MỒNG MỘT TẾT TÂN MÃO

MỘT NĂM MỚI TỐT ĐẸP

+++

 

I. NĂM MỚI VỚI LỜI CHÚA  

 

          Bài đọc 1 : St 1,14-18.

 

          Thiên Chúa là Alpha và Oméga, nghĩa là Khởi Nguyên và Cùng Tận của vũ trụ muôn loài. Ngài sáng tạo thời gian và không gian, chính Ngài ấn định năm tháng ngày giờ và đặt ra các chu kỳ đại lễ.

 

          Một năm mới bắt đầu là một khoảng thời gian nữa được ban cho chúng ta. Có thời gian là một ơn rất quí. Chúng ta có thời giờ để làm ăn sinh sống, nhưng cũng có thời giờ  để chuẩn bị cho đời  sống vĩnh cửu.

 

          Bài đọc 2 : Pl 4,4-8

 

          Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà thánh Phaolô lại thêm chữ niềm vui của Chúa, vì niềm vui của Chúa thì khác với niềm vui của người ta. Niềm vui của người ta  thì tùy ở nhiều yếu tố vật chất bên ngoài; còn niềm vui của Chúa  thì nhẹ nhàng thanh thoát và tùy thuộc những điều kiện bên trong nhiều hơn như : tính hiền hòa, lòng quảng đại và tinh thần cầu nguyện. Có được những điều kiện đó là chúng ta có thể vui luôn trong Chúa.

 

          Bài Tin mừng : Mt 6,25-34

 

          Bài Tin mừng mời gọi chúng ta  an tâm bước vào năm mới với niềm tin tưởng phó thác cho Chúa.  Chúng ta phải biết cái gì đáng lo, đó là sống công chính, lo xây dựng Nước Trời.  Xây dựng Nước Trời, có nghĩa là thực thi công bình bác ái, kiến tạo hòa bình và tạo dựng hạnh phúc cho mọi người.  Có được Nước Trời như thế, thì còn gì phải lo lắng cho vấn đề cơm ăn áo mặc nữa : tất cả những cái mà chúng ta cho là thiết yếu nhất, chẳng qua chỉ là những cái được “thêm cho” mà thôi.

 

II. XUÂN ĐẾN XUÂN ĐI, XUÂN BẤT TẬN.

 

          Người ta thường nói :

 

                                      Xuân khứ xuân lai, xuân bất tận,

                                      Nhân hòa nhân thỉnh, nhân trường sinh.

 

          Xuân đến xuân lại đi và sang năm xuân sẽ tới vì quả đất tròn quay mãi không ngừng. Dù có ai yêu hay ghét xuân thì xuân vẫn đến, không phụ thuộc ai dù già trẻ, lớn bé, giầu nghèo, trí thức hay dốt nát, xuân đến một cách nhẹ nhàng, đều đặn.

 

          Chúng ta hãy trở lại với sách Sáng thế. Sách cho biết Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật và Ngài đã tách ánh sáng ra khỏi bóng tối để làm ra ngày và đêm phân biệt. Ngày và đêm thay đổi nhau để làm nên năm tháng. Ngày đêm thay đổi nhau 365 lần làm nên một năm (x. St 1,14-18)

 

          Sau 365 ngày lại có một năm khác mà ta gọi là “Năm Mới” mà năm nay là năm Tân Mão. Ai trong chúng ta cũng gọi năm nay là năm mới, nhưng có thật là mới không vì có người cho rằng chả có gì là mới cả, năm nào cũng vậy thôi và năm nay có thể cũ hơn năm ngoái.

 

          Trước đây, thi sĩ Trần Tế Xương có cái nhìn khác không giống như mọi người, khi ông nói :

 

                                      Bắt chước ai ta chúc mấy lời :

                                      Chúc cho khắp hết ai trong đời

                                      Vua quan sĩ thứ người muôn nước

                                      Sao được cho ra cái giống người.

 

          Thực ra, nếu xét theo xuân cảnh vật thì càng ngày càng cũ đi như 70 tuổi thì phải cũ đi hơn là 20 tuổi.  Nhưng nếu xét theo xuân trong tâm hồn, tức là xuân của ơn thánh thì có thể gọi là năm mới.

 

 Francis Bacon đã có cái nhìn sâu sắc về vấn đề này khi ông nói : “Con người thời nay đã già cỗi, cần phải trở lại “thời thanh xuân” của con người nguyên thủy”.

 

          Đúng vậy, con người trẻ trung ngày xưa đã bị vật dục làm hư hỏng đã trở nên già khọm. Phải làm sao canh tân con người già cả của chúng ta để trở nên người trẻ trung tươi mát vì nó phải trở nên trẻ thơ mới được vào Nước Trời (x. Mt 19,13-15).

 

III. NGƯỜI TA CHÚC NHAU NHỮNG GÌ ?

 

          Chúng ta cứ coi năm Tân Mão này là Năm Mới đi và cùng mọi người chúc nhau. Vậy người ta thường chúc nhau những gì ? Người ta thường chúc nhau một  : Năm Mới Tốt Đẹp, Bonne année hay Happy new year.  Câu chúc cổ điển nhất của xã hội chúng ta vừa súc tích vừa vắn gọn nhất bằng 3 chữ là : PHÚC, LỘC, THỌ.

 

Cũng có người chúc nhau nhiều hơn bằng 5 chữ : PHÚ, QUÍ, THỌ, KHANG, NINH. Nhưng có lẽ chữ Phúc luôn đứng hàng đầu vì nếu được tất cả mà thiếu Hạnh phúc thì cuộc đời trở nên vô nghĩa. Chúng ta hãy xem thi sĩ Trần tế Xương nói chuyện với chúng ta về lời chúc Năm Mới như thế nào :

 

          1. Chúc cho sống lâu.

 

          Có người cho rằng năm mới tốt đẹp là ở tại chỗ sống thật lâu thật bền cho đến lúc đầu phủ tuyết, da đồi mồi. Thi sĩ nói :

 

                                      Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau :

                                       Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

 

          Nhưng sống lâu có hạnh phúc không ?  Tại sao người ta thường nói :”đa thọ, đa nhục” hoặc thành ngữ có câu :”Trẻ khôn qua, già lú lại”.  Đã “lú lại” sẽ bị con trẻ chê bai ! Đã “lú lại” tất không thể trốn đâu được cái nhục. Không thiếu gì các ông già bà cả bị bỏ rơi, đang sống tủi sống nhục trong tuổi già. Ít có người già nào nói : mình được hạnh phúc trong tuổi già.

 

          Ngắm nhìn ngày tháng dần trôi, người già mới thấm thía câu ca dao :

 

 

                                      Còn duyên như tượng tô vàng

                                   Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa.

                                      Còn duyên kẻ đón người đưa

                                   Hết duyên đi sớm về trưa… một mình.

 

          Trước cảnh tượng phũ phàng ấy, người ta tự nhiên cảm thấy ù tai chóng mặt. Để cứu vãn tình thế, tranh thủ thời gian, họ đâm ra ăn chơi phóng đãng :

 

                                      Ai ơi, chơi lấy kẻo già,

                                Măng mọc có lứa, người ta có thì.

                                      Chơi xuân kẻo hết xuân đi

                                Cái già xống xộc nó thì theo sau.

 

          2. Chúc cho giầu có. 

 

          Có người cho rằng : năm mới tốt đẹp là ở chỗ làm ăn phát tài phát lộc, tiền chảy vào túi như nước như non. Người ta chúc nhau :”Nhất bản vạn lợi” hay “Một vốn bốn lời” :

 

                                 Nó lại chúc nhau cái sự giầu

                                 Trăm ngàn vạn mớ để vào đâu ?

 

          Người ta chúc nhau giầu có, nhưng thử hỏi giầu có đến đâu là đã thỏa mãn ? Chắc chẳng bao giờ ngươi ta thỏa mãn với cái lòng tham vô đáy, nên chẳng bao giờ người ta đạt được sự giầu có như lòng mong ước ?.  Người ta vẫn khát khao sự giầu có mà không được.

 

          Nhiều người đã tôn vinh tiền của lên hàng thần thánh : thần MAMMON (thần Tiền Của). Vị thần này rất quyền năng, trở thành ông chủ khắc nghiệt tuyệt đối chi phối con người họ, bắt họ làm nô lệ cho mình, và có ai thấy mình được hạnh phúc khi phải sống kiếp nô lệ không ?

 

          Ngày 06/06/1976 ông Paul Getty, một người giầu có, đã qua đời. thọ 83 tuổi. Ông để lại khoảng 4 tỉ Mỹ kim. Sau 5 lần ly dị, trong một cuộc phỏng vấn, ông đã tuyên bố :”Tôi đã mong dùng tất cả gia tài của tôi để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tôi sợ mình không thành công.  Tôi sợ không thể tạo được hạnh phúc hôn nhân ấy”.

 

          Một lần khác, ông đã phải thú nhận với một phóng viên là ông đã không đạt được hạnh phúc gia đình.

 

          Một lần khác nữa, ông Paul Getty xác nhận : tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Hơn nữa, ông còn tin rằng tiền bạc có bà con với nỗi bất hạnh.

 

          3. Chúc cho vinh sang

 

          Có người cho rằng một năm tốt đẹp là được mọi người ca tụng, tiếng tăm được vang khắp bốn bể, được thiên hạ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa :

 

                                      Nó lại chúc nhau cái sự sang

                                      Đứa thì buôn tước, đứa buôn quan.

 

          Danh tiếng vang lừng bốn bể có làm cho người ta được hạnh phúc không ?  Đây là một chứng từ mà người ta đã biết : ông Anatole France là một người giầu có, được mọi người hoan nghênh, được nếm đủ các thứ khoái lạc trên đời, đã phải thú nhận rằng : “Nếu anh có thể đọc được trong tâm hồn tôi, anh sẽ rùng mình.  Trong trời đất không có vật nào vô phúc bằng tôi : người ta tưởng tôi sống hạnh phúc. Thật ra, không bao giờ được sung sướng cả, dầu trong một giờ, dẫu trong một ngày”.

 

          Còn một chứng từ khác của một người còn sang hơn quan nữa, tiếng tăm lừng lẫy khắp muôn phương, được thiên hạ học từ lời ăn tiếng nói, được theo dõi, từ chân tơ kẽ tóc như cô đào minh tinh màn bạc Brigitte Bardot  mà cũng không thấy được hạnh phúc.

-          ?

-          Mộng tôi bây giờ không phải là thủ vai tài tử quan trọng. Mộng tôi bây giờ là làm thế nào có đủ can đảm rút lui khỏi màn bạc.

-          Thế thì tất cả những công danh của cô xưa  rầy là mây, là khói hay sao ?

-          Phải ! Brigitte Bardot đáp lại những câu hỏi bồi hồi  của một ký giả báo Văn Đàn. Phải ! Tất cả là mây khói, là hư vô.

 

IV. CHÚNG TA NÊN CHÚC NHAU NHỮNG GÌ ?

 

          Nếu chúc cho ông bà anh chị em được sống lâu, giầu có, được vinh sang… thì thấy không ổn vì tất cả những cái đó chưa làm nên hạnh phúc vì nó vẫn là mây khói.  Xin được lấy lại câu chúc của thi sĩ Trần Tế Xương một lần nữa :

 

                                      Bắt chước ai ta chúc mấy lời :

                                      Chúc cho khắp hết ai trong đời

                                      Vua quan sĩ thứ người muôn nước

                                      Sao được cho ra cái giống người.

 

          Câu chúc của thi sĩ “Sao được cho ra cái giống người” xem ra có vẻ hài hước và mang tính cách châm biếm. Nhưng cái nhìn của ông về con người cũng giống như cái nhìn của nhà hiền triết Diogène ngày xưa. Đang giữa trưa ông cầm đèn ra giữa thành phố Athènes để đi tìm cài gì đó. Người ta hỏi tìm gì. Ông trả lời : đi tìm người!  Thiếu gì người ở giữa thành phố mà phải đi tìm ?  Nhưng ông cho rằng những đám người này chưa phải là người đúng nghĩa, ông đi tìm một con người chính danh, con người xứng đáng “linh ư vạn vật” kia !

 

          Năm mới chúng ta chúc nhau hãy trở nên con người đúng nghĩa, phải “linh ư vạn vật “ mới được.

 

          Đối với người Việt nam Công giáo chúng ta, thời gian được ban cho chúng ta  trong Năm mới này là để chúng ta “làm người” và “làm con Chúa”.  Chúng ta không tự nhiên người hay con Chúa được, có là hay không còn tùy thuộc ở chỗ chúng ta  có “làm” và có “làm” được hay không.  Hạt giống không tự nhiên có thể nở thành cây và sinh hoa kết quả : nó cần phải được gieo cấy trong ruộng trong vườn, và cần phải có thời gian để phát triển.  Con người chúng ta cũng vậy, chúng ta là những cái “nhân” được gieo cấy trong ruộng đồng  là thế gian này và thời gian được ban cho chúng ta  làm nên đời mình bằng cách cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa : ân sủng này cũng ví như ánh sáng và sương mưa cần thiết cho sự sinh trưởng của cây.

 

          Chúng ta sẽ trở nên người con có Thiên Chúa là Cha , để chúng ta có thể thưa với Chúa là “Abba, Cha ơi(Mc 14,36),  chúng ta  có mọi người là anh chị em, và đây là một vinh dự lớn lao đối với con người hèn mọn chúng ta,  như người ta nói :

                                      Con có cha như nhà có nóc

                               Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

 

          Cha chúng ta điều khiển muôn loài muôn vật, Ngài nuôi chim trời cá biển, săn sóc từng cây cỏ nơi đồng nội. Ngài lại càng săn sóc chúng ta hơn nhiều vì chúng ta là con của Ngài. Vì thế, chúng ta đừng quá bồn chồn lo lắng về đời sống vật chất cho có cơm ăn áo mặc, hãy tin vào Chúa quan phòng.

 

          Có một điều khác biệt nơi người tin và người không tin là người tin thì một đàng ra sức xây dựng và phát triển những giá trị trần gian (trong đó có sự tích lũy tiền của), một đàng vẫn hướng mắt, hướng lòng, hướng lời cầu về với Thiên Chúa là Cha, là Nguồn Mạch mọi sự giầu có và hạnh phúc.

 

          Nhân dịp Năm Mới, xin chúc ông bà anh chị em một năm mới tốt đẹp và một năm mới tốt đẹp như lời Chúa dạy :”Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và ăn ở công chính như Người đòi hỏi; còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho”(Mt (Mt 6,23). Còn ăn ở công chính đây là sống  Tám mối Phúc thật như Chúa đã dạy  trong bài giảng trên núi (x. Mt  5,3-12).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim Phát

Đà lạt