CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN A
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
+++
A. DẪN NHẬP.
Chúa nhật hôm nay giúp chúng ta suy niệm về lòng nhân lành hay thương
xót của Chúa. Chúng ta đừng chỉ nghĩ đến thân phận yếu hèn của mình, đừng chỉ
nghĩ đến những lỗi lầm của chúng ta, mà hãy nghĩ đến lòng thương xót tha thứ của
Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến trần gian có
mục đích kêu gọi những người tội lỗi chứ không kêu gọi người lành thánh. Ngài
muốn chúng ta hiến dâng hồn xác cho Ngài, chứù không phải là những hy lễ bên
ngoài :”Ta muốn tình yêu, chứ không muốn
hy lễ, Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”
.
Thánh Phaolô nhắc nhở ta hãy đáp lại tình yêu thương của Chúa bằng
cách sống tin yêu như ông Abraham đã làm xưa. Thánh Matthêu cũng ghi lại ơn được
Chúa kêu gọi và đã đáp lại tiếng Chúa thế nào. Chúng ta hãy theo gương thánh nhân
mà đáp lại tiếng Chúa gọi, bỏ đang tội lỗi,
quay về với Chúa và cố gắng trở nên môn đệ của Chúa bằng đời sống chứng nhân của
mình.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Hs 6, 3b-6.
Tiên tri Hôsê là người đầu tiên đã ví
tình yêu Thiên Chúa đối với dân Israel như mối tình giữa hai vợ chồng. Tấn thảm kịch trong gia đình Hôsê đã trở nên
bức họa tiên tri, mô phỏng cách cư xử của
Giavê đối với dân Ngài chọn.
Theo lời phán của Giavê, Hôsê đã cưới
một cô gái giang hồ về làm vợ. Sau khi chung sống và sinh được ba người con,
thì Gôme, vợ Hôsê, lại quen đường cũ, tìm về cảnh sống bán thân như xưa. Tuy thế,
Chúa lại xúi Hôsê đem tiền bạc đi chuộc về, tha thứ và tiếp tục yêu thương như
trước. Đối với Hôsê, các tội lớn lao hơn
cả là tội ngoại tình, phụ bạc đối với Thiên Chúa như sự phản bội của hai người
phối ngẫu.
+ Bài đọc 2 : Rm 4,18-25.
Trong thư gửi tín hữu Roma, thánh
Phaolô khuyên tín hữu hãy nhớ lại tình yêu thương của Thiên Chúa. Tình thương
phải đáp lại bằng tình thương. Chúng ta hãy đáp lại tình yêu thương của Chúa bằng
một Đức tin mạnh mẽ, một sự phó thác tuyệt đối như ông Abraham đã làm. Tuy đã
gia,ø ông vẫn trông cậy vào quyền năng của Chúa sẽ thực hiện lời hứa ấy là ông
sẽ có một miêu duệ đông như sao trên trời, như cát dưới biển.
Lời Chúa hứa với chúng ta cũng được thực
hiện nơi Chúa Giêsu, đó là Ngài chịu chết để cứu chuộc chúng ta, và đã từ cõi
chết sống lại để chúng ta được rỗi, “được
công chính hóa”.
+ Bài Tin mừng : Mt 9,9-13.
Bài Tin mừng hôm nay nói về ơn gọi của
ông Lêvi Matthêu. Ơn gọi này nêu lên gương sáng cho chúng ta phải đáp lại đối với
tình thương của Chúa như thế nào.
Ông Matthêu không bao giờ nghĩ được rằng
mình sẽ được Chúa gọi, vì mình bị người ta cho là người tội lỗi, nên khi Chúa
Giêsu vừa lên tiếng gọi thì ông sẵn sàng vâng theo :”Người ấy đứng dậy đi theo Ngài”, và không phải đi theo một thời
gian năm, ba năm, mà đi theo suốt đời. Ông
còn tỏ ra quảng đại, chia nửa gia tài cho người nghèo khó. Theo gương ông Matthêu,
tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa “không
đến kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi – chúng ta hãy bỏ
mọi mặc cảm tội lỗi, bỏ mọi sự ràng buộc quanh mình, đi theo Chúa để làm môn đệ
của Ngài..
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Chúa kêu gọi người tội lỗi
I. CHÚA KÊU GỌI ÔNG
MATTHÊU.
1. Bản thân ông Matthêu.
Ông Matthêu là người gốc Do thái, là một quan chức của ngành thuế
giúp việc cho người Roma. Khi Chúa Giêsu bỏ Capharnaum đi về phía bờ biển,
ngang qua sở thu thuế thì gặp ông đang làm việc tại đó. Chúa Giêsu gọi ông vắn tắt :”Hãy theo Ta”, lập tức ông bỏ bàn làm việc
màø đi theo Chúa. Ông còn làm một bữa tiệc thịnh soạn để tiếp đãi Chúa Giêsu và
các bạn bè.
2. Nói về
thuế khóa.
Chính quyền Roma lúc bấy giờ đặt ra hệ thống thu thuế hiệu quả và đỡ
tốn kém nhất.: họ cho đấu thầu thu thuế ở các khu vực. Một người mua được quyền
thu thuế ở một địa phận nào phải chịu trách nhiệm với chính quyền Roma về một số
tiền thỏa thuận. Nếu người đó thu thuế cao hơn thì có quyền giữ, xem như tiền
hoa hồng. Rõ ràng hệ thống này sinh ra những lạm dụng nghiêm trọng. Vào thời ấy,
chưa có báo chí, chưa có máy truyền thanh, chưa có phương tiện truyền thông rộng
rãi, người ta không biết sự thật mình phải đóng thuế bao nhiêu mà cũng chẳng có
quyền khiếu nại người thu thuế. Kết quả
là nhiều người thu thuế trở nên giầu có do sự cưỡng thu bất hợp pháp. Hệ thống
này đưa đến sự lạm dụng đến nỗi phải hủy bỏ tại xứ Palestine trước thời Chúa Giêsu.
Tuy thế, thuế vẫn cứ phải đóng và tất nhiên vẫn còn nhiều lạm dụng.
Những người làm nghề thu thuế như vậy đều bị dân chúng ghét bỏ vì
tham nhũng, bức bách dân chúng. Còn một
lý do khác khiến người Do thái khinh bỉ những người thu thuế : dân Do thái tin
rằng chỉ mình Thiên Chúa là Vua, nộp thuế cho hoàng đế Roma là trao cho ông
ta quyền hành đúng ra chỉ thuộc về một
mình Thiên Chúa mà thôi. .. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao những người
thu thuế bị khai trừ khỏi hội đường và bị xếp đồng loại với đám người tội lỗi, đĩ
đếm, và trộm cướp.
3. Thái độ của ông Matthêu.
Chính ông Matthêu không bao giờ nghĩ được rằng Chúa Giêsu lại kêu gọi
mình làm môn đệ. Nhưng khi được Chúa gọi,
ông đã bỏ mọi mặc cảm, đứng dậy theo Chúa ngay, không phải một thời gian nhưng
theo mãi mãi.
Trước lúc Chúa gọi, Matthêu “ngồi” (tư
thế không muốn thay đổi) tại “bàn thu thuế” (môi trường sống tội lỗi). Nhưng
ngay khi được Chúa gọi, ông đã nhanh chóng “Đứng dậy” và “theo”. Thái độ này biểu
lộ một sự dứt khóat thay đổi, một hành trình mới.
Đi theo Chúa Giêsu là một sự mát mát lớn : ông phải bỏ ngành thuế,
một nghề làm giầu dễ dàng cho mình và cho con cháu. Ông đã bỏ tất cả, nhưng sẽ được
tất cả. Ông rời bỏ bàn thu thuế nhưng đem
theo cây bút viết. Có lẽ các người khác trong nhóm 12 môn đệ không quen thuộc lắm
với cây bút viết. Các ngư phủ Galilê không có tài viết lách như Matthêu có, và ông
đã chép cuốn sách đầu tiên về giáo huấn của Chúa Giêsu, đáng liệt vào sách quan
trọng nhất thế gian.
II. CHÚA KÊU GỌI NGƯỜI
TỘI LỖI.
1. Lòng Chúa khoan dung.
Bài Tin mừng cho biết tình trạng của người được gọi. Đó là một người
“publicanô”, một người làm việc cho
ngoại bang, một người thu thuế, một người mà dân chúng coi là phường tội lỗi.
Thế mà Chúa Giêsu không màng đến dư luận, lại còn kết nạp vào Tông đồ đoàn.
Nói về tội nhân, người Do thái coi tội nhân là những kể sống ngoài
luật Môsê theo như các nhà thông luật cắt nghĩa , vì hạng người này tiếp tay
Roma đàn áp dân của Chúa.
Luật Maisen không cấm ăn uống với người thu thuế, hoặc người không
cắt bì. Song các nhà thông luật đã cấm,
vì sự chung đụng như thế có nguy hiểm. Và
việc cấm đã được coi như thông lệ. Vì thế mà họ chất vấn các môn đệ Chúa. Nghe
thấy, Chúa Giêsu trả lời cho họ :”Những
người khỏe không cần thầy thuốc, song người ốm”. Rồi Chúa nhắc họ lời tiên tri Hôsê :”Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn hy lễ”. Của lễ cũng cần thật nhưng cái cốt yếu của việc
thờ phượng Chúa là Tình yêu. Lòng nhân lành đối với tội nhân làm đẹp lòng Thiên Chúa
hơn là sự tỉ mỉ giữ những luật lệ. (Văn Quy và Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật
A, tr 161).
Chúa là một thầy thuốc đến chữa lành bệnh tật phần xác và nhất là của
linh hồn. Người Do thái tự cho mình là lành mạnh vì họ nghĩ rằng sốt sắng giữ lề
luật thì Thiên Chúa phải ban cho họ sức mạnh. Ngờ đâu rằng : Chúa muốn lòng nhân
lành chứ không phải hy lễ. Lời tiên tri Hôsê đã được thực hiện nơi Ngài :”Ta muốn Tình yêu”
Chúa Giêsu không nhìn dáng vẻ bề ngoài mà đánh giá con người, Ngài
nhìn vào tận tâm can con người mà đánh giá. Những người luật sĩ và biệt phái bề
ngoài xem ra tốt lành thánh thiện, xứng đáng làm bậc thầy trong dân, làm phụ mẫu
chi dân, mà tại sao Chúa Giêsu lại gọi họ là loài rắn độc, mồ quét vôi trắng
? Vì Ngài nhìn thấy tâm hồn họ nhơ bẩn,
chỉ có kiểu cách bề ngoài. Họ là những kẻ giả hình đáng khinh bỉ.
Ngược lại, những người tội lỗi không làm cho Ngài chê ghét, lại còn
yêu thương gần gũi, tạo
điều kiện cho họ sám
hối, trở lại đường lành. Bề ngoài bị thiên
hạ cho là đáng khinh bỉ, nhưng lòng họ tốt, họ có thiện chí muốn trở nên tốt. Nên
người ta mới nói :
Tốt gỗ hơn tốt nước
sơn,
Xấu người đẹp nết còn
hơn đẹp người.
(Ca
dao)
Khi Chúa Giêsu gọi Matthêu, một kẻ thu thuế, để làm một trong những
cộng sự thân cận nhất của Ngài thì quả thật đáng ngạc nhiên. Điều này nêu thêm được
một ví dụ về khả năng của Chúa Giêsu trong việc nhìn vượt quá hiện tại của con người
để thấy được điều họ sẽ trở thành nếu như họ cố gắng. Chúa Giêsu đã nhìn thấy điều đó mà kẻ khác đã
không thấy được ở nơi thánh Matthêu.
Điều này cũng cho chúng ta biết Chúa Giêsu có thể nhìn khỏi hiện trạng
chúng ta để thấy được điều chúng ta có thể trở thành. Ngài không chú trọng quá khứ cho bằng tương
lai của chúng ta. Ngài không chú trọng khả năng chúng ta đang làm được gì mà là
khả năng sẽ làm được gì. Ngài không chú trọng đến tài năng của chúng ta cho bằng sự sẵn sàng của chúng ta.
(Mark . Linhk, Giảng lễ Chúa nhật năm A, tr 195).
2. Tấm lòng ông Matthêu.
Theo thói thường, mọi người phải lo làm giầu để lo tương lai cho
mình và cho con cháu. Matthêu cũng có quyền lợi dụng ngành thuế để làm giầu.
Tuy ông cũng gian tham trục lợi như những quan chức thu thuế khác, nhưng ông vẫn
còn lương tri, vẫn còn có tấm lòng. Tuy
bề ngoài bị coi là người đáng khinh bỉ, bị người ta liệt vào hàng tội lỗi ngang
hàng với gái điếm, nhưng ông vẫn còn lương tri, biết nhìn ra lẽ phải, biết phân
biệt tốt xấu chứ không bị tiền của làm tối tăm mắt mũi , và hình như ông cũng có thao thức muốn thay đổi
con người nhưng chưa có dịp thuận lợi. Vậy
nhân dịp Chúa Giêsu đi ngang qua gọi ông, lập tức ông bỏ bàn giấy mà đi theo Chúa.
Điều đó chứng tỏ ông có một tâm địa tốt, xứng đáng cho người ta khen ngợi :
Xanh vỏ đỏ lòng (Tục ngữ)
3. Chúa kêu gọi nhiều người tội lỗi khác.
Kinh thánh con ghi lại việc Chúa Giêsu kêu gọi nhiều người tội lỗi
trỡ lại. Chúng ta thử đưa ra mấy trường hợp . Ngài đã kêu gọi :
. Người đàn bà xứ Samaria (Ga IV)
. Ông Nicôdêmô (Ga 3,4).
. Người đàn bà phạm tội ngoại tình (Ga 8,10)
. Maria madalena thống hối (Lc 7,48)
. Tha tội cho người bất toại (Mt 9,2).
. Phêrô thống hối (Lc 22,62).
. Trên thập giá tha tội cho kẻ trộm lành {Lc 23,43).
. Tha cho quân dữ hành xử mình {Lc 23,34).
III. BÀI HỌC CHO CHÚNG
TA HÔM NAY.
Mọi người có thể trở nên lương thiện và có thể trở nên thánh nhân với
ơn Chúa và sự cố gắng của mình. Điều đó được minh chứng với lời Thiên Chúa phán
với dân Israel, dân riêng của Ngài :”Các
ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng thánh”.
Theo ông Pascal, con người là một cây sậy yếu đuối nhưng là cây sậy biết suy
tư. Con người tự sức mình không thể nào làm được việc gì :”Không có Thầy các con không làm được gì” , nhưng với ơn Chúa trợ giúp chúng ta có thể
làm được như thánh Phaolô nói :”Tôi có thể
làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh
cho tôi”. Như vậy, con người dù có tội lỗi đến đâu đi nữa, Chúa cũng không
chê bỏ, “không dập tắt tim đèn còn bốc khói”, “không bẻ gẫy những cây đã bị giập
nát”, Chúa tạo điều kiện để con người đứng
lên làm lại cuộc đời và biến họ trở nên dụng cụ trung thành của Chúa, biến họ trở nên một tạo vật mới lành
thánh hơn.
Truyện : khối đá cẩm thạch nứt nẻ.
Nhà điêu khắc Donattello, một hôm từ chối không sử dụng khối đá cẩm
thạch vì nó rạn nứt. Người ta mang khối đá này cho điêu khắc gia nổi tiếng
Michel-Ange.
Xem xét khối đá, Michel-Ange cũng thấy những vết rạn nứt đó. Nhưng ông
lại coi đó là một thách thức cho tay nghề của mìinh. Ông nhận khối đá và ra công
đẽo gọt. Nhờ đó mà thế giới mới có được bức tượng vua Đavít, một công trình nghệ
thuật sáng giá nhất từ trước tới nay.
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu chọn gọi Matthêu làm môn đệ, một kẻ thu
thuế, bị liệt vào hàng tội lỗi. Matthêu cũng như khối đá cẩm thạch rạn nứt, ông
có rất nhiều tì vết : nào là bóc lột dân nghèo, tiếp xúc với người Roma ngoại
giáo, nên thường xuyên bị ô uế, phải loại ra khỏi hội đuờng. Tóm lại, ông là kể
tội lỗi công khai. Đức Giêsu đã không nhìn ông với cái nhìn ấy. Ngài đã không
khước từ, không phán đoán, không chê bỏ. Ngài chấp nhận ông với tất cả tội lỗi
và tai tiếng nơi ông. Ngài không một chút do dự cho ông gia nhập vào Tông đồ đoàn,
để huấn luyện ông trở thành môn đệ của Ngài, để ông nên một trong mười hai trụ
cột của Giáo hội.
(Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu,
năm A, tr73)
Chúng ta đừng có mặc cảm về đời sống tội
lỗi của mình, Chúa có thể làm nên tốt hết, Chúa sẽ đổi mới con người chúng ta
thành những tạo vật mới tốt lành thánh thiện. Hãy tin tưởng vào Chúa, phó thác cho Chúa và để
cho Ngài hành động nơi ta. Chúng ta cứ
tin rằng, với ơn trợ giúp của Ngài chúng ta có thể trở nên con người hoàn thiện
được. Đúng như người ta nói :
Đừng chê em xấu em đen,
Em như nước đục đánh
phèn lại trong.
(Ca
dao)
Trong việc trở về, Thiên Chúa luôn đi
bước trước chứ không phải con người. Ngài luôn mời gọi, con người chỉ cần đáp lại
tiếng gọi đó. Nhưng nhiều khi con người vô tình hay cố tình làm ngơ trước những
lời mời gọi ấy vì để cho những tính hư nết xấu làm ù tai linh hồn. Tệ hại hơn nữa,
nhiềâu khi con người để cho tình tư dục làm điếc tai linh hồn đến nỗi không còn
nghe thấy tiếng Chúa nữa. Có một danh nhân nói một câu thật hay :”Nếu ta bước một bước để đi tìm Chúa, thì Ngài
nhảy 10 bước đến tìm ta”.
Truyện : Ai đi tìm ai ?
Một bé gái chơi trò cút bắt với các bạn.
Cô tìm một chỗ thật kín để trốn. 5 phút sau, không ai tìm được cô. 10 phút sau
cũng không ai đến tìm. Sau cùng cô biết ra rằng các bạn đã nghỉ chơi và đã đi nơi khác. Cô bé ngồi khóc và cho rằng
đám bạn đã chơi xấu cô.
Một người lớn thấy vậy an ủi và dạy cô
bé : “Cháu đã học được một bài học quí giá giúp cháu hiểu được Chúa cảm thấy thế
nào khi chơi với lòai người. Ngài chờ lòai người đến tìm Ngài nhưng người ta đã
nghỉ chơi từ lâu không đến tìm Ngài nữa” (Mark Link, Vision 2000).
Bắt chước Matthêu Chúa gọi đứng dậy liền,
bẻ mọi xích xiềng tội lỗi. Cương quyết bỏ đường tội lỗi là điều kiện cần để trở
nên môn đệ Chúa. Khi đã dậy rồi cũng kéo anh em theo. Bắt chước Matthêu mời Chúa vào nhà, mời anh
em chung sở làm tức là cùng tội lỗi như Matthêu cho họ tiếp xúc với Chúa và
theo Chúa như mình. Nghĩ đến việc làm tông
đồ cho người tiếp xúc với Chúa là một cách tốt nhất tỏ lòng biết ơn.
Để kết thúc, chúng ta hãy suy gẫm câu
Kinh thánh sau đây:
“Hỡi những người tội lỗi, hãy trở lại cùng Chúa
đang kêu gọi bạn, hãy làm việc lành trước mặt Người và phải tin tưởng Người sẵn
sàng thương xót bạn” (Tb 13,8).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt