LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO
VIỆT NAM
16-11-2003
Lc
9,23-26
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của
các thánh tử đạo lúc tôi còn tuổi thơ khi được xem tranh vẽ các thánh hân hoan tiến về nước trời tay cầm
cành lá chiến thắng. Hình ảnh ấy ăn sâu
vào tâm hồn non trẻ của tôi đến nỗi mỗi lần đọc lại sách khải huyền miêu tả cảnh có hàng hàng lớp lớp các
vị thánh đã hy sinh cuộc đời mình cho
lý tưởng minh chứng Chúa đã phục sinh,
tôi lại cảm thấy sung sướng và cảm động vì những gương anh hùng can đảm, hy
sinh, từ bỏ của các Ngài. Các Ngài đã sống đúng lời Chúa:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu
của người hiến mạng sống vì người mình yêu”(Ga
15,13 ).
Tranh vẽ hàng hàng lớp lớp các
thánh tử đạo, mặt sáng ngời, hiên ngang đầu cao mắt sáng, chiêm ngưỡng Chúa
Giêsu luôn là hình ảnh gây ấn tượng và
để lại nhiều suy nghĩ cho tuổi thơ của tôi, đặc biệt cho tôi ngày hôm nay. Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam,
tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi vì
Hội Thánh Việt Nam là một chuỗi những ân sủng tuyệt vời. những bước chân thừa sai của các giáo sĩ nước
ngoài như sử liệu để lại sự hiện diện
của giáo sĩ Inikhu vào năm 1533 trên
đất Việt và sau đó nhiều linh mục như
Gaspar da Cruz, Alexandre de Rhodes, Pedro Marques vv.. đã mở ra một trang sử
truyền giáo phong phú và oai hùng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự hy sinh tuyệt vời của các thừa sai,
cũng như dòng máu của các vị tử đạo đã
đổ ra, tưới gội cho Hội Thánh Việt Nam
sinh hoa kết quả tươi tốt. Cái chết của chân phước Anrê Phú Yên năm 1644 đã loan báo một chân trời hân hoan
nhưng cũng đầy bóng tối. Hội Thánh Việt
Nam được lớn lên nhờ dòng máu của các vị thừa sai và nhiều linh mục, chủng sinh, thầy giảng và muôn vàn giáo dân: ta
chỉ cần quay lại lịch sử từ lúc bước
chân các vị thừa sai đặt lên quê hương Việt Nam hẳn ta sẽ thấy hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.Lịch sử
Giáo Hội Việt Nam là một chuỗi những ân
huệ dồi dào. Chúa luôn hiện diện
Và Chúa Thánh Thần luôn tác
động trong lịch sử cứu độ. Các thánh tử đạo trải qua nhiều thời kỳ, đặc biệt là
các triều nhà Nguyễn như Minh Mạng,
Thiệu Trị, Tự Đức, với nhiều sắc lệnh cấm đạo ngặt nghèo đã giết đi bao mạng người oan ức. Nhưng như
Tertullien đã viết:” Máu tử đạo là hạt
giống trổ sinh người tín hữu”, Hội Thánh lớn lên và phát triển không ngừng nhờ hàng hàng lớp lớp các tử đạo
đã nằm xuống với muôn cực hình cay đắng, khốn khổ. Các thánh tử đạo là những người như ta nhưng họ đã hơn ta vì dám
hy sinh, từ bỏ, dám dấn thân cho nước trời:” Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không
thúi đi thì nó không sinh nhiều bông hạt”.Các thánh tử đạo là những người đã ý thức, cảm nghiệm lời của
thánh Phaolô:”…không vì miễn cưỡng,
nhưng hoàn toàn tự nguyện, như Thiên Chúa muốn, không vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt
thành tận tụy”( 1Co 5,1-4). Đọc lại
những trang sử oai hùng của Giáo Hội Việt Nam, Hội ThánhViệt Nam trước hết cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi
vì nhờ dòng máu của các thánh tử đạo
gồm đủ mọi thành phần đã xây đắp Giáo Hội tươi xinh và tốt đẹp. Giáo Hội Việt Nam đã phát sinh những nhân chứng, đặc
biệt là các vị tử đạo như lời Đức Thánh
cha Gioan Phaolô II đã nói. Nhờ các thánh tử đạo, đức tin của người Kitô được củng cố, được bảo tồn và
được gìn giữ vẹn toàn.
Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nâng 117 vị chân phước lên hàng hiển thánh vào ngày 19/6/1988 và ngày
05/3/2000 cũng chính Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong thầy giảng Anrê
Phú Yên lên hàng chân phước. Đó chỉ là
mặt nổi nói lên rằng Hội Thánh Việt Nam quả 300 năm được loan báo Tin mừng đã làm nẩy sinh nhiều chứng nhân trung kiên
và phát sinh nhiều thánh tử đạo. Người
ta ước chừng có hơn 100.000 Kitô hữu đã
nằm xuống cho Giáo Hội được đơm hoa kết trái. Vâng, Hội Thánh Việt Nam là cuốn niên giám lớn ghi mãi, ghi
hoài tên của những con người đã tất cả vì Chúa mà xây dựng Giáo Hội Việt Nam.
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam
xin củng cố đức tin cho chúng con và giúp chúng con biết sống yêu thương, không báo oán, không hận thù, để
luôn làm cho bộ mặt của Chúa được vinh quang, rạng rỡ.