CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A
CHÚNG CON HÃY TỈNH THỨC
A. DẪN NHẬP.
Mùa Vọng lại trở về sau một năm phụng
vụ. Mùa Vọng, tiếng La
tinh là “Adventus”. Adventus có nghĩa là “đến, hiện diện hay hiển trị”. Người đến hay hiển trị ở đây là Chúa
Cứu Thế. Ngài đã đến và hiển trị, sao mỗi năm còn chờ Ngài đến nữa ? Thực ra,
chờ ở đây không phải là chờ Ngài đến vì Ngài đã đến rồi, nhưng là chờ ngày Quang lâm của Ngài, ngày Ngài đến trong
vinh quang như một vị Vua Thẩm phán oai hùng.
Trong mùa Vọng này, trước mắt
là chúng ta dọn lòng để mừng lễ Giáng sinh cho sốt sắng, nhưng còn là dịp để thúc
đẩy chúng ta dọn mình đón Chúa đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết
trong ngày tận thế, nhưng đặêc biệt để chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến lần sau hết
của đời mình. Số phận đời đời của mỗi người mỗi khác tùy theo mình có chuẩn bị
hay không.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức
Giêsu cảnh giác các môn đệ là Ngài sẽ đến lúc họ không ngờ. Vì thế họ cần phải
tỉnh thức và tích cực chuẩn bị. Ngài nhấn mạnh đến tính cách bất ngờ của ngày
Ngài đến để khuyên chúng ta luôn ở trong
tư thế sẵn sàng. Tuy thế, phần đông người ta xưa nay vẫn coi thường lời cảnh cáo
đó, họ coi như không bao giờ chết, họ cứ sống mà hưởng thụ, hoặc khá hơn thì họ
còn chần chừ chưa muốn sám hối, chưa chịu chuẩn bị cho số phận tương lai của
mình.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
1. Bài đọc 1 : Is
2,1-5.
Đọan văn này có lẽ được viết
vào sau thời Giêrusalem thất thủ, bị các đạo quân của vua Babylon xâm chiếm và
tàn phá. Trong một thị kiến vĩ đại về tương lai, tiên tri Isaia ngắm nhìn Giêrusalem
thời Thiên Sai. Giêrusalem mới này là một Giêrusalem huy hòang rực rỡ, người người
tiến về đó, và tin chắc sẽ tìm được ở đó
một nền hòa bình viên mãn và một niềm hạnh phúc chứa chan.
Tiên tri đã thấy trước Ngày
của Chúa, ngày mà Thành được xây dựng lại từ trong đống đổ nát của mình, sẽ
nhìn ngắm các dân tộc, sau khi giao hòa với nhau, tuốn về mình như một thành
trì của Thiên Chúa. Khi mọi người đã biết tôn thờ Chúa thì đó cũng là thời thái
bình :”Người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lữỡi
cầy, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia
nữa”.
Thành Giêrusalem lý tưởng này
chính là Hội thánh do Đức Giêsu thiết lập. Nhờ Hội thánh và trong Hội thánh, Đức
Giêsu chiếu giãi ánh sáng của Ngài trên mọi dân tộc, hòa giải họ với nhau để biến
họ thành dân Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2 : Rm
13,11-14.
Thánh Phaolô viết thư gửi
cho tín hữu Rôma khuyên họ đừng mê ngủ nữa, hãy tỉnh thức vì Ngày tươi sáng đó
rất gần rồi :”Giờ phần rỗi của chúng ta gần
đến… Đêm sắp tàn, ngày gần đến”.
Theo đó, thánh nhân khuyên
tín hữu hãy tỉnh thức sẵn sàng là hãy từ bỏ những việc làm đen tối của thời chưa
tin đạo, hãy cầm lấy khí giới của sự sáng mà chiến đấu, nghĩa là phải tích cực
lọai trừ sự dữ và cổ vũ sự thiện.
Ngòai ra, tỉnh thức sẵn sàng
còn là đổi mới cuộc sống : khử trừ các tệ đoan xã hội, ăn uống say sưa, chơi bời
dâm đãng, tranh chấp ganh tị… Thay vào đó hãy tạo nên một cuộc sống mới theo gương
Đức Kitô. Lời khuyên này vẫn còn hiệu nghiệm đối với chúng ta : hãy chuẩn bị
cho ngày Chúa đến.
3. Bài Tin mừng : Mt 24,37-44.
Trong đọan Tin mừng hôm nay,
Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ là Ngài sẽ đến vào lúc họ không ngờ. Vì thế họ
phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến để khỏi bị ngỡ ngàng.
Đức Giêsu có ý nhấn mạnh đến
yếu tố bất ngờ như thời ông Noê, cơn đại hồng thủy xẩy đến lúc người ta đang mải mê với những sự thế tục
“Người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi
chính ngày ông Noê vào tầu mà người ta không ngờ”. Do đó, khi ngày của Chúa
đến, có người sẽ bị lọai ra, có người sẽ được nhận vào hưởng hạnh phúc đời đời.
Vì thế, trong Ngày Chúa đến,
số phận của mỗi người sẽ khác nhau : có người sẽ được đem đi về với Chúa, có người
sẽ bị bỏ lại trong hư vong, nghĩa là có người được cúu rỗi, có người bị trầm luân.
Được chấp nhận hay bị bỏ rơi là do người ta có chuẩn bị sẵn sàng không. Do đó, Đức
Giêsu kết luận :”Vậy các con phải sẵn sàng”
(Mt 24,14).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Dọn
tâm hồn đón mừng Chúa
I. MÙA VỌNG LẠI ĐẾN.
Mùa Vọng Giáng sinh bởi chữ
“Adventus” nguyên gốc tiếng La tinh xưa được đọc trại theo lối chuyển âm là “Mùa
Apventô” hay “Mùa Aùp” mà chúng ta vẫn gọi ngày xưa,
nay được chuyển thành “Mùa Vọng”. Mùa Vọng là thời gian chờ đợi cái gì sắp xẩy đến,
bởi vì Vọng có nghĩa là chờ, là mong. Chúng ta đợi cái “Adventus” : sự đến, tức
là “Quang
lâm”. Vậy Quang lâm là gì ?
Quang là ánh sáng, lâm là đến, ngụ ý là người trên đem vinh quang đến
cho người dưới.
Để nói về việc Con Người trở
lại, thánh Matthêu, duy nhất trong bốn tác giả, đã dùng từ ngữ “Quang lâm”(Parousia). Nguyên khởi, chữ này
có nghĩa là “đến, hiện diện”. Theo văn hóa La-Hy, người ta dùng nó để chỉ việc
hòang đế long trọng ngự đến hay chính thức thăm một thành nào. Trong Kitô giáo
sơ khai, từ ngữ sớm được sử dụng để nói về cuộc trở lại vinh quang của Chúa Kitô
vào ngày cánh chung.
Người Rôma xưa có thờ một vị
thần tên là Janus. Từ đó chúng ta có
danh từ Januarius (tháng giêng). Vị
thần này được các họa sĩ vẽ bằng hình đầu
người có hai mặt : một mặt nhìn về đàng sau, mặt kia nhìn về đàng trước. Mùa Vọng
cũng tương tự như thế. Nó nhìn về hai phía : một lần nhìn lại lần Giáng sinh đầu
tiên của Đức Giêsu trong lịch sử, đàng khác là hướng đến cuộc tái giáng của Ngài
vào cuối lịch sử.
Hôm nay chúng ta bước vào Mùa
Vọng của năm phụng vụ mới. Mùa Vọng mang hai đặc tính thiết thực cho chúng ta :
vừa là mùa chuẩn bị mừng lề Giáng sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ
nhất với lòai người; vừa là mùa mà qua cuộc kính nhớ này, chúng ta hướng lòng
trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế (AC 39).
Chúng ta đang đứng giữa hai
biến cố lịch sử này. Phận vụ chúng ta không phải là cứ lè phè ngồi chơi trên đỉnh đồi ngóai cổ về
đàng sau và ngóng trông về đàng trước, mà phải xắn tay áo lên dấn thân vào công
việc mà Đức Giêsu đã trao phó cho chúng ta khi Ngài đến lần đầu tiên trong lịch
sử.
II. Ý NGHĨA CỦA MÙA VỌNG.
Tin mừng hôm nay nói với chúng
ta về hai lời cảnh cáo : một lời cảnh cáo về trận lụt lớn trong thời ông Noê. Lời cảnh cáo nữa là ngày tận thế sẽ đến.
Chúng ta thấy có mối liên lạc giữa hai lời cảnh cáo này.
Việc Đức Giêsu đến trong ngày
phán xét cuối cùng sẽ như trận lụt cuốn hết mọi người, trừ những người ở trong
tầu Noê. Đức Kitô cảnh cáo chúng ta :”Vậy
các con hãy tỉnh thức vì không biết
giờ nào Chúa mình sẽ đến”. Ngài còn nói thêm:”Các con phải sẵn sàng vì lúc các con không ngờ, Con người sẽ đến”. Ngài còn nói đi nói lại về ngày Tận thế. Ngài bảo chúng ta không biết
ngày nào giờ nào, nên phải sẵn sàng.
1. Ngày tận thế.
a) Một bí mật.
Bài Tin mừng hôm nay trích
trong bài giảng về ngày tận thế, ngày Chúa đến.
Đức Giêsu tuyên bố : ngày và
giờ tận thế không ai biết, kể cả Con Người, trừ một mình Chúa Cha mà thôi. Nói
thế, Đức Giêsu không có ý phủ nhận việc Ngài biết. Về bản tính Thiên Chúa sao
Ngài lại không biết, song không phải biết để mà nói. Ngài có ý bảo ta : không
phải sứ mạng của Ngài định đọat và công bố ngày đó. Việc định đọat và công bố
ngày giờ thuộc thẩm quyền Chúa Cha, cũng như việc sắp đặt chỗ ở trên trời ở
trong quyền quan phòng của Chúa Cha.
Ngày và giờ là bí mật của Chúa
Cha. Đó không phải là cơn thịnh nộ và sự trừng phạt vào ngày đã định. Nói rằng,
chỉ một mình Chúa Cha biết ngày tận thế và việc Con Người trở lại, có nghĩa là đặt
thế giới và nhân lọai trong tay của Ngài,
trong đôi tay nhân từ của Ngài. Đó là đặt chúng ta trong sự thanh thản, an tòan
: ai có thể rứt chúng ta ra khỏi đôi tay của Chúa Cha ? Chúng ta còn sợ gì, nếu
chúng ta được ấp ủ trong tình yêu của Ngài ?
Vì thế, việc tìm biết ngày
giờ Chúa Quang lâm là một việc làm phạm thượng, vì làm điều đó là tìm cách chiếm
đọat những bí mật riêng của Thiên Chúa. Phận sự của con người không phải là tìm cách xác định ngày Chúa trở
lại nhưng là chuẩn bị chính mình và tỉnh thức đợi chờ ngày đó.
b) Một bất ngờ.
Nói về ngày tận thế, trong bài
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói rằng :”Các
con hãy sẵn sàng vì chính giờ phút các con
không ngờ, thì Con Người sẽ đến”(Mt 24,14). Thời giờ sẽ đến hết sức
bất ngờ cho những kẻ miệt mài nơi vật chất thế gian.
Trong câu chuyện ngày xưa,
Noê đã chuẩn bị cho mình khi thời tiết còn tốt sẽ sẵn sàng cho cơn nước lụt đến,
thì ông đã chuẩn bị, nhưng những người còn mải mê ăn uống, cưới vợ gả chồng nên
bị nước lụt cuốn đi cách bất ngờ. Những
câu này là lời cảnh cáo cho lòai người, đừng miệt mài trong cõi đời tạm mà quên
đi cõi đời đời, đừng bao giờ quá quan tâm đến việc thế gian, mà quên rằng có một
Thiên Chúa, và vấn đề sống chết nằm trong tay của Ngài. Bất cứ khi nào Ngài gọi,
buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, chúng ta đều phải sẵn sàng.
Truyện : Biến cố bất ngờ.
Ai cũng biết ngọn núi lửa
Sainte Hélène ở tiểu bang Washington. Ngày Chúa nhật 18 tháng 5 năm 1980, có một
nhà địa chất học còn trẻ tên là David Johnston, với 30 bạn tổ chức cắm trại cách
quả núi 8 cây số. Lúc ấy là 8 giờ 31 phút sáng Chúa nhật, bỗng nhưng một tiếng
nổ vang trời động đất mạnh bằng 500 quả bon nguyên tử nổ cùng một lúc. Các thành
phố chung quanh bị chôn vùi dưới trận mưa tro. Johnston co giò chạy, nhưng một
dòng sông lửa đã chận đường anh, chôn vùi anh và các bạn anh dưới nấm mồ tro hừng
cháy (Lm Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm A, tr 4).
c) Phải đề cao cảnh giác.
Sách có câu :”Cẩn tắc vô ưu” : cẩn thận đềâ phòng thì
khỏi bị ưu phiền. Ai lơ là trong cuộc sống sẽ gặp nhiều bất trắc xẩy đến mà không
kịp đối phó, hậu quả sẽ tai hại khôn lường. Sống không cảnh giác sẽ phải rước lấy
tai họa. Một tên trộm sẽ không bao giờ gửi thư báo trước mình sẽ đến viếng nhà
nào. Vũ khí chính của anh ta là sự bất ngờ, vì vậy một chủ nhà có của cải lúc nào
cũng phải canh chừng.
Tuy nhiên chúng ta cần phải
hiểu điều này cho đúng, chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa cảnh giác chứ không nhằm
chơi khăm chúng ta, dường như cứ nhằm lúc nào chúng ta sơ hở là Chúa trở lại. Đàng
khác, người Kitô hữu trông đợi Chúa mình trở lại không phải sống trong sợ hãi
kinh khiếp, nhưng đó là một sự trông chờ náo nức ngày vui vẻ vinh quang sắp đến.
Truyện : Tư thế sẵn sàng.
Vào năm 79 trước công nguyên,
núi Vésuve bất thình lình phun lửa dữ dội, chôn vùi thành phố Pompei phồn vinh
dưới một lớp nham thạch dầy tới 7 mét. Năm 1748, sau 18 thế kỷ, người ta bắt đầu
khai quật thành phố xấu số này. Giữa bao dinh thự đổ nát, bao đồ vật ngổn
ngang, bao người chết đau đớn hỏang sợ, người ta ngạc nhiên tìm thấy xác của 38
người lính La mã đang thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong lúc xẩy
ra tại họa khủng khiếp đó. Điều đáng nói là những người lính này đang tuần
canh, tay còn cầm gươm, đi trong tư thế thi hành nhiệm vụ mặc dù cái chết kề bên.
2. Phải tỉnh thức.
Trong bài đọc 2, thánh Phaolô
cũng nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức, đừng ngủ vùi trong việc trần thế. Chúng
ta đang mê ngủ sao ? Đúng vậy, dù mắt chúng ta vẫn mở nhưng thực sự chúng ta đang
ngủ trong bóng tối mịt mù :
- Chúng ta ngủ vì “những việc
làm đen tối”.
- Chúng ta ngủ vì cứ “chè chén
say sưa, chơi bời dâm đãng”.
- Chúng ta ngủ vì chỉ “lo lắng
thỏa mãn những dục vọng xác thịt”.
Thánh Phaolô cũng nhắc nhở rằng
:”Đêm sắp tàn, ngày gần đến” và “Giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc
chúng ta mới tin đạo”, vậy “Đây là lúc
chúng ta phải thức dậy”. Nhưng khi nào là đêm, khi nào là ngày ? Làm sao biết
được ranh giới giữa ngày và đêm ?
Truyện : tha nhân là anh em.
Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi
với các học trò của mình :
- Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc
nào ngày bắt đầu?
Một anh nhanh nhảu đáp :
- Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con
vật từ đàng xa và phân biệt nó là con bê
hay con lừa.
Một anh khác, sau lúc suy tư
cũng xin góp ý :
- Thưa thầy, khi nào con
nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn.
Nhiều câu trả lời khác cũng được
đưa ra, nhưng dường như vị sư phụ không thóang một chút hài lòng. Cuối cùng cả đám
nhao nhao xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như thấm sâu giòng tư tưởng,
vị sư phụ lên tiếng :
- Khi nào các con nhìn vào
tha nhân và nhận ra đó chính là anh em chị em mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới.
Thế ra, không phải việc “phân biệt” con vật này hay con vật kia
hoặc người này hay người nọ, song là “nhận
ra” tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng tỏa
rạng. Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu
đời ta cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận
thù, bất công, chia rẽ, lừøa dối… Còn khi để cho yêu thương dẫn lối cuộc sống,
ngày mới cuộc đời bắt đầu lên ngôi, nhờ ánh quang soi tỏ mọi đường lối.
Chúng ta còn phải tỉnh thức
trong những công việc rất bình thường ta vẫn làm mỗi ngày. Ở đây Đức Giêsu kể
ra các việc bình thường như ăn uống, cưới vợ lấy chồng, làm ruộng, xay bột… Mỗi
Kitô hữu hôm nay đều có thể kể ra những công việc chính mình vẫn làm hằng ngày,
từ việc nội trợ, gia công, đến việc buôn bán hay nghề nghiệp. Đức Giêsu nhắc đến
nạn lụt lớn thời ông Noê, mà không nói đến sự sa đọa của lòai người thời đó. Ngài
có ý đặt chúng ta trong bối cảnh bình thường
hiện ta đang sống. Chính trong bối cảnh đó chúng ta đón nhận Nước Thiên Chúa đến
với chúng ta.
3. Phải sẵn sàng.
Theo cách viết của Matthêu,
những người thời ông Noê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường
:”ăn uống, cưới vợ gả chồng”. Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt, không phải là
vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc
cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả.
“Hai người đàn ông đang làm ruộng… hai người đàn bà đang kéo cối xay…
thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” : những người bề ngòai
hòan tòan giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có
chuẩn bị cho đời sau hay không.
Đức Giêsu nhắc nhở ta phải
luôn sẵn sàng vì Ngài sẽ đến bất cứ lúc nào. Ngài dùng một dụ ngôn để nhấn mạnh
đến sự cần thiết phải tỉnh thức. Ngài ví ta như chủ nhà nọ, nếu biết vào canh nào
trộm sẽ đến, chắc chắn sẽ canh thức không để nó đào ngạch khóet vách ! Ngài đã
dùng tới bản năng tự vệ của thính giả để giúp họ hiểu được sự tỉnh thức quan trọng
như thế nào đối với sự an tòan của mình. Với của cải vật chất mà đã phải tỉnh
thức như vậy, phương chi là với chính tính mạng của ta, thì lại càng phải tỉnh
thức hơn gấp bội.
III. THỰC HÀNH TRONG
MÙA VỌNG.
1. Chờ đợi trong tin yêu.
Mùa Vọng là thời gian chờ đợi. Chờ đợi
trong tin yêu chứ không lo lắng sợ hãi, như chờ người cha thân yêu đến với con
cái. Mùa vọng là mùa chờ đợi :
- Không phải đợi chờ trong mòn mỏi,
day dứt khôn nguôi nhưng là đợi chờ trong hy vọng.
- Không phải đợi chờ mà không làm gì cả, nhưng làm việc trong đợi
chờ.
- Không phải đợi chờ một ai đó, nhưng
là đợi chờ chính Con Thiên Chúa.
Chờ đợi phải mang tính năng động, tránh
tính trì trệ (inertie) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ năm ỳ
tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi
xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh khỏi sự trì trệ kiểu đó.
Nó được biểu lộ trong :
- Sự
nguội lạnh, phai lạt : một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó
vẫn từ từ bớt nóng và trở thành lạnh ngắt. Sự “nhiệt thành” của ta đối với Nước
Trời cũng vậy.
- Sự
cạn kiệt : Một chiếc xe Honđa chạy mãi mà không được châm thêm, xăng dầu sẽ
cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu nếu không được bồi thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu
nguyện… cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói :”Quỳ lâu, chầu mỏi” (Cf Carôlô, Hạt giống nảy mầm).
Trong cuộc sống hằng ngày người ta hay
có ảo tưởng rằng thời gian còn nhiều, chưa vội, cứ từ từ mà sống, tương lai còn
dài. Người ta có một nhược điểm hết sức phổ biến là luôn cho rằng vẫn còn ngày
mai để chuẩn bị, còn ngày mai để sám hối ăn năn, còn ngày mai để thay đổi nếp sống.
Nhưng có một kinh nghiệm hết sức chua xót đã từng đổ ập xuống bao người là ngày
mai ấy không bao giờ trở lại. Chần chừ, khất lần là cơn cám dỗ hiểm độc nhất của
ma qủi.
Có một truyện ngụ ngôn về ba con quỉ học
việc. Chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỉ về những kế
họach cám dỗ lòai người.
Con quỉ thứ nhất nói :
- Tôi sẽ bảo với lòai người là không có
Thiên Chúa.
Con quỉ thứ hai nói :
- Tôi sẽ bảo họ là không có
hỏa ngục.
Satan trả lời :
- Mi sẽ không lừa dối ai được bằng cách đó,
ngay đến bây giờ lòai người vẫn biết có một hỏa ngục dành cho tội nhân.
Con quỉ thứ ba nói :
- Tôi sẽ bảo với lòai người đừng
có vội vã làm gì.
Satan đáp :
- Đi đi, mày sẽ làm hại được
vô số lòai người bằng cách đó.
Aûo tưởng nguy hiểm nhất là ảo
tưởng cho rằng mình còn lắm thời giờ. Cái ngày nguy hiểm nhất trong đời của một
người là khi người đó học được chữ ngày mai, và trì hõan vì không ai biết ngày
mai có đến với mình nữa không.
Truyện : Pháp quan Archais.
Lịch sử còn ghi lại câu truyện
bi thảm sau đây : Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông
dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo
về âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong
túi áo và nói :”Để mai hễ hay”. Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi
bức thư bị khui ra thì cả chính phủ bị bắt trọn.
Vị pháp quan Archais đã hất
sứ điệp ấy qua một bên vì ông nghĩ hãy còn nhiều thời giờ. Quan tổng đốc Phêlít
ngày xưa đã run rẩy trước sứ giả của Chúa là Phaolô nhưng vẫn chần chừ nói rằng
:”Bây giờ ngươi hãy lui ra, đợi khi nào rảnh , ta sẽ gọi lại”. Nhưng từ chỗ đó
chúng ta không thấy chỗ nào nói đến ông ta rảnh cả.
2. Dọn mình chết lành.
Đức Giêsu không mời gọi ta sợ
hãi, nhưng mời gọi ta tỉnh thức. Ngài so sánh lụt đại hồng thủy và ông Noê. Người
ta không nghi ngờ gì hết cho đến khi lụt đại hồng thủy đến cuốn trôi hết tất cả
mọi sự. Tất cả mọi người mải lo lắng sự đời… Chúng ta cũng vậy, chúng ta mải lo
lắng sự đời và đó là điều cần thiết. Chính lúc đó, Chúa đến gặp chúng ta. Nhưng
để khỏi bị bất ngờ khi Ngài đến, chúng ta phải chuẩn bị như ông Noê. Cũng giống
như ông, chúng ta có Lời Chúa cảnh báo và nhắc nhở chúng ta. Đức Giêsu nói : Đó,
Thầy đã báo trước cho các con. Ngài đến gặp chúng ta một cách bất ngờ, nhưng không
phải là không báo trước. Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra vào lúc tận thế. Cái
chết của mỗi người cũng sẽ bất ngờ. Phải chăng cái chết không phải là ngày tận
thế, ngày tận thế riêng của mỗi người, lúc mà Đức Giêsu đến gặp riêng mỗi người
chúng ta đó sao ? (Fiches dominicales, năm A, tr 6).
Đối với những người không
tin tưởng, chết là tận điểm cuộc sống, chết là hết, chết phá tan sự nghiệp công
danh và mọi lạc thú trên đời. Kiếp sống của con người vì thế chỉ là kiếp bèo bòng,
lo hưởng thụ :”Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
cái già xồng xộc nó thì theo sau”.. Họ không chờ đón và mong đợi gì sau cuộc
sống ! Nhưng đối với chúng ta, những người Kitô hữu, chết là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Trong giây phút
vĩnh biệt cuộc đời trần thế để về thế giới bên kia, mỗi người chúng ta phải
trình diện trước tôn nhan Chúa. Cuộc gặp gỡ quyết định số phận đời đời của mỗi người chúng ta.
Nhưng khốn nỗi mấy ai quan tâm,
mấy ai đặt cho đúng tầm hệ trọng và tính cách vô cùng khẩn thiết của giây phút
lìa đời ấy ! Chúng ta như người mê ngủ, từ
sớm tinh sương đến chiều tàn, chúng ta bận tâm lo ăn lo mặc, lo sinh kế, lo công
danh, lạc thú… Cuối tuần chúng ta dành thời giờ đi dạo ở đồng quê, leo đồi, leo
núi hay tắm biển phơi nắng. Nại vào những bận tâm vật chất ấy, chúng ta lơ là
việc thiêng liêng, bỏ rơi cầu nguyện, bỏ suy niệm Lời Chúa, bỏ dâng lễ ngày Chúa
nhật và các ngày lễ buộc, không chịu các phép bí tích. Tựu trung, một cuộc đời
hòan tòan vật chất, hiện sinh, sống như là không bao giờ phải chết, sống cuộc đời
không có Chúa.
Ta đã suy niệm câu “Lúc Con Người đến”. Lúc Con Người đến
chính là ngày tận thế, ngày Chúa Quang lâm, và cũng chính là giờ chết của mỗi
người. Ngày ấy chắc chắn phải đến, nhưng thật là trớ trêu là nó lại đến một cách
bất ngờ. Bất ngờ như trận lụt đại hồng thủy thời ông Noê. Vì vậy chúng ta phải
dọn mình luôn, cứ tưởng tượng rằng hôm nay Chúa có thể đến gọi tôi. Tôi sẽ vui
vẻ ra đi với Chúa.
Truyện : Chiếc quan tài.
Tại chùa Tô châu, có một nhà
sư tên là Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước
chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp đậy
mở được.
Khách đến chơi trông thấy cười
nói rằng :
- Ngài chế ra cái này dùng để
làm gì ?
Vị sư trả lời :
- Người ta sống tất có chết,
mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ : người đời ai ai cũng chỉ biết
có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu lo buồn vất vả suốt đời, chẳng biết cái
chết là gì.
Như ta đây, mỗi khi có việc
không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong lòng được yên
ổn, mà muôn nghìn sự tư lự đều biến tan đi.
Hôm nay chúng ta đã bước vào
Mùa Vọng. Giáo hội nhắc nhở chúng ta hãy đào sâu và sống tinh thần tỉnh thức đích
thực của Kitô giáo. Tinh thần tỉnh thức của Kitô giáo nhắc nhở chúng ta về ngày
trở lại của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta
chuẩn bị tâm hồn mừng ngày sinh của Ngài. Chúa Kitô sẽ trở lại không phải
vì Ngài đang vắng bóng, mà đúng hơn, Ngài đang hiện diện và đến trong từng phút
giây của cuộc sống mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự gặp được Ngài, mặt đối
mặt, khi chúng ta ra đi về với Ngài. Nhưng muốn được gặp Ngài trong tình thương
yêu của tình Cha con, chúng ta cần phải dùng từng giây phút hiện tại để chuẩn bị
cho cuộc ra đi gặp gỡ đó.
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà lạt