NHƯ CÂY QUẾ TRÊN NON

_______________________________________

Lễ người cao tuổi

Mồng 1 tháng 10

 

I. THẤT THẬP CỔ LAI HY.

 

          1. Quan niệm chung.

        Không hiểu sao cả người Trung hoa và người Việt nam lẫn người của Kinh Thánh đều lấy cái mốc 70.  Người Trung hoa và Việt nam thì nói :”Nhân sinh thất thập cổ lai hy” nghĩa là hiếm ai sống được bảy mươi tuổi.  Còn Kinh Thánh thì nói :

Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,

Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,

Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.

                                                (Tv 89, 10)

 

        Nhưng ngày nay nhờ khoa học tiến bộ, đặc biệt là ngành y học, nên tuổi thọ đã được nâng lên rõ ràng, thay vì thất thập thì người ta phải gọi là “bát thập hay cửu thập” cổ lai hy bằng chứng là hôm nay cũng có cụ được mừng thọ tám mươi và chín mươi.

 

        Tuổi thọ trung bình của con người đã tăng lên một cách nhanh chóng : từ 25 tuổi vào thời cổ Hy lạp, tuổi thọ đã tăng lên  đến 50 tuổi vào đầu thế ký 16 ở Âu châu.  Hiện nay ở nước Pháp, tuổi thọ trung bình của đàn ông là 72 và phụ nữ là 80.  Nó nhích lên từ từ, gần đến tuổi thọ tối đa (khoảng 120 tuổi) khi các điều kiệân kinh thế xã hội thuận lợi.

                        (theo báo La Science 9/95)

 

          2. Tuổi già là một ân huệ.

        Kinh Thánh đã ca tụng tuổi già vì tuổi già là hồng ân của Thiên Chúa, là phúc lành của Chúa (x. St 11,10-32 ; Kn 4, 7-15),  người già được kính trọng bởi “người đầu bạc thì khôn ngoan”. Sách Châm ngôn cũng nói :”Đầu bạc là một triều thiên vinh dự” (Cn 16,31)3.

        Thánh vịnh cũng ca tụng :”Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta : già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng : Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công” (Tv 92,13-16).

 

        Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng nói :”Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì tất cả mọi người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Phục sinh một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội”.

 

          3. Một kết thúc bình thường.

        Tuổi già không phải là một tai nạn mà là một giai đoạn kết thúc bình thường : rắn già rắn lột, người già người chui tuột vô săng.  Cỗ máy chạy lâu sẽ bị hao mòn. Cây cối sinh trưởng đến hết chu kỳ thì sẽ bị cạn kiệt, không thể sống mãi.

 

        Tôi sắp bước vào tuổi 70, nếu nói theo bác sĩ Đỗ hồng Ngọc với tác phẩm “Những người trẻ lạ lùng” thì có lẽ nên nói là “hơi trẻ” đối với một người 80 và “hơi già” với một người 20.  Nhưng dù sao đi nữa thì cũng đã gần “thất thập cổ lai hy”, nên tôi cảm thấy mình trở thành “đồ cổ”, sắp  sửa có thể cho vào tủ kính, hay đúng hơn là vào hòm.  Bởi vì trong bốn cái khổ theo nhà Phật là : sinh, lão, bệnh , tử thì tôi đã qua được ba rồi, chỉ còn cái khổ cuối cùng.  Không biết những người già khác thường hay nghĩ tới cái gì, riêng tôi không hiểu tại sao thường hay nhớ về tuổi thơ và tuổi trẻ của mình. Nhớ đây không phải là nhớ tiếc hay vì mơ ước “cải lão hoàn đồng” mà chỉ vì không hiểu nổi tại sao mới đây thôi mình chỉ là thằng con nít, sống vô tư, mà nay đã hóa thành ông già đầy suy tư.  Cuộc đời thấm thoát thoi đưa, mới ngày nào thôi, người ta còn gọi mình là “Thằng Cu”, bây giờ đã có người gọi mình bằng “Ông Cụ” ! Chỉ khác nhau một cái dấu nặng, mà sao khác biệt đến thế ?  Giữa thời kỳ Thằng Cu và Ông Cụ là cả một quá trình biến đổi tự nhiên của thể chất cũng như tinh thần , không có Cu thì cũng chẳng có Cụ.  Ông Cụ là kết quả chặng đường dài biến đổi của Thằng Cu.

 

        Đức Giêsu cũng không thể đi ra ngoài qui luật ấy. Ngài phải đi từ đứa trẻ đến tuổi trưởng thành :”Et proficiebat aetate et prudentia apud Deum et homines” (Lc 2,40). Đức Giêsu chưa được thiên hạ gọi là Cụ, mà chỉ được gọi là anh Giêsu, hoặc nếu có được tôn trọng thì người ta cũng chỉ xưng hô là Ông Giêsu vì Ngài mới thọ được 33 tuổi, còn xa cái tuổi mà người ta gọi là “cổ lai hy”.

 

II. TUỔI GIÀ VÀ ĐẠO ĐỨC.

 

        Con người sinh ra, sống và phải già đi, đó là lẽ thường trong cuộc sống con người, nhưng tuổi già phải có một cái gì để lại, không lẽ nói như thi sĩ Nguyễn công Trứ :”Không lẽ tiêu lưng ba vạn sáu”.  Vì thế George Granville nói :”

                                Tuổi trẻ là mùa của yêu thương,

                                Tuổi già là mùa của ĐẠO ĐỨC.

 

        Và Sully Prudhomme gọi tuổi già là “tuổi cứu thoát” (âge sauveur).

 

        Tuổi già có thể trở thành một giai đoạn qúi nhất của cuộc đời.  Có người nói :”Chúa định cho sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ là ở thể chất. Nhưng sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi già là trong tâm linh.  Dần dần chúng ta mất sức mạnh và vẻ đẹp tạm thời để tập trung vào sức mạnh và vẻ đẹp tồn tại mãi mãi.  Ta nên sống thế nào để đến khi thân xác ta không còn tươi trẻ nữa, ta có thể nói rằng những năm già yếu là những năm vàng son của cuộc đời”.

                        (Theo Giọt nước mắt cuối cùng, tr 73-74)

 

        Ai cũng biết rằng Đức Giáo hoành Gioan Phaolô II rất hấp dẫn đối với giới trẻ, nhưng trong những năm gần đây, ngài cũng là một thần tượng cho giới già :”Đức Giáo hoàng Gioan Phalô II sống tuổi già của ngài với sự tựï nhiên thoải mái dễ chịu. Ngài không  che giấu gì hết, mà còn biểu lộ ra cho mọi người biết. Với sự hết sức chân thành, ngài nói :”Tôi là một linh mục già yếu”. Ngài sống tuổi già của ngài trong niềm tin. Ngài không hề để ngài bị giới hạn bởi tuổi tác”. (trích Phẩm giá của Nguời Già, The Dignity of Older People).

 

III. SỐNG TUỔI GIÀ CỦA MÌNH.

 

        Tuổi trẻ qua đi không bao giờ có thể trở lại như người ta nói :”Xuân bất tái lai”.

        Cái kỳ diệu và cũng bi đát của con người là con người sống trong hiện tại nhưng lại có thể mơ ước tương lai và kéo cả quá khứ tới. Đúng như Disraeli nói :

                        Tuổi trẻ là thời vấp váp,

                        Tuổi trung niên là thời vật lộn

                        Tuổi già là tuổi hối tiếc.

 

        Có hối tiếc cũng chẳng làm gì được nữa, cái gì đã qua thì qua luôn như  triết gia Héraclite nói :”Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông”.  Chỉ còn cách là chú trọng vào hiện tại, sống những ngày còn lại cho xứng đáng, xứng danh là tuổi già đáng kính, là cây cao bóng cả che mát cho đàn con cháu.  Xin chúc cho các cụ sống :

 

Làm như cây quế trên non,

Trăm năm khô rụi vẫn còn thơm tho.

                                          (Ca dao)

 

        Phải làm một cái gì để lại cho hậu lai, đừng để cho cuộc sống mình trôi đi trong vô ích.  Người Ấn độ có một câu ngạn ngữ rất hay :”Trước khi chết, nếu anh trồng được một cây để lại, thì đời anh kể là đã có ích”.    Cây đây có thể hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng chúng ta nên để ý đến nghĩa bóng của nó, nghĩa là chúng ta phải sống để làm ích cho người khác, nếu chỉ biết sống co cụm lại, chỉ biết tìm lợi ích cho bản thân mình thì cuộc đời mình sẽ trở nên vô ích.  Cây đây phải hiểu là cây đức hạnh, phải có một cuộc sống gương mẫu để lại cho con cháu :

                       

Người trồng cây hạnh người chơi,

Ta trồng cây đức để đời mai sau.

                                            (Ca dao)

 

        Thánh Gioakim và thánh Anna, quan thầy của các người cao tuổi trong giáo xứ chúng ta, đã trồng được một cây thánh đức và đã đem lại hoa quả tuyệt vời là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.  Chúng ta không có tài liệu nói về cuộc đời của hai Đấng, nhưng cứ theo nguyên tắc “xem quả biết cây” thì chắc chắn hai vị thánh đã có một đời sống thánh thiện mới có thể đem lại cho chúng ta một con người thánh thiện như vậy, vì :

Cây xanh thì lá cũng xanh,

Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Mừng cây rồi lại mừng cành,

Cây đức lắm chồi, người đức lắm công.

( Ca dao)

 

Muốn thế hãy suy niệm và thực hiện lời Chúa dạy :”Các con là ánh sáng thế gian. Người ta không che giấu một thành phố trên cao,  và cũng chẳng thắp đèn dầu rồi để dưới đấu, nhưng phải để trên giá đèn, và khi ấy đèn sáng soi mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con cũng phải chói lọi trứớc mặt mọi người, ngõ hầu người ta thấy việc các con làm mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5,14-16).

 

          KẾT LUẬN

 

        Để kết thúc, chúng ta hãy đọc một đoạn trong Lá thư mục vụ cho ngững người công giáo cao niên của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ :”Trong khi mọi người đều được mời gọi nên thánh, để “kết hợp thân mật chặt chẽ với Đức Kitô”, thì sự quan tâm đạo đức thường thừa nhận rằng lời mời gọi này quan trọng hơn đối với các vị cao niên. Nhiều người trong quí vị bây giờ đã có nhiều thời giờ và hoàn cảnh thuận tiện để suy nghĩ sâu xa hơn và hành động với cái nhìn có nhiều tính cách luân lý hơn.  Với nhiều người già, thánh lễ hằng ngày là trung tâm của đời sống tin thần và là cơ hội để gặp gỡ và làm bạn với nhiều người cùng lứa tuổi.  Nhiều vị cũng biết cầu nguyện dưới hình thức suy gẫm mà lời nói không còn cần thiết nữa, chỉ còn im lặng bình tâm lắng nghe tiếng Chúa. Sự giảm yếu của các giác quan cũng có thể xẩy ra trong tuổi già thường được coi là tiêu cực, nhưng đôi khi đó lại hữu ích cho việc suy gẫm.  Nhiều vị lại thích tìm hiểu và gia nhập những nhóm học hỏi Kinh Thánh, nhóm chia sẻ đức tin hoặc những nhóm huấn luyện đức tin cho người trưởng thành.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà