CHÚA
NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN A
HIỀN
LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
+++
A. DẪN NHẬP.
Ngày nay, người ta say mê quyền lực và
muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, muốn sai khiến người khác theo ý
mình. Con người có khuynh hướng trở nên
kiêu ngạo. Người ta co ùdị ứng khi nói đến lời dạy “ hiền lành khiêm nhường “của Đức Kitô, nhất là khuyên chúng ta hãy
thực hiện đức tính này.
Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta cần đi
bước theo chân Chúa Kitô. Người đã đến
chia sẻ kiếp người của chúng ta, Người đã đi đến mức cùng của việc tự hạ : sống
chung thân phận với người nghèo khổ, như người tôi tớ rốt hết. Hiền lành và khiêm
nhường là những đức tính mà Chúa Giêsu đã thực hiện trước và khuyên các môn đệ
hãy đem ra thực hành :”Các con hãy học cùng
Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Thực ra, truớc Chúa Giêsu mấy trăm năm,
nhà hiền triết Lão Tử cũng đã đưa ra chủ trương:”Nhu nhược thắng cương cường”
: lấy mềm dịu thắng cứng rắn (nhu thắng cương, nhược thắng cang). Đây là một chủ
trương mới lạ, khó được chấp nhận, chỉ những người có tâm hồn cao thượng mói hiểu
và chấp nhận được chủ trương này. Hôm nay chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu
rất gần với chủ trương của Lão Tử. Và trong thực tế, có rất nhiều người đã thực
hiện lời khuyên của Chúa Giêsu. Họ đã thành công và đã để lại tấm gương sáng muôn
đời cho nhiều người. Chúng ta hãy nhớ lại
lời khuyên của Chúa Giêsu trong “Tám mối phúc thật” :”Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ dẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài
đọc 1 : Dcr 9,8-10.
Trong thời Chúa Giêsu, người ta đang
trông chờ Đấng Messia đến cứu dân Người với hình ảnh là một Đấng Messia đầy quyền uy, dùng võ khí để tái
lập hoà bình. Nhưng tiên tri Giacaria lại loan báo cho dân thành Giêrusalem biết
: Đấng Messia không đến trong quyền uy với võ khí hủy diệt, nhưng đến với một
thứ võ khí đặc biệt là “hiền lành và khiêm
nhường”.
Theo đó, Đấng Messia sẽ đến cũng là một
vị Vua nhưng là vị Vua có những đức tính khác biệt :
. Ngài không phải là vị vua chiến
tranh nhưng là hòa bình.
. Ngài rất khiêm nhường, không ngồi trên
lưng ngựa mà trên lưng lừa.
. Ngài rất hiền lành : không muốn giết
chết mà chỉ muốn cứu sống.
Đức Giêsu sẽ hoàn tất việc mong chờ này
vào ngày lễ Lá, khi Người vào thành Giêrusalem trên lưng một con lừa, như những
người nghèo.
+ Bài
đọc 2 : Rm 8,9.11-13.
Đây là đề tài phụ. Thánh Phaolô nhắc
cho chúng ta rằng khi được chịu phép rửa tội, chúng ta thực sự đã trở nên môn đệ Chúa Kitô và để phục sinh với
Người chúng ta phải sống theo thần khí của Người (tức là Thánh Thần) chứ đừng “sống theo xác thịt’ là mọi khuynh hướng xấu sẵn có trong chúng ta.
Ai sống đời sống cũ tức là sống theo xác
thịt sẽ bị dẫn đến sự chết. Còn ai sống đời sống mới tức là sống theo Thánh Thần
sẽ được dẫn tới sự sống vĩnh cửu.
+ Bài
Tin mừng : Mt 11,25-30.
Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta có
thể tìm thấy hai ý tưởng chính :
a) Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Người
qúi chuộng những kẻ bé mọn và khiêm nhường. Chính Người đã tiết lộ bí mật của
Người cho họ trong khi Người lại giấu không cho những người khôn ngoan và quyền
thế biết được những điều ấy. Vì sao ? Vì các luật sĩ và biệt phái đáng lẽ ra phải là những người đầu tiên nhận ra rằng Chúa
Kitô là sứ giả của Thiên Chúa. Nhưng sự hiểu biết về Sách Thánh của họ đã làm
cho họ đầy kiêu căng, một thứ vật cản.
b) Sang phần sau, Chúa Giêsu cho biết,
vì không tự mãn, những trí óc khiêm nhường của những kẻ bé mọn lại được mở
ra ngay từ đầu đối với những mầu nhiệm của
Chúa. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa và đón nhận lời Người.
Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên
những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của
Ngài” tức là “hãy học cùng Ngài” về hai đức tính căn bản là “Hiền lành và khiêm
nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.
B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Người
hiền lành khiêm nhường
Trong phần thực hành lời Chúa, chúng
ta chỉ bàn đến lời khuyên của Chúa trong phần thứ hai của bài Tin mừng : “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường
trong lòng”.
I NÓI VỀ HIỀN LÀNH VÀ
KHIÊM NHƯỜNG.
1.
Nói về hiền lành.
Hiền lành hay hiền hậu là con người tốt lành, không độc ác, nhưng có
lòng thương người , có đức hạnh và hay làm điều thiện. Ví dụ : Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong
Kinh thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên
ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên
ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo.
Hiền lành thì phải tránh tính nóng nảy.
Trong đời sống hằng ngày, người có quyền bính đều xử dụng tính nóng nảy của
mình đối với người khác, có khi còn “giận
cá băm thớt”. Người ta từng nói :”No mất ngon, giận mất khôn”. Cho nên, để
luôn luôn tự cảnh giác, ông Nguyễn đình
Giản, thời Lê mạt, đã viết vào một mảnh giấy, dán lên chỗ ngồi giải trí, câu
này :
Tảo cấp
tắc bại sự
Nóng tính thì hỏng việc.
2. Nói về khiêm nhường.
Theo chữ thì Khiêm nhường hay khiêm nhượng
là nhún nhường không khoe khoang, hạ mình xuống một chút. Căn bản của khiêm nhường là biết mình “là” thế nào : từ đó không muốn tỏ ra hơn
cái “là” ấy ; và giả như người khác
có coi mình kém hơn cái “là ấy” thì
mình cũng không màng tới. Điều quan trọng là sống thanh thản và thành thật đúng
với cái “là” của mình.
Khiêm nhường trái ngược với kiêu
ngạo. Kiêu ngạo là muốn tự cho mình vượt quá cái “là” của mình và bắt người ta phải công nhận như vậy. Người kiêu ngạo
được coi là người VIỆT VỊ trong
bóng đá vì đã vượt quá vị trí của mình. Dĩ nhiên, cầu thủ “việt vị” thì đều bị trọng tài phạt.
Truyện : hoàng đế Napoléon kiêu ngạo.
Trong trận đánh Nga, hoàng đế Napoléon
đã mơ tưởng thu phục cả Ân độ, và với lòng kiêu căng vô biên, nhà vua đã cho đúc
một thứ huy chương có dòng chữ này :”THIÊN ĐÀNG LÀ CỦA CHÚA, TRÁI ĐẤT LÀ CỦA TÔI”.
Nhưng rồi nhà vua đã mất ngôi báu vì trận Nga này. Sau trận thất bại của nhà
vua, một viên đại tướng Nga cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có một
hình bàn tay đưa ra đám mây và cầm roi đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này
:”CÁI LƯNG LÀ CỦA MÀY, CÁI ROI LÀ CỦA TA”.
Và như thế, vị hoàng đế kiêu ngạo, sau này trong nơi vắng vẻ bị tù đầy ở
đảo Sainte Helène có thể suy nghĩ về chân lý về những lời này của Chúa :”Kẻ nào đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào
hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12).
II. NGƯỜI ĐỜI NGHĨ
THẾ NÀO ?
Tùy theo quan niệm của người ta, hiền
lành nhịn nhục có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Nhưng
cũng có rất nhiều người coi đó là thái độ anh
hùng đáng ca tụng. Phải là một con người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới
có thể thực hiện được.
1. Thái độ hèn nhát.
Ngày nay sự hiền lành dễ thương không
còn được đánh giá cao như trước. Trước đây lời khen ngợi tốt nhất mà ta có thể
trao tặng cho kẻ khác là gọi họ là “người
hiền lành dễ thương”. Nhưng ngày nay, bạo lực lại phổ biến hơn hiền
lành dễ thương. Truyền hình đã làm cho bạo
lực có rất nhiều khán giả bằng những chương trình Nielson rất phổ biến (bên
Mỹ).
Nếu thi sĩ Alfred de Vigny coi cầu nguyện và than vãn là thái độ hèn yếu, thì đối
với ông và với nhiều người khác, họ nghĩ sao với lời Chúa :”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” ? Có lẽ họ muốn theo cách hành động của anh chàng
Tân Ti Tụ suốt đời không chịu để cho ai làm nhục .
Truyện : Anh chàng Tân Ti Tụ.
Đời Trang Công nuớc Tề có người tên là
Tân Ti Tụ đêm nằm mơ thấy một chàng cao lớn đội mũ trắng đi giầy mới, mặc quần
gai, áo vải, đeo gươm tự dưng đến nhà mắng, nhổ vào mặt mà đi.
Tân Ti Tụ giật mình thức dậy, tuy biết
chiêm bao nhưng vẫn tức tối, suốt đêm bực rọc khó chịu, không ngủ được.
Sáng dậy, Tân Ti Tụ mời một bạn thân đến
nói rằng :
- Bác ạ, tôi từ nhỏ đến giờ vẫn là kẻ
hiếu dũng, nay sáu mươi tuổi rồi mà chưa hề chịu ai làm nhục, thế mà đêm qua bị
một đứa, tôi phải đi tìm để báo thù, nếu thấy thì hay, còn không tôi chết mất.
Thế rồi từ hôm ấy, sáng nào Tân Ti Tụ
cũng cùng bạn ra đứng ngoài đường cái để rình. Rình mãi ba ngày không thấy, rút
cục Tân Ti Tụ phải uất lên mà chết.
(Thái Bạch, Đông tây
kim cổ tinh hoa, 1965, tr 134)
2. Thái độ can đảm
Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm
thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc thánh nhân, hiền nhân quân
tử có cái nhìn khác hẳn. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động
như các vị đó.
Thánh Francois de Sales nói :”Tất cả
đều được chinh phục bởi hiền dịu chớ không phải bạo lực”.
Nhà hiền triết Mạnh Tử nói :”
Thiên
đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân
Đạo trời không riêng một người, Luôn gia ân
cho kẻ hiền lành.
Ông Tô đông Pha, một văn
sĩ Trung hoa thời xưa nói rất chí lý :
“Chỗ mà người xưa gọi là hào
kiệt, ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhân tính có chỗ không thể nhịn được.
Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó
chưa đủ gọi là dũng. Kẻ Đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những
việc phi thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận.
Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.
Để làm nổi bật cái triết lý “Nhu nhược thắng cương cường” trong phương
diện cách mạng, ông Nguyễn duy Cần
trong cuốn “Cái Dũng của thánh nhân” đã đề cập đến cuộc giải phóng Ấn độ do ông
Gandhi điều khiển. Chính sách đề kháng bất bạo động của Gandhi đã làm cho thế
giới hết sức ngạc nhiên và thán phục. Đâu
phải người ta không biết dùng bạo động, nhưng vì người ta cho đó là còn hạ sách.
Ông Gandhi nói :”... Tôi tin rằng
Ấn độ không phải là vô lực. 100.000 người Anh làm gì mà đến 300 triệu người Ấn
kia phải sợ ? Bất bạo động đâu phải chịu lụy kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là
dùng sức mạnh của cả tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài”.
Một người như thế thôi cũng đủ khiêu
khích cả một đế quốc và làm cho nó “tan tành nghiêng ngửa”.
Truyện : Lạn Tương Như và Liêm Pha.
Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc.
Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ
gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi... Một hôm Tương
Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh
vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như :
- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến
đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm
tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại,
đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá thế vậy ? Chúng
tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi không ở nữa.
Tương Như nói :
- Các ngươi xem tướng quân có hơn được
vua Tần không ?
Bọn xá nhân đáp :
- Không.
Tương Như nói :
- Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai
dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần
nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm
tướng quân ư ? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm
tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất
thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là
trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.
Bọn xá nhận mọp lạy mà rằng :
- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì
hiểu nổi đại chí của tướng công.
Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của
Tương Như cả thẹn mà rằng :”Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội
với Tương Như, qùi mọp mà rằng :”Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung,
nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống
chết với nhau.
(Nguyễn duy Cần, Cái DŨNG của
thánh nhân, 1958, tr 162-163)
III. CHÚNG TA NGHĨ
SAO ?
Mỗi người phải lựa chọn cho mình một hướng
đi. Chúng ta phải có lựa chọn nào trước lời Chúa dạy :”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” ? Thái độ
của người hiền lành là hèn nhát hay can đảm ?
Đối với chúng ta, sự hiền lành và khiêm
nhường của Đức Giêsu đã làm cho không biết bao người đương thời với Chúa Giêsu
và bao thế hệ sau này ngỡ ngàng và kinh ngạc.
Truyện : BEN HUR
Nhà văn Lewis Wallace trong tác phẩm BEN HUR cũng nói lên tâm tư sững
sờ trước sự khiêm nhường sâu thẳm của Đức Kitô :
Ben Hur khi chứng kiến cảnh Đức Kitô bị
Giuda phản nộp và bị các tên lính bắt trói, chàng hăm hở tiến đến gần Chúa Giêsu
và hỏi :
- Lạy Thầy, hãy nghe tôi, có phải Thầy
tự ý muốn đi theo bọn lính và các giáo sĩ hay không ?
Đức Giêsu lặng thinh.
- Lạy Thầy, tôi có một binh đoàn quân
Galilê trong thành phố này. Hãy ra lệnh đi, họ sẽ phục tùng Thầy. Thầy có thuận
không ?
Đức Giêsu vẫn một mực cúi nhìn đăm đăm
xuống đất.
- Lạy Thầy, một lời thôi, một lời của
Thầy thôi, tất cả sẽ theo Thầy...
Đức Giêsu vẫn im lặng, đến nỗi Ben Hur
ngã vật xuống bờ sông Cédron và thốt lên :
- Người Nazareth, hỡi người Nazareth,
thế thì thông điệp của Người mang ý nghĩa gì ?
Mang
một ý nghĩa gì ư ? Đó là “Hãy học cùng
Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đó là thông điệp mà Đức Giêsu gửi cho mọi người chúng ta. Ngài
đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Ngài thôi.
Qua những tư tưởng trên, chúng ta thấy
cái hiền lành khiêm nhường của Đức Kitô không là một sự nhu nhược nhát đảm, nhưng
đó là đức tính của những vĩ nhân, của những bậc đại thánh. Bởi vì chính tính
khí kiêu căng đã làm cho thế giới bị đảo lộn, hận thù ghen ghét, chiến
tranh. Những kẻ kiêu căng tự mãn là những
tiểu nhân, hèn mọn, còn những tâm hồn hiền lành khiêm nhường là bậc anh hùng vì
họ đã anh dũng chiến thắng được bản thân với những tính tự ái ích kỷ hẹp hòi. Đó mới là cuộc chiến quan trọng, và cái chiến
thắng của cuộc chiến đó mới đáng kể.
Truyện : Đức Gioan 23 và bức thư.
Lúc được phong chức Tổng giám mục, Đức
Cha Roncalli là khâm sứ Toà thánh kiêm đại diện Tông tòa quản trị các giáo phận
ở Bungari và Thổ. Công việc của ngài rất
khó khăn, vì phải trông coi một vùng rộng lớn đang sôi động về mặt chính trị,
chia rẽ về mặt tôn giáo, Công giáo với Tin lành, Chính thống, Hồi giáo, các
linh mục triều lại chia rẽ với các tu sĩ.
Trong lúc thi hành công việc mục vụ, Đức
Tổng giám mục Roncalli nhận được một bức thư nặng lời chê bai chỉ trích Ngài về
mọi mặt, do tay một linh mục bất mãn viết.
Đọc xong, Đức cha Roncalli không nói một lời, lòng vẫn tha thiết yêu vị
linh mục ấy.
Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức sứ thần Toà thánh tại Paris, rồi hồng y giáo
chủ Vênêcia, và cuối cùng đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Gioan 23 năm 1958.
Linh mục bất mãn viết thư năm nào vẫn
còn sống. Về sau để ngài tháp tùng với
giáo dân sang Rôma và xin được yết kiến Đức Giáo hoàng.
Linh mục ấy đã thuật lại cuộc tiếp kiến
riêng tư với Đức Giáo hoàng :
“Trong lúc đứng ở phòng khách
trên lầu cao Vatican, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thư bất mãn năm xưa mà lòng tôi
vô cùng hối hận. Tôi trộm nghĩ, đã mấy chục năm trời qua rồi, giờ đây chắc hẳn Đức
Thánh Cha không còn nhớ gì... Nhưng ai ngờ, sau khi tiếp chuyện thân mật, Đức
Thánh Cha với lấy cuốn Kinh thánh và lôi ra trước mặt tôi bức thư khốn nạn ấy. Đang
khi tôi lo âu lúng túng, Đức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo :”Con
đừng hoảng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người,
cũng yếu đuối, cha ngăn bức thư con viết vào cuốn Thánh kinh để hằng ngày đọc vào
đó mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, hoặc xa
tránh những lầm lỡ có thể xẩy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến
con và cầu nguyện cho con”.
Trong bài “Anh hùng” được chia sẻ với
giới trẻ hạt Đức trọng, tôi đã đề cập đến câu định nghĩa về anh hùng của Vương Thông, theo đó :
ANH
là người tự biết mình.
HÙNG là người tự thắng mình.
Vậy người thực hiện được lời Chúa dạy
:”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm
nhường trong lòng” phải là vị anh hùng
vì họ đã tự biết mình và đã thắng được mình, thắng được tính nóng nảy và hay trả
thù của mình. Đứng trước tấm gương của
những người hiền lành nhịn nhục, không ai dám coi họ là những người hèn nhát mà
phải suy tôn họ là anh hùng.
Trong bài giảng “Tám mối phúc thật” ,
Chúa Giêsu đã khẳng định :”Phúc cho ai có
tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi
là con Thiên Chúa”. Nếu người ta nói
:”Cha nào con ấy” thì chúng ta phải
nghĩ thế nào khi chúng ta là con cái Chúa ?
Nếu Cha chúng ta là Đấng hiền lành khiêm nhường, còn chúng ta là con, thì
không thể nào đi ra khỏi con đường Chúa đã vạch ra cho chúng ta. Bài học đã có
sẵn, chúng ta chỉ việc đưa ra thực hành.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt