TỬ ĐẠO HÔM NAY
..............................................................................................
Lm Hướng Dương
Dẫn nhập
Hôm nay chúng ta vui mừng vì các thánh tử đạo VN,
cha ông chúng ta được tôn vinh. Các ngài là những người mà Thánh Phaolô nói là
“đã chạy đến cùng đường mà vẫn giữ được
đức tin”.
I. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO NGÀY
XƯA
1. Thời kỳ : Các ngài đã phải sống
qua những thời kỳ bắt đạo ác liệt của các triều vua Trịnh Nguyễn, Cảnh Thịnh,
Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nghĩa là kéo dài hơn hai thế kỷ, từ năm 1745
(Trịnh Nguyễn) đến năm 1883 (Tự Đức).
2. Khổ hình : Những khổ hình các
ngài phải chịu :
. Bá đao : cắt từng miếng cho đủ trăm miếng (1 vị)
. Lăng trì : chặt tay chân trước khi chém đầu (4 vị)
. Thiêu sinh (6 vị)
. Xử trảm (75 vị)
. Xử giảo : tròng giây vào đầu rồi kéo (22 vị)
. Rũ tù
(9 vị)
3. Thành
phần :
Các vị ấy gồm 8 Giám Mục ; 50 Linh Mục ; 14 thầy giảng ; 1 chủng sinh và 44
giáo dân.
Các vị tử đạo gồm người Việt (96 người), Tây ban
Nha (11 vị) và Pháp (10 vị).
4. “Khoá
quá” :
Chung chung, các ngài bị bó buộc phải “khoá quá”.
“Khoá” có nghĩa là “thi hạch”, khoá thi ; “quá”
nghĩa là “đã qua”, “trải qua”. “Khoá quá” là đã trải qua một khoá thi.
Khoá ấy chỉ
thi một điều là không chấp nhận chối
Chúa, chối đạo. Ai không bước qua thập giá được xem là đậu. Ai bước qua
thập giá là đã trượt khoá thi.
5. Ơn Chúa
ban : Tử
đạo là một ơn Chúa ban. Trước khi ca ngợi lòng dũng cảm của các vị tử đạo, Giáo
Hội ca ngợi công việc kỳ diệu của Thiên Chúa là “Đấng làm cho sức yếu đuối trở nên mạnh mẽ để làm chứng cho Chúa”
(kinh tiền tụng các Thánh tử đạo). Sức mạnh của các Thánh tử đạo nói lên uy
quyền của Thiên Chúa. Việc tử đạo là một hồng ân Chúa ban chứ không phải là là
thành tích của lòng gan dạ của con người.
6. Công
trạng của con người : Tuy nhiên, Giáo Hội cũng nhìn nhận công trạng của các
tín hữu đã đón nhận ân huệ ấy. Họ đáng được tuyên dương vì đã đề cao những tấm
gương nhân đức :
. đức tin sống động : gắn bó trót đời sống
với Thiên Chúa.
. đức mến nồng nàn : đặt lòng yêu mến Chúa
lên trên các giá trị trần thế.
. đức cậy vững bền : phó thác vận mạng nơi
Chúa, tin rằng Người không bỏ rơi các tôi trung.
. đức mạnh bạo : chấp nhận những khổ
hình.
II. TỬ ĐẠO HÔM NAY
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng “các vị tử
đạo là những người không thể thiếu cho việc tăng trưởng Tin Mừng” (Redemptoris
missio 45).
Tuy nhiên “tử đạo” theo nguyên nghĩa (martyr) có nghĩa là
“chứng nhân”.
1. Chứng nhân. “Con người thời nay tin
vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin
vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc
truyền giáo là chứng tá đời sống kitô hữu ; hình thức này là điều không thể
thay thế. Đức Kitô, Đấng mà chúng ta tiếp tục sứ mạng của Người, là “Vị chứng
nhân” tuyệt hảo (x. Kh 1, 5 ; 3, 14) và là khuôn mẫu cho chứng tá kitô giáo.
2. Một đời sống đổi mới. Chính vì vậy,
“hình thức đầu tiên của chứng tá là chính đời
sống của nhà truyền giáo, của gia đình kitô hữu và của cộng đồng Giáo Hội ,
hình thức này làm cho người ta nhìn thấy một lối sống mới. Cho dù vẫn có giới
hạn và bất toàn của con người, nhưng khi nhà truyền giáo chân thành sống theo
gương Đức Kitô, thì họ là một dấu chỉ về Thiên Chúa và về những thực tại siêu
việt…Trong nhiều trường hợp, đây là cách thế duy nhất để là nhà truyền giáo”
(s. 42).
3. Bác ái vô vị lợi. Chứng tá Tin Mừng
mà thế giới dễ cảm nhận nhất là chứng tá về thái độ lưu tâm đến con người và về lòng bác ái đối với những người nghèo,
những người nhỏ bé và những người đau khổ. Tính cách vô vị lợi trong thái độ và trong hành động này tương phản sâu xa
với thái độ ích kỷ hiện nay của con người, gợi lên những thắc mắc rõ ràng về
Thiên Chúa và về Tin Mừng. Cũng vậy, việc dấn thân phục vụ hoà bình, công lý,
nhân quyền, thăng tiến con người, là một chứng tá Tin Mừng” (s. 42).
4. Khiêm tốn tự kiểm. Giáo Hội và các
nhà truyền giáo cũng phải nêu lên chứng tá về lòng khiêm tốn, trước hết đối với
chính mình, khi dám tự kiểm ở mức độ
cá nhân cũng như cộng đoàn, ngõ hầu sửa chữa lại trong cung cách sống của mình
những gì đi ngược với Tin Mừng và làm biến dạng dung nhan của Đức Kitô (s. 43).
5. Biểu lộ đức tin. Các nhà truyền giáo
không được từ khước việc làm chứng, “ngay cả khi họ được mời gọi để biểu lộ đức
tin trong môi trường thù nghịch hoặc dửng dưng. Họ biết rằng Thánh Thần của
Chúa Cha nói trong họ (Mt 10, 17-20 ; Lời Chúa 12, 11-12). Họ biết mình không
loan báo chân lý của con người nhưng là “lời của Thiên Chúa”, lời có sức mạnh
nội tại và nhiệm mầu (x. Rm 1, 16) (s. 45).
Kết luận
“Trong lịch sử kitô giáo, các vị tử đạo, tức là các chứng
nhân, luôn luôn đông đảo, và họ là những người không thể thiếu cho việc tăng
trưởng Tin Mừng” (s. 45).
Lễ
các Thánh tử đạo VN mời gọi chúng ta suy nghĩ và góp phần mình cho việc phát
triển đạo Chúa dưới trần gian này. Chúa cần đến chúng ta như những “khí cụ” hữu
hiệu trong việc rao giảng Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.