Trên Đường Đi.
Chủ nhật, ngày 26 tháng 4
năm 2020
Pat
Marrin
"Các anh vừa đi vừa trao đổi với
nhau về chuyện gì vậy? " (Lu-ca 24:16).
Đối
với nhiều người trong chúng ta trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, cơ hội ra
ngoài đi dạo trong khu phố là một ơn trời. Tôi gặp những người khác ở một khoảng
cách an toàn, và chúng tôi gật đầu chào nhau thừa nhận số phận chung của chúng
tôi. Đôi khi tôi tình cờ nghe được những cuộc trò chuyện, hầu như là nhẹ nhàng
nhưng cũng nghiêm túc về những lo lắng của gia đình và thậm chí là mất mát. Là
một người xa lạ, tôi không bao giờ xâm phạm vào những trao đổi như vậy, ngay cả
lúc bình thường. Một cái chết chắc chắn.
Các
môn đệ trên đường đến Emmau rất đau buồn, và bước chân của họ chắc cũng nặng nề
như cõi lòng của họ khi họ thảo luận về các sự kiện thảm khốc đã xẩy ra ở Giê-ru-sa-lem.
Những người khác trong nhóm của họ rõ ràng bị chấn động, bao gồm một số phụ nữ tuyên
bố rằng ông bạn bị đóng đinh của họ đã được họ nhìn thấy và còn sống. Ngay sau
đó một người lạ tiến đến gần cùng đi với họ và hỏi họ đang thảo luận điều gì.
Như
một hình ảnh, đi bộ và nói chuyện là một lối diễn tả đúng về cuộc sống con người.
Thời gian lôi kéo chúng ta về phía trước thông qua các giai đoạn cuộc sống có
thể dự đoán được và chúng ta học cách đưa ra ý nghĩa cho hành trình của mình bằng
cách chia sẻ những câu chuyện về thành tích và sự thất vọng của chúng ta. Cái
chết của người thân là một biến cố có thể làm vỡ tan câu chuyện của chúng ta và
buộc chúng ta phải diễn giải lại chúng ta là ai, chúng ta sẽ đi đâu và tại sao.
Hàng triệu cuộc đời đã bị đại dịch gián đoạn, khiến những gia đình đau buồn bị choáng
váng trước cơn thử thách phải làm mới lại mọi thứ họ tin tưởng và hy vọng.
Điều
làm cho con đường đến Emmau trở thành một câu chuyện chung cho mọi người là mỗi
người phải đối phó với thực tại của cái chết. Bản thân tôn giáo là một nỗ lực vô
vọng hoặc để ăn mừng cái chết hoặc để chối bỏ nó bởi vì tất cả chúng ta đều biết
nó đang đến với chúng ta. Câu chuyện về việc gặp gỡ Chúa Giêsu trên con đường
phổ quát này là, đối với các Kitô hữu, hy vọng duy nhất chúng ta có, là đã có một
người - một người trong chúng ta - đã vượt qua cái chết và người đó có thể chỉ
cho chúng ta cách sống cuộc sống ngắn ngủi của mình một cách mới mẻ và đầy
thách thức.
Chúa
Giêsu đã đánh bại cái chết bằng cách hạ bỏ cuộc sống mình vì tình yêu. Tấm
gương phục vụ tự trút bỏ mình và cái chết hy sinh của Ngài đã biểu lộ kenosis
(ND: sự tự hủy) mầu nhiệm của Thiên Chúa, người là tình yêu thuần khiết, vĩnh
viễn tuôn trào tựa nguồn gốc Sáng Tạo và là ý nghĩa của hiện hữu. Sự hiện ra mầu
nhiệm của Chúa Giêsu trong cộng đoàn đức tin và lời hứa về sự hiện diện luôn
mãi của Ngài nơi các tín hữu từ thế hệ này tới thế hệ khác là Tin Mừng mà Giáo
Hội công bố với thế giới. Tình yêu mạnh hơn sự chết, và một cuộc sống dâng hiến
cho tình yêu là giai đoạn đầu tiên của một cuộc hiện hữu vượt qua bên kia thế
giới này đi vào cõi vĩnh cửu với Thiên Chúa tình yêu.
Chúng
ta hát Tin mừng Phục sinh với Thánh vịnh: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv
16:11).
Chuyển
ngữ tiếng Việt: Phạm Văn Trung.
https://www.ncronline.org/news/spirituality/pencil-preaching/road