L A
O Đ Ộ
N G
_______________________________________________
“Cha
Ta làm việc luôn, và Ta cũng làm như vậy” (Ga 5,17)
I. THẦN HỌC VỀ LAO ĐỘNG.
Trong thời đại chúng ta,
người ta nói rất nhiều về Lao động, nhưng đối với người Kitô hữu lao động có ý
nghĩa nào ? Phải chăng đó là hậu quả tất nhiên của tội mà dựa vào Thánh kinh
người ta quyết đoán ? Hay là một sứ mệnh, một ân huệ thiên linh mời gọi loài
người cùng hoạt động với Thiên Chúa trong môi trường trần gian ? Lao động là
thần thánh ? Một “đồ vật”, một “món hàng” người ta trao tay xử dụng, khi nào
không dùng được nữa thì đem vất bỏ ? Hay là một “hòa điệu” với hoạt động của
Thiên Chúa ?
Và chúng ta có thể khẳng định rằng Lao động
không phải là hình phạt của tội lỗi. Trước khi nguyên tổ loài người du nhập tội
lỗi lịch sử , nhân loại đã có lao động rồi vì con người được Thiên Chúa dựng
nên và đặt vào vườn địa đàng không phải để họ ngồi chơi xơi nuớc, nhưng là để
họ “trồng tỉa và coi sóc vườn” (Stk 2,15). Trước sau, lao động đều có mục đích
chính yếu là thăng hoa đời sống con người. Tuy nhiên, từ giây phút con người đa
mang tội lỗi, lao động vướng mắc và bao chứa thêm hậu qủa nặng nề của tội lỗi,
đó là gian truân và đau khổ (x. Stk
3,16-19). Chính cái vướng mắc vào bao chứa này khiến cho lao động chiếm đoạt
thêm nhiều giá trị nhân bản và siêu nhiên.
1. Lao động,
góp phần sáng tạo.
Đọc chương đầu của
sách Sáng thế, ta thấy Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người “giống hình ảnh”
Ngài (Stk 1,26). Các nhà chú giải Thánh kinh cho rằng loài người giống Thiên
Chúa nhờ sự thông minh và tự do, giống Thiên Chúa ở điểm loài người có uy quyền
bá chủ trên vạn vật :”Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta đểå họ làm
chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên
địa cầu” (Stk 1,26).
Như vậy, theo nghĩa chung, lao động tinh thần hay vậtä chất
đều mang ý nghĩa trọng đại:”CỘNG TÁC VÀO VIỆC SÁNG TẠO” của Thiên Chúa. Giữa ý
niệm lao động và giáo thuyết về sáng tạo có một tương liên mật thiết. E. Krebs đãkhông ngần ngại tuyên bố :”Khái
niệm căn bản về giá trị tuyệt đối của tất cả hoạt động nhân sinh đã được phú
ban cho loài người nhờ lòng tin vào Thiên Chúa sáng tạo, Ngài là Đấng tự do và
khôn ngoan, sau khi dựng nên loài người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy để giao phó
cho họ tiếp tục thực hiện chương trình sáng tạo của Ngài có từ đời đời” (Die
wertprobleme, tr 43; theo J. Haessle, Le Travail, Paris 1933, tr 350).
Mọi sự trên thế gian này là của Chúa nhưng
Ngài muốn cho con người quản trị, đổi mới và làm cho phong phú thêm. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa là nguyên
nhân đệ nhất, còn chúng ta là nguyên nhân đệ nhị của vũ trụ. Ngay sự quan phòng hằng ngày của Thiên Chúa
trên vạn vật cũng là một cuộc sáng tạo không ngừng. Chúng ta là nguyên nhân đệ
nhị và chỉ có thể góp phần vào với nguyên nhân đệ nhất. Chính vì thế Haessle viết :”Người thợ là
hình ảnh đặc biệt của Thiên Chúa... sản xuất và sản xuất trong niềm vui là con
người đã đem năng lực của mình ra hành động để thực hiện một đời sống trọn vẹn
hơn và làm cho mình nên giống Thiên Chúa, dầu họ có ý thức hay không. Đời sống “làm việc” tức là hành động và phản
ảnh sức hoạt động tuyệt đối... Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất tuyệt đối...
người thợ là nguyên nhân kết thành xét như chính họ làm cho những sự vật trở
thành chính nó và hoàn hảo hơn. Con
người đã truyền sức lực, tư tưởng, nhân vị mình cho chúng. Nguyên nhân tương
đối, là phản ảnh trung thực của nguyên nhân tuyệt đối”.
( Op cit, tr 63-64)
Làm việc là góp phần sáng tạo và hoàn thành ý
định của Thiên Chúa trong lịch sử. Thánh Công đồng Vatcan II cũng xác quyết :
“ Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và
cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội
một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công
trình của Tạo hoá, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành
ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”.
(Gaudium et spes, bản dịch của GHHV Piô X, Đàlạt )
Vi thế, cho rằng công việc chỉ là hậu quả của
tội lỗi tức là định nghĩa việc làm như một hình phạt , như sự đền tội, và đi
đến hệ luận : nếu không có tội thì con người đã không phải làm việc. Quan niệm
như thế quả là thiếu chính xác... Đồng ý rằng, sau khi phạm tội, nguyên tổ bị
chúc dữ, nhưng lời chúc dữ ấy không nhằm tới sự làm việc như một đối tượng, bởi
vì những vất vả hằng ngày của con người trong việc làm vẫn đánh dấu sự thực thi
quyền mà Thiên Chúa đã ban cho mình
trên vũ trụ, quyền thống trị vẫn còn đó, nhưng phải nhọc công chinh phục bởi vì
từ đây đất bị chúc dữ sẽ chống lại con
người (Stk 3,17), vất vả ở chỗ đó ! Nên không thể dựa vào đó để kết luận việc
làm như một hình phạt bởi tội, phát sinh do tội. Chỉ tính cách khó nhọc của
việc làm mới là kết quả của tội phạm.
2. Lao động, góp phần cứu rỗi.
Trong công cuộc đồng sáng tạo, mọi sáng kiến
do Thiên Chúa linh ứng nơi con người, khác nào như trăm hoa đua nở trong vườn
hoa vũ trụ và nhân loại, tô điểm cho thế giới thêm vẻ rực rỡ huy hoàng, đáp ứng
mọi nhu cầu chính đáng của cộng đồng
dân Chúa trên đường tiến về cứu cánh cuối cùng là đời sống vĩnh cửu. Vậy mọi
công việc đồng sáng tạo đều nhằm tới ơn cứu độ của con người. Con người đồng
sáng tạo với Thiên Chúa để đem lại ơn cứu rỗi cho mình và tha nhân.
Trong mọi hoạt động trần thế, ta được liên
kết với Thiên Chúa đến nỗi không chỉ là dụng cụ, nhưng có thể nói được là sức
mạnh của Thiên Chúa nối dài. Cha Teilhard de Chardin đã thâm hiểu chân lý ấy
khi Ngài nói :
“Lao động trước hết đối với chúng ta là một
phương tiện kiếm ăn hằng ngày. Nhưng hiệu lực chung của nó cao siêu hơn nhiều :
nhờ lao động, chúng ta hoàn thành nơi mình chủ thể sẽ được kết hợp với Thiên
Chúa, và cũng nhờ lao động, đối với chúng ta làm cho đối tượng thần linh của
việc kết hợp, tức là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, được lớn rộng thêm”.
(Theo Teilhard de Chardin, Le milieu divin)
Mọi người Kitô hữu, qua các sự vất vả của
công việc hằng ngày, có liên lạc mật thiết vào việc xây dựng Nước Trời và xây
dựng chúng ta trong Đức Kitô. Khi chúng ta hoàn thành những công việc hằng ngày
tức là chúng ta biểu minh Thiên Chúa, từ bỏ chính mình để đạt tới cứu cánh tối
hậu của chúng ta : trở về với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Khi đó, chúng ta đã
làm công việc giải thoát chính chúng ta. Ngoài ra, theo chiều hướng đó, hoạt
động nhân loại còn là phương tiện chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người và cho
vũ trụ, vì thế nó cũng là một hoạt động cứu rỗi.
Sau cùng, trong lúc dấn thân hoạt động để làm
cho bộ mặt thế giới tốt đẹp, thăng tiến đời sống con người, làm cho các tương
giao nhân loại nên lành mạnh hơn tức là con người trải rộng tình yêu thương của
mình lên tha nhân và vũ trụ. Họ bắt chước Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu thương mà
tạo dựng vũ trụ và cũng vì yêu thương đã sai Con mình xuống cứu chuộc nhân
loại. Như thế họ tạo được cho hoạt động của mình một giá trị siêu nhiên giống
như công việc của Đấng Cứu thế, để đền tội, cầu xin, để giúp tha nhân về cùng
Chúa và thánh hóa bản thân cũng như người khác : như vậy việc làm trở nên một
phương tiện để thực hiện đức yêu thương. Về điểm này, công đồng Vatican II dạy
:
“Chính Người mạc khải cho chúng ta, Thiên
Chúa là tình thương (1Ga 4,8)và dạy cho chúng ta biết rằng : luật căn bản để
kiện toàn con người và do đó để biến cải thế giới là điều răn mới về tình
yêu... Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho mọi người và nỗ
lực thiết lập tình yêu huynh đệ đại đồng không bao giờ luống công. Người nhắc
nhở cho biết đức bác ái ấy không phải chỉ được thực hiện trong những công việc
vĩ đại, nhưng trước hết trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống”.
(
Gaudium et Spes, số 38)
II. LAO ĐỘNG VÀ CON NGƯỜI.
Ở phần này, chúng ta đứng ngoài phạm vi thần
học để bàn đến vấn đề lao động theo quan điểm người đời xem người ta quan niệm
thế nào về lao động từ xưa tới nay, người ta đã dùng thời giờ để làm gì và
người ta có thái độ nào với vấn đề lao động.
1. Quan
niệm về Lao động.
Nói chung, trong xã hội phong kiến, người ta coi lao động là một cái gì
đáng ghét, một công việc của những hạng tôi tớ, của những người u vai thịt bắp,
của hạng khố rách áo ôm; còn đối với những người phong lưu giầu có, với hạng
người trí thức thì không gì đáng giá bằng chữ NHÀN, nghĩa là không phải mó tay vào việc gì.
a) Định
nghĩa.
Trong hai chữ Lao động
ta thấy đều có bộ lực bên cạnh, nhất là
đối với chữ động. Chữ động có bộ xa và một dấu phẩy đè nghiêng ở trên có ý nói
rằng cái xe chở nặng bị nghiêng đi không thể tiến lên được, cần phải có một lực
bên cạnh đẩy đi. Như vậy, khi làm việc thì phải dùng tới sức lực tinh thần hay
vật chất, phải cố gắng, thiếu yếu tố đó, không thể gọi là lao động được.
b) Phân
loại.
Hiện nay bên Mỹ người
ta đếm được có tới 23.559 cách làm ăn để sinh sống. Tựu trung tất cả các nghề
làm ăn sinh sống đó qui về hai loại lao động là trí óc và chân tay. Ngày xưa,
xã hội Viêt nam chúng ta qui hai loại lao động đó vào hai lơp người tượng trưng
là SĨ và NÔNG. Nếu xếp loại những người được qúi trọng trong xã hội xưa thì
được xếp theo thứ tự : sĩ, nông, công thương.
Vậy trong giới sĩ và nông đó, người ta qúi
trọng lớp người nào hơn ? Dĩ nhiên là lớp sĩ hơn, bởi vì người ta đã xếp
thứ tự rồi là “nhất sĩ nhì nông”. Ngày nay không hẳn người ta còn giữ nguyên
cấp bậc sĩ nông như thế, nhưng dầu sao, người ta vẫn còn khuynh hướng
chấp nhận thứ tự đó. Nhiều người đã đề cao đời sống trí thức mà khinh chê hay ít ra coi thường đời sống của những
người chân lấm tay bùn như trong xã hội tư bản đã coi như thế. Quan niệm như thế có đúng không ?
Truyện : triết gia và
bác lái đò.
Có
một truyện ngụ ngôn : đang chèo đò qua sông, một triết gia cao hứng hỏi bác lái
đò :
- Bác
có biết triết học không ?
- Thưa,
tôi chả biết triết học là gì.
- Như
thế bác mất nửa đời người rồi.
Thuyền đang đi, bỗng sóng gió nổi lên, thuyền
tròng trành hất triết gia xuống sông. Ông ta kêu la cầu cứu. lúc đó bác lái đò
mới hỏi một cách dí dỏm ;
- Ông
có biết bơi không ?
- Không
!
- Thế
thì ông mất cả đời người rồi.
Triết học cần trong lớp học nhưng không cần khi sắp chết đuối, lúc này
biết bơi mới cần. Học hành giỏi giang cũng thế, nó cần thật đấy, nhưng cũng cần
có người làm việc bằng chân tay. Cần có
người đặt kế hoạch nhưng cũng cần có người thực hiện kế hoạch đó.
c) Giá
trị của lao động.
Giá trị cần lao như thế nào ?
Cần lao có phải là xấu xa như người xưa thường tưởng ? Nếu người ta đòi
quyền lợi thì người ta phải chu toàn bổn phận thế nào ? Những câu hỏi này chưa
hề được thấy trả lời muôn một hay biểu lộ trong ngày lễ lao động.
Quả thực, người xưa đã khinh dể việc làm biết
bao. Họ cho việc làm là điều xấu, chỉ
dành cho tôi tớ trong nhà hay cho những người nghèo túng. Cho nên người ta đã
đặt ra một thành ngữ để phân biệt kẻ nhàn hạ và người làm việc :”nhất sĩ nhì nông”. Sĩ không phải chỉ nói đến người văn tự mà còn nói đến
người giầu sang. phú qúi, có người hầu hạ, có kẻ nô lệ đỡ đần. Nông cũng không
chỉ nói đến người làm ruộng mà chỉ cả những người làm lụng vất vả, chân lấm tay
bùn, đổ mồ hôi để đổi lấy bát cơm ăn.
Không thể chịu được sự miệt thị, sự phân biệt
ấy mãi, nên người nhà nông đã lộn lại câu thành ngữ trên để chế diễu kẻ tự cho
mình là cao qúi :
Nhất sĩ nhì nông
hết
gạo chạy rông
nhất nông nhì sĩ.
Thực là buồn cười và cũng là chua chát !
Nhưng dù có đảo lộn thành ngữ đi nữa, cái thực trạng xã hội ngày xưa vẫn là sự
quan niệm lầm lạc về cần lao, vẫn cho sự làm việc là một sự không đẹp. Nguời ta
vẫn bám lấy cái danh giá hão huyền là cho an nhàn mới là cao qúi. Vì vậy người
ta đã tự bó chân để không đi được, chứng tỏ người ta sung túc không phải vất
vả, dù cả sự đi lại. Có ai nhớ đến các
vị lão nho, móng tay dài hàng tấc bưng chén nước, cầm đôi đũa và cơm cũng không
xong. Làm khổ thân thể, chịu sự khó
khăn, vô dụng thì người ta cũng không cần miễn được chứng tỏ là không phải làm
việc, không phải vất vả, không phải lao lung. Buồn thay cái quan niệm và thành
kiến lầm lạc đó !
Nhưng có thực cần lao là một điều xấu không ?
Không phải chờ đến bây giờ, mà trước đây người ta cũng đã dặn nhau :”Il n’y a
pas un sot métier” : không có nghề xấu, chỉ có người xấu.
(theo Phạm đình Tân, Thời bút, Văn đàn, 1967,
tr 246-247)
Trong Cựu ước, nhất là sách Châm ngôn, có rất
nhiều đoạn khen ngợi sự siêng năng làm việc (Prov 21,10) ví như tả người phụ nữ
cần mẫn, và rất nhiều câu chê bai người lười biếng. Như giấm làm ghê răng, như
bụi làm xốn mắt, kẻ lười biếng cũng làm gai mắt người sai chúng (Pr 13,4) Kẻ
lười biếng để tay vào trong đĩa, mà không chịu đưa lên miệng (CN 14,24). Người
lười thì không đáng ăn (Pr 13,4) . Họ không phải là người mà như hòn đá dơ, như
đống phân bò, ai nấy đều dể duôi nó (Si 22,1) . Trái lại, Kinh thánh mến phục ,
ca ngợi công việc, ca ngợi tài khéo léo và lương tâm của các người thợ (Si
38,26. 28.30) . Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh đến sự làm việc nên đã nói :”Không
làm thì đừng ăn” (2 Tx 3, 10b-13).
Nhiều người thông thái cũng đã hết lòng ca
tụng lao động :
. Con người sinh ra để làm việc như con chim
để bay (Rabelais)
. Tôi không có gì để hiến dâng, ngoài ra máu,
sự cần cù, nước mắt và mô hôi (Churchill)
. Anh phải trả giá đời sống của anh bằng sự
làm việc (Pholicide de Milet)
2.
Sự cần thiết của lao động.
a) Mọi
người phải làm việc không ngừng.
Ta nhìn vào trong vũ trụ
thì nhận thấy đây là một bộ máy khổng lồ mà các bộ máy hoạt động không bao giờ
ngừng, từ con người, thú vật, cây cối cho đến đất đá. Vì bao lâu các vật ngưng
hoạt động thì lúc đó vũ trụ hết sức sống và không thể tồn tại được.
Con
người.
Sự làm việc cần thiết cho con người rất
nhiều. Ông B. Franklin xác tín điều đó khi nói : “Sự ở không là một chất rỉ
sét, nó làm tiêu ma hơn sự làm việc”.
Nhìn vào thân thể con người, ta thấy sức hoạt động kinh khủng của các cơ
quan như tim và phổi. Trong 24 tiếng đồng hồ quả tim con người đập 103.000 lần để bơm 16.330 lít máu chạy đều
khắp 160.000 cây số mạch máu (một quãng đường dài gấp 4 lần chu vi trái đất).
Máu của con người phải đủ để nuôi 3 tỷ tế bào như luân chuyển, cung cấp cho tế
bào đầy đủ dưỡng khí. Nếu chúng ta có tài tính được sự di chuyển của các huyết
cầu, chúng ta sẽ có một con số “vận hành” trường kỳ tới mức độ không một nhà toán học nào có thể đọc nổi.
(Báo Tân học, số T.C. tháng 12, 1972)
Con
vật.
Các con vật sống trên không trung, trên mặt
đất hay sống trong biển sâu đều hoạt động không ngừng. Mỗi giống vật có sinh
hoạt riêng hoặc tập thể hoặc riêng rẽ. Các nhà nghiên cứu chuyên môn về các
giống vật đã cho thấy có rất nhiều sinh hoạt ly kỳ nơi nhiều giống vật theo
thói quen của mỗi giống loại : đời cua cua máy, đời cáy cáy đào.
Cây
cối.
Cây cối làm việc ngày đêm không có thời gian
nào nghỉ ngơi cả. Các rễ phải hút đồ ăn và nước cho cả thân cây, lá cây giữ
nhiệm vụ thở thán khí và hút dưỡng khí cũng như tạo ra diệp lục tố từ mặt trời
để nuôi cây. Ta thử tưởng tượng một cây bí tầm thường có bao nhiêu rễ ? Ta
không thể nói được một cách chính xác có bao nhiêu rễ, nhưng nếu ta cộng các rễ
cây bí lại thì sẽ dài khoảng 25 cây số. Mà 25 cây số đường rễ ấy luôn hoạt động
ngày đêm.
Tinh
tú và thạch đá.
Chúng ta tưởng rằng những tinh tú và đất đá
không hoạt động, nhưng thực sự chúng luôn hoạt động. Mặt trời, quả đất và mặt
trăng luôn xoay chuyển theo quĩ đạo của nó một cách chính xác, không có thời
gian nào ngừng quay dù chỉ rất vắn. Vì sao ta có kim cương qúi giá, nếu chẳng
phải là kết quả của một chuỗi hoạt động của đất đã tạo thành ? Làm sao ta có xăng dầu để chạy máy, nếu
chẳng do hoạt động của các lớp đất trong một thời gian lâu dài ?
Tất cả các vật khác đều hoạt động theo bản
năng hay do các định luật vật lý qui định. Riêng con người linh ư vạn vật không
phải chỉ hoạt động theo những qui luật tất định nhưng theo sáng kiến của mình
vì con người có lý trí và tự do. Vì vậy, con người phải luôn làm việc để xứng
đáng với chức vị cao cả của mình. Nên
người ta mới nói :
. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
. Có cấy có trông, có trồng có ăn.
. Đại phú do thiên, tiểu phú do cần.
b) Một
vấn nạn.
Thái độ về giá trị lao động nơi Chúa Kitô xem ra như mâu thuẫn. Ngài
chọn sinh ra trong một nhà lao động. Cha nuôi Ngài làm nghề thợ mộc, mẹ Ngài lo
việc nột trợ, vá may. Chính Ngài sống 30 năm trong nghề lao lực, thế là Ngài
tôn trọng việc lao động. Nhưng đến lúc Ngài ra đi giảng dạy xem ra như Ngài hạ
giá việc lao động. Ngài chỉ chim trời
hoa quả mà bảo : chim không gieo vãi cũng có ăn, hoa cỏ không khâu không vá
cũng mặc được áo xinh đẹp (x. Mt 6,26).
Nên đời con người không nên quá lo lắng làm lụng. Chỉ có một việc cần là
lo cho được Nước Trời (Lc 10,42). Hãy
tìm nước Đức Chúa Trời trước, rồi mọi sự sẽ ban cho sau (Mt 6,33).
Nhưng chính trong sự mâu thuẫn đó, Chúa tỏ ra
chân giá trị việc lao động. Phải tìm Nước Đức Chúa Trời trước, và nước Chúa
không thuộc thế gian này. Nhưng Nước Chúa lại bắt đầu và lớn lên giữa trần
gian. Nên không thể nào tránh khỏi thân phận ngừoi ở trần gian. Phải lãnh nhận
cuộc sống trần thế giữa đời.
Đức Giêsu không nói về lao động, nhưng khai
mạc Nước Trời là Chúa đề cao giá trị lao động. Căn bản giá trị đó ở chỗ theo
tinh thần Phúc âm hoàn toàn lãnh nhận địa vị làm người dương thế của ta. Ta
cũng nhờ ơn Chúa giúp vui lòng lãnh nhận
cuộc đời sống hiện tại của ta nghĩa là vui lòng lãnh nhận mọi sự đau khổ
và sự chết, để tỏ ra lòng yêu mến Chúa và thương yêu anh em, đó là ta đặt lại
mọi sự đời này đúng giá trị của chúng. Sự chết không làm tiêu tan mọi sự thế
gian, nhưng tinh lọc để nên sáng hơn. Đối với việc lao động cũng thế. Chúa xem
ra như khinh chê việc lao động không có
giá trị tuyệt đối, chỉ có giá trị tương đối, là phương tiện đưa ta về Thiên
đàng.
Do đó, Chúa đặt lại đúng chỗ giá trị của lao
động, là một phương thế tối cần, để diễn tả ra lòng kính mến Chúa, và yêu
người, lo xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, bằng đủ mọi thứ công lao khó nhọc,
để làm cái thang đưa ta và anh em về nước trời trên thiên quốc.
(Lm Trần hữu Thanh, Sống Lời Chúa, tập 3,
1965, tr 21-22)
3. Ích lợi của Lao động.
Không ai phủ nhận được tính cách ích lợi của lao động. Từ xưa đến nay mọi
người đều phải ca tụng lao động như một phương tiện cần thiết để hoàn thiện đời
sống tinh thần và vật chất, cho bản thân và xã hội.
Voltaire nói :”Việc làm xua đuổi xa ta ba mối
họa lớn : buồn nản, thói hư và cùng túng”.
Thi hào Juvénal nói :”Một tinh thần minh mẫn sống trong thân xác khỏe
mạnh” (Ta hay trưng câu này bằng tiếng La tinh : Mens sana in corpore sano ).
Chamfort nói :”Lỗ bình Sơn, ở trên hoang đảo thiếu hết mọi sự và bó
buộc phải làm việc cực nhọc để bảo đảm sinh kế hằng ngày, vẫn chịu đựng đời
sống và theo lời thú của y, lại còn hưởng được nhiều lúc vui sướng. Bạn hãy giả
thử y đang sống trên đảo thần tiên, có đầy đủ tiện nghi, thời có lẻ sự nhàn rỗi
sẽ làm cho đời sống của y không tài nào chịu nổi”.
Lao động đem lại cho chúng ta sự lợi ích cho
bản thân và cho nhân quần xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần.
a) Đối
với bản thân.
Con người sinh ra là xác và
hồn. Thân thể vật chất liên kết
các yếu tố lành mạnh của giới vô cơ, thực vật và động vật. Được Thiên
Chúa dựng nên qua việc Ngài sáng tạo nên vật chất sơ khai, qua sự cộng tác cần
thiết và hệ trọng của Ngài với cha mẹ loài người. Sinh ra rồi lớn lên, con
người lãnh hội, tìm hiểu để bồi dưỡng thân thể và trí tuệ mình cho cường tráng
tức là tiếp tục việc sáng tạo của Thiên Chúa nơi bản thân, cung cấp cho xác hồn
mình những phương tiện khả dĩ đạt tới
cứu cách cuối cùng là Nước Trời.
Đúng như Voltaire đã nói , lao động có thể
giúp ta tránh được thói hư tật xấu vì trong khi làm việc, không những ta sản
xuất cho mình được những sản vật vật chất cho đời sống thêm sung túc, mà còn
làm cho tâm hồn mình được trong sạch,
tốt lành hơn, như sách Nho đã nói :”Nhàn cư vi bất thiện”. Và tục ngữ Tây
phương cũng nói :”L’oisiveté est la mère des vices”.
Ngoài ra, lao động cũng giúp cho tinh thần
được sảng khoái, diệt được u sầu.
Tennyson thú nhận :”Tôi phải bù đầu làm việc
kẻo thất vọng tàn sát tôi”.
John Powys thì bảo : “nhờ mê man công việc, thần kinh thấy dễ chịu, tâm hồn
thấy sảng khoái hơn. Làm việc để đời sống vật chất dễ chịu mà khi giầu sang rồi
thôi việc cũng không đuợc. Thì ra nó còn là điều kiện tạo ra lạc thú tinh thần
nữa. Tạo lạc thú tinh thần tức là tiêu diệt ưu tư.”
Điều này ứng nghiệm trong đời Churchill, nên
ông nói là không có thời giờ lo lắng.
Và
cũng ứng nghiệm cho cuộc sống của Ketterlin nên bà vợ của ông bảo :”Tôi thì mất ăn mất ngủ, còn nhà tôi thì mắc lo làm
việc nên không thấy lo rầu gì cả”.
(Hoàng xuân Việt, Nên thân và yên thân, 1972,
tr 109-110)
b) Đối
với tha nhân.
Con người sống thành xã
hội. Mọi người sống liên đới với nhau. Liên đới tính này còn đuợc bổ túc bằng sợi
dây gia đình hoặc ký ước. Dù liên đới theo phương diện nào thì con người cũng
có bổn phận hoàn tất công việc sáng tạo đối với người khác. Tất cả đều liên kết
mật thiết với nhau , nên phải trao đổi cho nhau mọi dịch vụ về kinh tề, chính
trị, văn hóa... hầu giúp nhau phát triển toàn diện con người của nhau. Thực thi
tình liên đới tức là đồng sáng tạo tha nhân với Thiên Chúa, một ơn gọi và bổn
phận mà Ngài đã ủy thác cho con nguời qua giới răn quan trọng nhất, đó la HIẾN THÂN PHỤC VỤ ANH EM.
Con người trên đường sáng tạo tha nhân, phục vụ anh em đồng loại, một trật cũng
kiện toàn chính bản thân mình.
Nếu chúng ta cùng cộng tác với nhau làm việc
để đổi mới khuôn mặt của vũ trụ, điều đó phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Con
người sẽ làm cho đời sống vật chất trở nên dễ chịu hơn, làm cho mọi người được
hạnh phúc ấm no. Vì thế thánh Gioan Kim
khẩu đã nói :
“Con ong được qúi trọng, vì nó làm việc không
những riêng cho nó và cho cả mọi người nữa”.
Phải chung nhau làm việc thì xã hội mới tồn
tại đuợc nếu không thì :
“Ăn nể không, núi đồng cũng lở” (tục ngữ).
4. Những điều kiện để lao động tốt.
Chúng ta đã biết lao động là cần thiết và có
ích lợi cả tinh thần lẫn vật chất. Nhưng chúng ta cũng nên đề cập tới những yếu
tố giúp cho lao động được kết qủa hơn : đó là nghỉ ngơi và những điều kiện về
nơi làm việc.
a) Việc
nghỉ ngơi.
Chúng ta thấy Thiên Chúa làm việc trong sáu ngày và ngày thứ bảy Ngài
nghỉ. Sau này dân Do thái đã giữ luật nghỉ ngày Sabat rất ngặt (x. Xh 34,21).
Sức con người có hạn, không thể làm việc kéo dài đến vô tận được. Một chiếc máy
dùng một thời gian cũng phải cho nghỉ chứ không thể dùng được mãi. Chúng ta
tưởng quả tim làm việc liên tục ngày này qua ngày không nghỉ sao ? Không đâu,
nó nghỉ nhiều lắm mà ta không biết.
Dale Carnegie nói : mỗi ngày tim ta bơm cả thùng thiếc máu vào huyết quản. Khả năng bơm
này trong 24 giờ có thể dùng cất 20 tấn than đá lên 90 phân. Bạn khiếp không ?
Tôi cũng không dè như vậy. Mà nhờ bí quyết nào tim có thể làm việc đều cho một
Leon Tolstoi gần 90 tuổi? Bác sĩ Camon
trả lời : nhiều người tưởng trái tim làm việc không ngừng. Kỳ thực mỗi lúc bóp
vào là nó nghỉ. Nếu đập đều 70 cái trong một phút thì trong 24 giờ, nó nghỉ đến
9 giờ, cộng chung các khoản nghỉ lại thì mỗi ngày, nó nghỉ 15 giờ. Đó ! Nhờ
cách nghỉ lai rai như vậy mà tim ít khi ngã lăn ra đòi nghỉ dài hạn vì mệt ngất.
(Hoàng xuân Việt, Nên thân...l972, tr
141-142)
Phải biết nghỉ lai rai để lấy sức. Nhờ đâu
ông vua dầu hỏa Rockefeller giật hai giải kỷ lục sống : 98 tuổi và là một trong
những người giầu nhất Hoa kỳ. Nhờ đơn sơ là : trưa nào ông cũng gục đại trên
bàn giấy ngủ nửa giờ.
Bà Roosevelt suốt 12 năm giúp chồng đắc lực
tại Ngôi Nhà Trắng cũng nhờ nghỉ xấp xấp. Bà nói trước hội nghị, dạ hội hay lễ
lạc gì, bà đều bật ngửa trên ghế bành lim dim vài chục phút.
Trong cuốn “Tại sao mệt” Daniel Josselyn nói
chí lý :”Nghỉ không phải là lấy lại sức không làm được việc gì. Nghỉ là khỏe”.
Lấy lại sức khỏe kho tàng vô gía ấy mà bảo không làm được việc gì thì bạn thấy
có chói tai không ? Bạn hãy củng cố sức khỏe bằng cách đừng làm việc đến mệt
ngất mới thôi, mà nghỉ lai rai, vừa làm, vừa nghỉ.
(Hoàng xuân Việt, op cit. tr 142-143)
b) Điều
kiện nơi làm việc.
Muốn tăng năng suất lao động, người ta phải chú ý đến những yếu tố như
âm thanh, ánh sáng, khí hậu. Người ta kinh nghiệm thấy : khi trong phòng làm
việc bị kém ánh sáng, nhiều tiếng ồn, không khí nóng nực thì tự nhiên năng suất
giảm hẳn đi. Trái lại, trong phòng làm việc được thoải mái : ánh sáng vừa đủ,
tránh nhữngõ tiếng ồn, thoáng khí, nhiệt độ vừa phải thì thấy kết qủa khả quan,
nghĩa là năng suất có thể tăng lên được từ 15% đến 30%. Chúng ta không muốn đề
cập dài đến vấn đề này mà dành cho các nhà chuyên môn nghiên cứu và thực hiện.
III. LAO ĐỘNG VÀ CHÚNG TA.
Trong
phần thứ nhất chúng ta đã xác quyết rằng lao động không phải là hình
phạt do tội nhưng là một việc đồng sáng
tạo với Thiên Chúa và góp phần vào việc cứu chuộc. Trong phần hai chúng ta đề
cập đến các vấn đề liên quan tới lao động, vàphần này chúng ta sẽ đề cập đến
vấn đề của chúng ta, nghĩa là chúng ta sẽ có thái độ nào đối với lao động. ?
1. Người
ta dùng thời giờ để làm gì ?
Thánh Kinh nói :”Mọi sự đều có lúc. Mọi sự đều có thời ở dưới bầu trời.
Thời để sinh và thời để chết, thời để trồng và thời để nhổ cây trồng...” (Gv 3,1-2).
Mọi công việc có thời giờ của nó, đấy là một qui tắc cho việc dùng thời giờ cho
hợp lý. Nhưng chúng ta thử xem loài người đã dùng thời giờ thế nào, có hợp lý không ?
Theo một bản thống kê, một người sống 70 tuổi
đã để vào các việc như sau :
. 25 năm vào sự làm việc.
. 20 năm vào sự ngủ nghỉ.
. 2
năm vào việc ăn uống.
. 1
năm vào việc áo xống.
. 9
tháng vào việc tắm rửa.
. 7
tháng vào việc cạo râu.
. 4
tháng vào việc hỉ mũi.
. 2
tháng vào việc đánh răng.
(Trần công Hoán, Truyện hay 4, tr
84)
Thivolier cho chúng ta một bản thống kê khác
trong vòng một năm xem người ta để thời giờ làm những gì, thì :
. 1 tháng : rửa mặt, cạo râu.
. 1 tháng rưỡi : ăn.
. nửa tháng : nói chuyện phiếm.
. 4 tháng : ngủ.
. còn lại độ 5 tháng để làm việc.
(Vũ minh Nghiễm, Vươn, 1966, tr
195-196)
Riêng về thời giờ soi gương, không kể đánh
phấn và tô điểm, phụ nữ đã phí phạm như sau:
. Từ
6 đến 10 tuổi : mỗi ngày 7 phút.
. Từ 10 đến 15 tuổi : mỗi ngày 15 phút
. Từ 15 đến 20 tuổi : mỗi ngày 25 phút.
. Từ 25 đến 30 tuổi : mỗi ngày 30 phút.
Nếu bà nào sống được 60 tuổi, thì sẽ mất 8
tháng để bà ấy nhìn mặt mình trong gương.
(Trần công Hoán, Truyện hay 4, tr
84)
Một Ủy ban đặc biệt của Liên hiệp quốc mới
đây đã tìm hiểu xem đàn bà nước nào lo việc bếp núc nhiều giờ nhất thế giới
trong một tuần. Theo các phúc trình thì một người đàn bà Mỹ vào bếp 36 giờ, Ba
lan 89 giờ, Pháp và Ý 100 giờ, Thụy sĩ và Đức 109 đến 122 giờ.
2. Ai
không làm không đáng ăn (2 Tx 3,10b-13)
Không ai có thể phủ nhận được nhiệm vụ phải làm việc của mỗi người vì
đó là chương trình của Thiên Chúa khi đặt con người vào trong vườn Địa đàng để
“trồng tỉa và săn sóc vườn” (Stk 2,15). Chính Thiên Chúa cũng làm việc trong
việc tạo dựng vũ trụ và còn tiếp tục duy trì.
Chúa Giêsu cũng làm việc, nhất là 30 năm tại Nazareth. Ngài nói :”Cha Ta
làm việc không ngừng và Ta cũng làm như vậy” (Ga 5,17).
Thánh Phaolô nói rõ hơn về sự làm việc, Ngài
nói với tin hữu Thessalonica :
“Ai không muốn làm việc
thì đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói trong anh em có những người sống vô kỷ
luật, ăn không ngồi rồi, lại dây mình vào đủ chuyện. Đối với những người ấy,
chúng tôi kêu mời và khuyến khích họ trong Chúa Kitô, hãy bình tâm làm việc và
hãy tự tìm cách sinh nhai. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản
chí” (Tx 3,10b-13).
Chúng ta không được sống đời tầm gửi, đừng ăn
bám, phải tự sinh nhai, phải góp phần vào sự nghiệp chung, làm cho đời sống mọi
người thêm sung túc và thoải mái hơn. Ai không chịu làm việc thì đó là những kẻ
ăn cắp, như lời ông J.J. Rousseau :”Giầu hay nghèo, sang hay hèn, tất cả những
người ăn không ngồi rồi đều là những kẻ ăn cắp”. Ca dao cũng có câu :
Thế gian chuộng của chuộng công,
Nào ai có chuộng người không bao giờ.
3.
Phải làm việc chăm chỉ và kiên nhẫn.
Muốn thu được kết quả tốt cho đời sống tinh
thần cũng như vật chất, trong mọi công
việc, có hai điều kiện đòi buộc mà không ai có thể tránh được, đó là chăm chỉ
và kiên nhẫn.
a) Phải
làm việc chăm chỉ.
Làm công việc gì, ta phải dồn
hết tâm lực vào công việc đó, phải siêng năng làm và làm cho đến nơi đến
chốn. Chính Chúa Giêsu cũng làm việc
chuyên cần khi Ngài nói :”Cha Ta làm việc không ngừng, Ta cũng làm như vậy” (Ga
5,17). Chúng ta còn thấy gương thánh gia thất và thánh Phaolô trong sự chuyên
cần làm việc. Vì thế người ta thường nói :”Văn ôn, vũ luyện”. Chu Hi nói :” cách trị nhà cốt ở hòaØ, cách
mưu sinh cốt ở chăm”.
Anh nông phu đứng trước một mảnh đất, suy
nghĩ và anh nói với thửa đất rằng : này thửa đất, năm nay ngươi sẽ đem lại cho
ta những gì ? Chắc chắn thửa đất sẽ trả lời : anh hãy nói cho tôi biết trước
năm nay anh chuyên cần đến mức nào rồi tôi sẽ cho anh biết kết quả. Thực sự,
kết quả tốt đẹp hay không là do sự chuyên cần của ta, có chăm làm mới có kết
quả tốt như người ta nói : nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, có đủ bốn
yếu tố đó, chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt.
Truyện : phép phù thủy
của tên nô lệ.
Một tên nô lệ kia cầy cấy một thửa ruộng nhỏ
và thâu hoạch được nhiều hoa lợi lắm. Những người chung quanh đó cấy những thửa
ruộng lớn hơn mà không lợi bằng anh. Thấy thế sinh lòng đố kỵ. Họ vu cho anh
dùng phép phù thủy để cướp hết hoa lợi của những thửa ruộng chung quanh.
Anh nô lệ bị kêu ra tòa. Tòa bắt anh phải
tường khai tội ác của anh ta.
Sợ quá, anh nô lệ bèn kéo cả nhà ra tòa. Cả
nhà anh ta khỏe mạnh, ăn mặc cẩn thận, riêm rúa. Anh ta lại đem cả con bò béo
tốt của anh đi theo cùng với các nông cụ, như những lưỡi cầy sắc bén, những cái
liềm bóng lộng, những cái bừa chắc chắn. Anh ta ra trước tòa, chỉ vào vợ con và
những nông cụ của anh và bảo:
- Hỡi người La mã, đây là
phép phù thủy của ta đây ! Mùa màng của ta tốt là do những thứ này, ấy là chưa
kể ta không mang theo ta được những đêm
thức khuya, những ngày dậy sớm, những năm tháng một nắng hai sương, những buổi
làm việc cần cù, vất vả, đổ bát mồ hôi lấy bát cơm...
Tòa tha tội cho tên nô lệ. Mùa màng tốt là vì người ta chịu khó làm ăn
vất vả. Vì thế, người La mã cổ thời hay nói : Con mắt của người chủ làm cho ruộng
phì nhiêu” (L’oeuil du maitre fertilise les champs).
(Vũ Bằng, Đông tây cổ học tinh hoa, 1969, tr
64-65)
b) Phải
làm việc kiên nhẫn.
Phàm làm công việc gì cũng
đòi người ta phải kiên
nhẫn. Việc làm không phải một sớm một chầy mà được thành công ngay.
Công việc càng khó mà càng cố gắng làm được thì thành công ấy mới đáng giá, như
Corneille nói :”Chiến đấu có gian nan thì
chiến thắng mới vinh quang”.
Vì thế, Tuân Tử đã nói :”Trường đồ tai mã
lực, sự cửu thức nhân tâm” (đường dài hay sức ngựa, việc lâu mới biết lòng
người).
Người Đông phương thường truyền lại một câu
chuyện mang tinh chất ngụ ngôn như thế này :”Ngày xưa có chàng nông phu theo
truyền thống lâu đời của gia đình, năm nào cũng chăm chỉ cầy bừa đào xới đất
ruộng, dù mười hai năm liền trời không mưa”.
Ngày nay phần đông chúng ta chỉ cần một năm
trời hạn hán là đâm ra chán nản, không muốn tiếp tục cầy ruộng nữa. Chúng ta
thường là những kẻ thiếu ý chí, quên lời dạy của cổ nhân:”Ở đời không có con
đường nào bước một bước mà đến nơi bao giờ”.
Truyện : ông hoàng gieo
đậu.
Ở Ấn độ ngày xưa, ông hoàng Siknader thấy dân
chúng phần đông qúa lười biếng, không ai muốn ra công trồng tỉa làm ăn, bèn
định tâm dạy cho dân một bài học luyện chí kiên nhẫn : Ông bắt đầu ương một hột
đậu trắng trong góc vườn hoang. Khi hạt đậu nảy mầm thành cây đậu con, ông hết
lòng chăm lo săn sóc nó. Ba tháng sau, đậu ra trái, ông hái được 30 hạt, Ông
đem gieo hết 30 hột đó. Sau đậu lớn lên, ông hái được 90 hột. Ông lại gieo 90
hột đậu ấy, và cứ tiếp tục trồng trọt như vậy suốt mấy năm liền, rồi bán mấy
lần cả vườn đậu của ông được 160.000 đồng tiền. Ông dùng số tiền đó mướn thợ
dựng một ngôi đền thờ và đặt tên là ĐỀN HẠT ĐẬU, có ý cho dân Ấn nhớ rằng chỉ
với một hạt đậu nhỏ tí, ông đã xây dựng được một ngôi đền vĩ đại.
(Nguyễn văn Y, Có chí thì nên, 1971, tr 9-10)
Trăm năm ai chớ bỏ ai,
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.
(Ca dao )
4.
Hãy thánh hóa công việc hằng ngày.
Mồi ngày thức dậy, ta hãy sốt sắng dâng lên
Chúa tất cả các công việc trong ngày khi đọc Kinh dâng mình : mọi lời con cầu
xin, mọi việc con làm... Và trong Thánh lễ buổi sáng chúng ta hợp cùng linh mục
dâng lên Thiên Chúa lễ vật của chúng ta trong ngày : Lạy Chúa, chúc tụng Chúa
là Chúa tể càn khôn, vì Chúa rộng ban cho chúng con bánh này, là hoa mầu ruộng
đất và lao công của con người. Chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh nuôi
sống chúng con.
Thánh Tông đồ Phaolô cũng không ngừng khuyên
nhủ chúng ta hãy thánh hóa mọi công việc của chúng ta, tất cả mọi sự phải qui
về sự sáng danh Chúa :”Vì vậy, anh em dù ăn, dù uống, dù làm việc chi khác hãy
làm tất cả vì vinh danh Chúa” (1Cr 10, 31; Cl 3,17).
Mọi công việc làm của chúng ta đều có tính
cách nhân bản , nghĩa là nhằm mưu sinh, nhưng còn phải vượt trên khía cạnh ấy
để tạo cho nó một ý nghĩa siêu nhiên, đó là phần rỗi linh hồn mình và sự vinh
danh Chúa. Ngay người đời cũng chấp nhận cái chủ trương ấy :”Nếu làm việc chỉ
để nuôi cái xác sống tức là ta đã tự xây lấy cái nhà tù cho mình” (Saint
Exupéry).
Truyện : làm việc vui vẻ
Trong một tu viện núi Sinai, có một ngưởi làm
bếp mỗi ngày phải dọn ăn cho 200 người.
Suốt ngày phải quanh quẩn trong bếp lò nhưng vui vẻ một cách đặc biệt.
Một hôm Cha Bề trên hỏi :”Làm thế nào mà con có thể luôn mỉm cười và vui tươi
đối với một công việc nặng nhọc và đều đều như thế”? Người làm bếp trả lời :”Thưa cha, đó là vì con làm tất cả mọi sự
vì tình yêu Chúa và phục vụ tha nhân, chính ý nghĩ này làm nhẹ nhàng và làm nhẹ
gánh của bổn phận con”.
(Filchner, Audite filii, Salvator-Mulhouse, 1961, tr 174)
Muốn cho việc làm của chúng ta thêm sự vinh
danh Chúa và có ích cho phần rỗi chúng ta. điều cần thiết là chúng ta phải có
tinh thần trách nhiệm. Chúng ta làm việc với tất cả sức lực, với sự cố gắng
không ngừng. Phải luôn ý thức rằng con mắt của Chúa luôn nhìn xem công việc
chúng ta, không gì có thể che giấu được con mắt Chúa. Thánh vịnh 138 còn ghi rõ điều đó :
Dò xét tôi Chúa đều hay hết,
biết rõ tôi khi đứng khi ngồi;
hiểu sâu xa tư tưởng của tôi,
đi hay nghỉ Ngài đều quan sát
đường lối tôi nơi nơi Ngài biết.
(Tv 138,1-3)
KẾT LUẬN
Làm việc không phải là hình phạt, nhưng là
một vinh dự được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa và góp phần
vào việc cứu chuộc. Trong khi làm việc ta được thực hiện một cách cụ thể huấn
lệnh của Chúa Giêsu về tình bác ái huyng đệ. Nếu ta bảo thương yêu anh em mà
gặp một người anh em đang đói rét, ta chỉ bảo cầu chúc anh khỏe mạnh và đi bình
an, mà không cho họ ăn, thì thử hỏi bác ái huynh đệ của chúng ta có thực không
hay là rỗng tuyếch ?
Như vậy lao động là vinh quang vì ta được
tham dự vào công việc của Thiên Chúa, và thực hiện được lòng yêu nước, yêu đồng
bào.
Nhưng muốn cho mọi công việc lao động của ta
có ý nghĩa hơn, ta hãy chăm chỉ làm việc với tinh thần vui tươi, với ý thức
rằng ta làm việc để cho Chúa được hài lòng, để danh Chúa được cả sáng và nước
Chúa trị đến trong nơi ta đang làm việc.
Truyện : ba người thợ xây thánh đường.
Một nhà văn Pháp có kể chuyện ba anh đẽo đá,
đại khái như sau :
Hôm nọ, có người khách đến viếng ngôi thánh
đường vừa khởi xây. Ba người thợ đang làm đá. Người khách hỏi một người :
- Anh làm gì đó ?
Người thứ nhất trả lời với giọng uể oải :
- Tôi đang dũa đá, thật khốn
cho cái đời tay chai đít phỗng của tôi.
Người thứ hai lễ độ hơn, trả lời :
- Tôi đang kiếm tiền nuôi vợ
con tôi.
Còn người thứ ba hiên ngang trả lời :
- Còn tôi, tôi đang xây ngôi
thánh đuờng...
Và người ấy rang rang cất tiếng hát.
(Đỗ bá Ái, Đời đáng sống, 1962, tr 82)
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Lễ thánh Giuse Lao
động 2004