ÁNH SÁNG VÀ BÓNG MỜ
Lm. Phaolô Phạm Công
Phương
Trong một thánh lễ ngoài
trời, người ta đốt nến đặt trong ly để tránh gió. Nhưng rồi, đương lễ, nến bị
ngộp bùng lên hớp khí, khói bám vào thành ly nên ánh sáng chỉ còn là bóng mờ.
Thương thay cho những cánh hoa đang khoe mình trước ánh sáng lại bị chính hơi
nóng và khói đen gây thương tích!
Trong sứ vụ chứng nhân
của người Kitô hữu, tôi tự hỏi mình là người mang ánh sáng soi đường hay chỉ là
một bóng mờ đen tối, và tệ hơn nữa, còn biết bao người khác có thể bị thoái hóa
bởi cuộc sống đen tối của tôi?
"Anh em là ánh sáng thế gian" (Mt 5, 14)
Tôi thật băn khoăn khi
được gọi là "đèn đặt trên giá", là "ánh sáng soi cho cả
thành" (Mt 5, 15) bởi lẽ ánh sáng phải có khả năng đẩy lùi bóng tối, mà
bóng tối hôm nay lại có muôn ngàn ngõ nghách! Có biết bao sóng gió đẩy đưa,
biết bao mời mọc dâng cao để rồi cuốn hút xuống vực sâu ngay lúc đầu đời sứ vụ.
Bản thân tôi cũng cảm thấy sức nặng nề của thân xác, không dễ cứ "chong
đèn sáng" (Lc 12,35) mà cất cánh bay cao được đâu!
Tôi tự hỏi vì sao Chúa
chọn một tảng đá thật mong manh như Simon để xây nền Hội Thánh, và rồi tôi cũng
chẳng dám xin Chúa đi trên mặt nước như ông giữa lòng biển cả thét gào. Thế
nhưng cũng có khi đánh liều tín thác, và không ít lần, tôi cảm thấy chơi vơi
trên mặt nước như ánh hải đăng dập dờn trong cơn bão nhưng ngọn đèn đời tôi
không muốn lịm tắt. Phải chăng chính sự yếu hèn của tôi lôi hút Thiên Chúa chứ
không phải sự thánh thiện siêu phàm?
Ánh sáng soi tỏ màu sắc
và màu sắc nổi bật nhờ ánh sáng. Thế nhưng lăng kính đời tôi nhiều khi lại là
bóng mờ, đâu còn phản ánh trung thực vẻ rực rỡ của chân lý, sự nguyên tuyền của
ánh sáng Tin Mừng. "Mù lại cõng mù" (Lc 6, 39), không khéo cả hai lại
sa xuống hố!
Những hành trang chuẩn bị
cho sứ vụ, đèn đã thắp sáng, nhưng không hẳn là sẽ sáng mãi, nếu tôi không châm
dầu lau bóng.
"Hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh thành bóng
tôi!" (Lc 11, 34)
Lời cảnh giác đó của Chúa
Giêsu thật là chí lý đối với tôi lúc này và rồi suốt cả hành trình chứng nhân.
Chúa đã ban cho tôi ánh sáng rồi chẳng lẽ Chúa lại không "Khát mong cho
lửa ấy còn cháy mãi" (Lc 12, 49) trong tôi?
Cầu nguyện chính là chất
đốt để tôi giữ mãi lửa tình yêu. Một mai khi vướng bận công việc, có lẽ tôi ít
để tâm tìm giờ gặp Chúa nhưng thôi tin rằng Thánh Thần vẫn tác động nơi tôi.
Chỉ cần một cố gắng nhỏ của tình yêu là tôi có thể gặp Chúa và ánh lửa lại bùng
lên không phải vì thiếu khí nhưng có thêm chất xúc tác.
Hầu chắc dự phóng sứ vụ
chứng nhân của tôi cũng có lúc bị hoàn cảnh bóp nghẹt như ngọn nến trong ly bị
thiếu khí. Làm sao để thoát ra khỏi nguy cơ lịm tắt ấy nếu không phải là vận
dụng tối đa khả năng khai mở của tình yêu? Không có lòng mến, tôi sẽ chỉ mong
ước những điều cho mình nên sẽ mất vui khi không được mãn nguyện. Khi ấy ánh
sáng quanh tôi thành tăm tối, và rồi sứ vụ chỉ là một gánh nặng phũ phàng và vô
nghĩa cứ hết đẩy lên và rồi lại lăn xuống. Thế nhưng tình yêu càng nhiều, mơ
ước càng lớn bởi "Lòng mến càng tuôn trào càng đốt cháy kẻ khát khao"
J. Damascène). Do đó khát vọng căn bản nhất của tôi và cho người khác là ánh
sáng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là động lực dấn thân
trong sứ vụ chứng nhân để tôi trở nên một con người hành động, vừa thực tế, vừa
phóng tầm nhìn rất xa và rất rộng trong Ðấng là Nguồn sáng.
"Nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con nhìn ra ánh sáng"
(Lc 35, 10)
Cầu nguyện và lòng mến
giúp tôi tìm ra Ðấng là Ánh Sáng: "Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ
không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống"
(Yn 8, 12).
Một mai có lúc nào tôi
miệt mài trong mục vụ với chức năng là "chong đèn sáng" mà quên rằng
người khác cũng là "ánh sáng thế gian" (Mt 5, 14) thì xin cho tôi nhớ
kỹ chỉ trong ánh sáng của Chúa Kitô tôi mới nhìn ra ánh sáng của anh em. Thế
giới hôm nay còn nhiều điểm tối nhưng vẫn có những đốm sáng mà tôi chỉ nhận ra
khi nhìn bằng ánh mắt và nỗi lòng của Chúa Giêsu nếu tôi có tình yêu thuộc trọn
về Chúa thì trái tim tôi cũng thuộc trọn về con người. Càng là thánh, tôi càng
phải là người, bởi vì càng say mê Thiên Chúa, tôi càng sống nhân ái hơn. Càng
cầu nguyện và lắng nghe Chúa nói, tôi càng gần gũi và thông cảm với mọi hạng
người. Thà rằng tôi bị mang tiếng là nhân từ còn hơn bị tiếng là khắt khe đúng
luật.
Sẽ có lúc ngọn đèn leo
lét, đường đi mờ tối, lúc ấy tôi cần sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để nhạy
cảm với những giá trị thiêng liêng và để biện biệt đâu là âm thanh của Thần Khí
Thiên Chúa và đâu là âm điệu ròn rã của thần Khí Satan giữa vô vàn tín hiệu bật
sáng. Có như thế, đời sống phục vụ của tôi sẽ không trở thành vụn vặt vì dự
phóng căn bản đời tôi đang được hình thành từng bước trong việc họa lại mầu
nhiệm Yêu Thương đang ở trong tôi.
Bước vào thiên niên kỷ
thứ ba, khoa học ngày càng tiến bộ, kỹ thuật càng phát triển càng đòi hỏi
chuyên môn. Chuyên môn không chỉ hạn hẹp trong lãnh vực khoa học kỹ thuật mà
bao quát mọi lãnh vực.
Ðứng trước đòi hỏi ấy của
thời đại tôi cũng phải là những chuyên viên về đức tin và đức ái. Ðó là khát
vọng của người đương thời về một chứng nhân hôm nay, và đó cũng là dự phóng căn
bản của tôi trong vai trò chứng nhần của Ðức Kitô.