CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG A.
CHỜ ĐỢI CHÚA TRONG KIÊN NHẪN VÀ VUI TƯƠI
A. DẪN NHẬP.
Chúa nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa
nhật mầu hồng nhắc nhở chúng ta hướng về ngày Chúa Quang lâm :”Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững
chí, vì ngày Chúa Quang lâm đã gần tới”(Gc 5,8). Chúa đã đến và Ngài sẽ lại
đến. Việc Ngài đến làm cho chúng ta phải ngóng đợi. Chúng ta không biết khi nào
Ngài đến, nên chúng ta phải kiên tâm chờ đợi. Giáo hội là Mẹ chúng ta, muốn dùng
Phụng vụ Chúa nhật III Mùa Vọng để giúp chúng ta nghe lại sứ điệp hy vọng.
Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng.
Con người phải gặp biết bao gian lao thử thách trên đường đời, những đau khổ hằng
ngày có thể làm cho chúng ta nản lòng bỏ cuộc. Vì thế, thánh Giacôbê, trong bài
đọc 2, đã khuyên các tín hữu hãy kiên tâm bền chí chờ ngày Chúa Quang lâm giải
thóat. Hãy học đòi những người nhà nông chờ đợi cho đất trổ sinh hoa mầu, nghĩa
là phải kiên tâm chịu đựng mọi gian khổ, đừng nóng lòng vội vã mà nản lòng vì
“dục tốc bất đạt”.
Vậy chúng ta hãy hướng tâm hồn tới niềm
vui, và niềm vui này sẽ biến đổi những thực tại trần gian. Cuộc đời còn lắm chông
gai nhưng chúng không biến thành trở ngại khiến chúng ta chùn bước khi đã có một
niềm tin vững mạnh và niềm vui tràn đầy. Chúng ta hãy tiến bước trong hân hoan
với tư cách là con cái Chúa, Đấng là nguồn vui và hy vọng của chúng ta. Tuy vậy,
niềm vui đó hiện nay vẫn còn là niềm vui chờ đợi.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
1. Bài đọc 1 : Is 35,1-10.
Dân Do thái sống trong đau khổ, bị áp
bức đủ bề. Dân mong đợi được giải thóat, nhưng hy vọng bị coi như ảo tưởng vì tương
lai mù mịt, không có một chút ánh sáng nào cuối đường hầm. Dân chúng chán nản
thất vọng. Lúc đó, tiên tri Isaia xuất hiện, khuyên dân chúng hãy vui lên , hãy
can đảm lên vì “Thiên Chúa anh em đây rồi;
sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến
cứu anh em”
Tiên tri cho biết :”Những người được Đức Chúa giải thóat sẽ trở
về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được
hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất”. Lời loan báo này giúp
cho dân chúng lấy lại được hy vọng, hãy kiên nhẫn chờ đợi và hãy vui lên.
2. Bài đọc 2 : Gc 5,7-10.
Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia nói lên
những điều hứng khởi và thi vị, còn trong bài 2, thánh Giacôbê xem ra nói những
lời bình dân hơn. Ngài khuyên tín hữu hãy noi gương các người nhà nông cứ giao
việc lo toan mùa lúa chín vàng cho thời gian, để khuyên chúng ta sống kiên nhẫn
chờ đợi.
Thánh nhân nói với những người dân thường, với những người đang bị cuộc đời thử thách,
Ngài khích lệ họ kiên nhẫn chịu đựng những âu lo và khó nhọc hiện tại. Kiên nhẫn
theo Tin mừng không phải là nhẫn nhục cằn cỗi, nhưng nó là hy vọng tích cực và
sinh động, luôn tìm cách làm cho ngày của Chúa chóng đến. Trong khi chờ đợi Chúa đến, anh em cố sống
thuận hòa với nhau.
3. Bài Tin mừng : Mt 11,2-11.
Bẵng đi một thời gian khá dài, khỏang
800 năm, bỗng một tiên tri siêu đẳng xuất hiện, ăn châu chấu, uống mật ong rừng,
mình mặc áo da thú, rao giảng đanh thép, thúc giục mọi người hóan cải tâm hồn.
Thiên hạ nô nức tuốn đến nghe Gioan giảng, chịu phép rửa và có nhiều người coi ông
là Đấng Cứu Thế.
Gioan đã biết ai là Đấng Cứu Thế rồi,
nhưng môn đệ ông cứ tin tưởng ông là Đấng Cứu Thế. Nên ông kín đáo sai họ đến với
Đức Giêsu để cho họ mở mắt ra và tin theo Chúa Cứu Thế. Ông sai họ đến và hỏi Đức Giêsu:”Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi
còn phải đợi Đấng nào khác”? Đức Giêsu không trả lời trực tiếp Ngài là ai mà
chỉ bảo họ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe, những phép lạ
Chúa làm như người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ chết chỗi
dậy, kẻ nghèo được nghe Tin mừng, đúng như lời tiên tri Isaia đã báo trước về Đấng
Cúu Thế.
Ông Gioan đã khôn khéo giới thiệu Đức
Giêsu cho môn đệ ông biết Ngài là Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi và đã chuyển
tòan bộ môn đệ mình sang cho Đức Giêsu. Ông sai họ đến với Ngài, giới thiệu Ngài
cho họ, trước khi đầu ông bị bỏ vào đĩa.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Chờ
đợi trong kiên nhẫn và vui tươi.
I. NHỮNG THẮC MẮC VÀ
GIẢI ĐÁP.
1. Gioan, vị Tiền hô xuất hiện.
Gioan là con thượng tế Zacharias thời ấy
đứng vào hàng quí phái, là con một được sinh ra trong tuổi già của cha mẹ, nên được
cưng chiều hết cỡ. Nhưng khi đến tuổi trưởng thành. Gioan đã tự ý từ giã cha mẹ
đi vào sa mạc dọn lòng thi hành sứ mạng Tiền hô. Phần lớn đời sống Ngài ẩn dật
trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với khổ hạnh. Ngòai sự khắc nghiệt của
thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe dọa của thú dữ, Gioan còn tự nguyện sống
khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của Ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân
thể. Thức ăn của Ngài là châu chấu và mật ong rừng, và bạn hữu của Ngài chỉ là
muông chim cầm thú. Thiên hạ tìm đến cùng Ngài, kẻ xin làm môn đệ, người xin làm
phép rửa để tỏ lòng ăn năn thống hối (Lc 3,7-8).
Trên dòng sông Giorđan có một khúc cạn
nước, cách Biển Chết không xa. Như người ta còn ghi nhớ, đây là chỗ băng qua sông
thuận tiện cho các đòan tuần hành có xe ngựa kéo, các thương buôn và các du khách
từ khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là chỗ đại chúng thường gặp gỡ nhau để trao
đổi đủ thứ tin tức từ khắp mọi nơi. Chính tại chỗ này, Gioan Tẩy giả đã rao giảng
và rửa tội cho dân chúng. Ông cũng bận áo da thú như các tiên tri thuở xưa. Và đám dân bắt đầu thắc mắc :”Ông này là ai vậy
? Ông ta có phải là Đấng Messia được Thiên Chúa hứa không ? Hay ông là vị sứ giả
dọn đường cho Đấng Messia” ?
Đang lúc Gioan được danh giá và hoan
nghênh tột bậc thì Đức Giêsu xuất hiện. Và bài Tin mừng hôm nay sẽ soi sáng cho
chúng ta để hiểu được những thắc mắc ấy.
2. Gioan thắc mắc.
Như chúng ta thấy trong Chúa nhật vừa
qua, Gioan Tiền hô không ngừng loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến, “sức mạnh của Ngài
giáng xuống” như sấm sét. Nhưng thái độ của Đức Giêsu rất không phù hợp với những
lời khuyên bảo nghiêm khắc của ông. Không hề có ý định tiêu diệt những người tội
lỗi, Ngài đi từ làng này sang làng khác, mở rộng đôi tay đón nhận tất cả những
cảnh khốn khổ cùng quẫn của con người, chữa lành bệnh nhân, tha thứ tội lỗi, kêu
gọi một người thu thuế bước theo Ngài, đồng bàn với những người tội lỗi. Khác
xa với vị quan tòa đáng sợ mà Gioan đã loan báo, Đức Giêsu xuất hiện như người
tôi tớ kín đáo, người ta không nghe tiếng Ngài trong quảng trường, Ngài không bẻ
gẫy cây sậy bị giập nát và không làm tắt tim đèn còn bốc khói.
Ở đây Gioan đối đầu với cớ vấp phạm
nghĩa là đối đầøu với một chướng ngại có nguy cơ làm ông sụp ngã. Một Đấng Cứu
Thế Tôi Tớ, khiêm nhường và đau khổ, khác xa vớùi Đấng mà ông đã loan báo. Đó là
thử thách đức tin của ông, đang chờ đợi một sự biểu lộ công bình, thì ông lại gặp
lòng thương xót của Thiên Chúa.
Vì thế, từ trong tù ngục Machéronte, từ
đáy suy tư mà hòan cảnh đã nhận chìm ông vào, Gioan, vị tiên tri bị hoang mang,
đã sai các môn đệ đến đặt cho Đức Giêsu câu hỏi từ lâu thiêu đốt tâm hồn và môi
miệng ông :”Thầy có phải là Đấng phải đến,
hay chúng tôi con phải chờ đợi Đáng nào khác”.
Tuy nhiên, một số người cho rằng câu hỏi
đó không phải cho Gioan mà cho các môn đệ của ông. Có thể Gioan đàm đạo với các
môn đệ của ông ở trong tù, họ hỏi ông là
Đức Giêsu có thật là Đấng phải đến không ? Gioan bảo họ : Nếu các ngươi nghi ngờ
Đức Giêsu là ai thì hãy đi xem Ngài đang làm gì, và có thể làm được những gì, lúc
đó các ngươi sẽ hết nghi ngờ ngay. Ý kiến này được xác nhận khi Gioan chỉ vào Đức
Giêsu mà nói với các môn đệ của ông :”Chính
Ngài là Đấng ta đã nói : Đấng đến sau tôi đã vượt trước tôi, vì Ngài đã có trước
tôi (Ga 1,15). Tôi chưa hề biết Ngài,
nhưng Đấng đã sai tôi đến thanh tẩy bằng nước, chính Ngài đã nói với tôi : ngươi
thấy Thánh Thần đáp xuống và lưu lại trên ai
thì chính Ngài là Đấng thanh tẩy trong Thánh Thần. Và tôi đã được xem thấy,
và xin đoan chứng : chính Ngài là Đấng Thiên Chúa chọn”(Ga 133-34).
3. Đức Giêsu giải đáp.
Đức Giêsu không trực tiếp trả lời cho
phái đòan Gioan về thắc mắc trên nghĩa là Ngài không khẳng định cũng không phủ định
Ngài là Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi mà cứ xem việc Ngài làm mà kết luận :”Các ngươi cứ về thuật lại cho Gioan những điều
mắt thấy tai nghe : người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc
được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin mừng”(Mt 11,4-5).
Đếán đây, chúng ta nhớ lại lời loan báo
của tiên tri Isaia khi ông loan báo về ngày của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm
nay. Trong ngày Thiên Chúa đến ban ơn cứu độ thì “Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, và tai người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ
người què sẽ nhảy lên như nai, và lưỡi người câm sẽ reo lên vui mừng ! bởi vì,
nước sẽ chảy vọt ra trong hoang địa và thác sẽ trào dâng trong thảo nguyên”(Is
35,5-6). Và giờ đây, những điều đó đang được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, thì điều
đó là một minh chứng tỏ tường : Đức Giêsu chính là Đức Messia mà Thiên Chúa đã
hứa. Ngài chính là vị Thiên Chúa ở giữa nhân lọai, ở giữa chúng ta.
Và sau cùng là lời cảnh cáo :”Phúc cho kẻ nào không vấp phạm vì Ta”(Mt
11,6). Phải chăng Đức Giêsu nói điều này với Gioan vì Gioan chỉ nắm có phân nửa
chân lý. Gioan rao giảng Tin mừng về sự thánh thiện với sự hủy diệt từ trời, còn
Đức Giêsu rao giảng Tin mừng về sự thánh thiện với sự yêu thương từ trời. Vì vậy
Đức Giêsu nói với Gioan rằng “có thể Ta không làm điều ngươi trông đợi nơi Ta,
nhưng những quyền năng đang bị đánh bại không phải bởi sức mạnh vô địch mà bởi
tình yêu vô hạn”.
“Phúc
cho kẻ nào không vấp ngã vì Ta” hay “Phúc
cho những kẻ nào không đánh mất niềm tin vào Ta”, qua câu này Đức Giêsu có ý
khuyên những người nghe Ngài giảng đừng bất bình với lối cư xử của Ngài. Ở đây
Ngài có ý nhắc đến sự chậm tin của các môn đệ Gioan và của mọi người khác. Ngài
thật là Đấng Thiên Sai, vậy đừng vì những vẻ bề ngòai : con bác thợ mộc, sống
nghèo khó, đón tiếp kẻ tội lỗi, chết đau thương trên thập giá… mà vấp phạm, không
tin vào vai trò cứu thế của Ngài.
II. CHỜ ĐỢI TRONG KIÊN
NHẪN.
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay đều
có những lời đầy an ủi. Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia nói “Hãy can đảm lên, đừng sợ”. Trong bài đọc
2, thánh Giacôbê nói “Hãy kiên nhẫn, đừng
nản lòng”. Trong bài Tin mừng Đức Giêsu
nói với Gioan Tẩy giả “Phúc cho những người
nào không đánh mất niềm tin vào Ta”.
Dân Do thái bị lưu đầy bên Babylon suốt
70 năm, thời gian trở nên dài lê thê đối với họ vì “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngọai”, dân chúng đã thấy chán nản
và tuyệt vọng vì không còn lối thóat, chân trời tương lai còn mịt mờ. Nhưng tiên
tri Isaia xuất hiện đem chút ánh sáng đến cho đêm tối. Dân Chúa được ví như
hoang địa cằn cỗi, sẽ bừng lên niềm hy vọng tựa hồ dân trước viễn ảnh một cuộc
xuất hành mới. Isaia thấy được sự huy hòang ấy và lên tiếng kêu gọi dân Chúa.
Chính chúng sẽ nhìn thấy vinh quang của
Chúa và huy hòang của Thiên Chúa chúng ta. Chúa đến giữa dân Ngài, dẫn đầu một
cuộc xuất hành và những bàn tay rời rã nên mạnh mẽ, đầu gối mỏi mòn được tăng sức,
người sợ hãi thêm can đảm. Sự thay đổi lớn lao này có thể hiểu được khi Thiên Chúa ra tay cứu độ.
Việc dân Do thái được giải phóng khỏi ách
nô lệ bên Babylon là hình ảnh Chúa sẽ đến giải thóat dân Ngài lần cuối cùng để đem
lại niềm hoan lạc tuyệt đối cho con người.
Nhưng thời đó chưa đến và cũng không biết bao giờ mới đến. Trong khi chờ đợi, chúng
ta phải trải qua biết bao đau khổ, thử thách gian nan khốn khổ. Phật giáo gọi “đời
là bể khổ”, theo kinh Lạy Nữ Vương thì chúng ta gọi “đời là thung lũng nước mắt”.
Nhưng thánh Giacôbê khuyên :”Hãy kiên nhẫn,
đừng nản lòng.
Thánh Gioan Tẩy giả là con người thánh
thiện, kính sợ Thiên Chúa, tuy nhiên cuối cùng, ngài cũng bị cầm tù với bản án
tử hình. Chúng ta có thể làm hết sức mình, nhưng những sự việc vẫn có thể diễn
tiến không tốt. Chúng ta cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi. Chúng ta nghi ngờ tình
yêu của Ngài đối với chúng ta, và có lẽ nghi ngờ cả sự hiện diện của Ngài nữa.
Trong những lúc như vậy, chúng ta hãy lắng nghe những lời của Đức Giêsu :”Phúc cho những ai không đánh mất niềm tin vào
Ta”.
Cái chết tạo ra một thử thách nghiêm
khắc nhất đối với lòng tin của chúng ta. Chúng ta sống cuộc sống của mình dưới
bóng tối của sự chết. Tất cả chúng ta, đặc biệt là đối với những người mới mất
người thân yêu, và những người đang ở trong cảnh tối tăm, và sống trong bóng tối
của sự chết, hãy nhớ lại tiên tri Isaia nói với dân Do thái :”Hãy can đảm lên, đừng sợ”.
Trong bài đọc 2, thánh Giacôbê khuyên
tín hữu hãy kiên tâm chờ đợi ngày Chúa Quang lâm. Trong khi chờ đợi chúng ta phải
kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ. Trước mọi vấn đề quan trọng cần giải quyết,
người ta chia thành hai hạng người khác nhau :
- Những
người nóng vội : muốn giải quyết ngay tức khắc, bằng cách nào cũng được, kết
quả thế nào cũng không quan trọng.
- Những
người kiên nhẫn : tìm hiểu kỹ vấn đề, suy nghĩ cách giải quyết thỏa đáng nhất,
chờ có đủ điều kiện thuận lợi nhất.
Phần Thiên Chúa, Ngài không nóng vội
nhưng rất kiên nhẫn, bởi vì Ngài muốn cứu chữa tận căn, muốn cải tạo con người,
muốn canh tân thế giới.
Truyện : Thần Shiva của Ấn độ.
Chuyện thần thọai Aán độ kể rằng : Shiva
là vị thần tạo dựng muôn lòai. Ngài sung sướng trong công việc tạo dựng với đôi
bàn tay của Ngài, nhưng dẫu là thần Ngài không tránh khỏi sự nhàm chán. Shiva
chán ngán những gì Ngài tạo dựng. Phải làm gì ? Dễ dàng, Shiva phá hủy những gì
đã tạo dựng và làm nên cái mới. Cái mới cũng lại dần trở nên quen thuộc và Ngài
lại phá hủy rồi bắt đầu lại. Tiến trình tạo dựng, tiêu hủy, tạo dựng, tiêu hủy
vẫn tiếp diễn liên tục. Shiva là vị thần không kiên nhẫn.
So sánh thần Shiva với Thiên Chúa, chúng ta thấy có sự tương phản rõ
rệt. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa kiên nhẫn. Dù con người sa ngã phạm
tội, Ngài không bất nhẫn hủy diệt. Ngài không chỉ tạo dựng nhưng còn hứa cứu
chuộc. Thánh Phêrô đã nói trong thư của Ngài:”Chúa không chậm trễ thực hiện Lời hứa, như có kẻ cho là Ngài chậm trễ.
Kỳ thực, Ngài kiên nhẫn đối với anh em, vì Ngài không muốn cho ai phải diệt
vong, nhưng muốn cho mọi người đi đến chỗ ăn năn hối cải”(2Pr 3,8b-9).
Chúng ta sống trong một xã hội đòi hỏi
giải pháp nhanh chóng ngay lập tức cho mọi vấn đề. Nhanh hơn thì tốt hơn, người
ta bảo chúng ta vậy. Và điều đòi hỏi nhanh chóng ngay lập tức còn đi sâu vào cả
lãnh vực tâm linh nữa. Chúng ta muốn Đức Giêsu đến và đến nhanh. Chúng ta muốn được
ơn cứu độ ngay mà không muốn đón nhận đau khổ do sự từ bỏ mình hay phải chờ đợi.
Nếu Thiên Chúa không hòa hợp với chương trình thời gian tính của chúng ta, chúng
ta cảm thấy mình bị lường gạt hay tệ hơn nữa, Thiên Chúa đã quên chúng ta rồi
(Cf Minh Nhiên).
III. CHỜ ĐỢI TRONG
VUI TƯƠI.
1. Niềm vui thời Thiên Sai.
Ngay những lời đầu tiên trong sách
Isaia có đầy những từ ngữ : hoan lạc, hân hoan, trổ hoa, nhiệt liệt, reo hò. Diễn
tả hết ý của tiên tri thật là khó. Niềm vui trong lòng ông rất to lớn, nhưng đó
chỉ là niềm vui trong tương lai mà khi trình bầy, tác giả chưa được nếm. Ông nói
về niềm vui sau lưu đầy khi dân Chúa hồi hương. Đất nước tuy tan hoang nhưng hứa
hẹn sẽ nở hoa. Isaia muốn diễn tả niềm vui đó, niềm vui được nhìn thấy quê hương
sau những năm đô hộ, nô lệ và lưu đầy.
Giáo hội mượn lại lời ông để nói lên
niềm vui khi Chúa đến. Và thật ra những lời tiên tri kia cũng chỉ thực hiện đầy đủ khi Chúa đến và cứu
chuộc chúng ta. Thế nên, đó là niềm vui của thời Thiên Sai, của ngày Chúa trở lại.
Tất cả mọi khổ sở, đau phiền, bệnh tật, chết chóc bấy giờ mới chấm dứt; và người
ta mới có thể nói như Isaia : vĩnh biệt phiền sầu than vãn.
Nhưng mọi sự xẩy ra trong ngày Chúa đến
đều đã khởi sự từ ngày Chúa Giáng sinh. Những điều đó Chúa đã làm từ ngày Ngài
xuất hiện. Đó là dấu chỉ thời Thiên Sai đã tới. Phải vui mừng ! Nhưng chưa phải
là ngày Chúa đến lần sau hết. Niềm vui hiện nay còn là niềm vui đợi chờ.
2. Niềm vui của ngày hôm nay.
a) Cuộc
đời vui hay buồn ?
Tùy theo quan niệm của từng người, tùy theo tâm trạng của từng người
mà cuộc đời trở nên vui hay buồn. Đời chỉ là một nhưng được nhìn dưới những
khía cạnh khác nhau, có khi trái ngược nhau.
. Phải nhận định rằng, đời có rất nhiều
lúc buồn với sinh, lão, bệnh, tử, không mấy khi được vừa ý.
. Nhưng cũng phải công nhận rằng : đời
cũng có nhiều lúc vui. Phải chăng cái cười của chúng ta chẳng là biểu hiệu của
niềm vui ?
. Cho nên phải kết luận rằng : vui buồn
ở tại lòng ta. Ta vui thì đời là
vui mà ta buồn là đời buồn. Chính mình phóng chiếu tâm hồn mình trên cảnh vật,
tâm hồn mình vui hay buồn thì cũng theo đó cảnh vật trở nên vui hay buồn. Thi sĩ Nguyễn
Du đã mô tả tình trạng tâm lý ấy rất đúng :
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Truyện : Dễ tính và khó tính.
Buổi sáng tại trạm xăng ở
San Francisco, một người ngồi xe hơi đến :
- Xin cho hỏi thăm ông chủ một
chuyện. Hai tuần lễ vừa qua, tôi nghỉ mát ở Santa Cruz. Thật hứng thú. Phong cảnh
ở đó đẹp. Dân ở đó dễ thương. Còn về Redwood-Highway, ông chủ có ý kiến gì không
?
Ông chủ cây xăng hớn hở trả
lời :
- Ở Redwood-Highway dân cũng dễ mến lắm.
Chưa đầy một tiếng đồng hồ, một người
khác cũng muốn biết nơi nghỉ mát này, chàng ta nhăn nhó :
- Vừa rồi, tôi đã uổng mất hai tuần lễ
nghỉ mát. Chỉ thấy bực mình. Phòng ngủ thì thiếu tiện nghi. Dân ở đó dễ ghét. Còn
về chỗ nghỉ mát ở Redwood-Highway, ông chủ nghĩ thế nào ?
Ông chủ rầu rầu đáp :
- Miền Redwood-Highway cũng chẳng hơn
gì.
Khách đi rồi, người ta mới hỏi ông:
- Tại sao thay đổi ý kiến chóng vậy ?
Ông nói :
- Đâu có. Tôi chỉ nhận xét rằng hai ông
khách kia mỗi người theo đuổi một cảm nghĩ, không ai muốn thay đổi.Ông thứ nhất
yêu người đã gặp, và thích phong cảnh đã được xem. Vậy chắc là đi tới nơi nào ông
cũng thích, cũng yêu nơi đó. Còn người thứ nhì thì khó tính, hay càu nhàu. Vậy tôi
nghĩ rằng đi tới đâu ông ta cũng bất mãn với nơi đó.
(Vũ minh Nghiễm, Sống
sống, 1971, tr 210-212).
b)
Đời phải là vui tươi.
* Chúa là nguồn vui tươi.
Thiên Chúa là sự thánh thiện,
sáng láng, đẹp đẽ vô cùng, nơi Ngài không có gì đen tối, buồn thảm. Nơi Ngài chỉ
thấy có sự vui tươi và yên ủi. Chúa như thế chẳng lẽ dựng nên toàn tiếng khóc,
toàn đau khổ mà không dựng nên được những tiếng cười, những niềm vui tươi phấn
khởi sao ? Chẳng thế mà thánh vịnh 42 đã quả quyết :”Introibo ad altare Dei, ad Deum qui laetificat juventutem meam”. Chúa là nguồn sự hoan lạc, những ai đến cùng
suối hoan lạc ấy cũng sẽ được vui tươi.
* Mọi sự đều vui tươi.
Nhìn vào cảnh vật, có người
cho là vui, có người cho là buồn. Nhưng thực sự, mọi cảnh vật đều là vui tươi
phấn khởi vì nó là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng là chính nguồn vui
của muôn vật, và Ngài thông ban nguồn vui ấy ra nơi vạn vật. Ai chỉ coi khía cạnh
tiêu cực của vạn vật, công trình sáng tạo của Chúa thì kẻ ấy chỉ làm nhục cho
Chúa, là kẻ vô ơn thôi.
* Thế nào là vui ?
Vui không phải là cái gì vật
chất, không có hình dáng, không có trọng lượng hay mầu sắc vì niềm vui chỉ là
trạng thái trong tâm hồn. Chúng ta chưa tìm được một câu định nghĩa đầy đủ khả
dĩ thoả mãn được sự hiểu biết của chúng ta. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng đã
có lần cảm thấy vui mà không tả ra được.
Chúng ta chỉ cảm thấy niềm vui đang man mác trong lòng. Chỉ có thể cảm nghiệm được niềm vui chứ không
thể định nghĩa hay mô tả đầy đủ được. Chúng
ta sẽ cảm thấy có niềm vui khi lương tâm chúng ta không hối hận về một việc gì mình đã làm,
song còn được vui sướng hoặc hãnh diện về công việc đó.
* Vui khi có tâm hồn trong
sạch.
Những người tội lỗi không bao giờ được vui vẻ
như :
. Cain sau khi giết em đâu
tìm được giây phút bình yên vui vẻ vì con mắt lương tâm tức con mắt Chúa luôn
theo dõi ông khắp nơi, khiến tinh thần ông bị rối loạn.
. Philatô sau khi đã tuyên án
bất công cho Chúa, cũng cảm thấy lương tâm cắt rứt và muốn đi tự tử cho xong đời.
Truyện : Núi Philatô.
Theo truyền khẩu, sau khi Chúa
Giêsu chết, Philatô không được bình yên nữa. Ban đêm hắn bỗng giật mình dậy. Chúa
Cứu thế đẫm máu hiện ra trước mặt hắn và bảo :”Philatô, tại sao ngươi để ta bị
xử oan vô tội” ? Thế rồi không thể chịu nổi sự hiển hiện khủng khiếp, cái con
người có trái tim hèn nhát kia bèn trốn nhà đi.
Hắn đi ra ngoại quốc, nhưng khắp nơi hắn đến, nơi nào Chúa Cứu thế đẫm máu
cũng đứng trước mặt hắn.
Sau cùng, muốn trút hết những
điều hối hận, bứt rứt, hắn nhảy xuống hồ BỐN TỔNG. Nhưng cái hồ cũng không nhận
hắn bình yên. Một ngọn núi bỗng nổi lên trên xác hắn, thành một cái mồ khủng
khiếp.
3. Niềm vui trong
hy sinh và chấp nhận.
Bao lâu người ta chưa biết hy sinh, chưa
biết chấp nhận cuộc sống hiện tại, bấy lâu chưa có niềm vui trong lòng. Trái lại,
chính sự hy sinh xả kỷ đã đem lại cho con người một niềm vui tươi man mác mà không
một ai, hay của cải vật chất có thể đem lại được. Ông Nguyễn
đình Tân đã nhận thấy như vậy và ông đã diễn tả tư tưởng ấy trong cuốn Thời bút như sau :
Xuân chỉ đến với những tâm hồn chu toàn
bổn phận, với những tâm hồn biết chia vui sẻ buồn với tất cả mọi người.
Ai biết được cái vui xuân của người
lính gác trong đêm giao thừa ở nơi biên giới vắng vẻ ? Chỉ họ mới biết. Vì họ
biết họ thức cho bao nhiêu người ngủ, họ canh gác cho bao nhiêu đồng bào bình yên,
họ lẻ loi để bao nhiêu người xum họp.
Ai biết được cái vui xuân của một bà
Phước trong ngày mồng một Tết vẫn cắm cúi lau chùi những vết thương đau của người
khốn khổ ? Ít ai biết được. Chỉ có bà ta biết được lòng mình, vì bà biết sự hy
sinh của bà đã yên ủi đôi ba tâm hồn chơ vơ trong cảnh vui chung.
Ai biết được cái vui xuân của một tu sĩ
một mình lặng lẽ cầu nguyện trong bóng tối của tu viện. Ít người biết được. Chỉ
có người đó biết lòng mình thôi, vì họ biết họ cầu nguyện cho người giầu sang
thiếu sự an ủi, cho người cao qúi thiếu sự bình an, cho người nghèo khó no đầy ơn
phúc.
(Phạm đình Tân, Thời
bút 1967, tr 157)
Ta mỉm cười trong đau khổ không phải
luôn là hình phạt, nhưng có khi là nguyên do của một vui mừng. Chúa Giêsu đã phán
:”Hạt giống gieo xuống đất phải mục nát
ra, mới sinh ra trăm ngàn hạt khác’.
Người mẹ lúc sinh con phải buồn phiền, nhưng sẽ khoan khoái khi biết
mình đã thêm cho đời một mụn con.
Ta sẽ mỉm cười trong khi làm ăn thất bại
hay phải thất nghiệp, vì có khi ta thất bại vì ta chán nản. Ta sẽ tìm giải quyết
mọi sự trong vui tươi như thi sĩ Alfred
de Musset đã để lại cho chúng ta mấy vần thơ sau đây :
Tôi di qua cánh đồng vắng,
Một
con chim hát trên tổ
Dưới
chân nó, bầy chim con chết lăn lóc,
Thế
mà chim mẹ vẫn hát trước cảnh bình minh.
Hỡi
hồn ta, mày đừng khóc nữa,
Vì
cho đi mày mất hết mọi sự
Thiên
Chúa, Đấng ngự trên trời thanh thẳm
Vẫn
là nguồn hy vọng ở trần gian cho mày.
(Alfred
de Musset)
Trong khi chờ đợi Chúa Quang lâm, chúng
ta vẫn còn phải ở trong thế gian này, phải vật lộn với bao sóng gió cuộc đời,
chúng ta hãy an tâm, đừng sợ, kiên nhẫn chờ đợi trong vui tươi, Chúa sẽ đến giải
thóat chúng ta và lúc đó niềm hoan lạc chúng ta sẽ được tràn đầy. Hãy tin tưởng,
hãy cầu nguyện vì biết rằng “bên trên thế giới của trăng sao, có một người
Cha yêu thương đang âu yếm nhìn ta”(Trích Bài ngợi ca Niềm vui trong Bản
giao hưởng số 9 của Beethoven).
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt