của bất cứ thành phố nào mà họ đang sống, bất luận đó là Hy Lạp hay nước ngoài. Nhưng rồi có một điều gì đó lạ thường về đời sống của họ. Họ sống ở đất nước của họ như thể các đất nước này đang qua đi. Họ thực thi trọn vẹn vai trò của họ trong tư cách là công dân, nhưng làm việc dưới tất cả mọi sự bất lợi của những người xa lạ. Bất cứ một đất nước nào cũng có thể là quê hương của họ, nhưng đói với họ thì quê hương, bất cứ nơi nào, đều là một đất nước ngoại quốc. Giống như những người khác, họ cũng kết hôn và sinh con, nhưng họ không thể hiện họ [sẽ chết]. Họ chia sẻ các bữa ăn, nhưng không phải các bà vợ của mình. Họ sống trong thân xác, nhưng họ không bị chế ngự bởi các ước mong của xác thịt.[1]

Chúng ta hãy tóm lược lại điều viết sau đó. Khi Kitô Giáo trở thành một tôn giáo vốn bị chịu đựng và ngay sau đó thậm chí được bảo vệ và ưu ái, thì một cách không thể tránh khỏi sự căng thẳng giữa Kitô Giáo và thế gian có xu hướng bớt khắng khít kể từ khi thế gian đã hình thành – hoặc ít nhất được coi là – một “thế giới Kitô Giáo”. Do đó, chúng ta chứng kiến một hiện tượng chấp đôi. Một mặt, các nhóm người, khi khao khát muốn duy trì là muối cho đời mà không đánh mất đi hương vị của muối, đã thoát ly khỏi thế gian, thậm chí cả về mặt thể lý, và rút vào trong sa mạc. Lối sống tu viện được sinh ra dưới biển hiệu với câu châm ngôn tính từ thời tu sĩ Arsenius: “Fuge, tace, quiesce,” “Thoát ly, thinh lặng, đứng yên”.[2]

Đồng thời, các vị mục tử của Giáo Hội và một số vị được khai sáng hơn đã tìm cách áp dụng lý tưởng thoát ly khỏi thế gian cho tất cả mọi tín hữu, đề nghị không phải là một cuộc thoát ly thể lý mà là thiêng liêng khỏi thế gian. Thánh Basil ở Phương Đông và Thánh Augustine ở Phương Tây có cùng tư tưởng giống như Plato, đặc biệt về hình thức khổ chế đã được môn đệ của ông là Plotinus thực hiện. Trong bầu khí văn hóa này, lý tưởng thoát ly khỏi thế gian trở nên sống động. Tuy nhiên, lý tưởng này có liên hệ đến một cuộc thoát ly về chiều dọc hơn là về chiều ngang, có thể nói, một sự thoát ly hướng lên chứ không phải hướng về phía sa mạc. Lý tưởng này hệ tại ở việc nâng bản thân vượt trên nhiều thứ vật chất và đam mê con người để hiệp nhất bản thân với điều gì là thánh thiêng, không hư hoại, và vĩnh cửu.

Các Giáo Phụ, đứng đầu là Cappadocians, đã đề xuất một nền khổ chế Kitô Giáo đáp trả lại nhu cầu tôn giáo này và áp dụng ngôn ngữ của nó mà không hề hy sinh các giá trị của tin mừng. Để khởi đầu, cuộc thoát ly khỏi thế gian mà họ đề xuất là một công việc của ân sủng hơn là việc đó là nỗ lực của con người. Bước nền tảng không phải là ở phía cuối con đường mà là ở ngay khởi đầu của nó, trong phép rửa. Chính vì thế mà sự thoát ly này không dành cho một vài người có học mà là mở ra cho hết mọi người. Thánh Ambrose viết một bài giảng dạy ngắn gọi là “Thoát Khỏi Thế Gian”, nói cho hết mọi người giáo hữu mới.[3] Sự tách ra khỏi thế gian mà Ngài đề xuất trên hết là hiệu nghiệm: “Thoát ly”, Ngài nói, “không phải là một sự ra đi khỏi trái đất mà là ở lại trái đất, giữ vững công lý và điều độ, rũ bỏ những ham muốn về những của cải vật chất, không sử dụng chúng”.[4]

Lý tưởng thoát ly và tách ra khỏi thế gian này sẽ khác biệt về hình thức, đồng hành với toàn bộ lịch sử của nền linh đạo Kitô Giáo. Một lời cầu nguyện trong phụng vụ tóm lược lại điều này khi nói, “terrena despicere et amare caelestia”: “chán ghét những sự thuộc về thế gian và yêu thích những sự trên trời”. (Cùng một kinh nguyện trong nền phụng vụ hiện đại khi nói: “sử dụng sự khôn ngoan những sự thuộc thế gian, và luôn hướng đến những sự tốt lành trên trời”)

2. Cuộc Khủng Hoảng về Lý Tưởng “Fuga Mundi”

Mọi thứ đã thay đổi trong một giai đoạn trước thời đại của chúng ta. Liên quan đến ý tưởng tách ra khỏi thế gian, chúng ta đã trải qua một giai đoạn mà lý tưởng ấy đã bị “chỉ trích” và bị nhìn bằng đôi mắt hoài nghi. Cuộc khủng hoảng này có những cội rễ xa. Nó bắt đầu – ít nhất ở cấp độ lý thuyết – với chủ nghĩa nhân đạo Phục Hưng vốn làm sống lại sự hứng thú và lòng nhiệt thành đối với các giá trị thế gian, đôi khi với nét đặc thù dân ngoại. Nhưng yếu tố quyết định của cuộc khủng hoảng này được thấy trong hiện tượng của cái gọi là “sự tục hóa” vốn bắt đầu trong Thời Kỳ Khai Sáng và đạt tới đỉnh điểm của nó trong thế kỷ 20.

Sự thay đổi rõ nét nhất có liên quan cách cụ thể đến các khái niệm về “thế gian” và “thời đại”. Trong toàn bộ lịch sử của nền linh đạo Kitô Hữu, thì từ “saeculum” có một nét nghĩa vốn có khuynh hướng là tiêu cực, hoặc ít nhất là mập mờ. Nó có nghĩa là thời đại hiện tại vốn là chủ thể của tội lỗi, như chống lại thời đại tương lại hay vĩnh cửu. Trong một vài thập kỷ, thì nghĩa của từ này đã trải qua một sự biến đổi cho đến khi nó mặc lấy một ý nghĩa tích cực mang tính quyết định vào những năm 1960 và 1970. Một số tựa đề của chính những đầu sách đã xuất hiện trong những năm này như, Ý Nghĩa Thế Tục của Tin Mừng của Paul van Buren và Thành Đô Thế Tục của Harvey Cox, nhấn mạnh vào ý nghĩa lạc quan mới này của từ “saeculum” và từ “thế tục”. Một “nền thần học của sự tục hóa” được khai sinh.

Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ góp phần thêm dầu vào một chủ nghĩa lạc quan thái quá về thế giới đối với một số người đang không suy xét đủ về mặt kia – mặt vốn đang “ở dưới sự thống trị của ma quỷ” và đang chống lại tinh thần của Đức Kitô (x. Ga 14:17). Vào một thời điểm nhất định thì ý tưởng truyền thống của việc thoát ly “khỏi” thế giới được thay thế trong tư tưởng của nhiều người (gồm cả hàng giáo sĩ và tu sĩ) bằng ý lý tưởng thoát “hướng về” thế giới, nghĩa là, sự thế tục.

Trong bối cảnh này thì một số trong số những điều ngớ ngẩn và ảo tưởng nhất đã từng xuất hiện với tên gọi “nền thần học” đã từng được viết ra. Điều đầu tiên là ý tưởng là chính Thiên Chúa trở nên thế tục và thế gian khi Ngài gạt sang một bên Thần Tính của Ngài để trở nên con người. Đây là cái được gọi là “Nền Thần Học về Sự Chết của Thiên Chúa”. Cũng tồn tại một nền thần học quân bình về sự tục hóa mà trong đó sự tục hóa không được coi là một điều chống lại tin mừng nhưng thay vào đó là sản phẩm của tin mừng. Tuy nhiên, đó không phải là nền thần học mà chúng ta đang nói đến.

Một số người nhận định rằng “những nền thần học về sự tục hóa” được nói đến ở trên chẳng là gì khác ngoài là những nỗ lực mang tính biện hộ “để mang lại một sự biện minh mang tính ý thức hệ cho sự thờ ơ tôn giáo nơi con người hiện đại”; chúng cũng phù hợp với “kiểu ý thức hệ mà các Giáo Hội cần thiết để biện minh cho tình trạng ngoại biên hóa ngày càng gia tăng của họ”.[5] Điều đó sớm trở nên rõ ràng là đây chỉ là một con đường cụt. Trong một vài năm hầu như không một ai nói về nền thần học của sự tục hóa, và một vài người cổ võ nền thần học này đã tự tách bản thân họ khỏi nó.

Như vẫn thế, việc chạm tới đáy của một cuộc khủng khoảng trở thành một dịp để trở về với lời “hằng sống và vĩnh cửu” của Thiên Chúa. Chúng ta hãy lắng nghe lại giáo huấn của Thánh Phaolô: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.”

Chúng ta đã biết từ Tân Ước điều mà thế giới này không tuân theo: đó không phải là một thế gian mà Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương và không phải là con người trong thế giới mà chúng ta phải luôn đi ra để gặp gỡ, đặc biệt là người nghèo, người bị áp bức, và người đau khổ. “Việc hòa quyện vào” với nỗi thống khổ này và thế giới bị gạt ra bên lề này, một cách trái nghịch, là cách tốt nhất của “việc tách” bản thân chúng ta ra khỏi thế gian vì điều đó có nghĩa là đi vào theo hướng mà từ đó thế gian này trốn thoát càng nhiều càng có thể. Điều đó có nghĩa là tách bản thân chúng ta ra khỏi nguyên lý rất mạnh đang điều khiển thế giới này, sự qui ngã.

Chúng ta hãy tập trung một chút vào ý nghĩa của điều diễn ra sau đó: được biến đổi trong nếp nghĩ sâu thẳm nhất của tư tưởng. Mọi sự ở nơi chúng ta bắt đầu trong tư tưởng, bằng những suy nghĩ. Có một câu châm ngôn khôn ngoan đã nói,

Hãy coi chừng những suy nghĩ của bạn vì chúng sẽ thành lời nói.

Hãy coi chừng những lời nói của bạn vì chúng sẽ thành hành động.

Hãy coi chừng hành động của bạn vì chúng sẽ thành thói quen.

Hãy coi chừng thói quen của bạn vì chúng sễ thành tính cách.

Hãy coi chừng tính cách của bạn vì nó sẽ thành số phận của bạn.

Do đó, trước những công việc của chúng ta thì sự thay đổi phải xuất hiện, về cách nghĩ của chúng ta, nghĩa là, về niềm tin của chúng ta. Có nhiều căn nguyên ở tại nguồn gốc của tinh thần thế tục, nhưng căn nguyên chính là sự khủng hoảng đức tin. Theo nghĩa này thì giáo huấn của Thánh Tông Đồ chỉ là lặp lại giáo huấn của Đức Kitô ngay từ khởi đầu công cuộc rao giảng của Ngài: “Hãy sám hối và tin”; sám hối, nghĩa là, hãy tin! Thay đổi cách nghĩ của bạn; hãy dừng lại việc nghĩ theo “cách nghĩ của con người”, và bắt đầu nghĩ theo “cách nghĩ của Tin Mừng” (x. Mt 16:23). Thánh Thomas Aquinas thật đúng khi nói, “Sự hoán cải đầu tiên hệ tại ở việc tin” (prima conversio fit per fidem)”.[6]

Đức tin là một mặt trận chính yếu giữa người Kitô Hữu và thế gian. Chính qua đức tin mà người Kitô Hữu không còn “thuộc về” thế gian nữa. Khi tôi đọc những kết luận mà những nhà khoa học không có niềm tin rút ra từ những quan sát của họ về vũ trụ và tôi thấy tầm nhìn về thế giới mà các nhà văn và các nhà làm phim đang lại cho chúng ta – mà trong đó Thiên Chúa bị giảm thiểu tối đa thành một cảm thức mang tính mập mờ và chủ quan về mầu nhiệm và Chúa Giêsu Kitô thì thậm chí còn không được xét đến – tôi cảm thấy, nhờ đức tin, rằng tôi thuộc về một thế giới khác. Tôi kinh nghiệm được sự thật của những lời này của Chúa Giêsu: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Và tôi vẫn kinh ngạc khi nhận thấy Chúa Giêsu đã tiên báo trước về tình trạng này và mang lại cho chúng ta sự giải thích trước thời gian thế nào: “Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:23, 21).

“Thế gian”, được hiểu theo nghĩa luân lý, thì theo định nghĩa là những người từ chối tin. Tội mà Chúa Giêsu nói là Đấng Bảo Trợ sẽ “bắt lỗi thế gian” là tội không tin vào Ngài (x. Ga 16:8-9). Thánh Gioan viết, “Và chiến thắng của chúng ta đối với thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5:4). Trong Thư Gửi Tín Hữu Ê-phê-xô chúng ta đọc,

“Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2:1-2).

Nhà chú giải Heinrich Shlier đã thực hiện một sự phân tích thật sáng suốt về “tên ác thần của thế gian” này mà Thánh Phaolô coi là kẻ phản nghịch trực tiếp của “Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2:12). Nó đóng một vai trò mang tính quyết định trong quan điểm chung..., và ngày nay theo nghĩa đen nó đang là tinh thần “trên không trung” vì nó tự lan tỏa chính nó một cách điện tử qua không trung. Schlier xác định “tinh thần phổ quát của thế gian” là

Tinh thần của một giai đoạn, thái độ, quốc gia hay địa phương cụ thể...Thực vậy, nó quá mạnh mẽ và quyền lực đến mức không một cá nhân nào có thể thoát khỏi nó. Nó đóng vai trò như một qui định và bị coi thường. Hành động, nghĩ hay lên tiếng chống lại tinh thần này thì bị coi là vớ vẩn hay thậm chí là sai trái hay tội phạm. Chính “ở trong” tinh thần này mà con người gặp gỡ thế giới và các sự vụ, một tinh thần có nghĩa là họ chấp nhận thế giới như là tinh thần này đại diện cho họ...Chính bản chất tinh thần này của họ giải thích vũ trụ và sự sống con người theo cách riêng của nó.[7]

Điều này mô tả điều mà chúng ta gọi là “một sự thỏa hiệp theo tinh thần của thời đại”. Tinh thần ấy hoạt động giống như một con ma cà rồng huyền thoại vậy. Con ma cà rồng sẽ tấn công những người đang ngủ, và trong khi nó hút máu họ thì đồng thời nó tiêm một loại chất gây ngủ vào họ làm cho họ ngủ ngon hơn, để họ luôn chìm vào trong giấc ngủ sâu hơn và nó có thể hút hết máu mà nó muốn. Tuy nhiên, thế gian thì còn tồi tệ hơn cả con ma cà rồng vì con ma cà rồng không thể làm cho con mồi của nó buồn ngủ mà chỉ có thể tiếp cận những ai đã ngủ. Trái lại, thế gian trước hết có thể làm cho người ta buồn ngủ và rồi hút hết sức sống thiêng liêng của họ, bơm vào họ bằng một thứ chất lỏng gây ngủ vốn làm cho họ ngủ thậm chí còn ngon hơn.

Phương dược cho tình trạng này là có ai đó hô lớn lên vào tai người ngủ, “Thức dậy!” Đó là điều mà lời của Thiên Chúa thực hiện trong quá nhiều dịp và điều mà phụng vụ của Giáo Hội giúp chúng ta nghe lại cách cụ thể vào đầu Mùa Chay: “Tỉnh giấc đi hỡi người con đang ngủ!” (Ep 5:14); “Ðã đến lúc anh em phải thức dậy” (Rm 13:11).

3. Hình Thức Của Thế Gian Này Sẽ Qua Đi

Nhưng chúng ta hãy tự hỏi bản thân mình lý do mà một người Kitô Hữu cần phải đối diện với thế gian này. Lý do không mang tính bản thể mà là mang tính cánh chung. Chúng ta không cần phải tách lìa bản thân chúng ta ra khỏi thế gian vì vấn đề là sự dữ về bản chất và là một kẻ thù của tinh thần, như những người theo trường phái Plato và một vài cây viết Kitô Giáo đã tự ảnh hưởng lên họ tư tưởng này. Lý do là, như Kinh Thánh nói, “bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7:31); “mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2:17).

Tất cả mọi điều chúng ta cần là dừng lại một phút và nhìn xung quanh và ý thức về sự thật của những lời này.

Đời sống tương tự như điều đang xảy ra trên màn hình TV: những chương trình, cái được gọi là một loạt các điều đang xem, theo sau nhau một cách nhanh chóng, và mỗi điều sẽ xóa bỏ điều trước đó. Màn hình vẫn thế, nhưng những chương trình và hình ảnh sẽ thay đổi. Điều đó tương tự với chúng ta: thế gian vẫn còn đó, nhưng chúng ta sẽ rời bỏ nhau người này sau người kia. Tất cả những hình ảnh, những diện mạo, và tin tức lấp đầy những trang báo và chương trình tin tức ngày nay, trong số đó điều nào sẽ còn mãi – về tất cả chúng ta – trong một vài năm hay vài thập kỷ nữa? Chẳng có gì cả.

Chúng ta hãy suy nghĩ về điều được để lại của những huyền thoại từ 40 năm trước và điều gì vẫn còn trong 40 năm tới tính từ bây giờ của các huyền thoại và những người nổi tiếng của ngày nay. Chúng ta đọc thấy trong Sách Tiên Tri Isaia rằng đó sẽ là “Như người đói mơ thấy mình đang ăn, khi tỉnh dậy thấy dạ dày trống rỗng; hoặc như một người khát nằm mơ thấy mình đang uống, khi tỉnh dậy thấy mình mệt lử, họng khát khô; đoàn lũ các dân tộc đang tiến đánh núi Xi-on cũng sẽ y như vậy” (Is 29:8). Đâu là những sự giàu có, những tưởng nhớ, và vinh quang nếu không phải là một giấc mơ sẽ tan biến khi ngày mới ló rạng? Thánh Augustine mô tả một người hành khất là người đã có một giấc mơ rất dễ thương vào một đêm nọ. Ông ta mơ thấy một tài sản lớn đổ xuống lòng ông. Trong giấc mơ ông được mặc những chiếc áo đẹp; ông được bao phủ bởi vàng và bạc và là chủ nhân của những cánh đồng và những vườn nho. Trong niềm kiêu hãnh của mình ông đã nguyền rủa cha mình và giả vờ không biết cha mình...Nhưng ông thức dậy vào buổi sáng và thấy rằng ông đang ngủ.[8]

Ông Gióp nói, "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng” (Gióp 1:21). Điều tương tự sẽ xảy ra nơi nhiều triệu phú ngày nay với số tiền của họ và với giới quyền lực là những người đang làm cho thế giới này run sợ trước quyền lực của họ. Một con người nhân loại, bên ngoài hoàn cảnh của đức tin, thì chẳng là gì ngoài là một hình hài được tạo nên bởi một con sóng trên bờ biển mà con sóng sau sẽ xóa sạch.

Ngày nay có một cảnh tượng khác mà trong đó thật đặc biệt cần thiết để không rập khuôn bản thân chúng ta theo đời này: những hình ảnh. Những người xưa đã nằm lòng câu khẩu hiệu này: “Kiêng chay khỏi thế gian” (nesteuein toukosmou).”[9] Ngày nay chúng ta có thể áp dụng như là việc kiêng chay khỏi những hình ảnh của thế gian. Vào một thời điểm việc chay tịnh khỏi thực phẩm và đồ uống được coi là việc ăn chay hiệu nghiệm và được đòi buộc nhất. Đó không còn là vấn đề nữa. Ngày nay người ta thực hiện những việc chay tịnh như thế vì những động cơ khác, đặc biệt là để giữ vóc dáng. Kinh Thánh nói là không thực phẩm nào là không sạch cả (x. Mc 7:19), nhưng nhiều hình ảnh thì không sạch. Chúng đã trở thành một trong những phương thế được yêu thích mà qua đó thế gian này lan tỏa việc phản tin mừng của nó. Một bài ca dành cho Mùa Chay dạy chúng ta,

Utamur ergo parcius Verbis, cibis et potibus

Somno, iocis et arctius

Perstemus in custodia.

Chúng ta hãy sử dụng cách kiêng khem

lời nói, thực phẩm, và đồ uống

giấc ngủ và những giải trí

Chớ gì chúng ta tỉnh thức hơn trong việc quản trị những giác quan của mình. [10]

Liệt kê ra danh mục những thứ mà chúng ta phải sử dụng cách kiêng khem – lời nói, thực phẩm, đồ uống, và giấc ngủ – chúng ta cần phải thêm hình ảnh. Trong số những điều xuất phát từ thế gian chứ không từ Chúa Cha, Thánh Gioan đã thêm một cách đầy ý nghĩa, cùng với dục vọng của xác thịt và sự kiêu ngạo của đời sống, còn có “dục vọng của đôi mắt” (1 Ga 2:16). Chúng ta hãy nhắc lại cách mà Vua Đa-vít đã sa ngã... Điều gì đã xảy ra cho ông khi ông nhìn xuống khu đất của ngôi nhà bên cạnh mà vẫn thường xảy ra ngày nay trong khi mở ra những trang nhất định trên mạng Internet.

Nếu có đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối bởi những hình ảnh không trong sạch, hoặc là vì sự bất cẩn của riêng chúng ta hoặc vì sự xâm nhập của một thế giới đang đẩy vào cách mạnh mẽ những hình ảnh của nó trước mắt chúng ta, thì chúng ta hãy noi theo điều mà người dân Israel đã làm khi họ bị rắn cắn. Thay vì lãng phí thời gian vào những hối tiếc vô ích hay nỗ lực để tìm kiếm những lời biện minh trong sự cô đơn của chúng ta và sự hiểu biết của người khác, chúng ta hãy nhìn lên thánh giá và đứng trước Đấng Thánh. “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngườ, thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15). Chớ gì phương dược đi vào nơi mà chất độc đi vào, đó là, đôi mắt chúng ta.

Vơi những đề xuất này mà Thánh Phaolô đưa ra trong những lời của Ngài gửi Tín Hữu Rôma, và trên hết với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta hãy bắt đầu, thưa Quý Cha, anh chị em thân mến, sự chuẩn bị của chúng ta dành cho Mùa Phục Sinh. Để vui mừng Mùa Phục Sinh, Thánh Augustine nói, có nghĩa là “đi qua khỏi thế gian này mà về với Chúa Cha” (Ga 13:1), nghĩa là, đi qua đến với điều sẽ không qua đi! Thật cần thiết để đi ra khỏi thế gian để không qua đi cùng với thế gian. Xin chúc Một Mùa Chay Thánh!

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ ZENIT)

[1] “From a Letter to Diognetus: The Christian in the World,” Vatican website.

[2] See Selections from The Sayings of the Desert Fathers, trans. Benedicta Ward (Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, 1975), p. 14.

[3] See St. Ambrose, “Flight from the World” [“De fuga saeculi”], 1, in Seven Exegetical Works, trans. Michael P. McHugh, vol. 65, The Fathers of the Church (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1972), 279-288; see also CSEL, 32, 2, p. 251.

[4] St. Ambrose, “Isaac, or the Soul,” 3, 6, Seven Exegetical Works, p. 14. See also Exposition on the Gospel of Luke, 9, 36.

[5] See Claude Geffré, “Sécularisation,” in Dictionnaire de Spiritualité, vol. 15, 1989, pp. 502ff.

[6] St. Thomas Aquinas, Summa theologiae, I-IIae, q. 113, a. 4.

[7] Heinrich Schlier, Principalities and Powers in the New Testament (New York: Herder and Herder, 1961), pp. 31-32.

[8] See St. Augustine, “Sermon 39,” 5, Sermons on the Old Testament 20-50, vol. 2 (Hyde Park, NY: New City Press, 1990); PL 38, 242.

[9] The saying goes back to a non-canonical saying attributed to Jesus himself: “If you do not fast from the world, you will never discover the kingdom of God,” Gospel of Thomas, saying #27. See Clement of Alexandria, Stromati 111, 15 (GCS, 52, p. 242, 2); Alfred Resch, Agrapha, 48, TU, 30 (1906), p. 68.

[10] Translation from the Vatican website, “Message of His Holiness Benedict XVI for Lent 2009”.

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung