CHÚA
NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN A
SỨ
MẠNG RAO GIẢNG TIN MỪNG
A. DẪN NHẬP.
Nếu công đồng Vatican II khẳng định “bản tính của Hội thánh là truyền giáo”
thì mọi Kitô hữu cũng chính là những sứ giả Tin mừng, cũng có trách nhiệm như Hội
thánh. Những lời Chúa Giêsu nói với các
tông đồ ngày xưa vẫn còn vang vọng nơi chúng ta, vẫn còn có tính cách thời sự của
nó. Chúa muốn chúng ta đi vào cánh đồng truyền giáo rộng rãi bao la bát ngát để
đem nhiều người về cho Chúa. Cảm xúc của Chúa Giêsu đứng trước cánh đồng lúa
chín vàng ối “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” cũng phải là
cảm xúc của chúng ta đứng trước tình hình thế giới hiện nay : chúng ta hãy xin
Chúa sai nhiều sứ giả Tin mừng đến cánh đồng truyền giáo, đồng thời chúng ta cũng
có thể góp phần vào công việc loan báo Tin mừng bằng chính cuộc sống chứng tá
của chúng ta.
Hãy nhớ lại lời thánh Phaolô :”Khốn cho tôi, nều tôi không rao giảng Tin mừng”.
B.. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc l : Xh 19, 2-6.
Khi ra khỏi Ai cập, tiến tới sa mạc
Sinai, con cái Israel cắm trại đối diện với núi. Thiên Chúa gọi ông Maisen lên núi để tỏ cho ông
biết Ngài muốn chọn Israel làm dân riêng của Ngài. Họ sẽ trở nên một dân riêng thuộc về Thiên Chúa,
trở nên dân tư tế và được thánh hiến.
Thiên Chúa sẽ thực hiện điều đó nếu dân biết nghe tiếng Ngài và nắm giữ
giao ước của Ngài ký kết với dân qua trung gian ông Maisen.
Trong thực tế, dân Israel đã được chọn
làm dân riêng của Thiên Chúa, được sống trong tình thân mật với Ngài, được Ngài
nâng niu như trên cánh phượng. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa tách họ ra khỏi
các dân tộc khác. Là dân tư tế, họ có trách nhiệm làm chứng cho Chúa bên cạnh các
dân tộc khác và tỏa chiếu sự hiện diện của Chúa nơi họ.
+ Bài đọc 2 : Rm 5,6-11.
Trong thư gửi cho tín hữu Roma, thánh
Phaolô mời gọi chúng ta hãy suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng
ta. Mặc dầu chúng ta là những người tội lỗi, là thù nghịch với Ngài, nhưng Ngài
vẫn yêu thương. Tình yêu đến tột đỉnh là
sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế chịu chết chuộc tội cho chúng
ta. Nhờ cái chết của Con Ngài mà chúng
ta được rửa sạch mọi vết tích tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, được công
chính hoá và thừa hưởng Nước Trời. Sở dĩ Ngài yêu chúng ta như vậy chỉ vì “Ngài là Tình yêu”.
Để đáp lại tình yêu ấy, chúng ta có trách
nhiệm làm cho người khác biết về tình yêu ấy bằng cách góp phần vào việc loan báo Tin mừng
bởi vì chúng ta “đã lãnh nhận nhưng không
thì cũng phải cho đi nhưng không”.
+ Bài Tin mừng : Mt
9,36-10,8.
Trong khi đi rao giảng Tin mừng cho dân
chúng, Chúa Giêsu thấy thương dân vì họ đang bơ vơ tất tưởi như đàn chiên không
có người chăn dắt. Ngài muốn trao cho các Tông đồ sứ mạng loan báo Tin mừng
cho người Do thái, loan báo cho họ biết về tình yêu của Thiên Chúa và Nước Chúa
đã gần đến. Vì thế, Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ như những cán bộ nồng cốt,
sai các ông đi rao giảng cho người Do thái biết “Nước trời đã gần đến”, chuẩn bị cho họ sẵn sàng đón nhận những lời
Chúa Giêsu sẽ rao giảng.
Mười
hai Tông đồ này có những nguồn gốc và thành phần khác nhau. Điều đó nói lên việc
loan báo Tin mừng không dành cho riêng một ai hay cho một thành phần nào mà dành
cho mọi người, càng nhiều càng tốt vì “Lúa
chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”.
C.THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Lúa
chín nhiều, thợ gặt ít
I. CHÚA KÊU MỜI
1. Tin Mừng
Nước Trời.
Trong suốt ba năm, Chúa Giêsu đã đi
rao giảng Tin mừng Nước Trời. Thánh Matthêu đã tóm tắt trong một câu rất gọn :”Đức Giêsu rao giảng khắp các thành, các làng,
giảng dạy trong các hội đường của họ và loan Tin mừng về Nước Trời cùng chữa lành
mọi tật nguyền bện hoạn”(Mt 9,35).
Trong khi đi rao giảng như thế, hình
như Chúa Giêsu có cái nhìn và cái cảm
nghĩ không mấy lạc quan. Ngài thấy dân chúng mệt mỏi về thể xác, tinh thần bạc
nhược vì thiếu sự săn sóc của chủ chăn. Giáo lý của các nhà Biệt phái rỗng tuếch,
nhạt nhẽo mà lại quá phức tạp. Dân chúng có cảm nghĩ bị bỏ rơi, các vị chủ chăn
chỉ lo săn sóc những chiên béo tốt xén lông và được danh dự.
Thánh Matthêu cho ta biết cái cảm nghĩ
của Chúa Giêsu trước tình trạng dân chúng đó :”Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng liền động lòng thương xót họ””(Mt
9,36). Chúa thương họ như con chiên không có người chăn, như cánh đồng lúa
chín không người gặt. Vì thế, Chúa bảo các môn đệ:”Lúc chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến”.
Để giải quyết hoàn cảnh đáng thương đó,
Chúa đã chọn 12 tông đồ làm những cộng sự viên, sai họ đi truyền giáo, đến những
nơi mà Ngài sẽ đến. Chúa ban cho các ông
quyền hành rộng rãi :làm nhiều phép lạ... kể cả việc làm cho kẻ chết sống lại.
Còn đề tài rao giảng của các ông là :”Nước
Trời đã gần”, đấy cũng là đề tài rao
giảng của thánh Gioan Tẩy giả, và cũng là đề tài của chính Chúa Giêsu đang rao
giảng.
2. Giáo
huấn của Giáo hội.
Công đồng Vatican II khẳng định :”Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”
(TG 2). Bản tính Giáo hội là truyền giáo tức là đem Tin mừng cứu rỗi cho nhân
loại. Nhiệm vụ đó buộc tất cả mọi phần tử của Giáo hội tức là mọi người đã được
rửa tội. Công đồng đặc biệt chú trọng đến phương diện tông đồ giáo dân :”Giáo dân làm tông đồ tức là tham gia vào
chính sứ mạng cứu rỗi của Hội thánh. Chính Chúa – do phép rửa tội và phép thêm
sức – giao cho tất cả mọi người bổn phận tông đồ ấy” (LG số 33).
Đức thánh Cha Gioan Phaolô II cũng quả
quyết :”Không một ai trong những người
tin vào Chúa Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ
cao cả này : Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Sứ vụ Đấng Cứu độ, 3).
3. Đồng
lúa chín kêu gọi.
“Lúa
chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Đấy là một lời báo động và cũng là một lời
kêu gọi tha thiết và khẩn thiết. Chúng ta đang ở trong thời kỳ gặt lúa. Nhìn cánh
đồng lúa chín vàng ối ai lại không thích ? Nhưng không may, ở đâu thiếu người gặt
mà để cho đồng lúa bị lụt lội hay bão táp tàn phá làm hư hỏng thì ai không tiếc
?
Nhìn vào cánh đồng truyền giáo rộng
bao la bát ngát, Giáo hội có một ưu tư lớn lao : lấy ai ra mà gặt cánh đồng này
? Trên thế giới có tới hơn 6 tỷ người, mà số tín hữu Công giáo mới có gần
1,1 tỷ. Nếu kể cả những
anh em tin theo Chúa Kitô thì mới được 2 tỷ. Còn lại hơn tỷ nữa. Riêng Á châu
chiếm một nửa dân số thế giới, mà mới được 3% người biết Chúa. Ở Việt nam thân
yêu của chúng ta, dân số lên tới 84 triệu người mà mới có 6 triệu người Công giáo.
Cánh đồng truyền giáo của quê hương thân yêu chúng ta cũng còn rất rộng. Trách nhiệm của những người Việt nam Công giáo
cũng còn rất nặng. Chúa kêu gọi mọi người
cộng tác vào công việc truyền giáo này.
Truyện : Ta không có tay.
Câu truyện xẩy ra tại Đức vào khoảng
cuối thế chiến thứ hai. Tại một ngôi làng
kia, một toán binh sĩ Mỹ tình nguyện giúp dân chúng xây dựng lại cuộc sống của
họ. Nhưng họ không xin thực phẩm, thuốc men, nông cụ, mà chỉ xin tái thiết một
pho tượng bị đổ nát vì bom đạn.
Từ nhiều thế kỷ qua, pho tượng là niềm
tự hào của họ, giờ đây, chỉ còn là những mảnh vụn. Liệu những binh sĩ Mỹ có thể
làm được công việc khó khăn này không ?
Qua bao ngày tìm tòi vất vả, họ cũng đã nhặt lại được từng mảnh và dựng
lại pho tượng, chỉ có điều là có hai phần trong pho tượng họ không thể tìm thấy.
Họ dựng pho tượng lên giữa quảng trường
ngôi làng và phủ lên bằng tấm vải lụa, tấm vải này chỉ được mở ra bằng một nghi
thức do ông Thị trưởng chủ tọa.
Khi dân chúng trong làng tề tựu đông đủ,
ông Thị trưởng đọc diễn văn cảm ơn các binh sĩ Mỹ và cho mở tấm lụa ra. Mọi người
ồ lên với tất cả kinh ngạc, vì pho tượng tuyệt đẹp nhưng lại không có đôi cánh
tay. Dưới chân pho tượng mọi người đọc được hàng chữ lớn :”Ta không có tay, các ngươi có thể
cho ta mượn cánh tay của các ngươi không” ?
Trước khi về trời, Chúa Giêsu, qua các
Tông đồø, đã trao phó cho Hội thánh tiếp tục sứ mạng của Ngài cho đến tận thế.
Vì vậy, Hội thánh chính là Chúa Kitô nối dài. Và một cách nào đó, Chúa Kitô đang
xử dụng đôi cánh tay của Hội thánh để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Ngài. Chúng
ta cũng là cánh tay nối dài của Hội thánh nên chúng ta cũng phải cộng tác vào
trong việc cứu rỗi này.
II. TA ĐÁP TRẢ.
Chúng ta hãy đáp trả lời kêu gọi của
Chúa Giêsu bằng cách SỐNG ĐỜI CHỨNG NHÂN. Có nhiều cách rao giảng Tin mừng, nhưng
cách rao giảng Tin mừng hay nhất là sống đời chứng nhân vì nó phù hợp với hết mọi
người, mọi nơi, mọi lúc. Qua kinh nhgiệm,
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói :”Người
thời nay không thích những thầy dạy cho bằng những chứng nhân”.
Người ta thường nói :”Văn kỳ
thanh, bất kiến kỳ hình”, trăm nghe không bằng một thấy. Nghe thì biết
vậy, người ta vẫn còn bán tín bán nghi. chưa có tính cách thuyết phục cao. Ví dụ : người ta thường dọa trẻ con là đừng có
khóc kẻo “ông Ba Bị chín quai, mười hai
con mắt, bắt trẻ bỏ bồ” ! Còn bé
chúng ta tin lắm, nhưng làm gì có ông Ba Bị như thế ! Khi đã nhìn thấy, trông thấy rõ ràng, khi đã
“kiến kỳ hình” một người hay một sự
việc rồi thì người ta không thể phủ nhận được
, người ta phải chấp
nhận một sự kiện ngay cả khi lòng không muốn.
Chúng ta có thể sống “đời chứng nhân” theo hai phương diện
tích cực và tiêu cực :
1. Phương
diện tích cực.
a)
Trở nên muối đất và ánh sáng thế gian.
Ta là Kitô hữu, đó là người được
mang danh Chúa Kitô. Nhưng người ta có thể thắc mắc có thật là có Chúa Kitô không
hay chỉ là một huyền thoại ? Hay ít ra,
người ta không biết Chúa Kitô như thế nào, cần chúng ta phải phác họa cho họ đôi
nét về Chúa Kitô. Chúng ta có thể họa cho họ đôi nét trong đời sống được không
?
Người Kitô hữu có nhiệm vụ họa lại khuôn
mặt đích thực của Chúa Kitô và cả con người của Ngài bằng đời sống cụ thể của
mình để người ta có thể có vài hình ảnh tốt đẹp về Chúa Kitô. Chúng ta phải thể
hiện con người của Đức Kitô ra trong con người của chúng ta để chúng ta dám nói
như thánh Phaolô :”Anh em hãy bắt chước tôi
như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” ! Nói như thế là thánh Phaolô có ý nói rằng
Ngài đã được “Kitô hóa” rồi, vì Ngài đã nói :”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà Chúa Kitô sống trong tôi”.
Muốn được thế, cuộc sống của người Kitô
hữu phải trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ :”Chính anh em là muối cho đời, nhưng muối mà
nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn quăng
ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
Chính anh em là ánh sáng trần gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi
trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm. mà tôn vinh
Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,13-16).
Hai hình ảnh xem ra khác
nhau nhưng đều giống ở sức tác động tốt :
- Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm
tốn. Nhưng muối giữ cho môi trường chung quanh nó khỏi hư, lại mặn mà.
- Ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh
sáng soi sáng cho người ta biết đường đi, nhận rõ các đồ vật.
Cả hai đều phải chịu sự hao mòn hy
sinh thì mới gây tác động : muối tan dần đi, ngọn đèn nến ngày càng lụn xuống.
Lý do tồn tại của cả hai là để gây tác
động tốt : nếu muối không mặn và đèn không sáng thì không có ích gì nữa và phải
bị vất đi.
Thân phận và hoàn cảnh của mỗi Kitô hữu
khác nhau : có người âm thầm hèn mọn như muối, có người rực rỡ huy hoàng như ánh
sáng. Nhưng mọi người đều có sứ mạng tác động tốt lên môi trường mình sống. Không
tác động tốt thì không còn là Kitô hữu nữa.
Chính con người của ta phải thể hiện
hình ảnh Chúa Kitô ra trong đời sống hằng ngày, để thực sự con người ta là tấm
gương phản chiếu Chúa Kitô cho người khác.
Qua cuộc sống tốt đẹp của ta, người ta sẽ thấy Chúa tốt đẹp như thế nào. Nếu ta đã tốt đẹp như thế, thì Chúa còn tốt đẹp
biết dường nào. Đúng là :
Xem mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
(Ca dao)
Truyện : nhà bác học Louis Pasteur.
Trên chuyến xe lửa tiến về Paris, người
sinh viên trẻ ngồi bên cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tầu chuyển bánh,
cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong sự cầu nguyện.
Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ
già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không còn đủ kiên nhẫn, anh ta mới
lên tiếng :
- Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những
chuyện nhảm nhí à ?
Cụ già thản nhiên trả lời :
- Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu
không tin sao ?
Người sinh viên cười ngạo mạn quả quyết
:
- Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm
sao mà tôi có thể tin vào những chuyện ấy được. Khoa học đã thực sự mở mắt cho
tôi. Ông cứ tin tôi đi, hãy quẳng chuỗi hạt ấy đi, và hãy học hỏi những khám phá
mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên :
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của
khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều này không ?
Người sinh viên hăng hái đề nghị :
- Ông cứ cho địa chỉ, tôi sẽ gửi đến
cho ông một quyển sách. Ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học.
Cụ già từ từ lấy trong túi áo ra một tấm
danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên
bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp
ấy có ghi : Louis Pasteur, Hàn lâm viện khoa học Paris.
b)
Gia đình củng cố ơn kêu gọi.
Trước tiên gia đình hãy cầu nguyện cho
ơn kêu gọi. Mỗi ngày hãy thêm vào trong giờ kinh tối lời nguyện cầu xin cho ơn
kêu gọi. Điều này có tác dụng như một lời nhắc nhở tế nhị cho con em chúng ta cân
nhắc ơn gọi đi tu.
Tiếp đến, mỗi gia đình vun trồng ơn kêu
gọi Linh mục và tu sĩ, lo cho gia đình của mình có nhiều người tận hiến đi truyền giáo, như
gia đình ông bà Martin cha mẹ của thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Để được vậy
cha mẹ hãy lo sống đạo đức, làm gương sáng. Năng gợi tư tưởng dâng mình cho Chúa
với con cái mỗi khi trò chuyện thân mật,
sau những buổi kinh tối gia đình.
2. Phương diện tiêu cực.
Phải tránh cách sống giả hình mà người ta gọi là “tốt mã giẻ cùi”, chỉ có cái mã bên ngoài,
còn bên trong thì chẳng ra cái gì. Phải tập sống trung thực với lòng mình, phải
làm cho danh và thực đồng nhất, có thì nói có, không thì nói không. Đừng theo lối
sống giả hình như bọn Luật sĩ và Biệt phái, chính cách sống giả hình làm cho họ
mất uy tín. Phải sống theo nguyên tắc :
Hữu ư
trung, xuất hình ư ngoại.
Đừng bao giờ để cho “ngôn hành bất nhất”, đừng để cho cách sống
bên ngoài phá hoại đời sống bên trong, làm cho người ta mất tin tưởng. Giả hình
sẽ bị lột mặt nạ : cái kim giấu trong túi áo có ngày sẽ lòi ra vì như người ta
nói : đi đêm có ngày gặp ma .
Phải đóng đúng vai trò của mình, vai nào
đóng đúng vai đó, càng đúng càng hay : vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha ra
cha, con ra con... theo như đường lối giáo dục của Khổng Tử :”Quân, thần, phụ,
tử”. Đóng đúng vai trò thì được khen, ngược
lại thì người ta chê và làm hỏng vai trò mình đóng, lại còn tác hại đến cả vở kịch
nữa.
Truyện : Bộ mặt của anh hề.
Có một gánh xiếc bị hỏa hoạn, ông chủ
gánh xiếc sai anh hề chạy đi kêu dân chúng trong làng đến tiếp tay chữa cháy,
chẳng vậy lửa bốc to có thể lan sang khu vực họ đang ở. Anh hề vội vàng chạy đi,
nhưng anh càng gào thét, múa máy bao nhiêu dân chúng lại càng cười lớn bấy nhiêu,
vì họ nghĩ rằng anh hề đang diễn một màn hài hước.
Thấy không ai tin mình, anh hề giật râu,
giật tóc và bật khóc nức nở, khiến khuôn mặt đầy phấn sáp của anh càng lọ lem hơn. Gào thét hết cả hơi sức, nhưng
chẳng có ai tin anh, cuối cùng ngọn lửa cháy lớn lan tới thiêu hủy cả làng ra
tro.
Sống đạo là truyền đạo. Ai cũng biết rằng
không có lời rao giảng nào hùng hồn hơn chứng tá của cuộc sống ; không sứ điệp
nào đáng tin hơn là gương sáng. Không gì khôi hài bằng đi loan báo tin buồn với
khuôn mặt một anh hề, và cũng không gì khôi hài bằng mang tin vui với bộ mặt u
buồn của người đi đưa đám.
Nhiều khi trong cuộc sống đạo, chúng
ta cũng mang lấy bộ mặt của những anh hề. Sứ điệp mà chúng ta loan báo không được
đón nhận, bởi vì cung cách chúng ta không
phù hợp với nội dung của sứ điệp ấy. Chúng ta loan tin vui cứu độ, nhưng chúng
ta có bộ mặt của những người không được cứu rỗi. Chúng ta loan báo tin vui của
bác ái, hòa bình, nhưng cuộc sống chúng ta lại chỉ có những hành động của oán
thù, ích kỷ, chiến tranh, hận thù (Chờ đợi
Chúa, tr 147).
Để kết thúc, chúng ta hãy nghe một đoạn
văn trích từ lá thư thánh Phanxicô Xavie gửi cho thánh Inhaxiô Loyola, bề trên
của ngài :
“Con thường cảm thấy bị thôi
thúc muốn đi đến các đại học Âu châu đặc biệt là đại học Sorbonne ở Paris và la
lên như một gã điên cho những kẻ giầu tri thức hơn là thiện chí để yêu cầu họ sử
dụng tri thức của họ sao cho có lợi ích... Phải chi trong khi nghiên cứu về các
nhân văn họ cũng đồng thời nghiên cứu sổ kế toán mà Thiên Chúa sẽ đòi hỏi họ về
tài năng Ngài đã ban cho họ ! Lúc đó nhiều người hẳn sẽ xúc động thốt lên :”Lạy
Chúa, này con đây, Chúa muốn bảo con làm gì” ?
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt