MÙNG HAI TẾT TÂN MÃO

KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN

+++

 

I. Ý NGHĨA BA NGÀY TẾT.

 

          Theo tục lệ Việt nam, ngày Tết là ngày con cháu dù ở nơi xa cũng xum họp cùng gia đình để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ.  Đồng thời nói lên lòng yêu mến, biết ơn của con cháu đối với các bậc tiền bối.

 

          Giáo hội Việt nam cùng đồng hành với dân tộc  cũng muốn đề cao ba ngày Tết để giúp giáo dân thánh hóa ngày Tết với ý chỉ :

 

                   * Mùng một  : cầu bình an cho năm mới.

                   * Mùng hai : kính nhớ ông bà tổ tiên.

                   * Mùng ba : thánh hoá công việc làm ăn.

         

          Hôm nay mùng hai Tết,  Giáo hội muốn cho giáo dân tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên bằng cách dâng thánh lễ đặc biệt để cầu cho các ngài còn sống hay đã qua đời, tuy đã khuất nhưng còn luôn ở bên cạnh chúng ta.

 

II. ĐẠO HIẾU CỦA TA.

 

          1. Luật của Chúa .

 

          Hằng tuần chúng ta vẫn đọc kinh Mười điều răn Đức Chúa Trời, khi đọc đến giới răn thứ bốn , ta nhớ ngay đến nghĩa vụ phải thảo kính cha mẹ.  Thảo kính cha mẹ là gì ? Thưa là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và khi đã qua đời.  Ta phải hiếu thảo ngay cả khi cha mẹ đã qua đời, vì tuy các ngài đã khuất nhưng vẫn còn  ở bên chúng ta.

 

          2. Chữ hiếu của người Á đông.

 

          a) Người Á đông đề cao chữ hiếu, coi như cội rễ của mọi đức. Người con bất hiếu là người con bỏ đi, và tội nặng nhất là tội “bất hiếu”.

 

          b) Người Phật giáo cũng có một lễ riêng vào ngày rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân mà ta gọi là lễ Vu lan. Ngày này, người ta có những nghi lễ đặc biết để nhớ đến ông bà tổ tiên.

 

          c) Người ta còn có lệ “cúng cô hồn”, tặng cho các cô hồn thức ăn cho khỏi đói, một nghĩa cử cao qúi đối với những hồn cô đơn không ai nhớ tới. Bên Công giáo chúng ta gọi là cứu giúp các linh hồn mồ côi trong luyện ngục.

 

          3. Sự tử như sự sinh.

 

          Những người thờ cúng tổ tiên có vẻ sống gần gũi với ông bà cha mẹ đã khuất. Người ta coi “sự tử như sự sinh” (phụng dưỡng người chết cũng như người sống). Do đó, người ta khấn vái, nói chuyện với cha mẹ đã chết giống như nói chuyện với người còn sống.  Họ dâng cho cha mẹ hoa quả, nén hương, thậm chí cả mâm cơm để tỏ tấm lòng thành với các ngài.

 

 

Truyện : Đôi đũa thứ năm.

 

          Bác Năm Hớn có một vợ và hai con. Chẳng may vợ mất sớm. Một hôm bác mời cha Piô Ngô phúc Hậu đến dùng cơm với bác. Trong mâm chỉ có bốn người mà sao lại thắp những 5 đôi đũa bát.  Cha Hậu ngạc nhiên hỏi :”Bát đũa này dành cho ai” ? Bác trả lời :”Dành cho vợ bác”. Tuy vợ bác đã khuất nhưng bác vẫn mời vợ về cùng dùng cơm.

 

III. Ý NGHĨA NGÀY MÙNG HAI TẾT .

 

          Giáo hội Việt nam luôn đồng hành với dân tộc, không những phải giữ lấy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn nâng cao lên, cho nó một ý nghĩa cao qúi.  Vì thế, Giáo hội Việt nam muốn dùng ngày mùng hai Tết để chúng ta kính nhớ ông bà tổ tiên, vì

 

                             Người ta có cố có ông,

                   Như cây có cội, như sông có nguồn.

                                (ca dao)

 

          Không có ông bà tổ tiên thì không có ta, tất cả những cái ta có là do ông bà cha mẹ để lại. Không ai đuợc quên công ơn lớn lao đó :

 

                             Ai mà phụ nghĩa quên công,

                   Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm                       

                                     (ca dao)

                  

Truyện : Con kiện mẹ.

 

          Tại bang New Jersey bên Hoa kỳ, một bà mẹ 78 tuổi bị đứa con trai kiện vì bà không trả tiền công cho chàng đã sửa chiếc xe vận tải của bà.

          Bà đã đệ đơn tố ngược lại con mình, với đề nghị là chàng phải bị đánh đòn vì lúc chàng còn nhỏ, bà đã không áp dụng câu :”Thương con cho roi cho vọt”.

 

          Trả lời đơn người con trai kiện mình, bà đã viết :”Nguyên cáo mắc nợ bị cáo 40 năm phục dịch của một người mẹ, một người giữ  em, một người giúp việc nhà, một nhà tâm lý để cố vấn khuyên bảo... Tất cả những dịch vụ trên nguyên cáo đã không trả tiền công cho bị cáo”.

 

          Bà mẹ viết tiếp :”Như một người mẹ, nếu luật pháp cho phép, tôi sẽ công khai đánh con tôi, những roi vọt cần thiết cho nó mà tôi đã không  dành cho nó lúc nó còn bé.  Nếu pháp luật không cho phép mẹ đánh con, thì xin tòa hãy cử một nhân viên ngành tư pháp đánh đòn để sửa trị con tôi”.

                   (R.D. Warhreit, Ánh sáng hy vọng, tr 226)

 

          Ngược lại câu truyện cười ra nước mắt trên đây, một PHONG TRÀO vô danh đã gợi ý các thành viên mình suy nghĩ về câu châm ngôn :”Những cụ già là một hồng ân”, với những tư tưởng như sau :

 

          Phúc cho anh chị khi hiểu rằng tay tôi đã khởi sự run rẩy và chân tôi bắt đầu yếu dần.

          Phúc cho anh chị khi nhớ rằng tai tôi không còn nghe rõ như xưa và dù muốn hay không những người lớn tuổi cũng phải chấp nhận câu :”Trẻ khôn ra, già lú lại”.

          Phúc cho anh chị nếu biết rằng mắt tôi không còn sáng được như xưa.

          Phúc cho anh chị nếu không giận dữ vì tôi đánh rơi một cái tách đắt tiền, khi tôi năm lần bảy lượt thuật lại cùng một câu truyện.

          Phúc cho anh chị nếu anh chị biết trao cho tôi những nụ cười thông cảm, nếu anh chị hỏi tôi về quãng đời quá khứ, những kinh nghiệm của tuổi thanh xuân, nếu anh chị hiểu được những dòng nước mắt cô đơn của tôi, nếu anh chị dành cho tôi chút tình yêu thương kính trọng.

          Phúc cho anh chị nếu ở lại với tôi thêm giây lát dù trời sắp tối.

          Phúc cho anh chị nếu nắm lấy tay tôi khi tôi phải giã từ cõi đời để một mình đi vào bóng đêm, bóng đêm của sự chết.

          Phải, phúc cho anh chị, vì khi lên thiên đàng, tôi sẽ thắp cho anh chị những vì sao.

 

          KẾT LUẬN

 

          Chúng ta có hiểu câu thành ngữ tha thiết và trách móc này không :

 

                             Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,

                             Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

 

          Để dễ dàng lấp đầy hố sâu chia cách hai thế hệ, giới trẻ chúng ta phải ghi nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ mà giữ trọn chữ hiếu.  Đấy là bài học hữu hiệu để giữ được mãi trong xã hội chúng ta nét đặc thù mà xã hội Âu Mỹ đã đánh mất từ lâu.

 

          Hôm nay chúng ta hãy làm hai việc khẩn thiết trong ngày kính nhớ ông bà tổ tiên

 

                   1. Sốt sắng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các ngài vì Thánh lễ là một phương thế hiệu nghiệm nhất chúng ta có thể kéo ơn Chúa xuống cho ông bà cha mẹ chúng ta khi các ngài còn sống cũng như đã qua đời.

 

                   2. Khơi lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với các ngài bằng những việc làm cụ thể nhất là trong những ngày Tết này. Hãy ghi nhớ lại điều răn Chúa đã dạy chúng ta trong kinh Mười điều răn :”Thứ bốn thảo kính cha mẹ”.

 

                                      Ơn ai một chút chớ quên,

                               Phiền ai một chút để bên cạnh lòng.

                                             (Ca dao)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát.

Đà lạt